Lời nguyện cầu của Xinthiơ và Uyl được toại vào năm 1895 với sự ra đời của một đứa con gái khỏe mạnh mà họ đặt tên là Bơthơ Joóc – “Joóc” đây là tên bố của Uyl. Xinthiơ một mực đòi họp cả nhà lại và trước mặt mọi người, chị kể với đứa bé bi ba bi bô toàn bộ câu chuyện từ đời ông tổ người Phi Kunta Kintê, đúng như ông Tôm đã kể cho tất cả con cái nghe trước đây.Uyl Palmơ tôn trọng lòng thành của Xinthiơ toàn tâm toàn ý tưởng nhớ tới tổ tiên, nhưng lòng tự tôn của anh bị tổn thương sâu sắc vì nỗi bị coi là chịu về làm rể trong gia đình Xinthiơ chứ không phải Xinthiơ về làm dâu trong gia đình mình. Có lẽ vì thế mà anh bắt đầu độc chiếm bé Bơthơ ngay từ trước khi nó biết đi. Sáng nào anh cũng bế nó dạo quanh trước khi đi làm. Đêm nào anh cũng quấn chăn mền cho bé trong chiếc giường cũi mà anh đã tự tay đóng cho nó.Khi Bơthơ lên năm, mọi người khác trong gia đình và số đông trong cộng đồng da đen ở thị xã thường dẫn lời Xinthiơ và phát biểu ý kiến riêng cũng nhất trí với chị: “Uyl Palmơ chiều con bé đủ thứ tùm lum!” Anh đã thu xếp để có sổ nợ ở mọi cửa hàng bánh kẹo ở Henninh và anh thanh toán hàng tháng, tuy nhiên anh bắt nó lên một bảng “kế toán” mà anh trịnh trọng kiểm tra để dạy nó “kinh doanh”. Vào dịp sinh nhật mười lăm tuổi của Bơthơ, Uyl mở cho cô bé một tài khoản ở hãng Xia, Râubắc tận Tsicơgâu để cô có thể đặt bất kỳ thứ gì cô ưng ý trong “catalôg”.Sau đó, cũng năm ấy, Uyl thuê một ông thầy tận Memphix hàng tuần đến dạy Pianô cho Bơthơ. Cô là một học trò có năng khiếu và chẳng bao lâu đã đệm đàn cho dàn đồng ca ở Nhà Thờ Tân Giáo Giám Lý cho người da màu và Uyl là quản trị trưởng và Xinthiơ là chủ tịch vĩnh viễn của Ban nữ quản lý.Khi Bơthơ học hết lớp tám ở địa phương vào tháng 6 năm 1909, một điều đương nhiên là cô phải rời Henninh để đi học tiếp ở Viện Lêin (do Nhà Thờ Tân Giáo Giám Lý do người da màu trợ giúp) tại Jêchxơn, bang Tennexi, cách đây ba mươi dặm về phía đông, có từ lớp chín cho đến hết hai năm cao học.“Con gái ạ, con không cách nào biết được... việc này có ý nghĩa dư thế nào đâu, trong gia đình nhà ta, bi giờ con là người đầu tiên vào đại học...”“Mẹ, bao giờ con mới có thể làm cho bố, mẹ đừng có nói những chữ như “bi giờ” và “dư” nữa? Con đã bảo phải phát âm là “bây giờ” và “như” cơ mà! Xét cho cùng, sinh ra trường cao đẳng để làm gì chứ? Chả phải để cho “người ta đến học hay sao?”.Khi còn lại một mình với chồng, Xinthiơ khóc. “Lạy chúa, xin Người giúp chúng con soi sáng cho nó. Uyl ạ, rành con nó không hiểu nổi”.“Có lẽ nó không hiểu, lại tốt nhất đấy”, Uyl tìm cách an ủi. “Anh chỉ biết khi mình trút hơi thở cuối cùng, được thấy nó may mắn hơn chúng ta”.Đáp ứng lòng mong đợi của bố mẹ, Bơthơ kiên trì theo hết các lớn trên – học sư phạm để trở thành cô giáo – và cô vừa chơi pianô vừa hát ở ban đồng ca nhà trường.Trong những lần về thăm nhà sau này, Bơthơ bắt đầu nói đến một thanh niên cô đã gặp ở ban đồng ca nhà trường tên là Xaimơn Elichzandơ Heili, gốc từ thị xã Xavannơ, bang Tennexi. Cô kể là anh ta rất nghèo, phải cùng một lúc làm bốn loại công việc linh tinh để có đủ tiền theo học khoa nông nghiệp tại trường. Thấy Bơthơ tiếp tục nói chuyện về anh ta, một năm sau, 1913, Uyl và Xinthiơ bèn gợi ý là cô nên mời anh ta về Henninh thăm bố mẹ để ông bà có thể tự mình đánh giá.Vào cái hôm chủ nhật có tin đồn là “bồ của Bơthơ từ trường cao đẳng” sẽ tới chầu lễ, nhà thờ Tân Giáo Giám Lý cho người da màu mang tên Niềm Hy Vọng Mới chật ních người. Anh ta đến, dưới sự quan sát chăm chú không những của Uyl và Xinthiơ Palmơ mà cả của toàn thể cộng đồng da đen. Nhưng xem ra anh ta là một thanh niên rất tự tin. Sau khi đơn ca bài “Trong vườn Thiên Đàng” bằng giọng nam trung, với Bơthơ đệm pianô, anh thoải mái nói chuyện với tất cả những người xúm lại quanh anh trong sân nhà thờ, anh nhìn thẳng vào mắt mọi người, rắn rỏi bắt tay tất cả cánh đàn ông và ngả mũ chào tất cả các bà, các cô.Tối hôm ấy Bơthơ và anh chàng Xaimơn Elic Heili của cô cùng đi xe buýt về trường cao đẳng Lêin. Trong những cuộc bàn cãi sau đó trong cộng đồng, về mặt công khai, không ai thấy có gì chê trách anh ta được. Tuy nhiên, nói riêng với nhau, một số tỏ ra băn khoăn về màu da gần như rất sáng của anh. (Anh đã tâm sự với cô Bơthơ da nâu sẫm rằng bố mẹ anh – trước kia là nô lệ – cho biết bà nội, bà ngoại anh là nô lệ, còn ông nội, ông ngoại anh đều là người Ailen da trắng). Nhưng tất cả đều nhất trí rằng anh hát hay; rằng anh có vẻ là con nhà gia giáo và không hề tỏ vẻ lên mặt vì có học thức.Heili bỏ ra một mùa hè làm phu khuân vác hành lý trên những toa tàu Pulman[1] dành từng xu để có thể chuyển sang trường đại học nông nghiệp ở Grinxborâu, Bắc Carôlinơ, hằng tuần trao đổi thư từ với Bơthơ. Khi xảy ra thế chiến 1, anh và tất cả bạn trai trong lớp sắp tốt nghiệp đồng loạt gia nhập quân đội Hoa Kỳ và chẳng bao lâu, thư từ anh gửi cho Bơthơ đều từ Pháp đến; tại đây, năm 1918, anh bị hơi độc trong khu rừng Acgon. Sau nhiều tháng điều trị tại một bệnh viện bên kia đại dương, anh được đưa về nước dưỡng bệnh và năm 1919, hoàn toàn bình phục, anh trở lại Henninh, rồi cùng với Bơthơ tuyên bố hứa hôn.Lễ cưới của họ, cử hành ở nhà thờ Tân Giáo Giám Lý cho người da màu mang tên Niềm Hy Vọng Mới vào mùa hè năm 1920, là sự kiện xã hội đầu tiên ở Henninh có cả người da đen và da trắng cùng dự – không những vì Uyl Palmơ giờ đã ở trong số những công dân nổi bật nhất của thị xã, mà còn vì bản thân cô Bơthơ hoàn hảo cũng là một nhân vật mà mọi người ở Henninh đều nhìn bằng con mắt tự hào. Cuộc tiếp tân được tổ chức trên bãi cỏ rộng, thoai thoải trong ngôi nhà mười buồng mới toanh của vợ chồng Palmơ, bao gồm cả một phòng nhạc và một thư viện. Một bữa tiệc được dọn ra mời khách; quà mừng chất đống, nhiều hơn cả số lượng thường thấy ở ba đám cưới trung bình; có cả một chương trình biểu diễn của toàn ban hợp xướng trường cao đẳng Lêin – chính trong đội ngũ của nó, đôi vợ chồng mới ngây ngất hạnh phúc này đã gặp nhau lần đầu. Một chiếc xe buýt do Uyl Palmơ thuê từ Jêchxơn đã chở Ban hợp xướng đến.Chiều hôm ấy, nhà ga xe lửa nhỏ bé của Henninh tràn ngập người khi Xaimơn và Bơthơ đáp chuyến tàu Trung tâm Ilinoi đưa họ đi suốt đêm tới Tsicơgâu, ở đó họ chuyển sang một tàu khác đi tới một vùng gọi là Ithơcơ, Niu Yoóc. Xaimơn sẽ học tại trường “Đại học Conel” để lấy bằng cử nhân nông nghiệp và Bơthơ sẽ vào “Nhạc viện Ithơcơ” ở gần đấy.Trong khoảng chín tháng, Bơthơ viết thư về nhà đều đặn, kể những thực tế phấn khởi họ đã trải ở nơi xa này và cho biết họ sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng rồi đến đầu mùa hè năm 1921, thư của Bơthơ bắt đầu thưa dần, cho đến khi Xinthiơ và Uyl, cuối cùng, đâm rất lo là có cái gì không ổn mà Bơthơ không nói cho ông bà hay. Uyl đưa Xinthiơ năm nghìn đôla để gửi cho Bơthơ, dặn cô cứ việc dùng theo sự cần thiết của hai vợ chồng mà không cần nói cho Xaimơn biết. Thế nhưng thư của cô con gái lại càng ít hơn và đến cuối tháng tám, Xinthiơ bảo với Uyl cùng các bạn thân thiết rằng bà sẽ đích thân đi Niu Yoóc để xem binh tình ra sao.Hai ngày trước khi Xinthiơ định lên đường, một tiếng gõ cửa vào lúc nửa đêm khiến hai vợ chồng hốt hoảng thức giấc. Xinthiơ ra khỏi giường trước, vớ lấy chiếc áo choàng, Uyl theo sát đằng sau. Đến cửa buồng ngủ, bà có thể nhìn qua tấm cửa kính phòng khách thấy hai bóng người dưới trăng, Bơthơ và Xaimơn, ở cổng trước. Xinthiơ rú lên và nhảy xổ ra mở toang cửa.Bơthơ bình thản nói: “Chúng con xin lỗi là đã không viết thư, chúng con muốn mang đến cho bố mẹ một món quà bất ngờ...” cô chìa cho Xinthiơ cái bọc quấn mền cô ẵm trong tay. Tim đập thình thình và với Uyl nghi nghi hoặc hoặc nhìn chăm chăm qua vai bà, Xinthiơ kéo nếp gấp trên cùng của tấm mền xuống, để lộ ra một khuôn mặt tròn, nâu...Đứa bé trai mới được sáu tuần ấy, chính là tôi.Chú thích[1] Loại to sang trọng, bố trí thành buồng ngủ, buồng khách