Dịch giả: Dương Tường
Chương 55

Suốt mấy ngày sau, trong khi làm việc ở vườn, Kunta nghĩ rất nhiều về việc anh đã phải mất bao nhiêu lâu mới nhận ra rằng mình hiểu biết quá ít về bác vĩ cầm và còn có bao nhiêu điều cần phải biết thêm về bác ta. Qua suy nghĩ, anh hầu như chắc chắn rằng ông lão làm vườn, mà thi thoảng anh vẫn đến thăm, cũng còn mang một cái mặt nạ không kém kín đáo, che giấu nhiều điều đối với anh. Và anh cũng chẳng biết gì nhiều hơn về Bel tuy anh và chị ta ngày ngày vẫn chuyện trò trao đổi tí chút – hay, nói cho đúng hơn, Kunta nghe là chính trong khi ăn những thức chị cho anh; song bao giờ cũng là những vấn đề nhỏ nhặt, không có gì là riêng tư. Anh chợt nghĩ ra là đôi khi cả Bel và ông già làm vườn đã khơi mào một chuyện gì, hoặc nói bóng gió đến một cái gì, nhưng rồi cứ lấp lửng không bao giờ nói cho hết. Nói chung, cả hai đều là người thận trọng, nhưng hình như đối với anh họ lại càng thận trọng đặc biệt. Anh quyết định phải tìm hiểu cả hai kỹ hơn. Lần sau đến thăm ông lão làm vườn, Kunta mào đầu theo kiểu gián tiếp của người Manđinka bằng cách hỏi về một điều bác vĩ cầm đã nói với anh. Kunta bảo đã nghe nói về bọn “tuần cha tuần bố” song anh không biết rõ bọn này là ai hoặc là cái gì.
 
“Đấy là đám cùng đinh da tắng nghèo hèn, thuốt đời không có nấy một nhọ nào nàm của riêng cả!” ông cụ làm vườn sôi nổi nói. “Có một nuật cũ của bang Vơginia định rằng phải tuần tra đường sá hoặc bất cứ nơi nào có bọn nhọ, và đánh roi và bỏ tù bất cứ nhọ nào không có giấy phép viết do các me-xừ cấp. Và phải thuê ai nàm việc ấy? thôi thì thuê tụi da tắng nghèo chỉ thích bắt bớ, đánh đập bọn nhọ của người khác bỉ chưng tụi này chả có nhọ nào cả. Đằng sau cái đó, cháu hiểu không, tất cả bọn da tắng đều sợ chết khiếp nà nhỡ có nhọ nào xổng ra định nàm noạn thực ra không có gì để bọn tuần tra tuần bổ thích hơn nà hô hoán tình nghi một tên nhọ nào đó và xông vào nột tần tuồng nó ngay trước mặt vợ con nó và đánh nó vãi máu ra”.
 
Thấy Kunta chăm chú nghe và hài lòng về việc anh đến thăm, ông lão làm vườn nói tiếp: Me-xừ của ta không phải người dư thế. Thành thử y không có “xú-ba-dăng” nào cả. Y bỉu y không muốn có ai đánh bọn nhọ của y. Y bỉu bọn nhọ của y tự mình giám xị nấy mình, chỉ cần nàm việc, biết sao nàm vậy và đừng bao giờ phá nệ của y”.
 
Kunta thắc mắc không hiểu những lệ đó là như thế nào, song ông lão làm vườn vẫn tiếp tục nói: Duyên do me-xừ dư vậy nà bỉ gia đình y vốn dĩ đã giàu từ tước khi rời cái  nước Anh bên kia bờ nước sang đây. Gia đình nhà Uolơ thưa nay bao giờ cũng nà thế, mà phần nớn các me-xừ khác chỉ cố bắt chước được dư họ thôi. Bỉ chưng phần nớn các me-xừ này chả nà cái quái gì, dặt dững tay săn gấu trúc Mỹ dớ được một mảnh đất và một vài nhọ, bắt chúng nàm chí chết, và từ đó phất nên mà thôi.
 
“Chả mấy đồn điền có được hàng nô hàng nốc nô nệ đâu. Phần lớn chỉ có từ một đến năm hay sáu nhọ thôi, bất kỳ nơi nào dễ thường cũng vậy. Ở đây, bọn ta dững hai chục mống nà thành một đồn điền to ra dáng rồi. Cứ ba người da tắng thì có hai không có tên nô nệ nào cả, nà não nghe nói thế. Dững đồn điền thực nà to, với năm mươi hay một trăm nô nệ, phần nớn nà ở dững vùng đất đen, dững nơi đầu nguồn cuối sông dư Luizana, Mitxippi và Alabama cũng có một số; và dững vùng bờ biển dư Jóoojơ và Nam Calina nữa, ở đấy người ta trồng núa mà”.
“Cù mấy nhiêu già?” Kunta bỗng hỏi độp một cái.
 
Ông lão làm vườn nhìn anh. “Già hơn nà cháu hoặc bất cứ ai tưởng”. Ông cụ ngồi như trầm ngâm suy tưởng một lúc, “Hồi nhỏ, não đã từng nghe tiếng hú xung trận của người da đỏ”.
 
Sau một lát im lặng cúi đầu, cụ ngước nhìn Kunta và cất giọng hát: “Ah, yah, tair, umban, booiwah…” Kunta ngồi ngây ra, sửng sốt. “Kee la zee day nic olay, man lun đee nic olay ah wah nee…” Ông lão dừng lại nói: “Xưa kia, mẹ não thường hát bài ấy. Kể nà mẹ học qua bà quê ở bên Phi, cũng dư cháu í. Cháu nghe dững tiếng í có biết được gốc gác bà cụ ở đâu không?”
“Nghe dư bộ lạc Xêrer”, Kunta nói. “Dưng mà cháu không hiểu lời. Cháu đã nghe người Xêrer nói trên cái tàu đưa cháu tới đây”
Ông lão làm vườn lấm lét nhìn quanh. “Cháu phải ngậm miệng giữ kín chuyện hát hỏng này. Nhỡ nhọ nào nghe thấy và đi mách me-xừ. Người da tắng không muốn dân nhọ nói tí tiếng Phi nào”.
Kunta đã sắp sửa nói rằng ông lão rành rành là một người đồng hương Gămbia mang dòng máu Jôlôf, tộc này có mũi cao, môi bẹt và da còn đen nhánh hơn hầu hết các bộ lạc khác ở Gămbia. Nhưng khi ông lão làm vườn nói những lời vừa rồi, anh quyết định không nên nói những điều như vậy. Cho nên anh chuyển đầu đề câu chuyện và hỏi ông lão từ đâu tới và làm sao cuối cùng lại cắm ở nơi này. Ông già làm vườn không trả lời ngay. Nhưng rồi cuối cùng, ông nói: “Một nhọ đã khổ cực nhiều dư não, học được ói thứ”, và ông cụ thận trọng nhìn vào Kunta, vẻ như đang cân nhắc xem có nên nói tiếp hay không “Não đã có một thời tai tể. Dạo í, não có thể uốn cong một thanh xà beng trên cẳng chân. Não có thể vác một bao tải bột nặng đến nàm gục ngã một con nai. Hoặc giả não có thể giơ thẳng tay nắm chặt thắt nưng một gã nền ông mà nhấc bổng nên. Dưng não phải nàm nụng và bị đánh đập gần chết tước khi chủ cũ của não ký giấy gán não cho me-xừ này để trả nợ”, ông cụ ngừng một lát. “Bi giờ não đã yếu, còn sống thêm được chừng nào, não chỉ muốn nghỉ ngơi”.
Đôi mắt ông lão lục soát Kunta. “Quả thật không biết nàm sao não nại đi nói chuyện này với cháu. Thực tình não không đến nỗi ốm yếu dư não làm ra vẻ thế đâu. Dưng mà me-xừ sẽ không bán não đi chừng nào y còn ngỡ nà não ốm yếu. Não thấy cháu đã biết cách nàm vườn đôi chút”. Ông cụ ngập ngừng. “Não có thể tở ra ngoài í giúp cháu, nếu cháu muốn – dưng mà chẳng được nhiều nhặn nắm đâu. Não chẳng mấy được việc nữa rồi”, ông cụ buồn rầu nói.
Kunta cảm ơn ông lão đã ngỏ ý muốn giúp mình nhưng nói để ông yên tâm rằng anh có thể làm được chu tất. Mấy phút sau, anh cáo lui và trên đường về lều riêng, thấy tự giận mình đã không biết thương cảm ông già hơn nữa. Anh ái ngại cho ông cụ đã trải biết bao cơ cực, song không khỏi lạnh lùng thờ ơ với bất kỳ ai đành phận buông xuôi và đầu hàng.
Ngay hôm sau, Kunta quyết định thử xem có thể gợi chuyện cả Bel nữa không. Vì biết me-xừ Uolơ là đầu đề ưa thích của chị nên anh bắt đầu bằng cách hỏi tại sao ông ta không lấy vợ. “Nhất định là me-xừ đã lấy vợ rồi chứ. Me-xừ lấy cô Pritxilơ, đúng cái năm tui đến đây. Cô í xinh xắn như con chim sâu[1] và cũng nhỏ nhắn như thế, không hơn mấy tí. Thế cho nên đẻ đứa con đầu lòng là cô ấy chết. Nó bé xíu, và cũng chết luôn. Tui cho rằng đó là thời kỳ dễ sợ nhất ở đây. Từ đấy me-xừ đổi khác hẳn, không bao giờ trở lại như cũ nữa. Chỉ lao đầu vào làm việc, làm việc và làm việc, đôi khi tợ như định tự hủy mình. Cứ nghĩ đến ai ốm hay bị thương mà không giúp được là me-xừ không chịu nổi. Một con mèo ốm me-xừ cũng chăm nom sốt sắng y hệt một người nhọ bị đau mà me-xừ nghe nói đến, ví như cái bác vĩ cầm hay trò chuyện mấy anh đó, hay ví như khi anh được mang tới đây chả hạn. Me-xừ tức điên lên vì chuyện họ làm chân anh thế, đến nỗi ông í mua đứt anh khỏi tay chính anh trai mình là Jon. Cố nhiên ông í chả muốn, chính bọn làm thuê đuổi bắt dân nhọ bảo là anh định giết họ”.
Kunta lắng nghe, nhận ra rằng anh mới chỉ bắt đầu biết đánh giá chiều sâu và các khía cạnh cá nhân của những người đen thôi, chứ chưa bao giờ nghĩ là ngay cả người da trắng cũng có những nỗi đau khổ của con người, mặc dù cung cách của họ nói chung là không thể tha thứ được. Anh thấy mình chợt ao ước đủ thông thạo tiếng người da trắng để nói hết những điều đó với Bel – và kể cho chị nghe câu chuyện mà bà già Nyô Bôtô đã kể cho anh về chú bé định giúp con cá sấu sa bẫy, câu chuyện mà bà già Nyô Bôtô bao giờ cũng kết thúc bằng: “Ở đời, làm ơn thường bị trả oán”.
Nghĩ về quê nhà, Kunta nhớ đến một điều mà đã từ lâu, anh muốn nói với Bel, và cái đó dường như là một giây phút tốt đẹp. Ngoại trừ nước da nâu của chị, anh hãnh diện nói với Bel, nom chị gần giống một phụ nữ Manđinka xinh đẹp.
Phản ứng của chị với lời khen nhiệt liệt đó, anh không phải đợi lâu la gì. “Anh nói cái chuyện điên dại gì thế đấy?” chị tức giận nói. “Không biết làm sao mà đám da trắng cứ đi chở hàng tầu cái giống nhọ Phi các anh trút lên bờ!”.
Chú thích:
[1] Nguyên văn: Con chim ruồi.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley