Dịch giả: Dương Tường
Chương 54

Một năm nữa trôi qua, nhanh đến nỗi Kunta khó mà tin được là những hòn sỏi trong quả bầu nói với Kunta rằng anh đã tới vụ mưa thứ hai mươi của đời mình. Lại rét và lại sắp sửa đến “Lễ Giáng Sinh”. Mặc dầu cảm nghĩ của anh đối với Chúa Ala của những người đen này trước sau vẫn thế, nhưng họ vui chơi thoải mái đến nỗi anh bắt đầu cảm thấy có lẽ Chúa Ala của anh hẳn cũng không cấm anh chỉ đơn thuần quan sát những hoạt động diễn ra trong mùa hội hè này.
Hai người nam nhận được giấy phép đi xa cả tuần do Me-xừ Uolơ cấp, đang gói ghém hành lý để đến thăm bạn bè ở các đồn điền khác. Trừ lều của họ – và của Kunta – tất cả đều bận rộn chuẩn bị thứ này thứ khác, chủ yếu là sắp quần áo liên hoan với những giải thêu, chuỗi hạt và lấy hạt dẻ, táo ở những chỗ dự trữ của họ.
Và ở trên ngôi nhà lớn, tất cả nồi niêu, xoong chảo của Bel đều sủi ùng ục những khoai mỡ, thịt thỏ và thịt lợn quay – cùng nhiều món ăn làm bằng thịt những con thú mà trước khi đến cái xứ sở này, Kunta chưa bao giờ gặp hoặc nghe thấy nói đến: gà tây, gấu trúc Mỹ, con opốt có túi và các loại tương tự. Tuy mới đầu còn ngần ngại, song những mùi thơm lưng từ bếp của chị chẳng bao lâu đã thuyết phục Kunta thử nếm tất cả – tất nhiên chỉ trừ thịt lợn. Anh cũng không thích nếm món rượu mà me-xừ Uolơ đã hứa cho những người da đen: hai thùng rượu táo mạnh, một thùng rượu vang, và một thùng nhỏ uýtxki ông ta chở trong xe từ một nơi nào khác tới.
Kunta dám chắc rằng một số rượu đã được bí mật tiêu thụ từ trước, trong đó bác vĩ cầm ngốn không ít. Và cùng với sự múa may quay cuồng của các tay ma men, bọn con nít da đen tung tăng chạy dùng que dí những chiếc bong bóng lợn khô mỗi lúc một sát vào lửa cho đến khi từng cái nổ bùm bụp giữa những tiếng cười reo của tất cả. Anh cho rằng mọi cái đó đều ngớ ngẩn và chán không tưởng tượng được.
Cuối cùng, khi ngày vui đến, cuộc chè chén ăn uống bắt đầu thật sự. Từ cửa lều mình, Kunta theo dõi các khách khứa của me-xừ Uolơ đến dự buổi tiệc trưa và sau đó khi đám nô lệ tập hợp gần ngôi nhà lớn và bắt đầu hát theo giọng lĩnh xướng của Bel, anh trông thấy Me-xừ nâng cửa sổ lên mỉm cười; rồi y cùng những người da trắng khác ra ngoài đứng nghe, xem vẻ như say mê lắm. Sau đó me-xừ sai Bel đi bảo bác vĩ cầm đến đờn cho họ nghe và bác ta làm theo.
Kunta có thể hiểu được là họ phải làm những gì chủ sai bảo, nhưng tại sao họ lại có vẻ thích thú với điều đó đến thế nhỉ? Và nếu bọn da trắng ưa thích những nô lệ của mình đến mức cho họ quà thì tại sai không làm cho họ thật sự sung sướng và thả cho họ tự do đi? Song anh lại tự hỏi: liệu một số người đen nọ, tựa những con cưng, có thể sống sót nổi như anh, nếu không được săn sóc tới?
Nhưng thử hỏi anh có hơn gì họ? Có thật anh khác xa họ đến thế không? Một cách từ từ, nhưng chắc chắn, anh không thể chối cãi rằng mình đang tự buông lơi đến chỗ chấp nhận những lối thói của họ. Anh khó nghĩ nhất về mối tình bạn ngày một sâu của mình với bác vĩ cầm. Việc bác uống rượu làm anh hết sức bất bình, tuy nhiên chẳng lẽ một người vô đạo lại không có quyền là một người vô đạo hay sao? Tính khoe khoang của bác vĩ cầm cũng làm Kunta ớn, song anh tin rằng tất cả những điều bác ta khoe khoang đều có thật. Nhưng cái thói hài hước sống sượng và bất kính của bác vĩ cầm khiến anh khó chịu, và Kunta rất ghét nghe thấy bác vĩ cầm gọi mình là “nhọ” vì anh đã biết đó là cái tên do người da trắng đặt cho người da đen. Song, chẳng phải chính bác vĩ cầm đã tự đảm nhiệm việc dạy anh học nói đó sao? Chẳng phải chính tình bạn của bác đã tạo dễ dàng hơn cho anh đỡ cảm thấy xa lạ với những người đen khác đó sao? Kunta xác định là mình cần tìm hiểu bác vĩ cầm hơn nữa.
Bất cứ lúc nào thích hợp, anh lại kiếm cách quanh co hỏi bác vĩ cầm về một số vấn đề làm anh bận tâm. Nhưng hai hòn sỏi nữa đã được bỏ vào trong chiếc vỏ bầu, rồi một buổi chiều chủ nhật yên tĩnh, mọi người đều nghỉ việc, anh đi xuôi xóm nô tới căn lều quen thuộc và thấy bác vĩ cầm trong một tâm thế trầm lặng hiếm thấy.
Sau khi chào hỏi nhau, cả hai đều im lặng một lát. Rồi để khơi chuyện Kunta nói là anh nghe lỏm thấy tay lái xe của ông chủ, Luthơ, kể rằng gã đánh xe cho me-xừ đến đâu cũng thấy người da trắng bàn chuyện “thuế”. Anh muốn biết thuế là cái gì.
“Thuế là tiền phải nộp xêm vào hầu hết mọi thứ người da trắng mua”, bác vĩ cầm trả lời. “Cái lão vua bên kia bờ biển biểu đặt ra thuế để giữ cho mình giàu có”.
Cách nói năng ngắn gọn này thật khác xa thói thường của bác vĩ cầm đến nỗi Kunta đoán là bác hẳn đang bực mình. Chán nản, anh ngồi im lặng một lúc, song cuối cùng quyết định nói toẹt ra điều mình đang bận tâm. “Bác ở đâu chước khi đây?”
Bác vĩ cầm chằm chằm nhìn anh một lúc lâu, căng thẳng. Đoạn, bác nói giọng sắt như dao chém: “Tao biết ở đây đứa nhọ nào cũng xắc mắc về tau! Tau chẳng kể gì sốt mí ai khác đâu! Dưng mà mầy thì khác”.
Bác nhìn thẳng vào Kunta. “Mầy có biết sao mầy lại khác không? Bỉ vì mầy chả biết cái gì! Mầy bị bắt lôi tới đây và bị chặt chân, mầy ngỡ đã trải đủ mùi! Nè, không phải chỉ có mình mầy xấu số thế đâu!” Giọng bác giận dữ. “Mầy không bao giờ được kể dững cái tau sắp nói mí mầy đây, kẻo tau vặt đầu mầy!”.
“Tôi không!” Kunta tuyên bố.
Bác vĩ cầm ngả người về phía trước và nói khẽ để khỏi bị nghe trộm. “Me-xừ chủ tau ở bắc Calina[1] bị chết đuối. Chuyện í chẳng dính dáng đến ai cả. Dù sao, đêm í tau cũng cứ lẻn đi, mí lị y chả có vợ con gì để mà đòi tau lại. Tau chốn lẫn với người Inđơn[2] cho đến khi tau gẫm là đã yên yên, thế là tau đến vùng Vơginia này và tiếp tục kéo đờn”.
“Vơginia?” Kunta hỏi.
“Thằng nầy, có thật mầy chẳng biết cái mẹ gì không? Vơginia là cái thục địa mầy đang sống đây, nếu mầy mốn gọi thế này là sống”
“Thục địa là cái gì?”
 
Mầy còn đần độn hơn cái vẻ bề ngoài. Có mười ba thục địa hợp thành cái xứ này. Từ đây đổ xuống phía Nam có hai bang Calina và trên mạn Bắc là Merơlơn, Penxylvania, Niu Yooc và một lô khác nữa. Tau chưa lên đó bao giờ và phần lớn dân nhọ cũng vậy. Tau nghe nói ối người da trắng trên đó không giữ nô lệ và thả người mình tự do. Chính tau đây, tau cũng là một thứ nhọ nửa tự do. Tau phải bám quanh một me-xừ nào đó phòng khi bọn tuần cha tuần bố vớ được tau”. Kunta không hiểu nhưng cứ làm như có, vì anh không thích bị mắng là ngu một lần nữa.
“Mầy đã thấy người Inđơn bao giờ chưa?” bác vĩ cầm hỏi.
Kunta ngập ngừng: “Tui đã thấy một vài”.
“Họ có ở đây trước cả dân da trắng. Dân da trắng bỉu là một người của mình tên Côlông khám phá ra nơi nầy. Dưng mà nếu người í thấy dân Inđơn đã ở đây, thì đâu phải nó khám phá ra, phải hông”. Bác vĩ cầm đang hứng lên với câu chuyện của mình.
“Người da trắng cứ tưởng bất cứ ai ở nơi nào trước nó đều không đáng kể. Nó gọi họ là mọi rợ”.
 
Bác vĩ cầm dừng lại để tự thưởng thức trí tuệ mình rồi nói tiếp. “Mầy đã thấy lều Inđơn bao giờ chưa? Kunta lắc đầu. Bác vĩ cầm choãi ba ngón tay, quấn một mảnh vải nhỏ xung quanh. “Ngón tay là cọc, miếng giẻ là da thú. Họ ở bên trong cái nầy”.
 
Bác mỉm cười. Mầy ở bên Phi sang, có nhẽ mầy tưởng mầy thông thạo mọi nhẽ về đường săn bắn và đại khái thế, dưng mà không ai săn bắn hoặc đi xa tài dư người Inđơn đâu. Khi một người Inđơn đi đâu, thì cứ dư là nó mang sẵn một cái bản đồ trong đầu í. Dưng mà đàn bà Inđơn – họ gọi là mẹ đó – thì địu con trên lưng, y nhu tau nghe nói tất cả đàn bà bên Phi mầy cũng đều làm thế”.
 
Kunta ngạc nhiên thấy bác vĩ cầm biết điều đó và không khỏi lộ vẻ sửng sốt. Bác vĩ cầm lại mỉm cười và tiếp tục lên lớp. “Một số người Inđơn ghét dân nhọ và một số lại thích chúng ta. Dân nhọ và đất đai là dững mắc mớ lớn của người Inđơn với người da trắng. Dân da trắng mốn tất cả đất đai người Inđơn và ghét dững người Inđơn che giấu cho bọn nhọ!” Bác vĩ cầm dõi mắt vào từng nét mặt Kunta “Tất cả dân Phi chúng mầy và dân Inđơn cùng mắc một sai lầm: để cho bọn da trắng lọt vào nơi mình sống. Mình cho nó ăn, nó ngủ, thế rồi điều đầu tiên mình vỡ nhẽ là nó đá mình ra ngoài hoặc nhốt chặt mình lại!”.
 
Bác vĩ cầm lại ngừng. Rồi đột nhiên, bác gắt toáng lên: “Cái làm tau điên tiết mí bọn nhọ Phi chúng mầy, đây nè! Tau đã biết năm, sáu đứa cư xử như mầy! Chả biết làm sao tau lại đi làm thân với mầy trước! Mầy đến đây gẫm rằng bọn nhọ ở đây cũng phải giống y dư mầy. Làm sao mà mầy lị hy vọng bọn tau hiểu hết về châu Phi cho được? Bọn tau chưa bao giờ ở đấy, mà cũng không đi đến đấy!” Nhìn thẳng vào Kunta, bác chìm vào im lặng.
 
Và sợ lại gây một cơn thịnh nộ nữa, Kunta vội rút lui không nói thêm lời nào, phân vân về những điều bác vĩ cầm đã nói với mình. Nhưng về đến lều, càng nghĩ, anh càng cảm thấy khoan khoái hơn. Bác vĩ cầm đã cất bỏ mặt nạ, như thế có nghĩa là bác đã bắt đầu tin Kunta. Lần đầu tiên trong sự giao du trong ba vụ mưa kể từ khi bị bắt lén khỏi quê hương, Kunta thực sự bắt đầu biết một người.
Chú thích:
[1] Bắc Carôlina, bác vĩ cầm nuốt vần.
[2] Người Anhđiêng, da đỏ, bác vĩ cầm phát âm chệch đi.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley