ôn Gia Kiềm có lý nhưng bị Ung Chính bác lại, ôm hận ra khỏi Dưỡng Tâm điện trong người cảm thấy choáng váng, chân tay rã rời, lững thững bước qua ngõ Vĩnh. Thông tin của bọn thái giám cực nhanh, nghe nói có một viên quan chủ sự lục phẩm tranh luận với Thượng thư trong công việc, gây ra ẩu đả tại Long Tông môn, hoàng thượng phải đích thân giải quyết, đó là chuyện lạ từ khi khai quốc tới nay, ai mà chẳng muốn tận mắt trông thấy nhân vật này, lũ lượt kéo ra đứng chờ ở chợ Trời. Nhìn thấy Tôn Gia Kiềm quần áo xộc xệch, cổ áo không cài, dưới cái nón không chóp là bộ mặt dài đầy lệ, mồm méo xệch, bước thấp cao lừng thừng đi tới, bọn cung nữ lấy khăn che miệng ôm bụng cười như nắc nẻ, bọn thái giám thì chỉ chỉ chỏ chỏ, phô cái giọng vịt đực ỏn ẻn cười cười nói nói bình luận này nọ. Ra khỏi ngõ Vĩnh, người đứng xem càng đông, nhưng nơi đây là nơi cấm huyên náo, nên mọi người không dám tụ tập, chỉ đứng xa xa xem Tôn Gia Kiềm, như xem một quái vật. Tôn Gia Kiềm dừng chân lại, mặt tái mét, ngơ ngác nhìn xung quanh, đột nhiên nẩy ra ý nghĩ: Nỗi nhục này sống mà tủi, chi bằng lấy cái chết để bày tỏ lòng thành. Nhìn thấy trước Càn Thanh môn có 8 cái đỉnh đồng mạ vàng to không có nắp, Tôn Gia Kiềm không chút do dự hiên ngang bước tới. - Chào Tôn huynh! - một viên quan trẻ đang đứng trước Thượng thư phòng chờ được tiếp kiến, thấy Tôn Gia Kiềm đi thẳng về phía đỉnh vàng, biết anh ta muốn tự tử, vội vàng đi lại đón đầu vái chào: - Tôn Mộng Trúc lâu nay vẫn khoẻ chứ? Tôn Gia Kiềm ngơ ngác nhìn hồi lâu mới nhận ra đó là Dương Danh Thời, cử nhân cùng khóa, hồi hai người cùng vào kinh dự thi kết thành đôi bạn thân. Dương Danh Thời mặc một bộ triều phục cửu Mãn, ngoài khoác chiếc áo di lê khổng tước, viên đá ru bi xanh long lanh trên nón, dưới ánh tuyết trắng trông phong độ ngời ngời. Nhìn người suy ta, trong lòng Tôn Gia Kiềm càng cảm thấy chua chát! - À là Tùng Uyên đấy ư... đây sẽ là lần gặp huynh cuối cùng, vĩnh biệt! Cũng may...nhờ huynh giúp tôi một việc, nếu huynh chịu giúp thì tôi biết ơn vô cùng, huynh không chịu giúp thì tôi cũng không trách...chịu không? Nhà tôi... Dương Danh Thời không chờ Tôn Gia Kiềm nói hết liền kéo tay rằng: - Tôi biết con người huynh, tôi làm chức Phan đại, quản lý tài chính ở Hồ Quảng, không rõ huynh có lý hay không? Hoàng thượng có hơi khắt khe một chút, nhưng không khờ đâu, huynh hãy bình tĩnh chờ xem thế nào? Chỗ này không tiện nói chuyện, tối nay huynh chờ tôi ở nhà, chúng ta sẽ nói chuyện thâu đêm. Huynh chớ dại dột, bọn chó kia chỉ mong huynh chết thôi! Đúng lúc này, thấy có hơn chục tên thái giám và người hầu, có cả Cát Đạt Huy- kẻ thù của Tôn Gia Kiềm hộ tống Bát ca Liêm thân vương Doãn Tự từ phía Càn Thanh môn đi lại, Dương Danh Thời buông tay Tôn Gia Kiềm ra, tươi cười bước lên cúi chào lễ phép: "Thần Dương Danh Thời thỉnh an vương gia ạ!" - Tùng Uyên đấy à? - Doãn Tự tươi cười đi lại đỡ Dương Danh Thời đứng dậy, thân mật hỏi: - Vào kinh thành khi nào? Đã gặp hoàng thượng chưa? - rồi liếc mắt nhìn Tôn Gia Kiềm đang ngoảnh mặt nhìn lên trời. Dương Danh Thời vái lạy, giọng dõng dạc: - Thần đến kinh thành từ hôm trước kia, hoàng thượng bận quá, có ý chỉ bảo thần hôm nay gặp ngài Long Khoa Đa trước, ngày mai đăng ký xin gặp hoàng thượng. Doãn Tự mỉm cười gật đầu, rằng: - Tôi biết, đại khái là việc mở ân thi. Em trai của Trương Đình Ngọc là chánh chủ khảo, khanh là phó chủ khảo, khi gặp hoàng thượng sẽ rõ - vị kia là ai đấy? Các người đang chuyện trò thân mật à? Dương Danh Thời nhìn Tôn Gia Kiềm, chưa kịp nói gì thì Tôn Giá Kiềm đã ngoảnh mặt bước đi mất. Trùm thái giám của Bát vương phủ Hà Trụ Nhi nịnh chủ: "Bát da, hắn là cái tên Tôn Gia Kiềm dám mạo phạm Cát đại nhân đấy, mặt dài mắt lé, trước đây nô tài tưởng hắn là một Tôn Hành Giả, ngờ đâu giống hệt Trư Bát Giới" - Hà Trụ Nhi đang thao thao đắc trí, không ngờ bị Doãn Tự tát cho một bạt tai rất mạnh. - Đồ khốn nạn! - Doãn Tự giận dữ: - Sĩ khả sát bất khả nhục, mày biết quái gì? Tôn Gia Kiềm là mệnh quan của Triều đình, đúng hay sai do Triều đình phán xử, đâu đến loại nô tài như mày chõ mõm vào? Hà Trụ Nhi muốn lấy lòng Doãn Tự và Cát Đạt Huy, không ngờ bị một cái tát đau, sợ tái mét mặt câm miệng vội vàng lui lại phía sau. Doãn Tự: "Bọn tiểu nhân đúng là ngu muội khó dậy bảo, nếu mà chấp chúng thì bực mình suốt ngày. Tùng Uyên, đi đường có mệt không? Ở kinh thành cái gì cũng đắt đỏ, khanh thì trong sạch như nước, nếu có thiếu gì cứ đến phủ của ta nhé!" Dương Danh Thời cúi lậy, với cử chỉ đàng hoàng chững chạc: - Vương da, Danh Thời không dám quên công lệnh của Triều đình! Rồi ngẩng mặt lên mỉm cười nhìn thẳng vào khuôn mặt hòa nhã của Doãn Tự, không chút sợ sệt. Cát Đạt Huy đứng cạnh nghĩ thầm, một con người cứng rắn, còn khó đối phó hơn tay Tôn Gia Kiềm. - Đúng vậy, các quan văn võ không được kết giao với các a-ca, đó là gia pháp của Tổ Tông - Doãn Tự nhìn Dương Danh Thời với ánh mắt thiện cảm. - Nhưng bây giờ thì không còn mấy người nhớ được qui định đó nữa. Bản vương không bao giờ ép người ta làm điều gì họ không muốn, tùy khanh! - Nói rồi dẫn theo đám người đi mất. Cát Đạt Huy vừa đi vừa nói: "Người này có khí phách". Doãn Tự nét mặt không biểu lộ tình cảm: "Quốc sĩ" Tôn Gia Kiềm tuy không còn nghĩ đến cái chết, nhưng trong lòng vẫn buồn bực khó chịu. Đi ra Tây Hoa môn vẫy cái kiệu ngồi quay về ty Vân Quí bộ Hộ, tự tay thu xếp lại các văn kiện tài liệu, để cái quan ấn và bộ khuôn đúc tiền trên tập hồ sơ, cởi bộ quan phục vắt trên ghế, đôi mắt ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ phủ đầy băng tuyết giá lạnh. Thấy bộ dạng thiểu não như vậy, các viên chức thuộc hạ chỉ biết đứng nhìn rơi lệ, không biết nói gì cả. Sau một hồi lâu, Tôn Gia Kiềm đột nhiên bật lên tiếng cười, rằng: - Mọi người đã thấy rồi đấy, chắc các người cũng đã đoán biết được chuyện gì đã xảy ra, công việc của tôi đến đây chấm dứt, những thứ cần bàn giao tôi đã để trên bàn, trước mắt đo Mã Bút Thiệp tạm thời quản lý, khi có người đến tiếp quản thì bàn giao lại cho họ, nếu có điều gì chưa rõ thì đến nhà hỏi tôi. - Tôn chủ chính - Mã Bút Thiếp hai mắt nhòa lệ cúi lạy, rằng: - Đại nhân... đi như vậy sao? - Ờ, - Tôn Gia Kiềm buồn bã: - Ai bảo bố mẹ tôi không sinh ra một Tôn Gia Kiềm đẹp trai như Tử đô Phan An? Chỗ này là miếng béo bở nhất của bộ Hộ, khi đến tôi hai tay không, thì khi đi là cốc thanh thủy. Thường ngày tôi quá khắt khe với anh em, làm cản trở đường tài lộc của mọi người, trong lòng cũng cảm thấy áy náy. Nay ta lấy nước thay rượu, cạn chén chia tay mọi người! - Tôn Gia Kiềm rót mấy cốc nước đưa mỗi người một cốc, rồi nói tiếp: - Trước mắt, tôi bị lột mũ không còn là quan nữa, tuy chưa bị xử lý, nhưng trời không thương, hơn nữa có một số tiểu nhân căm ghét tôi, chuyện sau này không ai đoán biết được. Cát Đạt Huy là "sếp lớn"của chúng ta, các ngươi chớ làm hắn phật lòng, bởi vậy không cần đến thăm tôi. - Nói xong, Tôn Gia Kiềm uống cạn cốc nước, mọi người cũng uống theo. Tôn Gia Kiềm ném mạnh cái cốc xuống sàn nhà vỡ tan tành, thắt lại đai lưng đỏ rồi lớn bước ra khỏi ty Vân Quí bộ Hộ, đi đến giữa sân dừng lại ngửng mặt lên trời cười hà hà rằng: - Đại trượng phu thượng thư Bắc kỳ, phất áo Nam Sơn, cũng là thứ khoái của cuộc đời! - Nói xong đi thẳng ra ngoài, khuất bóng trong gió tuyết. Tôn Gia Kiềm không có gia quyến tại kinh thành, thuê một căn nhà 3 gian ở một ngõ nhỏ trên phố Cống Viện phía Tây bắc Hoàng thành, hưởng lộc mỗi năm 80 lạng, vì chỉ là một quan nhỏ, nên không được hưởng phần "tiền chống rét" hàng năm của các quan ngoại tỉnh cống lên cho các quan trong kinh thành. Hơn nữa Tôn Gia Kiềm vẫn tự cho mình là thanh cao không chịu nhận một xu tiền hối lộ của các quan địa phương, nên chẳng có thu nhập gì ngoài đồng lương, không có tiền thuê người giúp việc, phải đưa một đứa cháu độ 14 - 15 tuổi từ nhà quê ra phụ giúp cơm nước. Giờ đã bị bãi quan, không cần phải giữ thể diện gì nữa, Tôn Gia Kiềm đi bộ về nhà cho tiết kiệm. Vừa tới đầu ngõ đã trông thấy đứa cháu Tôn Kim Quí đứng chờ trước cửa nhà, thấy Tôn Gia Kiềm về đứa cháu réo lên từ xa: - Chú Năm, có khách đến thăm! Tôn Gia Kiềm giật mình, lúc này còn khách nào nhỉ? Vội vàng vào nhà, vừa đi vừa lên tiếng: - Là vị nhân huynh nào đây?. - Không phải "nhân huynh" mà là hiền đệ. - Dương Danh Thời tươi cười bước ra đưa tay ra hiệu mời Tôn Gia Kiềm vào nhà, miệng nói: - Đệ ngồi chờ huynh lâu lắm rồi, tưởng huynh ở bộ Hộ lại xẩy ra chuyện gì? Tôn Gia Kiềm cười gượng rằng: - Người xem thường tôi quá, tôi có lý mới không chịu luỵ người. Là Cát Đạt Huy ra tay trước, nếu không tôi hơi đâu mà tranh cãi với hắn, người rút lui nhanh thế? Dương Danh Thời tươi cười hoạt bát đến ngồi cạnh bếp lửa, rằng: - Chuyện công vụ mà, Long Khoa Đa hỏi qua loa về tình hình của địa phương rồi mời trà tiễn khách. Khi ra đến bên ngoài có gặp Trương Hoành Thần (Trương Đình Ngọc), ông ta kéo tay tôi chuyện trò, có hỏi huynh ở đâu, xem chừng hoàng thượng không thực sự giận huynh đâu. Tôn Gia Kiềm tay cầm đôi đũa gắp than, cười nhạt, thủng thẳng: - Người không hiểu bọn thừa tướng này đâu, ngày mai chém đầu ngươi nhưng hôm nay vẫn miệng ngọt như mía lùi, tôi chẳng lạ gì. Còn nghe được tin tức gì không? Dương Danh Thời im lặng một lát rồi cười rằng: - Cũng chưa nghe được tin gì, chờ ngày mai hoàng thượng tiếp kiến tôi sẽ lựa lời thăm dò. À huynh có quen tay Điền Văn Kính được cử đi Thiểm Tây truyền chỉ cho Niên Canh Nghiêu không? Tôn Gia Kiềm: - Có quen sơ sơ. Từ hồi hắn theo Thập tam da làm nhiệm vụ thúc đòi công nợ tại bộ Hộ. Một tay ghê gớm đấy, hồi đó có lão trạng nguyên Khương Thìn Anh chỉ vay có 2 lạng bạc công mà Điền Văn Kính nhất quyết đòi đưa vào danh sách tấu trình, người hỏi hắn làm gì? - Cũng như huynh vậy, hắn đi truyền chỉ trên đường quay về đi qua Thái Nguyên, đã xung đột với Tuần phủ Sơn Tây Nặc Mẫn. - Dương Danh Thời mỉm cười nhìn Tôn Gia Kiềm, nói tiếp: - Vạn tuế da truyền chỉ lệnh Điền Văn Kính không cần về kinh thành nữa và bị bãi quan chờ chỉ, vậy là huynh đã có bạn, không còn đơn độc nữa. Đứa cháu Tôn Kim Quí châm đèn đưa vào đặt trên bàn rồi hỏi: - Chú Năm có uống rượu không? - Có món gì? - Vẫn như thường ngày, cơm trắng, củ cải muối. Dương Danh Thời cười lớn tiếng: - Không Tương hoà thượng mời Tô Đông Ba ăn cơm "trắng", Tô Đông Ba vui vẻ nhận lời, hóa ra được thưởng thức bữa cơm gạo trắng, củ cải trắng muối bằng muối trắng. Sao khéo vậy hôm nay tôi cũng được mời ăn cơm trắng! Thôi, ra quán ăn, tôi mời! Tôn Gia Kiềm cũng thấy mời khách ăn "cơm trắng" không tiện, Dương Danh Thời là con nhà giầu, liêm khiết nhưng không nghèo, nên cũng đồng ý ra quán. Tôn Gia Kiềm vừa đứng dậy vừa cười nói: - Tiếp phần sau câu chuyện là Tô Đông Ba mời Không Tương hòa thượng ăn cơm "khều", nhưng khi Không Tương hòa thượng đến thì cơm không có để khều, rau không có để khều, và rượu cũng không có luôn. Người đừng có lại chơi tôi kiểu này nhé. Hai người bước ra khỏi nhà đã là giờ Dậu, mùa đông ngày càng ngắn đêm dài, giờ này trời đã tối hẳn. Ra khỏi ngõ là phố Cống Viện, từ đầu phố đến cuối phố đầy dẫy các quán ăn, nào là mì vằn thắn, sủi cảo, bánh rán, bánh bao... Các quán đã lên đèn, ánh đèn dầu như bầy đom đóm trải dài hơn nửa cây số. Trên phố người qua lại tấp nập, hơi nóng của bếp và mùi thơm của thức ăn từ các quán lan toả ra phố, tiếng mời chào của các chủ quán, tiếng ồn ào cười nói của khách hàng làm cho cái chợ đêm thêm náo nhiệt. Dương Danh Thời vui vẻ rằng: - Lần trước tôi đến vào ban ngày thì thấy vắng vẻ, không ngờ chợ đêm ở đây vui thật! Tôn Gia Kiềm vẫn chưa hết buồn, cau mày nói: - Cũng vì huynh đấy! Sắp mở khoa thi rồi mà, các quán trọ ở đây đã đầy khách từ lâu, toàn người ngoại tỉnh cả, vì đây gần Cống Viện. Này Tùng Uyên huynh, vừa rồi tôi quên hỏi huynh, Điền Văn Kính bị cách chức chờ quyết định kỷ luật hay là ở lại Sơn Tây chờ kết luận của Bộ? Dương Danh Thời đứng lại ngạc nhiên hỏi: - Việc này liên quan gì đến huynh? Nghe nói hoàng thượng cử một người họ Đồ đi Thái Nguyên để cùng với Nặc Mẫn kiểm tra lại, nếu Điền Văn Kính tấu sai sự thật sẽ bị tội. - Không phải tôi "cùng cảnh thương người", Điền Văn Kính tính khí hẹp hòi, tôi không bao giờ quan hệ với hắn. Nhưng Điền Văn Kính cũng có ưu điểm là con người có tâm huyết, làm việc rất nghiêm túc. Không thể phủ nhận tất cả... Tôi nghĩ rằng, một quan tứ phẩm nhỏ nhoi như hắn không dám vô cớ làm phật ý một đại sứ thần đầy quyền lực như Nặc Mẫn? Nặc Mẫn không phải hạng người tầm thường đâu! Nghe vậy Dương Danh Thời cảm thấy ngạc nhiên nhưng không nói gì. Nặc Mẫn là con người như thế nào ông rất rõ, hồi ông còn là tri phủ An Khánh, đã có dịp đón tiếp Nặc Mẫn phụng chỉ đi Kim Lăng trên đường đi qua phủ An Khánh, Nặc Mẫn là con người chan hòa dễ gần gũi, sau khi đến Sơn Tây nhậm chức, chỉ trong vòng nửa năm đã thanh quyết toán xong hai trăm ba mươi vạn lạng bạc tiền công nợ mà các quan lại tỉnh Sơn Tây vay mượn của quốc khố, hơn nữa còn phân biệt rõ ràng các quan tiền nhiệm và quan đương nhiệm ra để xử lý, không bỏ sót một tên tham quan, đồng thời không làm liên luỵ đến các quan chức đương nhiệm vô tội. Sự tinh tường mẫn cán nhanh nhẹn, hiệu quả của Nặc Mẫn khiến mọi người phải kính phục. Nhưng Tôn Gia Kiềm hỏi để làm gì? Trầm ngâm giây lát Dương Danh Thời mỉm cười rằng: - Tôi biết tâm sự của huynh, ngày mai tôi gặp hoàng thượng sẽ tùy cơ ứng biến! Huynh hiện giờ, việc mình còn chưa xong, việc nước hãy khoan đã, vội gì? Hoàng thượng sáng suốt thì vấn đề trước sau cũng rõ; nếu hoàng thượng không sáng suốt thì nói cũng chẳng có tác dụng gì. Huynh đúng là thân tại giang hồ, tâm lo ngụy vong! - Lời nói của Dương Danh Thời làm Tôn Gia Kiềm bật cười vui lên: - Tôi đúng là hồ đồ, cứ tưởng mình còn ở bộ Hộ, đói bụng luận bàn chính sự buồn cười thật, đi ăn cơm đi! Hai người len lỏi qua đám đông đi thêm một đoạn thì thấy có một quán rượu sang trọng ở đầu quán phía bắc, một dãy nhà 6 gian giáp mặt phố tường sơn đỏ thềm lát đá xanh, nóc nhà hình nón cao chót vót, trước cửa quán có treo 4 chiếc đèn lồng đỏ sáng rực làm nổi bật tấm nền đen với 4 chữ vàng: - "Bá Luân Bất Qui". - Lưu Linh say rượu chết tại đây. Dương Danh Thời cười, rằng: - Ông chủ quán mạnh mồm thật, chữ viết khá đẹp, hình như tôi đã thấy ở đâu. Tôn Gia Kiềm: - Quán này mới khai trương năm ngoái, một viên quan nghèo như tôi không bao giờ dám vào quán này, nghe nói ông chủ quán họ Lưu, tên Lưu Thúc Luân, cũng khéo đặt tên đấy. Hôm nay có dịp bám huynh vào quán, tôi phải ăn uống thỏa thuê cho đã. Hai người vừa bước lên thềm cửa đã có tiệm nhị chạy ra mời chào khách, chủ tiệm nhị một tay vừa vắt chiếc khăn lên vai một tay kéo rèm cửa, miệng cất giọng như ca: - Hai vị khách tới, xin mời vào, nhã toạ chứ? Bước vào quán, thấy tầng trệt có vài chục khách, túm ba tụm năm, hầu hết ăn mặc kiểu cử nhân, đám say sưa chơi trò oản tù tì sát phạt nhau uống rượu, nhóm thì rượu vào hứng khí ngâm thơ và làm câu đối, kẻ quá chén rượu say nghêu ngao khúc tuồng cổ, không khí ồn ào và náo nhiệt. Với chức phận là phó chủ khảo không được tiếp xúc chuyện trò với thí sinh, Dương Danh Thời liếc nhìn tầng trệt chỉ có một phòng riêng ngăn bằng rèm vải, không ưng, Dương Danh Thời hỏi hầu bàn: - Tôi muốn yên tĩnh, trên gác có chỗ ngồi tốt hơn không? Hầu bàn ngắm nhìn vị khách, mặc áo bông dài mặt lụa Hàng Châu mầu lông chuột, bên ngoài khoác chiếc áo di lê lông khỉ Xali, đội cái mũ nồi lục hợp mới tết chóp nơ hồng đỏ trót, trông đã biết là con nhà giầu; Tôn Gia Kiềm tuy tướng mạo bình thường nhưng cũng ăn bận sạch sẽ gọn gàng, khí phách hiên ngang. Hầu bàn đon đả: - Chắc các vị lên trên xem qua sẽ rõ, các phòng riêng mới được trang trí bằng gỗ thông đỏ, cửa kính sáng loáng, đi khắp kinh thành cũng không thể kiếm được quán nào lịch sự bằng Bá Luân Lâu này! Dương Danh Thời gật đầu và cùng Tôn Gia Kiềm bước lên cầu thang gác. Quả nhiên trên gác có 6 phòng riêng toạ bắc hướng nam, trước cửa có lối đi chung, các phòng đồng loạt sơn màu da ếch còn thơm mùi sơn, sàn nhà láng dầu trẩu được lau chùi bóng loáng, ở phía tây - nam đặt một bàn án có đầy đủ bút mực, trên tường có bảng viết giành cho những ai hay thư họa, bên cạnh là chiếc đồng hồ mạ vàng kiểu mốt thời đó. Dương Danh Thời đẩy cửa kính vào phòng, gật gù khen: "Được đấy!" - Con đâu đám nói ngoa? - Bồi bàn vừa lau chùi bàn ghế vừa cười nịnh: - Nếu đây làm các đại nhân hài lòng thì lát nữa thưởng thêm cho con vài xu? - Xin hỏi đại nhân dùng gì ạ? - Tùy, hai mặn hai chay! - Dương Danh Thời ngồi xuống hất cái bím tóc dài đen bóng sau ghế vẻ hài lòng: - Có loại rượu gì? - Dạ, loại rượu gì cũng có! Nghe giọng khoác lác như vậy, Dương Danh Thời chủ định làm khó bồi bàn, đặt một nén bạc 5 lượng trên bàn, rằng: - Tôi lấy Ngọc Tuyền Lộ Xuân! Ngọc Tuyền Lộ Xuân được chưng cất bằng nước Ngọc Tuyền ở Kinh Tây, nước Ngọc Tuyền là loại nước chuyên cung cấp cho Đại Nội sử dụng, trong dân gian hiếm ai có loại nước này để chưng cất rượu. Không ngờ vừa dứt lời hầu bàn đáp ngay: - Có! Không biết các đại nhân uống loại nặng hay loại nhẹ, đơn sa, tam sa hay tứ sa? Tôn Gia Kiềm cảm thấy ngạc nhiên, nghĩ bụng mình ở bộ Hộ đi dù tiệc, thế mà mới chỉ một lần được thưởng thức loại rượu Ngọc Tuyền Lộ Xuân tứ sa. Tôn Gia Kiềm đang định hỏi thì Dương Danh Thời cười: - Rượu Ngọc Tuyền tuy ngon nhưng là loại rượu mới cất mấy năm gần đây, sốc nhiệt. Có rượu Mao Đài lâu năm cống Cung không? - Có! - Hầu bàn ngập ngừng giây lát rồi nói nhỏ: - Không nói giấu gì hai đại nhân, cống Cung là do các công công tuồn ra. Hàng thứ thiệt, nhưng xin hai ngài giữ kín cho, của ăn cắp không công khai được ạ. Hai ngài thương con đừng nói ra ngoài nhé! Dương Danh Thời lấy làm lạ, phân vân không hiểu ông chủ quán là loại người như thế nào, liếc nhìn Tôn Gia Kiềm một cái rồi nói: - Tất nhiên, cho một cân rưỡi! Hầu bàn lui ra ngoài, hai người hiểu rằng trong trường hợp này, tốt nhất là không nói gì, nên ngồi im lặng chờ hầu bàn mang rượu lên. Ở phòng bên cạnh có 7, 8 cử nhân đang ngồi chơi trò đố vui, tiếng cười nói của họ vọng sang nghe rất rõ. - Đến lượt tại hạ bốc rồi! Cũng tiếng người đó: - Cầu xin Khổng Thánh nhân phù hộ con rút được quẻ may, phạt bọn nó mỗi người uống một cốc, tiếng rút quẻ rồi đọc: - Tôi hỏi bạn nhỏ nhẹ, bạn trả lời âu yếm. Người nói thầm bị phạt uống một chén. Người đó reo lên: - Có mọi người chứng kiến, vừa nãy hai vị Thẩm Khởi Nguyên va Đường Kế Tổ to nhỏ thầm thì với nhau. Anh Mã Duy Luân rót rượu cho họ đi! - Tiếng rót rượu róc rách, có thể là tiếng nói của Mã Duy Luân: - Này, rót đầy chén! Tiếng một người khác: - Tôi và Kế Tổ uống kém lắm, thôi đủ rồi, tràn cả ra ngoài rồi! - Đường Kế Tổ! Được, có uống có trả, đến tôi bốc quẻ! Tiếng rút quẻ, lớn tiếng xướng: "Như hình với bóng... mọi người cùng uống!". Tiếng reo hò, tiếng rót rượu, tiếng cười vui thách nhau cạn chén. Hầu bàn đã đưa rượu và thức ăn lên, có một đĩa nộm sứa, một đĩa rau cải làn sào, hai món mặn là dạ dầy hươu sào lăn và gà hầm. Tôn Gia Kiềm cầm đũa gắp thức ăn miệng nói: - Chỉ hai chúng ta khó bầy trò vui thì sướng cái miệng vậy. Dương Danh Thời mỉm cười: - Trò chơi đố vui bên cạnh là nhã lệnh, toàn là câu thơ trong cuốn "Tây Sương". Chúng ta uống rượu nghe lệnh chẳng cũng vui lây sao? - Rồi tu cạn chén rượu. Quả là rượu Mao Đài lâu năm! Quán này khá đấy. Phòng bên cạnh lại vang lên tiếng cười, hóa ra có người rút được quẻ. Chưa gì đã sợ khiếp vía, kẻ sợ vợ uống. Ai nấy đều nói là mình không sợ vợ, giằng co hồi lâu cuối cùng mọi người ép một người tên là Dư Điện phải uống. Hình như Dư Điện không mấy biết uống rượu, bị chuốc một chén giọng nói đã líu lại rồi, anh bốc thăm rồi đọc: - Trước mặt thì ba hoa bốc phét, sau lưng thì buồn dầu thút thít. Kẻ nói không sợ vợ uống. Hay quá! Quẻ hay quá! Vừa nãy các vị đều nói mình không sợ vợ xin mời! Mọi người cười sảng khoái, rồi tự giác uống cạn chén rượu. Một giọng lém lỉnh: - Phượng tiêu tượng bảng, cẩm bì quyên sinh, người giỏi thơ ca uống... chết cha! Người đó quẳng ống quẻ xuống bàn nghe đánh "đoàng!" một cái, mọi người nhốn nháo: - Không được, luận thơ ca không ai bằng cậu, Lưu Mặc Lâm uống đi! Đừng có giả vờ nữa, xách tai cậu ta lên mà đổ! - Thôi đi, thôi đi, tôi quả thực không thể uống nữa, xin các vị hiền đệ tha mạng! Lưu Mặc Lâm tiếp tục cầu khẩn: - Tôi xin kể một câu chuyện vui để các vị giải rượu được không? Chắc mọi người biết Lưu Mặc Lâm không uống được rượu nên đồng ý. Tôn Gia Kiềm và Dương Danh Thời vừa uống rượu và để ý lắng nghe Lưu Mặc Lâm kể: - Hồi tôi đỗ cử nhân, gia sư là ngài Thông chính sứ Triết Giang Lý Vệ đại nhân, sau khi dự tiệc mừng xong, tôi đến thăm thầy, hai thầy trò nói chuyện một hồi, thầy thấy trong người mệt mỏi, bảo người hầu đi lấy bình long não cho thầy. Người hầu vẻ ngơ ngác mồm lẩm bẩm đi ra, một hồi lâu mới quay lại, không biết đút cái gì trong bụng làm căng phồng cả áo. Cả thiên hạ ai nấy đều biết cái tính hổ lửa của Lý đại nhân, vừa trông thấy người hầu đã mắng luôn: - Thằng chó này, sao đi lâu thế? - Bẩm ông, con đã mang đến lâu rồi ạ! Nhưng có khách, dùng ở đây sao tiện? Rồi hai tay đưa ra cái "bình tiểu", làm tôi tức cười đau cả bụng. Phòng bên cạnh cười ùa lên, Dương Danh Thời tính điềm đạm, chỉ cười tủm tỉm, Tôn Gia Kiềm không kìm nổi bật cười phun hết rượu ra sàn nhà. Phòng bên có người lên tiếng: - Không được, ta uống rượu nhưng hắn lại kể bình đi tiểu, bọn mình bị chơi xỏ rồi, phạt hắn kể chuyện khác. - Thôi được! Lưu Mặc Lâm suy nghĩ một lát rồi kể: - Hôm nay tôi ra phố bị kẻ trộm giật đi cái mũ, tôi xin lấy đó làm đề phụ họa "Hoàng Hạc Lâu" làm một bài thơ để làm trợ hứng chư huynh, được không? Rồi Mặc Lâm cất giọng ngâm: Tiện nhân giật trộm cái mũ đi, cái đầu đội mũ đành để không. Cái mũ biên mất không trở lại, cái đầu mãi mãi được thả rong. Tiếng ngâm chưa dứt thì mọi người đã cười lăn ra. Dương Danh Thời cũng không kìm nổi cười như nắc nẻ, Tôn Gia Kiềm ôm bụng cười ra nước mắt. Phải một lúc lâu mọi người mới định thần lại. Dương Danh Thời: - Tôi mời huynh ra cốt để giúp huynh giải sầu. Thế nào, không uổng công chứ? Này uống nữa đi! Đúng lúc này có một người đàn ông độ tuổi trung niên mở cửa kính bước vào, người đàn ông này mặc áo bông màu đỏ, ngoài khoác chiếc áo di lê lụa đen, chân đi đôi giày vải đế dày, đầu đội chiếc mũ nồi nhung đen, khuôn mặt trắng trẻo có lấm tấm mấy nốt rỗ hoa, để bộ râu con kiến, trong tay cầm bản đồ bát quái thái cực, cử chỉ nho nhã, tiến đến gần bàn cúi chào một cái, rằng: - Hai vị tiên sinh đến dự thi ư? Bói một quẻ nhé? - Không cần. - Tôn Gia Kiềm đang mải nghe đố vui, khua tay bảo: - Mời ông đi chỗ khác cho! Người đàn ông cười rằng: - Những người đến quán này đều mời tôi bói số cả, quý vị uống rượu cống mà không muốn trở thành cống sinh ư? Tôi mang công danh đến cho hai vị đây. Dương Danh Thời chợt nảy ra ý tò mò: - Xin hỏi quý danh? Triều đình mở khoa thi là ngày hội tuyển chọn hiền tài, con người ta sống chết có số, phú quý tại thiên, ông sao dám mở miệng ba hoa: - "Mang công danh đến cho người?" Người đàn ông cười khẩy đáp: - Thành sự tại thiên, mưu sự tại người. Nếu không có thực tài tôi đâu dám đến đây bẻm mép? Tiên sinh không cần biết tên tôi, điều đó không quan trọng, nếu tiên sinh muốn đoạt công danh chỉ cần tôi bói cho một quẻ là chắc chắn toại nguyện! Dương Danh Thời lấy ra hai lạng bạc đặt trên bàn, nét mặt nghiêm túc rằng: - Xin mời! Người đàn ông đột nhiên vỗ tay cười: - Các vị lần đầu tiên đến dự thi ư? Bỏ ra hai lạng bạc để mua 2 công danh? Cái bàn tính sắt của tôi tính cho tài tử khắp thiên hạ, nhưng chưa bao giờ gặp con gà trống sắt rắn như ông! Tôn Gia Kiềm biết trên giang hồ có loại người hay nhân dịp Triều đình mở khoa thi, họ khoác áo thầy bói nhưng thực tế ngấm ngầm bán đề thi để lừa tiền thí sinh. Vì muốn tiếp tục theo dõi phòng bên cạnh chơi trò đố vui nên bực mình nói: - Treo đầu dê bán thịt chó, tôi lạ gì trò này, đi nơi khác mà bịp! Người đó không tranh luận mà bỏ đi, vừa đi vừa thở dài rằng: - Ngốc! Ngốc! Không biết đây là đâu sao! - Đứng lại! Dương Danh Thời đột nhiên hỏi: Ngươi bán đề thi ư? Tôi mua! Bao nhiêu? - Bẩy mươi lạng! Người đó nhìn Tôn Gia Kiềm rồi nói: - Các ông có hai người, một trăm lạng, đúng giá đấy, không mặc cả! Đúng lúc đó người hầu bàn bê cái khay đi vào, trong khay không có thức ăn, chỉ thấy có hai cái thiệp mầu đỏ để ngay ngắn trong khay, người hầu bàn đặt cái khay trên bàn rồi lui ra. Người đàn ông: - Đề thi đấy, nếu bị lạc đề thì mang cái thiệp này đến quán nhận lại nguyên số bạc. Còn việc có thi được hay không, đúng như tiên sinh vừa nãy nói, sinh tử có số, phú quí tại thiên. Là phó chủ khảo, bản thân Dương Danh Thời cũng không biết hoàng đế ra đề thi gì, thấy người đàn ông bán đề thi khẳng định chắc chắn như vậy, hơn nữa còn lấy một tài sản lớn ra để bảo đảm, trong lòng cảm thấy ngạc nhiên, bèn gật đầu đồng ý mua. Ông ta rút ra mấy tờ ngân phiếu, chọn lấy một tờ đưa cho người đàn ông đó, nói: - Nếu không có quán này bảo lãnh thì tôi không thể tin ông được! Đây là một trăm lạng ngân phiếu đầu rồng, nếu đúng đề thì tôi còn thưởng! - Nói rồi cầm thiệp lên đưa một cái cho Tôn Gia Kiềm. Mở thiệp ra xem, thấy trên thiệp có mấy hàng chữ viết ngay ngắn: Lợi giả, nghĩa chi hòa giã Nhật nguyệt đắc thiên nhi năng cửu chiếu Đế ất qui mội, kỳ quân chi khoái, bất như kỳ đệ chi khoái lương Phía dưới thiệp có ghi dòng chữ nhỏ "Bá Luân tử tửu cung chúc kính báo liền đăng hoàng giáp". Tôn Gia Kiềm thắc mắc hỏi: - Đều trích từ "Dịch Kinh", chẳng nhẽ ra ba đề thi sao? Người đàn ông đáp: - Xin khách quan minh giám, ba buổi thi mỗi buổi một đề thi chứ! Tại hạ cũng chỉ đoán mò thôi. chẳng nhẽ lại chỉ ra một đề thi? Thứ tự tại hạ không dám đảm bảo, tại hạ cũng sợ Thuận Thiên phủ bắt chứ! - Được, cứ như vậy! - Dương Danh Thời cầm thiệp đứng dậy nói với Tôn Gia Kiềm rằng: - Muộn rồi, ta về đi! Hai người bước ra khỏi quán, Tôn Gia Kiềm tiễn Dương Danh Thời đến đầu phố Cống Viện và chờ Danh Thời lên kiệu đi xa một mình loạng choạng bước về nhà, không ngờ mới bước vào nhà đã thấy có Nội các đại học sĩ, đại thần Thượng thư phòng đại thần Nội thị vệ, Hán thần thủ phủ Trương Đình Ngọc đang ngồi uống trà chờ đợi. Tôn Gia Kiềm hoảng hốt đến nỗi tỉnh cả rượu kinh hoàng hỏi: - Trương Đình Ngọc đến bắt bỉ chức ư?