HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA
Mạnh "lắp" hát đạo tình ca vô tình tiết lộ
Vương gia may mắn ngồi kiệu về Kinh

    
ận Đề giật mình, quay đầu nhìn cô gái, chạy ra ngoài gọi to:
- Thị vệ đâu?
Hai thị vệ của Dận Đề đứng ở hai bên cánh cửa, nghe gọi vội chạy vào, chắp tay đứng im. Dận Đề chau mày:
- Có kiếm được ít nước nóng không?
Tiền Uẩn Đầu cười nói:
- Thập tứ da, cô ta chỉ nói mê chứ đâu khát nước. Tiểu nhân không hiểu y thuật, sẵn có bát canh thịt hươu bồi bổ, dám chắc cô gái sẽ khá lên.
Thấy Dận Đề im lặng, Thái Hoài Tỉ chạy tới chỗ cô gái nằm, đỡ cô ta dậy, Tiền Uẩn Đẩu lấy thìa bạc bón từng thìa nhỏ nước canh thịt hươu nóng hổi, thơm phức cho cô gái. Dận Đề chẳng hề để ý, đi đi lại lại trong lòng đầy nỗi ưu tư, chốc chốc cúi đầu rên rỉ, thảng hoặc nhìn ra bầu trời xa xa, không một ai biết chàng đang nghĩ gì.
- Ông trời, ơi ông trời!... - từ cái chết sống lại, cuối cùng cô gái đã tỉnh, khuôn mặt thanh tú đã ửng hồng, đôi mắt bồ câu chớp chớp, liếc nhìn lên mặt những người đàn ông đang ngồi xung quanh, miệng lẩm bẩm.
- Tôi còn sống hay tôi đang ở âm tào địa phủ? Các ông là người, hay là...
Dận Đề lặng lẽ quan sát, tướng mạo cô gái thanh tú, đoan chính, đôi mắt ngây thơ trong sáng ẩn hiện nỗi nghi hoặc, sợ hãi. Im lặng khá lâu, Dận Đề cười nhạt nói:
- Chúng tôi không phải là quỷ, song nếu như so sánh giữa người và quỷ, thì người đáng sợ hơn, chẳng trách cô sợ là phải. Cô từ Quỷ môn quan trở về. Tên cô là gì, tại sao lại bị chết cóng trong ngôi miếu cô quạnh này?
- Cháu người huyện Đại, - cô gái chân để trần, ngồi giữa những người đàn ông xa lạ, xấu hổ thu chân vào cái tay nải, bẽn lẽn nói tiếp: - cháu người xóm Trại, con nhà nông, tên gọi Dẫn Đệ. Năm ngoái huyện lệnh cử một ông quan tài chính đến nhà cháu thu thuế, thu 7 xâu tiền... Đáng thương cho huyện cháu, vụ mùa năm ngoái mất mùa, nhà cháu làm sao kiếm đủ ngần ấy tiền cơ chứ? Nhà cháu còn có bố, mẹ và một em trai chưa đầy 6 tuổi, tên là Thiên Bất Linh hay gọi Địa Bất Linh cũng được. Vài hôm trước đây có một thằng lừa đảo đến thôn cháu, nói giọng Tô Châu, hắn bảo hắn cần mua 20 bé gái đến làm công ở Tô Châu, thêu hoa, dệt vải cung tiến vua, ăn uống ngủ nghỉ hắn bao, mỗi năm người làm công còn được nhận một lạng bạc, sau ba năm thì mãn hạn, ai muốn về quê thì cho tiền lộ phí, ai muốn ở lại trả công mỗi năm 6 lạng bạc. Để trả được nợ, cũng là để nuôi sống gia đình, bố mẹ đã bán cháu...
Cô gái vừa nói vừa khóc, Dận Đề trầm tư suy nghĩ, số lượng tỉnh Tô Châu cống nạp cho triều đình bao nhiêu chàng đều nắm được. Mọi việc cống nạp của Tô Châu đều do một mình Lý Húc phụ trách, y chưa có tiền lệ mua người ở phía bắc. Y là một kẻ cẩn thận, cẩn thận đến nỗi tránh cả cái lá rơi từ cành cây xuống đất, y dám ngang nhiên buôn bán người? Nghĩ đến đây, chàng liền hỏi:
- Hai bên đều tự nguyện, sao cô lại bỏ về?
Dẫn Đệ nghẹn ngào.
- Các ông không biết đấy thôi, hắn ta buôn người! Khi đến Tô Châu hắn bán ngay chúng cháu cho lầu Xuân Hương, sư phụ không dạy chúng cháu kim chỉ, toàn dạy ca hát, gảy đàn, còn dạy chơi cờ, vẽ tranh, cháu sinh nghi bèn đi hỏi bà giáo, bà giáo bảo đây cũng là học. Trong lầu có một chị tốt bụng kể rõ ngọn ngành cho cháu nghe, hóa ra là họ nuôi chúng cháu tròn 15 tuổi để tiếp khách làng chơi. Các ông ơi, cháu là con nhà tử tế, làm việc đó sao được? Nhân lúc họ không chú ý, cháu liền bỏ trốn. Cháu không dám đi đường cái lớn, trên đường về nhà cháu ăn xin để sống suốt dọc đường qua An Huy, Sơn Đông, Hà Bắc. Về đến ải Nương Tử gặp bão tuyết, phải vào miếu tránh rét, không ngờ ở đây cũng đói, các vị chủ trì miếu lang bạt đâu cả, cháu bị cái rét, cái đói đánh gục..
Dận Đề mắt long lanh thương cảm:
- Câu chuyện cô kể, ai nghe cũng phải thương tâm. Nhưng ta đã cứu mạng cô, sao cô lại nỡ dối ta? Năm ngoái Sơn Tây hạn hán, mất mùa đó là sự thật. Hoàng đế Khang Hy ra chiếu chỉ ban bố khắp bàn dân thiên hạ, miễn thuế một năm cho thần dân hai tỉnh Sơn Tây và Cam Túc, hoàng thượng còn cử khâm sai đại thần cùng với tuần phủ Sơn Tây Nặc Mẫn cứu tế dân chúng, sao lại có chuyện như trên được? Hãy nói thực đi, rốt cuộc cô là nô tài của gia đình nào bỏ trốn? Có mặt ta ở đây, cô hoàn toàn bình an, ta đã cứu người, thì cứu đến cùng.
Dẫn Đệ mở to mắt nhìn Dận Đề không chớp, lát sau than rằng:
- Các ông không tin cháu cũng đành chịu, vả lại câu chuyện cháu kể trên cũng chưa được rõ ràng. Nghe kể rằng Nặc đại nhân đến nhà huyện lệnh huyện cháu thu thuế, dường như huyện lệnh nợ ngân khố gì đó, chứ có phải cứu tế gì đâu? Không những không cho một xu, mà còn nợ chồng thêm nợ, dân chúng ai cũng bị như vậy. Chuyện đã vỡ lở cả tỉnh, sao lại bảo cháu lừa ông? Ông đi hỏi khắc rõ...
Chưa nghe hết câu chuyện, Dận Đề đã hiểu rõ ngọn ngành. Cô gái đã nói thật, việc này thuộc về trách nhiệm của đương kim hoàng thượng, do chính hoàng thượng gây ra! Năm Khang Hy thứ 46, Dận Chân chủ quản Hộ bộ, thu nợ cho ngân khố, không biết bao nhiêu quan lại phải nhảy xuống giếng, phải treo cổ tự vẫn. Tên giặc Nặc Mẫn gớm thật, triều đình đòi nợ hắn, hắn bắt dân chúng trả nợ đậy. Dận Đề nhìn ngọn lửa, đột nhiên buông một câu:
- Đồ khốn nạn! - Quay sang hỏi Tiền Uẩn Đẩu: - Nặc Mẫn có phải là môn đệ của Ung Hòa cung?
Tiền không muốn gây nhiễu sự, chỉ mong sao sớm đưa được vương gia thất thế về Kinh càng sớm càng tốt, chỉ ậm ừ, ngậm miệng ăn tiền. Thấy vậy, Thái Hoài Tỉ bên cạnh chen lời:
- Không phải là môn hạ của Vạn tuế da, hắn nguyên là anh em kết nghĩa với Niên Thế Đài trong hội cờ trắng.
Dận Đề nghiến răng, cười nhạt:
- Chúng cùng hội cùng thuyền cả thôi, vải thưa sao che được mắt thánh, không sợ dân chúng sinh biến sao? Thượng bất chính, hạ tắc loạn, ta thấy.. .
Đột nhiên Dận Đề ý thức được thân phận của mình lúc này, trên danh nghĩa là "đại tướng quân vương", thực tế là một con hổ bị nhốt trong lồng, vả lại đây cũng không phải là việc của mình, hơn nữa tình hình Bắc Kinh hiện nay tốt xấu ra sao cũng không biết, tiền đồ may rủi thế nào khó mà biết trước được...
Dận Đề khó nhọc nói:
- Dẫn Đệ, cô gặp đại nạn không chết, sau này nhất định có phúc đấy. Cô có bằng lòng theo hầu ta về Bắc Kinh, hay là về quê?
Dẫn Đệ mắt ngấn lệ, vốn dĩ cô cứ tưởng bọn này chỉ là dân đâm thuê chém mướn, không thì là bọn lục lâm thảo khấu, giờ tĩnh tâm lại, cô hiểu rằng Dận Đề không phải là người xấu, mà cũng không phải là người dân thường. Vừa suy nghĩ, vừa lấy vạt áo lau nước mắt trả lời:
- Cháu... nhà còn cha mẹ và em nhỏ, cha già, mẹ bệnh, cũng cần phải có người chăm sóc họ...
- Cô là người con có hiếu, hơn cả anh em ta! Thế thì sáng mai ta cho cô một ít tiền về quê làm vốn.
Nói xong, Dận Đề dặn dò thị vệ:
- Cô ta nghỉ ở đây không tiện, ngôi nhà phía đông có một cái buồng, các người đưa cô ta lại đó và cho cô ta ăn chút gì đó.
Thị vệ dẫn Dẫn Đệ đi. Dận Đề thò tay vào túi lấy đồng hồ, giờ chính Hợi. Ngoài trời tuyết như những sợi bông rơi xiên xuống đất, hai tên Tiền, Thái đang chăm chú nhìn chàng, chàng không thể đuổi chúng đi nơi khác được và cũng không có chuyện gì tâm sự với chúng.
Đêm càng về khuya, gió rít từng cơn, tuyết rơi càng dầy, lòng Dận Đề càng thêm nặng trĩu. Chàng cởi thanh kiếm ra, dựa lưng vào yên ngựa, thò tay vào nồi nhón vài miếng thịt hươu bạc nhạc cho vào mồm, uống một bát rượu to, lát sau thấy người lâng lâng rồi thiếp đi.
- Thập tứ da, Thập tứ da!
Đang mơ màng, nghe tiếng gọi Dận Đề choàng tỉnh, mở mắt thấy Tiền Uẩn Đẩu đang gọi mình, vừa gạt bỏ sợi cỏ, rác bám vào quần áo, vừa hỏi:
- Gọi ta dậy có việc gì?
- Dịch quán Tỉnh Kinh cho người đến đón vương gia!
- Ngươi có nhớ, tối qua ta nói gì không?
-...
- Bảo họ vào đây!
- Vào đi!
Một người tuyết bám trắng toát, thở ra khói trắng bước vào miếu, dừng chân trước mái hiên, dậm chân, vẩy mũ cho tuyết rơi xuống, gạt tuyết bám đầy mặt, lắp bắp nói:
- Tỉnh... Tỉnh Kinh dịch quán, Mạnh... Mạnh...
Dận Đề trong lòng đang buồn, nghe vậy cũng phải bật cười:
- Ngươi hãy bình tĩnh, dịch quán Tỉnh Kinh vào đây.
Mạnh dịch quán người đã béo lại thấp, chẳng khác nào quả bóng lăn từ ngoài vào, khoát tay thành nửa vòng tròn chào:
- Nô tài... Mạnh... thỉnh an thiên tuế...!
Không hiểu trong miếu nóng, hay là do lần đầu tiên Mạnh lắp tiếp xúc với một vương tôn công tử, võng cao lọng trọng, quá sợ hãi mà hai bên thái dương lấm tấm mồ hôi. Mạnh lắp vừa nói vừa ra hiệu bằng tay, Dận Đề nghe vẫn không hiểu gì cả. Giọng phương Bắc lơ lớ, lại nói lắp nữa, ai nghe cũng không hiểu nói gì. Vốn dĩ Dận Đề định hỏi, tại sao hoàng đế lại "quan tâm" đến việc về Kinh của mình như vậy. Nhưng kịp nghĩ trong tình cảnh này hỏi cũng bằng thừa, bèn chuyển sang chuyện khác:
- Ngươi bỏ ra bao nhiêu tiền để mua chức? Chẳng lẽ ngươi leo lên chức tư đồ cũng nói như vậy sao?
- Bẩm, bẩm vương gia... nô... nô tài lên chức quan bằng con đường đứng đắn,... chỉ vì nói lắp nên hiện giờ mới... quan bát phẩm..., sau... sau này sẽ không nói... lắp nữa ạ. Nếu vương gia lệnh cho nô tài hát đạo tình ca,... sẽ không lắp.
Dận Đề ngửa mặt lên trời, cười to:
- Tốt, hay lắm, ngươi hát đi! Ta ra chủ đề bài hát: Ai ra lệnh cho ngươi đến đón ta?
Mạnh lắp mặt đỏ nhừ, gân cổ lên hát, quả nhiên không lắp nữa. Thị vệ qua bao ngày đi cùng với vương gia thất thế, chán nản, lặng lẽ, nay lại được nghe hát đạo tình ca ở ngay chính điện, đến xem rất đông. Mạnh cúi chào Dận Đề rồi hát:
Lời ca vang lên thiên tuế hãy lắng nghe,
Vì người, nô tài xin hát đạo tình ca.
Hạ thần đâu dám tự tiện đi đón vương gia,
Đây là lệnh của phủ Bảo Định ban ra.
Giữ nguyên chức vụ, nếu đón được Thập tứ da,
Đón không được, bay teo quan Bát phẩm.
Khổ thơ dung tục, không kiểu cách, không vần điệu nhưng nội dung rõ ràng, Dận Đề không ngờ hắn lại hát trôi chảy đến thế, chàng cười nói:
- Ta mới đến ải Nương Tử, làm sao phủ Bảo Định biết được? Tai của phủ dài quá nhỉ?
Mạnh Hiến Hựu vừa vỗ tay vừa hát tiếp:
Vòng vèo trong đó, nô tài đâu có rõ.
Tối qua có một vị quan đến Tỉnh Kinh,
Đó là Công bộ ngoại lang Điền Văn Kính,
Phụng chỉ thánh thượng tới Thiên Tây úy lạo ba quân,
Tiện đường tới Tỉnh Kinh truyền lệnh,
Nô tài xuất kiệu đón vương gia
Bốn mươi lăm dặm đường mệt quá ta
A la, lá, là, la!
Mạnh hết hơi, đáng lẽ phải hát là: "A, la, lá, là la", do quá mệt nên bị vấp, mọi người được phen cười vỡ bụng. Dận Đề bật cười, hụm nước trà phun ra ướt áo, chàng hiểu rõ ràng mình đã bị khống chế chặt chẽ. Mặt chàng biến sắc, đứng dậy lạnh lùng nói:
- Ta đã làm khổ tuần phủ hai tỉnh, tuyết nhiều như thế này, vì bản vương mà phải nhọc lòng. Người đã mang kiệu đến đây, ta ghi nhận lòng tốt của ngươi, bản vương sẽ lên kiệu trở về.
Dứt lời, Mạnh Hiến Hựu dập đầu lạy Dận Đề, đứng lên ra ngoài chuẩn bị kiệu. Dận Đề cùng bọn Tiền, Thái thu dọn hành lý.
Một thị vệ của vương phủ thấy Dận Đề chuẩn bị đi, liền vội chạy tới:
- Thập tứ da! Thế còn cô gái? Cho cô ta đi theo hay bảo cô ta về quê?
- Sức khỏe cô ta thế nào?
- Tốt ạ, nghỉ ngơi một đêm, đã khá hơn!
Dận Đề mím môi nhìn trời, tuyết đã dịu, những bông hoa tuyết tung bay trong gió nhẹ. Nhìn thấy Dẫn Đệ từ trong buồng ngôi nhà phía đông bước ra, liền hỏi:
- Cô không sao chứ?
Dẫn Đệ mặc một chiếc áo bông vừa dầy vừa nặng, sắc mặt đã khá lên. Lúc ở trong buồng, Dẫn Đệ nhìn qua cửa sổ thấy Dận Đề và mọi người vội vàng thu dọn hành lý, nghe thấy Dận Đề hỏi, vội vàng đi ra, quỳ hai chân xuống tuyết lạnh vái Dận Đề ba vái, nghẹn ngào:
- Ân nhân... Người sắp đi! Bần nữ biết lấy gì để báo đáp? Bần nữ con nhà nông nghèo, ân nhân là người cao quý, bần nữ chỉ mong ân nhân thăng quan tiến chức, công hầu vạn đại...
Dận Đề cười chua chát, chàng thò tay vào túi, bạc hết nhẵn, trong túi chỉ còn một quả cầu nhỏ bằng vàng do Niên Canh Nghiêu tặng hôm chia tay. Dận Đề nói với cô gái:
- Ta không xứng đáng nhận lời cảm ơn của cô. Nếu như trước đây, ta đưa cô về Kinh, giúp cô có được một cuộc sống khá giả, no ấm, nay thì không được nữa rồi, cô cầm tạm vật nhỏ này và về đi...
Nói xong mắt chàng như tối sầm lại.
Dẫn Đệ ngẩng đầu lên, nhìn Dận Đề với cái nhìn kinh ngạc, mắt như nhòe đi. Chính trong thời khắc này, Dận Đề mới để ý kỹ tới cô gái cực kỳ xinh đẹp này. Khuôn mặt thanh tú, nước da trắng ngần như tuyết, đôi gò má ửng hồng, khóe miệng như ẩn hiện nụ cười, mái tóc đen nhánh hơi rối bay bay trong gió, đôi mắt đen láy thơ ngây, chớm dậy thì. Dận Đề nuối tiếc:
- Tám con nha đầu hầu hạ ta ở vương phủ Bắc Kinh không ai sánh kịp cô, được mang cô đi, về hầu hạ phúc tấn thì tốt quá. Đáng tiếc,... nay ta tự mình không lo nổi cho mình, thì lo cho cô sao được. Ta khuyên cô không thể cứ thế này mà đi đường được, cô nên hóa trang giả trai, cứ thẳng đường cái lớn mà về.
- Ân công!
- Sao?
- Bần nữ cầu xin ân công cho biết quý danh, về nhà xin lập bài vị cầu cho ân công trường sinh bất tử!
Dận Đề mỉm cười, từ từ bước xuống bậc tam cấp, đầu không ngoảnh lại nói:
- Tự cổ chí kim làm gì có chuyện trường sinh? Ta không đoản mệnh chính là nhờ ông trời chiếu ứng đấy! Khi tiên đế còn tại vì, quần thần ngày ngày hô "Vạn tuế.", mà cũng chỉ giữ ngôi được 61 năm. Tạo hóa vô tình...
Không biết câu nói nào đã khiến cho Dận Đề xúc động, nghẹn ngào tuôn rơi lệ. Chàng bước nhanh ra khỏi miếu, cúi người chui vào kiệu chân gõ vào thành kiệu ra lệnh:
- Khởi kiệu!
Hàng trăm người vây quanh bốn phu kiệu mặc quần áo màu vàng, họ bước thấp bước cao, đi trên đường núi tuyết phủ dầy, từ từ di chuyển về phía đông. Dẫn Đệ đứng chết lặng trước cửa đền, ngước mắt tiễn đưa, khi đoàn người hút bóng trong biển tuyết trắng mênh mông, mới quay người đi vào miếu...
Đoàn người đi trong tuyết mấy ngày liền thì tới dịch quán Lộ Hà ngoại ô Bắc Kinh, hôm đó là ngày 26 tháng Mười một. Đoàn người vừa về tới đây, đã có người phi ngựa vào thành báo tin. Qua sông Vĩnh Định, gặp ngay một số người chờ đón: Đại học sĩ Doãn Thái, Lễ bộ ngoại lang Cao Kỳ Trác, A Nhĩ Sung A là con trai của nguyên quan thượng thư Công bộ A Mai A, Tô Nô là môn hạ của Bát a-ca kiêm thân vương Dận Tự. Khi Dận Đề còn ở trong cung, Tô Nô nói chuyện liên mồm, chuyện trên trời dưới biển, thượng vàng hạ cám, nhưng lúc này giữa chốn đông người chỉ im lặng đi theo mọi người vào dịch quán. Trong thời kỳ quốc tang, cấm không được tổ chức tiệc tùng, Doãn Thái lệnh soạn tiệc rượu chay để tiếp Dận Đề. Trong lúc tiệc chay, không được ca hát, đàn sáo, nhảy múa, bữa tiệc biến thành "tiệc câm", lòng đầy tâm sự. Ăn uống qua loa vài miếng, khi thấy Dận Đề bỏ đũa, chuẩn bị đứng dậy sang phòng khách, mọi người liền đều đứng dậy đi sang phòng chính dịch trạm, tiếp tục tâm tình.
- Trúc Vận Công, - Dận Đề ngồi nghe.chủ sự, liếc mắt nhìn người đối diện là Doãn Thái, hỏi: - Thi hài của hoàng a-ma để ở đâu? Ta tối nay sẽ túc trực bên linh cữu!
Doãn Thái là đại học sĩ của Văn Hoa điện, từng là môn sinh của thượng thư đại thần Hùng Tứ Lí, nổi tiếng có kiến thức uyên thâm. Những năm cuối đời Khang Hy, ông già 70 tuổi này vì cùng với đại học sĩ Vương Diệm bảo tấu thái tử, phạt và bãi chức một số quan lại mà phải về vườn "ngồi chơi xơi nước" mấy năm trời. Tóc đã bạc trắng, song tinh thần vẫn còn sáng suốt. Đang ngồi trên ghế, nghe Dận Đề hỏi, Doãn Thái cúi người cung kính trả lời:
- Hoàng đế sau khi băng hà đã được quần thần gọi là "Thánh tổ", mong Thập tứ da lưu ý, Thánh tổ băng hà ngày 13 tại Sướng Xuân viên, hiện nay linh cữu Thánh tổ được hoàng đế Ung Chính quàn tại dịch quán Lộ Hà, ngày mai có thánh lệnh triệu Thập tứ da vào cung.
Những người ngồi trước mặt, Dận Đề cảm giác như những người xa lạ, nghĩ lại trước đây cũng tại nơi này, khi mình được phong đại tướng, oai phong lẫm liệt, là con trai hoàng đế, quyền cao chức trọng, họ cung kính dẫn mình tới quán Thành Lô gần dịch quán Lộ Hà uống rượu chia tay. Giờ đây đã phân rõ danh phận vua tôi, không cho vào thành, thì phải ngoan ngoãn ngồi chờ ngoài thành. Thật là, cảnh vật thì cũ, người thì đã khác xưa. Cách nơi đây không xa là Tử Cấm Thành, lão a-ma đơn độc nằm trong cung Càn Thanh lạnh lẽo, người không còn cầm tay mình dậy tập viết chữ, không vừa uống rượu, vừa xem mình múa kiếm nữa rồi... bất giác Dận Đề nước mắt lưng tròng, song không muốn Doãn Thái và mọi người biết sự yếu đuối của mình, lau vội nước mắt, nói:
- Doãn Thái, không cho ta vào thành, ta tuân chỉ, ông là đại học sĩ nổi tiếng, ta xin ông thỉnh giáo, ta nên gặp hoàng đế trước, hay vào nơi đặt linh cữu Thánh tổ trước?
- Trung, hiếu, tiết, nghĩa là nhóm lễ đầu, phải có thứ tự. - Doãn Thái thẳng thắn, rành mạch nói tiếp: - Chữ "trung" đứng đầu nhóm lễ, nay quân thần đã định, thánh thiên tử ở trên, do vậy nên tham kiến hoàng thượng trước, còn nếu như Vạn tuế da hiện đang túc trực linh cữu ở cung Càn Thanh, thì vào đó tham kiến một thể.
Doãn Thái tính toán kỹ càng, nói năng rành mạch. Hàng ngày Doãn Thái không giao tiếp với Dận Đề, xong thấy chàng thẳng thắn có khí phách, nên có nhiều cảm tình với chàng. Bình thường thì gặp ai trước, ai sau chỉ là chuyện nhỏ, song hoàng đế đương nhiệm là người xét nét, khuyên Dận Đề làm lễ quân thần trước, sau mới tham kiến di hài Khang Hy, đây là lời khuyên có ý tốt, nhưng nhìn nét mặt nghiêm khắc của Doãn Thái, người nghe thật khó có thể lựa chọn.
A Nhĩ Sung A đi cùng Doãn Thái tới đây, thấy Doãn Thái nói với Dận Đề như vậy, mắng ngầm Doãn Thái: - "Lão già lẩm cẩm", nhưng miệng lại nói rằng:
- Trung, hiếu nguyên là một thể thống nhất, Doãn đại nhân nói rất đúng. Hiếu vi trung chi bản, bất hiếu tức là bất trung. Con bất hiếu thì không thể là trung thần. Đương nhiên Vạn tuế da đang ở bên di hài, chẳng thà đến nơi quàn linh cữu.
Doãn Thái biết rõ mười mươi là A Nhĩ Sung A bác bỏ lời khuyên của mình, không cần thanh minh, vẫn nghiêm nét mặt, quay sang nói với Dận Đề:
- Có một việc thần không thể không nói rõ cho Thập tứ da biết, sau khi lên ngôi hoàng đế, tất cả các a-ca đều không được phạm húy. Vì thế, chữ "Dận" của các a-ca phải đổi thành chữ "Doãn". Âm hai chữ Dận, Doãn gần nhau, nếu xưng hô bằng miệng thì khó phát hiện được, còn nếu Thập tứ da có bản tấu viết, thì nên đính chính lại.
Dận Đề hiểu rõ lòng tốt của Doãn Thái, gật đầu nói:
- Đa tạ sự quan tâm, từ nay trở đi, tiểu vương gọi là Doãn Đề.
"Thập tứ da", không thấy Doãn Đề nhìn mình lần nào, A Nhĩ Sung A hiểu rằng Doãn Đề đã hiểu nhầm mình. Trước khi đi đón Doãn Đề, quan thái giám phủ Bát a-ca Hà Trụ Nhi gặp riêng A Nhĩ Sung A dặn dò: không được một mình đi gặp Doãn Đề, thông báo tỉ mỉ tình hình trong thành cho Doãn Đề hay. Song nhất thời lúc này không thể nói được, giữa chỗ đông người, mỗi người một ý biết đâu mà lường, ai mà hiểu hết tâm địa họ, tìm cơ hội để nói cho Doãn Đề hay thật khó. Chính vì điều này, A Nhĩ Sung A bứt rứt không yên, ngồi im và nhìn Doãn Đề liên tục, không nói thì không truyền đạt được lời dặn của Bát a-ca, suy đi tính lại, ho nhẹ một tiếng, A Nhĩ Sung A lên tiếng:
- Trước khi nô tài đến đây, Tam, Ngũ, Bát, Cửu Thập tam a-ca đã gặp nô tài. Các a-ca đều nói: Vốn dĩ tất thảy đều muốn đi đón vương gia, nhưng vì làm trọn chữ hiếu, nên không đi được, dặn nô tài chuyển báo vương gia hãy tự bảo trọng.
Câu nói này ngầm báo cho Doãn Đề biết tin bình an, Doãn Đệ thở phào nhẹ nhõm, quay mặt lại nhìn A Nhĩ Sung A nói:
- Cảm ơn sự quan tâm của các a-ca, các a-ca làm tròn chữ hiếu, thôi ta không nói chuyện này nữa.
Tô Nô nhìn Doãn Thái và Cao Kỳ Trác rồi tiếp lời A Nhĩ Sung A:
- Ngược lại, tất cả cũng không thể làm tròn chữ hiếu. Vạn tuế da vừa đăng quang, mọi việc đều phải lo liệu, mọi việc đều giải quyết trong cung Càn Thanh. Còn Tam da, Thập tam da, Bát da đang ở phòng đọc sách phía nam, bàn bạc tổ chức tang lễ cùng với Long Khoa Đa và Mã Tề. Để đề phòng các gian đảng trong và ngoài thành câu kết lợi dụng lúc quốc tang nổi loạn, cả 9 cổng ra vào thành đã đóng chặt 14 ngày nay rồi.
Lại một tin báo nữa, tin này khẩn trương hơn. Cái gọi là "gian đảng" gì gì đó, Doãn Đề đã rõ từng chân tơ kẽ tóc, đó chính là ám chỉ: Bát a-ca Doãn Tự, Cửu a-ca Doãn Đường và Thập a-ca Doãn Ngã, đương nhiên mình là "ngoại" của "nội ngoại" gian đảng rồi. Trong lòng Doãn Đề lúc cảm thấy căng thẳng, lúc lại thấy thư thái: Rõ ràng Bát a-ca không bị lật đổ, thì ngôi vị của hoàng đế Ung Chính sẽ không vững vàng! Nguy cơ và thời cơ cùng song song tồn tại. Mấy tin ngầm báo trên khiến Doãn Đề bồi hồi, định hỏi thêm vài vấn đề nữa, nghĩ lại, lại thôi, quay người hỏi Cao Kỳ Trác:
- Ngươi tên là gì? Từ trước đến nay sao ta không gặp!
- Thập tứ da, - Cao Kỳ Trác cúi người nói: - Thần nguyên là quan tri phủ thuộc địa hạt Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, mới được điều về Lễ bộ mấy ngày nay, do vậy chưa có dịp vinh hạnh được tiếp kiến Thập tứ da.
Cao Kỳ Trác người gầy đét, đôi mắt nhỏ ti hí, mặt choắt, nhanh nhẹn, nếu "ấn đúng phím", lão này có gì sẽ phun ra hết. Doãn Đề nghiêng đầu ra chiều nghĩ ngợi:
- Ta nhớ ra rồi, ngươi xem ra cũng là người từng trải, cuốn "Kham dự gia ngôn" 1 ngươi viết hay lắm.
Bất chợt Doãn Đề nhớ ra, Cao Kỳ Trác chính là người giới thiệu Lý Vệ chức tổng biện đốc lương ở trướng Niên Canh Nghiêu, liền không nói nữa. Ngược lại Cao Kỳ Trác đã bị Doãn Đề gãi đúng chỗ ngứa, thao thao bất tuyệt:
- Nói đến phong thủy là phải nói đến địa lý, địa lý ứng với thiên văn, huyền diệu lắm lắm. Tiên đế sinh thời, người từng lệnh cho thần tháp tùng khâm thiên giám Viên Minh đến Phụng Thiên thăm lăng Thái tổ, sau đó đến Tuân Hóa, Viên Minh nhìn thấy một vùng đất, thế đất hình đầu rồng uốn khúc nhấp nhô, tựa giống như đầu rùa mình rắn lượn vòng, thoải dần về phía đông nam, chính bắc giáp nơi đặt lăng Thánh tổ. Viên Minh nói:
- Thế đất nơi đây tốt.
Thần nói:
- Đất chỉ có thế "giống tướng" mà thôi, tức là nhìn thế đất dễ làm người ta lầm là thế đất tốt, nếu không tin đào lên mà xem, chỉ đào sâu 2 mét là có nước.
Bèn gọi người đến đào, quả đúng không sai! Thầy địa lý Viên Minh cũng phải bái phục, sau đó lại lệnh cho thần đi tìm thế đất, tìm mãi, tìm mãi mới chọn được vị trí đặt lăng Đại Hành hoàng đế! Đại học sĩ Trương Đình Ngọc cũng nhờ thần tìm nơi đặt lăng tổ phụ, tôi tìm sai, công tử của họ không gặp may, âu là ngọc còn có viết nữa là. Vừa rồi thần xem cho công tử Trương Tương Nhị, tam đệ năm ngoái ra làm quan. Thần còn xem cho cả Doãn lão Tương da, công tử nhà họ đã thi đỗ cử nhân, nếu trong hai năm liền thi không đỗ một trong ba người đứng đầu khoa thi, thì thần đồng ý cho họ bạt tai!
Cao Kỳ Trác mồm mép liến thoắng, chân tay vung vẩy, nào là hướng núi, địa khí, thế rồng thế rắn, mạch nước... nước bọt bắn ra tứ tung, người nghe phát ớn. A Nhĩ Sung A ngồi ngay cạnh chẳng mặn mà gì nghe chuyện, liền bảo:
- Không ngờ lão huynh lại tinh thông âm dương thế, trời tạo hóa, nhất định huynh phải tìm vị trí đặt lăng tẩm cho Vạn tuế da.
Đôi khi chỉ một câu nói có thể khơi thông một dòng chảy, đồng thời cũng có thể chặn đứng một dòng sông! Nhìn chung các triều đại trước, các hoàng đế đã chọn trước cho mình nơi đặt lăng tẩm, chứ có kiêng kị gì đâu? Song Khang Hy vừa băng hà, thi thể chưa lạnh, chưa an táng, nhưng vì sợ nguy cơ kinh thành sinh biến, ngôi vị hoàng đế chưa vững, đã vội vã cho người đi tìm nơi đặt lăng tẩm, mọi người ai cũng cảm thấy thế nào ấy, mặc dù không ai mảy may tìm ra sai sót. Cao Kỳ Trác tự cảm thấy mình quá lời, đỏ mặt tía tai, ngồi im không "khua môi múa mép" nữa.
Doãn Đề đứng dậy vươn vai:
- Ta cũng đã mệt rồi, làm theo ý chỉ, nghỉ tại đây. Cao Kỳ Trác tinh thông phong thủy, vạn tuế chỉ triệu vào hỏi chứ cũng không có thâm ý gì đâu. Kỳ Trác tiên sinh, khi nào rảnh rỗi, tìm giúp cho ta một vạt đất mảnh đất ta chọn không cầu đời đời phú quý chỉ cầu đời đời bình an, xin tiên sinh lưu ý cho.
Nói xong, Doãn Đề khoát tay, mọi người cung kính lui ra.
--------------------------------

1
Kham dụ gia ngôn: Sách viết về phong thủy, địa lý.
 

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI