HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY
Sóng gió Hoàng Hà Hoàng Lịch gặp nguy
Trong cơn hoạn nạn phụ nữ trổ tài

    
ần Phượng Ngô được dẫn vào, tấm áo xanh hắn mặc trên người đã ướt sũng nước mưa, tóc cũng dính bết trên đầu, nước rỏ ròng ròng, khuôn mặt xương xương trắng trẻo thanh tú lộ rõ vẻ bình tĩnh, không hành lễ, mà duỗi duỗi cánh tay vừa bị bẻ quặt, nhìn một lượt mấy người trong phòng, hồi lâu mới nói với Trương Hưng Nhân:
- Học đài đại nhân, nha môn của ngài dán cáo thị, muốn bắt tôi. Tôi vừa mới biết điều đó, nên tới đây đầu thú, xin đại nhân xử lí
Nói xong, nhìn Điền Văn Kính một cái, rồi quay về phía Trương Hưng Nhân, nhấc tà áo, thung dung quỳ trên đất.
- Chỉ có mình ngươi thôi à? - Điền Văn Kính không biết làm thế nào, tự thấy khó xử, cùng tùy tòng ngồi xuống, nghiến răng hỏi: - Một con rận nhỏ mà nâng được tấm đệm ư? Còn kẻ đồng mưu với ngươi đâu?
- Vãn sinh không có đồng mưu.
- Thế tên Trương Hi thì sao?
- Trương Hi không phải là đồng mưu. - Tần Phượng Ngô nhìn Điền Văn Kính với vẻ khinh thị: - Tôi chủ trương bãi thi, làm một việc chấn động thiên hạ, kinh tỉnh hậu thế. Từ việc lập kế hoạch cho tới việc liên kết các tú tài bãi thi đều do một mình tôi. Trương Hi không phải người bản lĩnh nhưng hai chúng tôi hợp nhau, nên chỉ giúp tôi vài việc vặt thôi. Anh ấy đã đi khỏi Khai Phong rồi.
Điền Văn Kính thấy vậy, cũng rất khâm phục sự táo bạo của hắn, nhưng vẫn trợn mắt hỏi:
- Nếu nó vô tội, thì sao lại phải sợ tội bỏ trốn?
- Ông là Điền chế đài phải không? - Tần Phượng Ngô cười nhạt, nói, - Hiện giờ tôi vẫn chưa bị tước mất danh vị sinh viên, tới đầu thú với Trương lão sư. Ông muốn thẩm vấn tôi à?
Theo chế độ nhà Thanh, cử nhân, tú tài phạm tội, nếu chưa bị nha môn Học Đài tước bỏ công danh, thì quan địa phương không có quyền bắt giữ thẩm vấn. Điền Văn Kính bị hắn dồn, không nói được câu nào, nghiến răng trợn mắt nhìn Trương Hưng Nhân. Trương Hưng Nhân đành ngầm thở dài, lớn tiếng quát:
- Ngươi đang mang tội trọng trên mình, lại còn dám vô lễ thế à? Mau trả lời chế đài đi!
- Thế thì tôi xin nói thực. - Tần Phượng Ngô nói, - vì Điền chế đài là người hà khắc, không đếm xỉa gì tới đạo lý, nên theo sự điều khiển của tôi, Trương Hi đã bãi thi, hắn là kẻ thất phu vô tội, nhưng vì đã xuất đầu lộ diện quá nhiều, nên sợ bị phạt, đã bỏ trốn rồi. - Thấy mọi người đều lộ vẻ kinh ngạc, Tần Phượng Ngô lại thung dung nói tiếp: - Điền chế đài quá ham lạm sát người vô tội. Chỉ cần xem mấy bản án ông ta xử là biết, chỉ toàn xử nặng, không thấy khoan dung. Vụ án Hoàng Lưu thị đã giết bao nhiêu mạng người? Rồi việc hại chết tươi các hòa thượng, ni cô cầm đầu trong vụ am Bạch y miếu Hồ Lô. Vụ Nội Hoàng huyện lệnh ăn hối lộ, hơn sáu chục Phủ huyện phủ Quy Đức và những người có liên quan đều bị cách chức sạch, chẳng lẽ trong số đó không có lấy một người tốt hay sao? Khắc bạc và tàn nhẫn chính là Điền chế đài. Hành động này không phải là tội lỗi, ai có thể đưa vào án được đây?
Hoằng Lịch tuy chưa nhiều tuổi, nhưng từ sau mười ba tuổi đã thường xuyên phụng chỉ tuần thị nhiều tỉnh, gặp không ít đại sứ thẩm tra đạo tặc trên sông nước, qua đó, cũng thấy rất nhiều bậc anh hùng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lớn tiếng chửi mắng bọn tham quan ô lại ngay trên pháp trường, nhưng tất cả những trường hợp đó đều có lời lẽ thô lỗ. Tần Phượng Ngô dám lấy cái thân thư sinh mà hô hào bãi thi, rồi lại hiên ngang tới đầu thú, ngang nhiên chỉ trích tội lỗi trong khi vi chính của Điền Văn Kính, thung dung bày tỏ, không chút sợ hãi, kiến thức sâu sắc, thật là hiếm có. Ông ngồi im lặng, nhìn chăm chăm vào Tần Phượng Ngô, nghĩ cách cứu hắn. Kha Anh và Trương Hưng Nhân tấy mỗi lời của Tần Phượng Ngô đều trùng với ý nghĩ của mình, càng nghe càng thấy sướng tai, nhưng không ai dám nói ra.
- Ngươi nói hay lắm. Ta bái phục cái gan của ngươi đó. - Mặt Điền Văn Kính hết tái đi rồi lại đỏ lên, đầu óc choáng váng. Sau khi nghe hắn nói được một lúc, thì chỉ còn thấy lờ mờ mặt Tần Phượng Ngô, chứ cũng không biết là hắn đang nói gì, mãi sau mới bình tĩnh lại, cố chặn lấy con tim đang đập thình thịch, nói bằng giọng đứt quãng: - Có khiếu nói lắm! Điền Văn Kính lẽ nào lại không nên tỏ vẻ căm hận bọn đại gian đại ác hay sao? Hán kế nghiệp nhà Tần, dùng phép khoan hình. Vùng Hà Nam dân tục ngoan cố, bọn lưu manh không sợ quan nhưng lại sợ hình phạt, đó là vì các triều trước quá dung túng. Bởi thế ta không thể không gánh lấy cái tiếng bạo tàn, không tình không nghĩa để nghiêm trị. Ngươi là sinh viên, lại là danh sĩ Lạc Dương, to gan làm bậy, giữa thời buổi thái bình, dám dùng tà ngôn lừa bịp người, làm nhiễm loạn quốc gia, buông lời bậy bạ khinh miệt quan lớn triều đình, tuy là tự thú thì cũng có thể được giảm tội, nhưng sợ là không kịp nữa rồi! Hưng Nhân công, ông vẫn muốn giữ một con người như vậy trong hàng ngũ tư văn ư?
Trương Hưng Nhân bị ông ta chiếu tướng, mới ý thức tới thân phận của mình. Nuốt khan một miếng nước bọt, ông nói:
- Khi nha môn Học chính dán cáo thị là đã tước bỏ công danh của ngươi rồi. Trương Hi cũng vậy, đã gửi công văn về Tứ Xuyên, gạch tên theo quy định rồi. Kẻ hậu sinh kia, biển khổ vô biên, nhưng quay đầu về sẽ là bờ, đã tới nha môn tư tức là đã biết nhận lỗi rồi. Ngươi tự thú thì hẳn sẽ được hưởng lượng khoan hồng theo luật lệ, như vậy là vẫn còn một con đường sống đó.
Tần Phượng Ngô mím chặt miệng, kiêu hãnh ngẩng đầu, không nói lời nào. Điền Văn Kính nuốt giận, tay kh đi khua lại, Lý Hoằng Thăng đã đem theo hai nha dịch vào, Tần Phượng Ngô duỗi đôi chân đã tê dại vì quỳ, lạnh lùng nhìn mấy nha dịch, rồi theo Lý Hoằng Thăng đi.
- Cứ như vậy nhé, trời sắp sáng rồi. - Hoằng Lịch bỗng thấy tâm trạng không được thoải mái lắm, đứng dậy, định ngáp rồi lại thôi, - Cứ làm theo cách của Văn Kính, gửi công văn truy nã tên Trương Hi kia. Còn những sinh viên dự thi khác, nếu đã tham dự bãi thi thì ghi tên hết lại. A Sơn Bố La, Kha Anh và Trương Hưng Nhân, ta khuyên các ngươi nên đi xem đê Hoàng Hà đi, rồi mỗi người viết một tờ tạ tội. Từ giờ trở đi, phải sống hòa thuận với Điền Văn Kính. Ta cứ nói vậy, còn nghe hay không là việc của các ngươi. Văn Kính có thể viết riêng một tờ tấu về tên Tần Phượng Ngô này. Còn hắn thì để ta giải về Kinh.
Mấy người lui ra, Hoằng Lịch vẫn không hề có cảm giác buồn ngủ, chỉ thấy toàn thân nóng ran, trong lòng rối bời, không biết là làm sao. Chàng im lặng ra phòng ngoài, đứng dưới hiên, mặc cho mưa gió táp vào người, những hạt mưa lại làm cho chàng thấy thoải mái hơn chút ít. Trong màn nước mưa, vọng tới một tiếng gà gáy xa xa, rồi tất cả lại chìm vào màn đêm.
- Hôm nay ta sẽ không gặp ai hết. - Hoằng Lịch nói với Hình Kiến Nghiệp đang theo bên cạnh. - Sớm mai sẽ đi ngay, vùng Hà Nam này làm ta mệt mỏi quá, chả còn hứng thú gì nữa.
Canh tư hôm sau, Hoằng Lịch rời thành Khai Phong. Để khỏi làm kinh động văn võ bá quan trong thành, tất cả hơn mười giỏ lá trà và lừa đều được để lại dịch quán. Du Hồng Đồ tới cổng nha môn Niết ti đưa Tần Phượng Ngô từ trong nhà lao ra, Hoằng Lịch đi cùng Lưu Thống Huân và Ôn Lưu thị, Yên Hồng, Anh Anh, để anh em họ Hình hộ tống trông coi Tần Phượng Ngô, lặng lẽ ra ngoài thành. Mọi người men theo con đê xuống hạ lưu khoảng hai dặm, thấy một dải mặt sông rộng rãi chỉ có hai ba chiếc thuyền, trên bãi cát là hai gian nhà lẻ loi. Bấy giờ, trời rất âm u, phương đông hơi có chút ánh sáng, mưa nhỏ như sương, những ruộng mạch thưa thớt bên bờ đang bị gió thổi rạp. Phóng mắt về phía bắc, mặt sông đen sì như phủ một lớp mù không thấy bờ bến đâu đang tuôn ào ào, cuốn về phương xa. Hoằng Lịch thấy Lưu Thống Huân cứ trầm ngâm nhìn mặt sông, cười nói:
- Còn chần chừ gì nữa? Mau gọi cửa đi, sang sông tìm một điếm trọ. Chúng ta vẫn chưa ăn cơm đâu đấy!
Tần Phượng Ngô đứng ngay ngắn bên Hình Kiến Nghiệp, cũng đang trông về phía xa, không nói không rằng, rút từ trong tay áo ra ba đồng tiền, nắm trong tay, lắc mấy cái rồi ném xuống bãi cát.
- Đồ ngốc ơi! - Hình Kiến Trung gọi, - ngươi làm cái trò gì thế?
Tần Phượng Ngô không để ý tới, ngồi xổm xuống để xem, rồi nói:
- Đây là quẻ Tụng! Tứ da, tôi thấy sắc trời không được tốt, thế nước rất hiểm, đừng vội qua sông, hãy đợi một canh giờ nữa, đến khi trời sáng hẳn hãy qua, được không?
- Quẻ Tụng à? - Hoằng Lịch cũng quay người nhìn, rồi lại đưa mắt sang Tần Phượng Ngô, nói, - Điều đó có gì lạ đâu? Xưa kia, Thái Tông hoàng đế đánh nhau với Hồng Thừa Trù ở Tụng Sơn, cũng bốc được quẻ Tụng. Được hung lại hoá cát, ngươi có hiểu không? Trong quẻ này có câu "Lợi kiến đại nhân bất lợi thiệp đại xuyên" 1, vì thế nên ngươi sợ chứ gì? Nhưng tượng quẻ còn nói: "Thiên dữ thủy vi hành" 2 chúng ta lại có thể quên đi đạo "Trời" được sao?
Tần Phượng Ngô không ngờ Hoàng Lịch là một thanh niên mà lại học rộng như thế, song rõ ràng là quẻ xấu mà lại cố giải thích là tốt thì trong lòng không phục, nói:
- Sinh viên là một tội phạm có chết trôi hay chết chém thì chẳng qua cũng là điều chẳng lành cả. Lời giải trong quẻ nói rõ ràng rằng "bất lợi thiệp đại xuyên, nhập vu uyên dã" 3, nhưng nếu ngài đã quyết nói vậy, thì tôi đành tuân mệnh vậy.
- Lời nói này của ngươi còn hơi có lý. - Hoằng Lịch một là thấy vừa đói vừa khát, hai là cũng sợ trời sáng, Điền Văn Kính biết mình đã đi, tất nhiên sẽ lại tới quấy nhiễu, cười bảo: - Lệnh ta là lệnh trời, nếu chống lại là mang họa đấy. Các ngươi xem kìa, cái thuyền lớn thế kia, lái thuyền sống trên bờ, có nhà có cửa, chưa chắc đã là người xấu, qua con sông này thì có gì là khó khăn đâu? Sóng gió sông Dương Tử ở Kim Lăng Nam Hạ của ta còn to bằng hai thế này, sông lúc gần sáng thì có gì không lành chứ?
Tiếng bọn họ nói rất to, làm kinh động phu thuyền. Tiếng cánh cửa cót két, rồi một ông lão khoảng sáu chục tuổi vừa ho vừa dụi mắt đi ra, tới gian nhà phía tây gọi to:
- A Nhị, A Tam, có khách qua sông đây này, vẫn còn chảy thây ra đấy à? Trời còn tối nhưng rồi sáng bảnh ra bây giờ đấy. Bà nó ơi, mang chỗ cơm nấu hồi đêm ra đây cho chúng tôi ăn một chút rồi còn lên thuyền nào.
Tiếng thưa của một bà cụ vọng ra từ gian nhà phía đông, rồi thấy ánh lửa dưới bếp sáng lên. Hai người con vừa cài luy áo, vừa bước ra. Tiếng sắt chen lẫn tiếng ho của ông già làm cho quang cảnh tối tăm đáng sợ đã có một chút sinh khí. Lưu Thống Huân bước lên, nói với ông cụ:
- Cụ ơi, chúng tôi muốn qua sông bây giờ có ổn không? Sao ở bến này lại chỉ có mỗi nhà cụ thế ạ?
- Ở thượng du mới lập bến Tân Độ, đông khách, nên họ đều chuyển đi hết rồi. - ông cụ đón lấy bát mì từ tay bà cụ, và lia lịa vào mồm, giương cặp mắt đầy rử lên, nhìn ra bến nói: - ở đây còn có mấy con thuyền nữa đều ở bờ bên kia, sớm dậy nhiều người vào thành, ở bên này không làm ăn gì được. Hôm nay thì thế nào ư? Chỉ cần không có nước lũ, thì mưa có to mấy cũng vẫn qua được.
Trong khi cụ đang nói, thì A Nhị, A Tam đã ăn xong, kéo áo lên lau miệng, rồi không nói không rằng, đi tới bờ sông cởi dây buộc thuyền. Lưu Thống Huân thấy hai đứa con ông cụ đều khỏe mạnh khôi ngô, chỉ có điều là trông cứ như người câm, thì không được yên tâm lắm, nhưng thấy Hoằng Lịch đã bước tới ván cầu lên thuyền, thì đành cùng đám tùy tòng bước theo. Ông cụ chèo thuyền, A Nhị, A Tam mỗi người cầm một cây sào dài, rồi chầm chậm kéo buồm lên trong cơn gió heo lạnh buổi tinh sương. "Dô ta" một tiếng dài làm hiệu, hai cây sào cùng chống xuống, chiếc thuyền lớn chòng chành, rồi rời khỏi bờ.
Thuyền rất lớn, chia làm khoang trước, khoang sau và đáy thuyền. Hoằng Lịch và Ôn gia, Yên Hồng, Anh Anh ngồi ở khoang sau, Lưu Thống Huân và anh em họ Hình áp giải Tần Phượng Ngô ngồi ở khoang trước. Mười người ngồi mà vẫn thấy rộng rãi. Hoằng Lịch vốn là người vui tính, nhưng thấy sắc mặt bọn Lưu Thống Huân căng thẳng, xanh xao, tay nắm chặt, hoảng hất nhìn ngó nơi khoang trước, ai cũng im lặng, không nói không rằng, nên cũng cụt cả h
Lúc ấy, nhìn qua cửa sổ thuyền, chỉ thấy trời nước mênh mang, sóng vỗ ào ào, sông chảy cuồn cuộn, không một bóng thuyền. Trong tiếng nước sông chảy xé tai, chốc chốc lại nghe tiếng mái chèo đơn điệu và khô khan. Khoảng một khắc trôi qua, bờ nam cũng mất hút trong màn nước. Hoằng Lịch bị gió sông táp nước ướt sũng người, run cầm cập, chợt có linh cảm sắp xảy ra chuyện chẳng lành: "Sao ta lại quên bài thơ thần diệu đó nhỉ?? Nhỡ ra thuyền tới trung lưu mà có làm sao, thì ai tới cứu được? Hay nhỡ ra có cướp thì..." Chàng hoảng hốt, không dám nghĩ tiếp nữa. Định thần nhìn lại, khoang ngoài vẫn lặng ngắt như tờ, nhưng ba phụ nữ thì lại có vẻ bình tĩnh. Yên Hồng đang mải miết thêu lên một miếng vải trắng đã được căng chặt trong chiếc khung thêu bằng trúc. Anh Anh vẫn chưa hết tính trẻ con, tung một đồng tiền lên, rồi cứ lật đi lật lại bàn tay để hứng. Thần sắc của Ôn gia bình thản, lúc thì nhìn quang cảnh ngoài thuyền, lúc lại vừa mỉm cười vừa ngắm hai a đầu kia. Hoằng Lịch bỗng thay đổi ý nghĩ, ngắm bọn họ và thấy rằng hai đứa trẻ con này lớn quá rồi, còn Ôn gia thì tuy đã năm mươi, nhưng cũng vẫn là một phụ nữ đẹp! Nghĩ rồi cười, bảo:
- Lúc trước, vì người hầu trong dịch quán nhiều, nên ta không gọi tới các ngươi. Nhưng sau khi qua sông, mọi sinh hoạt của ta đều nhờ vào các ngươi cả đấy!
- Có lẽ Tứ da sắp phải dựa vào chúng tôi rồi. - Ôn gia mỉm cười, - Quẻ bói của tên thư sinh tù phạm này nghiêm thật. Tứ gia ơi, chúng ta đã lên đúng thuyền của bọn cướp rồi!.
Hoằng Lịch sởn gai ốc, định nhảy dựng người lên, nhưng lại ngồi xuống, hoảng hốt nhìn ra ngoài. A Nhị, A Tam vẫn đang chèo trên đầu thuyền, tiếng thuyền chạy cũng vẫn không có gì khác thường, chàng không nén nổi cười, bảo:
- Ngươi định dọa ta à? Tần Phượng Ngô nếu quả thực có năng lực, thì sao không lo tới mình, mà lại để đến nông nỗi này?
Ở bên ngoài, nghe thấy câu nói của Hoằng Lịch, Tần Phượng Ngô không nhịn nổi, nói:
- "Thiên kim chi tử tọa bất thuỳ đường" 4, bậc quân tử biết mệnh trời thì không đi vào chỗ đất hiểm. Cho dù có qua sông được an toàn, thì lời khuyên ngăn của tôi cũng không sai, qua sông lớn không có lợi mà vẫn qua tức là làm trái với mệnh trời. Tôi không hề có ý xấu, lúc trước đắc tội với Điền chế đài, sau lại thất thố với đại nhân, quả là kỳ quặc thật!
Lưu Thống Huân thấy Tần Phượng Ngô ngông cuồng như vậy, đang định mắng, thì Ôn gia ngồi áp lưng vào Hoằng Lịch, với tay lấy bọc kim thêu từ trong tay Yên Hồng, nói:
- Tôi sẽ cho Tứ da xem một trò hay nhé - Vừa nói, vừa nhét ngón tay vào khe ván thuyền. Nghe "tách" một tiếng, một mảnh ván thuyền đã bị bà cậy lên.
- Mẹ cha bọn đánh lén! - Ôn gia vừa chửi vừa vung cánh tay phải, mười mấy chiếc kim thêu bắn ra, - đâm vào những đôi mắt chó của các ngươi này!
Hoằng Lịch đang kinh ngạc, bỗng nghe dưới đáy thuyền có tiếng kêu thảm thiết: "Mẹ ơi!", hình như là tiếng kêu của hai người. Họ đã bị kim đâm vào mắt rồi thì phải, chỉ nghe tiếng chân chạy gấp gáp rồi một tiếng kêu thất thanh:
- Hoàng Thủy Quái! gió rồi! Cứu chúng tôi với!
Đồng thời với tiếng kêu, chiếc thuyền như mất phương hướng, lúc đó đang ở trung lưu Hoàng Hà, chiếc thuyền bị lắc mạnh sang hết bên này lại bên kia, rồi trôi tuột theo dòng nước. Hình Kiến Trung đưa Tần Phượng Ngô vào trong thuyền, rồi ra trông cửa khoang. Hình Kiến Nghiệp, Hình Kiến Mẫn, Hình Kiến Nghĩa đã rút dao ra, vây tới, chỉ thấy phu thuyền uy phong lẫm liệt tay cầm đại đao, đứng sừng sững ở đầu thuyền. Lúc này, hắn đã bỏ râu, trông rõ là một gã đàn ông cường tráng, mới chỉ khoảng hơn ba chục tuổi.
- Ra tay! - Tên chủ thuyền hét vang. - Kẻ nào lên thuyền của Hoàng Thủy Quái ta thì chỉ có chết mà không có sống! A Nhị, A Tam! Hãy đối phó với thằng thư sinh kia, còn ba món hàng này thì để ta lo cho!
A Nhị, A Tam dạ ran, kéo sào ra, thì ra chiếc sào to như cái cánh tay này còn có một cái đinh ba dài một xích. Hai tên cướp đưa mắt ra hiệu cho nhau, một thằng nhìn Yên Hồng và Anh Anh đang ngồi dưới cửa sổ thuyền, một thằng nhìn chằm chằm vào Ôn gia và Hoằng Lịch, rồi phóng mạnh cây sào từ cuối thuyền, muốn xuyên táo mấy người trong thuyền như xiên mấy con cào cào vậy. Chỉ nghe "phập" một tiếng, cây sào trúc của A Tam đã xuyên từ khoang sau tới, gần xuyên tới khoang trước. Tần Phượng Ngô vội đứng dựa vào cửa khoang, tay trái đã bị chiếc đinh ba cắm ngập vào, khi đưa lên xem, thấy máu chảy xối xả, rồi ngất đi. Hoằng Lịch thấy A Nhị, A Tam hung hăng như vậy, vịn hai tay lên cái xà trên nóc thuyền, cũng không biết sức lực từ đâu tới lật người một cái, đã dính chặt lên nóc thuyền. Đầu nhọn của chiếc sào trên tay A Nhị vừa giơ lên được một xích, thì đã bị một cánh tay của Ôn gia nắm chặt lấy. Đâm không trúng, A Nhị ném sào ra ngoài, nhưng làm sao ném được! A Nhị vừa tức vừa ngạc nhiên, cứ ú ớ không ra từ gì. Lúc ấy, Hoằng Lịch mới biết hắn là một thằng câm. Nhìn sang Yên Hồng và Anh Anh, thấy không ai bị thương, chàng cũng không biết họ dùng phép màu gì mà có thể tránh được cú đâm hiác vừa rồi. Ôn gia đưa mắt nhìn, thấy trên thắt lưng Hoằng Lịch có dắt một con dao nhỏ dùng để rọc giấy và gọt hoa quả liền nói:
- Xin mượn con dao của Tứ da. - Có dao trong tay rồi, bà quăng con dao từ trong cửa sổ ra. A Nhị buông cây sào, chạy trốn, nhưng không kịp. Con dao phi như bay, đâm vào giữa trán hắn. A Nhị "ái" một tiếng rồi ngã lăn xuống sàn thuyền, không trông thấy gì nữa. Ôn gia mừng quá, nói: - Con dao của Tứ da tốt quá, thưởng cho bà già này nhé!
- Được, thưởng cho bà! - Hoằng Lịch nói to. - Con dao đó là của nước Hồng Mao cống đấy, cắt được cả sắt cơ mà!
Chưa nói dứt lời, đã thấy A Tam vác sào, mắt đỏ ngầu, đâm tới, Hoằng Lịch liền né người tránh. Nhanh như cắt, Ôn gia vươn tay trái đón lấy vũ khí của địch, rồi bình tĩnh nhảy về cửa sổ phía sau, ra ngoài phía đuôi thuyền.
Hoàng Thủy Quái cũng đang đọ sức với ba anh em họ Hình. Ba chọi một, cũng chỉ ở thế cân bằng. Nhưng hắn sống trên sông nước, trong khi thuyền chòng chành, vẫn như không, còn ba người kia thì không thể chịu được, lúc thì chân bước loạng choạng, lúc thì suýt lao người vào lưỡi dao của Hoàng Thủy Quái. Được hơn bảy mươi hiệp, ba anh em đều bị thương ở tay. Vì sợ Hoàng Thủy Quái vào trong hại Hoằng Lịch, nên họ cố ý cố thủ ở cửa khoang, không lùi nửa bước. Hoàng Thủy Quái tuy dần chiếm ưu thế, nhưng vì ba người đều quyết liều chết, không nhường một bước, nên chẳng khỏi sốt ruột, vừa vung tay chém vừa lớn tiếng:
- A Tam! Xong việc chưa?
Nghe A Tam trả lời từ phía sau:
- Con giặc này ghê gớm lắm, lão Nhị chết rồi!
- Xuống sông đục thuyền đi! - Hoàng Thủy Quái thét lớn, rồi lật người nhảy ngay xuống giữa vùng sóng giữ. A Tam trên thuyền cũng vứt sào, nhìn xác A Nhị trên thuyền, ngửa mặt lên trời cười một tiếng ghê rợn, rồi cũng lao mình xuống nước.
Trên thuyền không còn tên cướp nào. Tất cả đều tập trung nhìn vào Hoằng Lịch. Tần Phượng Ngô bịt lấy vết thương, vừa nói một câu "Tôi đã nói là "bất lợi vu thiệp đại xuyên" mà các lão da cứ không...", chưa kịp nói từ "tin", thì đã bị Hình Kiến Nghiệp tát cho một cái, còn Hình Kiến Nghĩa thì mắng:
- Tất cả đều do tên thư sinh thối tha nhà ngươi độc mồm độc miệng mà ra cả đấy! Ngươi không chết vì cái mồm của ngươi thì không xong!
- Thôi, đừng cãi cọ nữa. Bây giờ tất cả đều là người cùng trong cảnh ngộ cả, phải tự cứu nhau thôi! - Hoằng Lịch vừa hoảng hốt, vừa tức giận, quát lớn một tiếng. - Các ngươi hãy để ý tới phía ngoài kia kìa!
Lúc ấy mọi người mới lưu tâm. Thuyền đã trôi tới chỗ giao nhau của Hoàng Hà và một con sông lớn khác. Chỗ này, mặt nước càng mênh mông, cả hai bên bờ đều mờ ảo, màu xanh của con sông mới chảy tới và màu vàng của Hoàng Hà tuôn lẫn vào nhau, tạo thành những con sóng cao tới sáu bảy xích. Những xoáy nước lớn xoáy tròn như một con diều giấy trong gió, lúc thì bị cuốn cao lên, lúc thì lại rơi xuống đáy nước. Thấy thuyền có vẻ như sắp bị lật, Ôn gia thất thanh: "Sắp rơi buồm rồi!". Chưa kịp dứt lời thì Yên Hồng nhảy ra khỏi khoang, dùng dao nhẹ nhàng cắt dây buồm. Cánh buồm rơi đánh "bịch" một cái xuống sàn thuyền, thuyền lại cân bằng trở lại. Mọi người không khỏi kinh ngạc, đờ cả người: con thuyền lắc lư đến thế, mà một a nhỏ lại có tay nghề như vậy, dễ dàng hạ cả một cánh buồm! Chưa kịp nói gì, đã thấy Yên Hồng quay người, lấy cây sào của A Nhị, phóng thẳng xuống dưới đáy sông, cây sào cong như một cánh cung, phát ra tiếng kêu như rên rỉ. Thuyền từ từ rời chỗ xoáy, rồi trở lại trạng thái ổn định. Thoát hiểm rồi! Không chút vội vã, a hoàn này nhẹ nhàng trở vào trong khoang, "hấp" một tiếng, quăng cây sắt, nói "Tốt rồi!", đoạn, nhìn sắc trời, bảo:
- Chúng ta trôi đã được năm mươi dặm rồi. Trời sắp sang trưa, chuẩn bị bàn kế thôi!
Tới lúc đó, mọi người vẫn ngây ra.
- Đoạn sông này là Huệ Tế Hà. - Lưu Thống Huân cùng Hoằng Lịch ra khỏi khoang, chỉ bến sông phía nam, nói tiếp: - Đi về hướng đông hai mươi dặm nữa, thì sẽ vào tới đất An Huy. Nô tài nghĩ, tốt nhất là theo dòng mà xuống, bến sông phía trước thế nước hơi bình ổn hơn một chút, nhờ dân địa phương đưa chúng ta qua sông.
Ôn gia nói:
- Trên thuyền có sào có tay lái, cứ thế mà qua sông. Phía bắc sông là đất Phong Khâu, sát bờ là trấn Sách Tượng, có thể dừng chân nghỉ ngơi. Bảy tám dặm trên mặt nước, vừa đi vừa nói chuyện là tới ngay ấy mà.
Tần Phượng Ngô nhắc nhở:
- Bọn cướp bảo là phải đục thuyền, cũng nên đề phòng.
Ôn gia cười, bảo:
- Vùng sông hiểm thế này, đến long vương cũng không dám nấp ở dưới nữa là. Hơn nữa, bọn chúng nhờ vào thuyền để cướp của giết người, sao dám làm thế được. Chiếc thuyền này cũng phải tới năm sáu trăm lạng bạc chứ ít đâu!
Tần Phượng Ngô nói:
- Chính vì cướp của giết người nên sợ là chúng sẽ quyết giết người để bịt đầu mối đấy!
Câu nói của hắn đã làm Hoằng Lịch tỉnh ra, ông vội dặn:
- Mở ván thuyền ra, dưới đó còn có hai tên cướp đấy!
Ôn gia cười bảo:
- Bọn chúng đã trúng kim của tôi rồi, còn có thể sống đến bây giờ được à?
Nói rồi thuận tay nhấc hai ván thuyền lên. Hoằng Lịch nhìn xuống đó, chỉ thấy hai cái xác co quắp như hai con tôm lớn, hai cặp mắt lồi ra như mắt cá chết, mũi mồm đều ộc máu, nằm im không động đậy. Hoằng Lịch không khỏi kinh hãi, trợn mắt nhìn Ôn gia và Yên Hồng, hồi lâu mới nói được:
- Các ngươi là kiếm hiệp à? Không giống đàn bà trong chốn khuê các tẹo nào cả! Các ngươi sao lại là dân kiếm hiệp được nhỉ?
Ôn gia cười khanh khách:
- Tứ da chưa thấy bản lĩnh của Lão da tử chúng tôi đâu! Lý chế đài có đại ân đối với nhà chúng tôi, nên Lão da tử phái chúng tôi tới để hầu hạ Lý chế đài. Xin Tứ da chớ có nghi
Mọi người đang nói, Anh Anh đưa cặp mắt sắc như dao, chỉ lên thượng du, nói:
- Bọn cướp này ở chung một sào huyệt! Thằng Hoàng Thủy Quái đó đã dẫn người đuổi theo rồi kìa!
Tất cả kinh hãi, nhìn ra phía ngoài, quả nhiên thấy hai chiếc thuyền một lớn một nhỏ đều đang gióng trống, căng buồm lao tới. Đứng đầu thuyền nhỏ là A Tam, lại còn có năm sáu tên quỷ nước đứng bên. Trên thuyền lớn tất cả có hai mươi đứa, Hoàng Thủy Quái cởi trần, đứng trên đầu thuyền, một tay vác đại đao, một tay chỉ Hoằng Lịch và mấy người kia, thét lớn:
- Xuống đục thủng thuyền của chúng ra! Không để đứa nào chạy thoát!
Tên A Tam hét lớn: "Xuống sông!" Mấy thằng quỷ nước lặn xuống như những con nhái xanh.
Hoằng Lịch lo quá, không biết làm thế nào để thoát họa. Phen này thì mất mạng rồi! Quay lại phía mọi người, chàng cười một cách buồn bã, nói:
- Chỉ vì ta không nghe lời Tần Phượng Ngô, nên mới đến nông nỗi này. Trong các người ai biết bơi thì hãy tự cứu lấy mạng mình!
- Yên Hồng hãy xuống sông đi! - Ôn gia vô cùng bình tĩnh, vừa nói vừa cởi áo khoác ngoài, cười nhạt, - thử xem Hồng Trạch Tiên cao tay hơn hay Hoàng Thủy Quái cao tay hơn? Mọi người hãy đề phòng chiếc thuyền lớn tới tấn công!
Nói rồi đưa mắt hội ý với Yên Hồng, đoạn cả hai cùng lao xuống nước một tiếng động. Hoằng Lịch và Lưu Thống Huân kinh ngạc, trố mắt nhìn không chớp xuống mặt nước, chỉ thấy sóng lớn sôi ùng ục như một nồi cháo, chẳng trông thấy gì cả. Lát sau, thấy một đám nước màu đỏ loang ra cách thuyền khoảng một trượng, không biết người bị thương là ai. Chẳng mấy chốc, đã thấy xác một tên quỷ nước mặc áo đen nổi lên. Trong chớp mắt, ở thượng lưu lại có một vùng nước pha máu, một tên cướp vươn đầu lên thở, chưa kịp xong, thì đã thấy hắn "oái" một tiếng lớn, rồi trôi đi như một con cá chết. Một tên khác tay cầm dây neo, đang hít không khí thì hình như bị đâm một dao vào mông, kêu thảm thiết một tiếng rồi cũng trôi đi mất. Trong lúc mọi người đang mừng vui xen lẫn kinh ngạc, thì một tên quỷ nước vươn người lên, hai tay giang ra, đạp nước bỏ chạy về phía thuyền cướp, vừa chạy vừa kêu to:
- Không được việc rồi! Con giặc cái ấy ghê gớm lắm! Mau, mau...
Đang nói dở, thì hình như nó bị kéo mạnh một cái xuống nước, chìm nghỉm... Ôn gia bơi về thuyền, vừa đúng lúc Yên Hồng cũng từ đuôi thuyền bò lên, một tay cầm dao găm, một tay nắm một nắm tóc dính toàn cát, bảo với Ôn gia:
- Thanh toán xong cả rồi. Để tôi bảo ai đó chít chỗ thủng. - Đoạn, chỉ xuống dưới sườn, - Thứ dưới đáy thuyền được đấy, trong lúc bận rộn, chúng vẫn cậy được một miếng ván, ta phải nhanh chóng bịt nó lại thôi.
Ác chiến dưới nước chưa đầy nửa canh giờ, hai bên địch ta đều kinh ngạc ngây ra, mãi đến khi tất cả những tên cướp dưới nước đều bị tiêu diệt, Hoàng Thủy Quái mới bừng tỉnh, nhảy nhót, hò hét trên đầu thuyền:
- Giết chết những đứa khốn kiếp ấy cho ta! Ôi, những đứa con ngo của ta ơi... máu thịt nửa đời người của ta...
Thấy chiếc thuyền lớn tới gần, mọi người đều lo lắng. Hoằng Lịch gọi anh em họ Hình tới trước mặt, nghiêm nghị nói:
- Bọn này không giống như những tên cướp bình thường, mà hình như là có người sai chúng hại ta thì phải. Bọn nó không có vẻ thạo nghề lắm, nếu không thì vừa nãy chúng ta đã khó đối phó với chúng rồi... Chúng ta chỉ có cách vừa đánh vừa chạy, các ngươi cần dốc hết sức, nếu trời cho thoát, thì ta quyết báo thù này, Nếu chẳng may ta chết ở đây... Thì người sống sót trong số các người cần diện kiến hoàng a-ma, đem toàn bộ lời này của ta tâu lại với lão nhân da... - Nghĩ tới Ung Chính và mẫu hậu đang ở Kinh, Hoằng Lịch thấy sống mũi cay cay, khóe mắt đã rớm lệ. Lại quay ra bảo Tần Phượng Ngô: - Ta chính là Tứ a-ca, Bảo thân vương Hoằng Lịch. Ta và ngươi duyên phận chỉ tới đây, ta tha cho ngươi đó. Đáy thuyền đã có nước rò, ngươi không thể chống lại nổi chúng đâu, hãy đi bịt lỗ rò đi!
Tần Phượng Ngô hai mắt nhòe ướt, khấu đầu nói:
- Tôi quyết theo Tứ da! - Rồi bò vào khoang sau.
Ôn gia chầm chậm lái thuyền đi. Vì thuyền địch hoàn toàn không bị hỏng, lại có người chống sào, nên lướt như bay, đã được hơn mười trượng. Bọn cướp trên thuyền nhao nhao hò hét:
- Nhìn mấy con dê con nó chạy kìa!
- Xem kìa! Có ba đứa con gái đấy!
- Tao thích cái đứa mặc váy đỏ kia cơ
- Còn con nhỏ kia là của tao?
- Già thì có cái hay của già, để tao dùng mụ già đang lái thuyền kia cho!
Bỗng nghe "rầm" một tiếng lẫn trong tiếng cười, hai chiếc thuyền đã va mạnh vào nhau. Hoằng Lịch và Lưu Thống Huân nắm dao trong tay, đều bị ngã nhào xuống cửa khoang thuyền. Mấy tên cướp dữ như hổ beo nhẩy thoắt lên thuyền. Hoằng Lịch hét: "Xông lên!", rồi cùng anh em họ Hình lao tới.
- Tứ da! - Anh Anh ngồi ở cửa khoang, đột nhiên nói: - Để con đối phó với chúng! Bọn chúng đông người, đánh như vậy sẽ bị thiệt thôi! - Vừa nói, vừa ném mấy đồng tiền đồng vào giữa mặt bốn tên cướp. Chưa kịp đứng vững, mỗi tên đã bị trúng một đồng tiền vào mặt, ba thằng ngửa mặt, rơi xuống nước, chỉ có một thằng hơi lảo đảo, huơ đao thét lớn:
- Mau lại đây! - Rồi vung tay đâm Ôn gia.
- Tốt lắm, mi có vẻ khoẻ hơn bọn kia đấy! - Anh Anh vừa cười vừa vung tay, - Lại nếm thêm mấy đồng tiền nữa nhé!- Một đồng tiền bắn ra, trúng giữa huyệt thái dương của nó. Tên cướp không kêu được tiếng nào, ngã ngay xuống nước. Anh Anh thấy hai thuyền đã hơi xa nhau, vẻ dứt khoát, cầm xâu tiền, miệng hét: - Cho các ngươi này! - Sau khi năm sáu đứa bị thương, thì không thằng nào còn dám ló đầu ra nữa, cả chiếc thuyền lớn như vậy, chỉ cần Anh Anh ra tay mà đã không thấy một bóng người nào nữa, Hoằng Lịch cười ha hả, vỗ tay, bảo:
- Hôm nay.ta được mở mắt ra nhiều!
Bỗng thấy Anh Anh dừng tay, nhìn Ôn gia vẻ khó xử, nói:
- Mẹ ơi, hết tiền.
Hoàng Thủy Quái đột nhiên hét lớn:
- Con nhãi đã không còn tiền nữa rồi. Mau cho thuyền vượt lên thôi!
Hoằng Lịch thấy khí thế bên địch lại lên, không nén nổi hốt hoảng. Lưu Thống Huân nhìn thấy hòm cờ vây Hoằng Lịch mua cho Ung Chính, Tam a-ca và Ngũ a-ca chất ở khoang trước, vội hỏi Anh Anh:
- Dùng quân cờ vây có được không? - Đoạn cắt phăng dây buộc, rút ra một hộp.
- Được! Mau mang tới đây để cháu dùng! - Anh Anh vừa nói xong, quân cờ đã nằm gọn trong tay. Thấy một tên cướp vừa ló đầu ra, con bé liền nhằm giữa mặt ném, chỉ nghe thấy "ôi da" một tiếng, đã ngã lăn ra. Anh Anh mừng rỡ nói với Ôn gia: - Mẹ ơi quân cờ vây dùng còn sướng tay hơn cả đồng tiền mẹ ạ! - Đoạn nhặt liền mấy quân cờ ném sang thuyền bên. Những quân cờ bay thành hình chữ nhất, trúng tấm ván trên khoang thuyền. Anh Anh đắc ý thét vang: - Thử xoa lên mấy cái thủ lợn của chúng mày xem, nếu thấy rắn được hơn tấm gỗ đó thì hãy ra mà nếm mấy quả táo đen của cô mày đây.
Hình như bị Anh Anh làm cho khiếp vía cả, chúng đều im thin thít. Có một tiếng nói nghe vừa giảo hoạt vừa đáng ghét:
- Mẹ nó chứ, chết mất bảy mạng, lại bị thương hơn chục mống mà nó lại còn nhem nhẻm mời mình sang xơi tiệc đòn. Vụ này hỏng rồi. Quay thuyền về thôi!
Vừa ời, nghe trên thuyền đó loảng xoảng một hồi, rồi thuyền đứng im. Hoằng Lịch lúc này mới hoàn hồn, lại thấy Tần Phượng Ngô người bê bết bùn từ trong khoang thuyền đi ra, tay lau khuôn mặt đầy nước bùn, nói:
- Hai cái thây đó gây nhiễu quá, khó khăn lắm mới lấy áo bông bịt thuyền được.
- Ôi! - Hoằng Lịch thốt lên một tiếng nhỏ, rồi lê bước vào trong khoang, ngồi tựa vào khung cửa sổ. Lúc này, chàng mới thở phào được một tiếng và bắt đầu cảm thấy vừa đói vừa khát, toàn thân mềm nhũn như không còn chút sinh lực nào. Ôn gia và anh em họ Hình nén chịu đói mệt, dốc hết sức vào việc chống thuyền, nhìn theo con thuyền bọn cướp đang xa dần trong ánh hoàng hôn. Hoằng Lịch bỗng nhớ tới bài thơ tuyệt diệu đó, ba chữ "bãi Tích Linh" chợt lóe trong đầu. "Quả nhiên là lão Tam định hại ta rồi. Không biết trên đường về còn nguy hiểm gì nữa không đây? Cái tên Lý Vệ Chiếu ấy làm thế nào lại tìm được ta nhỉ? Liệu những người này có thể bảo vệ ta về Kinh bình an được không?". Tâm trí chàng loạn lên, lại vừa đói vừa sợ, chân tay cứ run bắn, không thể nén lại được.
Muốn ngủ mà không ngủ nổi, chàng ngã lưng xuống, gọi Lưu Thống Huân và Tần Phượng Ngô tới nhưng lại im lặng. Mãi sau mới cất lời:
- Suốt đời ta không thể quên được cái họa ngày hôm nay. Các ngươi nói xem, con đường sắp tới có yên ổn không?
- Khó nói lắm ạ! - Tiếng Lưu Thống Huân khô như ngói, - xem ra bọn cướp này không phải là vì muốn cướp của mà giết người đâu. Hình như bọn chúng đã đợi chúng ta ở đó từ lâu rồi thì phải.
Tần Phượng Ngô gật gật đầu, hỏi:
- Có nhiều người hiểu rõ về lịch trình của Tứ da không? Những người này quyết truy sát Tứ da cho bằng được, nếu không vì tiền của, thì vì cái gì nhỉ?
Hoằng Lịch cười một cách lạnh lùng, nói:
- Có lẽ là vì một thứ lớn hơn tiền của!
- Thật khó nói, - Lưu Thống Huấn liếm môi, cái tên Hoằng Thời ngày hôm nay không biết đã bao nhiêu lần lóe trong đầu ông rồi, nhưng chỉ dám nghĩ tới trong thoáng chốc, rồi lại gạt đi, không dám hé răng. Ngần ngừ hồi lâu, ông lại tiếp: - Có lẽ là có người không vui khi thấy chúng ta bình an trên đường. Trong những năm tháng thái bình thế này, chỉ nháy mắt đã có thể mua chuộc được bọn cướp đường hại bọn ta, thì phải tốn bao nhiêu tiền của sức lực nhỉ?
Hoằng Lịch nhắm mắt tĩnh tâm, rồi bỗng hỏi Tần Phượng Ngô:
- Quẻ Tụng ư? Sách Dịch còn giảng, - "Tụng, vốn là tốt lành, trung chính". Có đúng không?
- Vâng! - Tần Phượng Ngô cúi mình đáp. - Cũng là từ tượng quẻ mà suy ra, thì cách giải thích của tôi đã không chính xác rồi.
--------------------------------

1

2

3

4
Gặp bậc đại nhân thì thuận lợi (cũng có thuyết cho rằng có nghĩa là: có lợi cho việc xuất hiện đại nhân), qua sông thì không thuận lợi.
Lời Đại tượng truyền quẻ Tụng, nói về việc trời chuyển vần về phương Tây, mà nước chảy về phương Đông là đi ngược với đạo, tượng trưng cho sự vật ngược nhau.
Đi trên sông lớn thì bất lợi, sẽ có nguy cơ bị hãm xuống vực sâu.
Con cái nhà giàu có thì không ngồi dưới mái hiên nhà, vì sợ mảnh ngói rơi vào đầu, câu này dùng để chỉ việc giữ mình cẩn thận.
 

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI