QUYỂN 2
CỬU VƯƠNG ĐOẠT ĐÍCH
HỒI THỨ MƯỜI TÁM
Bàn chuyện đi săn, định phế trữ quân
Cự lời can thái tử tỏ uy phong

 
áng sớm hôm sau, Vũ Đan cùng với Mục Tử Hú đưa thẻ bài cho Tây Hoa môn rồi vào đại nội bệ kiến Khang Hy. Hai người cùng nhau đi từ cửa Long Tông vào Thiên Nhai, xuyên qua đường Vĩnh Hạng không xa, đã thấy Lý Đức Toàn chầu chực ở ngay Thùy Hoa môn, ngoài ra còn có hai quan văn hàng bát phẩm quì ở cửa Thạch môn đợi bệ kiến, Lý Đức Toàn thấy họ đến, vội ra đón, nói:
- Tôi ra đây đợi hai vị! Đức vạn tuế đêm qua không ngủ được; vừa rồi có mấy vị đại thần đã vào thỉnh an, nghe nói Ngụy Đông Đình quân môn vừa mất, vạn tuế càng kém vui! Xin hai quân môn khi vào bệ kiến nên có lời khuyên hoàng thượng.
Hai người giật mình, sững sờ há to miệng. Ngụy Đông Đình là con của nhũ mẫu hoàng đế, từ nhỏ ông đã cùng hoàng đế học hành, chơi đùa một nơi, người ta đã gọi ông là Hy triều đệ nhất thị vệ; từ Khang Hy nguyên niên trở đi ông đã thị tùng ở bên nhà vua. Ông cùng với Vũ Đan, Mục Tử Hú, Tào Dần, Lang Đàm Kỉ mười năm mưa gió bảo vệ Khang Hy, họ đã qua biết bao nhiêu sóng gió gian nguy với những dòng nước xiết, những thác ghềnh hiểm yếu; ấy thế mà chỉ có một chữ "chết" ông đã nhẹ nhàng ra đi! Thoạt nghe tin dữ, thật khó tin được rằng đó lại là sự thật. Hai người cứ ngơ ngác nhìn nhau trong lòng họ đều thấy trống rỗng, trong tai thì cứ vang lên những tiếng ù ù. Nhưng lúc đó, nơi đó không thể khóc, cũng không thể nói nhiều, họ chỉ đành theo Lý Đức Toàn đi mãi vào trong, và tiếng chân họ đi nặng nề như có ai đổ đầy chì trong đó.
Hai người ngẩn ngơ đi vào Đông Noãn các - Dưỡng Tâm điện, quả nhiên thấy Trương Đình Ngọc, Đồng Quốc Duy và Mã Tề đều đang quì trên tấm đệm vàng. Khang Hy sắc mặt nhợt nhạt, nghiêng đầu trên gối uống sâm và đang nói chuyện với tổng quản thái giám Dục Khanh cung là Hà Trụ Nhi:
- Ngươi đã được điều đến Dục Khánh cung từ lâu rồi; từ nay không nên cứ lần này, lượt khác về Dưỡng Tâm điện. Hầu hạ thái tử là bổn phận của ngươi!
- Nô tài đã biết. - Hà Trụ Nhi tươi cười nói tiếp: - Nhưng đây là nô tài phụng sai đến. Thái tử giờ Mão sẽ xin được đến đây. Vì chúa thượng mới ngủ; nên nô tài không dám kinh động. Thái tử bảo nô tài hầu hoàng thượng đợi khi người trở dậy thì về báo thái tử đến!
Khang Hy ho khẽ một tiếng, nhà vua ngước mắt nhìn thấy Vũ Đan, Mục Tử Hú đi vào thì xua tay ra ý miễn lễ cho họ, rồi nói:
- Hà Trụ Nhi về đi, nói với thái tử là không cần thỉnh an nữa; hiếu thuận không phải ở chỗ đó!
Nói rồi, Khang Hy lấy một bản tấu đưa cho Hà Trụ Nhi, nói:
- Bản tấu này, trẫm đã xem, danh sách những tên tôi phạm bị chém có vẻ như hơi nhiều. Ngươi bảo thái tử cần thẩm tra lại một lần nữa, phải thận trọng, cần có lòng thương, cần đặt vấn đề nghi vấn; nếu có điểm nào đó chưa rõ cần gác án lại thì phải gác lại, một khi đầu đã bị chém rồi thì làm sao còn mọc lại được! Đã thận trọng rồi lại cần phải thận trọng nữa!
Khi thấy Hà Trụ Nhi đã đi rồi, Khang Hy mới quay lại, nhìn đăm vào Mục Tủ Hú, mãi sau mới nói:
- Thế là ngươi đã đến rồi! Trẫm lần trước đã châu phê, nói ngươi không cần phải đến Kinh. Các ngươi vay chút tiền đó, trẫm đã có cách giải quyết rồi! Hai năm nữa khi trẫm Nam tuần, trẫm mong sẽ lại được các ngươi bồi giá; không có sức khỏe thì có làm gì được? Việc Đông Đình ngươi đã biết chưa?
Mục Tử Hú vội phục xuống đất khấu đầu; không biết sao, ông không thể nào ngăn nổi được những giọt lệ cứ ứa ra hoài, ông nức nở nói:
- Lão nô tài đến Kinh, không chỉ vì chuyện trả nợ. Hai năm nay trong người thần thấy cứ yếu dần, hễ nhắm mắt là cứ hồi tưởng lại những sự đã qua; càng nghĩ càng sợ, sợ rằng không còn có thể gặp lại hoàng thượng mà đã ra đi!... Năm ngoái thần có đi Nam Kinh được gặp Ngụy Đông Đình, ông ta nằm trên giường mà cứ chảy nước mắt, ông những mong hoàng thượng chóng Nam tuần. Hoàng thượng có thưởng cho món "Kim kê nạp sương" nhưng ông vẫn không nỡ ăn, nào ngờ rút cục...
Ông sụt sùi, đến đây thì nói không thành tiếng nữa. Thoạt tiên thì Khang Hy lẳng lặng ngồi nghe, những nét nhăn như vết dao cắt trên mặt nhà vua bất động. Nghe Mục Tử Hú nói đến chỗ đau thương thì Khang Hy không sao cầm được nước mắt; khi nhà vua ngửa mặt lên trời thở dài thì nước mắt đã ròng ròng chảy.
- Vạn tuế bảo trọng!
Mã Tề thấy Vũ Đan cũng như muốn khóc, ông vội quì lên trước một bước, tâu:
- Một chút nữa thái tử còn phải đến bẩm việc, sau đó lại còn phải dẫn kiến ngoại thần; vậy xin hoàng thượng cẩn thận giữ gìn long thể. Ngụy Đông Đình tuổi đã đến cõi, thế là trường thọ, "sinh vinh, tử ai" xin hoàng thượng bất tất phải quá phần đau thương! Mục đại nhân, ông cũng bất tất phải thương tâm, chúng tôi đã mất bao công sức mới khuyên được vạn tuế nay lại khóc nữa, thương tổn tới long thể thì sao được?
Trương Đình Ngọc, Đồng Quốc Duy cũng nén lệ khuyên giải ba người mới dần dần nguôi ngoai. Nhân vậy, Trương Đình Ngọc vội tâu:
- Lý Phất và Điền Văn Kính do bộ Hộ tiến cử vì nay việc sổ sách của bộ Hộ đã hoàn tất, vậy xin dẫn kiến họ để rồi sẽ cho đi làm quan ngoài; giờ đây bệ hạ cho vào bệ kiến được chăng?
Khang Hy hơi trầm ngâm, nhưng rồi nhà vua cũng gạt lệ, gật đầu thong thả nói:
- Cho họ vào, mấy người các người cũng đừng quỳ nữa; đứng dậy ngồi vào chiếc ghế ở bên kia.
Lời vừa dứt đã thấy Điền Văn Kính đi trước, Lý Phất đi liền sau, họ cùng vào trong sân điện.
Điền và Lý làm việc ở bộ Hộ đã hơn hai tháng, hai người xử lý mọi việc tất, tác phong lại cần cù nên Dận Tường rất bằng lòng. Chàng tiến cử họ vì mọi việc tiền nong, sổ sách đã hoàn thành, chỉ có mấy vị quan to ở ngoài biên giới là còn chưa trả đủ mà thôi. Khi đó đúng lúc bộ Lại có sự tuyển chọn nhân tài, Dận Tường biết họ làm việc thúc nợ tất mất lòng nhiều người, nếu họ làm quan ở kinh sư tất khó được lâu bền, nên tiến cử Điền Văn Kính là huyện thừa Lai Dương còn Lý Phất là tiến sĩ thì sẽ bổ nhiệm làm đồng tri ở Triều Châu. Bộ Văn vừa đưa xuống lệnh cho hai người tức khắc vào bệ kiến. Hai người ngoài mặt thì có vẻ bình tĩnh, nhưng vì lần đầu họ riêng được bái yết thiên nhan nên trong lòng rất hồi hộp. Đôi tay của hai người cứ nắm chặt lại, và người thì toát đầy mồ hôi; thái giám đưa họ đến phía dưới Đan Trì thì lui, Lý Phất nói nhỏ:
- Điền huynh, bác báo lý lịch trước, sau đó tôi sẽ nói tiếp, chớ có làm sai những điều quy định.
Điền Văn Kính thì tim đập thình thịch, Điền hít một hơi, gật gật đầu rồi vung tay áo bước lên Đan Trì. Chàng lớn tiếng nói, nhưng do xúc động nên tiếng run run:
- Thần, Điền Văn Kính, Khang Hy tứ thập lục niên ân khoa bạt cống (1).
Không ngờ, khi Điền chưa nói dứt lời thì Lý Phất đã buột mồm tiếp ngay.
- Sơn Đông Chư Thành nhân!
Điền Văn Kính quay lại nhìn Lý Phất, thế là hai người đứng sững ngay ở Điện Môn Khẩu. Không khí trong điện đang nặng nề, buồn bã nhưng do hai người báo lý lịch lộn xộn, khiến cho Khang Hy bật cười. Nhà vua nói:
- Cứ bình tĩnh, vào đi!
Hai người lúc đó mới hết lúng túng, họ cùng bước vào khấu đầu sụp xuống làm lễ. Đồng Quốc Duy nói:
- Các ông đều là người đọc sách mà sao ăn nói bộp chộp thế?
Khang Hy mỉm cười nói:
- Trong lòng họ vốn đã bối rối rồi, như vậy thì còn trách cứ họ làm gì!
Nói rồi, Khang Hy liền ôn tồn hỏi han họ về xuất thân, về gia thế, về quá trình học tập, về kiến thức. Lý Phất, Điền Văn Kính bấy giờ mới bình tĩnh lại được và nhất nhất tâu rõ mọi điều.
- Tình hình của các ngươi, Thi Thế Luân đã tâu trẫm rõ.
Khang Hy lại nói tiếp:
- Các ngươi ở bộ Hộ làm việc rất cẩn thận, như vậy vốn là tốt. Nhưng công việc ở bộ Hộ thì phải tính toán rất chặt chẽ. Do ngân khố quốc gia đã thiếu hụt từ lâu cho nên không thể không làm thế, như vậy tức là phải uốn nắn quá tay. Nay các ngươi ra làm quan ở tỉnh ngoài, làm thú mục (2) một phương, bồi dưỡng nhân tài, vỗ về trăm họ thì không thể lại làm theo cách so bì vụn vặt như ở bộ Hộ, phải chú trọng tới bốn chữ: công, trung, cần, năng; các ngươi rõ không?
- Chúng thần đã rõ.
- Ta chỉ sợ các người chưa thật rõ.
Khang Hy từ tốn nói tiếp:
- Ví như Khương Thần Anh, lão danh sĩ, lại là trạng nguyên; thế mà các ngươi tính toán với ông ta thế nào lại dôi ra thêm một, hai lạng bạc, mà cũng bắt truy nạp, như vậy là hơi quá! Nhưng các ngươi đừng sợ, đó là trẫm nhắc nhở các ngươi thôi, không phải trách cứ. Vấn đề là đòi được nợ đọng, nhưng không được làm điều gì sai trái, cũng phải có chút nhân nhượng, phải giữ thể diện cho người ta. Các ngươi còn trẻ tuổi, hoạn đồ còn dài, phải lưu tâm học tập.
- Dạ...
Đây là sự dẫn kiến thường lệ; thông thường trong những lần như thế này, các viên quan chỉ cần rập đầu bệ kiến rồi cáo từ xin ra là đủ; nhưng lần này, Khang Hy lại dặn dò hai viên quan nhỏ này như vậy, coi như là một sự ưu đãi của hoàng đế. Mấy viên đại thần Thượng thư phòng suy đoán là với những lời đó có lẽ hoàng đế muốn nói cho mọi người cùng nghe. Nhưng họ cũng chưa rõ được những hàm ý sâu sắc trong những câu nói đó, chắc rằng ý hoàng đế cho rằng bọn Dận Tường ở bộ Hộ làm như vậy là hơi hà khắc.
Đợi cho hai người lạy từ đi rồi, Khang Hy gọi Lý Đức Toàn đến nói:
- Nhà ngươi đến bộ Hộ truyền chỉ cho Dận Tường và Thi Thế Luân biết; Trẫm đã xử trí Dận Ngã rồi, đã "rửa mặt" được cho họ, họ không có điều gì phải ấm ức nữa. Bảo họ cần làm việc sao cho thiết thực, không được dây dưa kéo dài; công việc phải hoàn tất vào đầu tháng Mười để việc đi săn bắn với trẫm ở Nhiệt Hà được thanh thản.
Mấy người ngồi đấy nghe Khang Hy nói vậy đều sững sờ, vừa mới "rõ ràng" được một chút, thì lại rơi vào đám "mây mù năm dặm". Lý Đức Toàn nghe xong khẩu dụ thì lui, nhưng Khang Hy gọi lại, nói:
- Vì Thi Thế Luân mắt bị cận thị, vậy ngươi vào nội khố lấy hai đôi kính thủy tinh nước Hà Lan tiến cống đưa cho ông ta, để ông ta lắp vào, đeo sao cho hợp mắt.
Lý Đức Toàn vội đáp:
- Thưa vâng, nô tài xin đi ngay!
Đồng Quốc Duy mỉm cười nói:
- Thần theo hoàng thượng đã nhiều năm mà cũng chưa từng được ân thưởng như vậy. Ông Thi thực có phúc!
- Thôi! Cứ thế mà làm!
Khang Hy đứng dậy nói tiếp:
- Ba vị Thượng thư phòng hãy đi làm việc! Vũ Đan và Mục Tử Hú cùng đi tản bộ với trẫm; nếu thái tử đến, bảo thái tử đến Cần Mậu điện gặp trẫm.
Trương Đình Ngọc biết rằng Khang Hy muốn mật đàm với Vũ Đan và Mục Tử Hú, liền vội cùng Đồng Quốc Duy, Mã Tề lui ra ngoài.
Cần Mậu điện nằm ở góc tây bắc hoàng thành, cạnh phía đông cung Trùng Hoa, liền dãy với Điện Vũ hình chữ công, nơi đây hết sức tĩnh mịch, thâm nghiêm. Khang Hy cùng với Vũ Đan, Mục Tử Hú đi tản bộ một lúc trong lòng thấy khoan khoái rất nhiều; nhà vua liền dừng chân trước Thùy Hoa môn, chú ý nhìn bức hoành phi "Mãn Hán hợp bích", hờ hững nói.
- Tử Hú, năm đó khi nhà ngươi đang giữ chức thị vệ thì được điều khỏi kinh sư; trẫm cũng đã gặp ngươi ở ngay điện này, có phải không?
- Thưa vâng - Mục Tử Hú vội trả lời: - Khi đó nơi này trông tan hoang lắm, đâu đâu cũng toàn là cỏ "khao" cả, không như bây giờ rất rộng mà gọn gàng.
Khang Hy ừ ào, nói:
- Mỗi lúc một khác mà. Khi đó động đất làm sụt cả điện Thái Hòa, mà cũng chẳng có tiền để sửa chữa...
Vừa nói, Khang Hy vừa cất bước đi sâu vào phía trong, các thái giám ở đó đều vội khom người tránh đường. Vũ Đan tới đây mới là lần đầu, còn Mục Tử Hú thì đã biết rằng, ở đây người ta đã căn cứ vào sao Thiên Canh (3) bố trí có tới ba mươi sáu viên thái giám, là một trọng địa đầu mối để Khang Hy mật kiến với quần thần. Hai người cảm thấy một không khí lạnh lẽo nhưng không ai nói gì và họ cùng theo Khang Hy đi vào chính điện. Khang Hy ngồi vào chiếc ghế mây Rồng cuốn, gốc cong (4), rồi nhà vua cầm chén trà thái giám đưa tới nhấp một ngụm, nói:
- Có một việc, trẫm từ lâu đã muốn hỏi kỹ các ngươi, lại e rằng Mục Tử Hú và Ngụy Đông Đình nghi sợ. Hôm nay trẫm đưa Vũ Đan cùng đến để ông ta làm người chứng kiến. Thật ra thì việc này trẫm đã biết từ lâu, nhưng chỉ vì muốn chu toàn cho các ngươi, lo rằng các ngươi sợ hãi nên mới không hỏi.
Sắc mặt Vũ Đan vụt nhợt nhạt hẳn, ông biết Khang Hy muốn hỏi điều gì. Mục Tử Hú cười nói:
- Thần theo hoàng thượng đã bốn, năm mươi năm. Ngụy Đông Đình, Vũ Đan và thần đều xuất thân từ mã tặc (5); ngày nay đã từng bước, từng bước trở thành một nhân thần cực vị, công thành danh toại chúng thần hưởng ơn vua nặng như núi, tình vua tôi lại sâu như biển cả, thần dù có chết một vạn lần cũng không báo đáp được. Thần tự vấn lương tâm, quyết không dám dấu hoàng thượng điều gì. Xin hoàng thượng cứ hỏi.
- Trẫm rất rõ tấm lòng tri ân, trung quân của các ngươi...
Khang Hy cười nói tiếp:
- Các ngươi sẽ nói không chút ẩn giấu, nhưng trẫm chỉ sợ chưa chắc đã được như vậy. Trẫm muốn biết: năm Khang Hy thứ 23 khi ngươi đang giữ chức bố chánh sứ Giang Nam, phá án Chu Tam, thái tử bắn vào hành cung; sau khi bắt giả Chu Tam, thái tử Dương Khởi Long; thái tử Dận Nhưng và Dận Chân ngay đêm đó từ Bắc Kinh thưởng một số thứ cho các ngươi; vậy thì thưởng gì? Vì sao mà thưởng? Người đưa đồ thưởng nói những gì?
Máu trong người Mục Tử Hú dường như bị hút cạn, sắc mặt ông vừa xanh, vừa xám trông chẳng khác gì tro, ông sợ hãi mở to mắt, môi run run, nhất thời không đáp nổi lời! Năm đó ông vâng mật chỉ đi Kim Lăng, phối hợp với Ngụy Đông Đình ở Mạc Sầu hồ, chỉ một trận bắt được ngay Ngụy Chu Tam, thái tử Dương Khởi Long, phá tan sào huyệt tại Tì Lư viện Nam Kinh của Đông Chinh giáo đồ, đồng thời phát hiện Lưỡng Giang tổng đốc Cát Lễ có dính líu rất sâu với vụ án mưu nghịch lớn này. Ông đang định truy cứu vụ án đến cùng và tìm ra kẻ chủ mưu thì khi đó thái tử Dận Nhưng và Tứ a- ca Dận Chân từ Bắc Kinh, một nơi cách xa tới 600 dặm đã gấp rút đưa vật thưởng đến. Ông liên tưởng tới Cát Lễ và biết việc này là bắt nguồn từ đại thần Sách Ngạch Đồ tiền Thượng thư phòng; lại nghĩ tới Sách Ngạch Đồ là tư đảng của thái tử, nên ông đã trả lại hoàn toàn bộ văn thư đã niêm kín cho tổng đốc nha môn; cuối cùng chỉ đưa Dương Khởi Long ra xét xử rồi cho kết thúc vụ án. Hai anh em kết nghĩa với nhau này đã thề là việc này trên sẽ không cho trời đất, cha mẹ biết; dưới cũng không cho vợ con biết; để cho việc này chôn vùi trong tim, nhuyễn nát trong bụng và đem vào trong quan tài. Ròng rã trong hai mươi tư năm trời, cứ mỗi khi nghĩ lại là tim đập thình thịch, kì thực sức khỏe của hai người đã vì việc này mà sút kém! May sao vụ án đã qua, trải nhiều năm người vẫn bình yên vô sự, hai người vẫn cứ tưởng rằng thế là yên việc; nào ngờ hôm nay hoàng đế Khang Hy lại hỏi tới! Lẽ nào một vết thương đã liền miệng trong bao năm nay lại vỡ tung. Lẽ nào cái miệng đáng sợ của Dương Tử Long ở dưới âm ti lại mở miệng ra nói? Lẽ nào... Ông khẽ liếc mắt nhìn Vũ Đan, rồi như bị điện giật, khắp người ông run lên... "soạt" một tiếng - ông quỳ xuống.
- Việc này không có liên quan gì với Vũ Đan, ngươi không nên nghi hoặc, không phải sợ! Khang Hy buồn bã nói tiếp: - Việc quan hệ tới cốt nhục của "nhà trời", tới hoàng đế, tới thái tử và ngay cả với trẫm, thiết tưởng, trẫm nếu đặt mình vào địa vị ấy thì sẽ cũng như các ngươi mà thôi. Trẫm sẽ xử trí, dù có tìm ra điều gì thì cũng không thể giết nổi ngươi! Ngươi hãy đứng dậy, nghe trẫm nói. Việc này trẫm vốn muốn cho qua, nhưng bây giờ trẫm già rồi, đối với việc hậu thế trẫm phải nghĩ nhiều hơn một chút. Trước kia thì việc này chỉ là việc giữa cha con, vua tôi; nhưng nay thì nó quan hệ tới cả thiên hạ hậu thế. Trẫm không thể không hỏi cho rõ, để xem bản chất của thái tử như thế nào, có xứng đáng với ngôi vị thái tử hay không.
Mục Tử Hú đứng dậy nhưng rất hoang mang, mãi sau ông mới định thần lại được, run giọng nói:
- Việc này nếu hoàng thượng không nhắc đến thì đến chết nô tài cũng không tiết lộ; kỳ thật những đồ ban tặng cũng chẳng lấy gì làm quý trọng, chỉ có một viên ngọc như ý, một cái túi Ngoạ long; người đưa đến cũng chẳng nói câu nào; họ thưởng cho chúng nô tài xong thì đi ngay đêm ấy. Thực ra thì hết sức kỳ lạ là Ngụy mỗ và nô tài càng ngày càng thấy sợ hãi vì đã hồ đồ mà kết án ngay. Nay chúng nô tài nghĩ lại mới thấy đó là tội khi quân, cầu xin hoàng thượng trừng phạt thật nặng thì nô tài mới yên dạ được.
Nói rồi, nước mắt của Mục Tử Hú chảy ra. Vũ Đan lúc mới đầu thì đứng ngẩn người, hoảng hốt lắng nghe, với dáng trầm tư ông nói:
- Hoàng thượng, đây là lần đầu tiên thần mới nghe nói đến việc này; thoạt nghe thần đã thấy sợ đến kinh người. Nhưng bây giờ thì thần nghĩ thế này: thái tử năm đó mới mười hai tuổi, Tứ da mới bảy tuổi... họ đều còn là trẻ con! Sự việc như vậy là do Sách Ngạch Đồ xúi giục, chứ khi đó thái tử đã biết gì đâu. Lúc ấy cũng chưa có những quy định như a-ca không được kết giao với ngoại thần như bây giờ! Xin hoàng thượng minh xét!
- Đó là trẫm muốn biết khi đó thái tử đã bị sa vào cái hố đó sâu đến đâu, chứ không phải trẫm muốn truy cứu.
Khang Hy đứng dậy đi lệt sệt vài bước, ánh mắt lấp lánh, nói:
- Nhưng các ngươi cũng đừng quên; khi các ngươi theo trẫm, trẫm mới mười hai tuổi; khi diệt trừ quyền gian Ngao Bái thì đó là quyết sách của trẫm khi trẫm mới mười hai tuổi...
Vũ Đan nghĩ một chút rồi nói:
- Người ta không thể so sánh với nhau được. Khi nô tài mười hai tuổi thì chỉ biết bắt chó nhà người ta giết ăn. Đức vạn tuế anh duệ thánh minh như vậy, còn thái tử thì nô tài thấy thật là lương thiện hậu đạo, không thể ví với vạn tuế là người có cơ mưu sâu xa. Huống hồ khi đó Ngao Bái đã nắm quyền lại ngang ngược nhưng vạn tuế cũng bức được y, điều này so với tình cảnh của thái tử thì thật không giống nhau!...
Khang Hy quay đầu lại, nhìn ngắm thăm dò Vũ Đan kỹ càng rồi nhà vua cười, đi đến bên cạnh vỗ vỗ vào vai Vũ Đan nói:
- Trẫm trước nay vẫn cho rằng ngươi lấy việc giết người để mua vui, moi tim gan để thưởng thức vị ngon ngọt, nhưng nay ngươi nói như vậy thật tỏ ra là con người từng trải! Lời ngươi nói không có chút gì là xu nịnh. Nhưng ngươi nên biết thời gian trẫm ở ngôi thì lâu, ngôi báu này không thể để kẻ nào giành lấy được; có người so với thái tử thì còn nóng lòng hơn đấy. Người ta bị bức đến lúc cùng thì nảy sinh kiến thức, mà bị xúi giục lâu thì dễ sinh ra dị tâm. Ngươi hãy nhìn cây bách già trong hoa viên, khi nó mới sinh ra đâu phải như thế này, nhưng qua tay người làm vườn một ngày ba lần uốn, muốn nó như thế nào nó sẽ như thế ấy!
Mục Tử Hú và Vũ Đan nhìn nhau, Khang Hy đã nghi thái tử đến mức độ này thì ở địa vị họ sao dám xen lời. Đang lúc mọi người im lặng, thì một thái giám câm đến giơ tay ra hiệu, Khang Hy gật đầu nói:
- Việc này nói chơi chơi đến đây thôi. Kinh Dịch có câu: Vua không giữ được bí mật thì mất nước, tôi không giữ được bí mật tất tử vong, các ngươi cần thận trọng! - Thái tử đến rồi, mời vào!
Dận Nhưng bước vào, ông vừa đến Thiên cung phía sau Đông Thọ đường gặp kín Trịnh Xuân Hoa, đang "ý nồng, tình đượm" thì Hà Trụ Nhi chạy đến bẩm trình chỉ ý của Khang Hy. Thái tử nghĩ: gần đây chắc cũng không có việc gì xảy ra, nhưng cũng phải đến thôi! Dận Nhưng không thấy hứng thú gì khi bước vào Cần Mậu điện; nhìn thấy Vũ Đan và Mục Tử Hú cũng ở đó thì hơi sững người, ông khom người nói:
- Nhi thần thỉnh an a-ma!
- Ngươi đến thì tốt rồi!
Khang Hy cười, chỉ chiếc đôn sứ vẽ rồng bảo Dận Nhưng ngồi, nói:
- Trẫm muốn hỏi con, việc ở bộ Hộ đã làm được thế nào rồi, tổng trướng phòng của Dận Tường đã giải tán rồi, không biết đến nay đã thanh lý được bao nhiêu bạc?
Dận Nhưng thấy Khang Hy hỏi đến việc này thì nhẹ hẳn người, ông khom mình nói:
- Thanh lý khoảng chừng được gần bốn mươi triệu...
- Không được nói "khoảng chừng" - Khang Hy nói tiếp: - Rút cục thì là bao nhiêu?
Dận Nhưng rụt rè đưa mắt nhìn Khang Hy không biết làm thế nào được, ông liền nuốt nước bọt rồi nói:
- Ba mươi chín triệu ạ. Việc này người nắm chung là Dận Chân, số bạc có trước đây là tám triệu bảy trăm nghìn; như vậy là hiện nay trong ngân khố có tất cả là bốn mươi tám triệu lạng. Con số này là con nghe được khi Dận Tường báo với Dận Chân!
Khang Hy nghe nhưng không nói gì; nhà vua lấy tay chống má, suy nghĩ một lúc nói:
- Bốn mươi tám triệu, đó là một con số không nhỏ. Các ngươi làm việc có khó khăn, trẫm rất biết. Nhưng cũng có một số việc con nên sớm thu xếp rồi báo lại với trẫm; ví như chuyện Dận Ngã bán gia sản; nó làm như vậy thật là náo động khắp chốn kinh sư; rồi hôm sau lại "đại náo" ngày tết Trung thu! Thành thử ngày tết này trẫm thấy không dễ chịu chút nào. Hoàng a-ca là người thân quí nhất trong tôn thất, cũng không nên để nó mất thể diện quá.
Dận Nhưng vội đứng dậy cười nói:
- Thời gian đó nhi thần bận về chuyện ngục hình, ngờ đâu việc lại xảy ra như thế, đó là sự sơ xuất của nhi thần.
Khang Hy gật đầu nói:
- Con cũng có cái khó riêng. Đó không phải là sự mắc míu về món nợ của Dận Ngã, hiển nhiên là nó mượn cớ để gây chuyện, cố ý "đả lôi đài" với con. Nói cho cùng thì dù sao nó cũng là em ruột của con; nếu con biết tính toán, gặp nó trao đổi trước thì sao đến nông nỗi ấy được?
- Thưa vâng, lời giáo huấn của a-ma rất phải.
Dận Nhưng vội nói tiếp:
- Việc xảy ra hôm qua đều là tại con...
- Không phải tất cả là tại con!
Khang Hy ngắt lời thái tử, lại nói:
- Cũng một phần do Dận Tường, truy đòi gay gắt quá. Không sợ oán hiềm là tốt, nhưng cũng không thể làm như các nhà thường dân là vác bị đến đòi nợ, mà cần phải biết biến thông. Bức chết mấy mươi mệnh quan của triều đình, làm thế thì sau này hậu thế sẽ đánh giá thái tử con ta như thế nào? Ví như việc nợ nần của Ngụy Đông Đình, con cùng ta Nam tuần mấy lần, con lại không biết tiền của ông ta tiêu như thế nào ư? Vì sao mà trẫm thân bút chu dụ (6) cho Ngụy Đông Đình, bảo ông ta hoãn nợ, thế mà nha môn Nam Thông Chính tư vẫn cứ một ngày ba lần thúc giục? Nếu không bức bách ông ta như vậy thì Ngụy Đông Đình đâu có chết sớm?
Dận Nhưng suy nghĩ, việc này ông cũng có trách nhiệm, nên vội nói:
- Việc này nhi thần rất biết, khi đó nhi thần đã viết thư cho Tư Phiên (7) ở Nam Kinh, họ trả lời rằng, mật chỉ họ đã xem rồi; nhưng mật chỉ chu dụ khác với chiếu chỉ hoặc đình kí công khai; rồi cuối cùng ông ta cũng phải nộp trả tiền cho hoàng thượng. Ở  đó nếu họ chỉ nói miệng, không có bằng cứ thì làm sao họ nói lại được với Tứ da, Thập tam da. Nếu đã như vậy thì sao hoàng thượng không hạ chiếu thư, miễn việc trả nợ cho bọn Ngụy Đông Đình, Vũ Đan, Mục Tử Hú, Tào Dần, như vậy có phải thỏa đáng không?
Khang Hy cười nhạt, nói:
- Con nói sao đơn giản thế! Nếu chỉ có mấy người đo nợ thì trẫm đã miễn cho họ rồi, có cần gì con phải nói? Biết bao nhiêu cặp mắt cứ ngong ngóng cái sự may mắn đó, họ chờ đợi chính là cái chiếu thư đó! Phù thiên hạ xã tắc, nãi công khí dã (8) con đã là thái tử trong mấy mươi năm, mà không hiểu cái lẽ đó sao?
Dận Nhưng ngẩng đầu lên nhìn nhìn Khang Hy; nhà vua đã không hạ chiếu thư, lại muốn biến thông, đã không muốn cho người ta mong chờ sự may mắn, lại không cho làm thật riết róng... Ông thật sự không sao rõ được "thánh ý"! Nhưng miệng đành cứ phải nói:
- Nhi thần xin cố gắng làm cho thật tốt việc đó!
- Rất tốt! - Khang Hy nói tiếp:
- Thôi, cứ như vậy! Con có biết không, Tào Dần bị sốt rét. Con bảo phòng thuốc ở đại nội cho người đem đến cho ông ta món "Kim kê nạp sương", cứ đưa thẳng đến "Giang Ninh chức tạo tư ". Còn Dận Tường thì trẫm đã bảo nó, hãy xin phép nghỉ cho Vũ Đan và Mục Tử Hú. Đã từ lâu trẫm chưa ra khỏi cung cho khuây khỏa, nay được hai ông già đó đi cùng thì coi như các con đã hết lòng hiếu với ta đó!
Dận Nhưng thẫn thờ cáo từ đi ra, trong lòng ông vẫn phân vân: Việc thanh lý nợ đọng ở bộ Hộ, từ khi Dận Chân thay ông làm việc đó, thoạt đầu cũng có khởi sắc, Khang Hy đã khen ngợi mấy lần, thế mà không ngờ nhà vua lại có nhiều điều cho là thái tử, Dận Chân làm không phải cách! Ngụy Đông Đình thì chết, hai lão thần Mục, Vũ không biết đã mật tấu những gì; nếu nay Tào Dần lại chết nữa thì biết làm sao? Đờ đẫn về đến Dục Khánh cung thì đã cuối giờ Thìn, thái tử thấy sư phó Vương Diệm, trưởng sử Chu Thiên Bảo, Trần Gia Du đương xét duyệt các tấu sớ từ các nơi gửi đến thì thờ thẫn ngồi xuống. Trong lòng vẫn ấm ức vì những chuyện vừa qua, ông lên tiếng:
- Mang chén nước sâm lại đây!
Bọn Vương Diệm ba người đã đứng cả dậy, thấy Dận Nhưng có vẻ không vui, Chu Thiên Bảo vừa định hỏi thì Dận Nhưng lại nói:
- Nãi huynh (9), Lăng Tấn của ta từ Thừa Đức mới về, đã đến đây chưa? Báo cho thái giám biết để thu xếp chỗ ăn ở cho Lăng Tấn, rồi bảo anh ta đến gặp ta.
- Anh ta đã về nhà ở đường Đông Giáp, phố Nam Hoàng rồi; vừa rồi anh ta có đến thỉnh an nhưng thái tử không có nhà.
Trần Gia Du là người có tính hổ ngươi; Trần nhẹ nhàng trả lời, rồi hỏi:
- Thái tử cần gặp anh ta chắc có việc?
Dận Nhưng cầm lấy bát nước sâm uống một hơi, thấy đắng, ông liền đặt lên trên bàn, nói:
- Anh ta là gia nô của ta, tuy làm việc ở bên ngoài, nhưng vẫn không thể bỏ qua lễ tiết được. Ngoài anh ta ra, lại còn bọn Thác Hợp Tề nữa, cũng cần phải vào đây chầu hầu.
Vương Diệm nghe thái tử nói vậy, đứng bên nói ngay:
- Lăng Tấn ngày nay đã là đô thống ở Thừa Đức, còn bọn Thác Hợp Tề, Tề Thế Vũ, Anh Sam, tiến Kinh là để thuật chức (10) với hoàng thượng. Họ tuy là gia nô, nhưng cũng là đại quan của triều đình. Ngài là thái tử, không giống như các a-ca khác, nếu cần gặp họ cũng cần có quy cách, thể thống. Trong phủ Thái tử đâu có thiếu người hầu? Đâu có cần thiết gọi họ vào làm việc nọ, việc kia mới là hết nghĩa chủ tớ?
Vương Diệm là người nghiêm nghị, bộc trực, lầm lì nhưng cao ngạo, Khang Hy đã thấy rõ phẩm chất đó của ông nên chọn ông làm thái phó cho thái tử, nhà vua còn cốt để thái tử dần hiểu được lễ tuân sư (11) trọng đạo; nhưng chính là để Vương Diệm làm nhiệm vụ quản giáo thái tử. Trong số trăm quan, Dận Nhưng ngại nhất mà cũng sợ nhất là những vị thanh cù trưởng giả (12) thận trọng trong từng nụ cười, câu nói. Dận Nhưng nghe Vương Diệm phân giải như vậy trong lòng thấy chán ngắt, nhưng cũng không dám
nói lại gì, chỉ cười nói:
- Sư phó, Lăng Tấn là nhũ huynh (13) của tôi, bọn Thác Hợp Tề, lại còn Binh bộ thượng thư Cảnh Sách Đồ nữa, họ đều là những người nhiều tuổi đã biết nhau từ lâu rồi; họ lại cũng thường đến đây, như vậy thì có ngại gì?
- Không phải là ý đó.
Với nét mặt không biểu cảm, Vương Diệm nói:
- Lần trước Củng Thiện vào Kinh, thái tử mời mấy người bọn họ vào cung ăn uống với nhau, người ngoài đã xì xầm bàn tán, nói thái tử thân cận tư nhân. Các ngự sử tuy không dám dâng sớ đàn hặc; nhưng vẫn có lời nói ra, nói vào; như vậy rất bất lợi cho thái tử!
Dận Nhưng cười nhạt nói:
- Sư phó, cứ nghe cái bọn tiểu nhân rỗi miệng đó làm gì? Tôi làm việc chí công vô tư, quang minh chính đại, nay gặp lại mấy nô tài của mình không được sao?
Chu Thiên Bảo đợi Dận Nhưng nói xong, liền nói ngay lại:
- Thái tử là bậc trữ quân, nắm các nhân tài trong thiên hạ, rồi sử dụng họ vào mọi việc; đó mới là chính lý! Bọn họ là những nô tài, nay làm quan ở tỉnh ngoài; họ làm tốt nhiệm vụ, đó mới là sự "phải làm", nhưng nếu họ có chút lầm lỗi gì thì mọi người đều thấy rất rõ. Nay họ không có nhiệm vụ gì mà cứ đi lại luôn trong cung liệu có tiện không? Lần trước Đức vạn tuế còn nói: Cảnh Sách Đồ tại sao lại như thế? Bộ Binh không để hắn đi khỏi được sao? Cứ đến luôn với thái tử để làm gì? Sự qua điền, lí hạ (14), ta không thể không lưu ý!
Trần Gia Du cũng nói thêm một câu:
- Thái tử không gặp họ thì tốt hơn!
Dận Nhưng mới nói một câu mà đã bị mấy người "dị khẩu đồng thanh" phản đối; vừa bực lại vừa buồn cười, ông bèn nói:
- Thôi thôi! Không bảo họ vào đây nữa là được chứ gì?
Nói rồi Dận Nhưng đứng dậy:
- Ta sang phủ Bối lặc một chút.
Chu Thiên Bảo vội nói:
- Thái tử, đây là những công văn khẩn mà Thượng thư phòng vừa đưa tới. A-la-bô-thản ở Chuẩn Cáp Nhĩ xuất binh tới Ca-nhĩ-ca Mông Cổ, Xa thần là Đài Cát chống cự không nổi, Tây Ninh tướng quân đã xin điều binh ra phòng giữ; lại còn việc lương thảo, lương thực và lương bổng của quân đội, cả một đống quân vụ, xin thái tử xét duyệt cho!
Dận Nhưng bất đắc dĩ phải ngồi xuống xem xét từng việc một, nhưng ông không thể nào tập trung tư tưởng được; trong óc ông lúc thì là Trịnh Xuân Hoa, lúc thì là Khang Hy, lại còn cả Mục Tử Hú, Vũ Đan thay nhau xuất hiện; bỗng nhiên Dận Nhưng nhớ tới việc phải gọi Hạ Mạnh Phủ ở Thái y viện đi lấy thuốc, nhưng lại không thể để cho mấy người ở đây biết được... Bỗng Chu Thiên Bảo nói:
- Thái tử, hôm nay hình như thái tử có tâm sự gì phải không? Có lẽ thái tử có điều gì phiền muộn?
"Soạt" một tiếng, Dận Nhưng quăng chồng giấy tờ lên bàn, cười nhạt nói:
- Ta quả có tâm sự, nhưng cũng chẳng có ai mà giãi bày! Thật không biết Thập tam đệ của ta giở trò gì mà Tứ a-ca cứ theo chú ấy làm bừa?
Nói rồi, Dận Nhưng thuật lại việc bệ kiến vừa rồi, cuối cùng than thở:
- Cái việc thanh lý này nếu họ trả tiền thì cứ thu, nhưng tuyệt đối không được để xẩy ra chuyện chết người. Hôm nay thì tốt đấy, nhưng sau này không biết liệu có thanh toán được hết không? Ta sợ nhất hoàng thượng đổi ý, bây giờ lại đúng như thế thật!
- Hoàng thượng nói "biến thông", chưa chắc như thế đã phải là biến tâm (15).
Vương Diệm suy nghĩ rồi nói:
- Hiện nay nợ đọng đã thanh lý được khoảng chín phần rồi. Bây giờ là đến chỗ mấu chốt nhất đây! Thái tử, ông phải giữ vững chủ ý. Ông mà mềm, không những Tứ da, Thập tam da mà cả những kẻ chung quanh sẽ làm hỏng hết mọi việc mà ta đã mất công làm bấy lâu nay!
Trần Gia Du cau mày lại nói:
- Hoàng thượng rất thương yêu, chăm sóc tới các bậc lão thần, người muốn an ủi, vỗ về mọi người do vậy không rầy la con mình thì còn rầy la ai? Thái tử không nên nghi kị thế này, thế khác!
Chu Thiên Bảo năm mười sáu tuổi đã đỗ tiến sĩ, năm mười tám tuổi được chọn vào Đông cung; Chu một lòng, một dạ muốn phò tá Dận Nhưng trở thành bậc lệnh chủ một thời; như vậy tất nhiên Chu cũng sẽ thành danh thần của một đời, cho nên lời lẽ của ông bao giờ cũng thẳng thắn, thành thực, không kiêng nể gì hết!
- Thái tử, xin thái tử đừng "thấy gió đã cho là mưa". Thái tử là trữ quân của quốc gia, đối với các quan thì thái tử là vị vua liền bên, đối với hoàng thượng thì thái tử là bày tôi liền kề, hoàng thượng thiên bẩm thông minh, thánh tâm cao xa, càng như vậy thái tử càng phải giữ được khí vũ (16). Chúng ta làm việc chính đại quang minh, hoàng thượng nói đúng thì ta nghiêm chỉnh tuân theo, hoặc nếu có chỗ nào không phải, dù người có giận khi ta nói thẳng, ta cũng đương nhân bất nhượng (17). Nếu ta cứ nghi trước, sợ sau như thế này thì sao được?
Dận Nhưng bỗng đỏ mặt. Thái tử tuy không tiện bác lại lời của Vương Diệm, nhưng thấy hai viên quan nhỏ này lại lộng ngôn như vậy thì bất giác nổi cơn giận dữ, ông vụt đứng dậy nói:
- Ta làm sao mà nghi trước sợ sau? Lại vì sao mà không chính đại quang minh? Ngay việc ta muốn gặp gia nô của ta, mà các ngươi cũng nói những lời ong tiếng ve, các ngươi có phải thật sự không nghi trước sợ sau sao? Chu Thiên Bảo, ngươi nói năng điên cuồng những gì thế? Đại thế tử của ta cũng lớn hơn ngươi một tuổi đó!
Nói rồi, Dận Nhưng phất tay áo bỏ đi.
------------
(1) Bạt cống: Cứ mười hai năm thì học chính lại chọn những người giỏi trong số các nho sinh tiến cử lên Kinh, số người này gọi là "bạt cống". Thi xong ba người đỗ đầu được làm quan.
(2) Thú mục: tức quan đứng đầu ở các địa phương.
(3) Thiên Canh: tức sao Bắc Đẩu.
(4) Ghế mây rồng cuốn, gốc cong: tức ghế uốn bằng gốc mây, có chỗ cong như rồng uốn khúc.
(5) Mã tặc: có nghĩa là "giặc cưỡi ngựa"
(6) Chu dụ: tờ dụ viết bằng chữ đỏ. Chu là đỏ.
(7) Tư Phiên: tức bố chính sứ.
(8) Phù thiên... nãi khí dã: thiên hạ. xã tắc thuộc phạm trù việc công (dịch ý).
(9) Nãi huynh: tức người con người vú sữa của mình, nhưng nhiều tuổi hơn mình.
(10) Thuật chức: báo cáo công tác.
(11) Tuân sư: không phải "tôn sư" - Tuân ở đây có nghĩa là theo.
(12) Thanh cù trưởng giả: người đáng trọng, gầy, có đạo đức tư cách.
(13) Nhũ huynh: như "nãi huynh".
(14) Qua điền, lí hạ: chỉ nơi đáng nghi ngờ.
(15) Biến tâm: có nghĩa như "đổi ý"
(16) Khí vũ: phong cách và tư thái.
(17) Đương nhân bất nhượng: chính ra phải nói là: đương nhân bất nhượng ư sư, có nghĩa là: "Về điều nhân thì ngay cả thày mình cũng không thể nhường".

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI