Trưa thứ hai, vào giờ nghỉ của người lớn ở ngoài đồng, trẻ con bắt đầu sắp hàng vào nhà thờ để khai giảng buổi học đầu tiên. Hai năm qua, từ khi đến thị xã sau khóa tốt nghiệp đầu tiên của trường cao đẳng Lêin ở Jêchxơn, bang Tennexi, cô Keri Oait đã phải dạy ngoài trời dưới bóng cây và việc sử dụng nhà thờ nhằm mục đích này thật là một dịp trọng đại. Những người quản lý nhà thờ Tôn Giáo Giám Lý cho người da màu mang tên Niềm Hy Vọng Mới – ông Joóc-Gà, Tôm và các anh em trai – đã góp tiền mua bút chì, bảng con và sách vỡ lòng để “học đọc, học viết và bốn phép tính”. Vì cô dạy tất cả trẻ con đến tuổi đi học, Keri có sáu lớp những học trò từ năm đến mười lăm tuổi, trong đó có năm đứa con lớn của Tôm: Meriơ Jêin, mười hai tuổi; Ilơn; Vaini; Matilđa-bé và Ilizơbơt, sáu tuổi; kế đó là Tôm-con sang năm bắt đầu đi học, rồi đến cô út Xinthiơ. Khi Xinthiơ tốt nghiệp vào năm 1883, thì Meriơ đã lấy chồng và đẻ đứa con đầu lòng; và Ilizơbơt, học sinh xuất sắc nhất trong nhà, đã dạy bố Tôm của cô viết được tên mình và thậm chí còn trở thành người giữ sổ sách cho cửa hiệu rèn của ông nữa. Ông cần một người như vậy bởi vì bấy giờ, cái lò rèn lưu động của ông phát triển đến nỗi ông đã dựng thêm một cửa hiệu tĩnh tại – mà không thấy một tiếng xì xào phản đối nào – và ở trong số những người làm ăn khá giả của thị xã.Khoảng một năm sau khi làm việc cho bố, Ilizơbơt phải lòng Jon Tôlen, một người mới đến Henninh và đã đi làm rẽ ở cái trang trại sáu trăm “âycơ” của một gia đình da trắng gần sông Hatsi. Cô đã gặp anh ta, vào một hôm, ở cửa hàng bách hóa tổng hợp thị xã và – cô kể với bà mẹ Airin của mình – cảm phục ngay, không phải chỉ vì vẻ ưa nhìn và thân hình lực lưỡng của anh mà còn vì anh có phong thái đĩnh đạc và hiển nhiên là thông minh nữa. Thậm chí anh còn biết viết chút ít nữa, cô nhận thấy thế khi anh ký vào biên lai. Trong nhiều tuần sau, qua những cuộc đi dạo trong rừng với anh – mỗi tuần độ một, hai lần – cô còn phát hiện ra anh là một thanh niên có uy tín, chăm đi nhà thờ, có ước vọng dành dụm được đủ tiền để dựng lên một trang trại riêng và anh đã khỏe lại dịu dàng không kém.Mãi đến khi hai người thường xuyên gặp nhau đã được ngót ngét hai tháng – và đã bắt đầu bí mật bàn chuyện cưới xin – Tôm mới ra lệnh cho cô không được lén lút phải dẫn anh ta về nhà ra mắt sau khi lễ nhà thờ, Ilizơbớt nữa (thực ra, ông biết chuyện từ đầu) vào chủ nhật tới, y lời làm theo. Jon Tôlen tỏ ra thân mật và hết sức kính trọng khi Ilizơbơt giới thiệu anh với Tôm; ông này thậm chí còn ít nói hơn mọi khi và, chỉ sau vài phút bông đùa gượng gạo, đã cáo lui. Sau khi Jon Tôlen ra về, Tôm gọi Ilizơbơt đến, nghiêm nghị nói: “Xem cái cách mầy lăng xăng quanh thằng thanh niên í thì rõ ràng là mầy kết nó rồi. Hai đứa mầy có tính chuyện gì không?”.“Bố định nói gì thế bố?” cô lắp bắp, mặt đỏ bừng bừng.“Lấy nhau! Chúng mầy tính thế phải không?”.Cô không nói được.“Mầy đã nói mấy bố! Chà, bố muốn ban phước cho mầy vì bố cũng mong mầy được sung sướng nhiều dư mầy mong”. Nó có vẻ là một người tốt đấy... dưng mà bố không thể để con lấy nó được.”Ilizơbơt nhìn ông, không hiểu.“Nó cũng duôm duôm. Nó có thể gần gần coi dư da trắng – cơ mà không hoàn toàn thế. Nó dở dơi dở chuột. Con có hiểu bố nói gì không? Nó quá trắng đối mấy người da đen, quá đen đối mấy người da trắng. Đã đành vẻ ngoài là bẩm sinh thế, nó không làm sao khác được, dưng mà bất kể nó có cố mấy, cũng chả bao giờ nhập vào đâu cho hợp được. Mới lại mầy phải nghĩ đến chuyện con cái mầy về sau bộ dạng da dẻ ra sao chứ! Bố không muốn con sống cách í, Ilizơbơt ạ”.“Nhưng bố ạ, ai cũng thích Jon mà! Nếu chúng ta có thể hòa hợp với Lão Joóc Jonxơn, thì tại sao chúng ta lại không thể hòa hợp với anh ấy?”.“Mỗi đàng một khác!”.“Nhưng bố ạ...!” cô đâm tuyệt vọng. “Bố bảo mọi người không chấp nhận anh ấy. Chính bố không chấp nhận thì có!”.“Đủ rồi, mầy đã nói tất cả dững gì tau cần nghe về chuyện í. Mầy đã không đủ trí khôn để tránh xa cái họa í thì tau phải tránh cho mầy. Tau không muốn mầy gặp nó nữa”.“Nhưng bố...” cô nức nở.“Chấm dứt! Chuyện có vậy thôi!”.“Nếu con không lấy được Jon thì không bao giờ con lấy ai nữa!” Ilizơbơt khóc thét lên.Tôm quay lưng và sải bước ra khỏi phòng, rập cửa đánh sầm. Sang buồng bên, ông dừng lại.“Tôm, mình làm gì...” Airin ngồi thẳng dậy trên ghế xích đu, mào đầu vậy.“Chả còn gì phải nói về chuyện í nữa!” ông gắt, chân bước ra cửa trước.Khi biết chuyện, bà cụ Matilđa tức giận đến nỗi Airin phải ngăn không cho bà gặp mặt Tôm. “Bố cái thằng í cũng có máu da trắng ở trong người!” bà lão thét lên, bỗng nhiên nhăn mặt rồi ôm lấy ngực, bà Matilđa ngã chúi vào bàn, Airin với tay đỡ kịp trong khi bà đổ xuống sàn.“Ôi, lạy Chúa ôi!” bà cụ rên rẩm, mặt rúm ró vì đau. “Chúa Jêxu lòng lành! Ôi, Thượng đế, đừng!” mí mắt bà cụ chấp chới và khép lại.“Bà!” Airin hét lên, quàng lấy hai vai mẹ chồng. “Bà!” Airin ghé tai vào ngực bà già và lắng nghe, tim hãy còn thoi thóp. Nhưng hai ngày sau thì nó ngừng hẳn.Cụ Joóc-Gà không khóc. Nhưng có một cái gì đến tan nát lòng trong cái vẻ ngây như đá, trong đôi mắt như chết rồi của cụ. Từ hôm ấy, không còn ai thấy cụ mỉm cười hay nói một lời lịch sự với người nào. Cụ với cụ bà Matilđa có vẻ như chưa bao giờ gần gũi nhau thật sự – nhưng khi cụ bà chết thì nhiệt tình của cụ ông cũng chết theo. Và cụ bắt đầu khô héo, quắt queo lại, gần như qua một đêm, sáng dậy đã già khụ – không phải trở nên yếu và lẫn cẫn, mà đâm ra khó tính và chấp nhặt. Không chịu ở thêm ngày nào trong căn nhà mà cụ đã từng chung sống với cụ bà Matilđa, cụ bắt đầu đi ngủ đậu ở nhà các con, hết nhà này sang nhà khác, kỳ đến khi cả hai bên đều phát ớn, thì ông lão Joóc-Gà tóc bạc lại chuyển chỗ. Khi nào không ca cẩm, cụ thường ngồi ở cổng, trong chiếc ghế xích đu mà cụ vẫn mang theo và giương mắt dữ tợn nhìn ra ngoài đồng hàng giờ liền.Cụ vừa tròn tám mươi ba tuổi – cụ đã lạu bạu từ chối không đụng tí nào đến chiếc bánh sinh nhật con cháu làm mừng cụ. Một buổi cuối đông năm 1880, cụ ngồi trước lò sưởi nhà cô cháu gái lớn nhất Meriơ Jêin. Cô đã dặn cụ ngồi yên, cho cái chân đau nghỉ, trong khi cô chạy ù ra mang bữa trưa cho chồng ở cánh đồng bên cạnh. Khi cô trở về thật nhanh, cô thấy cụ nằm trên nền trước lò sưởi, nơi cụ đã lết đến sau khi ngã vào đống lửa. Những tiếng kêu thất thanh của Meriơ Jêin khiến chồng cô chạy vội về. Chiếc mũ quả dưa, chiếc khăn quàng và chiếc áo nịt vẫn âm ỉ, cụ Joóc-Gà bị bỏng kinh khủng từ đầu đến thắt lưng. Đêm khuya hôm ấy cụ qua đời.Gần như tất cả những người da đen ở Henninh dự đám tang cụ, trong đó hàng tá là con cái, cháu chắt đứng bên cạnh huyệt trong khi cụ được hạ xuống trong lòng đất, ngay cạnh cụ bà Matilđa, ông con trai Joóc-con ghé vào tai Vơjơl thì thầm: “Bố cứng rắn quá, chắc chả chết tự nhiên được” Vơjơl quay lại nhìn em trai. “Tui yêu bố”, ông điềm đạm nói. “Cả chú và tất cả chúng ta”. “Cố nhiên là thế”, Joóc-con nói. “Sống mấy ông cụ cứ nhắng nhít te te gáy thì chẳng ai chịu nổi, thế mà bi giờ, anh nhìn xem, tất cả đều thút thít vì nỗi ông cụ ra đi!”.