Hai vụ mưa đã qua, và bụng Binta lại to một lần nữa, đồng thời tính khí càng bẳn hơn lúc thường. Động một tí là chị quất cả hai đứa con trai, đến nỗi, mỗi buổi sáng, Kunta đều thật sự hàm ơn việc chăn dê đã khiến nó thoát khỏi mẹ được mấy giờ và buổi chiều khi trở về nó không khỏi ái ngại cho Lamin, thằng bé mới chỉ đủ tuổi để giở trò tinh nghịch và bị đòn, chứ chưa đủ tuổi để ra khỏi nhà một mình. Cho nên một hôm, khi về nhà thấy thằng em nước mắt nước mũi ròng ròng, nó bèn hỏi Binta – mà không khỏi lo lắng đôi chút – xem có thể cho Lamin cùng chạy việc vặt với nó không, và Binta gắt lên: “Được!”. Thằng cu con Lamin trần truồng hầu như không nén nỗi vui sướng về hành động tốt bụng kỳ lạ này, nhưng Kunta thì lại đâm ghê tởm sự bốc đồng của chính mình đến nỗi vừa mới đi khỏi tầm tai nghe của Binta, nó liền cho thằng em một cái đá và một cái bạt tai, Lamin rống lên – rồi lũn cũn theo anh như một con chó con. Sau đó, mỗi buổi chiều Kunta đều thấy Lamin hồi hộp đứng cửa chờ, hy vọng thằng anh lại đưa mình ra khỏi nhà. Gần như ngày nào Kunta cũng làm thế - nhưng không phải vì nó muốn thực lòng. Chả là Binta hễ có dịp nghỉ ngơi đôi chút, không phải bận bịu với cả hai đứa, là lại tỏ ra hết sức nhẹ mình, thành thử giờ đây, Kunta đâm sợ bị đánh nếu không đưa Lamin đi theo. Y như thể một cơn mê tệ hại đã gắn chặt thằng em nhỏ trần truồng vào lưng Kunta như một con đỉa khổng lồ nào đó ở con sông vậy. Nhưng chẳng bao lâu, Kunta bắt đầu nhận thấy một số bạn cùng lứa kafô cũng có những thằng em nhỏ nhằng nhẵng sau lưng. Tuy bọn này thường chơi riêng hoặc chạy nhổng quanh quanh gần đó, chúng vẫn luôn luôn để mắt chăm chú theo sát những thàng anh đang ra sức lờ chúng đi. Thỉnh thoảng những thằng lớn đột nhiên lại lao vút đi, ngoái lại giễu lũ em nhỏ nháo nhác cố đuổi kịp chúng. Khi Kunta và các bạn trèo cây, lũ em thử trèo theo, thường rớt xuống đất và những thằng lớn bèn lớn tiếng cười sự vụng về của chúng. Bọn lớn bắt đầu thấy là đem chúng đi theo, hóa ra lại vui.Đôi khi có một mình với Lamin, Kunta cũng tỏ ra chú ý đến thằng em hơn một tí. Lấy ngón tay ngắt một cái hạt, nó cắt nghĩa cho em là cây gạo to tướng của làng Jufurê mọc lên từ một cái mầm bé như thế. Bắt một con ong mật, Kunta thận trọng cầm nó cho Lamin trông thấy cái vòi, rồi xoay mình con ong, nó giải thích loài ong hút chất ngọt ở hoa mang về tổ gây mật như thế nào trên những cây cao nhất. Và Lamin bắt đầu nêu ra với Kunta hàng lô câu hỏi mà phần lớn đều được Kunta kiên nhẫn giải đáp. Kể ra cũng thu thú khi thấy Lamin có cảm giác rằng Kunta cái gì cũng biết. Điều đó khiến Kunta tự cảm thấy lớn hơn so với cái tuổi tám vụ mưa của mình. Ngoài ý muốn của nó, Kunta bắt đầu coi thằng em như một cái gì khá hơn một thứ của nợ. Cố nhiên, Kunta phải cố gắng chật vật để khỏi bộc lộ ra điều đó, nhưng quả thật là giờ đây, mỗi buổi chiều lùa dê trở về nhà, nó đều ngong ngóng sự đón tiếp vồ vập của Lamin. Một lần, Kunta cho là thậm chí nó đã trông thấy Binta mỉm cười khi nó và Lamin rời khỏi lều. Thực tế Binta thường quát thằng con trai nhỏ: “Hãy học cung cách của anh mày ấy!”. Thế rồi lát sau, chị lại có thể nện Kunta vì chuyện gì đó, nhưng không đến nỗi thường xuyên như thông lệ nữa. Binta cũng thường bảo Lamin là nếu nó không tử tế hẳn hoi thì đừng hòng được đi với Kunta và suốt ngày hôm đó, Lamin sẽ rất ngoan.Ngay lúc rời khỏi lều, bao giờ hai đứa cũng đi rất lễ phép, tay trong tay, nhưng vừa ra đến ngoài, Kunta bèn lao vút đi và nhảy tâng tâng – với Lamin rượt theo sau – để tới nhập bọn với những đứa thuộc lứa kafô thứ hai và thứ nhất. Trong một cuộc chơi nhổng ban chiều, khi một đứa bạn chăn dê với Kunta tình cờ đâm sầm phải Lamin làm nó ngã ngửa, Kunta lập tức chạy tới, xô mạnh thằng kia sang bên và nóng máu kêu lên: “Em tao đấy!”. Thằng kia phản đối và chúng sắp sửa choảng nhau thì những đứa khác nắm lấy cánh tay chúng giữ lại. Kunta nắm tay thằng Lamin đang khóc, giằng ra và kéo nó xềnh xệch khỏi bọn bạn đang trố mặt nhìn. Kunta vừa bối rối sâu sắc, vừa tự lấy làm lạ cho bản thân về nỗi đã hành động như vậy đối với thằng bạn cùng lứa kafô – nhất là lại vì một thằng em trai ngủ nhè chè thiu. Nhưng sau hôm ấy, Lamin bắt đầu công khai bắt chước bất cứ cái gì nó thấy Kunta làm, đôi khi thậm chí ngay trước mắt Binta hoặc Ômôrô. Tuy làm ra vẻ không thích thế, Kunta vẫn không khỏi cảm thấy hãnh diện tí chút. Một buổi chiều, khi Lamin đang cố leo một cây thấp nhưng tụt ngã. Kunta bèn hướng dẫn cho nó trèo cho đúng cách. Thỉnh thoảng, nó dạy thằng em đánh vật (nhờ vậy Lamin có thể bắt một thằng đã từng làm nhục nó trước mặt các bạn cùng lứa kafô, nay phải kiêng nể mình); dạy huýt còi bằng ngón tay (mặc dù tiếng huýt còi thành công nhất của Lamin cũng còn xa mới chói tai được đến mức như Kunta) và chỉ cho nó thấy thứ lá mà mẹ chúng thích lấy để pha trà. Và nó dặn dò Lamin phải bắt những con bọ hung to, óng ánh chúng vẫn thấy bò trong lều, đem ra ngoài đặt xuống đất cho nhẹ nhàng, vì làm hại những con vật đó sẽ gặp chuyện rất xúi. Kunta còn bảo em là sờ vào cựa gà trống lại càng xúi hơn nữa. Nhưng dù cố gắng đến đâu, Kunta cũng không thể nào làm cho Lamin biết xem giờ bằng cách nhìn bóng nắng. “Mày còn bé, nhưng mày phải học chứ!”, thỉnh thoảng Kunta vẫn quát em khi Lamin tỏ ra chậm hiểu một điều gì đơn giản; hoặc vả cho nó một cái tát nếu nó quấy rầy quá. Song bao giờ Kunta cũng rất muốn rằng nó có thể cho thằng cu Lamin trần truồng mặc cái áo dài của nó một lúc. Trong khi gần gũi hơn với thằng em, Kunta bắt đầu đỡ cảm thấy sâu sắc cái điều trước đó vẫn thường hay làm nó băn khoăn – cái hố ngăn cách giữa tám vụ mưa của nó với bọn con trai lớn hơn và cánh đàn ông ở Jufurê. Quả vậy, theo nó nhớ được, ít có ngày nào trong đời nó qua đi mà không có cái gì nhắc nhở rằng nó hãy còn ở lứa kafô thứ hai – một thằng cu vẫn còn ngủ ở lều của mẹ. Bọn con trai lớn – giờ đây đang qua đợt huấn luyện trưởng thành ở nơi xa – chẳng dành cho những đứa ở lứa tuổi Kunta cái gì khác ngoài những chế giễu khinh bỉ với bạt tai. Còn đám người lớn, như Ômôrô và những ông bố khác, thì làm như thể một thằng con trai thuộc lứa kafô thứ hai chỉ đơn thuần là một cái gì ta phải chịu đựng mà thôi. Về phần các bà mẹ, chà, thường những lúc ở ngoài bãi chăn dê, Kunta vẫn giận dữ nghĩ rằng khi nào nó trở thành một đấng tu mi nam tử, nhất định nó sẽ đặt Binta vào đúng vị trí nữ nhi, mặc dầu nó vẫn muốn tỏ ra tốt và khoan dung đối với chị, vì dù sao đi nữa, chị vẫn là mẹ nó. Tuy nhiên, điều bực mình nhất đối với Kunta và các bạn, là việc bọn con gái thuộc lứa kafô thứ hai, lớn lên cùng với chúng, giờ đây sao mà vội vã chứng minh rằng mình đã nghĩ đến chuyện làm vợ. Kunta tức tối thấy tụi con gái mới mười bốn vụ mưa, hoặc thậm chí bé hơn thế, đã lấy chồng, trong khi con trai phải đợi đến lúc thành người lớn ba mươi vụ mưa hoặc hơn nữa mới lấy vợ. Nói chung, bị liệt vào lứa kafô thứ hai bao giờ cũng là một điều khó chịu đối với Kunta và các bạn nó, trừ những buổi chiều ở ngoài bãi chăn dê chỉ có bọn chúng với nhau và trong trường hợp Kunta, trừ mối quan hệ mới của nó với Lamin.Mỗi lần, hai anh em dạo một mình ở một nơi nào đó, Kunta đều tưởng tượng là mình đang đưa Lamin đi du hành, như người lớn thỉnh thoảng vẫn đem con trai theo trong những chuyến đi. Giờ đây, cách nào đó, Kunta cảm thấy một trách nhiệm phải hành động già dặn hơn, khi mà Lamin ngưỡng vọng nó như một nguồn kiến thức. Đi bên cạnh anh, Lamin thường liên tục tuôn ra với Kunta hàng tràng câu hỏi.“Thế giới là như thế nào?”“À”, Kun ta nói, “ không có người nào, cũng như không có cái xuồng nào đi khắp thế giới được. Và không ai biết hết những gì cần biết về nó”“Anh học arafang những gì?”Kunta đọc những câu thơ đầu trong kinh Koran bằng tiếng Arập, rồi nói: “Bây giờ, mày thử đọc coi”. Nhưng khi Lamin thử đọc, nó liền lẫn lung tung – Kunta biết trước là thế nào cũng vậy – và Kunta nói, giọng kẻ cả: “Phải có thời gian”.“Tại sao người ta không làm hại loài cú?”“Vì linh hồn tất cả tổ tiên đã mất của chúng ta ở trong thân cú”. Rồi nó kể cho Lamin nghe đôi điều về bà nội Yaixa quá cố của chúng. “Dạo ấy mày còn bé tí tẹo, mày chả nhớ bà được”.“Cái con chim trên cây kia là con gì?”“Diều hâu”.“Nó ăn gì?”“Ăn chuột, ăn những loài chim khác và các thứ”.“Eo ơi!”Kunta trước đó chưa bao giờ nhận ra là mình biết điều thế - song thi thoảng, Lamin cũng hỏi những cái mà Kunta hoàn toàn mù tịt.“Có phải mặt trời bốc cháy không?” hoặc “Tại sao bố không ngủ với chúng mình?”.Những lần đó, Kunta thường ầm ừ, rồi ngắt đứt câu chuyên – như Ômôrô vẫn làm thế khi thấy mệt vì những câu hỏi quá nhiều của Kunta. Sau đó, Lamin không nói gì nữa, vì giáo dục gia đình của người Manđinka dạy rằng không bao giờ hỏi chuyện những người không muốn nói chuyện. Đôi khi, Kunta làm như chìm sâu vào suy nghĩ riêng tư. Trong trường hợp đó, Lamin thường lặng lẽ ngồi bên và khi nào Kunta đứng dậy, nó cũng đứng dậy. Và đôi lần, khi Kunta không biết giải đáp một câu hỏi ra sao, nó bèn vội vã làm một cái gì để chuyển sang chuyện khác. Bao giờ cũng vậy, liền sau đó, Kunta đợi cho Lamin ra khỏi lều rồi mới hỏi Binta hoặc Ômôrô câu giải đáp cần thiết cho Lamin. Nó không bao giờ nói rõ cho bố mẹ tại sao nó hỏi cả hai người lắm thứ thế, nhưng hình như họ cũng biết. Trên thực tế, họ dường như bắt đầu coi Kunta như người lớn, vì nó đã gánh vác thêm trách nhiệm với thằng em. Chẳng bao lâu, ngay trước mặt Binta, Kunta cũng nói gay gắt với Lamin về những điều nó làm sai. “Mày phải ăn nói cho rõ ràng!” nó có thể nói thế, kèm một cái bật tách ngón tay. Hoặc giả nó có thể đét Lamin về tội không nhanh nhảu bật dậy làm bất cứ cái gì mẹ nó sai làm. Binta thì làm như không trông thấy hoặc nghe thấy gì. Thành thử bây giờ, ít có cử chỉ, hành động nào của Lamin mà không bị cặp mắt sắc sảo của mẹ nó hoặc anh nó theo dõi. Và bây giờ, bất cứ câu hỏi nào của Lamin, Kunta chỉ việc đem hỏi lại Binta hoặc Ômôrô, là lập tức họ cho nó biết lời giải đáp. “ Tại sao cái chiếu da bò của bố lại đỏ như thế? Bò có đỏ đâu?”“Tại mẹ nhuộm da bò bằng nước kiềm với hạt kê giã”, Binta trả lời. “Chúa Ala ở đâu?”“Chúa Ala ở nơi sinh ra mặt trời”, Ômôrô nói.