“Các ngươi giờ đây không còn là trẻ con nữa. Các ngươi đang trải qua cuộc hồi sinh để trở thành người lớn”, một buổi sáng, kintangô nói với lứa kafô được tập hợp lại. Đây là lần đầu tiên kintangô dùng chữ người lớn mà không phải để mắng chúng chưa đáng là người lớn. Sau những tuần trăng cùng học, cùng làm, cùng bị đánh đập – ông nói với bọn chúng – cuối cùng mỗi đứa đang bắt đầu phát hiện ra là mình có hai bản ngã: một ở trong nó và bản ngã kia lớn hơn, ở trong tất cả những ai cùng chung huyết thống, cùng chung cuộc đời với nó. Chưa học được bài học đó thì chưa thể tiến hành giao đoạn tiếp theo của việc rèn luyện trưởng thành: làm sao trở thành chiến binh. “Các con đã biết người Manđinka chỉ chiến đấu nếu những kẻ khác là hiếu chiến”, kintangô nói. “Nhưng nếu bị dồn đến chỗ phải chiến đấu thì chúng ta sẽ là những chiến binh cừ nhất”.Trong nửa tuần trăng sau đó, Kunta và các bạn học cách chiến đấu như thế nào. Kintangô hoặc các phụ tá phác hoạ những binh lược trứ danh của dân tộc Manđinka rồi bảo bọn trẻ tái triển những binh lược ấy trong các cuộc tập trận giả. “Đừng bao giờ vây kín kẻ địch hoàn toàn”, kintangô khuyên. “Hãy để cho chúng một lối thoát nào đó, vì nếu bị hãm cùng đường, chúng càng liều mạng chiến đấu”. Bọn trẻ cũng học được rằng các cuộc chiến đấu nên mở màn vào lúc chiều tà để cho bất cứ kẻ địch nào, thấy thất bại, có thể gỡ thể diện bằng cách rút lui vào bóng tối. Và chúng được dạy rằng, trong mọi cuộc chiến tranh, đừng bên nào nên làm hại đến các giáo trưởng, các graiốt hoặc các thợ rèn trên đường lữ thứ vì một giáo trưởng phẫn nộ có thể khiến cho nỗi bất bình của Chúa Ala giáng xuống, một graiốt phẫn nộ có thể sử dụng cái lưỡi hùng biện của mình kích động địch quân trở nên man rợ hơn, và một thợ rèn phẫn nộ có thể chế tạo hoặc sửa chữa vũ khí cho kẻ địch.Dưới sự chỉ đạo của các phụ tá kintangô, Kunta và những đứa khác đẽo những giáo mác có ngạnh và vót những mũi tên có ngạnh thuộc loại chỉ dùng trong chiến trận, và tập phóng chúng vào những mục tiêu càng ngày càng thu nhỏ. Đứa nào phóng trúng một thân tre cách xa hai mươi lăm bước là được hoan hô và ngợi khen. Xục vào rừng bọn trẻ tìm thấy một loại cây kuna, ngắt lá đem về trại nấu thành thứ nước đen đặc quánh. Một sợi chỉ bông đem nhúng vào đó rồi quấn vào ngạnh một mũi tên sẽ làm ngấm một chất độc chết người vào bất cứ vết thương nào do mũi tên gây ra.Vào cuối thời kỳ huấn luyện chiến đấu, kintangô kể cho bọn chúng nghe nhiều điều chúng chưa từng biết – và kể một cách lý thú hơn mọi lần chúng đã từng được nghe về những cuộc chiến tranh lớn nhất và những chiến sĩ vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử dân tộc Manđinka – vào cái thời mà đạo quân của thần tướng Xundiata, xưa là nô lệ, con trai bà Nữ Ngưu Xôlôgôn, đánh bại các lực lượng của vua Xumacrô nước Burê, một tên vua tàn bạo chuyên mặc áo bằng da người và trang hoàng những bức tường trong cung điện của y bằng những sọ trắng hếu của quân địch.Kunta cùng các bạn nín thở nghe chuyện cả hai đạo quân đã bị thương vong hàng nghìn người như thế nào. Nhưng các tay nỏ người Manđinka đã áp sát vây chặt các lực lượng của Xumacrô như một cái bẫy khổng lồ, từ hai phía bắn tên vào như mưa và liên tục tiến vào cho đến khi đạo quân táng đởm kinh hồn của Xumacrô, cuối cùng phải bỏ chạy tán loạn. Trong nhiều ngày đêm, kintangô kể - và đây là lần đầu tiên bọn trẻ thấy ông mỉm cười – các cỡ trống biết nói của mọi làng bản theo dõi bước tiến của các lực lượng Manđinka chiến thắng, chở đầy chiến lợi phẩm và giải hàng nghìn tù binh đi trước họ. Đến mỗi làng, những đám đông vui sướng xô ra nhạo báng và đá bọn tù binh đầu cạo trọc và tay trói quặt ra sau lưng. Cuối cùng, tướng Xundiata triệu tập một cuộc họp lớn của nhân dân, đưa ra trước bà con những thủ lĩnh của tất cả các làng đã bị ngài đánh bại và trả lại những ngọn giáo cấp thủ lĩnh cho họ, thế rồi ngài bèn thiết lập giữa các thủ lĩnh đó những quan hệ hoà bình sẽ ràng buộc họ trong một trăm vụ mưa về sau. Kunta và các bạn trở về giường nằm, lòng đầy mộng mơ, tự hào hơn bao giờ hết được là người Manđinka. Khi bắt đầu tuần trăng luyện tập sau, tiếng trống truyền tới trại, báo tin sẽ có khách mới trong vòng hai ngày tới. Niềm phấn khởi trước tin có khách – bất kể là khách nào, bao lâu sau lần đoàn phụ huynh tới – lại tăng lên gấp đôi khi bọn trẻ được biết người truyền tin đi chính là tay trống của đội kiện tướng vật làng Jufurê đến đây để hướng dẫn những bài học đặc biệt cho trại viên.Cuối buổi chiều hôm sau, trống loan báo họ đến sớm hơn dự đoán. Nhưng nỗi vui thích của bọn trẻ được gặp lại những bộ mặt quen thuộc, biến mất khi các đô vật chẳng nói chẳng rằng túm lấy chúng và bắt đầu lẳng chúng xuống đất phũ phàng tới mức chúng chưa bao giờ bị quật như thế trong đời. Và đứa nào đứa nấy đều thâm tím ê ẩm khi các đô vật chia chúng thành từng nhóm nhỏ để quần thảo với nhau dưới sự giám sát của các kiện tướng. Kunta chưa bao giờ tưởng tượng là môn vật lại có nhiều miếng đến thế và những miếng ấy hiệu nghiệm biết bao nếu sử dụng đúng cách. Và các kiện tướng không ngừng gióng trống vào tai bọn trẻ, nhắc nhở chúng rằng: chính sự hiểu biết và điêu luyện thuần thục, chứ không phải sức khoẻ, mới là điều phân biệt giữa một đô vật bình thường với một kiện tướng. Tuy nhiên, khi họ thị phạm các ngón vật cho lũ học trò thấy, bọn chúng không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ những bắp thịt cuồn cuộn không kém gì tài nghệ của họ. Đêm ấy, quanh đống lửa, tay trống từ Jufurê tới rành rọt gõ tên tuổi và chiến tích của những đô vật kiện tướng lớn người Manđinka từ một trăm vụ mưa trước tới nay và khi bọn trẻ đến giờ đi ngủ, các đô vật bèn rời trại trở về Jufurê.Hai hôm sau, lại có tin một vị khách nữa đến. Lần này, tin do một liên lạc từ Jufurê mang tới – một thanh niên thuộc lứa kafô thứ tư mà Kunta cùng các bạn nó biết rất rõ, mặc dù, lên mặt người lớn, anh ta làm như chưa bao giờ thấy cái bọn nhóc thuộc lúa kafô thứ ba này không thèm ngó ngàng gì đến chúng, anh ta chạy tới chỗ kintangô và vừa thở rốc vừa báo là Kujali Njai, một graiốt nổi tiếng khắp Gămbia, sắp sửa đến thăm trại tập hẳn một ngày.Ba hôm sau, ông lão tới cùng với một số thanh niên thuộc gia đình ông. So với bất cứ vị graiốt nào Kunta đã thấy trước đây, thì ông cụ già hơn nhiều – già đến nỗi trên thực tế, bên cạnh cụ, kintangô hoá ra trẻ. Sau khi ra hiệu cho bọn trẻ ngồi xệp thành hình bán nguyệt quanh mình, ông già bắt đầu kể quá trình ông trở thành graiốt như thế nào. Cụ kể cho chúng nghe, trong những năm học hỏi thời trai trẻ, mỗi một graiốt đã chôn sâu thành tích của tổ tiên trong tâm trí như thế nào. “Bằng cách nào khác mà ta có thể biết được những việc làm lớn lao của các vua, các thánh nhân, các nhà săn bắn và các chiến binh thời xưa, sống trước ta hằng trăm vụ mưa? Ta có gặp các vị đó không?” ông cụ hỏi, “Không! Lịch sử dân tộc chúng ta được truyền tới cho tương lai từ đây này”. Và cụ vỗ vào mái đầu bạc của mình.Cái câu hỏi vẫn nằm trong trí mỗi đứa trẻ đã được vị graiốt già giải đáp: chỉ có các con trai các graiốt mới có thể trở thành graiốt. Thật vậy bổn phận trọng đại của họ là phải trở thành graiốt. Kết thúc kỳ rèn luyện trưởng thành là những thiếu niên ấy – như tốp cháu nội của chính cụ hôm nay đang ngồi bên cụ đây – liền bắt đầu học tập và đi du hành với những vị huynh trưởng chọn lọc, nghe đi nghe lại mãi những tên tuổi lịch sử và những câu chuyện được truyền lại và, đến kỳ đến lúc, mỗi thiếu niên sẽ thuộc cái phần đặc biệt trong lịch sử của cha ông đến tận chi tiết cặn kẽ nhất, đầy đủ nhất, đúng như đã được kể cho cha mình về cha của cha mình. Rồi tới một ngày nào đó, chàng trai trở thành người đàn ông trưởng thành, có con, và anh ta, sẽ kể cho chúng nghe những truyện ấy, sao cho các sự kiện của quá khứ xa xưa sẽ sống mãi.Khi bọn trẻ thán phục nuốt vội nuốt vàng bữa ăn chiều và đổ xô trở lại xúm quanh cụ già graiốt, cụ khiến chúng hồi hộp xúc động cho đến tận đêm khuya với những câu chuyện do chính cha cụ truyền lại – về những đại vương quốc da đen đã thống trị châu Phi hàng mấy trăm năm trước.“Rất lâu trước khi bọn tubốp đặt chân tới châu Phi”, vị graiốt già nói, có vương quốc Bênin dưới sự trị vì của một ông vua nắm mọi quyền lực gọi là Ôba, muốn gì là phải có ngay. Nhưng thực tế việc cai quản Bênin lại nằm trong tay các cố vấn tin cẩn của Ôba, toàn bộ thời gian của nhà vua chỉ dành vào những cuộc tế lễ cần thiết để trấn an quỷ thần và vào việc chăm sóc thích đáng một hậu cung gồm hơn một trăm cung phi. Nhưng trước thời kỳ đó, Bênin là một vương quốc còn giàu hơn thế nữa gọi là Xonghai, vị graiốt nói vậy. Kinh đô của Xonghai là Gao, đầy những nhà cửa đẹp đẽ dành cho các ông hoàng da đen và các phú thương, bọn này thết đãi rất hào phóng những lái buôn lưu động đem vô số vàng đến mua hàng.“Vậy mà đó chưa phải là vương quốc giàu nhất”, cụ già nói. Và cụ kể cho bọn trẻ nghe về nước Gana của tổ tiên trong đó có một thành phố gồm toàn quần thần của triều đình nhà vua. Và vua Kanixal có tới một nghìn ngựa, mỗi con có ba người phục vụ và máng đái riêng bằng đồng đỏ. Kunta gần như không tin ở tai mình nữa. “Và mỗi buổi tối”, vị graiốt kể. “Khi vua Kanixal từ trong cung điện bước ra, một ngàn ngọn lửa liền được thắp, soi sáng tất cả mọi thứ giữa trời và đất. Và gia nhân của bậc đại vương bưng đồ ăn thức uống ra, đủ để thết một vạn người tập hợp ở đó mỗi buổi chiều”.Đến đây cụ ngừng lại, và bọn trẻ không nén nổi những tiếng trầm trồ kinh ngạc (chúng biết rõ là không được gây một tiếng động nào trong khi một graiốt nói), nhưng cả cụ già lẫn bản thân kintangô dường như đều không nhận thấy sự thất thố của chúng. Bỏ một nửa hạt kôla vào miệng và đưa nửa kia mời kintangô – ông này vui vẻ nhận, - vị graiốt kéo vạt áo quấn chặt hơn vào chân để chống lại cái rét của đêm vừa bắt đầu và tiếp tục kể.“Nhưng ngay cả Gana cũng chưa phải là vương quốc da đen giàu nhất!” cụ thốt lên. “Đích thực giàu hơn cả đích thực lâu đời hơn cả, chính là vương quốc Mali cổ xưa!”. Như các vương quốc khác, Mali có những đô thị, những nông dân, thợ thủ công, thợ rèn, thợ thuộc da, thợ nhuộm và thợ dệt, cụ già graiốt nói. Nhưng của cải như núi của Mali là do những con đường thông thương dài rộng phục vụ việc buôn bán muối, vàng và đồng đỏ. “Đi khắp Mali , chiều dài mất bốn tuần trăng, chiều rộng mất bốn tuần trăng”, vị graiốt nói, “thành phố lớn nhất là Timbutku thần kỳ!” Là trung tâm học vấn của toàn châu Phi, Timbutku có hàng ngàn học giả, hơn nữa lại không ngừng tiếp đón các nhà thông thái nườm nượp tới thăm để nâng cao kiến thức – nhiều đến nỗi một số thương gia xụ nhất chẳng bán được gì ngoài dây da và sách. “Không có một giáo trưởng nào, không một thầy giáo nào dù ở làng nhỏ nhất, mà vốn kiến thức không bắt nguồn, chí ít là một phần, từ thành phố Timbutku”, vị graiốt nói.Cuối cùng khi kintangô đứng lên cảm ơn vị graiốt đã hào hiệp chia sẻ những kho tàng trí tuệ của mình cho thầy trò ông. Kunta cùng những đứa khác lần đầu tiên từ khi chúng đến trại – dám thực sự nói lên nỗi bất mãn của mình vì đã đến giờ phải đi ngủ. Kintangô đành làm ngơ, bỏ qua sự láo xược ấy, ít nhất là trong lúc này, và nghiêm nghị ra lệnh cho chúng về lều, tuy nhiên, trước đó, chúng đã tranh thủ được cơ hội xin ông mời vị graiốt trở lại thăm chúng một lần nữa.Sáu ngày sau, chúng vẫn còn đang suy nghĩ và bàn tán về những câu chuyện kỳ diệu mà vị graiốt đã kể cho chúng nghe, thì có tin một vị môrô trứ danh sắp đến thăm trại. Môrô là một cấp đại sư cao nhất ở Gămbia , thật vậy chỉ có một số ít đại sư và sau bao vụ mưa học tập nghiên cứu, họ trở nên uyên bác đến nỗi nhiệm vụ của họ không phải là chỉ dạy học trò mà cả các thày giáo như arafang của làng Jufurê.Ngay cả kintangô cũng tỏ ra quan tâm khác thường đối với vị khách này, ông ra lệnh dọn thật sạch toàn thể khu trại, cào hết rác bẩn rồi lấy cành lá quét cho nhẵn nhụi phẳng phiu để xứng với vinh dự đón những vết chân tươi mới của vị môrô khi người tới đấy. Rồi kintangô tập hợp bọn trẻ trong khu rào và nói với chúng: “Không những dân chúng mà cả các xã trưởng và thậm chí các bậc quân vương cũng cầu mong được nghe lời bảo ban và cầu phước của người sắp đến với chúng ta”.Sáng hôm sau, vị môrô tới, có năm môn đồ đi theo, mỗi người đội một cái bọc mà Kunta biết là trong đó có những sách Ả rập quí giá và những bản thảo viết trên giấy da như của thành phố Timbutku cổ xưa, lúc vị đại sư già đi qua cổng, Kunta và các bạn quì gối theo kintangô và các phụ tá, trán chạm xuống đất. Sau khi vị môrô cầu phước cho bọn họ và toàn trại, mọi người đứng dậy và kính cẩn ngồi quanh đại sư trong khi người giở sách và bắt đầu đọc – đầu tiên trích kinh Koran, rồi đến những đoạn trong các sách chưa từng nghe nói đến, như cuốn Tôrêta la Muxa, cuốn Zabora, Đauydi và cuốn Lingheli la Ixa mà người nói tín đồ “Cơ đốc” gọi là Ngũ quyển của Môixe trong Cựu ước, thi thiên của Đavid và sách Exai. Mỗi lần, vị môrô mở hay gấp lại một quyển sách, giở ra hay cuộn vào một bản thảo, người lại áp trán vào đó và thì thầm “Amen!”Khi đọc xong, vị đại sư già đặt các sách sang bên cạnh và nói về những sự kiện lớn và những nhân vật trong kinh Koran của đạo Cơ đốc thường được gọi là Kinh Thánh, Người nói về Adam và Evơ, về thánh Jôzep và các giáo hữu, về Môixe, Đavid, và Xôlômôn, về cái chết của Abet. Người kể với bọn họ về những nhân vật vĩ đại trong lịch sử gần đây như Đjulu Kara Naini mà bọn tubốp gọi là Alecxandr Đại Đế, một ông vua hùng cường của một nước đầy vàng bạc, ở đó mặt trời chiếu toả nửa phần thế giới.Trước khi vị môrô đứng dậy ra về trong đêm ấy, người duyệt lại xem bọn trẻ đã thuộc những gì trong năm bài kinh cầu Chúa Ala hằng ngày và dặn dò chúng phải đi đứng, cư xử ra sao trong ngôi nhà thờ thiêng liêng của làng, nơi mà chúng sẽ bước vào lần đầu tiên khi chúng trưởng thành trở về nhà. Rồi người cùng các môn đồ phải đi vội để tới địa điểm sau trong chương trình bận rộn của người, và bọn trẻ hát mừng người như kintangô đã căn dặn: “Một thế hệ qua đi… Một thế hệ khác tới và lại qua… Song Chúa Ala còn mãi mãi…”Đêm ấy sau khi vị môrô đi khỏi, nằm thao thức trong lều, Kunta nghĩ thầm sao mà biết bao điều lại gắn bó với nhau đến thế - thực tế là hầu hết những điều chúng nó đã học được. Quá khứ dường như gắn liền với hiện tại và hiện tại với tương lai; người chết với người sống và những người còn chưa ra đời, bản thân nó với gia đình nó, bạn bè nó, làng nó, bộ lạc nó, Châu Phi của nó, thế giới của con người với thế giới của thú vật và cỏ cây – tất cả đều sống với Chúa Ala. Kunta cảm thấy mình rất nhỏ bé mà rất lớn lao. Có lẽ - nó nghĩ – đó là ý nghĩa của việc trở thành người lớn.