Dịch giả: Dương Tường
Chương 31

Như các gã trai mới trưởng thành được phép làm thế khi nào không cản trở gì đến nhiệm vụ, Kunta và bạn bè cùng lứa Kafô thường ngồi ở rìa ngoài cùng các phiên chính thức của Hội đồng Bô lão họp mỗi tuần trăng một lần dưới cây bao-báp làng Jufurê. Ngồi đó trên những tấm da thuộc rất sát nhau, sáu vị bô lão cao niên nhất cũng gần già như cái cây, Kunta nghĩ vậy, và cùng tạc nên từ một loại gỗ, trừ một điều là các vị đều đen như gỗ mun trên cái nền trắng của những chiếc áo dài và mũ trùm đầu tròn xoe. Ngồi đối diện với các vị là những người gặp khó khăn hoặc có chuyện tranh chấp cần giải quyết. Đằng sau những người kiến nghị là các bậc huynh trưởng trung niên như Ômôrô ngồi thành nhiều hàng tùy theo tuổi tác và đằng sau họ là cánh trai mới thuộc lứa tuổi Kunta. Và đằng sau bọn này, các phụ nữ trong làng có thể ngồi, mặc dầu họa hoằn họ mới dự, trong trường hợp có ai thân thích trong gia đình bị dính líu vào vấn đề sẽ được xét. Xuân thu nhị kỳ mới thấy tất cả phụ nữ có mặt – chỉ khi nào có một vụ hứa hẹn làm đầu đề chuyện phiếm rôm rả.
 
Chẳng thấy một phụ nữ nào đến dự khi Hội đồng họp bàn những việc thuần túy hành chính, như quan hệ của Jufurê với các làng khác. Tuy nhiên, vào ngày bàn các vấn đề của dân làng, thì cử tọa vừa đông vừa ồn ào – nhưng tất cả mau chóng im lặng khi vị cao niên nhất trong số các bô lão giơ chiếc dùi đính những hạt màu rực rỡ trên chiếc trống hội thoại đặt trước mặt, gõ tên người đầu tiên được xét. Điều đó được làm theo trình tự tuổi tác nhằm phục vụ những nhu cầu của người lớn tuổi nhất trước tiên. Bất kỳ ai đứng ra trình bày trường hợp của mình, tất cả các vị bô lão đều đăm đăm nhìn xuống đất, lắng nghe cho đến khi người đó nói xong và ngồi xuống. Đến đây, bất kỳ ai trong hàng huynh trưởng đều có thể đặt câu hỏi với anh ta.
 
Nếu vấn đề có liên quan đến một vụ tranh chấp, thì bây giờ đến lượt người thứ hai trình bày về phía mình, tiếp theo là những câu hỏi nữa, liền sau đó, các vị bô lão sẽ quay lưng lại, chụm đầu bàn bạc, có thể cũng mất khá lâu. Một vài vị có thể còn ngoảnh lại hỏi thêm mấy câu. Nhưng rồi cuối cùng, tất cả quay trở lại phía trước, một vị ra hiệu cho người hoặc những người được thẩm xét đứng lên và bấy giờ vị bô lão cao tuổi nhất tuyên bố quyết định của Hội đồng, sau đó trống gióng lên cái tên tiếp theo.
 
Ngay cả đối với những thanh niên mới trưởng thành như Kunta, phần lớn những cuộc điều trần này cũng là những vấn đề thông thường. Những người có con mới đẻ xin một mảnh ruộng lớn hơn cho chồng và thêm một vạch lúa cho vợ – Loại yêu cầu mà hầu như bao giờ cũng được chấp nhận nhanh chóng, cũng như những yêu cầu xin mảnh ruộng đầu tiên cho những trai chưa vợ như Kunta và các bạn anh. Trong thời gian rèn luyện trưởng thành, Kintangô đã dặn dò họ đừng bao giờ bỏ buổi họp nào của Hội đồng Bô lão trừ trường hợp bắt buộc, vì việc chứng kiến các quyết định của Hội đồng sẽ mở rộng kiến thức của một con người trong quá trình tuổi tác tăng lên cho đến khi chính anh ta cũng thành một bô lão. Khi dự phiên đầu tiên, Kunta nhìn Ômôrô ngồi đằng trước, tự hỏi không biết trong đầu cha mình đã chứa mấy trăm quyết định rồi mà vẫn chưa thành bô lão.
 
Tại phiên đầu, Kunta chứng kiến một vụ về đất đai có dính líu đến một chuyện tranh chấp. Cả hai người đàn ông đều nhận về phần mình số quả của mấy cái cây thoạt đầu do người thứ nhất trồng trên một mảnh đất mà hiện nay người thứ hai có quyền trồng cấy, vì gia đình người thứ nhất đã giảm nhân số. Hội đồng Bô lão cho người thứ nhất hưởng số quả và nói: “Nếu anh ta không trồng cây thì làm gì mà có quả”. 
 
Tại những phiên sau, Kunta thấy nhiều người bị kết tội đánh vỡ hoặc đánh mất cái gì đó mượn của một người nào đó, người này tức tối nói rằng các thứ đồ ấy vừa quý lại vừa mới tinh. Trừ phi người mượn đồ có nhân chứng đưa ra bằng cứ bác bỏ điều đó, còn thường thường anh ta đều được lệnh phải đền hoặc thay thế thứ đồ kia bằng một cái mới giá trị ngang như thế. Kunta còn thấy những người giận dữ buộc tội người khác dùng ma thuật reo rắc vận rủi cho mình. Một ông trình bày rằng có người đã lấy một cái cựa gà trống chạm vào ông ta, làm cho ông ta ốm rất nặng. Một người vợ trẻ khai rằng bà mẹ chồng mới đã giấu một thứ cây bụi nào đó vào trong bếp của mình, khiến cho nấu nướng bất cứ cái gì cũng đâm hỏng. Và một bà góa lu loa rằng một ông già giở giọng tán tỉnh bị bà cự tuyệt, đã lấy vỏ trừng tán thành bột rắc lên lối đi của bà, khiến cho bà mắc vào một chuỗi dài những chuyện phiền phức và bà liền mô tả những phiền phức đó. Nếu vấn đề được trình bày với bằng chứng hùng hồn, đầy đủ về động cơ và kết quả của trò ma thuật, Hội đồng sẽ lập tức ra lệnh đánh trống mời vị pháp sư lưu  động gần nhất tới Jufurê để xua tà, phí tổn sẽ do kẻ làm điều xấu phải chịu.
 
Kunta thấy các con nợ được lệnh phải thanh toán sòng phẳng, dù có phải bán của cải đi, hoặc nếu không có gì bán thì phải làm trả nợ cho người cho vay. Anh thấy những nô lệ tố cáo chủ tàn ác, hoặc cho ăn ở chẳng ra sao, hoặc lấy quá nửa những gì do lao động của người nô lệ sản sinh ra. Đến lượt chủ lại buộc tội nô lệ ăn gian bằng cách giấu giếm một phần sản phẩm của họ, hoặc làm việc không đủ mức, hoặc cố tình đánh gẫy nông cụ. Kunta thấy Hội đồng cân nhắc rất cẩn thận các bằng chứng trong những vụ này cùng với lai lịch thành tích mỗi người trong làng và không phải là hãn hữu mà thanh danh của một số nô lệ lại rất tốt đẹp hơn chủ họ!
 
Song đôi khi, giữa chủ và nô lệ không có tranh chấp gì. Thật vậy, Kunta đã từng thấy họ cùng đến xin phép cho nô lệ cưới người trong gia đình của chủ. Nhưng bất cứ cặp nào định lấy nhau, trước hết phải được phép của Hội đồng. Những đôi mà Hội đồng xét là có họ quá gần với nhau, bị từ chối phắt, nhưng đối với những cặp không bị coi là như thế, cũng phải có một giai đoạn chờ đợi một tuần trăng từ lúc yêu cầu đến khi trả lời, thời gian đó dân làng có nhiệm vị lặng lẽ đến thăm bất kỳ vị bô lão nào, nêu bất kỳ điều gì tốt hoặc xấu được biết riêng về cặp trai gái đang được xét. Từ thời niên thiếu mỗi người trong lứa đôi ấy có luôn luôn tỏ ra có gia giáo hay không? Một trong hai người có bao giờ gây phiền phức vô lối cho ai, kể cả cho chính gia đình mình? Một trong hai người có bao giờ biểu lộ bất cứ khuynh hướng xấu gì thuộc bất cứ loại nào, thí dụ như gian lận hoặc nói sai sự thật không? Cô gái có nổi tiếng là cáu kỉnh và hay cãi vã không? Chàng trai có nổi tiếng là hay đánh đập dê một cách tàn nhẫn không? Nếu vậy, cuộc hôn nhân sẽ bị từ chối, vì theo tín ngưỡng, một con người như thế sẽ truyền những nét cá tính đó cho con cái. Song, theo như Kunta được biết ngay từ trước khi anh bắt đầu dự các phiên họp của Hội đồng, phần lớn các cặp đều được đồng ý cho cưới, bởi vì đôi bên cha mẹ trong cuộc đều đã được biết những giải đáp cho các câu hỏi đó và thấy chúng là thỏa đáng trước khi chính họ thuận tình cho phép.
 
Tuy nhiên, tại các phiên họp của Hội đồng, Kunta được biết rằng đôi khi các bậc cha mẹ lại không được nghe kể về những điều mà người ta nói với các vị bô lão, Kunta đã thấy một trường hợp xin phép cưới bị từ chối thẳng thừng khi một nhân chứng đứng ra khai rằng chàng trai của dự định hôn nhân này, hồi còn nhỏ đi chăn dê, đã từng ăn cắp của anh ta một cái lẵng, tưởng không ai trông thấy. Hồi ấy anh ta không đem trình tội này là vì thương hại cu cậu hãy còn bé; nếu đã đem trình, thì chiếu theo luật, bày tay phải của cu cậu ắt đã bị chặt đứt. Kunta ngồi như bị đóng đinh khi gã ăn trộm, cuối cùng bị vạch mặt, òa lên khóc, phun hết tội trạng trước mặt cha mẹ thất kinh và cô gái mà gã đang xin cưới, cô này bắt đầu thét lên. Sau đó ít lâu, gã biến khỏi Jufurê và không ai gặp lại hoặc nghe nói về gã bao giờ nữa.
 
Sau mấy tháng dự các phiên họp của Hội đồng, Kunta đồ chừng phần lớn các vấn đề đối với các vị bô lão là do những người có gia thất – đặc biệt do những người đàn ông có hai, ba hoặc bốn vợ. Ngoại tình là cái tội những người này hay thưa kiện nhất và những điều không hay sẽ đến với kẻ thủ phạm nếu lời buộc tội của người chồng được ủng hộ bằng những lời chứng thuyết phục bên ngoài hoặc những chứng cớ vững vàng khác. Nếu người chồng bị xúc phạm thì nghèo mà kẻ phạm tội lại giàu có, Hội đồng có thể ra lệnh cho thủ phạm nộp của cải cho người chồng nọ, mỗi lần một thứ, cho đến khi nào anh ta nói: “Tôi đủ rồi”, điều này thường xảy ra khi gã gian dâm chỉ còn cái lều rỗng tuếch. Nhưng nếu cả hai người đàn ông cùng nghèo, mà đó là trường hợp thông thường, Hội đồng có thể ra lệnh cho kẻ phạm tội làm nô lệ cho người chồng trong một thời gian được xem là đủ để chuộc lại việc sử dụng vợ anh ta một cách phi pháp như vậy. Và Kunta lo sợ thay cho một gã tái phạm nhiều lần, khi các bô lão định ngày, giờ đưa gã ra trước công chúng phạt ba mươi chín roi đòn trên lưng trần, do người chồng bị xúc phạm gần đây nhất thực thi, theo đúng quy tắc Hồi giáo cổ là “bốn mươi trừ một”.
 
Những ý nghĩ của bản thân Kunta về việc lấy vợ có phần nào nguội khi anh quan sát và nghe những bà vợ và những ông chồng bị xúc phạm phẫn nộ kể tội nhau trước Hội đồng. Trong những vụ mưa kể từ khi Kunta rèn luyện trưởng thành trở về, không có vụ nào được Hội đồng xét xử lại khiến anh cùng bạn bè hồi hộp chờ đợi bằng cái vụ khởi đầu với những bàn tán xì xào về hai gã trong lứa Kafô của họ và hai quả phụ khả ái nhất ở Jufurê. Cuối cùng, đến hôm vấn đề được đưa ra trước Hội đồng, hầu hết dân làng tụ tập từ sớm để chiếm chỗ ngồi tốt nhất. Trước tiên, một số chuyện thông lệ của người già được giải quyết, rồi đến trường hợp của Đembô Đabô và Kiđi Tamba cách đây hơn một vụ mưa đã được ly dị, nhưng nay trở lại trước Hội đồng cười toe toét, nắm tay nhau, xin phép được tái hợp. Anh, ả bỗng thôi cười khi bô trưởng nghiêm khắc bảo: “Trước kia các ngươi đã khăng khăng xin ly dị, vì vậy các ngươi không thể cưới lại – cho đến khi giữa chừng mỗi bên đều có vợ mới và chồng mới”.
 
Tiếng hào hển của những người ngồi đằng sau im bặt khi trống báo tên những kẻ được xét tiếp theo: “Tuđa Tamba và Kalilu Contê! Fanta Bêđeng và Xêfô Kêla!” Hai gã thuộc lứa Kafô của Kunta và hai chị góa đứng dậy. Quả phụ cao lớn hơn, Fanta Bêđeng nói thay cho tất cả, có vẻ như chị ta đã thực tập cẩn thận những gì cần thưa thốt, song chị ta vẫn nơm nớp lo sợ. “Tuđa Tamba xuân xanh đã hai mươi hai vụ mưa và tôi thì ba mươi ba, thật khó có cơ hội lấy chồng nữa”, chị ta nói vậy và xin Hội đồng chấp thuận cho chị được làm bạn ngoại hôn thú, lo bếp núc và chiếu giường cho Xêfô Kêla, cũng như Tuđa Tamba với Kalilu Contê.
 
Các bô lão hỏi cả bốn người mấy câu – hai quả phụ trả lời một cách tự tin, còn hai gã bạn của Kunta thì ngập ngừng, trái hẳn với cung cách mạnh bạo thường lệ của họ. Rồi các bô lão quay lưng lại, thì thầm với nhau. Cuối cùng khi các bô lão quay trở ra, cử tọa nín lặng căng thẳng đến nỗi một củ lạc rơi cũng có thể nghe thấy. Bô trưởng nói: “Chúa Ala chắc cũng chấp thuận! Các ngươi là quả phụ sẽ có đàn ông để mà dùng, còn các ngươi là trai mới trưởng thành sẽ thu được kinh nghiệm quý báu cho việc hôn nhân mai sau”.
 
Vị bô trưởng đập mạnh cây gậy hai lần vào cạnh trống và nhìn trừng trừng vào đám phụ nữ lao xao ở phía sau. Chỉ đến khi họ im lặng, cái tên tiếp theo mới được gọi: “Jankê Jalon!” Cô ả này mới mười lăm vụ mưa, nên được xét cuối cùng. Cả làng Jufurê đã nhảy múa và mở tiệc ăn mừng khi ả thoát khỏi tay một tên tubốp nào đó đã bắt cóc ả, và tìm đường về được đến nhà. Thế rồi, mấy tuần trăng sau, bụng ả chửa phễnh lên, mặc dù chưa chồng, gây ra bao điều bàn ra tán vào. Trẻ và khỏe mạnh, kể ra ả ta vẫn có thể tìm được một người đàn ông lớn tuổi thuận lấy làm vợ bé thứ ba hoặc thứ tư gì đó. Nhưng rồi đứa bé ra đời: da nó trắng bợt kỳ lạ và tóc rất khác thường – và sau đó, hễ Jankê Jalon xuất hiện ở đâu là mọi người đều nhìn xuống đất và vội vã lảng đi chỗ khác. Mắt long lanh lệ, giờ đây cô gái đứng lên và hỏi Hội đồng: cô ta biết làm thế nào đây? Các bô lão không quay lưng lại để bàn bạc; bô trưởng nói Hội đồng sẽ còn phải cân nhắc vấn đề cho đến phiên họp tuần trăng sau vì đây là một vụ thuộc loại nghiêm trọng nhất và khó khăn nhất. Nói rồi, cụ cùng năm bô lão kia đứng dậy ra về.
 
Bối rối và phần nào bất mãn với cái cách kết thúc phiên họp, Kunta ngồi lại một lúc sau khi phần lớn các bạn cung số cử tọa còn lại đã đứng dậy, vừa chuyện trò với nhau vừa trở về lều riêng của mình. Khi Binta mang bữa ăn chiều đến, đâu Kunta vẫn còn đầy những suy nghĩ và trong khi ăn, anh chẳng nói với mẹ lời nào, mà Binta cũng thế. Lát sau, khi cầm lấy giáo và cung tên chạy ra vị trí canh phòng cùng với con chó uôlô – vì đêm nay đến phiên anh gác ngoài làng – Kunta vẫn tiếp tục nghĩ: về đứa bé da bềnh bệch với bộ tóc kỳ quái, về cha nó hẳn còn quái dị hơn nữa và về việc liệu tên tubốp ấy có ăn thịt Jankê Jalon hay không nếu như cô ả không thoát khỏi hắn.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley