Độ này, hầu như sáng nào cũng có những trận mưa rào ngắn, mát mẻ và những lúc tạnh giữa hai đợt, Kunta và các bạn nó thường náo nức lao ra ngoài trời. “Của tao!” “Của tao” chúng nó thường la lên nhận phần khi thấy những cầu vồng xinh đẹp uốn cong tới tận mặt đất, tưởng như không xa lắm. Nhưng những trận mưa rào cũng kéo theo hàng đàn côn trùng có cánh, đốt và cắn nhoi nhói khiến cho đám trẻ chẳng mấy chốc đã phải rút vào trong nhà. Rồi, bất thình lình, một đêm khuya, những trận mưa lớn bắt đầu, và mọi người náu trong những túp lều lạnh giá của mình, nghe nước xối rầm rầm trên mái rạ, nhìn chớp lóe và dỗ con nhỏ khi tiếng sấm khủng khiếp ầm ì trong đêm. Giữa những đợt mưa bất thần, chỉ nghe thấy tiếng chó rừng kêu, tiếng linh cẩu gào và tiếng ếch nhái ồm ộp. Đêm sau, rồi đêm sau nữa và đêm sau nữa, lại mưa – mà chỉ mưa về đêm – ngập tràn những cánh đồng thấp ở gần sông, biến ruộng thành đầm lầy và cả làng thành một vũng bùn. Tuy vậy, mỗi sáng, trước lúc điểm tâm, tất cả nông dân vẫn lội bùn tới ngôi nhà thờ nhỏ của làng Jufurê để xin Chúa Ala cho mưa thêm nữa, vì cuộc sống tùy thuộc vào việc có đủ nước thấm sâu vào lòng đất trước khi nắng nực có thể làm khô héo mùa màng nếu rễ không hút đủ nước để sống. Trong túp lều trẻ ẩm ướt, những cành củi nỏ cùng những nắm phân súc vật khô cháy lom rom trong hõm lò nông toèn trên sàn đất, soi sáng lờ mờ và không đủ sưởi ấm, già Nyô Bôtô kể cho Kunta và những đứa khác về các thời kỳ ghê sợ khi mà những trận mưa lớn không đủ. Bất kỳ xẩy ra sự gì xấu đến đâu chăng nữa, già Nyô Bôtô cũng vẫn nhớ ra được thời kỳ khác mà tình hình còn tệ hại hơn thế. Sau hai ngày mưa lớn – bà kể với bọn trẻ là đến những ngày nắng thiêu đốt. Mặc dầu mọi người cầu nguyện Chúa Ala rất khẩn thiết, nhảy hoài điệu nhảy mưa do tổ tiên truyền lại và mỗi ngày tế hai con dê, một con bò mộng, tất cả những gì mọc trên mặt đất vẫn bắt đầu héo hắt và chết. Cả những vùng nước trong rừng cũng khô cạn, già Nyô Bôtô kể, và thoạt tiên là chim rừng, rồi đến thú rừng, ốm lử vì khát, bắt đầu xuất hiện ở giếng làng. Đêm đêm, trên bầu trời trong như pha-lê, hàng ngàn vì sao sáng lấp lánh, một ngọn gió lạnh thổi và ngày càng có nhiều người ốm. Rõ ràng, ma quỷ hoành hành ở Jufurê. Những người còn khỏe tiếp tục cầu nguyện và nhảy múa, rồi sau hết, con dê cuối cùng và con bò cuối cùng được đem tế nốt, cứ như là Chúa Ala đã quay lưng lại không đoái hoài đến làng Jufurê nữa vậy. Một số – gồm những người già, yếu và bị bệnh – bắt đầu lăn ra chết. Những người khác bỏ đi, tìm một làng khác để cầu xin một người nào đó có lương thực nhận mình làm nô lệ, cốt được chút gì vào bụng, còn những người ở lại thì đâm mất tinh thần, nằm bẹp trong lều. Chính lúc đó, già Nyô Bôtô kể, Chúa Ala đã xui khiến bước chân của thầy tu Kairaba Kunta Kintê rẽ vào làng Jufurê đang sắp chết đói. Thấy cảnh dân làng như vậy, người bèn quỳ xuống và cầu Chúa Ala suốt năm ngày sau, hầu như không ngủ và chỉ thỉnh thoảng nhấp vài ngụm nước cầm hơi. Và đến tối ngày thứ năm, một trận mưa lớn kéo đến, trút xuống như cơn lũ và cứu sống làng Jufurê. Khi bà kể xong, những đứa trẻ khác kính phục nhìn Kunta, thằng bé mang tên người ông lỗi lạc, chồng của bà nội Yaixa. Ngay cả trước đó, Kunta cũng đã thấy bố mẹ những đứa kia đối xử với bà nội Yaixa như thế nào, và nó đã mang máng cảm thấy bà là một phụ nữ quan trọng khác nào già Nyô Bôtô chắc chắn cũng là người như vậy. Những trận mưa lớn tiếp tục đổ xuống từng đêm cho đến khi Kunta cùng những đứa trẻ khác bắt đầu thấy những người lớn lội qua làng, bùn ngập đến mắt cá chân, có khi đến gần đầu gối và thậm chí phải dùng xuồng để đi lại. Kunta nghe thấy Binta bảo Ômôrô là các ruộng lúa bị nước sông lên cao làm ngập. Vừa đói vừa rét, những ông bố của đám trẻ hầu như ngày nào cũng đem dê, bò quý tế Chúa Ala, lợp vá víu những mái dột, chống lại những lều bị xụt – và cầu cho số dự trữ lúa và kê đang vơi dần có thể đậu đến vụ gặt. Nhưng Kunta và những đứa khác, vốn còn là con nít không chú ý đến những cơn đói cồn cào trong bụng mà chỉ mải chơi đùa trong bùn, vật nhau và trượt trên cái đít trần của chúng. Tuy nhiên, trong nỗi mong ngóng được thấy lại mặt trời, chúng thường huơ tay lên phía bầu trời xám xịt màu chì và gào lên – như chúng vẫn thấy bố mẹ làm thế – “Mặt trời ơi, hãy chiếu sáng, tôi sẽ xin tạ người một con dê!”. Đợt mưa mang lại nguồn sống đã làm cho mọi thứ gì mọc được lớn được, đều trở nên tươi mát và sum suê. Chim hót khắp mọi nơi. Cây cối nở rộ hoa thơm lừng. Mỗi buổi sáng, lớp bùn nâu đo đỏ dính bết dưới chân, lai được phủ một tấm thảm mới bằng những cánh hoa rực rỡ màu sác và những lá xanh do trận mưa đêm trước làm rụng xuống. Nhưng giữa tất cả sự tốt tươi đó của thiên nhiên, bệnh tật vẫn cứ lan tràn đều trong dân làng Jufurê, vì trong số những cây trồng đang lớn lên mây mẩy, vẫn chưa có loại nào đủ chín để ăn được. Người lớn cũng như trẻ con thường giương con mắt đói nhìn hàng ngàn trái xoài và bao báp mầm mẫm trĩu nặng trên cành, những quả xanh rắn như đá, ai cắn vào đều nôn nao khó chịu và mửa liền. “Chỉ còn da bọc xương”, mỗi lần thấy Kunta, bà nội Yaixa đều tặc lưỡi rất to mà kêu lên như thế. Nhưng thực ra bà nội của Kunta cũng gầy rộc chẳng khác nó mấy; bởi vì kho của mọi nhà ở Jufurê giờ đây đều rỗng tuếch. Còn lại chút ít gia súc, dê, gà trong làng, chưa ăn đến hoặc chưa đem tế, thì phải giữ cho chúng sống, nuôi chúng, để sang năm có một lứa con mới. Thành thử dân làng bắt đầu ăn đến các loài gặm nhấm, rễ và lá cây, bòn mót được trong làng và xung quanh làng trong những cuộc lùng sục kéo dài từ rạng đông cho đến khi lặn mặt trời. Cánh đàn ông có vào rừng săn thú như vẫn thường làm vào những thời gian khác trong năm, cũng không đủ sức lôi chúng về làng. Tục lệ kiêng kỵ của bộ tộc cấm người Manđinka không được ăn thịt khỉ lớn khỉ con đầy rẫy trong rừng, họ cũng không được đụng đến đám trứng gà để la liệt hoặc hàng triệu cóc nhái mà người Mandinka coi là độc. Và, vốn là những người Hồi giáo sùng đạo, họ thà chết chứ không ăn thịt những con lợn rừng thường hay kéo từng bầy xộc thẳng qua làng dũi đất tìm bới. Hàng đời nay, những gia đình sếu vẫn làm tổ ở những cành cao nhất của cây gạo trong làng, và khi trứng nở, sếu lớn bay qua bay lại như con thoi, mang cá bắt được ở ven sông về nuôi con. Rình đúng lúc, các bà già và trẻ con thường đổ xô đến dưới vòm cây, la hú, ném những gậy nhỏ và đá lên tổ sếu. Và thường thường, trong cơn ồn ào và loạn xị ấy, một con sếu non há hốc miệng để rơi cá, rồi con cá lọt khỏi tổ, qua đám lá dày của cây cao, rớt xuống đất. Bọn trẻ liền tranh nhau cướp lấy miếng bở ấy, và gia đình một đứa nào đó sẽ được một bữa tiệc tối. Nếu một hòn đá nào do bọn trẻ ném lên, tình cờ lại trúng vào một con sếu non vụng về, lông chơm chởm, có khi nó ngã nhào luôn cùng với con cá từ trên tổ cao chót vót, rập mình xuống đất chết hoặc bị thương, thế là đêm ấy, một vài gia đình có cháo sếu ăn. Nhưng những bữa như vậy thật hiếm hoi. Chiều tối, mỗi gia đình thường tụ tập ở lều, mỗi người mang về bất cứ cái gì đã kiếm được – có khi là cả một con chuột chũi hay một nắm ấu trùng to, nếu họ may mắn – để nấu nồi cháo đêm, rắc thật nhiều hạt tiêu và ớt cho nổi vị. Nhưng thức ăn đó chỉ làm đầy bụng chứ không bổ béo gì. Và cứ như thế, dân làng Jufurê bắt đầu chết dần chết mòn.