Dịch giả: Dương Tường
Chương 52

Bây giờ, gần như ngày nào cũng vậy, làm việc xong, Kunta trở về lều và sau khi cầu kinh chiều, lại cào một ô vuông nhỏ trên nền đất, lấy một cái que viết những chữ Arập trên đó rồi ngồi nhìn những chữ vừa viết hồi lâu, nhiều khi đến tận bữa ăn tối. Đoạn anh xóa hết đi và thế là đến lúc tới ngồi lẫn vào đám người nghe bác vĩ cầm nói chuyện. Cách nào đó, những phút cầu nguyện và học ôn ấy khiến anh yên tâm trà trộn với họ. Anh có cảm giác là làm thế, anh có thể vẫn nguyên là mình mà không phải vẫn nguyên một mình. Dù sao, nếu ở bên Châu Phi, cũng phải có người nào đó như kiểu bác vĩ cầm làm chỗ lui tới, duy có điều, đó thường là một nhạc sĩ lang thang, hay một vị graiốt đi từ làng này sang làng kia, vừa hát vừa chơi đàn kora hay đàn balafô xen giữa những câu chuyện say mê rút ra từ những cuộc phiêu lưu của người ấy.
 
Theo đúng như cách làm hồi còn ở Châu Phi, Kunta đã bắt đầu tính ngày tháng trôi qua bằng cách cứ đến buổi sáng sau mỗi tuần trăng mới lại bỏ một hòn sỏi nhỏ vào một cái vỏ bầu. Trước hết anh bỏ vào vỏ bầu 12 hòn sỏi tròn nhiều màu, đánh dấu 12 tuần trăng mà anh ước đoán mình đã qua tại cái trại tubốp đầu tiên, rồi thêm sáu hòn nữa, tượng trưng thời gian ở đây, tại cái trại mới này; đoạn anh đếm thật kỹ 204 hòn đánh dấu 17 vụ mưa mà anh đã sống cho tới khi bị bắt đi khỏi Jufurê và bỏ cả vào vỏ bầu. Cộng tất cả lại, anh ước tính mình hiện đang giữa tuổi mười chín.
 
Vậy, tuy tự cảm thấy mình già, anh vẫn là một thanh niên. Liệu rồi anh có phải sống nốt cuộc đời còn lại như ông lão làm vườn, gương mặt nhìn niềm hy vọng và tự hào trôi tuột đi cùng với năm tháng, cho đến khi chẳng còn gì làm lẽ sống và rốt cuộc là hết đời? Ý nghĩ đó làm anh tràn đầy sợ hãi – và quyết tâm không chịu kết thúc theo cách của ông già, quanh quẩn với mảnh vườn, lập cà lập cập, phân vân không biết nên đặt chân nào trước, chân nào sau. Ông già tội nghiệp thường mệt phờ khá lâu trước bữa ăn trưa và suốt buổi chiều, ông chỉ có thể giả đò làm việc, thành thử Kunta phải ghé vai gánh vác gần hết.
 
Sáng sáng, trong khi Kunta lom khom cúi trên các luống đất trong vườn, Bel xách giỏ tới – Kunta đã biết chị làm công việc nấu bếp trong ngôi nhà lớn – hái những thứ rau chị định làm cho ông chủ ăn hôm ấy. Nhưng suốt thời gian ở đó, chị ta chẳng bao giờ buồn nhìn Kunta lấy một cái, kể cả lúc đi qua ngay trước mặt anh. Điều đó làm anh bối rối và bực dọc, anh nhớ chị đã săn sóc anh hằng ngày như thế nào, hồi anh nằm chống chọi để sống sót, hoặc đã gật đầu với anh như thế nào những buổi tối ở nhà bác vĩ cầm. Anh bèn nhất định ghét Bel, cả quyết rằng lý do duy nhất khiến chị chăm nom anh hồi ấy là vì ông chủ đã sai chị làm thế. Kunta ước gì mình có thể nghe ý kiến bác vĩ cầm về chuyện này, song anh biết vốn từ ngữ hạn chế của mình không cho phép diễn đạt chính xác – chưa kể ngay đến việc đặt câu hỏi cũng đã quá là rắc rối.
 
Sau đó không lâu, một buổi sáng, ông lão không đến vườn và Kunta đoán là ông bị ốm. Mấy ngày vừa qua, ông còn yếu hơn cả mọi khi. Đáng lẽ đi ngay đến lều ông cụ, xem thực hư ra sao, thì Kunta lại bắt tay thẳng vào việc tưới nước, rãy cỏ, vì anh biết Bel có thể đến bất cứ lúc nào và anh cho rằng khi chị tới, chả có ai ở đây thì cũng không tiện.
 
Mấy phút sau, chị xuất hiện và vẫn không nhìn Kunta, bắt tay vào hái rau bỏ đầy rổ trong khi Kunta cầm cuốc đứng quan sát chị. Rồi khi ra về, Bel lưỡng lự, nhìn quanh, đặt rổ xuống đất và – với một cái nhìn nhanh, nghiêm nghị về phía Kunta – cất bước đi. Sự nhắn nhe của chị thật rõ ràng; anh phải mang rổ rau đến cửa sau ngôi nhà lớn, như ông già vẫn làm thế. Kunta gần như phát khùng, trong óc vụt lóe lên hình ảnh hàng chục phụ nữ Jufurê sắp hàng dọc, đầu đội những bọc nặng đi qua cây bantaba, nơi cánh đồng đàn ông Jufurê vẫn hay đến nghỉ ngơi. Dận mạnh chiếc cuốc xuống, anh đang định nện gót dằn dỗi bỏ đi thì bỗng nhớ ra là Bel rất thân cận với ông chủ. Anh cắn răng cúi xuống, vớ lấy chiếc rổ và lặng lẽ theo Bel. Đến cửa, chị quay lại cầm lấy rổ, như thể không hề trông thấy anh. Anh quay về vườn, giận sôi lên.
 
Từ hôm ấy trở đi, Kunta ít nhiều trở thành người làm vườn chính thúc. Ông già ốm nặng, họa hoằn lắm mới đến khi nào ông đủ sức để bước. Những lần ấy, ông làm chút việc vặt vãnh gì đó trong khoảng khắc ông cảm thấy có thể cầm chừng được, nghĩa là không lâu, rồi ông lại ngật ngưỡng về lều. Ông cụ làm Kunta nhớ đến những người già ở Jufurê xấu hổ vì sự yếu đuối của mình, vẫn tiếp tục trệu trạo đi quanh cất nhắc tay chân, mó máy việc này việc nọ cho đến lúc buộc phải rút lui về ổ nằm và cuối cùng, họa hoằn lắm mới thấy ló mặt ra ngoài.
 
Cái nhiệm vụ mới duy nhất mà Kunta ghét thật sự là phải mang cái rổ đó cho Bel hàng ngày. Miệng lẩm bẩm không thành tiếng, anh đi theo chị ta đến cửa, ấn nó vào tay chị tới mức thô bạo nhất mà anh dám, rồi quay gót đi thật nhanh, trở về làm việc. Tuy nhiên, dù ghét chị đến mấy, anh vẫn nhỏ nước miếng khi những mùi khêu gợi của những thức do Bel nấu nướng, thỉnh thoảng theo gió tạt ra ngoài vườn.
Hòn sỏi thứ hai mươi hai đã được bỏ vào trong cái vỏ bầu lịch thì một buổi sáng, bề ngoài không lộ một dấu hiệu thay đổi nào, Bel vẫy anh vào trong nhà. Sau một lúc lưỡng lự, anh theo chị bước vào và đặt cái rổ lên một cái bàn ở đó. Cố gắng không tỏ vẻ ngỡ ngàng trước những vật kỳ lạ anh thấy ở khắp chỗ quanh mình trong căn phòng này mà họ gọi là “nhà bếp”, anh đang quay người định đi thì chị khẽ chạm vào cánh tay anh và đưa một khúc bánh ở giữa có kẹp một miếng gì đó như là thịt bò nguội. Thấy anh tròn mắt nhìn bối rối, chị nói: “Trước nay anh chưa trông thấy một cái bánh xăngđuých bao giờ nhỉ? Nó không cắn anh đâu. Mà anh phải cắn nó đấy. Thôi ra khỏi đây đi”.
Thời gian tiếp tục qua, Bel bắt đầu cho anh nhiều đến mức một tay mang không xuể – thường thường là một đĩa sắt tây chất đầy cái thứ gọi là “bánh trứng ngô”, một loại bánh trước đây anh chưa thưởng thức bao giờ, cùng với rau mù-tạc tươi nấu bằng nước hàng tuyệt diệu của chính thứ rau này. Chính anh đã gieo những hạt mù-tạc bé tí tẹo – trên đất vườn trộn với chất bùn đen màu mỡ đào ở bãi chăn bò – và những ngọn rau mơn mởn đã mau chóng nhú lên xanh um. Anh cũng thích không kém cái cách chị nấu những quả đậu dại thon dài mọc trên những dây leo quấn quanh những thân ngô ngọt ngào. Chị không bao giờ cho anh một miếng gì rành rành là thịt lợn, tuy anh không dám chắc làm sao chị lại biết điều đó. Nhưng bất kể chị cho anh món gì, bao giờ anh cũng lấy giẻ lau cái đĩa thật kỹ càng trước khi trả lại. Anh thường hay thấy chị đứng trước “lò” – một cái vật bằng sắt đựng lửa – nhưng đôi khi chị quỳ xệp hai đầu gối cọ sàn bếp bằng một cái bàn chải cứng và tro gỗ sồi. Mặc dầu đôi lúc muốn nói với chị một câu gì đó, anh không bao giờ tập hợp được đủ chữ để phát biểu sự đánh giá của mình đạt hơn là một tiếng ầm ừ – và giờ đây, chị cũng thường đáp lại như thế.
 
Một ngày chủ nhật, sau bữa tối, Kunta đã đứng dậy duỗi chân vươn vai và đang đi quanh lều bác vĩ cầm, uể oải vỗ vỗ vào bụng, thì bác da nâu này chợt ngắt quãng cuộc độc thoại kéo rền suốt bữa ăn mà kêu lên: “Nè, mầy bắt đầu đẫy ra rồi đấy!” Bác nói đúng. Từ khi rời Jufurê, chưa bao giờ Kunta nom – hoặc cảm thấy – khá hơn hồi này.
 
Sau nhiều tháng không ngừng tập đan để luyện ngón, bác vĩ cầm cũng cảm thấy khá hơn so với thời gian dài trước đây kể từ khi bác bị gẫy tay – và các buổi tối, bác đã bắt đầu chơi đàn lại. Cầm cái vật kỳ dị trong bàn tay khum khum và ép dưới cằm, bác vĩ cầm gại vào những sợi dây bằng chiếc que – hình như làm bằng những sợi tóc dài, nhỏ –  và đám thính giả thường lệ ban đêm, cứ hết một bài, lại reo hò và vỗ tay ran. “Chả ra sao cả!” bác thường ngán ngẩm nói. “Ngón tay còn chưa dẻo”.
Về sau, khi chỉ còn hai người với nhau, Kunta ngập ngừng hỏi: “Dẻo là gì?” Bác vĩ cầm gập ra gập vào và ngọ nguậy các ngón tay: “Dẻo! Dẻo. Hiểu chưa?” Kunta gật đầu.
“Mầy là một thằng nhỏ may mắn, mầy là thế đó”, bác vĩ cầm nói tiếp. “Hàng ngày chỉ quanh quẩn làm vặt vãnh ở cái vườn í. Chả mí ai vớ được một công việc nhẹ nhàng như thế trừ ở những cái đồn điền lớn gấp bội cái này”.
Kunta nghĩ rằng mình hiểu và anh không thích câu nói đó. “Làm việc nặng”, anh nói. Và gật đầu với bác vĩ cầm đang ngồi trên chiếc ghế tựa, anh nói thêm: “nặng hơn thế này”.
Bác vĩ cầm nhe răng cười: “Mầy nói đúng, thằng người Phi!”.
 

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley