Dịch giả: Dương Tường
Chương 63

Từ lâu trước khi gặp bác nhạc công người Gana, Kunta đã nhiều lần có một cảm giác trống tuênh trống toang bất kỳ lúc nào anh nghĩ về cái điều là nếu còn ở Jufurê thì giờ đây, anh hẳn đã có ba, bốn thằng con trai – cùng với người vợ đã đẻ chúng ra. Cái nguyên nhân thông thường khuấy lên những suy nghĩ đó là, vào khoảng mỗi tuần trăng một lần, Kunta lại thấy một giấc mơ mà bao giờ anh cũng choàng thức giấc đột ngột trong đêm tối, hết sức bối rối về cái chất dính nháp nong nóng vừa phọt ra từ fôtô anh vẫn còn cứng đơ. Sau đó nằm thao thức, anh ngẫm ngợi hoài, nghĩ về một người vợ thì ít mà chủ yếu về một điều anh biết là hiếm thấy một xóm nô nào mà ở đó một đôi nam nữ thương nhau không bắt đầu đơn giản bằng cách chung sống luôn với nhau trong căn lều nào tốt hơn.
Có nhiều lý do khiến Kunta không muốn nghĩ đến cái mục đôi vợ chồng phải nhảy qua cán chổi 28  một tục lệ mê tín trong các đám cưới), trước chuyện lấy vợ. Một là, chuyện đó hình như lại bao gồm mặt các người làm chứng ở xóm nô, điều mà Kunta thấy lố bịch đối với một dịp long trọng như vậy. Trong một số trường hợp được nghe kể lại, có những gia nhân sủng ái được đưa đến trước một nhà truyền giáo da trắng nào đó, nhắc đi nhắc lại những lời thề nguyền, với sự chứng kiến của me-xừ và bà đầm, nhưng đấy là một nghi thức vô đạo. Nếu muốn cưới ai theo bất cứ cách nào gọi là nghe tạm được, đối với một người Manđinka thì tuổi thích đáng của cô dâu phải là từ mười bốn đến mười sáu vụ mưa, còn chú rể thì khoảng ba mươi. Và trong những năm anh ở trên đất người da trắng, Kunta chưa hề thấy một nữ da đen nào từ mười bốn đến mười sáu tuổi – hoặc thậm chí từ hai mươi đến hai lăm – mà anh không coi là vừa đần độn ngu si vừa hay cười đú đởn vô lối; đặc biệt vào những ngày chủ nhật hay trong những dịp hội hè, các cô ả lại đánh phấn bôi môi khiến anh thấy càng giống đám người nhảy tang ma ở Jufurê thường trát tro đầy người.
Còn như đám phụ nữ từ hai mươi đổ lên mà Kunta đã đi đến chỗ quen biết, phần đông đều là đầu bếp ở các đại sảnh đường, nơi anh thường đánh xe cho me-xừ Uolơ tới, chẳng hạn như Liza ở Enfin. Thực tế, trong tất cả bọn họ, Liza là người duy nhất mà anh muốn gặp. Chị ta không có bạn và với Kunta, chị đã để lộ những dấu hiệu tỏ rõ nỗi mong muốn – nếu không phải là khao khát bồi hồi – được gắn bó chặt chẽ hơn nhiều, nhưng anh chưa bao giờ đáp lại, mặc dầu vẫn thầm nghĩ tới điều đó. Hẳn anh sẽ xấu hổ đến chết nếu như, cách nào đó, chị có thể ngờ ngợ đoán, dù chỉ hơi mang máng, rằng chính vì mơ thấy chị mà hơn một lần, anh tỉnhdậy với cái chất dinh dính kia.
Giả dụ - ấy là nói giả dụ thôi – anh lấy Liza làm vợ, Kunta nghĩ. Thế có nghĩa là, giống như bao cặp vợ chồng khác, họ sẽ phải sống riêng rẽ, mỗi người ở đồn điền của ông chủ mình. Thường thường, chiều thứ bảy, người đàn ông được cấp giấy thông hành để đi thăm vợ, chừng nào anh ta nhất nhất trung thành trở về trước buổi tối chủ nhật để nghỉ ngơi sau cuộc hành trình thường thường là xa, trước khi trở lại làm việc vào sáng sớm thứ hai. Kunta tự bảo là anh không muốn có vợ không sống cùng một chỗ với mình. Và anh tự nhủ vấn đề thế là giải quyết xong.
Song tâm trí anh, tựa hồ như tự động, vẫn tiếp tục nghĩ về chuyện đó. Do tính tình Liza bẻo lẻo nói luôn miệng, át hết tất cả, mà anh thì lại thích có nhiều thì giờ được yên tĩnh một mình, cho nên việc họ chỉ được gặp nhau vào cuối tuần có lẽ lại là một điều hay. Và nếu anh lấy Liza thì không lẽ nào họ lại phải sống như bao cặp vợ chồng da đen khác luôn luôn sợ một trong hai người, hoặc cả hai, có thể bị đem bán, vì xem ra me-xừ rất hài lòng về anh, còn Liza thuộc sở hữu của cha mẹ me-xừ, rõ ràng họ cũng quý chị. Với quan hệ gia đình như thế, chắc không thể nào xảy ra cái kiểu va chạm đôi khi kéo giằng hai ông chủ vào cuộc, thậm chí đôi khi khiến một hoặc cả hai me-xừ đi đến chỗ cấm cuộc hôn nhân nữa.
Mặt khác, Kunta nghĩ…anh cứ lật đi lật lại hoài trong đầu vấn đề này. Nhưng dù anh có nghĩ ra bao nhiêu lý do hoàn toàn vững để lấy Liza, vẫn có một cái gì ngăn lại. Rồi một đêm, trong khi nằm trên giường cố ngủ đi, điều đó bật ra trong trí anh như một tiếng sét! – có một người đàn bà khác mà anh có thể cân nhắc.
Bel.
Anh nghĩ có dễ mình điên chăng. Chị ta gần gấp ba cái tuổi thông thường – có lẽ đến ngoài bốn mươi vụ mưa. Nghĩ gì mà khó nghe vậy.
Bel.
Anh cố hất chị ra khỏi tâm trí. Chị đã lọt vào đó chỉ vì anh đã biết chị quá lâu, anh tự nhủ vậy. Thậm chí, anh chẳng bao giờ nằm mơ thấy chị. Anh hằm hằm nhớ lại cả loạt những sỉ nhục và bực bội chị ta đã gây ra cho anh. Anh nhớ lại chị ta vẫn có cái thói gần như là xập cửa vào mặt anh như thế nào mỗi khi anh mang rổ rau đến bếp cho chị. Rõ nét hơn nữa, anh nhớ lại cái thái độ phẫn nộ của chị khi anh bảo nom chị giống người Manđinka; chị ta là một kẻ vô đạo. Hơn nữa, nói chung, chị ta hay lý sự và lên mặt bà chủ. Và chị ta lắm mồm quá.
Nhưng anh không thể không nhớ lại hồi anh nằm liệt chỉ muốn chết, hằng ngày chị đã đến thăm anh năm, sáu bận như thế nào, chị đã chăm sóc nuôi nấng anh như thế nào, thậm chí lau sạch cứt đái anh bậy lên chính người anh, và mớ thuốc lá của chị đã chữa cho anh dứt cơn sốt như thế nào. Chị lại có sức vóc và khoẻ mạnh. Và chị biết nấu vô số thứ ngon lành trong những nồi niêu xoong chảo đen xì.
Càng thấy chị khá hơn, anh lại càng cục cằn với chị bất cứ khi nào anh phải đến nhà bếp và càng muốn bỏ đi cho mau, khi đã nói để chị rõ mình đến để làm gì. Chị đăm đăm nhìn anh rút lui, thậm chí còn lạnh lùng hơn trước.
Một hôm, sau một lát trò chuyện với ông lão làm vườn và bác vĩ cầm và rất từ từ lái câu chuyện xoay xung quanh Bel, Kunta cảm thấy mình đã lấy đúng cái sắc điệu thản nhiên vừa phải khi anh nói: “Chị ta ở đâu trước khi đến đây nhỉ?” Nhưng tim anh thót lại khi hai người kia lập tức ngồi thẳng lên và nhìn vào anh, cảm thấy có cái gì thoảng trong không.
“À”, sau một phút, ông lão làm vườn nói, “não nhớ nà nó đến đây tước cháu độ hai năm. Dưng nó chả bao giờ nói gì nhìu về mình. Thành thử não cũng chả biết gì nhìu hơn cháu”.
Bác vĩ cầm nói Bel cũng chẳng kể với bác về quá khứ của chị bao giờ.
Kunta không sao xác định thật đúng ở vẻ mặt của họ có cái gì khiến anh bực mình. À phải, anh thấy ra rồi: đó là cái lối dương dương tự đắc.
Bác vĩ cầm gãi gãi tai phải. “Thật cũng ngộ là mầy hỏi về Bel vào lúc nầy”, bác vừa nói vừa hất đầu về phía cụ làm vườn, “bỉ chưng tau mí cụ í cũng vừa bàn về cả hai đứa mầy cách đây không lâu”. Bác thận trọng nhìn Kunta.
“Bọn não vừa nói xem ra hai cháu đứa nọ cần có đứa kia đấy”, cụ làm vườn nói.
Phật ý, Kunta ngồi há hốc mồm, nhưng không thốt ra được tiếng nào.
Vẫn gãi tai, bác vĩ cầm coi bộ đến là ma mãnh. “Ầu, cái mồng nó to tướng, phần đông các anh lền ông không đủ sức xài”
Kunta cáu tiết mở miệng nói, nhưng ông lão làm vườn cắt ngang, và hỏi độp một cái: “Này chứ, đã bao nhiêu nâu cháu chưa đụng đến nền bà?”
Kunta nhìn gườm gườm. “Chí ít cũng hai mươi năm!” bác vĩ cầm kêu lên.
“Trời, lạy Chúa!” ông lão gác vườn nói. “Tốt hơn nà cháu hãy kiếm nấy một món kẻo rồi héo khô mất đấy!”
“Nó đỏ rừ mặt lên kìa”, bác vĩ cầm châm vào. Không đủ sức nói nên lời nhưng vẫn đủ sức tự kiềm chế một lúc nữa, Kunta bật dậy và giậm chân sầm sầm đi ra. “Mầy đừng có lo!” bác vĩ cầm với theo. “Rồi mầy sẽ không héo mãi được với cái con í đâu!”.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley