Dịch giả: Dương Tường
Chương 66

Mặc dầu đã trở nên gắn bó khăng khít từ khi cùng nhau “nhảy qua cán chổi”, có những lúc Kunta vẫn cảm thấy như Bel còn chưa tin mình hoàn toàn. Đôi khi, đang nói chuyện với anh ở trong bếp hoặc trong căn lều, sắp sửa định thốt ra điều gì, đột nhiên chị lại chuyển phắt sang một đầu đề khác, làm dâng lên trong Kunta một cơn giận dữ mà chỉ do tự tôn, anh mới che dấu nổi. Và hơn một lần, có những điều chỉ có thể lượm được qua lỗ khóa cửa buồng ông chủ, mà anh phải nghe lại từ miệng bác vĩ cầm hoặc ông lão làm vườn. Chỉ kể lại những chuyện gì với họ, cái đó đối với anh không quan trọng; song điều làm anh tổn thương là chị không kể với anh, là chị giữ bí mật với chính chồng mình. Điều xúc phạm anh hơn nữa, là anh bao giờ cũng cởi mở chia sẻ với chị, với bọn họ những tin tức mà nếu anh không nói, có thể họ sẽ chẳng bao giờ hoặc chí ít cũng còn lâu mới biết được. Kunta bắt đầu lờ đi hàng tuần lễ không thèm nói cả với Bel về bất cứ chuyện gì anh đã nghe lỏm được ở trên tỉnh. Cuối cùng, khi chị nói gì đó với anh xung quanh chuyện ấy, anh bèn bảo là tình hình gần đây, theo anh đoán có vẻ yên tĩnh và có lẽ cũng chỉ vậy thôi vì tin tức xem chừng chẳng có gì hay ho. Nhưng lần sau ở tỉnh về, anh đồ chừng chị đã rút ra bài học, và anh kể với chị rằng anh nghe lỏm thấy mexừ nói với một người bạn là ông ta vừa đọc thấy một bác sĩ da trắng tên là Benjamin gần đây có viết rằng khi người da đen giúp việc lâu năm của ông, một nô lệ tên gọi Jêm Đơhơm, học ông nghề thuốc đến trình độ mà ông cảm thấy ngang tầm hiểu biết của chính mình, ông đã cho anh ta được tự do.
“Có phải cái anh chàng đã trở thành đốc-tờ và đâm ra nổi tiếng hơn cả người dạy mình không?” Bel hỏi.
“Làm sao mà mình biết chuyện í? Mexừ bỉu chính ổng cũng vừa mới đọc thôi và chưa có ai ở đây được nghe ổng nói chuyện í cả”. Kunta nói, vừa bực mình vừa băn khoăn không hiểu.
“À, tui có cách của tui”, Bel trả lời, vẻ bí hiểm và chuyển sang chuyện khác.
 
Về phần Kunta, anh quyết định đây là lần cuối cùng chị được anh thông tin và trong khoảng một tuần sau, anh không nói thêm một lời nào về chuyện ấy, hoặc hầu như chẳng nói chuyện gì nữa. Cuối cùng, Bel hiểu ý, và sau một bữa ăn ngon lành dưới ánh nến, trong căn lều, một tối chủ nhật, chị đặt tay lên vai anh và bình thản nói: “Tui có điều mang nặng trong lòng, muốn nói với mình”. Đi vào buồng ngủ, lát sau chị quay ra với một số trong tập báo Vơjinia mà Kunta biết chị lưu thành chồng dưới gầm giường. Anh vẫn đồ rằng chị chỉ thích lật giở trang này qua trang khác, như anh biết nhiều người da đen vẫn làm thế, cũng như cái đám người da trắng nghèo những ngày thứ bảy thường đi dạo quanh tỉnh lỵ, giả bộ mở những tờ báo trước mặt, mặc dù Kunta cùng mọi người khác đều biết rất rõ rằng họ chẳng đọc lấy được một chữ. Nhưng giờ đây, cách nào đó, trong khi nhìn thấy vẻ bí hiểm trên mặt Bel, anh ngạc nhiên linh cảm thấy chị sắp nói gì.
“Tui có đọc được tí chút”. Bel ngập ngừng nói. “Nếu mexừ biết thế, ổng sẽ bán tui đi trước khi mặt trời kịp mọc sáng mai”.
Kunta không đáp lại gì cả, vì anh biết là Bel sẽ nói về bản thân mình nhiều hơn là nếu anh lục vấn chị. “Tui đã biết dăm ba chữ từ khi còn nhỏ”, chị nói tiếp. “Chả là bọn con ông chủ cũ dạo trước nó dạy tui mà. Bọn nó thích chơi trò thầy giáo, bởi vì chúng nó đang đi học, còn ông chủ bà chủ thì chả buồn để ý đến chuyện í làm gì, bởi cái nhẽ người da trắng vẫn tự nhủ rằng bọn nhọ đần độn không thể học được gì hết”.
 
Kunta nghĩ đến ông lão da đen anh thường xuyên gặp ở tòa án tỉnh Xpotxylvanya: ông cụ quét tước ở đấy đã hàng bao năm trời, mà không một ai trong đám da trắng mảy may ngờ rằng ông đã bắt chước các mẫu chữ viết trên những giấy tờ họ vứt bừa bãi quanh đó, cho đến khi đủ khéo để làm những giấy thông hành với chữ ký giả mạo đem bán cho cánh da đen.
 
Dõi mắt chăm chú nhìn theo đầu ngón tay trỏ đưa đi đưa lại trên trang đầu số báo, cuối cùng Bel nói: “Đây là tin Viện Dân biểu lại họp”. Chị nghiên cứu những hàng chữ in thật kỹ càng. “Đã thông qua một luật mới về thuế”. Kunta cứ là ngớ người ra, Bel chuyền xuống một chỗ ở mé dưới trang báo. “Ngay đoạn này, cũng có nói thêm về việc nước Anh đã gởi một số nhọ bên ấy về Châu Phi”. Bel ngước mắt nhìn Kunta. “Mình có muốn tui nhặt thêm những điều họ nói về chuyện í không?” Kunta gật đầu. Bel phải mất mấy phút khoa khoa ngón tay, trong khi đôi môi lặng lẽ chắp chữ, chắp lời. Rồi chị lại nói: “Ờ, tui chưa dám chắc hoàn toàn, nhưng mà bốn trăm nhọ đã được gửi tới nơi nào đó, hình như gọi là Xiera Lêon, trên vùng đất đai mà nước Anh đã mua của một ông vua ở đấy, và mỗi nhọ được cấp ít đất riêng cùng với chút tiền trợ cấp”.
 
Khi việc ráng sức đọc chừng như đã làm cho chị mệt, Bel bèn giở các trang bên trong, lần lượt chỉ cho Kunta thấy những hình nho nhỏ giống hệt nhau: người ta có thể nhận ra đó là những người mang những bọc ở đầu gậy vác trên vai; đặt ngón tay lên cụm chữ in dưới một trong những hình vẽ đó, chị nói: “cái mục này chuyên tả những nhọ chạy trốn – như là cái hồi mình bỏ trốn, cũng có một tin về mình đấy. Nói rành mạch, những là kẻ chạy trốn da màu gì, mặt, mũi, chân, tay hoặc lưng có những dấu vết gì do bị đánh hay bị dí sắt nung vào, những là họ mặc quần áo như thế nào khi bỏ trốn và đại loại như thế. Và lại còn nói họ thuộc về ai, và ai bắt được họ giải về sẽ được thưởng những gì. Tui đã thấy có tin treo thưởng những năm trăm, lại cũng thấy có nơi cánh nhọ chạy nhiều quá đến nỗi chủ nhà tức điên lên, rao thưởng mười đôla cho ai bắt sống tên nhọ đưa về và mười lăm đôla chỉ cần lấy đầu thôi”.
 
Sau cùng, chị đặt tờ báo xuống với một tiếng thở dài, vẻ như mệt nhoài vì phải cố gắng đọc. “Giờ thì mình biết tui làm thế nào moi ra chuyện ông đốc-tờ nhọ rồi nhá. Cũng bằng cách như ông chủ thôi”.
 
Kunta hỏi chị có nghĩ rằng đọc báo của ông chủ như vậy là có thể nguy hiểm không.
 
“Tui phải hết sức cẩn thận đấy”, chị nói: “Thế nhưng nói để mình biết, có bận tui sợ hết hồn với mexừ”. Bel kể thêm: “Một hôm, mexừ bước vào nhà, bắt gặp tui ở trong phòng khách, đúng lúc tui đáng ra phải quét bụi bặm ở đấy thế nhưng tui lại đang nhòm ngó vào một quyển sách trong đám sách của ông ấy. Lạy Chúa, tôi muốn như biến thành phỗng đá. Mexừ chỉ đứng đó, nhìn tui đến một phút đồng hồ. Thế nhưng ông không nói gì hết. Ông chỉ đi ra và từ hôm sau giở đi, tủ sách của ông có một cái khóa”.
 
Khi Bel đặt tờ báo trở lại dưới gầm giường, chị ngồi yên một hồi lâu và Kunta, nay đã hiểu chị khá rõ, biết là chị còn có điều gì trong lòng chưa nói ra. Hai người sắp sửa vào giường ngủ thì chị đột nhiên ngồi vào bàn, như kiểu vừa quyết định một điều gì, và, với một vẻ vừa lén lút lại vừa hãnh diện trên nét mặt, rút từ trong túi tạp dề ra một mẩu bút chì và một tờ giấy gấp nhỏ. Giở tờ giấy ra vuốt cho phẳng phiu, chị bắt đầu vạch mấy chữ in, hết sức nắn nót thận trọng.
 
“Mình biết cái này là gì không?” chị hỏi và Kunta chưa kịp nói không, chị đã tự trả lời: “Phải, đây là tên tui. B-E-L”. Kunta nhìn chằm chằm vào những chữ viết bằng bút chì, nhớ lại mình đã bao năm tránh né mọi tiếp xúc gần gũi với thứ chữ viết tubốp, bụng bào dạ rằng nó chứa đựng một thứ bùa phép tubốp nào đó có thể làm hại mình – song anh vẫn chưa dám chắc như thế có phải là quá gượng ép không. Lúc này, Bel lại viết thêm mấy chữ nữa. “Đây là tên mình. K-U-N-T-A”. Chị ngước nhìn anh, tươi roi rói. Ngược với ý mình, Kunta không thể không cúi xuống gần hơn để xem xét tường tận những ký hiệu lạ lùng ấy. Nhưng bấy giờ, Bel liền đứng dậy vò nhàu mảnh giấy vứt vào đám than đang tàn của bếp lửa. “Không khi nào để bị bắt quả tang mang chữ viết trong người”.
 
Mấy tuần qua đi, và cuối cùng, Kunta quyết định phải làm một cái gì đó để thanh toán cái nỗi ấm ức nó gặm nhấm anh từ buổi Bel hãnh diện phô với anh là chị biết đọc, biết viết. Giống như bọn ông chủ da trắng của họ, lớp người da đen sinh trưởng ở đồn điền dường như coi đương nhiên là những kẻ từ Châu Phi tới chẳng qua chỉ tụt từ trên cây xuống, nói chi tới chuyện học với hành.
 
Cho nên, một buổi tối sau khi ăn xong, rất thản nhiên, anh quỳ xuống trước lò sưởi trong lều và cời một đống tro ra khoảng nền lát phía trước lò, rồi lấy tay san cho bằng bặn, phẳng phiu. Đoạn, trước đôi mắt tò mò theo dõi của Bel, anh lấy một cái que vót mảnh ở trong túi ra và bắt đầu vạch tên mình bằng chữ Ả-rập trên lớp tro.
 
Bel không để cho anh viết xong đã hỏi: “Cái gì đấy”. Kunta nói cho chị hay. Rồi, sau khi làm rõ ngọn ngành, anh gạt đám tro trở vào trong lò sưởi, ngồi vào ghế đu và chờ chị hỏi xem anh đã học viết như thế nào. Anh không phải đợi lâu la gì, và suốt cả phần còn lại của buổi tối, là một sự đổi vai trò: Kunta nói, Bel nghe. Bằng cách diễn đạt ngắc ngứ, vấp váp, Kunta kể cho chị nghe tất cả trẻ con trong làng anh đã được học viết như thế nào, với những chiếc bút bằng cọng cỏ khô rỗng ruột và mực bằng nước hòa với nhọ nồi, anh kể cho chị nghe về arafang, và các buổi học cả sáng lẫn tối. Hứng lên với các đề tài của mình và khoái trí với cái điều mới mẻ là được thấy Bel ngậm miệng hồi lâu, Kunta kể cho Bel nghe là học trò ở Jufurê, trước khi tốt nghiệp phải đọc thông thạo kinh Koran, thậm chí anh còn xướng cho chị nghe một số câu thơ trong kinh đó nữa. Anh dám chắc là chị thắc mắc, song điều kỳ thú đối với anh là: trong tất cả những năm tháng anh quen biết chị, đây đích thị là lần đầu tiên chị tỏ ra chút nào quan tâm đến một cái gì dính dáng đến Châu Phi.
 
Bel vỗ vỗ lên mặt chiếc bàn kê giữa hai người. “Thế dân Châu Phi của mình gọi “bàn” là gì?” chị hỏi.
 
Mặc dầu từ khi rời Châu Phi, anh không bao giờ có dịp nói tiếng Manđinka, chữ “mê-xô” vẫn bật ra khỏi miệng Kunta trước khi anh kịp ý thức, và anh thấy trào lên một niềm tự hào.
 
“Còn cái này?” Bel chỉ tay vào chiếc ghế mình ngồi hỏi “Xirangô”. Kunta đáp. Anh cảm thấy tự bằng lòng mình đến nỗi đứng bật dậy, bắt đầu đi quanh căn lều, tay chỉ vào các đồ vật.
 
Gõ gõ vào chiếc nồi sắt đen kịt của Bel bên trên bếp lò, anh nói “kalêrô”. Rồi một cây nến trên bàn: “kanđiô”. Ngỡ ngàng, Bel cũng đứng lên khỏi ghế và theo anh đi một cái giỏ do ông lão làm vườn đan: “xinxingô”. Anh dẫn quanh, Kunta thúc mũi giày vào một cái túi vải thô và nói “bôtô”, chạm vào một trái bầu khô và nói “mirangô”, rồi Bel đi tiếp vào buồng ngủ. “Larangô”, anh nói, chỉ vào cái giường và chuyển sang cái gối: “kunglarang”. Rồi lại chỉ cửa sổ: “janêrangô”, chỉ lên mái: “kankarangô”.
“Xin Chúa thương xót cho con!” Bel kêu lên. Điều đó còn vượt xa niềm tôn kính đối với quê hương xứ sở của anh mà Kunta hy vọng khơi lên được ở Bel.
 
“Bi giờ đã đến lúc ta ngã đầu lên kunglarang rồi đấy” Kunta nói, anh ngồi xuống mép giường và bắt đầu cởi quần áo. Bel nhíu mày, rồi cười vang và quàng tay ôm lấy anh. Đã lâu lắm, anh chưa hề cảm thấy khoan khoái đến thế.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley