Dịch giả: Dương Tường
Chương 67

Tuy Kunta vẫn thích đến thăm và trao đổi chuyện trò với bác vĩ cầm và ông già làm vườn, song kém thường xuyên hơn nhiều so với hồi chưa vợ. Điều đó chẳng có gì là lạ, vì bây giờ, phần lớn thời gian rảnh rỗi, anh đều ở bên Bel. Nhưng thậm chí, những bận họ tụ họp với nhau gần đây, hai người kia xem ý đối với anh có khang khác – cố nhiên không phải là không thân mật, nhưng kém tâm đắc hơn. Chính họ trên thực tế đã đẩy Kunta vào vòng tay của Bel, thế mà giờ đây khi anh đã cưới, họ lại làm như sợ nó có thể truyền nhiễm – hoặc giả như điều ấy chưa bao giờ tồn tại vậy; việc anh hiển nhiên bằng lòng với mái nhà, bếp lửa gia đình không làm cho họ cảm thấy ấm thêm chút nào những đêm đông lạnh giá. Nhưng nếu như anh cảm thấy không gần gũi họ bằng trước – trong cái tình đồng chí mà họ đã chia sẻ với nhau với tư cách là những người đàn ông sống độc thân, mặc dù gốc gác khác nhau – thì giờ đây không hiểu sao anh lại cảm thấy mình được chấp nhận rõ ràng hơn, như thể do lấy Bel, anh đã trở nên một thành viên trong bọn họ vậy. Tuy những cuộc nói chuyện với người bạn mới lấy vợ không trần tục như đôi khi trước đây – chẳng phải là Kunta khoái gì những cung cách sống sượng của bác vĩ cầm, thậm chí với riêng với bản thân anh cũng không hề thừa nhận thế - song, với lòng tin cần tăng thêm qua nhiều năm tháng bên nhau, những điều trao đổi đã trở nên sâu sắc hơn và nghiêm túc hơn.
“Hoảng rồi!” một đêm, bác vĩ cầm tuyên bố vậy. “Ấy đấy, người da trắng đâm hoảng nên cuống quít đếm đầu tất cả mọi người trong cái cuộc đều cha dân số này. Họ sợ trong đám họ, dân nhọ đã đông hơn dân da trắng”, bác vĩ cầm nói.
 
Kunta nói Bel kể là đã đọc trong báo thấy tin ở bang Vơjinia, theo điều tra dân số, người da trắng chỉ nhiều hơn người da đen có mấy nghìn thôi.
“Người da tắng sợ cánh nhọ tự do hơn sợ bọn ta”, ông già làm vườn chêm vào.
“Tui nghe nói, riêng ở Vơjinia đã có gần gần sáu vạn nhọ tự do”, bác vĩ cầm nói: “còn bao nhiêu nhọ nô lệ thì không thấy nói. Dưng mà bang này chưa phải là nhều nhất đâu nhá. Phải là dững bang ở mạn dưới, đất đai màu mỡ nhất, mùa màng tốt tươi nhất, có tàu xuống chở hoa màu trên sông lạch đi các chợ, với lại...”.
“Phải, dững nơi í, cứ hai nhọ mới có một da tắng!” ông lão làm vườn ngắt lời. “Ở tuốt dưới đồng bằng ban Nuizana rồi ở vùng Yazu bang Mitxixipi, nơi chuyên tồng mía í, và ở tuốt dưới cái vành đai đen ở bang Anabama, Nam Canina và Jojiơ, nơi chuyên tồng lúa và chàm í, nói cho mà biết nhá, ở dững cái đồn điền to tướng nằm khuất nẻo dưới í, có đủ các loại nhọ mà chẳng có bị đếm bao giờ hết!”.
“Một số đồn điền to đến nỗi phải chia làm nhiều đồn điền nhỏ hơn giao cho xúbadăng trông coi”, bác vĩ cầm nói. “Mà các mexừ chủ các đồn điền lớn í phần đông là dững chạng sư, dững nhà chính chị và doanh nghiệp to phe sống ở thành phố, và dững người giàu sang quyền quí í chẳng cần lấy phần gì ở đồn điền, có dễ chỉ trừ dững khi họ rầm rập kéo ra hàng đoàn xe ngựa xênh xang đầy dững bạn hữu về chơi nhân dịp lễ Tạ ơn hay lễ Giáng sinh, hoặc nữa là để cắm trại hè, ăn uống ngoài trời”.
“Dưng mà chú biết không”, ông lão làm vườn kêu lên “dững người da tắng giàu có ở thành phố í nại chính nà cái tầng nớp có nhiều người nên tiếng chống chế độ nông nô”.
 
Bác vĩ cầm ngắt lời. “Dào! Cái í chả có nghĩa gì sất! Bao giờ cũng có một số ông lớn, da trắng mốn xóa bỏ chế độ nô lệ. Xì, chế độ nô lệ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở bang Vơjinia này mười năm rồi, nhưng mà luật ví chả lệ, các người thấy đấy, chúng ta vẫn là nô lệ còn họ thì cứ đưa sang thêm hàng tàu đầy nhọ”.
 
“Thế dững nhọ ấy bị đem đi đâu cả?” Kunta hỏi. “Một số lái xe tui quen bỉu là chủ họ đi nhiều chuyến rõ lâu mà hàng mấy ngày liền chả thấy một cái mặt da đen nào khác". «Có ối vùng cả quận không có nấy một đồn điền nhớn và cơ hồ chẳng thấy một bóng nhọ nào cả», ông già làm vườn nói. « Chỉ dặt những trại nhỏ đầy sỏi đá, bán mười năm xu một mẫu cho đám da trắng nghèo kiết nõ đít đến độ phải ăn đất, ăn cát. Và chẳng khá khấm hơn họ bao nhiêu, nà dững người có chút ruộng không tốt hơn mấy tí và một dúm nô lệ».
 
«Tui nghe nói có một nơi không phải chỉ có từng dúm nhọ thôi đâu, đó là miền Tây Ấn», bác vĩ cầm nói và quay sang Kunta. «Chú mày biết ở đâu không? Ở bên kia biển, giống như quê chú mày í». Kunta lắc đầu.
 
« Mốn sao thì sao », bác vĩ cầm nói tiếp, « tui nghe nói ở đấy một ông chủ có tới cả nghìn nhọ để trồng và chặt cái giống cây làm đường, làm rượu rum. Người ta kể mấy tui hàng đoàn tàu, giống như cái tàu chở chú mày tới đây í, thường dừng ở Tây Ấn cho bọn nhọ Châu Phi ở lại đấy một thời gian, vỗ béo chúng sau cái chặng đường dài đã làm chúng ốm o đói khát gần chết. Vỗ béo chúng, rồi mang chúng tới đây để bán với giá hời hơn dững nhọ có sức làm việc. Chí ít cũng là dững cái tui nghe nói».
 
Không bao giờ Kunta khỏi kinh ngạc về việc bác vĩ cầm và ông già làm vườn tỏ tường đến thế về những điều họ chưa từng thấy và những nơi họ chưa từng đến, vì anh nhớ rõ ràng là đã từng nghe cả hai nói rằng họ chẳng bao giờ ra khỏi Vơjinia và Bắc Carolina. Anh đã từng đi chu du nhiều hơn họ biết mấy – không những suốt chặng đường dài từ Châu Phi tới đây, mà cả bao lần đánh xe cho ông chủ đi tới đi lui khắp bang này – thế mà họ vẫn thông tỏ hơn anh nhiều, đến nỗi sau chừng ấy năm chuyện trò với họ, anh vẫn thấy ra nhiều điều mà trước đây anh chưa từng hay biết.
 
Thực tình, Kunta không băn khoăn lắm khi phát hiện thấy mình kém hiểu biết đến thế, vì đã có bác vĩ cầm và ông lão làm vườn giúp cho anh đỡ u mê đi; song anh vẫn cảm thấy bối rối sâu sắc khi vỡ lẽ ra, qua bao năm, rằng anh vẫn còn thông tỏ mọi chuyện hơn mức người nô lệ trung bình. Qua những điều anh có thể quan sát được, phần lớn người da đen thậm chí hoàn toàn không biết mình ở đâu, chưa nói gì đến mình là ai.
 
«Tui cược với mình là một nửa số nhọ ở Vơjinia chưa bao giờ ra khỏi đồn điền của chủ». Bel nói vậy, khi anh nêu vấn đề ấy với chị. «Và họ cũng chưa nghe nhắc đến vấn đề nào khác ngoài Richmơnd, Friđirichbơg và miền Bắc, có lẽ thế, mà cũng chả biết những vùng í ở đâu nữa. Người da trắng cốt giữ cho dân nhọ ngu tối không biết nơi mình ở là đâu, bởi vì họ rất lo dân nhọ nổi dậy hoặc chạy trốn».
 
Kunta chưa kịp định thần lại khỏi nỗi ngạc nhiên khi nghe thấy một điều sâu sắc như vậy thốt ra từ miệng Bel chứ không phải từ bác vĩ cầm hay ông lão làm vườn, thì chị đã nói tiếp: «Mình có tính chuyện trốn chạy lần nữa nếu gặp dịp không?».
 
Câu hỏi đó làm cho Kunta ngớ ra và hồi lâu, anh không trả lời gì. Rồi, cuối cùng, anh nói: «À, bao lâu nay, tui không có nghĩ gì đến chuyện í».
 
«Biết bao nhiêu lần, tui ngẫm đến cơ man là chuyện mà chắc chẳng ai ngờ tui màng tới», Bel nói: «Ví như đôi khi tui tưởng tượng mình được tự do, như tui nghe nói nhiều người ở miền Bắc đã được thế». Chị ướm nhìn Kunta. «Bất kể mexừ tốt đến đâu, tui cảm thấy nếu như mình với tui trẻ hơn thế này, thì dám chắc tui sẵn sàng rời bỏ đây đi ngay đêm nay». Trong khi Kunta ngồi ngây ra đó, sửng sốt, chị bình thản nói: «Xem chừng tui đâm quá lớn tuổi rồi và bi giờ sinh nhát sợ».
 
Như thể Bel đã đọc được ý nghĩ của anh lúc đó về bản thân mình, và điều đó giáng vào đầu anh như một trái đấm. Anh đã  quá lớn tuổi, không còn sức để chạy trốn nữa và quá rã rời rồi. Và khiếp nhược nữa. Tất cả những đau đớn và hãi hùng của những ngày, đêm chạy dài khủng khiếp, bỗng trở lại đôi bàn chân phồng rộp, phổi như vỡ tung ra, đôi bàn tay rướm máu, gai góc xé toạc mình mẩy, tiếng sủa của bày chó truy đuổi, nhe nanh gầm gừ, tiếng súng nổ, nhát roi quất nhói buốt, lưỡi rìu bổ xuống. Bất giác Kunta ngụp vào một nỗi ngao ngán mù mịt. Biết rằng chính mình đã vô tình gây nên nỗi đó, đồng thời cũng biết rằng có nói thêm, thậm chí có phân trần này nọ, lại càng tổ nặng nề hơn, Bel chỉ lẳng lặng đứng dậy, về giường ngủ.
 
Cuối cùng, khi anh nhận ra chị đã đi khỏi, Kunta day dứt cảm thấy rằng trước đây anh đã hiểu lầm chị theo ý nghĩ chủ quan của mình. Và anh xót xa nghĩ mình đã đánh giá thấp Bel cùng những người da đen khác một cách tàn tệ biết bao.
 
Tuy không bao giờ để lộ ra, chỉ trừ đối với những người thân yêu – mà đôi khi, cả với những người này cũng không – nhưng, chẳng khác gì Kunta, họ vẫn cảm thấy rõ và căm ghét sự áp bức đè nặng lên cuộc đời họ. Cuối cùng, anh đã nhận ra điều đó. Anh ước gì mình có thể tìm ra cách nào để nói cho chị rõ anh ân hận biết bao, anh thông cảm biết bao nỗi đau của chị, anh xiết mấy biết ơn tình yêu của chị, anh cảm thấy mãnh liệt biết chừng nào mối ràng buộc giữa hai người đang ngày một sâu sắc thêm trong anh. Lặng lẽ, anh đứng dậy, vào buồng ngủ, cởi quần áo, lên giường ôm lấy chị và đôi bên cùng nhau ân ái một cách cuồng nhiệt đến tuyệt vọng.
 

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley