Khoảng một năm sau, mùa hè năm 1800, sắp đến kỳ Kitzi bỏ thêm một hòn sỏi nữa vào quả bầu của Kunta, thì ông chủ bảo Bel là ông có việc phải đi Friđiricxbơg khoảng một tuần lễ và đã thu xếp để ông anh trai đến "trông nom công việc" trong khi ông vắng nhà. Tin ấy khiến Kunta bối rối hơn cả mọi người khác trong xóm nô, vì anh ghét phải để Bel và Kitzi dưới quyền định đoạt của lão chủ cũ trước đây đã mua anh, thậm chí điều ấy còn làm anh khó chịu hơn cả cái nỗi phải xa vợ con lâu đến thế. Cố nhiên, anh không nói gì về những lo lắng đó, nhưng sáng hôm lên đường, khi rời căn lều để thắng ngựa vào xe, anh sửng sốt thấy là hình như Bel đã đọc được trong óc anh. Chị nói: "Mexừ Jon đã hẳn là không giống ông em trai, dưng mà tui biết cách đối phó với loại í. Mới lị chỉ một tuần thôi mà, cho nên mình đừng có lo gì cả. Mẹ con tui ổn thôi.""Tui chẳng việc gì mà lo", anh nói, hy vọng chị không đoán được là mình xạo. Quỳ xuống hôn Kitzi, anh thì thầm vào tai nó: "Chớ có quên cái hòn cuội tuần trăng mới hỉ", và nó nháy mắt, vẻ thậm thụt, trong khi Bel làm như không nghe thấy gì tuy chị thừa hiểu hai bố con làm gì trong gần chín tháng nay. Trong hai ngày sau khi ông chủ đi, mọi sự vẫn tiếp tục bình thường, mặc dù hầu như mọi điều mexừ Jon nói hoặc làm đều khiến Bel hơi khó chịu. Chị đặc biệt ghét cái thói của ông ta đêm nào cũng ngồi thật khuya trong thư phòng, uống rượu uýtki thượng hảo hạng của em trai bằng cách tu luôn ở chai, hút những điếu xì gà gộc, hơi đen và hôi của chính mình và vảy tàn xuống thảm. Tuy nhiên, mexừ Jon không can thiệp nhiều lắm vào lề thói thông thường của Bel và chủ yếu là tách riêng một mình. Nhưng đến giữa buổi sáng hôm thứ ba, Bel đang quét cổng trước, thì một người da trắng cưỡi một con ngựa bóng nhẫy mồ hôi phóng nước đại tới, và nhảy xuống đòi gặp mexừ. Mười phút sau, người đó bỏ đi cũng vội vã như lúc đến. Mexừ Jon sủa ầm dọc hành lang gọi Bel đến thư phòng. Trông lão có vẻ dao động sâu sắc, và trong óc Bel lóe lên ý nghĩ là một cái gì ghê gớm đã xảy đến với Kunta và ông chủ. Chị càng tin chắc thế khi lão sai chị tập hợp tất cả nô lệ ở sân sau. Tất cả tập hợp, đứng thành một hàng, căng thẳng vì sợ hãi khi lão mở toang cánh cửa sau nhà và oai nghiêm bước về phía họ; ở thắt lưng lão, lồ lộ một khẩu súng lục. Đưa mắt lạnh lùng soát các khuôn mặt của họ, lão nói: "Ta vừa nhận được tin một số nhọ ở Richmơnđ âm mưu bắt cóc ông thống đốc bang, tàn sát người da trắng ở Richmơnđ và đốt thành phố". Toán nô lệ sợ sệt nhìn nhau, vẻ ngỡ ngàng, trong khi lão nói tiếp: "Nhờ Chúa - và một số nhọ thông minh đã phát hiện ra và mách chủ kịp thời - âm mưu đó đã bị đè bẹp và phần lớn nhọ khởi xướng nó đã bị bắt. Các đội tuần tra vũ trang đang truy lùng một số còn lại trên các lộ, và ta phải làm sao bảo đảm để không một tên nào dừng nghỉ đêm tại đây. Trường hợp kẻ nào trong các người có ý nổi dậy, ta sẽ tuần tra suốt ngày đêm. Không ai trong các người được đặt chân ra ngoài trang trại này! Ta không muốn có sự tụ tập bất cứ loại nào; và sau khi trời tối, không ai được ra khỏi lều mình!" Vỗ vỗ vào khẩu súng lục, lão nói: Ta không kiên nhẫn và dịu dàng với nhọ như em trai ta đâu! Kẻ nào trong bọn ngươi thậm chí chỉ cần có vẻ nghĩ đến chuyện bước ra khỏi hàng thì tài cứu chữa của em ta cũng không vá víu lại được một viên đạn vào khoảng giữa hai mắt hắn đâu. Hiểu chứ?" Mexừ Jon xử sự đúng như lời lão nói. Trong hai ngày sau, lão khiến Bel tức điên lên bằng cách nằng nặc đòi theo dõi Kitzi nếm thức ăn của lão trước khi lão ăn thực sự. Ban ngày, lão cưỡi ngựa lảng vảng khắp các cánh đồng và ban đêm, ngồi ở cổng ôm một cây súng ngắn trong lòng - sự cảnh giác của lão tuyệt đối đến mức mọi người trong xóm nô thậm chí không dám bàn đến cuộc nổi dậy nọ, nói chi đến chuyện toan tính kế hoạch dấy loạn của chính mình. Sau khi nhận được và đọc báo Gazet số tiếp đó, mexừ Jon bỏ vào lò sưởi đốt liền, và khi một ông chủ ở vùng kế cận tới thăm vào một buổi chiều, lão ta ra lệnh cho Bel ra khỏi nhà và hai lão chụm đầu nói chuyện với nhau trong thư phòng, cửa sổ đóng kín mít. Thành thử không ai mò ra được thêm chi tiết về vụ âm mưu, nhất là về hậu quả của nó, mà đó là điều khiến Bel và các người khác lo phát ốm - không phải lo cho Kunta, vì anh đi cùng ông chủ tất là phải an toàn rồi, mà cho bác vĩ cầm ra đi vào hôm trước buổi hòa nhạc tại một vũ hội lớn ở Richmơnđ. Những người ở xóm nô chỉ còn nước tưởng tượng ra điều gì có thể xảy đến với những kẻ xa lạ da đen bị rơi vào tay đám da trắng hốt hoảng, điên khùng. Bác vĩ cầm vẫn chẳng thấy tăm hơi khi Kunta và ông chủ trở về - sớm hơn ba ngày - chuyến đi bị rút ngắn vì cuộc nổi dậy. Lát sau cùng ngày hôm đó, mexừ Jon đi khỏi, những kiềm chế do lão áp đặt được nới đôi chút, tuy nhiên không phải là hoàn toàn, và ông chủ rất lạnh lùng với tất cả mọi người. Mãi đến khi Kunta và Bel chỉ còn một mình trong lều, anh mới có thể kể cho chị nghe những điều anh nghe lỏm được ở Friđiricxbơg: những người da đen nổi loạn, sau khi bị bắt, liền bị tra tấn lấy cung để giúp các nhà chức trách quây bắt những người khác có liên can và một số đã thú nhận rằng cuộc nổi loạn được mưu tính bởi một gã thợ rèn tự do tên là Ghêbriơl Proxơ; anh ta đã chiêu mộ vào khoảng hai trăm người da đen lựa chọn kỹ càng - đầu bếp, làm vườn, gác cổng, hầu bàn, thợ sắt, bện dây thừng, thợ mỏ, chèo thuyền, thậm chí cả mục sư truyền giáo nữa - và huấn luyện họ trong hơn một năm. Proxơ vẫn ở ngoài vòng và dân cảnh vẫn đang chà đi xát lại vùng nông thôn lùng bọn khả nghi, Kunta kể vậy; bọn "tuần cha" da trắng khố rách áo ôm đang ruồng bố các lộ; và nghe đồn một số ông chủ, vô cớ hoặc vì chuyện rất nhỏ, đã đánh nô lệ đến chết."Xem ra hy vọng duy nhất của ta là ở chỗ họ không còn ai ngoài chúng ta", Bel nói, "Nếu họ giết mình, họ sẽ không còn nô lệ nào nữa cả"."Bác vĩ cầm về chưa?" Kunta hỏi, anh xấu hổ vì mình quá mải mê kể những chuyện xảy ra, đến giờ mới nghĩ đến ông bạn.Bel lắc đầu: "Bọn tôi lo hung. Dưng mà bác vĩ cầm í tinh khôn chán. Bác í sẽ về yên ổn". Kunta không đồng ý hoàn toàn, "Bác í chưa về mà". Ngày hôm sau, vẫn không thấy bác vĩ cầm về, ông chủ bèn viết giấy báo quận trưởng cảnh sát và bảo Kunta mang lên quận lỵ. Kunta thi hành lệnh - mắt thấy viên quận trưởng cảnh sát đọc thư và lặng lẽ lắc đầu. Rồi trên đường về, Kunta cho xe đi chậm độ ba, bốn dặm, rầu rĩ nhìn đăm đăm con đường trước mặt, đang băn khoăn không biết liệu còn được gặp lại bác vĩ cầm nữa hay không, cảm thấy hối hận về nỗi chưa bao giờ thực sự nói lên rằng mình coi bác ta là bạn tốt - mặc dù bác hay rượu chè, chửi tục và có nhiều khuyết điểm khác - thì chợt nghe thấy có tiếng bắt chước giọng lè nhè của dân "cách cơ"[1] "Ê, nhọ!". Kunta ngỡ mình tưởng tượng: "Mi tưởng mi đến cái lỗ mô?" tiếng nói lại vọng đến, và ghìm cương ngựa. Kunta nhìn quanh quất, dọc hai bên đường, nhưng không thấy ai. Rồi bất thình lình: "Mi không có giấy thông hành, mi gặp rắc rối to đấy", - rồi kìa, leo lên khỏi một cái hố, quần áo rách tả rách tơi, mình mẩy xây xát, tím bầm, lem luốc bùn đất, tay ôm chiếc hộp đàn cũ nát và miệng cười ngoác tận mang tai, hiện ra bác vĩ cầm. Kunta buộc kêu lên một tiếng, nhảy từ trên ghế xe xuống, và trong tích tắc, anh và bác vĩ cầm ôm ghì lấy nhau, quay tít, và cười ha hả."Mầy hệt dư một thằng Phi tau quen", bác vĩ cầm thốt lên, "dưng mà không phải nó - nó chẳng bao giờ lộ cho ai biết là nó mừng được gặp họ"."Chả biết sao tui lại thế", Kunta nói, bối rối vì thái độ của chính mình."Hoan hỉ đón một người bạn bò lê cả tay cả đầu gối suốt từ Richmơnđ về chỉ cốt để dòm lại cái mặt xấu xí của mày".Vẻ nghiêm nghị của Kunta biểu hiện mức độ lo lắng của anh. "Sự thể lúc í có xấu không, bác vĩ cầm?""Nói là xấu thì chưa thấm vào đâu. Tau đã tưởng phen này chắc sẽ song tấu với thiên thần, trước khi thoát!" Trong khi Kunta xách hộp đàn lấm bùn và cả hai leo lên xe, bác vĩ cầm tiếp tục nói liến láu không ngừng: "Cánh da trắng ở Richmơnđ sợ gần phát điên. Khắp nơi, dân cảnh ách nhọ lại, và ai không có thông hành thì sau đó tống giam rất lôi thôi. Mà thế là còn may đấy. Hàng bầy "cách cơ" lảng vảng các đường phố dư chó rừng, vồ lấy nhọ, đánh một số nhọ dừ tử đến nỗi cơ hồ không nhận ra được ai vào ai". "Cái cuộc vũ hội tau đến đánh đờn, đang giữa chừng thì tan, khi nghe tin đầu tiên về cuộc nổi dậy, các bà các cô kêu choe chóe và chạy vòng quanh, các ông thì rút súng chĩa vào bọn nhọ chúng tau trên dàn nhạc. Giữa lúc nhốn nháo, tau lẻn vào bếp và trốn trong một thùng rác cho đến khi mọi người về hết. Rồi tau trèo qua một cái cửa sổ, chuồn ra phía sau, tránh xa đèn sáng. Tau vừa đến ven đô thì bỗng nhiên tau nghe thấy tiếng la hét đằng sau, rồi hàng loạt chân rầm rập chạy theo cùng hướng mấy tau. Có cái gì bỉu cho tau biết đó không phải là dân da đen, dưng mà tau chẳng chờ xem cho đích xác làm gì. Tau chạy tắt, rẽ luôn góc phố kế đó, rạp thấp người, dưng tau nghe thấy tiếng chúng lấn thêm một lúc một gần tau, và tau sắp sửa cầu kinh thì chợt trông thấy một cái cống thật thấp, tau bèn lăn thẳng vào dưới đó. "Nằm dưới đó thật là kẹt và tau đang nhích lùi ra thì đúng lúc đó, bọn "cách cơ" mang đuốc chạy tới và la hét: "Bắt cái thằng nhọ í!". Tau đụng phải cái gì vừa to vừa mềm, và một bàn tay ập vào mồm tau, và một giọng nói: "Bận sau hẵng nói!". Hóa ra là một người gác đêm ở kho đã thấy một đám đông xé đôi bạn mình và anh ta chẳng hề có ý định ra khỏi cái cổng í trước mùa xuân sang năm, nếu phải mất lâu thế mới yên mọi bề. "Thế, một lát sau, tau chúc anh ta may mắn và lại ló đầu ra và mò được tới rừng. Ấy là cách đây năm ngày. Đáng ra, tau đến đây từ trước cơ, dưng mà trên đường lắm bọn tuần cha quá, tau phải lần theo rừng, ăn trái cây, ngủ trong rừng rậm mấy thỏ. Mọi sự ổn thỏa, cho đến hôm qua, cách đây mấy dặm về phía Đông, một toán "cách-cơ" vớ được tau giữa chỗ trống. "Đúng lúc bọn nó đang mót đánh một tên nhọ, có khi còn treo cổ là đằng khác - chúng mang theo một sợi dây thừng ngay bên mình! Chúng xô giật tau tới tới lui lui, hỏi tau là nhọ của ai và định đi đâu, dưng mà tau nói gì bọn chúng cũng chẳng thèm để ý - cho đến khi tau bỉu tau chơi vĩ cầm. Bọn nó bám lấy, bọn nó tưởng tau nói phách, và hò la: "Được, vậy thì mày hãy đờn cho bọn tau nghe nào!" "Chàng trai Phi châu này, để tau nói mày nghe một cái. Tau mở cái hộp đàn ra và bọn mày chưa bao giờ được nghe cuộc hòa nhạc nào dư tau chơi ngay giữa đường chỗ í đâu. Chơi bản gà tây trong ổ rơm - mầy biết bọn "cách-cơ" rất thích bản í - và tau chưa thật bốc mà cả bọn nó đã hô huýt, vỗ tay, giậm chân và bọn nó nghe đã đời rồi mới tha cho tau, bỉu tau đi thẳng, chớ có chần chừ, mau mau cắp đuôi mà về nhà. Mà tau cũng chả láng cháng làm gì! Hễ thấy ngựa hoặc xe ngựa đi đến là tau nhảy đại xuống hố, cho đến khi gặp cái nầy là xe mày! Thế là tau đã ở đây!" Vừa lăn bánh vào con đường hẹp dẫn tới đại sảnh một lát, đã nghe thấy tiếng reo hò, rồi dân xóm nô chạy ra đón xe."Tưởng như quanh đây đã thiếu mất một thân thể", mặc dầu bác vĩ cầm đang cười, Kunta có thể cảm thấy bác cảm động nhường nào, và anh cũng nhoẻn cười: "Xem chừng bác lại phải kể đầu đuôi câu chuện, một lần nữa đấy"."Mầy đã bao giờ biết có cái gì hãm tau chưa?", bác vĩ cầm hỏi, "Ít ra cũng có tau đây để mà kể".Chú thích:[1] "Cách cơ" (cracker): Người da trắng nghèo ở miền Nam nước Mỹ.