ai anh em Doãn Tự, Doãn Đề còn bàn bạc với nhau gần nửa giờ nữa, tiếng chuông đồng hồ vang lên một tiếng, đã sang giờ Mùi. Doãn Tự đứng dậy tươi cười và nói: - Cứ thế nhé! Huynh còn phải về ngay để kịp nộp tờ trình cho Ung Chính. Ngày mai đệ nên vào thành từ biệt ông ta, vì ngày kia ông ta đã đi Hà Nam rồi. Doãn Đề cũng đứng dậy theo, vươn vai rồi nói lớn: - Dẫn Đệ đâu! Sắp sửa mũ áo cho vương gia, ta sẽ cùng đi ngay bây giờ đấy! Doãn Tự vội can ngăn: - Chớ có vội vàng, để ta vào cung trình trước đã, xem hoàng thượng còn có ý chỉ gì nữa không, ngày mai đệ vào thành cũng chưa muộn. Hơn nữa, hai anh em cùng đi cũng rất bất tiện. - Không cùng đi với nhau, chẳng hóa ra đệ không phải là người của "Đảng Bát da" hay sao? Dẫn Đệ phụ giúp cho Doãn Đề thay xong quần áo, Doãn Đề vui vẻ nói: - Hôm nay hnh không đến, thì đệ vẫn cứ phải đi, hoàng cô thứ mười bảy đang ốm nặng, đệ phải đến thăm ngay. Ra khỏi cổng phủ, anh đi đường anh, em đi đường em, nào có ảnh hưởng gì đến ai? Doãn Đề vừa nói vừa đi ra phía cửa đến trước thềm hiên, lớn tiếng ra lệnh: - Tiền Uẩn Đấu, bảo với tên Thái chuẩn bị kiệu cho ông, Dẫn Đệ đi theo ta vào cung ngay! Hai anh em ông hoàng, kiệu trước kiệu sau đi ra ngoài cổng phủ, họ không đi theo con đường mà Doãn Tự vừa đi đến, từ cửa Thần Vũ họ vòng qua cửa Tây Hoa, Doãn Tự vào cung dâng danh thiếp xin gặp hoàng thượng, còn Doãn Đề thì xuyên qua cửa Long Tông đến phố Thiên Nhai, men qua phố Đông Vĩnh đi về hướng bắc đến cung Trai Giới thăm hoàng cô thứ mười bảy. Chợt thấy phía trước, Doãn Tường đang dẫn đầu một đoàn thái giám từ cửa Nhật Tinh đi vào đại nội. Doãn Đề vội vàng dừng lại, quay mặt đi giả vờ buộc lại dây giầy, đến khi đoàn người của Doãn Tường đi qua, mới ngẩng đầu lên đi tiếp. Bà hoàng đang nằm thiêm thiếp trên giường, sắc mặt đỏ gay, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở khò khè, chốc chốc lại ho khe khẽ, nhưng ho mãi vẫn không nhổ được đờm ra. Hai tay bà cứ nắm chặt vạt áo trước ngực, chốc chốc lại trở mình, vật vã, chốc chốc lại lên cơn kinh giật. Doãn Đề dẫn theo Dẫn Đệ, nhẹ nhàng bước tới bên giường. Một bầy cung nữ người cầm khăn mặt, người bê ống nhổ, họ như nín thở đang đứng hầu hạ bên giường. Trong phòng chỉ có tiếng rên và những cơn thở dốc như ống bễ của bà hoàng, và cách tường phía bên kia là những tiếng thì thào của thái y đang chẩn bệnh bốc thuốc cho bà. Thấy Doãn Đề cứ lúng túng không biết làm gì, bên giường bệnh, một cung nữ thân cận liền ghé tai nói nhỏ với bà - Bẩm lệnh bà, Thập tứ da đã đến thăm lệnh bà. Xin lệnh bà cứ nằm yên nhắm mắt chớ nên động đậy. - Doãn Đề đấy à? - Bà hoàng thứ mười bảy rên lên hai tiếng, nặng nhọc quay người lại và bỗng nhiên mở bừng đôi mắt, khó nhọc vẫy tay nói: - Lại đây... hãy lại gần đây... Vừa rồi đây lão hoàng cô tươi vui nhanh nhẹn là vậy, thế mà vừa mới ốm một trận đã tiều tụy thế này, Doãn Đề thấy cay nơi sống mũi, nước mắt tràn mi, vội đến cạnh giường, nghẹn ngào nói: - Cháu Doãn Đề... xin cầu an cho cô. Mới ốm có mấy ngày, mà cô đã đến nông nỗi này, thật là... Doãn Đề vội gạt nước mắt, hoàng cô thứ mười bảy mắt không rời cháu trai, ho liền hai tiếng làm rung cả giường chiếu, thế rồi khạc được đờm ra, bỗng thấy trong người nhẹ nhõm đi nhiều, tính tình vẫn bộc trực như xưa, bà mỉm cười và nói: - Phật tổ vẫn chưa thu nhận cô, chưa chi cháu đã vội khóc rồi! Có mau chùi nước mắt đi không! Hãy lại gần đây, cô có điều muốn nói với cháu. Doãn Đề vội đứng lên, đến gần bên bà, cúi đầu nói: - Bệnh của cô, theo cháu, rồi sẽ qua thôi, có điều gì xin cô cứ dạy bảo, có cần gì cô cứ nói, cô ạ! - Bệnh của cô, cô biết chứ, khó mà qua khỏi. - Đôi mắt hoàng cô chợt long lanh sáng lại, thời son trẻ bà từng là một tuyệt thế giai nhân, hoàng cô bỗng thở dài và nói: - Từ cụ tổ đến nay, mới chỉ có hai người sống được ngoài 50 tuổi, cô là người thọ hơn cả, năm nay đã 63 tuổi rồi, sống thế đủ rồi, còn chút hơi tàn này cô muốn được khuyên cháu mấy câu, chẳng biết cháu có chịu nghe không? - Cô, cháu luôn nghe lời cô. - Cô là phận đàn bà con gái, - Hoàng cô ho khan một tiếng, giọng nói nghe khó nhọc: - lẽ ra không nên xen vào những chuyện rắc rối trong công việc của các cháu. Người đời có câu rằng: "Anh em liền khúc ruột mềm, chỉ vì đồng tiền chia cắt anh em", lẽ nào cháu không hiểu câu nói đó? Chuyện gì đã qua hãy cho nó qua đi, đừng có để bụng để dạ mãi làm gì, không những con cháu đời sau sẽ chê cười, mà đế người Hán nhìn vào thì sự thể sẽ ra sao? Thôi thì, hãy thôi đi cháu ạ! Đừng gây khó dễ với hoàng thượng nữa, hoàng thượng có cái khó của hoàng thượng, xét cho cùng, dầu sao ông ấy vẫn là Tứ ca của cháu cơ mà. Hoàng thượng không phải là một người tệ bạc gì đâu... Doãn Đề không ngờ hoàng cô mười bảy lại đi thẳng vào vấn đề như vậy, bất giác rùng mình, vội thanh minh ngay: - Cô, xin cô cứ an tâm tĩnh dưỡng, chả có việc gì ghê gớm đâu cô ạ! Cháu và hoàng thượng cùng mẹ cùng cha, có cái gì là khó dễ đâu! Hơn thế nữa, thân phận vua tôi đã rõ, đâu dám gây khó dễ điều gì. - Thôi đi cháu ạ! - Hoàng cô mười bảy vỗ nhẹ lên đầu cháu trai, rồi thuận tay vuốt vuốt chiếc đuôi sam vừa dài vừa bóng của cháu mình, tươi cười nói: - Cứ chê rằng, đàn bà dài tóc, thế đuôi sam của cánh đàn ông các cháu thì ngắn hay sao? Cô nói với cháu thế này, từ nhỏ cô chỉ trông mong cho đến ngày các cháu khôn lớn, cây nhà ai quả nhà nấy, cô hiểu lắm chứ. Trong hàng các cháu, cô thương nhất cháu và Tham a-ca, hai cháu ngay từ nhỏ đã thường cùng cô hái thạch lựu, trẩy trộm lê trong vườn thượng uyển. Thấy các cháu bất hòa với nhau, cô rất buồn, nhưng chưa dám nói điều gì. Đến giờ phút này, cô thấy, chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa, những điều ngại nói, giờ thì cô đã dám nói ra. Thật lòng nói với cháu, đất trời thì rộng lắm, ai dám giơ đầu chịu báng để khuyên nhủ thật lòng đối với Tứ ca của cháu, trên đời này, ngoài cô ra, không còn ai khác cả! Cô mà nhắm mắt xuôi tay, nếu các cháu có chuyện gì với nhau, ai là người dám khuyên nhủ chân tình như cô? Những giọt nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt võ vàng của bà hoàng thứ mười bảy. Nhìn kỹ khuôn mặt tiều tụy của cô mình, Doãn Đề thấy lòng đau nhói. Không cầm được nước mắt, ông ôn tồn nói với bà: - Xin cô cứ yên tâm, đừng suy nghĩ nhiều mà tổn hại đến sức khỏe, cô lớn tuổi hơn cháu, cháu xin nghe lời cô! Đang định nói tiếp điều gì, bỗng phía ngoài có tiếng bước chân đi tới, nhìn ra, Doãn Đề bỗng sững người, Ung Chính, con người mà bấy lâu nay Doãn Đề luôn tránh mặt, giờ đây đang nhanh nhẹn bước vào. Thấy hoàng đế đến, mấy chục con người, cung nữ và thái giám đều nhất tề quỳ xuống. Doãn Đề nước mắt giàn giụa, ngước nhìn Ung Chính, rồi cũng từ từ quỳ xuống ngay bên giường bệnh: - Tội thần Doãn Đề xin khấu kiến hoàng thượng! - Anh em trong nhà cả mà, hãy đứng dậy đi! - Nói rồi, Ung Chính bước đến bên hoàng cô thứ mười bảy, thấy hoàng cô cứ chằm chằm nhìn mình, vội khom người đến ngồi bên giường bệnh: - Cô... cô thấy trong người có được khỏe không Hoàng cô khe khẽ gật đầu: - Cháu Cả, cháu Hai bận gì chưa thấy đến, còn mọi người đều đã đến thăm cả rồi. Cô vui lắm. Cô chẳng còn sống được mấy nữa đâu. Tiên đế trước đây thường chiều chuộng cô hơn các công chúa khác, có những lúc cô còn trách móc cả tiên đế, thế mà người vẫn cứ cười hoài. Cô vẫn nghĩ rằng, xét về phép nước, thân phận cô chẳng đáng một đồng xu. Thế nhưng cô lại nghĩ rằng cô là phận đàn bà con gái, là một quả phụ già, có nhiều lúc đứng trước các cháu, cô vẫn không nghĩ rằng cháu đang là vua của một nước, liệu cháu có quở trách cô không? Ung Chính cười trong nước mắt: - Xưa nay, đã làm vua thì mấy ai có được niềm vui luân thường ruột thịt, thiên hạ cứ nghĩ rằng đã làm vua thì cháu muốn gì được nấy, cần gì có nấy, thực ra điều đó chỉ có được ở các ông vua trong phường chèo mà thôi. Còn trong thực tế, có nhiều điều muốn nói cũng chẳng dám nói ra. Cô biết đấy, Cát Khánh Sinh chết rồi, mà con trai cô vẫn bình an vô sự, rồi chuyện tấn phong cho A ân Cát-lạt-phiên, lúc đầu những chuyện như vậy cháu chỉ dám nói riêng với mẹ và cô thôi, cô thấy làm vua có khó không? Còn nói về sự cô đơn, bạn hữu không tin, lục thân xa lánh, thì hoàng đế chính là người cô đơn số một. Chính vì là cô cháu trong nhà, thì mới dám nói những câu chuyện thường ngày, mới dám nói ra điều tâm huyết. Được tin cô ốm nặng, cháu lo lắng vô cùng, cũng giống như trước đây lo cho lão Phật da vậy. Những ngày vừa qua công việc chất chồng, làm cho cháu luôn đau đầu buốt óc, cháu có lỗi không thường xuyên đến thăm cô được. Các vị thái y và những kẻ hầu hạ ở đây chăm sóc cô có được chu đáo hay không? Hoàng cô thứ mười bảy bỗng ho rũ rượi, ạc ra một bãi đờm lớn, một tay ôm lấy ngực, thở dốc, từ từ quay mặt về phía bọn con hầu ra lệnh: - Cho các ngươi ra ngoài. Với tình cảnh này của cô, bọn con hầu đâu dám trễ nải lơ là, về mặt này xin hoàng thượng cứ yên lòng. Còn Thập tứ a-ca, cô hiểu nó lắm chứ, ngoài mặt thì có vẻ lạnh lùng, nhưng trong lòng thì rất biết có trên có dưới. Trước đây, khi cô Tô-ma-lạt và Khổng Tú Trinh còn sống, vẫn thường hay nói về cháu, cô tuy lúc đó còn nhỏ tuổi, nhưng vẫn còn rất nhớ. Các bà ấy thường khen cháu thông minh đảm lược, yêu ghét rõ ràng, làm việc gì cũng đều dứt khoát và chu đáo, so với các anh thì cháu là hơn cả. Những năm cuối đời sức khỏe của tiên đế không còn được như trước nữa, mọi công việc triều chính đều giao cho cháu và Thập tam a-ca gánh vác. Lương tâm của trời đất đều nằm ở đấy cả, cô không dám nói sai, việc tiên đế đã chọn cháu ra gánh vác thiên hạ là hoàn toàn đúng đắn! Bà liếc nhìn Doãn Đề đang nép mình lặng lẽ đứng nghe, rồi nói tiếp: - Cô vẫn còn một lời tâm huyết muốn nói cùng cháu, cháu sống trong sạch quá, cháu có hiểu không? - Ôi! Cô... - Hãy nghe cô nói đã - Hoàng cô thứ mười bảy húng hắng ho: - Việc ăn uống của cháu quá đạm bạc, chi phí hàng ngày chỉ bằng một phần mười tiên đế mà thôi; rượu cũng uống rất ít, và cũng chưa nghe thấy cháu nói rằng cung phi nào được cháu sủng ái nhất, suốt ngày chỉ biết có làm việc. Nói về sự tận tâm lo toan công việc triều đình thì ngay tiên đế thời trai trẻ cũng không cần mẫn được bằng cháu. Đó là điều rất tốt. Ai làm được một việc tốt, cháu không bao giờ quên họ, điều đó thật đáng quý, nhưng hễ ai có lỗi lầm thì cháu cũng quyết không tha thứ, điều này cũng còn có chỗ chưa hay.ã làm vua thì một lời nói ra phải có sức nặng nghìn vàng, không thể không giữ uy danh, phải để cho trăm họ thần dân vừa sợ vừa tôn kính, vừa yêu quý vừa không muốn rời xa. Về mặt này, cháu còn kém xa tiên đế. Ung Chính bỗng thấy mặt nóng ran, và trong lòng thì đang trào lên một cảm giác vừa ngọt bùi thấm thía, vừa cay đắng chát chua. Ông ngước nhìn hoàng cô thứ mười bảy, rất muốn nói ra những suy nghĩ tự đáy lòng mình, nhưng uy danh và lòng kiêu hãnh của một ông vua đã lập tức ngăn cản ông, ông chỉ còn biết lặng lẽ thở dài: "Cô ơi, cô hiểu làm sao được cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, cô ạ! Mọi người không biết đường yên phận bề tôi, thì cháu làm sao dám cứ yên ổn ở ngai vàng mà không biết răn đe, dạy dỗ?". Trong lòng nghĩ vậy, Ung Chính ôn tồn nói với bà: - Cô ạ! Những lời cô vừa nói, cháu đều hiểu cả. Nước trong quá thì không có cá, cái gì có thể tha thứ được, cháu vẫn sẵn lòng tha thứ đấy thôi. Xin cô cứ bình tâm tĩnh dưỡng, khi nào cô khỏe hẳn, cháu lại xin đến nghe lời răn dạy của cô! - Bệnh tình của cô khó mà qua khỏi. - Hoàng cô nhắm nghiền mắt lại, lẩm bẩm một mình: - Cô vẫn thường tự an ủi là ông trời có mắt. Cát Khánh Sinh phạm vào quân pháp, cháu của ta lẽ ra không nên lấy phải một con người tầm thường như vậy... Ôi, tất cả các bà cô, công chúa trong hoàng tộc này, số phận đều quá hẩm hiu... sự thực nó sờ sờ ra đấy. Chỉ có cháu Cả và cháu Hai. Ôi... Hoàng cô chép miệng, và không nói thêm câu nào nữa. Cháu Cả tức là con trai cả của nhà vua Khang Hy, tên là Doãn Thì. Năm Khang Hy thứ 47, tại Thừa Đức, Doãn Thì đã dùng bùa phép yểm trấn để trừng trị thái tử Hai, sự việc bị phát giác, Doãn Thì liền bị giam trong ngục tối. Còn cháu Hai, tức là thái tử Doãn Nhưng, năm Khang Hy thứ 51, bị phế truất và cũng bị tống giam, hiện nay còn đang bị giam cầm tại cung Hàm An cách đây không xa lắm, phép nước nếp nhà, không thể tha thứ được. Về hai việc này, hoàng cô có muốn nói thế nào, Ung Chính cũng không thể làm khác được. Suy nghĩ hồi lâu, Ung Chính mỉm cười nói: - Doãn Thì là loại người lòng lang dạ thú, hoàng cô hãy xem, con người ấy, liệu có đáng thương hay không? Còn Nhị a-ca... Hôm qua cung Hàm An báo về cho phủ Nội vụ biết tin, Doãn Nhưng hiện đang ốm nặng. Ngay bây giờ cháu và hoàng đệ sẽ thay mặt cô cùng đến thăm Nhị ca, khi nào cô khỏi bệnh, cháu sẽ lệnh cho Lí Phiên viện xét lại vụ án đó, cô cứ yên lòng. Có điều chắc chắn là, từ nay về sau cháu sẽ không làm điều gì khó dễ cho Nhị ca nữa. Thấy hoàng cô không nói gì, Ung Chính ra hiệu cho Doãn Đề, Doãn Đề hiểu ý đi ra khỏi điện, trước khi ra khỏi cửa còn quay lại nói với Dẫn Đệ: - Ngươi cứ đợi ở đây, chờ ta đi cùng hoàng thượng, xong việc ta đến đón ngươi về. Đang đi, nghe thấy Doãn Đề nói vậy, Ung Chính quay đầu nhìn lại, vừa lúc Doãn Đề cùng Dẫn Đệ đang bốn mắt nhìn nhau âu yếm. Dẫn Đệ vội quỳ xuống, cúi lạy Ung Chính. Thật không ngờ, khi Ung Chính nhìn thấy Dẫn Đệ thì như là trong đêm tối đi giữa đường gặp ma, vội lùi ngay mấy bước, chân loạng choạng như không thể đứng vững được nữa, và lần này thì bỗng nhiên chết đứng như trời trồng. Doãn Đề chưa bao giờ thấy sự bối rối và khiếp sợ như vậy của Ung Chính, cũng bất giác ngạc nhiên. Còn Dẫn Đệ thấy hoàng đế cứ nhìn mình không chớp mắt như vậy, cảm thấy ngượng ngùng, mặt mũi đỏ bừng như gấc chín, chỉ còn biết cúi đầu im lặng. Mãi lúc sau Doãn Đề mới lên tiếng: - Hoàng thượng, ngườ vậy? Mặt mũi tái xám cả thế này! - Hử? À... - Ung Chính như bừng tỉnh, quay lại nhìn Dẫn Đệ một lần nữa, rồi quay mặt bước đi, dần dần trở lại bình tĩnh, vừa đi vừa nói: - Không sao! Dạo này trẫm hay bị chứng đau đầu chóng mặt, rồi khỏi ngay ấy mà. Này, con hầu kia ở phủ đệ đấy à? Doãn Đề vẫn lễ phép đi sau Ung Chính, chậm rãi đi về phía cung Hàm An, vừa đi vừa trả lời: - Tâu hoàng thượng, đó chính là con hầu của hoàng đệ đấy ạ! - Mới mua về à? - Không phải ạ, nó chính là người trung gian trong án Nặc Mẫn ở đất Sơn Tây, được đưa về Bắc Kinh làm nhân chứng. Đệ thấy nó không nơi nương tựa, bèn thu nhận, cho làm con hầu. - Nó... người Sơn Tây à? - Ở đất Đại Châu, tỉnh Sơn Tây. - Doãn Đề trong lòng đâm lo sợ, nghĩ rằng Ung Chính sẽ bắt mất Dẫn Đệ cho về hầu hạ trong cung vua, bèn chậm rãi giải thích rằng: - Chính ngày Thánh tổ băng hà, hoàng thượng cho gọi đệ về Kinh, tại cửa ải Nương Tử đệ đã gặp cô ta, và cô ta cũng không muốn rời đệ nửa bước... Thế rồi Doãn Đề kể lại câu chuyện đã cứu thoát Dẫn Đệ tại miếu Sơn Thần cho Ung Chính nghe, cuối cùng lại nói: - Hoàng thượng đã biết đấy, đệ ban ơn không cầu mong được đền đáp lại, chỉ thương cô ta tình cảm chân thành, cho chút ân huệ để được mở mặt mở mày. Hoàng thượng, ý người... sao ạ? Ung Chính lặng lẽ lắng nghe, ngoái nhìn lại bọn thái giám và thị vệ đang lầm lũi đi phía sau. Hồi lâu sau mới mệt nhọc thở dài và nói: - Không sao, nhà ngươi không phải lo lắng gì. Trẫm thấy cô này rất giống cung nhân họ Trịnh... đã qua đời ngày trước, vì vậy mới ngạc nhiên đấy thôi. Hoàng thượng cúi đầu bước đi, hai tay chắp sau lưng vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Thấy vẻ mặt Ung Chính đầy vẻ ưu tư, như không kìm nổi sự đau khổ, Doãn Đề không hiểu nguyên do, nên cũng không dám hỏi thêm, chỉ biết cười rồi nói: - Trên đời này thiếu gì người có hình dáng giống nhau. Như Doãn Kế Thiện và Dương Danh Thời, đã từng gặp mặt nhiều lần, thế mà nhiều lúc vẫn cứ gọi lầm tên họ. Hoàng thượng, đây là cung Hàm An, Nhị ca đang bị giam ở trong này ạ! - Ừ! Ung Chính dừng lại, mới phát hiện ra mình đứng trước cửa cung Hàm An. Đây là một cung điện nhỏ, rất hoang vu nằm khuất ở một góc phía đông bắc của Tử Cấm Thành, bên trên bức tường cao vút là mái ngói lưu ly màu vàng sẫm, ở các hàng kẽ ngói lau lách mọc um tùm, vôi vữa trên tường đã lở ra từng mảng, để lộ ra màu gạch xây đỏ sậm, những cây thanh hao ở chân tường thiếu người chăm sóc cành lá rối bời. Cảnh tượng lạnh lẽo hoang vu như một ngôi miếu cổ bị bỏ hoang đã lâu năm. Mấy tên thái giám già đầu tóc bạc phơ, chắp tay đứng trước cửa Thùy Hoa, thấy hoàng thượng và Thập tứ a-ca từ từ bước đến, liền đồng loạt quỳ xuống, sụp lạy với giọng nói rè rè như vịt đực - Bọn nô tài xin cúi chào hoàng thượng! Ung Chính không nói năng gì, chỉ lặng lẽ ngẩng đầu ngắm nhìn lên tấm biển nền xanh viền vàng có ba chữ đại tự: "Hàm An cung" bằng cả chữ Mãn và chữ Hán. Có lẽ vì nhiều năm không có người chăm sóc, nét chữ đã mờ nhạt vì lớp sơn ngoài bị tróc đi loang lổ. Ung Chính chau mày, ra lệnh: - Mở cửa ra! - Tuân lệnh! - Mấy viên thái giám đồng thanh đáp. Cánh cổng gỗ khép chặt khẽ rên lên một tiếng, rồi từ từ mở ra. Cánh cổng này được lắp đặt từ năm Khang Hy thứ 51 đã trải qua 12 năm mưa gió; mùa đông chuyển than, mùa hè chuyển nước, và thường ngày tiếp tế gạo, rau, trăm lần như một chỉ hé cổng đi vào, chưa khi nào được mở rộng như hôm nay. Trong cung, mấy tên lão bộc đầu tóc bạc phơ, mấy ả phi tần đã bị phế thải cho theo hầu Doãn Nhưng không biết có chuyện gì, đang ngơ ngác nhìn nhau. Thái tử bị phế truất Doãn Nhưng đang trong thư phòng say sưa luyện thư pháp, qua ô kính cửa sổ, thấy hoàng thượng và Thập tứ a-ca đang bước đến gần bỗng kinh hãi, mặt mày tái mét; cây bút trên tay rơi xuống đất tự bao giờ, đôi chân run bắn bước ra khỏi thư phòng, quỳ mọp ngay trước cửa, cất giọng run run: - Tội... tội thần Doãn Nhưng xin cúi chào hoàng thượng! Ông ta cứ nằm phủ phục, mãi lâu sau đôi tay run rẩy không cất nổi mình lên. - Nhị ca! - Ung Chính vội bước đến, hai tay nâng Doãn Nhưng ngồi dậy, rồi cầm tay vào trong thư phòng. Thấy Doãn Nhưng toàn thân run lẩy bẩy, cánh tay lạnh giá như băng, Ung Chính bất giác cũng lạnh toát khắp người, vội nói: - Ngồi... ngồi xuống đây nói chuyện! Doãn Đề cũng ngây người kinh ngạc, lặng lẽ ngắm nhìn Doãn Nhưng. Trời đang nóng nực mà Doãn Nhưng vẫn khoác trên mình chiếc áo bông dài, trên đôi giầy đã cũ để lộ ra đôi tất bông dày cộp. Khuôn mặt xanh tái, bợt bạt như người sắp chết. Doãn Đề khe khẽ thở dài. Bao nhiêu năm nay Doãn Nhưng luôn kình địch với ông. Tước vị hoàng thái tử của Doãn Nhưng đã bao phen phế lên phế xuống. Trong sự vụ đó Doãn Đề cũng đã tốn bao tâm trí, giở bao thủ đoạn, đóng góp một phần không nhỏ. Thế mà giờ đây nhìn thấy cảnh một "con cưng" của thiên tử, đã suốt bao năm đường đường là một hoàng thái tử đầy triển vọng, đang run rẩy khom mình, lấm lét ngước nhìn Ung Chính, với thân hình tiều tụy, với vẻ mặt kinh sợ như một đứa trẻ chết đuối vừa được vớt lên, Doãn Đề bất giác động lòng thương hại, ông ngước nhìn dáng vẻ dửng dưng của Ung Chính, trong bụng nghĩ thầm: "Sao lại thế này? Đời sao lại có một ngày như hôm nay? Con cò mà mổ con trai, để anh thuyền chài vớ được cả hai.." - Doãn Đề, - Tiếng nói đầy uy quyền của Ung Chính cắt đứt dòng suy nghĩ của Doãn Đề: - Hôm nay, theo lễ nghĩa gia đình, ngươi hãy thay trẫm đến chào hỏi Nhị ca một tiếng! Doãn Đề vội đáp lời và đang định cúi chào Doãn Nhưng theo nghi lễ gia đình. Câu nói ấy làm Doãn Nhưng vô cùng kinh sợ, vội chắp hai tay vái Ung Chính liên hồi, miệng run rẩy, lắp bắp nói không thành tiếng: - Không thể... không thể như thế được, muôn tâu hoàng thượng, xin người đừng giày vò tội thần như tế... - Chuyện cũ qua rồi, không nên nhắc lại làm gì! Ung Chính nét mặt buồn rầu quay nhìn ra cửa, nói chậm rãi nói dằn từng tiếng: - Những ngày nhà ngươi bị tù tội tại đây, trẫm thực tình vẫn luôn thương nhớ, nhưng phép nước là phép nước, mà tình người vẫn cứ là tình người, trong hoàng tộc ngươi vẫn là Nhị ca của trẫm. Ngồi trên chiếc ghế thấp gần sát đất, Doãn Nhưng khom người vái lạy và nói: - Muôn tâu hoàng thượng, xét về tội thì thần đáng phải đày xuống địa ngục sâu mười tám tầng, đội ơn trời bể của hoàng thượng, tha cho tội chết, được như vậy thần tự cảm thấy mãn nguyện lắm rồi, thân phận thần giờ đây như tro tàn củi mục, thần chỉ cầu xin thần phật luôn phù hộ cho hoàng thượng long thể an khang, đó là hồng phúc của trăm họ, đó là mong ước của tội thần! - Vốn định đến thăm nhà ngươi từ lâu, - Thấy Doãn Nhưng như vậy, Ung Chính cũng cảm thấy xót xa, bèn hạ giọng, thong thả nói: - Tội nhà ngươi đã phạm đến luật trời phép nước, trẫm cũng không thể làm khác được. Trẫm vẫn thường sai người đem thức ăn vật dụng đến cho ngươi, và cấm bọn chúng không được lộ ra là trẫm sai làm việc ấy, trẫm không muốn để nhà ngươi mỗi lần như vậy lại phải quỳ xuống vái lạy, tạ ơn trẫm. Nỗi đau lòng đó của trẫm, nhà ngươi có hiểu cho không? Doãn Nhưng ngước lên, bắt gặp cái nhìn của Ung Chính, vội vàng quay mặt đi ngay. Vị hoàng đế uy phong ngất trời đang đứng trước mặt đây, vừa mới mấy năm qua, vẫn còn phải hầu hạ dưới trướng của Doãn Nhưng và ngày ngày vẫn phải cung kính dập đầu lễ tạ "kẻ tội thần" này... Bao ký ức về những ngày vừa qua đối với Doãn Nhưng giờ như gió thoảng mây bay. Cuộc đời quả là như bãi bể nương dâu, biến đổi khôn lường, mà đời mỗi con người thì ngắn ngủi như một ảo mộng. Doãn Nhưng trầm ngâm rồi nói tiếp: - Công lao của hoàng thượng to lớn như trời bể, thần là một kẻ đầy tội lỗi mà còn được sống như ngày hôm nay, chính là nhờ ơn mưa móc của hoàng thượng. mấy năm gần đây, tội thần đã cố công dùi mài kinh Phật, học được nhiều điều. Rất biết rằng việc hoàng thượng đến đây cũng như các vị đại La Hán đi cứu độ chúng sinh. Trong những ngày tháng nhàn rỗi này, tội thần đã sao chép lại được ba bộ kinh, đó là "kinh Lăng nghiêm", "kinh Pháp hoa" và "kinh Kim cương", muốn được dâng lên hoàng thượng coi thử. Nói rồi, lật đật đứng dậy, tay run run lấy từ trên nóc tủ một tập kinh Phật dày cộp. Thấy Doãn Nhưng cứ run rẩy, chậm chạp như một con lật đật, và đôi cánh tay gầy xanh như một tàu lá úa, Doãn Đề vội chạy lên đỡ giúp, rồi đặt ngay ngắn tập kinh ấy lên mặt bàn. Ung Chính ung dung mở ra xem, mỗi trang kinh đều dày đặc các hàng chữ kiểu khải thư đều tăm tắp và ngay ngắn, không một vết tẩy xóa, cạnh những câu danh ngôn, ý nghĩ sâu xa, có những nét khuyên tròn màu mực đỏ hơi mờ nhạt. Việc chép kinh, Ung Chính đã tận mắt trông thấy nhiều rồi, không thành tâm, không toàn ý thì không sao làm nổi. Thấy nét mặt Ung Chính tươi tỉnh như có ý bằng lòng, Doãn Nhưng bèn chỉ tay về phía tủ: - Ở trong này đều là sách kinh điển của nhà Phật do tội thần tự tay chép lại, có điều, phần lớn chữ không được ngay ngắn sạch sẽ như mấy quyển này. Sau này, tội thần sẽ chú tâm hơn, chép mấy bộ khác trình lên hoàng thượng, cầu mong thần phật ban phúc cho hoàng thượng nhiều hơn. - Nhị ca năm nay đã gần 52 tuổi rồi đấy nhỉ? - Ung Chính bỗng thấy lòng chua xót - Thế là bị giam cầm ở đây đã hơn 10 năm rồi, thật là một chuyện không bình thường. Trẫm định chuyển chỗ ở cho khanh, trước đây khanh đã được an trí tại Hoa viên tử ở Thông Châu, nay trẫm trả khanh về chỗ đó. Ở đây thật heo hút tối tăm, không có lợi cho sức khỏe của khanh. Cho khanh chuyển chỗ ở, trẫm vẫn có ý như vậy, chỉ e rằng làm như vậy sẽ trái với thánh ý của tiên đế. Trẫm sẽ trả lại cho khanh danh nghĩa thân vương, chỉ có điều khanh phải giữ gìn, không được giao tiếp với người ngoài, làm được như vậy tức là khanh đã hiểu được nỗi khổ tâm của trẫm. - Không, không, không... Tội thần không dám nhận đặc ân đó... - Doãn Nhưng giãy nảy người lên như bị ong đốt, hai tay xua rối rít: - Cứ... cứ ở như thế này, tội thần thấy mãn nguyện lắm rồi, thần không dám đòi hỏi gì hơn thế nữa. Thế này là tốt lắm rồi! Ung Chính đứng dậy, nói: - Nhị da, khanh cứ yên tâm mà đọc sách chép kinh. Rồi đây trẫm sẽ có lệnh mới cho khanh. Có cần thêm gì, thì hãy báo cho phủ Nội vụ truyền cho trẫm biết, trẫm sẽ cho khanh được như ý muốn. Thế nhé... Doãn Đề, ta về thôi! Nói rồi, Ung Chính kéo lê bước chân nặng nề như đeo đá, chầm chậm đi ra cửa. Doãn Nhưng tiễn chân ra khỏi thư phòng, rồi cùng với mấy vị thái giám già quỳ xuống bậc thềm đồng thanh hô lớn: - Xin kính chà hoàng thượng. - Hoàng thượng? Ha ha ha, ha ha ha... Tiếng gào thét và tiếng cười như điên dại bỗng vang lên từ phía sân bên kia, hình như có một thằng điên đang vừa chạy vừa gào thét. - Hoàng thượng ơi! Ngươi ở chỗ nào thế? Lại đây, cho ta xem mặt mũi ra sao nào! Ngươi là vua của một nước, ta là vua của chỗ này; vua nào chả là vua, cũng vậy cả thôi, phải không? Hả, ha ha ha... Tiếng cười nghe cứ xa dần: - Lại đây, lại đây ngồi. Ngươi lại đây được, chứ ta thì không ra được đâu, ha ha ha... Doãn Đề biết rất rõ, phía bên kia sân chính là Thượng tứ viện, là nơi nuôi ngựa của hoàng đế Khang Hy, Đại a-ca Doãn Thì bị giam cầm tại đó đã 15 năm nay. Doãn Đề chợt nhận ra: mình cũng sắp phải đi Tuân Hóa coi giữ phần mộ đây, hoàng thượng chỉ cho riêng mình đi cùng người đến chỗ quỷ quái này là có ý gì đây tại sao lại cố ý cho gặp những con người như thế cho biết những sự thực như vậy? Doãn Đề bỗng thấy lạnh toát tự đáy lòng, liếc mắt nhìn trộm Ung Chính: Vẻ mặt Ung Chính vẫn bình tĩnh như không, chân vẫn chầm chậm bước về phía trước, rồi vẫy tay gọi viên thái giám đang gác cửa Thượng tứ viện và cất giọng hỏi: - Doãn Thì ốm đã lâu chưa? Viên thái giám cúi đầu vái lạy: - Một năm rưỡi rồi - Cứ kêu gào ầm ĩ như thế, còn ra thể thống gì nữa? - Ung Chính nghiêm giọng nói: - Đi mau! Hãy tống giam trong phòng trống để nó bớt điên đi. Gọi thái y lại đây xem xem nên cho uống thuốc gì? Đừng để nó bị oan ức. Nói rồi liền cất bước đi ngay, Doãn Đề cũng vội vã theo sau. Hai người đi qua cửa đông bắc Ngự hoa viên, bước vào trong vườn. Mấy tên thị vệ Lưu Thiết Thành và Đức Lăng Thái đang dạy mấy đứa trẻ tập võ tại đây Ung Chính lệnh cho mấy tên thái giám lui ra khỏi vườn, rồi vẫy tay gọi hai tên thị vệ lại: - Đức khanh, ngươi hãy báo cho các đại thần trong Thượng thư phòng, và cả Liêm thân vương Doãn Tự hãy đến ngay điện Dưỡng Tâm chờ lệnh ta. Nhân tiện báo luôn cho anh năm Trương đến, ngày kia ngươi cùng anh ấy sẽ theo ta ra ngoài thành. Chiều nay và cả ngày mai cho hai khanh về phủ chuẩn bị hành lý, không phải đến hầu ta nữa. Thiết Thành, nhà ngươi hãy chờ trẫm tại đây, trẫm nói nốt câu chuyện với Thập tứ a-ca, rồi nhà ngươi đi theo ta. - Tuân lệnh, nô tài đã rõ! Giữa những lùm cây cảnh xanh tốt mượt mà của Ngự hoa viên chỉ còn lại hai anh em ruột nhà vua Ung Chính và Doãn Đề. Những bông hoa sen rực rỡ ngạo nghễ vươn mình trong nắng ấm, long lanh như ngọc; những bông hoa xinh xắn đỏ tươi như những cặp môi hồng e thẹn nép mình trong những lá cành xanh mướt, xum xuê của những khóm tường ví hoặc hồng nhung đầy gai sắc nhọn. Từng đàn ong bướm đang mải miết chọn hoa kiếm mật, vo ve ca hát trong những lùm hoa. Ngoài thứ âm thanh đó, cả vườn hoa im lặng như tờ. - Hoàng thượng, ngày hôm nay xin từ biệt hoàng thượng tại đây... - Nhìn vẻ mặt thẫnờ của Ung Chính, Doãn Đề lên tiếng trước: - Ngày kia, hoàng thượng đã phải xa giá về phương Nam, thần đệ có được đi tiễn đưa không ạ? Ung Chính không nói gì, chỉ gật đầu coi như đã nghe thấy. - Hoàng thượng, ngài còn có điều gì cần dạy bảo hoàng đệ nữa hay không? Vẻ mặt Ung Chính không hề thay đổi, vẫn điềm nhiên thưởng thức cảnh đẹp của Ngự hoa viên. Mãi lâu sau, mới nói: - Khanh còn nhớ cái ngày làm lễ chúc thọ mẫu hậu của 5 năm về trước không? Doãn Đề lắc đầu: - Thần đệ không còn nhớ nổi nữa, mấy năm nay bận việc quân ở đất Sơn Tây, công việc thật bù đầu bù óc! - Ở đời, có những việc không nên quên, và cũng không được quên, khanh ạ! - Có lẽ do ánh nắng chói chang, Ung Chính cứ nheo nheo mắt, khó mà thấy được trong đôi mắt kia đang ẩn chứa điều gì. Còn giọng nói thì cứ lạnh lùng như nước mùa thu: - Hôm nay, gặp được Nhị da, và nghe được tiếng gào thét của Đại a-ca, lòng ta thật xúc động. Lần ấy cũng chỉ có hai anh em mình, có điều lần ấy là ở trên một bãi tha ma hoang vắng ở ngoại thành, còn lần này thì lại ở giữa vườn ngự uyển trong nội phủ. Lần này là cảnh xuân sắp qua, còn lần ấy là ngày thu đã vãn. Cảnh ngày ấy: Bãi tha ma, rừng cỏ dại và gió lạnh thấu xương, so với quang cảnh trước mắt đây thật là một trời một vực. Doãn Đề đã nhớ ra, đó là vào năm thứ 56 niên hiệu Khang Hy,úc thọ Đức phi (thân mẫu của Ung Chính và Doãn Đề), hai anh em cùng nhau đến mừng thọ mẹ. Bằng lòng yêu thương con vô bờ của một người mẹ, Đức phi đã khéo léo khuyên nhủ hai đứa con của mình, biết rằng chúng đang kình địch nhau vì chính kiến bất đồng. Sau đó hai anh em đã phóng ngựa ra ngoài thành, họ dừng ngựa tại một bãi tha ma lạnh lẽo và hoang vắng, rồi cùng nhau tâm sự. Nhưng vì sự bất đồng quá lớn về chính kiến nên hai người không thể xích gần lại nhau. Còn bây giờ hai anh em lại muốn ôn lại chuyện cũ giữa Ngự hoa viên khi mà một bên là kẻ chiến thắng đang sắp sửa ra tay trừng phạt phía bên kia, kẻ chiến bại. - Trẫm tước bỏ tước vương của nhà ngươi, lại sai ngươi đi Tuân Hóa coi giữ phần mộ - Im lặng hồi lâu, rồi Ung Chính mắt nhìn thẳng vào Doãn Đề nói qua kẽ răng: - Ngươi suy nghĩ thế nào? Ở đây chỉ có hai người, nhà ngươi có thể cứ nói thẳng ra. Doãn Đề vẫn đi theo Ung Chính đang chậm rãi dạo bước trên những vạt cỏ xanh rờn, suy nghĩ một lát thấy rằng thà cứ vòng vo úp mở với ông anh hoàng đế vốn dĩ luôn thận trọng đến từng chân tơ kẽ tóc và rất hay khắt khe bắt bẻ này, còn hơn là nói thẳng, bèn nói: - Việc đó, đệ thừa biết là việc đương nhiên, tình thế buộc phải thế, sau khi đánh trận Bình Dương trở về, thần đệ đã dự đoán cả rồi. Việc xử lý đối với thần đệ như vậy, thần rất biết ơn, quả thật, thần rất biết ơn hoàng thượng! - Hả? - Ung Chính bỗng quay mặt lại, ánh mắt long lên như vừa kinh ngạc vừa nghi ngờ, nhưng không tỏ vẻ tức giận, lát sau nhếch mép cười và nói: - Sao nhà ngươi lại nghĩ Doãn Đề cũng nhìn thẳng vào Ung Chính, không hề tỏ ra sợ hãi, bốn mắt nhìn nhau hồi lâu, rồi Doãn Đề từ từ quay mặt, ngước nhìn những đám mây trắng trên trời xanh, nói: - Hoàng thượng khi vừa yên vị ở ngai vàng, đã tự tay viết bài "Bàn về tệ nạn bè phái", hoàng thượng đã cho thần nói thẳng, thần xin nói thẳng: Trong lòng hoàng thượng luôn cho rằng, thần là một vây cánh của "Đảng Bát da"! Ung Chính mắt nhìn trừng trừng vào Doãn Đề, thấy Doãn Đề không nói tiếp nữa bèn lên tiếng: - Cứ nói tiếp đi, trẫm đã nói rồi, hôm nay, kẻ nói không có tội mà! Doãn Đề cười lạnh nhạt: - Thực ra, cũng chẳng có gì nhiều để nói, tốn công săn đuổi đã nhiều năm, hoàng thượng đã chiến thắng lên ngồi trước ở ngai vàng, thế nhưng thế lực của tám ông hoàng vẫn còn mạnh lắm, nên hoàng thượng không thể yên lòng, đương nhiên là phải loại trừ từng người một. Vì vậy, hoàng thượng đã tước bỏ binh quyền của đệ, điều ngay thần đệ về Kinh. Cũng vì vậy mà hoàng thượng đã đẩy Cửu ca đến chỗ Niên Canh Nghiêu, bắt Thập ca đi Trương Gia khẩu. Hoàng thượng muốn phải giải tán ngay cái "đảng" ấy đi, thần đệ đương nhiên sẽ phải đi thật xa để coi giữ phần mộ. Và trước cuộc đi xa ấy, hoàng thượng cũng không quên việc gia ân cho thần đệ được cùng đi để tận mắt nhìn thấy tình cảnh hiện tại của hai hoàng huynh đang bị giam cầm trong cung thất. Điều đó không nói cũng đã rõ. Ở Tuân Hóa, nếu thần đệ không chịu ngoan ngoãn, thì cũng sẽ được như hai ông hoàng kia mà thôi, hoặc tàn tạ như ông hoàng hai, hoặc điên khùng như ông hoàng cả. Được như vậy chính là nhờ có tấm lòng từ bi của hoàng thượng. Vì vậy thần đệ mới dám nói rằng, thần đệ rất biết "công ơn trời bể" của hoàng thượng. Vì rằng "thần đáng tội chết" cơ mà! - Được lắm! - Ung Chính gật đầu cười lớn. Tiếng cười của hoàng thượng nghe có vẻ ngây thơ và sảng khoái nhưng trên khóe môi kia người ta dễ nhận ra một sự lạnh lùng nham hiểm và cả sự kiêu ngạo khinh đời nữa: - Có nhiều điều trẫm định nói với khanh, nhưng khanh đã biết cả rồi, không cần phải nói nữa. Có điều khanh chỉ nói đúng có một nửa. Bài viết "Bàn về tệ nạn bè phái" của trẫm, không phải là nhằm vào tám ông hoàng, mục đích của trẫm nhằm đánh vào tập tục khoa giáp của người Hán. Tập tục khoa bảng đồng niên, tình nghĩa thầy trò kết thành một khối, nhất hô bách ứng, một người làm quan cả họ được nhờ. Trẫm muốn sửa sang lại chế độ quan lại kéo bè kéo cánh đó. Còn khanh, nếu khanh cứ tự nhận mình là người của "Đảng Bát da", theo trẫm cũng chưa hẳn vậy. Ví như Doãn Tự, chỉ cần biết an phận, thì vẫn cứ là anh em của trẫm đấy thôi. Thế nhưng, ai dám ngăn cản, chống phá việc lên ngai vàng của trẫm, dù là anh em, cha con, hay các vị công hầu thì trẫm quyết không nể nang, nương nhẹ. Trẫm chịu mệnh trước hoàng thiên,trẫm phải luôn xứng đáng với hoàng thiên hậu thổ, với tổ tiên và với muôn đời con cháu mai sau. Tước bỏ tước vương của khanh, sai khanh đi đọc sách giữ gìn phần mộ ở Tuân Hóa, không phải chỉ vì cái gọi là "Đảng Bát da" gì gì đâu. Cứ cho rằng ông hoàng chín, ông hoàng mười, và cả khanh nữa cứ sống đường hoàng ở đất Bắc Kinh, chẳng lẽ nào trẫm lại không có quyền bắt giữ các khanh, không có quyền xử tội các khanh? Vì vậy việc trẫm sai khanh đi Tuân Hóa, khanh chớ s diễn lung tung. Đã Ở đất Tuân Hóa, thì phải biết suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa của hai chữ "Tuân Hóa". Chỉ một việc ấy thôi, khanh đã thấy lòng trẫm từ bi đến mức nào. Nghe Ung Chính thao thao bất tuyệt, thuyết lý kế tình, tưởng như muốn bóc cả ruột gan để tỏ lòng thành thực. Hoa hồng có gai, trong mớ lời nói đó tuy còn ẩn chứa nhiều điều giả dối, nhưng phần thật vẫn nhiều hơn. Nghĩ vậy, Doãn Đề liền thưa: - Hoàng thượng không cần nói thêm điều gì nữa, ngay ngày mai thần đệ sẽ lên đường, sẽ đóng cửa đọc sách và suy ngẫm như lời hoàng thượng dạy, sẽ không phụ lòng mong mỏi của hoàng thượng. - Cứ vậy mà làm! - Ung Chính không nói thêm gì nữa. Đôi mắt u buồn đăm đăm nhìn về phía cổng Ngự hoa viên: - Con người không phụ lòng trời đất, thì trời đất tất sẽ không phụ công người. Ngươi hãy tự lo liệu lấy!