"Nghe đây con kia, đừng có để tau phải nghe thấy lần nữa về chuyện mầy xòe đuôi công lượn quanh cái thằng Nâuơ í! Kẻo tau lấy gậy hồ đào quất cho mầy ngay giờ!". Đang hướng về nhà, Kunta sững lại cách cửa lều chừng hai, ba bước và đứng nghe Bel nói tiếp: "Mà mầy đã tròn mười sáu đâu! Bố mầy biết mầy dở trò dư thế, thì nghĩ sao?".Ông lặng lẽ quay lưng và đi lộn lại theo con đường dẫn đến cái yên ắng riêng tư của chuồng ngựa để suy nghĩ về những hàm ý của điều ông vừa nghe thấy. "Xòe đuôi công" quanh Nâuơ! Bel không đích thân mục kích đó là chuyện gì, nhưng ai đó đã mách bà. Chắc hẳn đó là thím Xuki hay bà chị Manđi! biết tỏng hai bà già này, ông sẽ chẳng lấy gì làm lạ nếu một trong hai hoặc cả hai đã chứng kiến một điều gì hoàn toàn hồn nhiên vô tội và chế biến đi cho có vẻ khêu gợi, chỉ cốt có đầu đề để kháo chuyện. Nhưng đó là cái gì? Suy từ những điều ông nghe lỏm được có lẽ Bel sẽ chẳng mách với ông làm gì, trừ phi cái đó được lập lại và bà cần ông ra tay ngăn chặn. Cái đó thuộc loại sự việc mà ông chẳng bao giờ muốn hỏi Bel vì nó hệt như chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà.Nhưng nếu như nó không hồn nhiên như thế thì sao? Kitzi có làm duyên làm dáng trước Nâuơ không? Và nếu có thì Nâuơ đã làm gì để khuyến khích? Anh ta có vẻ là một thanh niên tốt nết, có danh dự - nhưng ai biết đâu đấy.Kunta không biết nên cảm hay nên nghĩ thế nào. Dù sao đi nữa, như Bel nói, con gái họ mới mười lăm, tuổi ấy theo phong tục của đất tubốp, hãy còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện lấy chồng. Ông nhận ra rằng những cảm nghĩ của mình không còn mang sắc thái Phi mấy nữa, song cách nào đó, ông cảm thấy mình chưa sẵn sàng hình dung Kitzi với cái bụng to tướng như ông đã thấy ở biết bao thiếu nữ trạc tuổi cô, thậm chí còn trẻ hơn nữa.Nhưng nếu nó lấy Nâuơ thật, ông nghĩ, ít nhất con chúng sẽ đen chứ không phải là một trong những đứa bé nhờ nhờ tai tái nọ; sản phẩm của những bà mẹ bị bọn chủ hoặc xúbadăng dâm dục hãm hiếp. Kunta cảm tạ Chúa Ala là Kitzi của ông cũng như mọi phụ nữ khác trong xóm nô chưa bao giờ phải đứng trước cái kinh nghiệm khủng khiếp ấy, hoặc chí ít cũng là từ khi ông ở đây, vì không biết bao nhiêu lần ông đã nghe thấy mexừ Uolơ phát biểu giữa đám bạn bè, kịch liệt chống sự pha trộn hai dòng máu da trắng và da đen.Trong mấy tuần sau, hễ có dịp, Kunta lại bí mật theo dõi xem Kitzi có dấu hiệu ngoáy mông ngoáy đít gì không. Ông chưa bao giờ bắt được cô làm thế, nhưng một đôi lần, cả ông và Kitzi đều giật mình khi ông bắt gặp cô đang xoay tít người trong lều hết vòng này đến vòng khác, ngắc ngư đầu và mơ màng hát âm a một mình, Kunta cũng giám sát kỹ Nâuơ; ông nhận thấy là giờ đây - khác với trước kia - Nâuơ và Kitzi thường gật đầu và mỉm cười mỗi khi gặp nhau trong tầm nhìn của bất cứ người nào khác. Càng ngẫm về điều đó, ông càng suy đoán mạnh mẽ rằng hai cô cậu đang khéo léo che giấu tình cảm nồng cháy của mình. Sau một thời gian, Kunta quyết định là chẳng có gì hại trong việc Nâuơ và Kitzi dạo chơi trò chuyện công khai với nhau; trong việc anh ta theo cô đến nơi họp trại hay các cuộc nhảy múa nhộn nhạo tổ chức mỗi năm một lần vào mùa hè, ở đó kết đôi với Nâuơ chắc chắn phải hơn là với một gã lạ mặt sỗ sàng nào đó. Thật vậy, có khả năng là sau khoảng một vụ mưa nữa, Nâuơ thậm chí có thể biến Kitzi thành một cô dâu tốt cũng nên.Trong Kunta, hé lên một nhận thức là Nâuơ đã bắt đầu quan sát ông cũng chặt chẽ như bên phía ông và giờ đây Kunta bồn chồn dự tiên rằng cu cậu đang cố thu hết sức lực thần kinh để xin cưới Kitzi. Vào một buổi chiều chủ nhật đầu tháng tư - mexừ Uolơ đã mời một gia đình khách về nhà sau buổi lễ chầu ở nhà thờ và Kunta đang đánh bóng chiếc xe của khách bên ngoài chuồng ngựa thì một thứ linh tính bảo ông ngước nhìn lên và ông thấy gã Nâuơ đen bóng và thon thả đang xuôi theo con đường từ xóm nô, quả quyết đi tới.Đến chỗ Kunta, Nâuơ nói không chút ngập ngừng, như thể lời lẽ đã được ôn tập nhiều lần: "Bác già, chỉ có mỗn một mình bác là cháu cảm thấy tin được thôi. Cháu phải nói mới một người nào đó. Cháu không thể sống dư thế này nữa. Cháu phải chạy trốn thôi".Kunta sửng sốt đến nỗi mới đầu ông không thể nghĩ ra điều gì để nói - ông chỉ biết đứng ngây ra đó nhìn Nâuơ trừng trừng.Cuối cùng, Kunta thốt ra được mấy tiếng: "Mầy không được chạy đâu với Kitzi!" Đó không phải là một câu hỏi, mà là một tuyên bố!"Không bác ạ, cháu đâu có muốn đưa cô í vào vòng rắc rối".Kunta cảm thấy bối rối. Sau một lát, ông nói một cách lửng lơ: "Tau cho rằng ai cũng có lúc cảm thấy muốn chạy".Nâuơ rõi nhìn vào mắt ông: "Kitzi bỉu cháu là cô Bel kể bác đã chạy trốn bốn lần".Kunta gật đầu, mặt vẫn không lộ vẻ gì là đang nhớ lại về bản thân mình ở tuổi này, chân ướt chân ráo tới đây với nỗi ám ảnh tột cùng: chạy trốn, chạy trốn, chạy trốn, đến nỗi mỗi ngày chờ đợi, rình ngóng cơ hội sắp tới, dù chỉ được nửa phần thuận lợi, đều là một cực hình không chịu nổi. Vụt cái, một nhận thức ập đến trong đầu ông: Nếu Kitzi không biết ý đồ của Nâuơ - như câu nói vừa nãy của gã có thể diễn giải vậy - thì khi người yêu đột nhiên biến mất, chắc chắn cô sẽ sụp hoàn toàn - không mấy lâu sau nỗi buồn tan nát lòng liên quan đến đứa con gái tubốp. Ông nghĩ quả là vô phương. Ông nghĩ là, vì nhiều lý do, bất kể điều gì ông sắp nói với Nâuơ đều phải được cân nhắc cẩn thận.Ông nghiêm nghị nói: "Tau không bỉu mầy chạy hay không chạy. Cơ mà nếu mầy chưa sẵn sàng chết, ngộ dư mầy bị bắt, là mầy còn chưa sẵn sàng"."Cháu không có định bị bắt", Nâuơ nói. "Cháu nghe nói cái chính là mình cứ theo sao Bắc đẩu, rồi có người da trắng Quêicơ khác mấy các nhọ tự do giúp mình trốn ban ngày. Thế rồi một khi đến cái bang Ôhaiô í là mình tự do thôi".Nó chả biết gì cả, Kunta nghĩ thầm. Làm sao việc tẩu thoát lại có thể đơn giản đến thế được? Nhưng rồi ông hiểu ra là Nâuơ còn trẻ - như ông dạo xưa, rằng cũng như phần đông nô lệ, Nâuơ ít khi đặt chân ra ngoài địa phận đồn điền. Chính vì thế mà phần lớn những kẻ chạy trốn, đặc biệt là cánh lực điền, thường bị túm sớm đến thế, sau khi bị gai góc cào tướp máu, đói gần chết và thất thểu trong rừng cùng những đầm lầy nhung nhúc rắn hổ mang và rắn chuông. Vụt cái, Kunta nhớ lại cảnh chạy trốn, bầy chó, những cây súng, những ngọn roi - cái rìu."Mầy chẳng biết mầy đang nói gì đâu, thằng nhỏ ạ!" ông rít lên, nói rồi lại hối luôn, gần như cùng một lúc. "Tau muốn nói là... cái đó không dễ dư thế đâu! Mầy có biết gì về dững con chó săn họ dùng để bắt mầy không?".Bàn tay phải của Nâuơ luồn vào túi và rút ra một con dao. Gã mở ra đánh tách, lưỡi dao được mài sắc đến độ ánh lên lờ mờ. "Cháu hình dong là chó đã chết thì chả ăn thịt được ai". Catô đã nói là Nâuơ không biết sợ gì cả. "Cháu không thể để cái gì ngăn mình lại, thế thôi". Nâuơ nói, gập dao lại và bỏ vào túi. “Ờ, nếu mầy chạy thì mầy sẽ chạy”, Kunta nói.“Cháu không biết đích xác bao giờ”, Nâuơ nói. “Chỉ biết là cháu phải đi thôi”.Kunta lại nhấn mạnh lần nữa một cách vụng về: “Mầy bảo đảm sao cho Kitzi đừng có dính gì vào đấy”.Nâuơ không có vẻ gì là bất bình. Anh đàng hoàng nhìn thẳng vào mắt Kunta. “Không, bác ạ”. Anh ngập ngừng: “Dưng khi đến miền Bắc cháu định làm việc và mua cho cô í tự do”. Anh dừng một lát. “Bác chớ nói gì mấy cô í về chuyện này nhá!”.Bây giờ đến lượt Kunta ngập ngừng. Rồi ông nói: “Cái í là chuyện mầy mấy nó”.“Cháu sẽ nói mấy cô í vào đúng thì đúng lúc”, Nâuơ nói.Bằng một cử chỉ bồng bột, Kunta đưa cả hai tay nắm lấy tay gã trai trẻ. “Tau hy vọng mầy đạt được”.“Thôi, tạm biệt bác!” Nâuơ nói và quay mặt đi trở về xóm nô.Đêm ấy, ngồi trong phòng ngoài căn lều, đăm đăm nhìn ngọn lửa thắp của khúc gỗ hồ đào cháy trong lò sưởi. Kunta mang một sắc diện xa vắng khiến cả Bel và Kitzi; dựa vào kinh nghiệm trước đây, đều biết là đừng có nhọc công vô ích tìm cách gợi chuyện ông. Bel lặng lẽ đan. Kitzi, như thường lệ, gò lưng trên bàn tập viết. Rạng đông, Kunta quyết định xin Chúa Ala phù hộ cho Nâuơ may mắn. Ông lại một lần nữa nghĩ rằng nếu Nâuơ bỏ đi thật, điều đó hẳn sẽ làm tan nát lòng tin của Kitzi vốn đã bị “mămzen” An làm tổn thương nặng nề. Ông ngước lên và ngắm khuôn mặt cô con gái quý Kitzi đang lặng lẽ mấp máy môi theo ngón tay lần suốt chiều ngang trang giấy. Cuộc sống của những người da đen trên đất tubốp xem ra đầy khổ đau, nhưng ông ước sao mình có thể tránh cho con gái phần nào.