Dịch giả: Dương Tường
Chương 97

“Nghe nói bây giờ mày có bốn đứa con trai liền tù tì!”. Ông chủ xuống ngựa trong khu luyện gà. Phải mất cả một năm ròng, nỗi sợ hãi pha với giận dữ của dân da trắng miền Nam – trong đó có mexừ Liơ - mới xẹp hẳn. Tuy một hai tháng sau cuộc nổi loạn, ông chủ đã lại đem Joóc-Gà đi theo đến các cuộc chọi gà, thái độ lạnh lùng rõ rệt của ông ta mãi đến hết năm mới tan hết. Nhưng vì những lý do mà cả hai đều không biết, từ đó quan hệ của họ dường như lại gần gũi hơn bao giờ hết. Không ai nhắc đến chuyện cũ lần nào, song cả hai đều tha thiết hy vọng sẽ không còn có những cuộc nổi dậy của người da đen nữa.
 
“Vâng! Con trai to bự đẻ trước lúc rạng sáng, thưa ông chủ!” Joóc-Gà nói, anh đang trộn khoảng một tá lòng trắng trứng và một cốc vại bia với bột yến mạch, lúa mì giã cùng một loạt nhiều thứ cỏ nghiền nát để nướng thành một thứ bánh đặc biệt làm nguồn thức ăn dự trữ mới cho đám gà chọi. Anh mới học được “bí quyết” ấy ngay sáng nay thôi, do bác Mingô già ốm yếu truyền lại một cách miễn cưỡng; mexừ Liơ đã ra lệnh cho bác phải nghỉ trong lều cho đến khi những cơn ho không dự đoán trước được và ngày càng nặng của bác dứt đi.Trong thời gian đó, một mình Joóc-Gà phải ráo riết luyện hơn hai mươi con gà chọi thượng thặng sau những đợt lọc loại hết sức nghiệt ngã trong số bảy mươi sáu con mới trưởng thành vừa mang về từ bãi thả.
 
Chỉ còn chín tuần lễ nữa là đến ngày anh và mexừ Liơ phải đi Niu Oliânz. Những năm chiến thắng ở địa phương, cộng với không ít thành công ở các cuộc đấu toàn bang, cuối cùng đã khiến ông chủ mạnh dạn đem mười hai con gà thượng thặng của mình xuất trận trong cuộc đấu “chủ lực” nổi tiếng vào ngày đầu năm, mở màn mùa chọi ở thành phố đó. Nếu gà của Liơ có thể thắng trong nửa số trận đấu với các cỡ gà tranh giải vô địch được tập hợp tại đấy, ông chủ không những chỉ vơ được một tài sản, mà còn có thể một sớm một chiều tót lên địa vị được công nhận trong toàn bộ giới chơi gà trùm sỏ. Chỉ riêng cái khả năng ấy cũng đã gây háo hức đến nỗi Joóc-Gà hầu như không thể nghĩ đến điều gì khác.
Mexừ Liơ đã dắt con ngựa qua và buộc một đoạn ngắn dây cương vào hàng rào song mây. Sải bước trỏ lại gần Joóc, ông chủ dụi mũi giầy vào một túm cỏ và nói: “Kỳ cục dữ, bốn thằng nhỏ mà mày không lấy tên tao đặt cho thằng nào”.
 
Joóc-Gà vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ - và bối rối: “Ông rành là có lý, thưa ông chủ!” anh ấp úng thốt lên. “Đúng là có cái đích đáng để đặt tên cho thằng nhỏ này – Tôm! Vâng, thưa ông, Tôm!”.
 
Ông chủ coi bộ mãn ý. Rồi ông đưa mắt nhìn về phía căn lều nhỏ dưới gốc cây, vẻ mặt trở nên nghiêm trang: “Lão già thế nào?”.
 
“Thưa ông chủ, con nói thật với ông, khoảng giữa đêm qua, bác í bị một cơn ho xấu tệ. Đấy là vào trước lúc bác Pompi được phái xuống đây gọi cháu lên kia khi Tilđa đẻ. Đúng sáng nay, cháu nấu nướng một chút cho bác í ăn thì bác í ngồi dậy và ăn hết sạch, lại thề rằng mình thấy trong người dễ chịu. Bác í khùng lên khi cháu bảo bác í phải nằm trong giường cho đến khi nào ông biểu bác í có thể ra ngoài”.
 
“Thôi được, dù sao cũng cứ để cái con ó già ấy nằm yên trong đó một hôm nữa đã”, ông chủ nói: “Có lẽ tao phải kiếm một ông đốc-tờ xuống đây xem cho lão. Cái bệnh ho tệ hại này cứ trở đi trở lại, chừng nào còn thì chẳng hay gì!”.
“Đúng thế, thưa ông. Nhưng rành là bác í chả tin gì đốc-tờ, thưa ông chủ”…
“Tao bất cần lão ấy tin cái gì! Nhưng ta hãy xem đến hết tuần, lão ấy ra sao…”
 
Trong khoảng một giờ sau, mexừ Liơ kiểm tra đám gà con và gà tơ trong chuồng rào, và cuối cùng, đến những con gà tuyệt vời đang được Joóc-Gà chăm nom và rèn luyện. Rồi ông ta nói chuyện về chuyến đi sắp tới một lúc. Sẽ phải mất gần sáu tuần mới tới Oliânz được, ông nói, nếu đi bằng cỗ xe tải nặng nề ông đang thuê đóng ở Grinxborâu. Xe này sẽ có thêm một moóc phụ với mười hai chuồng gà lắp vào tháo ra được, một bàn đệm đặc biệt cho gà tập luyện hằng ngày trong khi đi đường, cùng các giá, máng, thùng đặc biệt mà mexừ Liơ đã chỉ định rõ để đựng mọi thứ vật dụng và dự trữ cần thiết cho chuyến đi dài mang theo gà chọi. Chiếc xe sẽ xong trong vòng mười ngày nữa.
 
Khi mexừ Liơ về rồi, Joóc-Gà đắm mình vào những nhiệm vụ còn lại trong ngày. Anh đang đẩy đàn gà đến mức cực hạn. Ông chủ đã giao quyền cho anh vận dụng nhận định cá nhân của mình để loại thêm bất cứ con nào anh phát hiện thấy có một tật nhỏ bất luận thuộc loại gì, bởi lẽ chỉ những gà hay toàn diện nhất mới có thể hứa hẹn một triển vọng ở trình độ thi đấu đang chờ chúng ở Niu Oliânz. Làm việc với đàn gà, anh vẫn nghĩ về loại âm nhạc mà họ bảo anh sắp được nghe ở Niu Oliânz, bao gồm những dàn kèn đồng lớn diễn qua các phố. Người thủy thủ da đen anh gặp ở Saletơn còn nói rằng cứ đầu giờ chiều mỗi ngày chủ nhật, hàng nghìn người lại tụ tập ở một quảng trường lớn gọi là “Quảng trường Côngô” dể xem hàng trăm nô lệ biểu diễn các điệu nhảy của các vùng và các dân tộc Phi châu, nơi quê cha đất tổ của họ. Và gã thủy thủ thề rằng bến cảng Niu Oliânz vượt bất cứ bến cảng nào gã từng thấy. Còn cái khoản phụ nữ í chứ! Cả một nguồn vô tận, gã thuỷ thủ nói, muốn chuộng lạ bao nhiêu cũng có, đủ mọi loại và mọi màu da, nào “loại một nửa”, nào “loại một phần tư máu đen”, “một phần tám máu đen”. Anh nôn nóng chỉ muốn đến ngày đó.
 
Chiều muộn hôm đó, sau nhiều lần định làm thế nhưng lại mắc một việc vặt vãnh gì đó, cuối cùng Joóc gõ cửa bước vào căn nhà gỗ bừa bộn và sực mùi ẩm mốc của bác Mingô.
“Bác thấy trong người thế nào?” Joóc-Gà hỏi. “Có cái gì cháu làm được cho bác không?” Nhưng anh không cần đợi trả lời mới biết.
Ông lão nhợt nhạt và yếu đến mức anh sửng sốt – nhưng cáu bẳn hơn bao giờ hết vì nỗi bắt buộc phải nằm ì.
 
“Mầy ra khỏi đây! Đi mà hỏi ông chủ xem tau thấy trong người thế nào! Ông í biết hơn tau đấy!” Rõ ràng bác Mingô muốn được yên thân, nên Joóc đành bỏ đi, bụng nghĩ bác ta sắp sửa giống lũ gà mồi dai thịt, nhọn lông của mình - những con lão tướng xương đồng da sắt của bao phen chiến trận, nhưng bị tuổi già đuổi kịp và tàn phá, chủ yếu chỉ còn lại bản năng.
 
Mặt trời lặn được một tí thì những con cuối cùng tập xong bài luyện cánh và trở về chuồng, và cuối cùng, Joóc cảm thấy rảnh rang về thăm nhà, ít nhất một lát. Về tới lều, mừng rỡ thấy Kitzi đang ở thăm Matilđa. Anh vừa nắc nỏm cười vừa kể cho hai người nghe câu chuyện trao đổi ban sáng với ông chủ về việc đặt tên đứa bé mới đẻ là Tôm. Kể xong, anh rất ngạc nhiên nhận thấy hai người dường như không chia sẻ sự vui thích của mình. Matilđa là người lên tiếng trước, lời lẽ của cô thẳng thừng và vô thưởng vô phạt: “Ờ, chắc là có hàng nút Tôm trên đời này”.
 
Nom mẹ anh như vừa phải nhai một bánh xà phòng: “Tui đồ chừng tui mấy Tilđa cùng cảm thấy dư nhau, cơ mà nó không muốn chạm đến tình cảm anh mới ông chủ quý hóa của anh. Chả có gì không ổn về đằng ông chủ đâu. Tui rành là chỉ muốn đứa nhỏ tội nghiệp nầy mang tên một ông Tôm nào khác kia”…Bà ngập ngừng, rồi vội vã nói thêm: “Là vì đấy chỉ là ý kiến của tui thôi – đây không phải là con tui, không phải việc của tui!”
 
“Phải, đấy là việc của Chúa!” Matilđa cáu kỉnh nói, bước tới lấy quyển Kinh thánh. “Trước khi đẻ, tui đã lục tìm trong Kinh thánh xem có nói gì về các tên”. Cô giở vội qua các trang, thấy đoạn, trang và câu định tìm đọc to lên: “Kỷ niệm về người chính trực được ban phước. Còn tên của kẻ ác sẽ thối rữa!”.
“Xin Chúa thương xót!” Bà nội Kitzi thốt lên.
 
Joóc-Gà phát khùng đứng dậy: “Vậy thì được! Rồi các người biểu mấy ông chủ thế nào đây?” Anh đứng nhìn chằm chằm. Anh đang phát ớn vì sự ngầy ngà khó chịu khi anh về nhà của chính mình! Và anh đã ngấy quá xá cái thói của Matilđa cứ dẫn Kinh Thánh hoài hoài để chê bai chỉ trích. Anh moi óc tìm một điều gì anh đã có lần nghe thấy; đây rồi: “Các người gọi nó là Tôm Baptix [1] vậy!”. Anh quát to đến nỗi ba đứa con trai thò mặt ra ở  cửa phòng ngủ, và đứa sơ sinh mới được một ngày khóc oà lên khi Joóc-Gà sầm sầm ra khỏi nhà.
 
Đúng vào lúc đó, tại bàn giấy phòng khách trong đại sảnh, mexừ Liơ chấm bút vào mực, rồi nắn nót viết vào mặt trong tấm bìa trước quyển Kinh Thánh của ông ta một dòng ghi ngày sinh tháng đẻ thứ năm nằm dưới bốn cái tên đã ghi ở đó – Joóc-Gà và ba đứa con trai đầu của anh: “Ngày 20 tháng 9 năm 1833…Matilđa đẻ con trai…tên Tôm Liơ”.
Giận dữ trở xuôi con đường cái lớn, Joóc sôi máu vì nỗi không phải là anh không yêu thương Matilđa. Cô là người phụ nữ tốt nhất, trung thực nhất anh từng gặp. Tuy nhiên một người vợ tốt không nhất thiết phải là một người đàn bà ngoan đạo, luôn luôn chỉnh đốn chồng mỗi khi anh ta giở giói, mà hành động ấy chỉ là đầy tính người thôi. Một người đàn ông có quyền thi thoảng hưởng sự gần gũi với loại phụ nữ chỉ muốn tìm vui thú trong cười đùa, dí dỏm, rượu chè và những thôi thúc của thể xác. Và qua những chuyến đi chung trong năm qua, anh biết mexừ Liơ cũng vậy. Mỗi lần sau khi dự chọi gà ở gần một đô thị lớn nào đó, bao giờ họ cũng ở lại thêm một ngày, gửi la vào chuồng và thuê người trông nom gà, trong khi đó anh và mexừ Liơ mỗi nguời đi một ngả. Sáng sớm hôm sau gặp nhau ở chuồng ngựa, họ thu thập gà lại và đánh xe về nhà, mỗi người đều nương giữ cái dư vị sau đêm hành lạc và cả hai đều không nói một lời nào tỏ ra mình biết người kia đã đi mò gái.
Năm ngày sau, cơn lôi đình của Joóc-Gà mới nguôi đủ mức để khiến anh nghĩ đến việc quay về nhà. Sẵn sàng tha thứ cho mẹ và vợ, anh sải bước trên đường về xóm nô và mở cửa lều.
“Lạy Chúa! Anh đấy ư, Joóc?” Matilđa nói: “Lũ trẻ sung sướng biết mấy được thấy lại bố! Nhất là thằng bé này. Lần rồi, anh ở đây nó đã mở mắt đâu!”
Tức thì nổi cáu, anh sắp quay ngoắt ra  ngoài thì chợt thấy ba đứa con trai đầu – lên năm, lên ba và lên hai – lóng ngóng nép vào nhau, giương mắt nhìn anh với vẻ gần như sợ hãi. Anh cảm thấy một nỗi thôi thúc muốn vơ lấy chúng và ghì chặt vào lòng. Sắp tới anh không được thấy chúng trong ba tháng khi anh đi Niu Oliânz; anh phải mang về cho chúng một số quà thật thú vị mới được.
Anh miễn cưỡng ngồi xuống cạnh bàn, trên đó Matilđa bày bữa ăn cho anh; chị cũng ngồi xuống đọc kinh, rồi đứng lùi lại nói: ‘Vơjơl, đi mời bà nội sang đây!”
Joóc-Gà ngừng nhai, chỉ nuốt chỗ thức ăn trong miệng. Hai mẹ con họ mưu tính trò gì để hành mình lần này đây?
Kitzi gõ cửa và bước vào, ôm ghì Matilđa, hôn hít, vồ vập, chậc lưỡi với ba thằng nhỏ, trước khi đưa mắt nhìn con trai. “Thế nào, khoẻ không? Bao lâu không gặp anh!”
“Mẹ có khoẻ không ạ?” Mặc dầu đang sôi máu, anh vẫn cố gượng đùa.
Ngồi xuống ghế và đỡ lấy đứa bé từ tay Matilđa, mẹ anh nói với giọng gần như có tính chất đàm thoại. “Joóc à, các con anh muốn hỏi anh cái gì đấy”… Bà quay lại, phải không Vơjơl?”
Joóc-Gà trông thấy thằng con lớn nhất lẵng nhẵng đằng sau. Không biết họ đã mớm lời cho nó những gì?
“Bố” cuối cùng nó nói, giọng lanh lảnh, “bố kể cho chúng con nghe về cụ tổ chứ?”
Luồng mắt của Matilđa lia tới anh.
“Con là người tốt, Joóc ạ”, Kitzi nhẹ nhàng nói. Chớ có bao giờ để ai bỉu con thế khác! Mà cũng chớ có bao giờ cảm thấy mẹ và vợ con không yêu thương con. Mẹ cho rằng có lẽ con lẫn lộn không thấy rõ mình là ai và đôi khi không rõ chúng ta là ai. Chúng ta cùng một dòng máu, cũng dư cụ của dững đứa trẻ này”.
“Điều í ở ngay trong Kinh Thánh”, Matilđa nói. Thấy cái liếc mắt ngài ngại của Joóc, cô nói thêm: “Không phải mọi cái gì trong kinh thánh đều nghiêm khắc, Kinh Thánh nói bao nhiêu về tình yêu”.
Tràn ngập xúc động, Joóc-Gà kéo ghế lại gần lò sưởi. Ba thằng bé ngồi bệt xuống trước mặt anh, mắt long lanh dự cảm, và Kitzi trao đứa bé cho anh. Lấy nét mặt trang nghiêm, anh hắng giọng và bắt đầu kể cho bốn con trai nghe câu chuyện của bà nội về cụ tổ chúng.
“Bố, con cũng biết chuyện!” Vơjơl xen vào. Làm điệu mặt với bọn em, nó tự động kể tiếp - cả những tiếng Phi nữa.
“Nó đã nghe anh ba lần, còn bà thì chưa kể lại cho xong thì chưa bước qua ngưỡng cửa để về!” Matilđa vừa nói vừa cuời, Joóc nghĩ thầm: đã bao lâu anh chưa nghe thấy vợ mình cười?
 
Cố gắng giành lại  trung tâm chú ý, Vơjơl nhảy lên nhảy xuống chồm chồm. “Bà nội bỉu người Phi làm cho chúng ta biết chúng ta là ai!”
“Đúng thế!” bà nội Kitzi nói, mặt tươi rói.
 
Lần đầu tiên trong một thời gian dài, Joóc-Gà cảm thấy căn nhà gỗ lại là tổ ấm của mình.
Chú thích:
[1] Joóc lẫn với thánh Jăng Baptixtờ người báo truyền sự ra đời của đạo Thiên chúa và làm lễ rửa tội cho Chúa Jêxu

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley