Tập I
CỬU VƯƠNG ĐOẠT ĐÍCH
HỒI THỨ MƯỜI BẢY
Mở miệng nói, lãng tử chịu đòn phạt
Cất lời phải, từ phụ hành gia pháp

    
rong số các a-ca, chỉ có Thập tứ a-ca Dận Đề là biết rõ tối nay Thập a-ca cố ý gây chuyện. Dận Đề từ Mộc Lan vi trường trở về, liền đi thăm Cửu a-ca Dận Đường. Người chốn Kinh sư đã thấy rõ ràng tình thế hiện nay, nhưng mọi người vẫn không động thần sắc lẳng lặng chờ đợi màn kịch hay. Dận Đề, Dận Tường cùng năm sinh, cũng giống nhau ở tính tình hào hiệp, phóng khoáng, cũng giống nhau ở chỗ thích tập võ, luyện binh; ngay cả dười hai a-ca này cũng tương tự như nhau. Chàng là con cùng mẹ với Dận Chân, đều do Đức phi Ô-Nhã thị sinh ra. Chế độ của triều. Thanh đối với các hoàng tử là; a-ca bất luận đích hay thứ, hễ là nam thì vừa lọt lòng là bảo mẫu đã phải bế đi giao cho nhũ mẫu. Mỗi a-ca có tám bảo mẫu, tám nhũ mẫu, lại còn có các người phục vụ khác như: người khâu vá, người tắm rửa, người đèn nến, người nấu nướng riêng. Đến thời kì thôi bú, lại thêm tám thái giám có học vấn uyên thâm phục vụ việc dậy dỗ về ngôn ngữ, về cách đi đứng, về lễ tiết, từ những việc giơ chân, nhấc tay; trông nhìn trái phải cũng phải đúng quy cách, họ phải làm sao cho các hoàng tử có dáng dấp ung dung, phong thái đàng hoàng; những người thái giám này gọi là "An đạt". Tất cả những vấn đề trên, các a-ca không phải chịu sự giáo dục trực tiếp từ người sinh ra mình, ngay các anh em của họ đối xử với nhau cũng chỉ là chuyện quan hệ lễ tiết mà thôi; cho nên về mặt tình cảm đầm ấm gia đình của họ đối với bố, với mẹ, với anh em, với các thân thuộc hầu như nhạt nhẽo. Lúc Dận Chân lọt lòng lại vừa đúng lúc Hiếu Thành hoàng hậu sinh con mà con lại chết yểu, nên Dận Chân được đặc cách bế vào Chung Túy cung để hoàng hậu trông nom cho khuây khỏa nỗi buồn con chết. Vì việc đó mà đã khơi dậy lòng đố kị của các a-ca khác đối với Dận Chân. Ở chỗ Dận Đề; ngày qua, tháng lại tuy có sự nghe quen tai, nhìn quen mắt nhưng Dận Chân vẫn không tránh khỏi những lời trêu chọc. Do sự việc ấy nên từ nhỏ Dận Đề và bọn Dận Tự đã rất thân nhau, còn Dận Đề đối với Dận Chân thì tình anh em cùng một mẹ cũng nhạt phai dần!
Khi đó, cặp mắt sáng quắc của Dận Chân nhìn về phía Dận Đề đang thản nhiên như không và Dận Tường đang cười cợt nhìn ngó chung quanh. Một mặt Dận Chân cũng nghênh giá như mọi người khác, tuy khấu đầu nhưng trong lòng vẫn cười thầm; bỗng ông nghe thấy mọi người hô to: "Vạn tuế", ông cũng lại khấu đầu và cao hô: "Vạn vạn tuế"'.
- Thôi, được rồi.
Khang Hy nét mặt tươi cười, rạng rỡ, hai tay khẽ giơ lên, nói:
- Hôm nay là gia yến, mọi người cứ vui chơi thỏa thích; không cần câu nệ lễ tiết! Những năm trước vào lúc này ta cũng ban yến cho các quần thần. Họ tuy được hưởng thụ quân ân, nhưng lại không được đoàn tụ với gia đình. Năm nay đổi khác một chút; ban ngày ban yến, buổi tối ai về nhà nấy để ai cũng được vui với gia đình. Dận Tự nghĩ như vậy là rất chu đáo.
Nói rồi Khang Hy đứng dậy thay thường phục; đội chiếc mũ đài sa nhung thiên nga, bên trong nhà vua mặc áo bào kép lụa màu cánh gián, ngoài khoác áo kim long bông tơ Thạch thanh cách, lưng thắt một đai múi có giải vàng, chân đi đôi hài đen hương lí, sa tanh xanh; nhà vua thong thả đi về phía đài Bái Nguyệt trước ngự đình.
Lúc này gió mát khí thoáng, ánh trăng trong sáng trên bầu trời thẳm bàng bạc nhẹ tỏa khắp nơi. Khói hương nghi ngút trên Bái Nguyệt đài, trên án có lò, gương, đỉnh, chũm chọe, ngọc xích hổ liệu, bát lưu li, đèn dầu kim long; bên cạnh la liệt các pháp vật như bánh xe vàng, bánh xe bạc, bánh xe sứ, ngựa bạc, voi bạc, cá bạc, ốc sên bạc, tướng quân bạc, nam bạc, nữ bạc, đèn bạc, hũ bạc, ô bạc. Khang Hy nhúng tay vào chậu bạc đựng nước, dáng điệu bỗng trở nên vô cùng trang trọng. Nhà vua lãng lẽ vái dài, ngửa mặt im lặng nhìn ra ánh trăng mênh mông, lẩm bẩm khấn:
- Tổng lý sơn hà, thần Ái-Tân-Giác-La Huyền- Hoa-Huân-Mộc cẩn tấu với thượng thiên: Người ta sống trên đời, lập công dễ, thành công khó; thành công dễ, hoàn tất công khó; giỏi lúc khởi thủy, tất phải thận trọng lúc chung cuộc. Huyền-Hoa này tự nghĩ: Con người hoàn mỹ xưa nay không hề có. Thần nguyện giảm thọ để mong cầu trở thành một người hoàn mỹ, xin thượng thiên che chở
Vì đứng gần, nên Dận Chân nghe rất rõ lời khấn đó, ông nghĩ phụ hoàng lao tâm khổ tứ; một đao, một thương khai sáng đế nghiệp, đêm ngày cố gắng không mệt mỏi mong có được đời thịnh trị để thành vị lệnh chủ một đời; nay phụ hoàng lại nguyện giảm thọ để cầu được toàn danh; điều này bất giác làm Dận Chân sững sờ! Dận Chân đương suy nghĩ thì Khang Hy quay người lại cười nói:
- Đã cúng trăng rồi, mọi người hãy ngồi vào bàn tự do thưởng nguyệt. Các hoàng tử dưới bảy tuổi có thể ngồi cùng bàn với mẹ. Thế là ổn rồi; nhưng cũng đừng nên ăn uống quá nhiều, hại cho tì vị.
Cỗ bàn đã chuẩn bị đâu vào đấy, tất cả là ba mươi bàn. Các bàn đặt so le, bàn kê rải rác bên ngọn giả sơn, cạnh nhà thủy tạ. Từng bàn, từng bàn các thứ sơn hào, hải vị xếp chật cứng, chồng đống. Bàn của Khang Hy đặt dưới nguyệt đàn, ở giữa là một đĩa ngũ phúc, bầy thịt vịt thái sợi, yến sào như ý, rau cải thịt vịt hun, ngũ hương xào với thịt hoẵng, canh đan quế, bao tử dê thái lát, một đĩa tráng men bốn vòng một màu đựng đồ điềm tâm, bánh trung thu nhân đường quế hoa, bánh màn thầu nhỏ mắt voi, bánh ngọt, diện đào, dưa hấu, dưa Ha mi, táo, vải, nho... và nhiều thứ khác. Khang Hy cười nói với Dận Nhưng:
- Khổ cho con, lần này phải thanh lý nợ đọng, công việc làm như thế là tốt, không như những lần trước phải mệt mỏi vì lo trước nghĩ sau! Công việc được như vậy, trong lòng trẫm thấy rất khoan khoái. Con là thái tử, vậy cùng ngồi một bàn với trẫm nói chuyện.
Nhân thấy Ngạc Luân Đại bước vào bèn nói:
- Ngươi nói với phòng Ngự thiện, làm bốn mâm cỗ như thế này đặt ở Viên môn khẩu, các ngươi ngồi bồi tiếp Vũ Đan cho vui. Dọn một mâm ở Dục Khánh cung, thưởng phi tử của thái tử Thạch thị và các thế tử của thái tử!
Nói rồi Khang Hy nhấc đũa, mọi người bấy giờ mới cùng ăn. Dưới ánh trăng trong sáng tỏa khắp hoa viên; tiếng cốc, tiếng bát đũa va chạm nhau nhưng không hề có một tiếng cười nói nào hết. Khang Hy biết sở dĩ như vậy vì do mình có mặt ở đây nên nhà vua cười, nói:
- Nếu sớm biết thế này thì chẳng bằng ta cùng các quan uống rượu lại hóa hay! Bây giờ các ngươi ai có chuyện cười kể cho trẫm vui thì sẽ có thưởng!
- Thừa ý của phụ hoàng con xin có một chuyện vui!
Dận Nhưng dẫn đầu, đứng lên khom người, ông xưa nay vốn là người ôn hòa, cử chỉ văn nhã, nhưng ít vui chuyện do vậy, ông phải nghĩ lâu lâu mới bắt đầu kể được:
- Trước đây nhi thần có nghe người ta kể một chuyện, mà là chuyện thực của bản triều, Từ Cầu Nhâm ở đạo Tế Ninh, ông này đã bị bãi quan năm ngoái; khi Từ còn tại nhiệm, có một tên họ Vương giết một người họ Doãn. Khi bắt được hung thủ, Từ Cầu Nhâm chỉ vào Vương và đập bàn mắng quát rằng: Đạo vợ chồng đã ghi trong tam cương. Thế mà gia đình người ta, vợ chồng đang vui vầy, vì sao ngươi lại phân rẽ, khiến cho vợ họ phải ở góa? Bây giờ ta sẽ bắt ngươi phải lấy vợ tên Doãn, để cho vợ ngươi biết thế nào là cái khổ góa chồng!
Dận để xong liền liếc nhìn Trịnh Xuân Hoa, Trịnh vội quay mặt đi nói chuyện với Trần thị.
Khang Hy ngẩn người ra một lúc rồi mới định thần lại được; nhà vua bất giác cười lớn, nói:
- Người đó là do Minh Châu tiến cử đấy; không ngờ anh ta lại có cái kiểu xử tội như vậy; tuyệt diệu thay lời phán xét đó! Chuyện cười này hay đấy! Lấy chiếc quạt trúc Tương Phi có chữ trẫm viết thưởng cho thái tử.
Ngồi bàn dưới là Dận Thì, ông chính là cháu ngoại Minh Châu. Minh Châu nắm quyền chính hơn hai mươi năm, quyền nghiêng triều dã, nhưng vì đối đầu với thái tử nên Minh Châu bị bãi quan. Dân Thì thấy thái tử nói chuyện cười đó thì rất giận, ông nghĩ: người ta đều chết cả rồi, mà vẫn không chịu tha!... Ông liền đứng dậy, cười nói:
- Người ta nói gà có năm đức, nhưng ở phủ con có nuôi một con mèo Ba-tư, nó cũng có năm đức: thấy chuột không bắt, thế là nhân! Chuột tha cá trong đĩa nhưng lại cứ để cho nó tha đi, thế là nghĩa; nhà người ta làm cỗ mời khách, nó biết liền đến ngay, thế là lễ; thức ăn ngon dù cất giấu cẩn thận đến đâu nó cũng ăn vụng được, thế là trí; mỗi khi đến mùa đông giá lạnh thì nó vội đến lồng ấp để sưởi, thế là tín...
Chuyện kể chưa dứt thì mọi người đã cười ran.
- Nhi thần cũng xin góp một chuyện!
Dận Đường ngồi ở bàn bốn, thấy ngay là hai người lấy câu chuyện cười để đả kích nhau, nên rắp tâm muốn chê bai cả hai, liền đứng dậy cười nói:
- Tô Đông Pha có một người con rất xuẩn ngốc. Năm đó mưa tuyết nhiều. Đứa cháu của Tô Đông Pha bướng bỉnh không chịu học bài, ông liền bắt nó phải quì trên tuyết học thuộc thiên "Khuyến học". Đứa con ngốc của ông nhìn thấy, liền cũng ra quì. Tô Đông Pha hỏi vì sao con lại quì? Đứa xuẩn này nói: bố làm con con phải chịu rét; con cũng làm cho con bố phải chịu rét!
Lời nói vừa dứt thì mọi người đã cười rũ rượi. Ở mấy bàn các phi tần ngồi, các nàng phải lấy khăn bịt miệng rồi cười lên khanh khách, cười nghiêng, cười ngả! Khang Hy cười phải ôm lấy ngực nói:
- Cửu a-ca thường ngày là người trầm mặc ít nói, thế mà kể chuyện lại hay; thưởng cho a-ca một tập giấy Tống chỉ.
Dận Tự bất giác mỉm miệng cười, ông đang định lục tìm trong óc lấy một câu chuyện để góp vui thì nhìn thấy Dận Ngã đang bước vào trong hoa viên; tim ông vụt bỗng nặng trĩu và ông đang định gọi thì Khang Hy đã nhìn thấy, nhà vua cười hỏi:
- Nhà ngươi chui ở đâu ra thế? Uể oải như thế là thành tính đấy, thật chẳng ra thể thống gì cả? Phạt ngươi phải kể.
- Vâng!
Dận Ngã vốn tính thẳng thắn, bộc trực, không để bụng chuyện gì, nên có phần được Khang Hy yêu thích, xưa nay nhà vua vẫn có ý nuông chiều vị a-ca này. Dận Ngã đi đến bàn ba, miệng cười:
- Nhưng chuyện này lại không được nhã lắm. Năm trước vâng lệnh thánh chỉ lão Phật da đi Sơn Tây chẩn tế, nhi thần có qua Vĩnh Tế đến thăm chùa Phổ Cứu (215). Ở đó có một tập quán không hay, đi đại tiện chùi đít không dùng giấy mà dùng thân cây cao lương, và họ đặt cho nó một cái tên rất đẹp là "Xí trù".
Chàng nói tới đây thì mọi người đều sững người, nhưng Dận Ngã lại nói tiếp:
- Nhi thần nghĩ rằng, mọi người thì không kể làm gì, nhưng trước kia Trương Sinh và Thôi Oanh Oanh; cô nàng Thôi Oanh Oanh nhan sắc khuynh quốc, khuynh thành, dung mạo thì nguyệt thẹn, hoa nhường mà dùng cái của quỉ đó để chùi đít thì chùi làm sao cho sạch được?...
Mọi người lúc đầu còn yên lặng nghe, nhưng đến đó thì không ai không chau mày, lắc đầu, bĩu môi, chép miệng. Khang Hy cau mày nhưng nhà vua vẫn cười, nói:
- Thật bậy quá, nhà ngươi còn để cho mọi người ăn uống được ngon lành không? Phạt ngươi một chén rượu!
Dận Ngã liền "ực" một tiếng, uống cạn ngay một chén rượu đầy rồi nhăn nhở nói:
- Vâng... quả thật là dở ẹt! Nhưng lại còn một chuyện nữa. Có một bọn cướp sông, đến cướp một chiếc thuyền buôn, không ngờ khi mở khoang thuyền thì toàn là hương nến (216). Những thứ này, để thì không biết để vào đâu, bán đi thì giá rẻ, vất đi thì lại tiếc. Do đó bọn cướp bàn với nhau: Chúng ta làm cái nghề đi buôn không vốn này, chỉ bằng thủ đoạn dao trắng đâm vào, rút ra thành dao đỏ, tất cả đều trông vào sự phù hộ của ông trời; nay ta đã vớ phải món hàng như thế này thì đốt mẹ nó đi vậy, cũng coi là chuyện công đức. Thế là bọn chúng đem số hương nến đó đốt hết, hương thơm bay tới tận cửu trùng. Ngọc đế ngửi thấy, hỏi:
- Nhà ai làm việc công đức lớn như vậy?
Nói rồi Ngọc đế lệnh thần Thiên đinh ra xem xét. Thiên đinh quay lại bẩm: Thưa, không thấy gì hết, chỉ thấy mấy đứa trông rất đáng thương đang đứng khóc; một bọn cướp đang đứng cạnh họ đốt hương nến!
Mọi người đều nghe rõ, nhưng thật ra đó đâu phải là câu chuyện cười! Mặt Khang Hy sa sầm, nhà vua thong thả đặt chén rượu xuống bàn. Tất cả các a-ca vay bạc của bộ Hộ đều thấy động lòng, mọi con mắt của họ đều dồn vào nhìn Dận Tường, một con người vừa qua đã hoành hành hống hách, khiến cho bách quan phải "gà bay, chó trốn" hết. Dận Tường nuốt nước bọt, chàng đứng ngay lên, cười nói:
- Nhi thần cũng xin kể một câu chuyện về thuyền; năm ngoái con đi qua Vu Hồ; Vu Hồ Đạo là Lôi Dung đến gặp con, con hỏi ông ta:
- Quí đạo đi thuyền đến ư? Thuyền ở đâu?
Ông ta trả lời: Thuyền ở trên sông. Con vừa bực mình lại vừa buồn cười, liền hỏi: "Thật là bao cỏ (217)"; Không ngờ ông ta lại đáp ngay: bẩm Thập tam da, "bao cỏ" ở trong thuyền!
Sau lưng Dận Ngã, mọi người thường vẫn tặng chàng biệt hiệu là "Mười "bao cỏ"". Vì mọi người đều biết như vậy, cho nên khi Dận Tường kể câu chuyện cười này thì không ai dám cười, chỉ có Khang Hy cười phì cả ngụm rượu đang ngậm trong miệng, nhưng khi thấy Dận Ngã giận quá mặt trắng bệch thì nhà vua không cười nữa mà chỉ im lặng liếc nhìn hai người. Lúc này năm, sáu trăm người trong Ngự hoa viên đều nín hơi, lặng tiếng;  mọi người đều dự cảm tối nay sẽ có chuyện và họ đều đặt cốc xuống bàn, lo sợ nhìn Dận Ngã, Dận Tường như nhìn hai con gà chọi. Dận Nhưng biết rằng hai người anh em mình sắp gây gổ với nhau, nên hoang mang liếc nhìn Khang Hy. Ông muốn đứng dậy ra ngăn lại nhưng không dám, chỉ một mực đưa mắt cho Dận Chân, ra ý bảo Dận Chân ngăn Dận Tường lại, Dận Chân thì đang tập trung tinh thần theo dõi sự phát triển của tình hình, không biết gì đến những cái đưa mắt của Dận Nhưng.
- Này Thập tam đệ!
Cuối cùng thì Dận Ngã không nín được, dằn mạnh cốc xuống bàn cười nói:
- Vừa rồi đệ kể câu chuyện về "bao cỏ"; ngoài Đức vạn tuế ra, thì mọi người chúng ta chẳng ai cười cả; đệ thật đáng phạt ba chén rượu!
Dận Tường cười hì hì, tay cầm hồ rượu; trước con mắt mọi người chàng đi thong thả đến bên Dận Ngã, cười nói:
- Đức vạn tuế cười, tức là đệ đã tận được đạo hiếu, người khác thì dù có khóc tôi cũng chẳng quan tâm! Thập ca đã nói như vậy, thì đệ cũng nghĩ đến câu chuyện trên thuyền đốt hương của huynh. Vậy không biết chuyện đó xẩy ra ở triều đại nào? Thuyền của ai bị cướp, bọn phỉ cướp thuyền đó người ta đã bắt được chúng chưa?
- Đệ hỏi về những điều đó? - Dận Ngã cười nhạt nói tiếp: - Nó vẫnâu chuyện từ rất lâu rồi, không thể tra cứu được về triều đại cũng như về năm tháng đâu; nhưng có điều là, kẻ nào có dã tâm của những tên cường đạo thì kẻ đó tất động lòng. Nhưng tôi thì tôi biết kẻ nào đã bị cướp. Đức vạn tuế vừa hỏi tôi, vì sao đến chậm, tôi không dám trả lời vì sợ rằng hôm nay là tết Trung thu tôi nói ra thì sẽ làm mất mặt "nhà trời". Không giấu gì người anh em của tôi, nhà tôi đã bị cướp; trong nhà bị cướp sạch như chùi. Chị dâu đệ, cháu đệ thật rất đáng thương, chỉ biết khóc thôi! Tôi đến đây phải đi mượn một bộ quần áo tương đối mới dám vào đó; thế mà vẫn cứ phải gượng cười để nghe người ta cạnh khóe. Người anh em xem tôi có khổ hay không?
Dận Tường làm như mới chợt hiểu, nói ngay:
- Chà! Chẳng trách Thập ca đến chậm, thì ra là đi mượn quần à!
Dận Ngã thấy Khang Hy chăm chú theo dõi cuộc đối thoại nên càng muốn làm tới, chàng toang toác:
- Người anh em thật cũng lanh lợi đấy, thật chú là kẻ đánh trống mà không cần dùi. Đệ muốn ta nói rõ, thì ta nói: Đệ và cái tên Thi Thế Luân khốn kiếp đều là những tên cường đạo! Hôm qua ta đã cho tên Thi một vố, như vậy đệ tất mất lòng; đó cũng là điều dễ hiểu thôi! Với ta thì ta chẳng sợ cái gì, dù có mất đầu thì cũng phải còn cái sẹo to như thế này!
Dận Ngã lấy tay khoanh một vòng tròn, cười rồi nói:
- Ta làm như thế này thật ra cũng không hay lắm, rất giống một tên khốn nạn con một mụ dâm tiện, thực ra thì như vậy cũng là không phải với đệ, nhưng ta là một con người thô bạo mà!
Bấy giờ Khang Hy mới hiểu rõ nguyên ủy sự việc; việc thanh lý nợ đọng đã làm cho hoàng tử phải đi đến bước cầm bán mọi thứ! Những ý nghĩ này khác nối tiếp nhau xuất hiện rất nhanh trong đầu óc nhà vua: Thập a-ca làm sao phải đến nỗi như vậy? Phải chăng đã trao đổi với bọn Bát a-ca rồi tối hôm nay y mượn cơ hội này để gây chuyện, bây giờ tốt hơn cả là ta xem thái độ của Dận Nhưng; Dận Chân? Khi nhà vua đưa mắt nhìn Dận Tự thì Dận Tự cũng cuống cà kê đến nỗi mặt vàng đi, ông ta chỉ còn biết chau mày, thở dài, thái tử cũng tỏ ra tức giận, không nói một lời, còn Dận Chân ngồi bàn thứ hai thì lớn tiếng nói:
- Thập tam đệ, chú lại đây ngồi về phía bên này! Hắn là một tên rất tồi, chú đôi co với hắn làm gì?
- Huynh mới thật là tồi tệ!
Dận Ngã bỗng nhiên nổi khùng, gào lên với Dận Chân:
- Bắt kiến rán lấy mỡ, chỉ cần tiền chứ không sợ xấu mặt! Huynh không tin thì xin đến nhà tôi xem xem. bọn chúng nó không phải là đang khóc sao?
Lời nói vừa dứt thì Dận Chân đã vặc lại ngay:
- Ai biết được là khóc hay là gào? Cho là khóc đi nữa, thì cũng đúng như lời người xưa đã nói: khóc trong nhà còn hơn ra đường mà khóc!
Dận Tường tiếp luôn:
- Cứ theo lời Tứ ca thì có tiếng, có nước mắt gọi là khóc; có nước mắt, không có tiếng gọi là "khấp"; có tiếng, không có nước mắt gọi là gào, ai biết đâu các người...
Dận Tường rất hả dạ, dương dương đắc ý còn chưa giải thích xong thì "bốp" một tiếng, trên má chàng đã bị một cái tát rất giòn của Dận Ngã:
- Ngươi là cái thá gì, chẳng qua chỉ là đứa con rơi của đồ dâm tiện thôi! Ngươi chỉ biết theo đuôi nịnh hót thái tử và Tứ ca rồi móc ngoặc, liếm đít...
Dận Ngã nói sùi cả bọt mép, nhưng một cái tát đánh trả làm Dận Ngã nổ đom đóm mắt, thế là hai anh em quần nhau trước bàn tiệc.
- Đánh nhau rồi! Tất cả mọi người đều đứng cả lên, phút chốc Ngự hoa viên đã rối như một mớ bòng bong. Vũ Đan, Ngạc Luân Đại cùng các thị vệ ở ngoài nghe thấy tiếng náo động liền ùa vào hộ giá, thấy quang cảnh như vậy đều sững sờ, họ muốn xông vào để kéo hai người ra thì Khang Hy ngăn lại, họ đành đứng vào một phía. Thái tử vội chạy đến, giang tay can gián, nhưng xưa nay ông vốn là người không cứng rắn nên chẳng bên nào chịu nghe lời ông. Dận Thì làm ra vẻ ta đây là người đứng đầu phái "đại ca" ra sức quát nạt; Dận Chỉ thì khuyên người này, thuyết phục người kia; Dận Cụ, Dận Tộ xưa nay vốn thật thà thì run rẩy sợ hãi không biết phải làm gì; Dận Tự lúc này đã định thần, ngồi quạt mát, uống trà, trầm ngâm không nói năng gì hết; Dận Đường, Dận Đề thì giúp Dận Ngã; vừa đẩy vừa giằng!. Các hoàng tử khác thì có người đánh hôi, có người sắc mặt xanh xám, cứng lưỡi câm họng; có người thì túm năm tụm ba nói bóng nói gió không ra đầu ra đuôi gì
- Xem đánh nhau kìa!
- Việc gì phải
- Lung tung quá!
- Chà! Loạn thật!
Dận Kì, Dận Tắc, Dận Vi tuổi còn nhỏ, những hoàng tử này đã bị các nhũ mẫu đẩy vào một bên, chúng sợ quá nào khóc, nào kêu... khoảnh khắc trong vườn ngự uyển mọi người như kiến trong nồi nóng, sùng sục như nước sôi trong vạc; ồn ào, rầm rĩ không thể nào tả nổi.
- Tất cả dừng tay! - Khang Hy đột nhiên gầm lên. - Cho hai đứa tiểu súc sinh đánh nhau, cứ đánh nhau nữa đi; đánh cho chết đi!
Cuối cùng thì Khang Hy không nén được nữa; con thì đông, mỗi người lại một tính nết riêng, nhà vua vốn cũng biết rằng giữa họ không được hòa thuận với nhau, nhưng cũng tưởng đó chỉ là sự không phục giữa người được tin cậy và người không được giao việc. Không ngờ đó lại là những sự có liên quan tới quốc sách; cờ trống phân biệt; nước, than không thể cùng lò! Khang Hy nổi giận đùng đùng khiến cho các hoàng tử không ai là không sợ; người nào, người ấy mặt xanh xám, vâng dạ luôn miệng rồi xin cáo lui. Dận Ngã, Dận Tường khắp người bụi đất cũng bò dậy, trên mặt họ chỗ thì đen, chỗ thì tím! Dận Ngã nhổ nước miếng rồi quay mặt đi chỗ khác, Dận Tường đưa mắt nhìn chung quanh, thấy trừ Dận Chân ra thì đều là người ngoài; mặt chàng nhăn lại, thớ thịt giật giật mấy cái rồi "òa" một tiếng, Dận Tường khóc sướt mướt rất to, chàng phục xuống đất, kể lể:
- Con xin thất lễ, con xin chịu sự trừng phạt của a-ma, hôm nay con chỉ cầu xin Vạn tuế da trả lại cho con sự công bằng... nói rõ mẹ đẻ ra con thật sự có phải là dâm... tiện...
Nguyên ủy căn do của việc này, dù Khang Hy có nói suốt ngày cũng không thể nói rõ, nhưng mọi sự hôm nay rõ ràng là Dận Ngã cố tình gây chuyện lại ra tay đánh người trước. Khang Hy sững sờ một chút rồi nói:
- Ngươi đứng dậy! Mẹ ngươi là công chúa A Tú của Thổ-Tạ-Đồ-Hãn có thân phận quí trọng. Chỉ vì mệnh số phạm phải sao Hoa Cái nhiều nạn, lắm bệnh. Trẫm đặc chỉ cho phép xả thân xuất gia; sự thật là vậy, ngươi không nên nghe lời nói bậy của bọn tiểu nhân! Trẫm đã ban tứ cho mẫu thân ngươi danh hiệu: tấn phong Chương Giai thị là Kính Mẫn Hoàng quí phi! Còn Dận Ngã, trước đây trẫm đã không hỏi gì ngươi về việc bỏ bê học nghiệp, suốt ngày lêu lổng. Việc ngươi vay mượn tiền bạc, làm nhục đình thần giờ đây trẫm cũng chưa muốn hỏi; chỉ riêng hành động của ngươi tối nay; vô sỉ, bừa bãi như vậy là vì sao? Ngươi đã sống đủ rồi sao?
- Không phải là nhi thần đã sống đủ rồi!
Dận Ngã đã được Dận Đề, Dận Đường cho biết về cá tính của Khang Hy: càng tỏ ra cứng cựa thì lại càng được Khang Hy đánh giá cao, nên Dận Ngã đã chống chế ngay.
- Đó là người ta muốn hãm hại nhi thần! - Dận Ngã tiếp - A-ma chắc đã biết từ khi họ bắt đầu thanh lý nợ đọng, đã làm chết mất hai mươi ba mệnh quan triều đình. Nhi thần không muốn làm người thứ hai mươi tư! Trong chỉ dụ đã nói việc thanh lý thì Tứ ca Dận Chân phụ trách, vậy Thập tam đệ vì sao mà lại "giương cung bắn người"? Bọ hung mà lại muốn chui vào mũ ô-sa. Đức vạn tuế, xin người đừng trừng mắt nhìn con; dù có chết ngay con cũng xin nói cho bằng hết. Họ cứ làm như là "súng nổ trong nhà", bắt giết từng anh ruột, em ruột mình, làm cho các quí thích, tông tọi nhà như ngồi trên gai; thử hỏi có triều đại nào như vậy? Bạc của Tam ca đã được Vạn Tuế ứng cho, các anh em khác nhà ai mà không cùng kiệt, như vậy con còn lòng dạ nào mà nói chuyện cười để cho a-ma vui được?
Nói đến đây, không biết câu nói nào làm cho Dận Ngã xúc động khiến hai hàng lệ đã tuôn rơi trên má chàng.
Khang Hy vốn đã biết rằng công việc ở bộ Hộ thì do Dận Nhưng, Dận Chân chỉ đạo, còn Thập tam a-ca thì ở bộ Hộ ra tay thực thi, như vậy thì Dận Tường tránh sao khỏi bị mất lòng với nhiều người; nhưng nhà vua thật không ngờ lại đến nỗi hoàng tử phải cầm bán gia sản, bất giác trong lòng nhà vua thấy nặng trĩu. Đương trầm tư thì Dận Chân đứng lên điềm nhiên nói:
- Chú Thập, chú Dận Tường hành động không kiêng nể ai, vậy thì hành động của chú là có kiêng nể mọi người sao? Thi Thế Luân là một viên quan rất thanh liêm; vậy mà trước hàng nghìn, hàng vạn người đệ đã làm nhục ông ta!
Nói rồi Dận Chân kể lại tỉ mỉ hành động của Dận Ngã ngày hôm qua ở Đại Lang miếu:
- Thi Thế Luân hôm qua đến gặp tôi, khóc một trận. Do vào ngày tết sợ hoàng thượng biết thì người thêm bực mình, tức giận nên ông ta không làm tấu sớ - một người trung lương như vậy; a-ca chúng ta vì sao lại có thể làm nhục ông ta?
- Thập đệ làm thế là hồ đồ!
Dận Tự sau khi cân nhắc thấy là mình không thể không giúp Dận Ngã để y nhẹ bớt lỗi trong việc này, bèn nói chen vào, rồi tiếp:
- Việc gì cũng có nguyên nhân của nó, Thi Thế Luân cũng có chỗ không phải. ông ta biết rõ là Dận Ngã ở Đại Lang miếu, thế mà lại dội dầu vào lửa, khua thanh la to rồi đi theo con đường đó. Tốt xấu gì thì cũng nên tránh đi một chút!
Dận Chân cười nói:
- Nếu các nô tài trong phủ Thập đệ không ngăn kiệu, chửi mắng; thì Thi Thế Luân sao dám tự tiện bắt người?
- Đánh chó phải nể mặt chủ chứ!
Dận Đường cười nhạt nói:
- Thi Thế Luân dù sao cũng là người Hán, nếu không có người vẽ đường chỉ lối thì y sao dám giương nanh, múa vuốt chứ?
Dận Tường tức giận, mặt trắng bệch, lập tức lớn tiếng đập lại:
- Thi Thế Luân là một liêm quan đệ nhất thiên hạ! Đó là lời của Đức vạn tuế! Thanh lý nợ đọng là chỉ ý của vạn tuế, tiền lấy được về thì đưa vào quốc khố. Thế mà thật nực cười trong việc này lại có sự phân biệt người Mãn, người Hán? Cửu ca, huynh đi Sơn Đông chẩn tế, các quan dưới quyền đều là người Mãn cả sao?
Các a-ca cứ thế lời này, lời nọ ra sức tranh cãi nhau mặt đỏ tưng bừng; một quang cảnh ầm ĩ, náo nhiệt lại xuất hiện.
- Tất cả im hết
Khang Hy thét lên, sau khi đã cân nhắc đi, cân nhắc lại, nhà vua thấy rõ là lúc này, mình chỉ cần tỏ ra đồng tình với Dận Ngã một chút, thì tin đó sẽ lan truyền đi còn nhanh hơn gió, chỉ không đầy ba ngày là cả triều đình đều biết và công việc của Dận Nhưng, Dận Chân, Dận Tường càng khó khăn. Khang Hy từng bước đi đến bên cạnh Dận Ngã, trừng trừng mắt nhìn thẳng vào vị a-ca này một cách nghiêm khắc, nói:
- Giết người đền mạng, vay nợ phải trả; đó là thông lệ từ cổ! Thế mà ngươi lại dám nói như vậy là "cường đạo, cướp của"! Trẫm biết rằng các ngươi rất không phục khi thấy Tứ a-ca, Thập tam a-ca được giao việc nhiều. Các ngươi hãy tự vấn lương tâm xem trẫm không giao việc cho các ngươi, hay các ngươi không chịu nhận việc? Năm Khang.Hy thứ 44 trẫm đã bảo Đại a-ca, Bát a-ca, Cửu a-ca quản bộ Hộ, các ngươi đều nói là "có bệnh"! Thân thể các ngươi quí như vàng chăng? Những việc tốt, công việc có lợi thì các ngươi giành lấy, công việc nặng nhọc thì các ngươi đùn đẩy; người ta làm tất, có kết quả thì các ngươi tị nạnh; các ngươi cho rằng trẫm không biết gì sao?
Lời nói này khiến cho Dận Chân, Dận Tường hầu như muốn rơi lệ, những lời này, thực ra hai người cũng không nghĩ rằng nó lại có thể thấu triệt nhân tình đến vậy! Các a-ca khác nghĩ cũng thấy những lời đó quả thật đúng, nên tất cả đều cúi đầu không ai nói năng gì nữa. Khang Hy lại nói:
- Thái tử và Dận Chân, Dận Tường đem hết tâm sức ra làm việc không sợ oán hiềm, đó là triệu chứng tốt lành của quốc gia, vì sao các ngươi lại làm khó dễ cho họ? Dận Ngã, trước nay ngươi tỏ ra là một đứa kiêu căng, ngạo mạn; không coi ai ra gì đã bất học, lại vô thuật! Trẫm vốn thương ngươi là kẻ thô lậu, nên không hỏi đến. Hôm nay ngay trẫm cũng dứt không thể chịu được nữa; ngươi làm loạn Ngự hoa viên, mặc sức buông thả, như vậy liệu có thể tha tội được không? Thi Thế Luân là trụ cột của triều đình; vậy mà giữa thanh thiên bạch nhật ngươi đã hạ nhục ông ta, ngươi không biết câu: sĩ khả sát, bất khả nhục (218) sao? Người đâu, lại đây!
- Nô tài đợi lệnh!
Lý Đức Toàn mặt vàng sạm, tim đập thình thịch, vội bước lên nói. Liền đó hô:
- Vạn tuế...
- Đưa Dận Ngã đến Tông nhân phủ - Khang Hy nghiến răng nói: - Giao cho Thận hình tư đánh nó mười trượng, giam ba ngày!
Lý Đức Toàn vội "Dạ" một tiếng, lập cập đến trước mặt Dận Ngã khom người xuống, giọng run run nói:
- Thập da... mời...
- Tôi còn chưa tạ ân mà!
Dận Ngã mặt tái mét nói vậy, hai chân quỳ xuống đất; hằm hằm liếc nhìn Dận Tường rồi khấu đầu nói:
- Con xin đi nhận phạt trượng! - Nói rồi Dận Ngã đứng dậy khinh khỉnh bỏ đi, khiến Khang Hy tức giận đứng sững; lát sau nhà vua mới gọi Vũ Đan nói:
- Ta định tối nay uống rượu một lát rồi gọi ngươi vào múa kiếm dưới trăng, nhưng n hết hứng rồi. Mục Tử Hú phải chăng đã đến Kinh? Ngày mai nói với ông ta đưa thẻ bài vào, các ngươi cùng vào đây với trẫm...
Khang Hy thở dài một tiếng, xua tay nói:
- Giải tán thôi!

Hết quyển 1
---------------
(215) Phổ Cứu + Trương Sinh và Thôi Oanh Oanh: Trương và Thôi là hai nhân vật trong tập kịch của Vương Thực Phủ đời Nguyên. Hai người biết và yêu nhau ở chùa Phổ Cứu.
(216) Hương nến: một loại hương để thờ cúng.
(217) Bao cỏ: bị làm bàng rơm. Nghĩa bóng là: đồ ăn hại hay đồ vô dụng, người dốt đặc.
(218) sĩ khả sát, bất khả nhục: kẻ sĩ, có th875; giết được họ nhưng không làm nhục được họ.

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI