oãn Lộc và Hoằng Thời cùng ngồi một kiệu đại quan vào cửa Tề Hóa, đi thẳng đến phủ Tam bối lặc, phủ của Hoằng Thời tọa lạc ở cửa bắc ngõ sâu hun hút đầy hoa. Vì Hoằng Thời phụng chỉ gặp mình, nên Doãn Lộc không nói gì, đợi vị hoàng a-ca này nói trước. Nhưng Hoằng Thời dường như mang nặng tâm sự trong lòng, dưới ánh sáng chiếc đèn lồng mờ mờ, chỉ ngồi lặng lẽ. Nhìn ra bên ngoài qua ô cửa kính, phố xá tối om. Tháng Hai xuân đã tàn, những làn gió se lạnh luồn qua kẽ mành, hơi lạnh khiến Doãn Lộc sởn gai ốc. Chờ qua phủ Ngũ bối lặc, vì thấy trước phủ đèn đuốc sáng trưng, hai mươi mấy gia nhân đang đi lại trước phủ, người thì cầm chổi quét, người thì cầm gậy dài, hình như đang quét dọn trang trí cửa phủ, Doãn Lộc bất giác hiếu kỳ hỏi: - Ngũ bối lặc làm cái trò quỷ gì thế này? Chẳng phải hắn đi miền Bắc rồi sao! Gương mặt thanh tú của Hoằng Thời hé một nụ cười anh ta liếc nhìn ra ngoài nói: - Anh ta đến Mật Vân thì quay lại, trình cho hoàng thượng một bản tấu, nói là bệnh phổi tái phát, khạc ra máu! Chiều tối nay cháu đi ngang qua, có ghé vào thăm anh ta, thấy thần sắc rất tốt, cháu còn nói anh ta mấy câu. Hoằng Thời nói xong, dường như có chủ định gì, thở sâu một hơi. Doãn Lộc thấy lạ hỏi: - Còn trẻ thế, sao mà hắn lười biếng vậy? Thật chẳng khá lên được! Hoằng Thời cả cười, nói: - Lời này của Thập lục thúc cháu đã nói với anh ta. Hoằng Trú lúc đó chặn ngang lời cháu, nói rằng, nếu nói tài giỏi, thì ai sánh được với mấy thúc bá chúng ta, đệ nhìn họ đắc ý lắm sao? Trước mặt thì tươi cười như hoa, sau lưng thì nghiến răng nghiến lợi cuộc sống như vậy vui vẻ lắm sao? - Thật là những lời khốn nạn! Đời cha có tình thế của người cha, đời con có sự nghiệp của đời con chứ! - Doãn Lộc thấy động lòng, nhanh chóng nhìn vị Tam bối lặc mà thực tế là con trưởng này, vừa suy đoán dụng ý của anh ta, nói: - Hoàng thượng chỉ có ba anh em các cháu, ngài lại thường xuyên đau ốm, con cái không chia sẻ lo lắng thì ai chia sẻ được đây? Hoằng Thời chau mày nói: - Không phải thế! Thập lục thúc, hoàng thúc vẫn không hiểu, bên ngoài có những lời đàm tiếu, rằng hoàng thượng từ khi có Kiều Dẫn Đệ, sức khỏe... Lời này cháu không nói ra được. Kiều Dẫn Đệ đích thị là một con hồ ly tinh, ở Sơn Tây đã làm khổ cả quan viên nửa tỉnh, cái mệnh của Nặc Mẫn cũng mắc vào. Lại mê hoặc Thập tứ thúc, làm cho Thập tứ thúc khốn đốn tột cùng, nay vào cung, hoàng thượng lại... Cho dù không có những chuyện đó, thì tiếng tăm gì cơ chứ? Nay hoàng thúc là người nói hoàng thượng dễ nghe nhất, khi thư thả tìm cách khuyên hoàng thượng một chút. Con ngựa "đích lư" (lang trán) thường hại chủ, thì không nên giữ bên mình. Doãn Lộc thở dài một tiếng, những lời này ông cũng đã nghe bên ngoài nói nhiều. Bản thân ông cũng cảm thấy Kiều Dẫn Đệ đi tới đâu là gieo họa đến đó. Ông cũng biết chắc rằng, Ung Chính chỉ là luôn quan tâm hỏi han cô gái này, chứ không sai khiến cũng không bắt hầu hạ, mở miệng khuyên Ung Chính "tránh xa nữ sắc" thì quả thật khó. Ông suy nghĩ một lát rồi hỏi: - Ngũ bối lặc, chính vì những chuyện này mà không chịu đi công cán sao? - Cũng không hoàn toàn như vậy. - ánh mắt Hoằng Thời dường như muốn xuyên thấu vách kiệu nhìn ra xa: - Anh ta nói đi đến Mật Vân, thì gặp một dị nhân tên là Giả Sĩ Phương, ông ta nói quả quyết rằng, nếu anh ta cứ đi về phía bắc, thì năm nay thế nào cũng có tai họa máu chảy. Ngay cả về Bắc Kinh cũng phải giấu mặt một năm mới tránh được họa này. Anh ta tu sửa cửa phủ, có lẽ là nghe lời yêu tà của Giả Sĩ Phương, nghe nói còn định xây một lầu cao ở sau nhà, khi muốn ra ngoài quá, thì trèo lên lầu nhìn ra xa... Mấy lời điên rồ này anh ta nói với một vẻ rất nghiêm túc, khiến cháu không nhịn được cười. Doãn Lộc nghe nói chuyện Giả Sĩ Phương đến chai cả tai rồi. Mấy thái giám trong phủ lặng lẽ tìm mời vào phủ, đoán số cho Doãn Lộc và Thập lục phúc tấn. Doãn Lộc nhớ lại chuyện năm xưa Nhị a-ca bị bóng đè, Tam a-ca mời đồ đệ Trư&#Đức Minh vào phủ xem tướng, Bát a-ca nhờ Trương Đức Minh đoán số cho; mặc dù cũng muốn vị thần tiên này xem lành dữ cho mình, nhưng cuối cùng cũng kìm được. Ông bèn hỏi: - Nghe nói cháu đã gặp đạo sĩ họ Giả, có thật là ông ta có những bản lĩnh đó không? Hoằng Thời cười nhạt nói: - Có người đã khuyên cháu rất đúng, cháu là hoàng tử, là lá ngọc cành vàng, sao lại có thể kết giao với hạng người đó? Doãn Lộc biết rõ là Hoằng Thời nói dối, nhưng nghe anh ta nói rất đĩnh đạc nên không tiện hỏi tiếp đang định chuyển đề tài, thì kiệu lớn đã dừng lại một tên thái giám trương cái giọng vịt đực rựa nói: - Đã đến phủ Tam da, mời hai vị vương gia và bối lặc xuống kiệu! Lập tức hai người thôi nói chuyện, cùng xuống kiệu đi vào phủ. Hoằng Thời vừa dẫn họ đi vào thư phòng, vừa sai: - Cho hai bát sâm nóng. Một gia nhân đáp lời xong, cúi người bẩm: - Bẩm Bối lặc da, Nhị da và Tiền Danh Thế của phủ Di thân vương đã đến, bây giờ còn gặp nữa không ạ? Hoằng Thời dường như sững lại một lát, quay sang nhìn Doãn Lộc, nói: - Thập lục thúc, chi bứ gặp mặt một lát, đợi tống họ đi, ta hẵng nói chuyện. Doãn Lộc nghĩ ngợi một lát, Hoằng Thời là hoàng tử "ngồi xe"', những việc chính sự bình thường không cần thỉnh thị Ung Chính cũng có quyền xử lý, lại phụng chỉ nói chuyện với mình, việc nhỏ này không nên khước từ, bèn gật đầu, cùng Hoằng Thời quay lại thư phòng nhỏ cạnh phòng chính. Hai người bước vào, quả nhiên thấy Nhị thế tử của Di thân vương Doãn Tường đang ngồi giở một quyển sách trước án thư. Bên cạnh có một lão già khoảng 50 tuổi đang cười nịnh tiếp chuyện, Doãn Lộc nhận ra là viên quan thị độc Hàn lâm viện Tiền Danh Thế. Ngoài ra còn có hai người trung niên, vóc dáng mặt mũi giống hệt nhau, đều mặc áo bào lụa xanh lam thêu chữ "vạn", bên ngoài mặc chiếc áo khoác lụa nâu, đều để hàng ria chữ "bát" rậm rì, nhưng thần sắc nơm nớp lo sợ, hai tay chống gối, ngồi nghiêng người đối mặt với Hoằng Hiểu. Thấy Doãn Lộc và Hoằng Thời bước vào, cả bốn người vội đứng dậy, quỳ xuống hành lễ, nói: - Xin vấn an hai vị vương gia! - Thôi thôi. - Hoằng Thời khoát tay, mời Doãn Lộc ngồi, rồi nói với Hoằng Hiểu: - Chúng ta là anh em, suốt ngày gặp nhau, lần sau đệ gặp ta không phải quỳ, chỉ cần vấn an Thập lục thúc là được rồi. Hoằng Hiểu vội khom người đáp một tiếng "Vâng", lại cười nói với Doãn Lộc: - Thập lục thúc cháu xin giới thiệu với hoàng thúc, đây là Tiền Danh Thế, thám hoa năm Khang Hy thứ 42; hai vị này là hai anh em song sinh đỗ cùng một khoa, một người tên Trần Bang Ngạn, tự Sở Ngôn, người này là Trần Bang Trực, tự Sở Văn. Hoằng Hiểu năm nay vừa tròn 20 tuổi, khuôn mặt dài, da mặt tắng ngần, đầu nhọn, tóc dày, bện thành một bím vừa to vừa dài, nói năng nhanh nhẹn, lưu loát, trông vẻ rất già dặn. Anh ta vốn là con trai thứ bảy của Lão quận vương, khi Doãn Tường chưa lấy phúc tấn, Ung Chính đã đứng ra quyết định cho làm con nuôi Di thân vương. Về sau Doãn Tường đắc tội, Khang Hy lại lệnh cho anh ta quay về nhà cũ, cho đến khi Doãn Tường thoát khỏi nhà tù trong khi bị giam lỏng lại có hai đứa con trai với hai thị nữ. Anh ta tuy quay về phủ Di thân vương, nhưng Ung Chính chỉ cho anh tước vị Bá tước nhị đẳng, ngang với tông thất không dùng đến. Nếu nói về tình cảm, thì lại rất hợp với Tam bối lặc Hoằng Thời, vì vậy rất năng đi lại trong phủ này. Hoằng Thời vào Sướng Xuân viên giúp Bảo thân vương Hoằng Lịch giải quyết chính sự, nói hộ là nể mặt Doãn Tường, trên danh nghĩa đã cho Hoằng Hiểu giúp việc trong phủ Nội vụ, cho nên lại càng thân thiết với Hoằng Thời hơn. Hoằng Hiểu lập tức ngồi xuống pha trà, Hoằng Thời liền nói: - Hoằng Hiểu, ta bận tối mắt, các đệ còn làm ta thêm loạn. Có việc gì cứ bình tĩnh đợi ngày mai hẵng nói, sao cứ phải cuống lên thế? - Tam bối lặc tài cao đức trọng, chút việc này có thể còn lo được Hoằng Hiểu hai tay bưng bát, cười hì hì nói: - Trong lòng họ bị giày vò như thiêu như đốt, lão Tiền và chúng ta là chỗ thân tình, đệ không nỡ buông tay mặc kệ. Với huynh, thì nhỏ như hạt cát, còn với họ, việc đó nặng như núi Thái Sơn, huynh nói phải không? Hoằng Thời thấy Doãn Lộc nghệt mặt không hiểu gì bèn nói: - Vẫn là chuyện tặng thơ cho Niên Canh Nghiêu, hôm nay hoàng thượng đã phê chuẩn, họ lo lắng cũng là đương nhiên Vừa nghe Hoằng Thời nhắc, Doãn Lộc lập tức nhớ lại vụ án lớn luận tội Niên Canh Nghiêu, ban cho Niên Canh Nghiêu tự chết, sau đó lại tra ra Uông Cảnh Kỳ nhận chỉ thị của Niên Canh Nghiêu, cùng với bọn Thái Hoài Trân bí mật mưu cứu Thập tứ a-ca Doãn Đề đang bị giam cầm ở Tuân Hóa. Hai vụ gộp lại thành một vụ đại án mưu phản, liên quan đến rất nhiều người. Từ trong quân của Tây Ninh lại điều tra ra chuyện Tiền Danh Thế và hai anh em họ Trần làm thơ tặng Niên Canh Nghiêu. Trần Bang Ngạn va Trần Bang Trực đều dùng tên hiệu là "Sở Kiến", "Sở Văn", làm thơ nói về Niên Canh Nghiêu, nhưng ngoài Niên Canh Nghiêu, cũng còn ca tụng danh tiếng "Đức vua bao trùm trời đất", "trời Nghiêu đất Thuấn phong danh tướng". Còn Tiền Danh Thế lại khác, không hề nhắc đến hoàng ân đế sủng, chỉ một mực tán tụng Niên Canh Nghiêu, lại còn tâng công Doãn Đề, bị mấy "ma vương" hai bộ Lại, Hình điều tra tấu lên. Ung Chính lâu nay trong người khó ở, lại đúng lúc phải nghe quá nhiều lời đồn nhảm, tức giận không trút đâu cho hết, đã phê mấy chữ "hèn hạ vô sỉ, căm giận khôn cùng," giao cho bộ Hình xét xử. Nghe Hoằng Thời nói công văn bộ đã ngự phê, Doãn Lộc liền nói: - Lúc đầu phát đến chỗ ta, khi đó ta không làm được nhờ họ chuyển đến phong Quân cơ nhờ Hoành Thần tướng công phát về bộ, bên trong nói gì, ta cũng không biết. Ba người nghe nói ngự phê xét xử mình của Ung Chính đã truyền xuống, bỗng chốc mặt tái mét, kinh hãi nhìn nhau. rồi đứng cả dậy, đưa ánh mắt sang Hoằng Thời. Hoằng Thời thấy Tiền Danh Thế căng thẳng đến mức cơ má giật giật, anh em họ Trần hai gối cũng run cầm cập, nhưng anh ta không vội nói gì, thở dài một tiếng, ba người sợ hãi co rúm lại. - Việc này vốn không phải là nằm trong tay ta. Tứ đệ (Hoằng Lịch) chưa rời Bắc Kinh, đang chủ trì chính sự của Vận Tùng hiên, hoàng thượng đãu kiến Tứ đệ mấy lần. - Hoằng Thời ung dung nói: - Tứ đệ về nói với ta, tội của các ngươi là tội "tòng nghịch", theo Luật Đại Thanh, mưu phản không phân thủ phạm tòng phạm, nhất loạt xử tội lăng trì. Anh ta liếm môi, vẻ mặt đau buồn, thấy ba người đã.mặt cắt không còn giọt máu, xua tay một cách thỏa mãn nói tiếp: - Hoằng Lịch cũng cảm thấy hình phạt quá nặng, nói chỉ là mấy người đọc sách, lại không có dấu vết mưu phản, không đến nỗi phải dùng hình phạt nặng thế, cũng không thỉnh chỉ mà bác lại bộ Hình, yêu cầu họ xem xét lại, về sau đổi lại thành xử trảm. Bảo thân vương vẫn cảm thấy nặng, đổi thành hình phạt treo cổ trình lên hoàng thượng, Hoằng Lịch lại nói với hoàng thượng, gần đây kinh sư lắm kẻ phao tin đồn nhảm, chi bằng xử nhẹ, để bịt miệng những kẻ tiểu nhân đó. Nghe nói khi ấy Thập lục thúc và Trương Đình Ngọc cũng có mặt ở đó. Doãn Lộc gật đầu, nói: - Hôm đó chưa có quyết định. Hoàng thượng nói, tin đồn nói ta độc ác, ta không thèm quan tâm, nếu muốn ngăn chặn tin đồn nhảm thì chỉ có giết, giết hết các lũ vô phụ vô quân này đi, thì tin nhảm khắc hết. Ta và Hoành Thần khuyên mãi, hoàng thượng mới nguôi nguôi, ngài nói: "để xem đã". Hoằng Thời tiếp lời nói với Tiền Danh Thế: - Hai anh em này còn đỡ hơn ngươi. Ngươi viết thơ cho Niên Canh Nghiêu, một chữ ca ngợi thánh đức cũng không có, chỉ toàn là nịnh thôi! Ông ta phạm tội mưu phản, ngươi không bị cuốn vào mới là lạ chứ? Đừng có run như cầy sấy vậy, nói để ngươi biết, ba người đã giữ được mạng rồi. Cách chức về quê vĩnh viễn không bổ nhiệm, thế nào, còn chưa vừa lòng sao? Ba người lập tức thở phào nhẹ nhõm, sắc mặt cũng dần trở lại bình thường, đầu tiên là Tiền Danh Thế tiếp sau là hai anh em họ Trần quỳ xuống dập đầu lia lịa, miệng lầm rầm: - Hoàng ân mênh mông, đa tạ đức tái sinh của hoàng thượng, đa tạ chư vị vương gia, Bối lặc da hòa giải siêu sinh. Hoằng Thời rút từ ống tay áo ra một bản tấu đã được châu phê đưa cho Hoằng Hiểu, cười nói với ba người rằng: - Tội chết tuy đã được miễn, nhưng có những tội sống cũng rất khó chịu đấy! Đây là bản châu phê, đệ xem! Các ngươi đứng dậy đi! Hoằng Hiểu đón lấy bản tấu xem, một đoạn đầu dài dằng dặc đều ghi quá trình mấy lần bác bỏ rồi luận tội lại của bộ Hình, trong phần để trống đằng sau, những dòng chữ thảo châu sa đỏ tươi nhìn vào mà kinh. Bộ Hình định tội không thỏa đáng. Nếu theo tội "tòng nghịch" lẽ nào Tiền Danh Thế chỉ bị xử qua loa hình phạt "treo cổ"? Tiền Danh Thế quả thực là loại văn nhân bại hoại, đứng đầu loại tội nhân danh giáo của đạo đức Nho gia. Khi trẫm ở phiên trấn, cũng đã từng nghe qua vết xấu của hắn. Trước phụng Đại hành hoàng đế ngự phê. Tiền Danh Thế tu soạn Minh sử, ăn cắp mấy bản thảo của Vạn Tư Đồng làm của mình, bị Cao Sĩ Kỳ phát giác, vẫn điềm nhiên không lấy làm xấu hổ, bị giáng hai cấp đuổi về chức cũ. Điều đó chứng tỏ Thánh tổ đã sớm biết rõ lòng gian nịnh của người này! Trẫm vốn chỉ cho rằng chẳng qua chỉ là loại văn nhân thiếu đức, ngẫu nhiên nổi lòng tham mà thôi,ên vẫn cho làm quan ở Hàn lâm viện, hắn lại hùa theo tên gian tướng lừa trên dối dưới, trẫm quả thực không hiểu hắn đọc sách gì, dưỡng tính gì. Thực là tội nhân danh giáo, là loại kẻ cướp trong văn sĩ? Hắn đáng để làm bẩn lưỡi đao của trẫm sao? Hắn đã lấy văn từ xu nịnh kẻ gian tà, là điều danh giáo không dung, trẫm sẽ lấy văn từ làm pháp quốc, ban cho tấm biển bốn chữ "Tội nhân danh giáo", để làm gương cho thần dân. Còn Trần Bang Nhạn và Trần Bang Trực, chó má theo bầy, cách chức đuổi về quê. Khâm thử! Hoằng Hiểu xem xong, gượng cười đưa bản tấu phê cho Tiền Danh Thế, nói: - Lượng Công (tên tự của Tiền Danh Thế), tính mệnh đã giữ được rồi, mà hình như còn có thể làm một phú ông, chỉ có điều tấm biển bốn chữ "Tội nhân danh giáo" này quá nặng, kẻ sĩ có thể giết mà không thể làm nhục, hoàng thượng quả thật hận ngươi đến cùng cực đấy. Ông cố mà chịu lấy! Mọi người nghe nói Tiền Danh Thế bảo toàn được tính mệnh, ban đầu thở phào nhẹ nhõm, đến khi thấy chiếu chỉ này, ngay cả Doãn Lộc cũng sững người. Tiền Danh Thế đường đường là một tài tử Giang Nam, thuộc nhà dòng dõi thư hương, là "Thám hoa lang" tiến sĩ lưỡng bảng lừng danh thiên hạ, nay phải theo tấm biển "Tội nhân danh giáo" trước cửa nhà mình, không những bôi nhọ tổ tông, mà bản thân cũng không còn mặt mũi nào mà nhìn ai nữa, và con cháu đời sau cũng không còn ngửng đầu lên được. Phải chịu đại nhục như vậy, Tiền Danh Thế chẳng thà chịu một lưỡi dao trên pháp trường cho rảnh nợ. Khi tờ chiếu chỉ chuyển đến tay Doãn Lộc, thì xung quanh mép đã bị mồ hôi của họ làm ướt hết. Doãn Lộc thấy Tiền Danh Thế người gầy đét ngồi như ngây dại bên cạnh, lòng bỗng thấy buồn bã, sắc mặt cũng tái đi, miệng lắp bắp không tìm được lời đểủi, hồi lâu mới nói: - Ngươi đừng lo, đừng chạy vạy nói năng lung tung. Hoàng thượng hiện tại sức khỏe không tốt, tính khí đang nóng nảy, lại toàn phải nghe những lời đồn nhảm về mình, đâm ra phiền muộn, bực tức có nói gì ngài cũng không nghe. Ngươi tạm thời cứ ráng chịu đã, chúng ta sẽ từ từ nói hộ với hoàng thượng cho. - Đa tạ lòng tốt của Thập... Thập lục da. Tiền Danh Thế mệt mỏi nói. Ông ta ngẩng đầu lên, sắc mặt nhợt nhạt như tờ giấy dưới ánh trăng, đầu lắc lư như một kẻ điên, giọng khản đặc: - Danh Thế quả là tội nhân danh giáo. 20 năm chìm nổi ở chốn quan trường, chưa báo đáp được gì cho vua, chưa giúp ích được gì cho dân, dùng văn chương xu nịnh để làm lợi tiền đồ, thân không thoát khỏi mối dây bè cánh, đi trái con đường đức nghĩa của thánh nhân, nói là tội nhân danh giáo quả thật không oan. Còn việc nói ngoài miệng, viết trên giấy hay là treo biển ở cửa, lấy hai chữ "cầu thực" mà nói, không có gì phân biệt lắm. - Hai dòng nước mắt của ông ta bỗng từ khóe mắt tuôn ra: -... Còn với con cháu coi như nô tài có lỗi với chúng, nhà họ Tiền 5 đời có 7 tiến sĩ, gần 100 năm là vọng tộc thư hương, thịnh rồi suy đó cũng là lẽ đương nhiên... Mong sao đời con đời cháu sau này có người biết nhục mà phấn đấu, gây dựng lại nghiệp nhà, nô tài hôm nay dù có chết trong nhục nhã, cũng không oan... Nói xong không kìm được, bật khóc hu hu. Nghe tiếng gào khóc thảm thiết của ông ta, mọi người đều ngồi ngây như phỗng, không ai nói gì. Hồi lâu, Hoằng Thời mới bừng tỉnh lại, anh ta rút khăn tay thấm khóe mắt, nói với Hoằng Hiểu - Đệ khuyên giải, an ủi ông ta một chút. Càng lúc này càng phải tránh vạ miệng. Ta thấy thánh thượng chỉ là hận ông ta bè cánh với Niên Canh Nghiêu, không bao giờ vô cớ gia tội đâu... Anh ta bước đến trước mặt Tiền Danh Thế, xúc động thở dài một tiếng, nói: - Khóc đi, khóc cho thỏa thuê một trận, sẽ thấy lòng nhẹ hơn. Phải giữ gìn sức khỏe... Nên nhớ, muốn rửa nỗi nhục này, chỉ có một thứ, đó là thời gian. Nếu ngươi xác lập chí hướng, cải tà quy chính, thì vẫn còn có ngày nhìn thấy mặt trời. Thập lục thúc, ta sang thư phòng bên kia nói chuyện. Anh ta đưa tay nhường đường cho Doãn Lộc. Doãn Lộc và Hoằng Thời vội vã rời khỏi thư phòng đầy tiếng khóc ai oán như chạy trốn. - Thập lục thúc - Hai người đến thư phòng phía tây uống xong một bát sâm nóng, thần sắc Hoằng Thời mới trở lại bình thường. Nhìn Doãn Lộc từ từ uống bát sâm, Hoằng Thời chau mày nói: - Xử Tiền Danh Thế như vậy, hoàng thúc thấy thế nào? Doãn Lộc cũng đã trấn tĩnh lại, nói: - Những việc làm của tên họ Tiền này, thật không phải việc làm của kẻ sĩ chân chính. Nhưng thật lòng mà nói, lúc bấy giờ với uy phong của Niên Canh Nghiêu, chúng ta ai mà chẳng tung hô ông ta? Chỉ là làm thơ ca ngợi, cùng lắm cũng chỉ là "văn nhân vô hạnh" (không có đức), còn xử như vậy thì quá nặng. Một mình ta nói hộ e không được, ngày mai gặp Doãn Tường, sẽ cùng xin trước mặt hoàng thượng xem, cũng chỉ cố xem thế nào thôi. Hoằng Thời cười buồn, - Thập lục thúc, hoàng thúc thật thà quá, hoàng thượng định ra tay chỉnh Bát thúc, hoàng thúc không nhận ra thật sao? -... - Nguyên nhân đắc tội thực sự của Tiền Danh Thế không ở hai bài thơ đó. - Hoằng Thời mỉm cười, từ trên án thư rút ra một tờ giấy chuyên dụng của bộ Hình, giũ ra đưa cho Doãn Lộc. Doãn Lộc đón lấy, thấy là khẩu cung của Uông Cảnh Kỳ: "Mùa đông năm Khang Hy thứ 61, tôi từ trong quân đi Vũ Tiến Giang Nam gặp huynh Tiền Danh Thế. Năm đó thời tiết Giang Nam ấm áp, chúng tôi có nói chuyện với nhau, Tiền Danh Thế nói đang mùa đông mà hôm trước sấm chớp đùng đùng nổi lên, đó là điều kỳ lạ của Giang Nam, sau đó truyền đến tin Thánh tổ băng hà, hoàng tử thứ tư là Dận Chân tức vị, đó cũng là một điều kỳ lạ lớn. Tôi nói đây là điềm gở, mùa đông sấm chớp là chuyện không bình thường, quyết không phải là điềm lành cho quốc gia, Tiền huynh gật đầu nói đúng." Hoằng Thời đứng cạnh nói thêm: - Khi nói câu này còn có hai môn nhân của Doãn Kế Thiện ở đó, thầy đề của phủ Lý Vệ đều ra làm chứng. Lúc đầu ở kinh sư có tin đồn nhảm rằng Ung Chính truyền ngôi không đúng, thấy khẩu cung này, điều tra lại, Tiền Danh Thế không hề phát ngôn những chuyện "sấm chớp nổi đùng đùng" này. Nếu không, ông ta thực sự phải chịu họa chu di chín họ rồi! Cháu nghĩ, Tiền Danh Thế rút cuộc cũng không phải là người chính trực, lại có khẩu cung này, e rằng Thập lục thúc động lòng trắc ẩn, tùy tiện nói hộ trước mặt hoàng thượng, lại tự chuốc lấy cái nhục, tội gì? Tờ giấy trong tay Doãn Lộc tuột rơi xuống. Ung Chính ngoài miệng thì nói "rất ghét ai báo điềm lành" thực ra trong lòng ông ấyất mong điềm lành, nhận hay không nhận, thì vẻ vui mừng cũng hiện lên mặt, điều đó mọi người đều biết. Tiền Danh Thế này lại liên hệ việc Ung Chính lên ngôi với việc sấm chớp giáng xuống. Phạm vào điều đại kị này, cho dù là vua Khang Hy nhân từ độ lượng cũng không tha thứ được, huống hồ là vị Ung Chính quá ư nghiêm khắc này! Hồi lâu, Doãn Lộc mới than rằng: - Tiền Danh Thế suy cho cùng cũng là một tài tử, ta thật tiếc cho ông ta! Nhưng với một hòn than đỏ như vậy ta cũng không thể cầm được trên tay! - ông quay lại Hoằng Thời - Hoàng thượng lệnh cháu tìm ta, có chuyện gì vậy? Hoằng Thời nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đã tối, tối một cách sâu thẳm, từng luồng gió lạnh lướt qua hiên, phát ra tiếng rít vù vù, tựa hồ như tiếng gào thét của ai đó vẳng lại từ cõi xa xăm, khiến bầu trời đêm lạnh lẽo tĩnh mịch này thêm phần huyền bí và bất an. Im lặng sững sờ hồi lâu, Hoằng Thời mới cất tiếng: - Hoàng thượng bảo cháu hỏi Thập lục thúc xem, mấy người Bát thúc rốt cuộc có dự định gì, vì ngày mai hoàng thượng đã phải triệu kiến họ rồi. Hoàng thượng còn có ý hỏi riêng, tại sao Bát thúc mấy lần tấu xin nghe hội nghị kỳ chủ, Thập lục thúc đều không có mặt. Không biết ngày mai Thập lục thúc có đi gặp hoàng thượng không? Doãn Lộc cười đáp: - Ta làm việc gì chứ! Hoàng thượng đã lệnh trước rồi bảo ta ngày mai vào sớm, sao bây giờ lại nôn nóng sai cháu hỏi? Liền kể tỉ mỉ tình hình hội nghị ở phủ Liêm thân vương, rồi nói: - Bát vương nghị chính là điều mà họ mong mnhất, trước đây hễ bàn đến là úp úp mở mở, tối nay đã nói trắng ra rồi. Nhưng dường như không phải là đã mưu tính kỹ từ trước. Duệ thân vương từ đầu đến cuối đều rất kiệm lời, dường như rất do dự, trước khi đi khỏi còn giao lại một bản sớ. - Nói rồi rút bản sớ từ trong ống áo ra đưa cho Hoằng Thời: - Nếu tối nay cháu còn gặp hoàng thượng, thì tiện thể dâng cho ngài! Hoằng Thời chau mày nhận lấy rồi đặt lên bàn, ánh mắt sâu thẳm nhìn chăm chú vào chiếc đồng hồ chuông trên cửa thư phòng, tựa hồ đang lấy can đảm, hồi lâu mới nói: - Nếu Bát thúc không có những tính toán khác, thì việc Bát vương nghị chính cũng không phải là không thể nói với hoàng thượng. Điều quan trọng là không thể để mất hoàng quyền! - Cái gì? - Doãn Lộc giật nảy mình, mắt nhìn Hoằng Thời như vô thức: - Đây là lời hoàng thượng, hay lời của cháu? Dưới ánh đèn, gương mặt Hoằng Thời hiện rõ những góc cạnh, chàng cười khanh khách rồi nói: - Sao hoàng thúc lại nhìn cháu như vậy? Dưới ánh đèn trông khiếp lắm. Đây là lời của hoàng thượng hôm trước và chiều nay hai lần gặp hoàng thượng ngài đều lộ ra ý đó. Doãn Lộc biết rõ thái độ của Ung Chính gần đây đương nhiên cũng không dễ tin ngay. - Nghe Hoằng Thời nói, thì Thập lục thúc này là kẻ lật đổ cây để bắt quạ. Triều Khang Hy, a-ca tranh đảng 20 năm, không ai nói được ta cũng chính là nguyên nhân này. Ta muốn cháu nhắc lại nguyên văn lời của hoàng thượng, đừng dùng chữ "ý tứ" gì Hoằng Thời cười nhạt nói: - Hoàng thượng chỉ bảo cháu truyền đạt "ý", thì đương nhiên cháu phải nghe theo. Có điều Thập lục thúc là chú ruột của cháu, cháu có thể nhắc lại nguyên văn. Ừm... lần đầu gặp cháu, hoàng thượng nói: "Doãn Tự biết làm việc, biết làm người, trong lòng trẫm rất thanh thản! Đáng tiếc người này rốt cuộc cũng chỉ là đồ bỏ đi, thật đáng thất vọng! Ngay cả Bát vương nghị chính, chẳng lẽ không phải là chế độ tốt? Thời Thái tổ Thái tông là thời cực thịnh của người Mãn ta, cũng may nhờ có chế độ nghị chính này". Thấy cháu ngạc nhiên, hoàng thượng cười nói: "Những việc khác đều dễ bàn, chỉ có điều hoàng quyền không thể để rơi vào tay kẻ khác. Còn có thêm mấy người cùng cai quản thiên hạ, chẳng phải trẫm cũng an nhàn hơn sao?". Doãn Lộc nhìn Hoằng Thời không chớp, ánh mắt đầy ngờ vực, nhưng đã không còn ý nghĩ phải cảnh giác. Hoằng Thời trầm ngâm một lát, rồi tiếp: - Chiều nay, cháu lại đến Sướng Xuân viên gặp hoàng a-ma, ngài vừa từ chùa Thanh Phạn về, trông hết sức mệt mỏi, ngài nói với cháu: "Khi mới lên ngôi, Trương Đình Ngọc và trẫm có bàn bạc với nhau, so với Thánh tổ, trẫm có ba điều không bằng. Thánh tổ lên ngôi từ thuở ấu niên, thời gian ở ngôi dài, trẫm lên ngôi khi đã lớn, thời gian trị nước không thể lâu dài như Thánh tổ. Trẫm nghĩ, dù thế nào, ít nhất cũng phải được 20 năm. Nhưng bây giờ xem ra chưa chắc, trẫm cảm thấy sức khỏe ngày càng tồi tệ... Nhìn Thập tam thúc con, làm việc bạt mạng, thành ra bệnh tật như vậy, còn Trương Đình Ngọc, Mã Tề, họ đều già cả rồi. Thập thất thúc thì không nhấc nổi mình dậy, Thập lục thúc thì quá bình thường, giữ cái sẵn có thì có thừa, nhưng sáng tạo lại không đủ. Con có thể nói nhỏ với Thập lục thúc con: Những kỳ chủ này tuyệt đối không có lòng mong được vị tớn, người đáng sợ lại là anh em ruột của mình, nếu có thể thay đổi cách thế nào đó để hoàng quyền không bị rơi vào tay kẻ khác, lại vừa có để cho những người cũ trong tộc Mãn của triều đình tham chính, thì trẫm cũng được thêm người giúp đỡ, mà việc chỉnh đốn Bát Kỳ cũng được tiến hành theo lẽ tự nhiên, lẽ nào lại không vẹn cả đôi đường?". Cháu nói, hoàng a-ma đã có ý như vậy, sao không triệu kiến Thập lục thúc đến bàn bạc. Đây không phải là chuyện nhỏ, còn phải trưng cầu ý kiến của phòng Quân cơ và Di thân vương. A-ma nói: "Việc này là trách nhiệm của Thập lục thúc con, nếu Thập lục thúc đồng ý thì mới yên tâm hỏi ý kiến họ. Ngày mai gặp những kỳ chủ đó, đợi họ nêu ra, giao cho phòng Quân cơ bàn bạc mới là đúng lý". Thập lục thúc, đây là chuyện gì, cháu dám nói liều sao? Ở đây chỉ cách hoàng thượng có mấy bước chân, chẳng nhẽ cháu dám giả chiếu làm loạn, tự chuốc lấy tai họa sao? Doãn Lộc thở một hơi rất sâu, miệng lưỡi ngon ngọt của Hoằng Thời đã làm ông xiêu lòng. Nghĩ lại những lời lẽ tức tốc của mọi người ở chỗ Doãn Tự, thấy hoàng thượng đã nhượng bộ các kỳ chủ một bước, chưa hẳn không phải là giải pháp tốt nhất. Hơn nữa nếu thực sự như vậy, thì bản thân ông ta cũng đương nhiên có thể vào chỗ trung tâm, mặc sức chỉ huy kỳ chủ các kỳ, không biết to hơn bao nhiêu lần so với cái tước vương gia chuyên quản "nội vụ" này. Nghĩ ngợi một lúc, Doãn Lộc nói: - Đã có ý chỉ như vậy, ta có gì nói nữa? Ngày mai gặp hoàng thượng, cho dù ta không nói, họ cũng sẽ đưa ra chuyện "nghị chính". Không giấu gì cháu, ta đã thông bán cho doanh Thiện Bổ ngày mai giới nghiêm toàn thành, kẻ nào hành động cứ bắt trước rồi tính sau! Nói rồi thở phào một cái. Hoằng Thời đón lấy bản sớ của Duệ thân vương, miệng cười nói: - Cháu biết, vừa nói đến chuyện này, là Thập lục da nổi máu đa nghi ngay. Không ngờ hoàng thúc lại nhiều sát khí như vậy cứ như là cháu sắp mưu phản ấy! Duệ thân vương này, đang ở ngay Bắc Kinh, lại sắp sửa triệu kiến, còn dâng tấu sớ gì nhỉ? - Anh ta tiện tay xé phong bì mở ra xem, nói. - Đây là một bản sớ vấn an, còn kèm theo một bản danh sách vật cống nữa. Doãn Lộc xán lại xem, quả nhiên trong bản sớ bìa lĩnh màu vàng viết: Thần vương Đô La cung khấu vạn tuế kim an. Xin kính dâng sản vật nhỏ mọn của địa phương, cúi mong thánh thượng vui lòng thu nhận. Bên trong kẹp một bản danh sách toàn là vật cống: Dầu trá, Bạch đỗ, Ngưu nhục đinh: 10 hũ. Chim ưng non: 9 con. Lợn rừng hai năm tuổi: 2 con. Lợn rừng một năm tuổi: 1 con. Đuôi hươu: 40 mâm. Gân hươu: 50 chiếc. Thịt ức hươu: 50 miếng. Thịt lưng hươu phơi khô: 100 chùm. Gà rừng: 70 con, Bo bo: 1 hộc. Gạo Linh Đương: 1 hộc, Gà cỏ: 50 con. Thật lý hương: 90 bó. Lợn rừng đực: 2 con. Lợn rừng cái: 2 cơn. Cá tầm hoàng: 300 con. Cá trắng: 100 con. Sơn trà: 10 hũ. Lê: 8 vò. Táo: 18 vò. Tùng tháp: 300 quả, rau hẹ rừng: 2 vò, tỏi rừng: 2 vò, Vỏ tử hoa: 200 miếng. Vỏ tử hoa thượng dụng: 1400 miếng. Vỏ tử hoa quan: 2000 miếng. Da chồn: 200 tấm. Da cáo đen: 200 tấm, Chim ưng hoa lau, ưng trắng Thanh Hải: mỗi thứ 5 đôi. Da cáo vàng: 20 tấm. Hươu sao 20 đôi. Da hổ, gấu mỗi loại 10 tấm. Da cáo vàng, da báo xa li, da báo biển, da báo mỗi loại 30 tấm. Lông cánh đại bàng 60 chiếc. Gạo tiền hoàng, gạo bo bo, bột mì cao lương, bột ngô, bột gạo tiểu hoàng, bột gạo bo bo, gạo kê mỗi thứ sáu trăm cân, Trứng gà ri 300 cân. Nhân hạnh đào, nhân tùng, nhân mơ mỗi thứ hai trăm cân. Mật ong trắng, mật ong sống mỗi thứ 200 cân. Nho rừng 600 cân. Khế, mận mỗi thứ 200 cân, rau hẹ rừng, rau khao tử, rau hà bạch, rau kim châm, rau hồng hoa, rau đuôi chồn, nấm tươi mỗi thứ 200 cân. Doãn Lộc xem xong không nhịn được cười, nói: - Trông thì viết chi chít bao nhiêu là thứ, thực ra chẳng đáng là bao, đáng quý là ở tấm lòng. Bản sớ này của Duệ thân vương trên thực tế là bộc bạch cõi lòng với hoàng thượng. Đúng như cháu vừa nói, nếu họ tuân thủ quy định của nhà vua, thì ngại gì nghị chính? Hoằng Thời lại bị bản sớ này làm kinh hoảng. Duệ thân vương hiện tại trong tay tuy không có thực quyền, cũng không quản kỳ nào. Nhưng nhờ tiếng là Đa Nhĩ Cổn công lao trùm khắp bốn biển, có công bảo vệ ấu chúa, chỉ cần sắp xếp ngôi thứ, thì chắc chắn ông ta sẽ đứng đầu. Hoằng Thời và Liêm thân vương vừa bắt tay cấu kết với nhau, nhưng lại vừa tranh giành quyền lợi, vốn muốn mượn sức của Liêm thân vương để giành lấy quyền ở phòng Quân cơ và phòng Thượng thư, chiếm vị trí của Hoằng Lịch trong tương lai, bỗng đâu lại nảy ra thân vương Đô La tỏ lòng trung thành với Ung Chính, thế này là có dụng ý gì? Hay là âm mưu của Doãn Tự? Thật chẳng hiểu ra làm sao. Suy nghĩ một lát, Hoằng Thời cười khô khốc nói: - Thập lục thúc nói chí phải. Chỉ có một điều hoàng thúc nên nhớ, chuyện Bát vương nghị chính, thực ra hoàng thượng cũng không chịu nổi đâu. Cho nên ngài bảo hai chú cháu bàn kín một chút. Chúng ta không thể ra mặt, đợi ngày mai xem họ hành động thế nào rồi hẵng hay. Nói xong mỉm cười. Anh ta muốn nhân dịp này đục nước béo cò, nâng địa vị của mình lên cao hơn.