ám giờ sáng ngày 2 tháng mười một năm 1957, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và các thành viên của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đáp máy bay TU-104 sang Mạc Tư Khoa dự hội nghị các đảng Cộng sản và đảng Công nhân. Mặc dầu có những bất đồng với Đảng Cộng sản Liên Xô và Khrusov, nhưng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều biểu thị sự khâm phục trước các thành tựu kinh tế của Liên Xô, đặc biệt là sự thành công của chuyện phóng vệ tinh nhân tạo. Trong hội nghị, Liên Xô đề xướng là sau 15 năm sẽ đuổi kịp và vượt Mĩ, Mao Trạch Đông cũng phát biểu sẽ đuổi kịp và vượt Anh về sản lượng gang thép sau 15 năm. Từ Liên Xô về nước, Mao Trạch Đông rất quyết tâm “đuổi kịp và vượt”.Tháng giêng và tháng ba năm 1958, tại hội nghị Nam Ninh và Thành Đô, trước cử toạ là một số trung ương uỷ viên và lãnh đạo các tỉnh, thành, Mao Trạch Đông nghiêm khắc phê bình phái chống mạo hiểm. Xoay quanh việc đánh giá tình hình kinh tế năm 1956 và xây dựng kế hoạch năm 1957 đã dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt, Mao Trạch Đông chủ trương nâng cao chỉ tiêu kế hoạch, còn Chu Ân Lai và nhiều người khác thì cho rằng thà chậm một tí mà ổn định thì vẫn hơn, nên tính toán các chỉ tiêu một cách thận trọng, thấp thua Mao.Trần Vân nhấn mạnh quy mô xây dựng phải tương xứng với lực lượng, muốn thực hiện kế hoạch thì phải chuẩn bị đủ vật tư, tài chính, cân bằng vay và trả, ông cho rằng Trung Quốc là một nưóc lớn, sự ổn định kinh tế là cực kì quan trọng. Ngày 10 tháng mười một năm 1956, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khoá 8 thảo luận về kế hoạch năm 1957, Chu Ân Lai đưa ra phương châm “bảo đảm trọng điểm, thu hẹp vừa phải”, còn Mao Trạch Đông: “Có tiến có lùi, chủ yếu vẫn là tiến, phải nuôi dưỡng tính tích cực của nhân dân và cán bộ, không nên dội nước lạnh lên đầu họ”, Mao rất bực phải chống mạo hiểm, nhưng không nói rõ ra. Phần mình, là Tổng bí thư, Đặng Tiểu Bình điềm tĩnh phân tích và cuối cùng tán thành phương châm ổn định. Theo đa số, nghị quyết được thông qua. Sau này, Mao cho rằng mình đã thoả hiệp, nên trong hội nghị Nam Ninh và Thành Đô, ông đã có cơ hội đáp lại phái chống mạo hiếm.Tháng mười năm 1957, Trung ương họp lần thứ 3, ngoài việc thảo luận về chỉnh phong, chống phái hữu còn bàn về vấn đề nông thôn. Khi nghe lãnh đạo các địa phương nhắc lại “xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, Mao Trạch Đông vui vẻ hẳn lên, nhân đó ông chỉ trích những người của phái chống mạo hiểm, rằng họ đã quét sạch “cương lĩnh 40 điều về phát triển nông thôn và phương châm nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, rằng họ đã tiếp sức hà hơi cho bọn hữu khuynh chống lại Đảng, rằng họ cũng là phần tử hữu khuynh. Ngày 3 tháng mười năm 1957, Nhân Dân nhật báo ra xã luận viết: Có một số người mắc bệnh hữu khuynh bảo thủ, họ như con sên bò chậm chạp, họ không biết rằng sau khi hợp tác hoá thành công, chúng ta có điều kiện tất yếu để nhảy vọt trên một mặt trận nông nghiệp”.Đó là dự báo cho một cơn sốt sắp ập tới.Tại hội nghị Nam Ninh và Thành Đô, Chu Ân Lai và Trần Vân đã phải kiểm thảo vì “làm nhụt chí 600 triệu nhân dân Trung Quốc, phạm phải sai lầm về phương hướng chính trị”.Phái chống mạo hiểm đã “dọn” xong, tháng 5 năm 1958, Hội nghị Trung ương cử hành tại Bắc Kinh đã thông qua chủ trương “đầy đủ sức mạnh, vươn lên xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Chỉ tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ hai đều phải điều chỉnh lại so với ban đầu đã thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 1 khoá 8, gang thép từ 12 triệu tấn lên 30 triệu tấn; lương thực từ 250 triệu tấn lên 350 triệu tấn. Thế là nhảy vọt đã bắt đầu từ những trang nghị quyết của Hội nghị trung ương. Chẳng mấy chốc tinh thần nhảy vọt được báo chí thổi phồng, đã lan tràn ra cả nước. Vụ hè năm ấy các địa phương đều báo cáo sản lượng lương thực với Trung ương tinh thần nhảy vọt mà không cần theo thực tế. Người ta tuyên truyền trên báo chữ lớn “người có gan như thế nào, thì đất sẽ cho sản lượng như thế ấy”.Ngọn gió khuếch đại cao chỉ tiêu, cao sản lượng đã thổi sang lĩnh vực quan hệ sản xuất, một khi sức sản xuất đã khổng lồ như vậy, nhẽ nào lại cứ bảo thủ giữ mãi quy mô hợp tác xã bé tí, và chế độ sở hữu lạc hậu! Quả nhiên, Trung ương ra chỉ thị nâng hợp tác xã nhỏ lên hợp tác xã to, thí nghiệm loại hợp tác xã một ngàn đến một vạn hộ.Tháng bảy, tháng tám năm ấy, tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc “Hồng Kỳ” và Nhân Dân nhật báo công khai tuyên truyên tư tưởng của Mao Trạch Đông: “Tổ chức quần chúng sĩ, nông, công, thương, binh vào một công xã, và đó là đơn vị cơ sở của xã hội Trung Quốc”. Mới hay tin trên báo mà Hà Nam, Sơn Đông đã đua nhau xây dựng công xã. Ngay sau đó hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị dã được triệu tập tại Bắc Đới Hà chẳng những không uốn nắn chiều hướng khoa trương, báo cáo sai sự thật tạo nên tình hình giả, mà còn ủng hộ, hả hê, vui mừng với những “thành tựu” hư ảo ấy và các chỉ tiêu lại được bốc lên vùn vụt. Hội nghị Bắc Đới Hà quyết định xây dựng công xã nhân dân ở nông thôn, xem đây là phương châm cơ bản chỉ đạo nông dân đẩy nhanh xây dựng chủ nghĩa xã hội, quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Trước mắt hãy còn sở hữu tập thể, chưa vội đưa lên hình thức cao hơn vì nhanh thì ba bốn năm, chậm thì năm sáu năm là thực hiện sở hữu toàn dân thôi, xem ra “chủ nghĩa cộng sản không còn xa nữa”, có người đã cảm khái như vậy.Sau hội nghị, thời gian chỉ còn có 4 tháng mà sản lượng gang thép mới đạt 4 triệu tấn, phù phép sao đây để cả năm phải là 10, 7 triệu tấn. Thế là một phong trào toàn dân làm gang thép đã lập tức được phát động. 90 triệu người dưới sự chỉ huy của các bí thư đảng lên rừng chặt cây đốt than, tìm mỏ quặng, luyện gang thép, lò cao mọc lên như nấm, ban đêm lửa rực cả một đại lục, các nhà máy gang thép thực thụ cũng bỏ luôn cả “công nghệ sách vở” để hoà mình với quần chúng theo phương pháp thủ công. Cuối năm đó, 1958, sản lượng gang thép vượt lên 11, 08 triệu tấn, nhưng phế phẩm đã là 3, 08 triệu tấn.Nông nghiệp có “công xã nhân dân”, công nghiệp có “toàn dân làm gang thép” vậy các ngành khác thì sao? “Một ngựa tiên phong, vạn con cùng đuổi”, tinh thần nhảy vọt vì thế mà đến với cả người làm thơ, vẽ tranh.Nghị quyết Bắc Đới Hà được thực hiện nhanh như bão táp, chỉ 4 tháng mà 90% nông dân Trung Quốc đều tham gia vào 26 ngàn công xã, hồi ấy người ta tuyên truyền công xã là “nhất đại, nhì công” (to lớn và công bằng). Gọi là to lớn, vì từ hợp tác xã một hai trăm hộ nay hợp thành công xã hơn năm ngàn, thậm chí một, hai vạn hộ, hầu như mỗi xã có công xã. Gọi là “công bằng” vì giàu nghèo nộp chung, tài sản nộp vào đều là tài sản của công xã, người đóng nhiều không được trả bớt, kẻ đóng ít không phải góp thêm. Công xã thống nhất hạch toán, thống nhất phân phối, thực hiện chế độ cung cấp bộ phận, ăn tại nhà ăn công cộng và không phải trả tiền. Ruộng đất phần trăm dành lại cho nông hộ, gia súc, gia cầm, cây lưu niên, cây ăn quả v.v... tất cả đều thuộc công xã, thậm chí có lúc cả nhà cửa, gia cụ cũng là của chung. Trước chủ nghĩa bình quân như vậy, người nông dân bất mãn ngấm ngầm giết súc vật, chặt cây cối và hậu quả nguy hại là sản lượng lương thực tụt dần.Ở hồi này, ông Đặng Tiểu Bình cũng ít xuất đầu lộ diện, mãi đến tháng tám năm 1980, nghĩa là sau hơn hai thập niên, người ta mới biết quan điểm của ông khi trả lời phỏng vấn kí giả người Ý, rằng: “Sai lầm bắt đầu từ những năm cuối thập niên 50, ví như đại nhảy vọt là không chính xác, trách nhiệm này không chỉ một mình Mao Chủ tịch mà lúc ấy chúng tôi cũng là những người “nóng đầu”, hoàn toàn vi phạm quy luật khách quan, muốn một lúc làm xong kinh tế. Nguyện vọng chủ quan đã không tuân theo quy luật khách quan, tổn thất là phải. Nhưng trách nhiệm chủ yếu trong đại nhảy vọt vẫn thuộc về Mao Chủ tịch, vì lúc bấy giờ ông là người đầu tiên đã phát hiện sai lầm, đề xuất sửa chữa, song công việc đó lại không được thực hiện. Năm 1962, Mao Chủ tịch đã tự phê bình, nhưng bài học đã không được đúc kết đầy đủ và do đó mà dẫn đến sự bùng nổ cuộc “đại Cách mạng văn hoá”.Tất nhiên không phải ai cũng “nóng đầu” và người ta nhớ mãi cái đêm mưa gió bão bùng 14 tháng bảy năm 1959, Bành Đức Hoài đã phải hạ bút viết bức thư lịch sử gửi Mao Trạch Đông để tỏ bày quan điểm của mình đối với đại nhảy vọt và công xã nhân dân. Nhân hội nghị mở rộng Bộ Chính trị ở Lư Sơn, Mao Trạch Đông đã yêu cầu những người dự hội nghị phê phán bức thư tâm huyết đó của Bành Đức Hoài. Không ngờ, Thứ trưởng ngoại giao Trương Văn Thiên, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành, Bí thư thứ nhất tỉnh Hồ Nam Chu Tiểu Châu đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bành Đức Hoài. Mao Trạch Đông căm tức bức thư của Bành, cách phát biểu của Trương và chụp cho họ cái mũ hữu khuynh, riêng Bành Đức Hoài còn bị gọi là “Hải Thụy phái hữu”. Đặng Tiểu Bình là uỷ viên thường vụ duy nhất không tham dự hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị ở Lư Sơn vì ông vừa gãy chân do bất cẩn khi chơi bóng bàn. Nhưng sau đó, vào dịp kỉ niệm lần thứ 10 Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1959), Đặng Tiểu Bình vẫn nói như Mao đã nói về Bành Đức Hoài, và phải đợi đến năm 1980 mới có cải chính: “Ý kiến của Bành Đức Hoài năm 1959 là chính xác với tư cách uỷ viên Bộ Chính trị, ông viết thư cho Chủ tịch Mao Trạch Đông là chuyện thường tình. Cho dù đồng chí Bành Đức Hoài cũng có khuyết điểm, nhưng việc xử lí đồng chí Bành là hoàn toàn sai”. Bành Đức Hoài mất ngày 29/11/1974, lúc chưa được minh oan và phục hồi danh dự.