Chương 4
ĐI TÌM DI CHÚC

     iang Thanh càng nói càng dài dòng, như kiểu vỡ đê, không ai chịu nổi. Hoa Quốc Phong nhiều lần xem đồng hồ như nhắc khéo bà ta không nên tiếp tục nữa, cuối cùng ông đành chen vào:
- Phê Đặng tất nhiên là phải tiếp tục, nhưng bây giờ là tang lễ nhiều việc đang chờ chúng ta, tôi thấy thời gian đã quá...
Giang Thanh lườm mắt nhìn Hoa và vẫn thao thao:
- Các đồng chí biết không, cách đây không lâu Mao Chủ tịch đã từng nói: “Làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không biết giai cấp tư sản ở chỗ nào, chúng ở ngay trong Đảng Cộng sản, bọn người đi theo chủ nghĩa tư bản vẫn cứ đi con đường của chúng”. Ở đây là cả một vấn đề chiến lược, tôi đề nghị hội nghị phải nghiêm túc mà nghiên cứu công tác phê Đặng. Bộ Chính trị cần ra quyết định, đồng thời với việc bố cáo Mao Chủ tịch vừa tạ thế, công khai tuyên bố với toàn Đảng toàn dân là khai trừ vĩnh viễn Đặng Tiểu Bình.
Diêu Văn Nguyên lập tức lên tiếng:
- Tôi đồng ý ý kiến của đồng chí Giang Thanh, đó là hành động tốt nhất mà chúng ta kế thừa ý nguyện của Chủ tịch.
Lý Tiên Niệm chậm rãi đáp lại:
- Không đúng rồi, Chủ tịch yêu cầu chúng ta bảo lưu đảng tịch cho Đặng Tiểu Bình, chúng ta không được làm trái ý Người.
- Đó là sự khoan hồng của Chủ tịch! - Vương Hồng Văn biện bạch.
- Nhẽ nào bây giờ chúng ta không khoan hồng như Chủ tịch hay sao?
Xuân Kiều và Giang Thanh định nói điều gì, chưa kịp, thì lập tức Diệp Kiếm Anh liền “nhảy ra”:
- Đồng chí Giang Thanh, đồng chí có biết lúc này là lúc nào không? Toàn dân hãy còn chưa biết vừa xảy ra sự kiện gì, lệ hãy còn chưa ráo trên khoé mắt của các đồng chí Bộ Chính trị, tang lễ Chủ tịch hãy còn chưa cử hành. Thế mà đồng chí định kéo chúng tôi làm việc gì vậy? Đối với Đặng Tiểu Bình sau này hẵng bàn, bây giờ chúng ta phải theo trình tự. Đồng chí Quốc Phong, đồng chí là Phó Chủ tịch thứ nhất, theo đồng chí việc nào là số 1, việc nào là số 2?
Hoa Quốc Phong ậm ừ chưa biết trả lời ra sao thì Lý Tiên Niệm bồi tiếp, vừa nhu lại vừa cương:
- Tôi đồng ý ý kiến của Kiếm Anh, mong đồng chí Giang Thanh bình tĩnh. Chủ tịch vừa ra đi, chúng ta đều rất đau khổ, mai táng Chủ tịch là quốc tang, chúng ta cần thực hiện chu đáo.
- Tôi đồng ý ý kiến của Diệp suý và Tiên Niệm.
- Tôi cũng đồng ý...
- Mao Chủ tịch không còn, chúng ta đang ở vào thời khắc cam go nhất, phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết quanh Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Hoa Quốc Phong.
Giang Thanh chột dạ. A, lão Diệp đang kéo họ Hoa về phía họ. Bà núng thế và đành a vào:
-  …Mà trung tâm là đồng chí Quốc Phong...
Trương Xuân Kiều ngơ ngác trước bước lùi của chủ tướng, nói nhỏ gì đó với Giang, nhưng bà ta cười khẩy:
- Cứ để cho họ phóng, thả sức mà phóng, và đúng thời cơ ta sẽ phản kích. Khá khen cho Diệp Kiếm Anh, cuối cùng thì lão đã nhảy ra, thế mà hay, để rồi xem sức ta mạnh hay binh mã của lão nhiều!
...Đó là cuộc giao tranh đầu tiên vừa xảy ra sau khi Mao Trạch Đông mới nhắm mắt. Thi hài ông còn chưa lạnh hẳn mà người ta đã lợi dụng tên tuổi ông cho mưu đồ của mình!...
Diệp Kiếm Anh trở về tư dinh, lòng nặng trĩu ưu phiền. Vừa đến cổng thì đã thấy hai chiếc xe dừng ở đó, ông nhanh chóng nhận ra chủ nhân của chúng là ai, bèn nhẹ nhàng mở cửa và bảo người lái quay lại trụ sở Quân uỷ. Vương Chấn và Nhiếp Vinh Trăn cùng ra nghênh tiếp Diệp:
- Chúng tôi chờ Diệp suý đã lâu.
Bỗng họ dừng lại, nghẹn ngào vì bắt gặp vòng băng đen trên tay áo của ông. Cả 3 người im lặng. Diệp Kiếm Anh thở dài:
- Ông già mang đi cả một bầu tâm sự, 3 giờ chiều hôm nay sẽ thông cáo trên đài phát thanh cho cả nước. Các anh đã chuẩn bị gì chưa?
- Thưa Diệp công, mọi việc đã hoàn tất từ lâu.
Vương Chấn nhanh nhẹn trả lời. Diệp mở máy thu thanh và chuyên mục Đại Cách mạng Văn hoá hảo cứ oang oang phát ra những lời lẽ phê Đặng và quyết tâm đưa cuộc chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.
- Họ thật điên cuồng, giờ này mà vẫn đấu đá. - Diệp Kiếm Anh bực mình như muốn thét lên, Vương Chấn liền đáp lại:
- Chủ tịch đã tạ thế, hậu sự chưa lo lắng gì, chỉ cứ nhằm Đặng mà phê. Nhẽ nào chúng ta để họ ám hại xong Đặng Tiểu Bình, giam lỏng xong Diệp công đây rồi mới trở tay?
Vương Chấn nhỏ hơn Diệp Kiếm Anh 11 tuổi, nên thường gọi ông là “Diệp công”. Vương người huyện Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, cũng là đồng hương với Mao Trạch Đông, thỉnh thoảng gặp nhau. Mao nói đùa:
- Sao đồng hương không béo lên một tý mà cứ gầy mãi vậy?
- Dạ thưa, bản dạng khó thay đổi.
- Ừ nhỉ, bản dạng khó thay đổi, khó thay đổi.
Mao gật gù nhìn Vương. Năm 1922, Vương Chấn tham gia bạo loạn ở đoạn đường sắt Trường Nhạc Việt Hán, sự nghiệp thất bại, bèn vào quân đội công nông bảo vệ căn cứ cách mạng Tương Cán, chống bao vây. Tám năm kháng Nhật, ông từng là Lữ đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Lữ đoàn 359 Bát lộ quân, chỉ huy chiến dịch thu phục các thành phố ở Tây Bắc. Sau đó, cả lữ đoàn của ông đi khai hoang tại miền Nam nêu tấm gương bộ đội tham gia sản xuất, xây dựng căn cứ và được Mao biểu dương nhiều lần. Từ năm 1949, đảm nhận các chức vụ Bí thư phân khu Tân Cương, quyền Tư lệnh quân khu, Tư lệnh tự vệ đường sắt và Bộ trưởng Nông khẩn. Văn cách bùng nổ, Vương cũng bị phái tạo phản đưa vào danh sách đấu tố, nhưng may sao được Mao kịp thời chỉ thị:
- Đồng chí Vương Chấn là một chiến tướng, đầu đồng chí ấy không có bím tóc để nắm giựt, một con người sạch sẽ hiếm thấy.
Vương thoát nạn, nhưng không vì thế mà không chửi bới bọn tạo phản. Chuyện đến tai Mao, ông hỏi:
- Anh chửi họ cả ngày, nếu họ lật đổ anh thì sao?
- Tôi cũng chẳng sợ.
Vương Chấn trả lời không chút do dự. Mao cười mà rằng:
- Lật không đổ đâu, đã có tôi đỡ đằng sau.
Diệp Kiếm Anh quý mến Vương Chấn, cũng như Nhiếp Vinh Trăn - chiến hữu với nhau từ lúc còn sinh viên Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa, là giáo viên trường quân sự Hoàng Phố, là nghĩa quân Quảng Châu, rồi sang Hương Cảng và mấy chục năm chung lưng nơi trận mạc.
Ông tư lự giải thích:
- Theo tôi, họ chưa dám ra tay ngay đâu.
- Nhưng, binh quý thần tốc! - Vương nhanh nhẩu.
Sáng nay, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, vẫn có người bàng quan, vẫn có người a dua, và diễn viên của họ vẫn còn xuất sắc lắm.
Nhiếp Vinh Trăn ra vẻ băn khoăn:
- Theo Diệp suý, lúc lâm chung Chủ tịch có để lại di chúc hay không?
- Người không còn nói được nữa, muốn căn dặn tôi điều gì đó mà nói chẳng nên lời. Tôi đoán chắc Chủ tịch nghĩ rằng mình không thể ra đi sớm như thế này nên chưa kịp chuẩn bị và do đó Người chỉ khóc.
- Phải làm rõ là có di chúc hay không và cần cảnh giác bọn họ nguỵ tạo. Thưa Diệp công, ta phải ra tay, kẻo muộn.
Diệp Kiếm Anh ngã mình trên sofa, vừa suy nghĩ về những lời giục giã của Vương, Nhiếp; vừa nhớ lại từng gương mặt mọi người dự họp sáng nay. Là một nguyên soái nhìn xa trông rộng, biết giấu mình, ông không giống ai đó chưa động binh đã nổi gió, chưa ra tay đã hù thiên hạ, chỉ khi nào đảm bảo hy vọng đến 99% Diệp mới tiết lộ kế sách của mình. Từ hồi tháng 7, khi Mao Trạch Đông bắt đầu lâm bệnh, Diệp Kiếm Anh đã có một dự định, nhưng những tri âm, tri kỷ như Vương, Nhiếp đều không đoán nhận được...
- Thưa Diệp công, dân chúng oán hận nhóm Thượng Hải, không phục cách giải quyết sự kiện Thiên An Môn...
- Nhưng họ đều là các vị tướng do Chủ tịch phối cử, điểm danh.
- Bọn họ giả danh thiên tử ra lệnh chư hầu, nhẽ nào ta chịu thua, cứ tiền trảm hậu tấu. Chúng táng tận nhân tâm lắm rồi, không còn đảng tính gì nữa, đáng tội bắt giam...
Diệp Kiếm Anh biến sắc, hốt hoảng ra hiệu cho Vương Chấn cấm khẩu, dò xét bốn bề. Ông hoàn toàn hiểu tấm lòng của hai tướng lĩnh, nhưng thời cơ chưa đến, còn có một nhân vật quan trọng, then chốt, đó là Hoa Quốc Phong - Phó Chủ tịch thứ nhất, Thủ tướng Quốc vụ viện, người kế vị mà đích thân Mao Trạch Đông đã chọn cử, tuy Hoa không phải là người nhà binh, nhưng việc điều quân khiển tướng không thể qua mắt ông ta được, vấn đề là Hoa Quốc Phong chưa tỏ rõ quyết tâm.
- Thái độ của Hoa Thủ tướng như thế nào?
- Trước mặt chúng ta là 3 con đường - áp lực của Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, nhẫn nhục cầu toàn cứ thế ém nhịn; hoặc vừa đấu tranh vừa hợp tác với họ, nhượng bộ và phân quyền, càng làm cho phái Giang - Trương có cớ lấn tới, con đường thứ 3 mới là đứng về phía chúng ta, chống lại “tứ nhân bang”.
- Hoa đi theo con đường nào?
- Chưa nói được, nhưng sớm muộn gì thì Hoa Quốc Phong cũng nhận ra rằng Giang, Trương không thể dung nạp ông. Các đồng chí cứ chờ mà xem trong vòng một tháng thôi, vận mệnh của Trung Quốc tất phải được quyết định. Họ sẽ nhảy ra và các đồng chí cần thủ trại vững vàng, nắm chắc động thái của quân đội mà tiến công.
Diệp Kiếm Anh còn hỏi Vương - Nhiếp về quan hệ với Uông Đông Hưng, Chánh văn phòng kiêm Chính uỷ quân đội bảo vệ Trung ương, nhiều năm nay phụ trách an toàn cho Mao Trạch Đông, là một trong 4 người được phân công chăm sóc Mao khi ông lâm bệnh, nhưng quan trọng nhất vẫn là bất luận ai muốn gặp Chủ tịch đều phải qua Uông -cửa ải đáng kể.
- Tôi và Uông biết nhau từ ngày còn ở Diên An, gần đây thăm dò cho thấy Uông Đông Hưng cũng đã chán ngán nhóm Giang Thanh. Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ, nhưng chủ yếu vẫn là Hoa Thủ tướng.
*

*

 
Trong khi đó, mấy hôm nay Giang Thanh cũng hoạt động thật giảo trá. Bà nghĩ rằng, thời đại đã khác rồi, nữ mạnh hơn nam, phụ nữ của Trung Quốc mới không giống như xã hội cũ chỉ cam chịu bị chửi mắng, hầu hạ đàn ông. Hãỵ cho ta một cơ hội, ta sẽ mở đầu một chương mới trong lịch sử của phong trào cộng sản quốc tế - nhà nữ cách mạng đầu tiên lên nắm chính quyền lãnh đạo. Kể từ lúc Mao nhắm mắt, Giang Thanh rất chú ý ăn mặc, trang phục tuyền một màu đen trên người bà, thật buồn thảm và hiếu phục. Bà vẫn tự tin. Tuy ngoài 50, trông Giang Thanh vẫn trẻ trung như chưa đầy 40, hồi xuân mãnh liệt, nên càng giữ gìn không cho bất cứ một đấng mày râu nào dám lẳng lơ léng phéng, để không mang tai tiếng ảnh hưởng đến danh tiếng Chủ tịch phu nhân. Theo Giang, thủ tiết thờ Mao là tài sản của bà, là sức truyền hô mệnh lệnh cho bàn dân thiên hạ, vì lợi ích chính tri, Giang Thanh có thể hy sinh tất cả.