Chương 9
MÀN TỰ MỤC CỦA TẤN BI KỊCH ĐÃ MỞ

     ió lạnh từ Sibérie tràn về, cuốn theo bụi cát mù trời, những thân cây khô khốc gầy guộc than khóc, van nài, như tiềm ẩn mối nguy hiểm.
Đó là ngày 18 tháng chạp năm 1966, nội thành Bắc Kinh thê lương, ảm đạm. Nỗi lo trước một cuộc thảm sát và khủng bố âm thầm đè nặng lên mọi người. Trăm họ đều ưu  phiền, Trung Quốc sẽ đi về đâu.
1 giờ 30 phút chiều hôm ấy, chiếc xe con màu đen đưa Khoái Đại Phú từ Đại học Thanh Hoa về Trung Nam Hải. Đúng 2 giờ, Trương Xuân Kiều đã đợi sẵn, dẫn Khoái vào phòng khách và khóa trái cửa lại. Cuộc mật đàm bắt đầu. Theo yêu cầu của Trương Xuân Kiều, Khoái Đại Phú báo cáo tình hình phong trào ở Thanh Hoa và kết quả đi móc nối với sinh viên Thượng Hải. Thỉnh thoảng Trương mới nói một đôi câu, còn suốt cả thời gian ấy đều chăm chú nghe báo cáo, nhìn chằm chằm vào cặp mắt hình tam giác của Khoái và gật đầu lia lịa. Đợi Khoái trình bày xong, Trương Xuân Kiều mới hạ giọng:
“Nhìn trên phạm vi toàn Quốc, đường lối phản động của giai cấp tư sản còn tương đối hung mãnh, vẫn phải tiếp tục phê phán một cách sâu sắc hơn nữa. Trong Trung ương, một hai người đề xuất đường lối phản động ấy chưa chịu đầu hàng... Tiểu tướng cách mạng các anh phải liên hợp lại, phát huy tinh thần đại Cách mạng văn hóa vĩ đại mà đánh cho chúng - những con chó chạy cùng đường, đang ào xuống nước tìm lối thoát - phải quỵ gục, phát thối, nhẽ nào lại giữa chừng bỏ dở...”.
Khoái Đại Phú chăm chú lắng nghe và không còn nghi ngờ gì nữa, những người mà Trương Xuân Kiều vừa ám chỉ chính là Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình. Muốn đánh họ quỵ gục, phải dùng mọi thủ đoạn, vu cáo, miệt thị, đả kích v.v...
“Xin thủ trưởng yên tâm, em bảo đảm làm đúng như vậv...”, lúc ấy là 4 giờ chiều.
Trương Xuân Kiều dám giao một nhiệm vụ cơ mật và trọng đại như vậy cho Khoái Đại Phú không phải là không có căn cứ, bởi vì Khoái đã hội đủ những điều kiện của một tay phản nghịch mà Trương tin cậy.
Khoái Đại Phú, con người đang độc chiếm mọi quyền bính ở Đại học Thanh Hoa, nguyên là sinh viên ngành hóa công. Cách mạng văn hóa nổ ra không bao lâu, anh ta cho dán tờ báo chữ to với nội dung kinh người - đoạt quyền. Công khai tuyên bố: mắt tôi chỉ chăm chú vào quyền, đầu tôi chỉ luôn nghĩ về quyền, tay tôi chỉ muốn nắm lấy quyền, sớm muộn rồi cũng phải đoạt quyền. Anh nghiên cứu câu nói của Lâm Bưu “có quyền là có tất cả” rồi tổng kết thành “36 chước tranh quyền”. Khoái có bản lĩnh sử dụng quyền lực, được Giang Thanh, Trương Xuân Kiểu tán thưởng còn Khang Sinh, Trần Bá Đạt thì gắn cho anh nhãn hiệu “Phái tả kiên định”. Ngày 24 tháng 9 năm 1966, Khoái được một số nhân vật Cách mạng văn hóa cấp Trung ương ủng hộ, kéo lên làm thủ lĩnh tiếm quyền lãnh đạo Đại học Thanh Hoa, tiếp đó lại thăng tiến là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh số 3 Hồng vệ binh thủ đô. Trần Bá Đạt từng tuyên bố: Bộ Tư lệnh số 1, số 2 là phái bảo thủ, chỉ có số 3 của Khoái mới là phái tạo phản chân chính, Khoái Đại Phú trở thành “nắm đấm sắt” rất lợi hại của Cách mạng văn hóa cấp trung ương, “Khoái Tư lệnh” - đại danh ấy đã lừng lẫy một thời.
Nhận lãnh “sứ mệnh đặc biệt” do Trương Xuân Kiều giao phó, Khoái Đại Phú thúc xe về Thanh Hoa và lập tức triển khai kế hoạch hoạt động chống Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.
Đêm hôm đó, Khoái tự nghiên cứu rồi truyền đạt cho đám thuộc hạ của binh đoàn Hồng vệ binh Tĩnh Cương Sơn. Ngày 19, theo lời dặn của Trương Xuân Kiều. Khoái phất cờ liên hợp, lôi cuốn hai tổ chức quần chúng khác của Đại học Thanh Hoa, chủ trì triệu tập “Đại hội tuyên thệ tổng tấn công vào đường lối phản động của giai cấp tư sản”, công khai hô hào “Đập tan Bộ Tư lệnh phản cách mạng của giai cấp tư sản do Lưu, Đặng cầm đầu”.
Ngày 20, tại Câu lạc bộ hàng không trong vườn trường Thanh Hoa, Khoái phổ biến toàn bộ kế hoạch “Đả đảo Lưu - Đặng” sẽ nổ ra vào ngày 23 và nâng lên phạm vi toàn thủ đô. Khoái chưa dứt lời, thì hội nghị nháo nhác, hỗn loạn: “Lưu Thiếu Kỳ là Chủ tịch nước, là ủy viên thường vụ Bộ chính trị, chưa có ai dám dán báo chữ to phản đối Lưu Chủ tịch, tôi không đồng ý làm như thế...”, “Tôi cương quyết cự tuyệt...”.
“Trương Xuân Kiều, đại biểu cho Cách mạng văn hóa, đánh đổ Lưu, Đặng không phải là ý kiến riêng của cá nhân ông ta - Khoái giải thích, tay chống nạnh, tay vỗ ngực, ra oai - Thủ trưởng đã giao nhiệm vụ quan trọng này cho chúng ta, đó là sự tín nhiệm của Cách mạng văn hóa đối với chúng ta, đối với lão Khoái này. Thủ trưởng đã chỉ đích danh chúng ta, cho dù sóng cả gió to, chúng ta cũng liều xông ra, sợ gì...”, vẫn tiếng hò la của đám “đàn em”, hoa tay múa chân, không ai chịu ai. Song, với bản lĩnh của một vị Tư lệnh, Khoái Đại Phú nhanh chóng dẹp loạn và cương quyết thông qua kế hoạch, chỉ có thời gian thay đổi chậm lại vào ngày 25.
Ngày 25 tháng chạp năm 1966, gió rét thấu xương bụi cát ngập trời, mặt trời chỉ còn là một cái chấm nhạt nhòa giữa không trung âm u. Khoái Đại Phú dẫn đầu hơn 5 ngàn người, tay cầm cờ, miệng la hét, kéo từ sân trường Thanh Hoa đổ về quảng trường Thiên An Môn, rồi chia thành 5 nhánh đến Vương Phủ Tỉnh, Tây Đơn, ga Bắc Kinh, chợ rau v.v... diễn thuyết, phát truyền đơn, dán báo chữ to, tuyên truyền vu cáo, lăng mạ Lưu, Đặng. Nội thành Bắc Kinh như bị phủ kín bởi những đại biểu ngữ “Đả đảo Lưu Thiếu Kỳ”, “Đả đảo Đặng Tiểu Bình”, “Huyết chiến đến cùng với Lưu, Đặng”.
Hành động của binh đoàn Hồng vệ binh Tĩnh Cương Sơn hôm ấy kéo dài suốt ngày Noel, đã chấn động cả Bắc Kinh, cả Trung Quốc, cả thế giới. Màn đầu của vở kịch Khoái Đại Phú đã mở ra, sau đó là những lớp lang, chương hồi diệt Lưu, Đặng lần lượt được trình diễn.
Người thanh niên 23 tuổi ấy, sau “chiến tích lừng lẫy”, được quan thầy cất nhắc lên ủy viên thường vụ ủy ban Cách mạng Bắc Kinh, trước mắt là con đường phủ đầy hoa.
Nhưng ngày 28 tháng 7 năm 1967 tại Trung Nam Hải, Mao Trạch Đông tiếp 5 lãnh tụ của sinh viên, và ông đã chỉ tên phê bình Khoái Đại Phú, không rõ vì lý do gì. Ông sợ hậu họa của “36 chước tranh quyền” chăng? Ngày vui ngắn chẳng tày gang, Khoái Đại Phú không ngờ hôm đó là mốc xuống dốc của đời mình.
Tháng chạp năm 1967, anh tốt nghiệp đại học, về Ninh Hạ làm công nhân mạ cho Xí nghiệp nhôm Thanh Đồng Hiệp. Năm 1970, bị bắt vì thuộc phần tử “5.16”, năm 1978 chính thức vào tù, năm 1983 toà án mới xét xử và tuyên án 17 năm tù (tính từ ngày bị bắt giam). Năm 1984, người ta đưa Khoái về Thanh Hải cải tạo lao động ở trại số 13. Hồi đó ông Hồ Diệu Bang làm tổng bí thư, khi ông đi công cán Thanh Đảo có hỏi thăm Khoái và hứa rằng, nếu cải tạo tốt, mãn hạn sẽ được phân công công tác. Sau 17 năm lao lý, Khoái đã vào tuổi 42 và trở về Xí nghiệp nhôm Thanh Đồng Hiệp thuở xưa. Sau đó lập gia đình và, năm 1992 cả nhà chuyển về Tư Gia Trang tỉnh Sơn Đông.