Chương 1
NHỮNG LỜI TIÊN TRI

    
hủ tướng nói rằng, mình không phải là chủ soái, chị cả Đặng (Đặng Dĩnh Siêu - vợ của Chu ND.) cũng nói như vậy, chúng tôi nghe và cảm thấy khó chịu, nay Chủ tịch và Tiểu Bình nhắc lại lần nữa, và mấy chữ “không phải là chủ soái”, càng làm cho chúng tôi sỉ nhục. Bây giờ hồi tưởng mới hay đó là hậu quả của văn hóa truyền thống, quan niệm truyền thống đã ảnh hưởng sâu sắc đến chúng tôi, hễ ai địa vị là công dày đức trọng, hễ ai làm quan lớn ấy là nên đại nghiệp, cống hiến nhiều. Chứng bệnh đó của dân chúng tôi chữa mãi mà vẫn không lành, như Lôi Phong là một tiểu đội trưởng chẳng hạn, nhắc đến tên là cả nước đều biết, nhưng cũng phải chín mươi chín phần trăm nhân dân chẳng rõ trung đội trưởng, đại đội trưởng của Lôi Phong là ai? Mặc dù nhiều người cứ muốn làm trung đội trưởng, đại đội trưởng hơn là cái chân tiểu đội trưởng.
Thủ tướng nói ông không làm được “cử trọng nhược khinh”, thì tương tự Chủ tịch và Tiểu Bình cũng khó lòng mà “cử khinh nhược trọng”. Ngày 16 tháng 12 năm 1949, Mao Chủ tịch thăm Liên Xô, không bao lâu thì qua tháng giêng năm 1950, tin tức truyền về cho hay, đàm phán không mấy thuận lợi và yêu cầu Thủ tướng Chu Ân Lai lập tức lên đường đi Mạc Tư Khoa. Tôi làm tùy viên cho Thủ tướng nên may mắn được đi cùng ông. Khi đến Mãn Châu Lý, chúng tôi gặp đồng chí Tiêu Hoa vừa dẫn đoàn văn công tham dự liên hoan thanh niên thế giới trở về. Tiêu Hoa báo cáo tình hình liên hoan và hoạt động của đoàn ta, Thủ tướng nhìn ra phía sau rồi hỏi anh:
- Sao không thấy Duy Thế?
Tôn Duy Thế là con gái nuôi của Thủ tướng, cùng với Tiêu Hoa đi dự liên hoan thế giới, ông không thấy cô trở về nên tự nhiên quan tâm mà hỏi vậy.
- Khi qua Mạc Tư Khoa, Duy Thế bị Sư Triết giữ lại -Tiêu Hoa giải thích - Sư Triết bảo cô ấy giỏi tiếng Nga, cần giúp thêm cho nhóm phiên dịch.
- Chủ tịch và Stalin đàm phán đến đâu rồi?
- Hình như không thuận lợi lắm - Tiêu Hoa lắc đầu. - Sư Triết chỉ nói đơn giản vậy thôi.
- Thế nay Chủ tịch làm gì?
- Stalin nói phải đợi Thủ tướng sang rồi sẽ tiếp tục đàm phán trở lại, hiện sắp xếp để Chủ tịch tham quan, xem biểu diễn, nghe đâu sẽ đi Lêningrat.
Thủ tướng gật đầu và không hỏi gì thêm nữa. Chúng tôi đến Mạc Tư Khoa nghe Sư Triết báo cáo tình hình thì cũng tương tự như Tiêu Hoa đã nói ở Mãn Châu Lý. Thủ tướng bắt đầu vào công việc đàm phán thật căng thẳng, còn Chủ tịch tạm lui về “tuyến hai” chỉ quản những vấn đề thuộc về phương hướng, nguyên tắc; trừ các quyết sách quan trọng, mọi vấn đề cụ thể khác đều do Chu Ân Lai quyết định. Tôi nhớ rất rõ, hồi đó ở Mạc Tư Khoa chẳng có việc gì làm, Chủ tịch say sưa đọc sách, đọc đến quên ăn quên ngủ. Một hôm trong bàn ăn, Chủ tịch nhìn tôi chằm chằm, ngỡ mình có gì vướng trên mặt nên vội lấy khăn lau sạch và chú ý nhai nuốt từ tốn hơn, nhưng Chủ tịch vẫn không rời mắt, chỉ vào tôi và nói:
- Cậu giống Nã Phá Luân quá!
Tôi thẹn thùng xấu hổ không biết Nã Phá Luân mặt mũi ra sao mà Chủ tịch bảo mình giống ông ta. Mao Chủ tịch không biết họ tên tôi, nhưng chắc chắn tôi là người của Chu Ân Lai, ông quay sang Thủ tướng vui vẻ kể:
- Mấy hôm nay tôi xem nhiều phim lịch sử, vừa xong “Pi-tơ đại đế”“ và “Nã-Phá-Luân” - nói đoạn, ông cầm ly rượu và đến bên tôi:
- Nào, xin cạn chén cùng Nã Phá Luân!
Chủ tịch uống đâu nửa ly, còn “Nã-Phá-Luân” tôi là nhân viên thuộc hạ, theo phép tắc, một hơi cạn đáy, mặt đỏ bừng, và từ hôm đó tôi được mọi người gọi yêu “Nã-Phá-Luân đệ nhị”.
Trong khi Chủ tịch nghiền ngẫm cả phim lẫn sách về Pi-tơ của Nga và Nã Phá Luân của Pháp, thì một tay Thủ tướng chống chèo, đàm phán được ba văn kiện quan trọng: “Điều ước hỗ trợ, đồng minh và hữu hảo Trung-Xô”, “Hiệp định về đường sắt Trung Trường, cửa Lữ Thuận và Đại Liên”, “Hiệp định cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vay vốn”. Đương nhiên, tất cả nguyên tắc, chiến lược chính trị của cuộc đàm phán đều do Mao Trạch Đông quyết định, hồi ấy ông có câu nói trứ danh để xác định mục tiêu đàm phán, đó là “cần phải đẹp một tí, và cũng cần phải ngon một tí”, “đẹp” chính là “điều ước đồng minh”, còn “ngon” đích thị là “hiệp định cho vay vốn”.
Tình huống đàm phán Trung - Xô lúc bấy giờ đã chứng tỏ một cách rõ ràng quan hệ không thể thay thế vị trí cho nhau giữa Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Nhớ lại năm 1948, lúc còn ở căn cứ Tay Phá Ba (tỉnh Hà Bắc), Mikaian - ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô sang thăm Trung Quốc, đã hội đàm với Chu Ân Lai, sau buổi hội đàm ông tâm sự cùng Sư Triết: “Chu Ân Lai sẽ là một vị thủ tướng rất cừ khôi của Chính phủ Trung Quốc mới trong nay mai”. Khi trù bị cho việc ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Stalin phát biểu với đoàn đại biểu Trung Cộng rằng: “Trong tương lai, lúc các đồng chí lập nên nhà nước mới thì đã có ngay vị thủ tướng, đó là Chu Ân Lai”. Ba mươi năm sau, nhiều nhà chính trị quốc tế từng bình luận: “Nửa thế kỷ qua, Trung Quốc như nằm trong bộ óc của Mao Trạch Đông và đồng thời lại nằm trong bàn tay của Chu Ân Lai”. Stalin cao thủ hay các chính trị gia uyên thâm? Tôi nghĩ rằng Chu Ân Lai của chúng tôi cũng cao thủ, uyên thâm chẳng kém gì họ.
Ngày 4 tháng 5 năm 1940, tôi làm cảnh vệ bên cạnh Chu Ân Lai, một tuần sau được cùng ông đi từ Diên An về Trùng Khánh. Đoàn chúng tôi cả trăm người, ngồi chặt 3 xe ô tô, ngày đêm lăn bánh trên những con đường gập ghềnh của cao nguyên hoàng thổ vùng Thiểm Bắc. Khi đến địa phận thị trấn Miêu Đài Tử, Chu Ân Lai cho xe dừng lại và hạ lệnh “đi xem danh thắng cổ tích!”. Lạ thật, hồi ở Tây An, danh lam thắng cảnh nhiều như thế sao Chu Phó chủ tịch không nhắc chúng tôi đi tham quan, mà nay giữa chốn sơn cùng thủy tận này lại dừng xe du lãm. Chu Ân Lai vừa xuống xe, đám cảnh vệ chúng tôi đều sẵn sàng súng ống bao quanh ông.
Chu Phó chủ tịch đã đến đây? Lão Trung khẽ hỏi, Chu Ân Lai lắc đầu, không nói gì và tôi chỉ nhìn thấy đôi lông mày rậm của ông nhíu lại, hai con mắt tư lự, xa xăm. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận một trạng thái tinh thần vô cùng xúc động lòng người. Tôi bất giác nhớ hôm qua đi Lạc Xuyên, một sĩ quan Quốc dân đảng ra chào Chu Ân Lai; viên sĩ quan này từng là học sinh trường quân sự Hoàng Phố, từng nghe Chu Ân Lai giảng bài, bao năm nội chiến, bao năm kháng Nhật, thầy trò cửu biệt, nay ngẫu nhiên trùng phùng, viên sĩ quan cảm động run run: “Thưa thầy!”, rồi bổ nhào đỡ lấy hai tay của Chu Ân Lai, trong khoảnh khắc đời người ấy tôi bị Chu Ân Lai mê hoặc, nhiệt tình mà không thất thường, thân thiết mà không biến thái, quan tâm mà không xởi lởi, ung dung ấm áp như mùa xuân, độ lượng tự tại như biển cả. Khi ấy tôi chưa hiểu rằng đó là sức mạnh của văn minh nhân loại, chỉ biết giữa ông và những người mà mình đã gặp có cái gì đó khang khác, khác như thế nào thì nói không ra, một ánh mắt, một nụ cười, một lời hỏi han ân cần, hay một cái bắt tay hoàn toàn chân thật v.v... Tất cả đều hấp dẫn vô cùng.
Còn hôm nay giữa thiên nhiên bao la, Chu Phó chủ tịch của chúng tôi lại thì thầm điều gì đó rất xa xôi, chúng tôi lại càng không hiểu, “vứt hết mọi công hầu, khanh tướng, lợi lộc, vinh quang lại phía sau, để tuổi già về ở ẩn nơi đây...”. Chu vọng nhìn lên cao, nơi ấy chúng tôi thấy tám, chín tòa miếu đỏ, ông vung tay phải hướng dẫn cả đoàn tiến về phía đó, nhưng vì có tật nên cánh tay chỉ nhích ra một tí và hình như cả nửa người bên phải của ông đã cùng chuyển động theo. Cánh tay ông vừa gãy gần đây, có người nói ngã ngựa khi đua với Giang Thanh, có người nói ngựa đang phi phải tránh con chó chạy qua đường nên nó lồng lên hất ông ra sau. Chu Ân Lai phải sang Liên Xô chữa trị 3 tháng, nhưng vẫn không thể thẳng ra được, đành cong cong về phía trước như một dị tật. Ông bảo chúng tôi:
- Nào, chúng ta đi viếng miếu Trương Lương!
Trương Lương - ôi cái tên tôi đã nghe đâu đó mà vẫn không rõ là của ai, các bạn đừng cười nhé, xuất thân từ đứa trẻ chăn trâu, tôi đâu bằng các em nhỏ ngày nay được cắp sách tới trường. Quê tôi Tứ Xuyên nằm sâu trong lục địa, miền thượng du của Trường Giang. Tổ tiên mấy đời đều chân trần lội chốn bùn sâu, lên 12 tuổi tôi đã như anh lực điền, trên vai lúc nào cũng đất cũng đá. Nhưng rồi quân phiệt hỗn chiến, pháo hạm và hàng hóa của người Tây dương ngược dòng Trường Giang lên tận quê tôi, để mỗi năm trên 5 vạn lượng bạc trắng lần lượt chảy ra biển và đi về xứ người. Cuộc sống dân quê tôi cơ cực không bút mực nào tả xiết, 12 tuổi đầu tôi đã gươm đao, giáo mác vùng lên đòi quyền lợi, tôi tham gia Hồng quân và bắt đầu học văn hóa.
- Thưa Chu Phó chủ tịch, Trương Lương là ai ạ? - chiến hữu vừa hỏi hẳn cũng chung một số phận thất học như tôi.
- Trương Lương là một vị anh hùng cổ đại, giúp Lưu Bang đánh thiên hạ, thống nhất toàn Trung Quốc, lập nên Hán vương triều nổi tiếng trong lịch sử nước ta - Chu Ân Lai vừa trả lời vừa leo núi, và bằng những lời lẽ nôm na như vậy để giải thích - người đời sau lập miếu thờ ông và nay gọi là miếu Trương Lương.
Tôi đã hiểu đôi điều về cái ông Trương Lương gần mà xa là như vậy, ông chỉ giúp Hán cao tổ Lưu Bang đánh thiên hạ mà thôi. Ô hay, Chu Phó chủ tịch của chúng tôi hoài cổ, sao ông không đi viếng Hán Cao tổ, hay xa xưa hơn nữa là Tần Thủy Hoàng mà chỉ đến đây vì mỗi Trương Lương, tôi bạo dạn hỏi Chu Ân Lai: Thưa Phó chủ tịch, vì sao lại làm miếu thờ Trương Lương? Ông nhìn tôi chưa trả lời sao cả thì một cảnh vệ khác lại thốt lên:
- Ở quê cháu cũng nhiều miếu lắm, dân làng nói Quan Công mới là anh hùng ạ.
Chu cười khoái trá:
- Quan Công là anh hùng mà Trương Lương cũng là anh hùng, và công trạng của Trương Lương còn lớn hơn nhiều so với Quan Công, 40 tấm bia trong hành lang kia là những lời đánh giá về Trương.
Tiếp đó, Chu Ân Lai không quản khó nhọc phiền hà mà đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về Trương Lương, ông nói: - Hán vương Lưu Bang thu toàn thiên hạ, chủ yếu nhờ 3 người: Hàn Tín, Tiêu Hà và Trương Lương.
- Thưa Phó chủ tịch, Trương Lương đã đánh những trận nào? - tôi tỏ vẻ chưa thỏa mãn về họ Trương và bèn hỏi ngang như vậy. Chu Ân Lai chợt thay đổi giọng nói, ông trầm ngâm giây lát rồi từ từ giảng giải:
- Trương Lương chưa hề một mình cầm quân đánh trận, ông ta không phải là chủ soái, nhưng Trương Lương luôn luôn có mặt bên cạnh Hán vương, trù mưu tính kế, làm một quân sư kiệt xuất. Xưa có câu: “Lo liệu nội trướng, chiến thắng ngàn phương”, các đồng chí hiểu không?
Cả đám chưng hửng, có anh gật đầu ra chiều đã rõ, nhưng đại đa số tuy không dám lắc đầu song hình như chưa biết mô tê ra sao. Chu Ân Lai suy nghĩ cách giải thích và lại tiếp tục:
- Lấy ví dụ nhé, các đồng chí đều biết chức vụ “thầy” nơi nha môn công đường, quan huyện thường mời những người có học hành, tri thức đến làm tham mưu tư vấn, đứng sau đề xuất chủ trương. Nói chung quan huyện đều phải dựa vào đám “thầy” tham mưu này mới làm được cái việc an dân trị nước. Quân sư chính là các “thầy”, tham mưu trong quân sự, giúp thống soái bày mưu tính kế đánh thắng trận. Tỷ như Hán vương thua trận, đến cả cha và vợ đều bị Sở bá vương bắt làm tù binh, Hán vương bó tay không biết xoay sở ra sao, thì Trương Lương hiến kế, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ Sở quốc để đánh lại Sở bá vương, cuối cùng định lấy “Hồng câu” phân vạch sơn hà và cho quân lính trở về, nhưng Trương Lương lại đề xuất chủ mưu, thả quân Sở thì chẳng khác nào như nuôi hổ gây nạn sau này, Hán vương nghe lời, truy kích Hạng Vũ, không cho kịp thở, tiêu diệt triệt để... đó gọi là “lo liệu nội trướng, chiến thắng ngàn phương”.
Chúng tôi nhìn tấm bia khắc bốn chữ “anh hùng thần tiên” và lại hỏi Chu Ân Lai ý nghĩa của nó, ông trả lời:
- Sau khi trị vì thiên hạ, Lưu Bang phong thưởng công thần, ban cho Trương Lương 3 vạn hộ phong điền, nhưng Trương chối từ, ông nói lần đầu tiên gặp hoàng thượng ở Lưu Huyện, nay chỉ xin Lưu Huyện là đủ, vì chiến loạn huyện này lúc ấy có khoảng một vạn hộ mà thôi. Trương Lương đưa Hán cao tổ Lưu Bang vào Hàm Cốc Quan, Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, còn Trương Lương tịch cư hành khí, không ăn không uống, đóng cửa náu thân một mình, ông nói: “Tôi được hoàng đế tín nhiệm, làm chức quân sư, tham mưu một ít ý kiến mà được cả vạn hộ dân hầu, thật là quá ư đãi ngộ, quá ư đầy đủ, nay chỉ muốn thoát khỏi chốn dân gian tục sự, phiêu diêu nơi Xích Tùng Tử của người tiên”, cho nên nhân dân truyền rằng, ông đã trở thành thần tiên.
Trương Lương là người phân rõ thị phi, thông hiểu lý sự, hoàn toàn biết thần tiên chỉ là hư ảo, nhưng ông vẫn làm như vậy vì thông minh phán đoán rằng, với chế độ phong kiến kẻ tôi thần khó bề đứng chân giữa công huân và danh vị. Quả vậy, Hàn Tín bị giết, Tiêu Hà bị bắt, chỉ có Trương Lương - ông vứt hết mọi công hầu, khanh tướng, lợi lộc, vinh quang lại phía sau làm người tiên. Ông chọn thái độ “minh triết bảo thân” (khôn ngoan giữ lấy mạng sống) là do những nguyên nhân hoàn cảnh, tình thế khách quan quyết định.
Tổ tiên Chu Ân Lai không ở vùng Hoài An - Tô Bắc, mặc dầu ông sinh ra tại cố thành này, nhưng nguồn gốc là Thiệu Hưng, Triết Giang. Trong dịp kỷ niệm 2 năm ngày Lỗ Tấn tạ thế, Chu Ân Lai từng phát biểu: “Về huyết thống cũng có thể tôi và Lỗ Tấn tiên sinh cùng xuất thân từ gia đình họ Chu thành Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang”. Họ Chu là một đại gia tộc quần tụ lâu đời ở Thiệu Hưng, đến đời ông nội của Chu Ân Lai thì mới dời khỏi đây chuyển về Hoài An, lần di cư ấy cũng có liên quan với nền văn hóa Thiệu Hưng.
Ở Thiệu Hưng, ngoài nhân dân lao động, tầng lớp trung lưu gồm hai loại: tri thức và thương nhân. Thông thường con đường lập nghiệp của tri thức là khoa cử, nhưng những nhà văn hóa Thiệu Hưng lại không như vậy, ít người đậu đạt làm quan, phần lớn theo nghề thầy, tham mưu, quân sư, tiếng Trung Quốc gọi là “sư gia”. Sư gia không phải là một hàm quan chức, ở nha môn công đường đám sư gia chẳng là chủ soái, cũng chẳng là kế vị, nhưng giải quyết mọi công việc nhà nước, trị quốc an dân đều trông cậy vào họ, xứng đáng là cánh tay thứ hai của bộ máy quan lại. Sư gia thông tuệ, lão luyện, nhiệt tình, cẩn thận, có tình có lý, thiện nghệ giải quyết những mâu thuẫn phức tạp nhất. Dần dà, người Thiệu Hưng làm sư gia thật xuất sắc và bách tính bèn gọi chung tất cả những ai hành nghề sư gia là “Sư gia Thiệu Hưng”, huyện quan nói chung đều phải dựa vào họ, vậy mới có câu “vô Thiệu bất thành nha” (không sư gia Thiệu Hưng thì không thể lập được công sở nhà nước). Ông nội Chu Ân Lai là Chu Điện Khôi đưa gia đình về Hoài An sinh sống là do ông làm sư gia nơi ấy, ông ngoại của Chu Ân Lai là Vạn Thanh Tuyển cũng xuất thân từ sư gia, có lẽ nhân cách của Chu đã được hình thành trong cái nôi văn hóa Thiệu Hưng - văn hóa sư gia.
Tất nhiên những điều trên đây đều là lời nói sau, còn lúc tham quan miếu Trương Lương thì chúng tôi chưa hề hay biết gì cả, và cũng không rõ vì sao Chu Ân Lai lại tôn sùng quý mến Trương Lương đến thế. Sau này tại nhiều hội nghị Trung ương, tôi nghe Thủ tướng thường nói “không phải chủ soái” và liên hệ lần leo núi nghe chuyện Trương Lương năm xưa, tôi mới thực lý giải “Trương Lương không phải là chủ soái, ông là một quân sư, một sư gia ưu tú nhất”...
Chu Ân Lai tiếp tục hướng dẫn chúng tôi xem di chỉ về truyền thuyết “Tiêu Hà đuổi Hàn Tín”. Ông hào hứng kể câu chuyện Lưu Bang được Hạng Vũ phong làm Hán vương, đến Nam Trịnh thì nhiều người trốn chạy. Hàn Tín tiếc tài bất dụng, cám cảnh vua tôi, cuối cùng bỏ Hán vương mà đi. Nghe tin, Tiêu Hà đang đêm lên ngựa đuổi theo. Người của Hán vương tưởng Tiêu Hà bỏ chạy đã tâu trình Hán vương, nhà vua hốt hoảng nổi trận lôi đình như bị cắt mất chân, tay. Hai ngày sau, Tiêu Hà trở về, Hán vương vừa giận vừa vui quát hỏi Tiêu Hà:
- Vì sao nhà ngươi lại bỏ chạy?
- Thần đâu dám chạy trốn, thần chỉ đuổi tìm người bỏ chạy mà thôi.
- Tìm ai?
- Dạ thưa Hàn Tín!
- Đã mấy chục tướng lĩnh bỏ đi, nhà ngươi không đi tìm, nay nhà ngươi lại nói truy tìm Hàn Tín, thật là xằng bậy!
Tiêu Hà vừa cười vừa giải thích:
- Những tướng lĩnh ấy trong thiên hạ này nhiều lắm, tìm đâu mà chẳng thấy, còn như Hàn Tín, mất đi một thì không có người thứ hai. Đại vương nếu chỉ muốn trị vì Hán Trung một thời thì hà tất phải trọng dụng Hàn Tín, còn muốn thâu tóm toàn thiên hạ? Dạ thưa: phi Hàn Tín bất thành thắng lợi, ngoài Hàn ra không ai có thể giúp đại vương bày mưu lập nên nghiệp lớn.
Lưu Bang nghe lời Tiêu Hà, dựng đàn bái Hàn Tín làm Đại tướng quân, thống lĩnh toàn bộ binh mã, quả nhiên đánh bại Hạng Vũ.
Chu Ân Lai kết luận:
- Lưu Bang bách chiến bách bại, nhưng chuyển bại thành thắng vì nhờ tài tể tướng của Tiêu Hà, chọn Quan Trung làm căn cứ địa, muốn người có người, muốn tiền có tiền, muốn gạo có gạo. Còn Hạng Vũ bách chiến bách thắng, nhưng không kham nổi một lần thất bại, thể như vết dầu loang, lan mãi cho đến lúc suy vong, một trong những nguyên nhân, ấy là thiếu người tể tướng kiểu Tiêu Hà, dù có đi nữa cũng không phát hiện ra, thậm chí phát hiện ra, thì rồi vẫn không trọng dụng.
Lần hoài cổ ấy, Chu Ân Lai kể khá tỉ mỉ về lịch sử Trương Lương, Tiêu Hà giúp Lưu Bang gây dựng cơ nghiệp nhà Hán, cuối cùng ông nói:
- Trương Lương, Tiêu Hà là những người có bản lĩnh, không có họ, nhà Hán không gây dựng được, họ biết điều ấy, và Lưu Bang cũng biết như vậy, nhưng vĩ đại ở chỗ là Trương, Tiêu đều sáng suốt phân định rõ sở trường sở đoản của bản thân mình. Trương Lương truyền binh pháp Thái công cho Lưu Bang, Lưu nghe và hiểu ngay, thường dùng kế đó, ngược lại ở người khác thì không hẳn như thế, vì vậy Trương phò Lưu, hai người bổ sung lẫn nhau và lập nên nghiệp lớn... Lịch sử Trung Quốc có không ít Trương Lương, Tiêu Hà, họ đều là anh hùng và từ nay về sau vẫn còn cần những con người như họ.
Về đến Thành Đô, Chu Ân Lai đưa chúng tôi viếng thăm đền thờ Gia Cát Lượng, ở đây ông giảng giải cho chúng tôi các bài học của Cát Lượng như “hòa Ngô”, “hòa Di”, “minh pháp”, “trị quân”, “chính thân”. Chu Ân Lai nói nhiều về phép “chính thân” của Cát Lượng, người một thời khiêm tốn, chí công vô tư, tự mình chủ trương trong nhà đã no ấm rồi hà tất phải kinh doanh kiếm lời và căn dặn: “Sau khi thần qua đời, nếu lục soát trong nhà có dôi ra vật gì, thì thần xin thành thật xin lỗi quốc gia”. Thuở ấy người viếng đền rất đông, không cách nào đứng lâu nói dài, Chu Ân Lai ngước nhìn lên pho tượng Gia Cát Lượng và kính cẩn cúi chào tiền nhân lỗi lạc rồi dẫn chúng tôi rời khỏi điện thờ.
- Các đồng chí biết không? - Chu Ân Lai vừa đi vừa giải thích, - sau khi Cát Lượng qua đời, dân chúng khắp nơi đều yêu cầu lập miếu thờ ông, nhưng vì lễ giáo nên không thành, vì vậy đâu đâu cũng dựng lên miếu tư nhân tưởng niệm Cát Lượng. Mãi đến năm Thục Hán diệt vong, A Đẩu mới cho lập miếu thờ Gia Cát Lượng tại Miến Dương, hủy bỏ các hình thức am miếu của tư nhân đã dựng lên để cúng bái ông. Cát Lượng thật sự đang sống trong lòng dân chúng, một chính trị gia của giai cấp phong kiến đã làm được điều đó, thế mà người cộng sản chúng ta?
Chu Ân Lai tạ thế, không để lại một tơ hào của cải cá nhân, đến như di thể cũng hiến cho khoa học giải phẫu nghiên cứu, sau đó hỏa táng và nhúm tro tàn cuối cùng vẫn không cần bảo quản. Ông từng căn dặn, xin đừng “lập miếu”, xây nhà kỷ niệm hay cố cư gì đó v.v... cho nên ngày ấy dân nước tôi truy điệu Chu Ân Lai ở đài liệt sĩ, ở mỗi đường phố, làng quê, trong mỗi căn hộ và tận trong những con tim.
Ngày ấy liên tục từ nước ngoài chuyển đến Trung Quốc ngàn vạn lời ca ngợi Chu Ân Lai - một vị tể tướng hiền tài, tôi bất giác nhớ chuyến đi Diên An về Trùng Khánh, trong khi Mao Trạch Đông cảm hoài với Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ, với Đường tôn Tống tổ, thì Chu Ân Lai lại động lòng trắc ẩn cùng Trương Lương, Tiêu Hà, Gia Cát Lượng... phải chăng ấy là lời tiên tri?
Tôi lại nhớ, ngày 8 tháng 4 năm 1946, khi nhận được điện báo tai nạn thảm khốc, Chu Ân Lai đã khóc than các chiến hữu liệt sĩ Diệp Đình, Vương Nhạc Phi, Đặng Phát, Tần Bang... “Ôi Nhược Phi, khó có một nhân tài và bạn bè như anh... giữa chúng ta gắn bó biết chừng nào, giá anh đừng sớm ra đi, thì nay mai kiến quốc, người Phó thủ tướng thường trực này sẽ san sẻ cho tôi bao phần khó nhọc.”
Stalin, Mikain khách quan nhận định rằng, Chu Ân Lai sẽ là Thủ tướng Trung Quốc, sự đánh giá ấy công bố sau hai năm, chậm thua Chu Ân Lai tự tiên tri cho bản thân mình! Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Chu Ân Lai quả nhiên trở thành thủ tướng nước Trung Hoa mới, cúc cung tận tụy 27 năm trong cương vị “sư gia” cho “huyện quan”, sáng danh như Trương Lương, Tiêu Hà, Gia Cát Lượng thuở xưa, con người văn hóa Thiệu Hưng ấy tuy “cử khinh nhược trọng” nhưng biết người biết ta, chọn cho mình một chỗ đứng không ai thay thế được tận đến hơi thở cuối cùng - ngày mồng 8 tháng 1 năm 1976. Kỳ lạ thay, năm ấy “huyện quan” của ông là Mao Trạch Đông cũng đã qua đời, họ thật như cặp bài trùng!