Chương 10
HỌA VÔ ĐƠN CHÍ

10 giờ sáng ngày đầu năm 1967, quảng trường Thiên An Môn ngập trong biển người và hết sức náo nhiệt. Các loa phóng thanh cỡ lớn mở hết âm lượng bài từ Mãn giang hồng của Mao Trạch Đồng, cho đến khi hàng vạn sinh viên kéo từ các trường đại học, cao đẳng ở Bắc Kinh lũ lượt đổ về quảng trường. Đây là cuộc mít tinh của phái tạo phản chính thức kết tội Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Theo kịch bản, “nhân vật số hai trong phái đương quyền Trung Quốc đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” - Đặng Tiểu Bình phải mang 10 trọng tội như sau: 1/ Là một Tổng bí thư tiếm quyền, 2/ Chủ trương phê phán sùng bái cá nhân để giảm uy tín của Mao Chủ tịch, 3/ Đề xướng lý luận “mèo” trong nông nghiệp nhằm chống lại tư tưởng Mao Trạch Đông, 4/ Thổi phồng công việc phong hàm, học vị cho các nhà khoa học, 5/ Thông qua 60 điều về giáo dục đại học làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, 6/ Chống chính sách văn hóa của Mao Chủ tịch, 7/ Không tuân chủ trương giáo dục kết hợp với lao động sản xuất do Mao Chủ tịch đề xướng, 8/ Trấn áp phong trào sinh viên Cách mạng, 9/ Phái tổ công tác đàn áp quần chúng Cách mạng văn hóa, 10/ Từ ngày du học ỏ Pháp về nước đã trở thành con bạc tú lơ khơ, từng điều chuyên cơ mời bạn cờ khắp nơi về Bắc Kinh chơi trò đen đỏ (!).
Khí thế cách mạng của quần chúng thật ghê gớm, chỉ cần một cuộc hò la, áp đặt buộc tội vô căn cứ như thế, từ vị trí Tổng bí thư đảng cầm quyền bỗng chốc trở thành kẻ thù bên kia giới tuyến, đợi ngày phán quyết. Từ đó, Đặng Tiểu Bình như bị giam lỏng trong tư dinh ở Trung Nam Hải. Lúc này cuộc đại Cách mạng văn hóa chuyển qua giai đoạn đoạt quyền. Mở đầu là nhóm tạo phản Vương Hồng Văn ở nhà máy bông số 17 Thượng Hải được Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên yểm trợ đã đứng lên giành quyền lãnh đạo của Thành ủy và chính quyền thành phố. Mao Trạch Đông ủng hộ hành động của Vương Hồng Văn, thế là phái tạo phản trong cả nước đã noi gương Vương tiến công vào cơ quan Đảng, chính quyền cao nhất ở các địa phương, dấy lên cao trào “đoạt quyền toàn diện” mà hậu quả của nó là tình trạng vô chính phủ và đổ máu. Các chiến sĩ cách mạng lão thành lớn tiếng phản đôi hành động phá Đảng, phá nhà nước, phá xí nghiệp, phá nông thôn đó của phái tạo phản đại Cách mạng văn hóa thì bị chụp ngay cái mũ “dòng nước ngược phục hồi giai cấp tư sản”. Để tiêp sức cho đám người tạo phản, ngày 22 tháng 7 năm 1967 Giang Thanh lại đề ra khẩu hiệu “văn công, võ nghệ” (công kích bằng văn, bảo vệ bằng võ). Ngày 7 tháng 8, Tạ Phú Trị - Bộ trưởng công an, người của Giang Thanh, đã công khai tuyên bố “hủy bỏ luật kiểm soát”, rồi Vương Lực kêu gọi đoạt quyền ở Bộ ngoại giao v.v... Đó là những ngày mà đường lối tả khuynh đạt đến cực thịnh, làm say lòng cả tác giả lẫn đạo diễn của tấn tuồng chính trị ấy.
Hôm đó, ngày 4 tháng 8 năm 1967, trong căn phòng mát dịu do được điều hòa không khí ở lầu 8 Điếu Ngư Đài, Giang Thanh lại đàm đạo cùng Khang Sinh. “Này Khang huynh, sáng mai là kỷ niệm một năm ngày Mao Chủ tịch công bố bài báo chữ to - Nã pháo vào bộ Tư lệnh, chúng ta phải làm gì để chúc mừng?”.
“Lại tiếp tục nã pháo vào bọn chúng, không cho chúng nó ẩn nấp trong tư dinh, không cho chúng nó sống thoải mái”.
“Không cho chúng nó sống thoải mái!”. Giang Thanh nghiến răng: “Phải đấu, đấu mạnh!”.
Thế là những nhà lãnh đạo cuộc đại Cách mạng Văn hóa như Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt, Thích Bản Vũ lại cụng đầu bày mưu đấu tố Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Đào Chú, rồi sai bọn đàn em ra tay.
Tào Dật Âu với nhãn hiệu đặc phái viên Cách mạng văn hóa Trung ương được phân công chỉ huy đấu Đặng Tiểu Bình. Trong tiếng hò la “Đặng Tiểu Bình phải cúi đầu, chúng ta bắt nó phải chết!”, “Đả đảo tên số hai theo chủ nghĩa tư bản”, là một thác người ào ào vào nhà ông ở Trung Nam Hải. Hai tên lực lưỡng hảo hán lôi ông ra giữa sân, rồi chụp ảnh, quay phim, ghi âm, liên tục thu hình, thu tiếng để phát lại cho cả nước cùng nghe, cùng thấy.
Đặng Tiểu Bình, lúc này đã là ông già 63 tuổi, bị tròng giữa trưa nắng, mồ hôi nhễ nhại, bị vây quanh bởi nhóm thanh niên tạo phản mà tuổi còn măng sữa. Một Hồng vệ binh la lớn:
“Hãy trả lời, mày và Lưu Thiếu Kỳ đã đàn áp sinh viên như thế nào?”.
“Tôi đồng ý cử tổ công tác đến các trường”, Đặng Tiểu Bình điểm tĩnh trả lời, không một chút hoảng sợ, “Vì lúc bấy giờ ở các trường rất loạn, không có cách nào khác để ổn định trở lại, sau khi Ban thường vụ Bộ chính trị thông qua, chúng tôi mới cử tổ công tác. Về việc này, Thiếu Kỳ có trách nhiệm và tôi cũng có trách nhiệm. Nhưng lúc đó chưa ý thức được làm như vậy là theo con đường phản động của giai cấp tư sản...”.
“Không được ngụy biện, tao phải vạch mặt mày, đến bây giờ mày vẫn ngoan cố với lập trường tư sản”.
Đám người hò la, hô khẩu hiệu, lăng nhục, kết tội, cứ thế giờ này qua giờ khác, dậy cả một vùng Trung Nam Hải. Ngoài kia, trên quảng trường Thiên An Môn, người ta tụ tập lắng nghe theo loa phóng thanh tường thuật tại chỗ cuộc đấu tố, rồi cũng “đả đảo”, cũng nhảy, cũng hét, cũng căm thù như thể được trực tiếp vạch mặt Đặng Tiểu Bình.
Ngày 13 tháng chín năm ấy - 1967, người thân của Đặng Tiểu Bình buộc phải rời khỏi Trung Nam Hải. Sáu bà cháu ngậm ngùi ra đi tìm nơi nương tựa, đành bỏ mặc Đặng Tiểu Bình và Trác Lâm, vợ ông, bị giam lỏng tại tư dinh để thường xuyên kéo ra đấu tố và chờ ngày phán quyết cuối cùng. Lúc đầu họ tá túc tại các trường học, nhưng vì mang danh là con cái của “hắc bang” nên cũng bị đấu tố và đuổi ra khỏi ký túc xá sinh viên.
Đặng Phác Phương và em gái là Đặng Nam bị phái tạo phản bắt giam và bị nhốt vào một phòng thí nghiệm vật lý của Đại học Bắc Kinh để ngày ngày tra khảo, đánh đập và buộc viết giấy tố cáo cha mẹ mình. Nhiếp Nguyên Tử - một tiểu tướng sinh viên, người đã dán tờ đại tự báo đầu tiên công kích Thành ủy Bắc Kinh, công kích nhà trường - được phân công ám hại con cái của Đặng Tiểu Bình.
Đặng Phác Phương, con trai trưởng của Đặng là một thanh niên cuồng tín Đảng cộng sản, cuồng tín tư tưởng Mao Trạch Đông, và là đảng viên sắp hoàn thành tốt nghiệp ngành vật lý hạt nhân, trước cảnh loạn lạc “nước mất nhà tan” lòng tin của anh như hoàn toàn sụp đổ, đã có lúc phải mượn chén rượu giải sầu, và chính khi nhận giấy bút viết tố cáo cha mẹ mình, Phác Phương đã để lại lời tuyệt mệnh, rồi nhảy từ lầu 3 xuống đất. Năm đó - 1968, anh mới 24 tuổi. Thượng đế chưa cho anh chết mà bắt anh làm người tàn phế. Anh bị gãy cột sống, và giáng xuống gia đình họ Đặng một tai họa khủng khiếp. Lúc ấy, người ta đưa anh đên hành lang của Bệnh viện số 3 Bắc Kinh, một đống xương thịt co rúm nằm đó, không phải chờ chữa trị mà nhận câu trả lời “con của hắc bang, con của tên số hai theo chủ nghĩa tư bản, ở đây không có chỗ cho nó!”. Xe cấp cứu lại thả anh xuống sân Đại học Bắc Kinh, một đêm lạnh trên bãi cỏ ấy không biết Phác Phương đã nghĩ gì. Sáng hôm sau, bác sĩ nhà trường mới đến và họ cùng thúc thủ, vô phương cứu chữa vì xương sống đã nứt gãy rồi. May sao có một công nhân già, tên Vương Phong Ngô đến trạm xá hỏi anh “Cháu là Phác Phương?” và đời anh được cứu vãn từ đó.
“Họa vô đơn chí” nhưng cũng có lúc “Họa trung đắc phúc”, và Vương sư phụ đã trở thành ân nhân của gia đình họ Đặng.