Chương 4
TÔI THỬ ĐO TỬU LƯỢNG CỦA NGƯỜI

     hủ tướng của chúng tôi sinh trưởng từ vùng đất thấm đượm nền văn hóa Thiệu Hưng, văn hóa sư gia, cũng là nơi sản xuất loại rượu ngon có tiếng - Thiệu Hưng hoàng tửu, vì thế mà ông biết uống rượu hay do câu “nam vô tửu như kỳ vô phong” răn dạy, điều đó tôi không dám khẳng định, song những câu chuyện về Chu Ân Lai và rượu thì rất nhiều, có thể viết thành một cuốn sách khá dày và luôn luôn liên quan đến hai chữ “Mao Đài”. Hồng quân chúng tôi thường nói đùa, hồi Vạn lí trường chinh, khi qua Quý Châu chiếm được trấn Mao Đài, lính tráng đã uống cạn tất cả mọi vò rượu ở đây, dần dần tạo nên điển tích “uống hết rượu Mao Đài”. Kỳ thực chất lượng rượu Ngũ Lương hơn hẳn Mao Đài, nhưng vì Hồng quân và Chu Thủ tướng không uống loại rượu này, mất đi hai điểm đó, Ngũ Lương đành nhường ngôi mỹ tửu cho Mao Đài.
Chuyện vui cuối cùng vẫn là chuyện vui, nhưng Mao Đài quả đã thành danh trên thế giới và gắn bó với Thủ tướng của chúng tôi, và hồi ấy lúc qua trấn Mao Đài trong cuộc Vạn lí trường chinh, Thủ tướng dùng loại cốc đong được một lượng, uống liền 25 cốc Mao Đài tửu, ông nói với tôi như vậy, sau này nhiều lần kiểm nghiệm tôi thấy đúng.
Vậy xin được kể tiếp câu chuyện tửu lượng của Thủ tướng.
Năm 1940, tôi đảm nhiệm công việc cảnh vệ cùng Chu Ân Lai từ Diên An về Trùng Khánh để dự đàm phán với Quốc dân đảng. Trên đường đi, chúng tôi gặp không biết bao nhiêu là sĩ quan của Quốc dân đảng, sư trưởng, quân đoàn trưởng, Tư lệnh v.v... họ đều tốt nghiệp ở trường quân sự Hoàng Phố, từng là học sinh của Chu Ân Lai, thầy trò cửu biệt trùng phùng, thiết rượu chào mừng, vừa để ôn cố, vừa để thầy giáo cũ của mình tẩy trần sau mỗi chặng đường là đương nhiên và không thể từ chối. Là cảnh vệ cho Thủ tướng, tôi không dám vắng mặt trong tất cả các buổi tiệc và nhận thấy chưa một cậu học trò nào địch nổi tửu lượng của thầy, nhưng tửu lượng bao nhiêu thì vẫn đo không được, có lẽ khoảng 1 cân, ít ra cũng 8 lượng, tôi nhẩm đoán.
Mùa thu năm 1945, cuộc đàm phán Quốc - Cộng nâng lên cấp thượng đỉnh Tưởng - Mao. Khi Mao Trạch Đông vừa đến Trùng Khánh thì 8 giờ tối hôm ấy Tưởng Giói Thạch đã mở tiệc khoản đãi ở dinh quan Lâm Viên, đàm phán bắt đầu từ những cốc rượu. Tiếp sau đó là liên tục yến hội, nào chính phủ Nam Kinh mời, nào các đảng phái dân chủ khác mời, nào đoàn thể nhân dân mời. Mỗi lần tiệc tùng như vậy, mọi quan khách đều tranh nhau chúc rượu Mao Trạch Đông. Lúc ấy Mao - Chu như hình với bóng, Chu Ân Lai sợ kẻ xấu ám hại Mao Trạch Đông, cho nên khi nói chuyện ông lùi sau Mao nửa người, còn lúc ai mời rượu ông lại dành lên trước nửa người và luôn miệng: “Ái dà, Mao Chủ tịch của chúng tôi tửu lượng có hạn, tôi xin thay, xin hầu quý vị...”. Nhìn Chu Ân Lai hết cốc này đến ly khác, hết vòng này đến lượt khác, uống thay cho Mao Trạch Đông, thể như “liều mình cứu chúa”, mắt tôi tự nhiên nhòa lệ, tôi thương ông quá.
Năm năm cùng Chu Ân Lai có mặt trong các tiệc rượu, nghe ông giảng giải về tửu đạo, tôi cũng đã hiểu biết ít nhiều xung quanh chủ đề rượu và uống rượu. Rượu vào có người mặt đỏ, có người không. Người mặt đỏ chưa hẳn là không biết uống, ngược lại người không đỏ mặt chắc gì đã là giỏi rượu, mà phải nhìn vào đôi mắt của họ để phán đoán. Có người càng uống, mặt càng đỏ, mắt sáng quắc như xuất thần, nó năng oai vệ, sang sảng, Chu Ân Lai thuộc loại này. Có người rượu vào, da mặt cũng đỏ, nhưng ánh mắt ảm đạm, thần sắc lúc tán lúc tụ, uống rượu trở thành tra tấn hoặc hình phạt đối với họ, Mao Trạch Đông là như vậy, và ông không bao giờ quá chén “ba ly”. Có người uống khá nhiều nhưng mặt vẫn như thường vì màu đỏ đã được da thịt che khuất, như tướng quân Hứa Thế Hữu chẳng hạn. Còn ai càng uống càng trắng, càng xám, càng xanh, nghĩa là biến sắc ba màu thì không nên ham rượu. Lúc về già, nguyên soái Hạ Long tuy rượu vào, mặt không biến sắc, nhưng Chu Ân Lai vẫn khuyên ông cai luôn “ngọn gió” quyến rũ ấy.
Cùng một người, tửu lượng của anh ta còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, ăn ngủ, tính tình và tâm trạng lúc nâng ly. Trong thời gian đàm phán ở Trùng Khánh, Chu Ân Lai từng thay Mao Trạch Đông nhận chúc rượu, luôn “liều mình cứu chúa”, khi ấy điều kiện sức khỏe của ông thật bất lợi, mất ngủ và phải làm việc căng thẳng, hầu như không được nghỉ ngơi. Vào tiệc, Chu Ân Lai lại bận rộn như ở bàn đàm phán, uống hàng chục cốc mà chưa miếng nào vào bụng, vòng này đến lượt khác, như thể đánh trận vậy. Quả thật, uống rượu cũng giống như ở chiến trường, những người thành tâm như Trương Trị Trung thì không nói làm gì, còn loại ô hợp kia, lai lịch nhân cách nào đâu có biết, lắm kẻ từng giết nhau giữa tửu trường “nam chinh bắc chiến”, và nói chung hai ba đấu rượu lọt xuống bụng rồi thì tà ý hay chân tâm khó mà đoán biết, tất cả đều bốc lên, đều “rượu vào lời ra”: “Mao tiên sinh, lần này trở lại đàm phán, so với giai đoạn trước thuận lợi hơn nhiều, chúc cho chúng ta sớm đi đến hiệp nghị, xin chúc mừng, xin cạn cốc.” “Ân Lai huynh, rượu của Mao tiên sinh huynh gánh dùm uống giúp, còn của bản thân huynh nữa nhé, phải cạn hai cốc, hai cốc...”
“Chu tiên sinh, tiểu đệ xin thay mặt đảng bộ Trùng Khánh, Quốc - Cộng hợp tác mà, hãy xem nhau như đồng sự và cốc thứ nhất xin mời Mao tiên sinh, cốc thứ hai mời hiền huynh Ân Lai.”
Những ngày đàm phán đi vào bế tắc, giữa thỏa hiệp và nguyên tắc, Chu Ân Lai đã tìm được cách đột phá. Phía bên kia cũng lắm kẻ cuồng say vì sự nhượng bộ to lớn của Trung Cộng, nhưng không ít người cay cú do chưa tiêu diệt được cộng sản, tất cả những tâm trạng vui buồn ấy đều thể hiện trong tiệc rượu, trào lên rồi ập xuống sau mỗi vòng cụng ly, cạn chén, cảnh tượng ở tửu trường làm tôi liên tưởng đến biển cả, những ngọn sóng hùng hổ vươn cao như muốn nuốt hết tất cả, bỗng kiệt sức không thể dâng lên hơn nữa, đành đổ nhào xuống mõm đá, vỡ tan thành bọt trắng ngần, lan tỏa ra phía sau, lúc ấy thật yên tĩnh, chỉ còn lại tiếng rào rào của bọt sóng lùi dần, xa dần mà thôi. Cứ thế hết cơn sóng này đến cơn sóng khác, Chu Ân Lai vẫn hiên ngang chống đỡ cho Mao Trạch Đông, mặt ông đỏ ong, đôi mắt sáng quắc, lại thêm hàng mi đen dày càng khiến cho ông oai vũ. Chu lên tiếng:
- Tôi đề nghị chúng ta không nên loạn chiến, bất luận là uống rượu hay đàm phán, đều cần bình đẳng cả. Tôi xin mời tất cả các vị uống được rượu cùng nâng ly, và sau đây thay mặt Mao Chủ tịch kính quý vị 3 ly. - Chu Ân Lai lịch sự, lễ độ mỉm cười, đưa mắt nhìn toàn thể tửu trường, rồi gật đầu: - Vâng, xin quý vị cạn trước cho phải đạo. Sau đó Chu Ân Lai một hơi 3 ly uống cạn, và không quên: - Giờ đến lượt tôi, kính quý vị 3 ly nữa. Và ông giữ đúng lời mời của mình, lại cạn thêm 3 ly nữa, tửu trường lặng sóng, tôi chỉ còn nghe tiếng Chu Ân Lai khẽ nói: chúng ta đâu phải chuốc rượu, cụng ly cạn cốc là vì hữu nghị, không gây khó dễ cho người khác, ai uống được xin cứ tiếp tục đứng dậy kính mọi người 3 ly. Quả nhiên, Trương Quần, Thiệu Lực Tử, Trương Trị Trung thay nhau phát biểu:
- Ân Lai huynh nói chí phải, chúng ta không nên loạn chiến, ai uống được xin mời tự nhiên kính rượu mọi người - Người nào kính rượu liền một lúc phải cạn 3 ly đầy như Chu Ân Lai vừa làm mẫu nên không mấy ai dám cả gan một mình đương đầu khiêu chiến. Tửu trường “im tiếng súng”, tôi nghe văng vẳng bên tai lời nhận xét của tay phóng viên đứng phía sau: “Mỗi một Chu Ân Lai mà đã đánh bại cả Quốc dân đảng trong đêm rượu này”. Tôi thương Chu Ân Lai quá chừng, ông phải làm việc, phải đấu trí ngay cả lúc uống rượu.
Trở về văn phòng ở Hồng Nham, tôi ngửi thấy một mùi toàn rượu từ hơi thở của Chu Ân Lai, tôi quan tâm và hỏi: “Thưa Chu Phó chủ tịch, sao đồng chí không để Mao chủ tịch uống bớt một vài ly cho đỡ mệt?”. Ông ôn tồn đáp lại: “Mình sợ trong rượu có tay chân của địch!” và sau đó Chu lại tiếp tục công việc chuẩn bị cho phiên họp đàm phán ngày mai.
Lần thứ hai ở Vân Nam, cũng một cốc rượu lịch sử, nhưng tình hình hoàn toàn khác với Trùng Khánh. Hội nghị Bandung kết thúc, chúng tôi đáp máy bay từ Indonesia về Côn Minh, cán bộ lãnh đạo quân, chính, đảng tỉnh Vân Nam mở tiệc chào mừng đoàn đại biểu do Chu Ân Lai dẫn đầu thắng lợi trở về. Đêm ấy Chu Ân Lai đã được mọi người chúc rượu, kính rượu và một lần nữa tửu lượng mênh mông của ông lại phát huy tác dụng. Chu Ân Lai không từ chối một ai, cũng như khi ra về ông ân cần bắt tay tạm biệt từng người một, tôi đếm đúng 280 đồng chí tất cả.
Năm 1961, Mao Trạch Đông triệu tập hội nghị Lư Sơn lần thứ hai, Chu Ân Lai được gia đình Dương Thượng Khuê mời cơm. Nhắc đến Thượng Khuê và vợ Dương là Thủy Tĩnh thì bất cứ người nào trong Trung Nam Hải đều biết rõ, bởi vì Dương Thượng Khuê là bậc cách mạng lão thành, từng là trưởng ban tuyên truyền tỉnh ủy khu xô-viết trung ương, sau năm 1949 là bí thư tỉnh ủy Giang Tây. Trung ương mở hội nghị ở Lư Sơn, vợ chồng Dương Thượng Khuê - “quan sở tại” đã hết lòng thết đãi, bày tỏ sự quan tâm, phục vụ. Thủy Tĩnh lúc ấy còn trẻ, ân cần giao tiếp, để lại ấn tượng đẹp đẽ với mọi khách quý đến Giang Tây. Thủy Tĩnh thường giúp anh chị em cảnh vệ, nhân viên cơ quan mối mai nên vợ nên chồng, tiếng lành đồn xa về bí thư tỉnh ủy phu nhân đẹp người đẹp nết này. Ngoài ra, Thủy Tĩnh còn nổi tiếng với tửu lượng của mình, cô đã “hạ gục” một Bộ trưởng chính phủ trong cuộc “đọ sức” trên tửu trường. Hồi đó, trong chính phủ nhiều người biết uống rượu, như bộ ba Thủ tướng, Trần Nghị và Kiều Quán Hoa, hoặc như danh tướng Hứa Thế Hữu 7 lần tham gia cảm tử quân, 9 lần bị thương nặng chốn sa trường cũng “khét tướng” là một trong bốn vị đại tửu ở Nam Kinh, hoặc như Bộ trưởng Liêu Lỗ Ngôn trước khi tàn tiệc ra về còn uống một lúc nửa chai, ông bảo “không nên lãng phí” v.v...
Chu Ân Lai đến chậm vì ông có công việc cần bàn với Mao Trạch Đông, tiệc vui ở nhà Dương Thượng Khuê và Thủy Tĩnh phải chia làm hai, Đặng Tiểu Bình và Lý Phú Xuân dùng trước và sau đó còn đi tham quan một số cơ sở với Dương Thượng Khuê, phần của Chu Ân Lai dành lại, giao cho Thủy Tĩnh đợi khách và thù tiếp. Tôi được Thủ tướng kéo vào bàn tiệc. Thức ăn hôm ấy Thủy Tĩnh khéo bày thực đơn “tứ tinh vọng nguyệt”, bốn “ngôi sao” là các món rau tươi chầu về một “mặt trăng” - thịt xào, kèm theo hai chai Mao Đài. Thủy Tĩnh ân cần tiếp đãi Thủ tướng, hai bên hàn huyên, chén tạc chén thù, và đều biết rõ tửu lượng của nhau. Trước khi ra về, Thủ tướng mới tiết lộ hôm nay phần dự cơm khách, phần để thử xem tài uống rượu của nữ nhi, ông vui vẻ nói: “Thật danh bất hư truyền”, Thủy Tĩnh đáp lại: “Em cám ơn, Thủ tướng lại nhà”. Tôi ngồi cùng Thủ tướng và vẫn chưa đo được chính xác tửu lượng của Người, vì khi tửu ý vừa nhen lên thì cuộc vui đã kết thúc, không rõ ông vừa uống vào giai đoạn nào.
Anh em phục vụ chúng tôi sống và làm việc bên cạnh Chu Ân Lai khá lâu, quan sát và đúc kết ra 3 giai đoạn hay còn gọi 3 đỉnh, 3 cao nguyên trên “tửu lộ” của ông. Cao nguyên thứ nhất, chúng tôi mệnh danh là “phong cảnh tự nhiên”, ở đây chúng ta không có cảm giác rằng Chu Ân Lai biết uống rượu, phần lớn là các buổi tiệc gia đình do chị cả Đặng chủ trì bày biện, ông chỉ uống xã giao, lý do vì sao chúng tôi sẽ kể ở phần sau. Điều đáng chú ý ở giai đoạn này là những lúc cảm cúm, nhiễm lạnh này nọ, Chu Ân Lai không bao giờ uống thuốc, nghe ông gọi “chú Hà ơi, cho tí gì nhé” là tôi biết ngay chai Mao Đài, đĩa lạc rang và cái ly nhỏ. Thủ tướng vừa nhắm lạc rang với Mao Đài, vừa phê duyệt văn thư. Vị thứ tư kèm theo là thau nước ấm ngâm chân, phương thuốc của Chu Ân Lai chỉ có ngần ấy, tam bôi tửu xong, mũi lấm tấm mồ hôi, hắt hơi và đi ngủ thế là lành bệnh. Chu Ân Lai kể cho chúng tôi nghe không biết bao nhiêu câu chuyện về linh dược Mao Đài đã giúp Hồng quân trị bách bệnh trên dặm đường Vạn lí trường chinh, nay về Trung Nam Hải, Thủ tướng vẫn không quên và ưa dùng bài thuốc của những ngày gian khổ ấy. Cao nguyên thứ hai là trạng thái hưng phấn, lúc này đôi mắt Thủ tướng của tôi như có thần, dung mạo tuyệt vời, tư duy mẫn cảm, giọng nói oai vệ, đề tài rộng lớn “trên dưới cũng phải tới 5 ngàn năm, ngang dọc không ít hơn 10 vạn lý”. Đây là giai đoạn làm chúng tôi thoải mái nhất, tám chín lạng vẫn cứ vui mà hai ba cân cũng chẳng hề gì, đó là theo cách nói của dân nước tôi, đo tửu lượng bằng cân lạng.
Cao nguyên thứ ba, đó là say, quả là rất nguy hiểm, phải sau một, hai ngày mới bình phục sức khỏe, lúc này những con sâu rượu hành hạ Thủ tướng tôi, và chứng tôi là những người có lỗi đầu tiên, song xin đừng quở trách, vì tôi vẫn chưa đo được tửu lượng của Người, để biết mà “hãm” lại. Tỷ như lần “cược rượu” với tướng quân Hứa Thế Hữu mà tôi sắp kể dưới đây thì tửu lượng của Thủ tướng thật không ngờ.
Thế Hữu là viên tướng truyền kỳ với nhiều giai thoại, ông lấy việc uống rượu làm một tiêu chí đánh giá lòng trung thành và tính hào hiệp của quân sĩ. Vào thời cực thịnh của Hứa, ông bày trò “thách rượu”, một cái bát và một vò rượu đặt giữa bàn, giúp việc cho ông là viên “giám tửu” có nhiệm vụ kiểm tra người uống trung thực hay giảo hoạt và phạt rượu, sĩ tướng dưới trướng Hứa Thế Hữu đều sợ hình thức uống rượu này, đồn đại thế nào đến tai Chu Ân Lai và Chu đã dùng phương pháp “lấy rượu trị rượu”. Thủ tướng có tài xử lý các mâu thuẫn phức tạp nhất, tùy người mà sử dụng phương pháp khác nhau, ví như Hứa Thế Hữu chẳng hạn, ngoài Mao Trạch Đông ra, ai nói gì ông cũng giả vờ nghe cho xong chuyện, tính nóng như lửa, đến như lão Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài mà toàn quân phải kính nể vẫn cứ nhường nhịn Thế Hữu. Đối với một đồng chí như vậy, đơn thuần phê bình không giải quyết được vấn đề, khuyên ngăn càng vô hiệu, nói nặng nói nhẹ đều như “nước chảy đầu vịt”, song Chu Ân Lai đã nghĩ cách, cách đặc biệt với những người đặc biệt... Nhân Hứa Thế Hữu về thủ đô công tác, Chu Ân Lai phát hỏa “tấn công”:
- Hứa Tư lệnh này, đêm nay có rỗi không? Đến chỗ tôi, ta cùng uống rượu. - Chu mời mọc thân thiết.
- Dạ rỗi, không phải hội họp gì cả. - Hai mắt Hứa Thế Hữu sáng hẳn lên, lâu nay nghe đồn Thủ tướng hay rượu, mấy bận định kết giao bạn uống nhưng chưa có dịp, nay được Thủ tướng mời, thật như cởi tấc lòng. Hứa xoa xoa hai bàn tay với nhau và không biết nên báo cáo với Thủ tướng như thế nào, liền buộc miệng: “Lần sau tôi sẽ tìm cách săn cho Thủ tướng một con báo”...
- Đêm nay - Chu Ân Lai khẽ nói - phạm vi hẹp, chỉ mình tôi và Hứa Tư lệnh, cho nên cứ tự nhiên nhé. Đúng như Thủ tướng nói, không có người thứ ba, có chăng chỉ là nhân viên phục vụ tiếp rượu và thức ăn mà thôi, đến món thứ tư thì đứng sang một bên và án binh bất động.
- Thủ tướng có dịp về Nam Kinh, tôi sẽ mời ăn cơm dã chiến, toàn là thịt săn tại chỗ. - Hứa vui vẻ vào cuộc, còn Chu mỉm cười gật đầu, ông tin như vậy và cũng đã nghe tài săn bắn của Thế Hữu.
- Hứa Tư lệnh, ta uống rượu gì?
- Dạ tùy Thủ tướng chọn.
- Nghe nói đồng chí ưa Mao Đài, mà tôi cũng thích loại rượu đó.
- Dạ, Mao Đài vậy.
- Cho chai Mao Đài. Chu Ân Lai gọi nhân viên phục vụ mang rượu lên rồi chậm rãi hỏi Hứa Thế Hữu: - Nghe nói Nam Kinh có “tứ đại tửu”, là ai vậy?
- Dạ Vương Bình, Giang Vị Thanh, Nhiếp Phượng Tri và Hứa Thế Hữu tôi.
- Trong bốn người ai có tửu lượng lớn nhất?
- Dạ, có lẽ là tôi ạ - Hứa Thế Hữu cười.
- Nam Kinh, Hứa Tư lệnh là số 1, nếu đến Sơn Đông, liệu có được không?
- Sao lại không được ạ? Tôi đã từng đánh khắp Sơn Đông rồi kia mà, còn kẻ nào dám đối địch nữa đâu!
- Tư lệnh nói đánh trận phải không?
- Dạ vâng, thắng trận Tế Nam hồi ấy, Thủ tướng còn nhớ không?
- Nhớ chứ, đánh trận thì tôi tin, còn uống rượu chưa chắc, Võ Tòng 18 bát rượu, người Sơn Đông dữ lắm!
- Ái dà, Thủ tướng cứ tin tôi, lâu nay Hứa này đã chịu thua ai trên tửu trường đâu!
Vừa lúc ấy, nhân viên phục vụ bưng lên một chai Mao Đài còn khằng xi, tự tay Chu Ân Lai nhận rượu đặt lên bàn và bắt đầu chọc tức viên Tư lệnh Hứa Thế Hữu.
- Hứa Tư lệnh là người thật thà mà nghe nói uống rượu lại lắm mưu mẹo.
Hứa Thế Hữu như lồng lên, chửi thề:
- Thủ tướng để tôi đi tìm cái thằng nói láo ấy và cho nó một trận, tôi biết hắn rồi.
- Thôi thôi, mới thế mà đã nổi nóng. Hứa Tư lệnh biết đâu mà tìm. Bây giờ tôi và Tư lệnh hai ta thi nhau, coi ai uống hơn ai?
- Thủ tướng ư? Dạ không được đâu ạ.
- Sao? Tư lệnh chê tôi uống không nổi à?
- Dạ không phải như thế, nếu Thủ tướng chưa tin tửu lượng của Hứa tôi, dạ dám xin cho mời một “đấu thủ” khác.
- Đã uống rượu thì không phân biệt quan to hay quan nhỏ mà chỉ xem tửu lượng ai cao, ai thấp. Đồng chí Thế Hữu, nếu đồng chí không thắng được tôi lần này thì chứng tỏ lâu nay...
- Sao ạ?
- Chứng tỏ lâu nay Hứa Tư lệnh của tôi cũng nói trạng và tán phét - Chu Ân Lai cười, pha chút khiêu khích.
- Dạ vâng, Thủ tướng đã cho phép, thì em xin theo.
Chu Ân Lai mở rượu định rót vào ly cho Hứa Thế Hữu, Hứa vội vàng ngăn lại:
- Dạ thôi, mỗi người một chai tiện hơn.
- Cũng được - Chu Ân Lai gọi người phục vụ - Cho thêm chai Mao Đài nữa đi.
Cuộc tửu thí bắt đầu! Hứa vào ngav 3 ly kính rượu Thủ tướng, ông quay cuồng với quyết tâm thanh minh, rằng Hứa tôi thật thà thế mà có kẻ ton hót lên Thủ tướng phải mang tiếng là “nói trạng”, là “tán phét”, cứ thế lần này 2 ly uống cạn, lần khác 2 ly một hơi, cấp tập rót rót, uống uống. Còn Chu thong thả, vừa nhắm, vừa uống, tận hưởng vị nồng cay của rượu hòa với mùi thơm bùi của lạc, thức ăn mà ông rất hợp khẩu vị, quay sang hỏi han tình hình Nam Kinh, tình hình quân đội, nhiều lúc khẳng khái và cảm động hồi ức lại những chuyện xưa từng vang bóng một thời... Bỗng nghe Hứa Thế Hữu báo cáo:
- Thưa Thủ tướng, dạ cạn xong. Hứa cho chai rượu đặt thẳng đứng vào miệng ly, cả chai, cả ly không còn một giọt. Mặt Hứa chớm đỏ nhưng không nhìn rõ, giọng nói tuy âm vang song có chiều mệt nhọc khó thở, ông nhẹ nhàng đặt chai không xuống bàn, có lẽ vì uống với Chu Ân Lai nên Hứa mới “văn minh” như vậy, và quay nhìn Chu.
- Ồ, thế thì tôi thua Hứa Tư lệnh rồi! - Chu Ân Lai vừa nói, vừa cố rót chai rượu vào ly, nhưng ô hay, cả chai lẫn ly đều khô từ lâu! Mắt Hứa như muôn ngàn hoa lửa, thật là “quỷ tha ma bắt” cả một chai Mao Đài chứ ít đâu, sức mình mà còn phải cố gắng lắm mới xong, thế nhưng Chu Ân Lai ung dung ẩm thực và cùng cạn như nhau, hay là rượu giả? Hứa tự nhiên nghi ngờ, đoán già đoán non.
- Hứa Tư lệnh, theo cách nói của nhà binh, cuộc thi đến đây kết thúc, được không? Chu Ân Lai hỏi.
- Dạ chưa được ạ, đây mới là hiệp một thôi, xin Thủ tướng sang hiệp hai để phân rõ thắng bại. - Hứa kỳ kèo mãi và Chu Ân Lai đồng ý, cho nhân viên phục vụ bưng lên 2 chai Mao Đài nữa. Hứa nhanh nhẹn mở nút kiểm tra, Chu cười:
- Như nhau cả thôi, tùy Tư lệnh chọn.
Vẫn thế, mỗi “đấu thủ” một chiến thuật “công tửu” đợt hai. Bình thường Thủ tướng tôi cũng cạn ly liên tục, nhưng hôm nay ông đổi cách uống “nâng lên đặt xuống” ung dung tự tại, ngược lại Hứa Thế Hữu thì mất vẻ hào phóng của Nam Kinh tứ đại tửu, ông lo thua cuộc nên đâm ra hồi hộp lúng túng và đành sử dụng chiêu thức “tốc chiến tốc thắng”.
Sau hai tiếng đồng hồ, cuối cùng Hứa Thế Hữu cạn xong chai Mao Đài thứ hai, ông không gọi rượu nữa, đầu óc có vẻ lắc lư nhìn Chu Ân Lai. Chu cho chai rượu dốc thẳng vào ly, không còn một giọt, ông gọi nhân viên phục vụ:
- Cho thêm hai chai nữa, xem ra Hứa Tư lệnh còn uống được mà.
Hai chai thứ ba đặt lên bàn, Chu hỏi Hứa:
- Tư lệnh dùng chai nào?
Hứa chỉ gật đầu hình như muốn nói “chai nào cũng được”, rồi từ từ tuột xuống đất, gắng gượng đứng lên nhưng không còn sức nữa, Chu Ân Lai vực ông lên ghế và sau đó là tiếng ngáy như sấm động của Hứa.
Khi tỉnh rượu, Hứa Thế Hữu đứng nghiêm theo tư thế con nhà lính và báo cáo Chu Ân Lai:
- Thưa Thủ tướng, Hứa tôi xin bái phục, từ nay về sau Thủ tướng chỉ đâu, Thế Hữu này xin đánh đó.
- Nói bậy, Mao Chủ tịch chỉ đâu, chúng ta đánh đó, - Chu Ân Lai sửa lại câu nói của Hứa.
- Dạ vâng, nhưng Hứa tôi muốn thề rằng, Thủ tướng bảo chết, thì tôi chết, bảo sống thì tôi sống, Thế Hữu này xin nghe lời Thủ tướng.
- Vậy hôm nay tôi muốn Hứa Tư lệnh làm điều này...
- Xin sẵn sàng đợi lệnh!
Từ đó về sau người ta thấy Hứa Thế Hữu bãi trò “thách rượu”, sĩ tướng của ông được “giải phóng”, những nhân viên “giám tửu” giúp việc này đều “phục viên”, còn ông, như đã hứa với Chu Ân Lai, mỗi lần không quá 6 cốc, khoảng nửa cân, tự nguyện rút khỏi Nam Kinh tứ đại tửu. Tất nhiên những kết quả vừa nêu thật quá sức đối với một người ghiền rượu như Hứa, nên cũng đã diễn ra từ từ theo một quá trình có sự giám sát của vợ con ông.
Đối với người Trung Quốc chúng tôi, Mao Đài là loại rượu trắng có độ cồn khá cao, một lúc uống cạn hai chai mà không đổ, không say, thật cũng chẳng mấy ai. Thủ tướng tôi sở dĩ làm được điều đó, ngoài tửu lượng mênh mông ra, còn phải kể đến nhiệm vụ mà ông cần hoàn thành, tỷ như ở Trùng Khánh, hoặc như hôm nay vì mong muốn Hứa Thế Hữu đừng lấy rượu trị người nên ông đã thắng đối thủ có hạng trên tửu trường. Điều đặc biệt thứ hai là mấy chục năm phục vụ Thủ tướng, tôi chưa hề thấy ông “lấy rượu giải sầu”, đối với Chu càng vui ông càng gần rượu. Câu chuyện sau đây là do chị cả Đặng (Đặng Dĩnh Siêu - vợ của Thủ tướng) kể lại. Chị mà không kể thì làm sao chúng tôi biết được và cũng không có ai dám hư cấu một câu chuyện như vậy đối với lãnh tụ của mình, ấy là lần đầu tiên Chu Ân Lai bước đến cao nguyên thứ ba trên “tửu lộ” của mình!
Tháng 8 năm 1925, Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu kết hôn, hôn lễ ngoài một số nghi thức tập tục cổ truyền ra, còn chủ yếu là bạn bè thân hữu hai họ cùng dự tiệc rượu. Tiệc vui chưa từng có, nhiều người say và cả chú rể Chu Ân Lai cũng không tránh khỏi sự cuốn của câu nói “nam vô tửu như kỳ vô phong”, nên đêm tân hôn đã không động phòng hoa chúc, khiến cô dâu phải vò võ canh trường. Đặng Dĩnh Siêu kể lại như vậy và tâm sự: “Từ hôm đó tôi mới hay Thủ tướng biết uống rượu, và bắt đầu phản đối, nhưng vô hiệu, có lẽ vì công việc mà mấy chục năm nay ông phải uống nhiều rượu đến thế...”. Đêm ấy chị cả Thái đành ở lại, vừa chăm nom cho Chu Ân Lai mau tỉnh rượu, vừa động viên Đặng Dĩnh Siêu đừng buồn. Trong cơn say, chú rể kể đủ chuyện từ phong trào Ngũ Tứ đến cách mạng Tân Hợi, từ bên Pháp lúc đi du học đến nước Nga quê hương của Lê-nin, và vui nhất là câu nói mà sau này Đặng Dĩnh Siêu nhắc mãi:
- Từ Nhật Bản về đến Thiên Tân, tham gia mít tinh, nghe diễn thuyết, chao ôi diễn giả là một cô gái có đôi mắt to, đầy hấp dẫn - chị cả Thái hỏi dặm: - Cô nào vậy? - Tiểu Siêu chứ còn ai - mọi người cười ầm, kể cả cô dâu tên Siêu mà Chu vừa nhắc. Cũng hay, “Tiểu Siêu” hai chữ ấy sau này trở thành lời xưng hô thân ái của Chu Ân Lai đối với vợ, mãi cho tới già.
Câu chuyện mà Chu Ân Lai vừa kể trong lúc say là có thật, đó là năm 1919, ông từ Nhật Bản trở về nước, và lao ngay vào phong trào Ngũ Tứ, gặp Đặng Dĩnh Siêu mới 15, thua ông những 6 tuổi, họ cùng nhau tham gia khai hội, viết tập san, tổ chức “giác ngộ xã” và Chu luôn gọi Dĩnh Siêu là “em gái nhỏ”, hoặc “Tiểu Siêu”. Tháng 11 năm 1920, Chu Ân Lai đi du học ở Pháp, năm 1924 về nước và năm 1925 cưới “Tiểu Siêu” ở Quảng Châu. Năm năm xa nhau mà tình yêu vẫn son sắt, vui với Đặng Dĩnh Siêu, vui với bạn bè, Chu Ân Lai càng gần với rượu và mãi vui đến mức quên cả lời em dặn dò, quên cả đêm tân hôn, kể thì cũng hơi thất lễ và vợ chồng sau này chính vì rượu mà ít nhiều đã xảy ra mâu thuẫn, chung quy là ở chỗ: người vợ nào mà không sợ chồng do quá chén vừa hỏng việc, vừa hại sức khỏe. Quả là như vậy, chúng tôi nhẩm tính, từ Chu Ân Lai đến Trần Nghị, Kiều Quán Hoa, Hứa Thế Hữu v.v... đều mắc chứng ung thư, có lẽ các vị uống nhiều rượu quá chăng.
Lần thứ hai, tại Mạc Tư Khoa, Chu Ân Lai đã bị quỵ vì rượu và chính tôi là người trong cuộc, tôi đã không làm tròn nhiệm vụ mà trước khi lên đường chị cả Đặng căn dặn: “Chú trông giúp chị, đừng để Thủ tướng uống nhiều rượu nhé!”, chắc bà sợ những thùng rượu Nga và những người Nga uống rượu!
Tháng 4 năm 1954, lần đầu tiên sau ngày thành lập nhà nước cộng hòa nhân dân, Trung Quốc tham gia hội nghị quốc tế Genève. Chu Ân Lai đã bôn tẩu khắp nơi trên thế giới cho sự tham dự của Trung Quốc tại hội nghị này mà sử sách còn ghi lại đầy đủ. Lúc này sức khỏe của Thủ tướng không được tốt lắm, mấy lần xuất huyết mũi, cho nên chị cả Đặng rất lo lắng khi hay tin đoàn Trung Quốc phải sang Liên Xô hội đàm công việc chuẩn bị tham gia hội nghị. Bà nhớ lại những lần tiếp xúc với các đồng chí Liên Xô, mỗi người bên ấy là cả một “thùng rượu”, họ uống rượu 65 độ như thể dân chúng tôi uống trà, rượu gì cũng uống được, vào bàn tiệc chỉ sau vài lần “cạn chén”, “đến đáy” là hoàn toàn “giải phóng”. Bà căn dặn tôi nhớ chăm lo cho Thủ tướng, tuy tửu lượng của ông có cao mấy cũng không bì được với người Nga. Từ ngày được phong chức “phó quan”, tôi có nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng khi uống rượu, chúng tôi và Thủ tướng đã thống nhất cần phải xa rượu, vừa giữ gìn sức khỏe, vừa bảo đảm công việc, chúng tôi quyết định phương pháp “lấy nước thay rượu”. Nhân viên Trung Nam Hải đều biết cách dùng nước trà thay rượu nho, dùng bạch thủy thay rượu trắng, nhưng phải nhớ chai nào bình nào, kẻo rót nhầm cho khách thì khốn, nên tất cả đều được huấn luyện, thực tập nhiều lần. Sau những lần thù tiếp đó, các đồng chí Liên Xô và Châu Âu cứ tưởng tửu lượng của Thủ tướng tôi mênh mông như biển cả, khâm phục người da vàng cũng áp đảo được người da trắng trên bàn rượu. Tại “sân nhà” dùng được phương pháp đó, nhưng sang nước người “đá sân” của họ thì đành bó tay, đành dựa vào tửu lượng thực tế của mình.
Hội đàm giữa Liên Xô và Trung Quốc về các vấn đề chuẩn bị tham gia hội nghị Genève, sự phối hợp đấu tranh ngoại giao của hai đoàn Xô - Trung tại hội nghị v.v... đều đi đến kết quả nhất trí. Trước khi đoàn Trung Quốc trở về Bắc Kinh, Khrusov - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Malenkov - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ đã mở tiệc chiêu đãi Chu Ân Lai. Tham dự dạ yến hôm ấy còn có Molotov - Ngoại trưỏng và sẽ là trưởng đoàn Liên Xô tại hội nghị Genève, cùng nhiều quan khách khác, toàn thể thành viên của đoàn Trung Quốc đều được mời dự tiệc. Đêm ấy tôi đã linh cảm chẳng lành, tôi không nói được tiếng Nga, mọi công việc thông dịch đều trông vào một mình Sư Triết, người tiếp rượu đều do bạn đảm nhiệm, hoàn toàn không thể “lấy nước thay rượu” như ở nhà, huống hồ chế độ ăn uống phục vụ lãnh đạo của Liên Xô lúc đó rất nghiêm ngặt, thức gì cũng qua kiểm tra khó mà đánh tráo.
Khrusov khai mạc, ông nói rất ngắn, sau vài câu là đề nghị nâng ly, toàn thể cử tọa đều đứng dậy, người Nga nhiệt tình hào hiệp khó ai bằng, không giống như bên nước tôi ai kính rượu, người đó uống, còn đây, đã hô “xuống đáy” là y như rào rào “cạn”, “cạn”. Theo phép ngoại giao, sau kính rượu là hồi rượu, khách phải mời lại chủ và cứ thế “kính - hồi”, “mời - đáp” liên tục hết đợt này sang đợt khác, Thủ tướng của chúng tôi lâu nay vẫn chủ trương “khách tùy chủ biện” nên không hề chối từ bất cứ một ai, tôi nhận xét ông đã bước vào cao nguyên thứ hai trên “tửu lộ” của mình. Bằng một giọng nói thông minh và pha chút dí dỏm, Chu Ân Lai tay lắc ly rượu, quay sang nói với Khrusov:
- Người say đâu phải vì rượu, nhưng từ một góc độ nào đó mà quan sát thì Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, ba nước chúng tôi được tham gia hội nghị quốc tế lần này là rất có ý nghĩa và thắng lợi.
Khrusov do uống nhiều rượu hay là đầu óc sao đó, nghe xong phiên dịch, ông vẫn chưa hiểu hết câu nói của Chu Ân Lai. Khi ấy, Mỹ không thừa nhận ba nước Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, nhưng phải ngồi vào bàn đàm phán với họ, điều đó chẳng khác nào như một sự thừa nhận hay sao. Khrusov chắc không nhận thức được ý nghĩa trên, nên ông vẫn khăng khăng:
- Hội nghị lần này chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gì, chúng ta khó mà dự đoán được kết quả của nó.
- Thưa đồng chí Khrusov, hiện nay Mỹ, Anh và Pháp đã không thể ngồi đàm phán với chúng ta, nghe chúng ta nói rõ lập trường, nguyên tắc của mình đôi với các vấn đề quốc tế, tôi nghĩ đó là một thắng lợi rất đáng trân trọng - Chu Ân Lai giải thích thêm cho Khrusov. Phiên dịch xong, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hình như phân tích gì đó nên Khrusov gật đầu lia lịa rồi thét vang “Kha-ra-số”, “tốt, tốt”, “đúng, đúng”, đoạn nâng ly mời Chu Ân Lai, uống cạn, rồi ôm lấy Thủ tướng tôi, xoay và hôn má. Người Nga thường thổ lộ tình cảm của mình như vậy, phải ôm, phải xoay, phải hôn mới nói hết những gì muốn nói. Chu Ân Lai cạn ly cùng Khrusov và cao hứng mà rằng:
- Nếu hội nghị lần này giải quyết được một số vấn đề nào đó thì thật là quý hóa và có ích cho sau này, đoàn chúng tôi muôn cố gắng để giành được thắng lợi. - Cử tọa vỗ tay, tôi thấy mọi người rời khỏi ghế ngồi bước tới ôm hôn Chu Ân Lai, chúc rượu, cạn ly, mặt Thủ tưóng tôi không còn đỏ nữa, dần dần biến sang xanh và trắng, chết rồi, triệu chứng sắp bước vào cao nguyên thứ ba, tôi lo lắng vô cùng, nhưng đành bó tay. Đang lúc bối rối như vậy thì tôi thấy Molotov đến cạnh Chu Ân Lai, ông nâng ly:
- Hội nghị Genève lần này, hai chúng ta sẽ kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau, hãy cạn cốc vì tình hữu nghị giữa chúng ta. - Chu Ân Lai vẫn phong độ, gật đầu mỉm cưòi đáp lễ, nhưng mặt ông hầu như trắng bệnh, ông ép sát mình với Molotov và rỉ tai thân mật:
- Đồng chí Molotov, tình hữu nghị giữa chúng ta đã có từ lâu, năm 1928 khi sang Mạc Tư Khoa dự đại hội 6 của đảng chúng tôi, tôi gặp đồng chí, nghe đồng chí đọc lời chào mừng. Đồng chí là đại ca, chúng tôi phải học tập các đồng chí, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia hội nghị quốc tế, chưa có kinh nghiệm và cả tri thức nữa, nên cần tiếp tục học tập các đồng chí, xin hãy cạn chén vì sự cùng nhau nỗ lực của chúng ta! - Chu Ân Lai một hơi uống cạn ly rượu và bỗng nghe tiếng choang, ly vỡ, ông quỵ người, Molotov và Trương Văn Thiên kịp đứng bên đỡ lấy Chu Ân Lai, chúng tôi dìu ông ra xe và nhanh chóng đưa về phòng nghỉ. Phía Liên Xô bối rối, mọi người tỉnh rượu và xin lỗi, Trương Văn Thiên vừa đi theo Chu Ân Lai vừa giải thích với bạn, rằng Thủ tướng chúng tôi gan yếu, hồi Vạn lí trường chinh đã đau một lần, không được uống nhiều rượu, mấy hôm nay làm việc căng thắng nên mới như thế này... Molotov lắc đầu: “Chúng tôi thật đáng trách và phải nhớ bài học này.”
Phải sau một ngày mệt nhoài, nôn hết rượu, Thủ tướng tôi mới tỉnh lại, ông hỏi Sư Triết:
- Ngày hôm qua tôi đã nói những gì?
- Thủ tướng nói rất hay, các đồng chí Liên Xô đều phải khen “Kha-ra-số”.
- Không có gì mất tư cách?
- Dạ không, chỉ có đoạn... năm 1928 tại đại hội 6 của đảng chúng ta, nghe đọc lời chào mừng, chắc Thủ tướng muốn chỉ Stalin, nhưng nói nhầm ra Molotov...
- Ừ, còn chỗ nào không thỏa đáng nữa, đừng giấu tôi.
- Dạ không, - Sư Triết khẳng định. - Đúng là như vậy ạ.
Đoàn về đến Bắc Kinh chậm một ngày, Thủ tướng đã báo cáo kết quả hội đàm lên Mao Chủ tịch và Trung ương, ông không quên nhận khuyết điểm về say rượu với Mao, Mao hỏi:
- Có uống nhiều như ở Trùng Khánh không? - Mao cười: - Người ghiền rượu mà uống say là chuyện bình thường, nếu gặp tôi, tôi không đấu rượu với họ mà yêu cầu họ thi ăn ớt cùng tôi, lấy sở trường bù sở đoản!
Tôi kể lại chuyện này cho Sư Triết nghe, anh ngạc nhiên: “Thủ tướng quá thật thà, uống tí rượu mà phải kiểm thảo với Trung ương, ở bên này như vậy là thường, nếu kiểm thảo phê bình thì ngày nào cũng cần khai hội”, lúc ấy Sư Triết đang công tác ở Liên Xô.
Năm 1972, khi được Chu Ân Lai mời tiệc, Nixon đã hỏi:
- Nghe nói tửu lượng của Ngài rất lớn?
- Ngày xưa uống được, hồi Vạn lí trường chinh từng một lúc uống hết 25 cốc Mao Đài, loại cốc to hơn cái ly này nhiều.
- Thế còn bây giờ?
- Tuổi cao, bác sĩ đã hạn chế, nhiều nhất cũng chỉ 3 ly mà thôi.
- Tôi nghe người ta kể, rằng khi Hồng quân trên đường trường chinh đánh chiếm trấn Mao Đài, các ông đã uống hết mọi vò rượu ở đây?
- Đó là chuyện vui, nhưng trong thực tế Mao Đài quả nhiên trở thành linh dược trị bách bệnh cho Hồng quân trong những năm tháng ấy.
- Xin hãy cạn ly bằng Mao Đài - một loại linh dược của Hồng quân.
Chu Ân Lai mỉm cười, chiều khách, cạn với Nixon một ly Mao Đài. Đó là ly rượu cuối cùng của đời ông, vì ngày 12 tháng 5 năm 1972, khám nghiệm trong nước tiểu của Chu có số hồng huyết cầu nhiều hơn quy định, ngày 18 tiếp tục kiểm tra mới hay, Chu Ân Lai đã mắc chứng ung thư bàng quang. Ông xa rượu vĩnh viễn, sớm hơn 4 năm trước khi tạ thế.