Chương 10
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

     iềm báo là một hiện tượng thường gặp trên thế giới, và ở Trung Quốc, sau sự kiện “13 tháng 9” với Lâm Bưu thì sức khỏe của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều thay đổi bất lợi. Mao bắt đầu mắc chứng ngất xỉu, mê man kê từ hôm đi bơi ở hồ bơi trên núi Lư Sơn, còn Chu, y học phát hiện thấy mầm bệnh ung thư trong bàng quang của ông. Mao Trạch Đông có thói quen bơi lội để thư giãn tinh thần, sau khi bàn định kế hoạch về tổ chức và tư tưởng để đấu tranh chống lại phái Lâm Bưu xong, Mao yêu cầu hộ lý trưởng là Ngô Húc Quân và các vệ sĩ bên mình cùng đi hồ bơi trên núi Lư Sơn, rồi ra lệnh: “Tất cả chúng ta đều phải xuống nước!”. Ngô Húc Quân khẩn khoản đề nghị, người đầy mồ hôi như thế này hãy khoan vội tắm, về phần mình bà đang đau tim, nhịp tới 130 mỗi phút, nên xin Mao cho ở trên bờ. Mao hỏi: “Cô sợ chết hay sao? Tôi già rồi mà chẳng hề gì, huống hồ thanh niên như các anh, các chị!” Thái độ của ông khá gay gắt và do đó mọi người phải phụng mệnh. Kết quả, Ngô Húc Quân bơi với phao cứu sinh, rất an toàn, còn Mao Trạch Đông bơi xong thì bị cảm, chứng viêm khí quản tái phát. Hôm Nixon đến Bắc Kinh, Mao ngất lịm, mọi công việc đều giao cho Chu Ân Lai đảm đương.
Thời kỳ này phó soái Lâm Bưu không còn nữa, Chu Ân Lai theo chỉ thị của Mao, “vừa nắm cách mạng, vừa đẩy sản xuất”, thật xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Chủ tịch. Trước đây, còn phó soái, Lâm Bưu có thể giả vờ truyền “thánh chỉ”, yêu cầu Chu Ân Lai làm điều này, điều nọ, ngược lại bất cứ việc lớn, việc nhỏ khi phản ánh lên Chủ tịch, Chu đều phải thông qua trước với Lâm. Nay thì đỡ hơn, nhưng còn đó đám “văn cách Trung ương” mà Mao Trạch Đông vẫn giữ thái độ bảo hộ họ, có lúc phê bình, có lúc ủng hộ song về cơ bản là không phủ định. Chu Ân Lai ở vào hoàn cảnh rất khó xử, khi Nixon thăm Trung Quốc, vì một “Công báo liên hợp Trung - Mỹ” mà bang nhóm “văn cách Trung ương” đã liên tục phê bình Chu Ân Lai trong suốt 12 ngày, họ buộc tội cho ông không kịp thời thỉnh thị Mao Trạch Đông và chụp mũ “Lý Hồng Chương”, “bè lũ bán nước” lên đầu Thủ tướng. Dạo ấy ông buồn bã, ít lời, tự nuốt vào mình mọi nỗi bực dọc, oan ức, người ta bảo “sự tiêu hóa vô thanh như vậy dễ dẫn đến mầm bệnh ung thư”.
Những ngày đó, Khang Sinh đang bị bệnh ung thư bàng quang hành hạ, ông nằm liệt giường chờ chết. Khang Sinh là Phó Chủ tịch Trung ương Đảng, ngoài việc đôn đốc y tế chữa trị cho ông, Chu Ân Lai còn dành thì giờ đến thăm, động viên an ủi. Trước sự chân thành và nhiệt tình của Chu Ân Lai, Khang Sinh không thể không tỏ thái độ lịch sự, nhưng thực chất ông là người khác hẳn Chu. Với bộ mặt lạnh lùng, ánh mắt thâm đen, Khang Sinh tạo cho mọi người một cảm giác khó chịu, và quả như vậy, suốt đời, ông chẳng kết bạn với ai.
Tần Cối là gian thần thời Nam Tống, nhưng nghe nói y cũng có dăm ba người bạn, còn Khang Sinh cận đại thì không một ai dám gần, thân hình gầy gò da bọc xương của ông khiến người ta tưởng đó là một cái gậy, ông có nhiều đồng đảng, băng nhóm, tay chân bộ hạ, song bọn họ cũng không phải là bạn của ông, hoặc cậy nhờ thanh thế Khang Sinh - trùm mật vụ Trung Cộng, hoặc đầu cơ xu nịnh ông để mong tiến thân, hoặc do quyền lợi cá nhân tạm nhất trí mà thôi. Suốt một đời Khang Sinh đã gây ra không biết bao nhiêu là oan khiên, đã hãm hại không biết bao nhiêu là người tốt, chưa ai có thể vạch hết tội của y, đến như các “chiến hữu” là Lâm Bưu, Giang Thanh, Trần Bá Đạt, Trương Xuân Kiều mà thái độ của Khang vẫn thế. Tháng 8 năm 1975, lúc gần chết, Khang Sinh cho gọi Vương Hải Dung và Đường Văn Sinh - hai liên lạc viên của Mao Trạch Đông - và tiết lộ với họ rằng, Giang Thanh và Trương Xuân Kiều đều có lịch sử phản bội, người làm chứng vẫn còn sống, tên họ địa chỉ đầy đủ. Cái gậy Khanh Sinh cuối cùng đánh vào phe lũ của mình. Con người ấy cũng từng hãm hại Chu Ân Lai, và ngay lúc này, mỗi lần Chu Ân Lai rời khỏi bệnh phòng thăm y, là y chửi, chửi Chu không cùng một chí hướng chính trị với y, chửi Chu là hữu phái. Y, bác sĩ phục vụ báo lại cho tôi và khuyên Thủ tướng đừng đến thăm Khang Sinh làm gì, Thủ tướng tôi cười và căn dặn: “Các đồng chí không được bàn luận vấn đề này!”, nào ngờ ông đã bị “con quỷ” Khang Sinh tả ám, cũng ung thư bàng quang!
Đó là cách nói tức giận của chúng tôi đối với Khang Sinh, còn trên thực tế thì mẫu nước tiểu ngày 11 tháng 5 năm 1972 của Thủ tướng đã phát hiện thấy mầm bệnh ung thư, một tổ công tác trị liệu do Ngô Giai Bình làm tổ trưởng được thành lập và bản thân Chu Ân Lai nhận biết ngay bệnh tình của mình, ông chỉ nói: “Vấn đề là kéo dài được bao lâu nữa?”. Tôi nhớ hồi cuối năm 1965, Thủ tướng kể câu chuyện về Đào Chú, ông ta bị bệnh, nghi là ung thư, mọi người giấu biệt, chỉ có Hạ Long hay tin, liền báo cho Đào rằng: “Anh nghe tôi nói một câu này nhé, nếu kiểm tra mà cuối cùng không phải ung thư thì nên nghỉ ngơi dưỡng sức, vì sức khỏe là vốn liếng của cách mạng, nhưng nếu chẳng may bị ung thư thật, tôi khuyên anh không nên nằm, ngày tháng còn lại không được bao nhiêu, phải tranh thủ làm nhiều hơn nữa!”. Giờ đây đến lượt mình, Chu Ân Lai đang làm theo lời khuyên của Hạ Long - chữa bệnh để kéo dài thời gian công tác, để năng nổ, bận rộn hơn nữa trong những ngày tháng cuối cùng trên cõi đời!
Có thể chia quá trình phấn đấu và trị liệu của Chu Ân Lai trước ngày tạ thế thành ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ sau sự kiện Lâm Bưu phản bội đào tẩu đến ngày 1 tháng 6 năm 1974. Thủ tướng không thể không từ giã văn phòng Táy Hoa sảnh đã gắn bó trong 25 năm qua, để vào bệnh viện 305 vừa làm việc vừa chữa trị, hôm ấy Thủ tướng lên bàn mổ lần thứ nhất. Giai đoạn thứ hai từ ngày 1 tháng 6 năm 1974 đến hạ tuần tháng 10 năm 1975, đây là 1 năm 5 tháng cuối cùng của Chu Ân Lai trong cương vị Thủ tướng, bàn làm việc của ông đặt ngay ở phòng bệnh Bệnh viện 305, ông dốc hết sức lực và tâm chí của mình cho đất nước, nhân dân và Đảng. Trong giai đoạn này. Chu Ân Lai phải qua 14 lần phẫu thuật, 6 lần đại phẫu và 8 lần tiểu phẫu, bình quân cứ 40 ngày mổ một lần; thực hiện 233 cuộc bàn bạc công việc, 161 cuộc với cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, 55 cuộc với cán bộ lãnh đạo địa phương, 17 cuộc với nhân viên bên cạnh mình, tiếp 63 đoàn khách nước ngoài; triệu tập hoặc tham gia hơn 40 hội nghị mà phân nửa được tổ chức trong bệnh viện. Giai đoạn thứ ba, từ hạ tuần tháng 10 năm 1975 đến ngày 8 tháng 1 năm 1976, đây là 2 tháng mà Chu Ân Lai không thể rời khỏi giường bệnh và ông không cho phép mọi người gọi mình là Thủ tướng nữa, là hơn 60 ngày tự vật lộn với những cơn đau ung thư tai ác, nhìn lại lần cuối các gương mặt chiến hữu, người thân, đồng bào, đồng chí để ra đi không lưu một hạt tro tàn.
Đêm 30 tháng 9 năm 1974, sau lần phẫu thuật thứ hai, với cương vị Thủ tướng Quốc vụ viện, bệnh nhân Chu Ân Lai vẫn đọc lời chào mừng trong yến tiệc nhân kỷ niệm 25 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Sau mấy phút vang vọng những âm thanh thân quen và cảm động phát ra từ các loa khuyếch đại, cả lễ đường dậy lên tiếng vỗ tay như sấm rền, mãi không dứt và thấm vào bàn tay họ là bao giọt nước mắt thương cảm cho vị Thủ tướng của mình. Không khí yến tiệc quy tụ lòng dân, ý Đảng và sức quân về phía Chu Ân Lai, và do đó làm cho “tứ nhân bang” càng thêm chướng tai, gai mắt. Sau Quốc khánh, Mao Trạch Đông lại chủ trương chuẩn bị nhân sự cho đại hội đại biểu nhân dân khoá 4 và tự mình đề nghị Đặng Tiểu Bình đảm nhận Phó thủ tướng thứ nhất, vì thế đấu tranh với “tứ nhân bang”“ và ủng hộ Đặng Tiểu Bình là hai việc làm mà Chu Ân Lai tổn hao nhiều tâm huyết ngay trong thời kỳ luôn luôn phải phẫu thuật.
Khi phát động và lãnh đạo cuộc đại Cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông chủ yếu dựa vào đám binh mã “văn cách Trung ương”, nhưng ông rất hiểu bọn họ chỉ giỏi “đánh nhau, phóng lửa thiêu người”, vô tài vô đức, quá trình cũng chẳng là bao, không biết “thiết kế”, xây dựng, không đủ can đảm và trách nhiệm làm một việc gì cho có ích, “biết phá mà không biết xây”, nếu để họ kế thừa thì trời chu đất diệt, dân chúng than oán là có ngày bị chúng đào mồ. Để cân bằng với hai đại bá (chỉ Mỹ và Liên Xô) làm cho dân giàu nước mạnh, Mao Trạch Đông biết chọn ai bây giờ, Lưu Thiếu Kỳ gục chết từ lâu, Chu Ân Lai ung thư chẳng còn bao lâu nữa, chỉ có mỗi Tiểu Bình, mà Tiểu Bình thì chưa hẳn đã “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh” như ông, thôi đành phải để cho Đặng một cơ hội xem sao? Ngày 17 tháng 10, năm Giang Thanh “xuất quân” phá vỡ cơ hội kia của Đặng Tiểu Bình, nhân vấn đề tàu Phong Khánh Luân, Giang chụp lên đầu Đặng cái mũ “sùng ngoại”“ nhưng Chu Ân Lai đã ra tay bảo vệ Đặng, với tư cách Thủ tướng, ông phủ định những ý kiến sai lệch về sự kiện Phong Khánh Luân.
Giang Thanh cử Vương Hồng Văn đi Trường Sa tâu trình với Mao Trạch Đông, rằng: “Chu Ân Lai bệnh nặng mà ngày đêm vẫn to nhỏ với Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm v.v...”. Ngày 20 tháng 10, Mao phán cho Vương nghe: “Thủ tướng vẫn là Thủ tướng, nhân sự cho Đại hội biểu nhân dân khoá 4 do Thủ tướng sắp xếp, riêng Đặng Tiểu Bình tôi đề nghị đảm nhiệm các chức vụ Phó thủ tướng thứ nhất, Phó chủ tịch Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quân uỷ kiêm Tổng tham mưu trưởng”.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch, Chu Ân Lai đã để hẳn ra 10 ngày trao đổi với Đặng, Diệp, Lý, Vương và Giang, triệu tập 3 phiên họp Bộ Chính trị và biến Bệnh viện 305 thực thụ trở thành văn phòng Thủ tướng bàn bạc phương án nhân sự cho nhà nước Trung Quốc bị suy yếu sau gần 10 năm “văn cách”. Chỉ còn 20 ngày nữa là khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân khoá 4, vì lợi ích của nhân dân, Chu Ân Lai không còn cách nào khác là phải bay đi Trường Sa báo cáo lần chót với Mao Trạch Đông. Diệp suý giao nhiệm vụ cho chúng tôi bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ cho kỳ được sức khoẻ của Thủ tướng. Trưa ngày 23 tháng 12 năm 1974, chúng tôi đưa Thủ tướng ra sân bay Tây Giao, điện hỏi Vương Hồng Văn thì người ta nói, ông ta chưa ngủ dậy, chúng tôi quyết định để Thủ tướng bay trước, không thể bắt một ông già bệnh nhân chờ một gã thanh niên khoẻ mạnh giữa phi trường tuyết lạnh. Bảy giờ tối hôm ấy, Mao Trạch Đông kêu gọi phái “đổ dầu thêm gió” mà đêm nay do Vương Hồng Văn đại diện “liên hiệp, đoàn kết” với phái “cứu người khỏi nước sôi lửa bỏng” của Chu Ân Lai, nhà mâu thuẫn học đã giải quyết mâu thuẫn một cách ngây thơ như vậy, cho nên mâu thuẫn vẫn hoàn mâu thuẫn. Chu Ân Lai ở lại Trường Sa 5 ngày, còn dự lễ sinh nhật của Mao, còn kính rượu chúc thọ Mao. Trở về Bắc Kinh, ngày 13 tháng 1 năm 1975, Chu Ân Lai lần cuối cùng đọc bản báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, để lại những lời di chúc chính trị, sau đó là một loạt “cuối cùng” đã đến với ông: lần cuối cùng tiếp đoàn khách nước ngoài (7 - 9 - 1975), lần cuối cùng dự hội nghị Bộ Chính trị (3 - 5 - 1975), lần cuối cùng tham gia truy điệu đồng chí, chiến hữu (9 - 6 - 1975 với trường hợp nguyên soái Hạ Long) v.v...
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, thể trạng của Thủ tướng giảm sút đến mức thảm hại, chỉ còn da bọc xương, nhưng không thể không phẫu thuật vì các u nhọt ung thư đã mọc ở khắp nơi, nhưng Thủ tướng vẫn đau quằn quại, theo chỉ thị của Đặng Tiểu Bình “giảm bớt cơn đau, kéo dài được ngày nào hay ngày đó”, hạ tuần tháng 10, Thủ tướng lại lên bàn mổ, mổ lần cuối cùng, rồi nằm liệt giường.
Đến lúc này người ta mới cho Kiều Kim Vượng trở về phục vụ Chu Ân Lai, câu nói đầu tiên khi thầy trò gặp nhau là: “Lão Kiều, đại Cách mạng văn hoá đã làm tôi mệt đến chết!”, đó là lời đánh giá đầu tiên và cũng là cuối cùng của Chu Ân Lai đối với “văn cách” - một tác phẩm do Mao sáng tác và đạo diễn.
Nhóm chúng tôi còn đúng ba người: Cao Chấn Phổ, Kiều Kim Vượng và tôi, quấn quýt bên cạnh Thủ tướng, hôm ấy, cho gọi chúng tôi và với một giọng nói thê lương, ông căn dặn:
- Từ nay về sau các đồng chí đừng gọi tôi là “Thủ tướng” nữa, tôi nằm đây, liệt giường liệt chiếu không làm được việc gì cho nhân dân, cho Nhà nước, nghe các đồng chí một “Thủ tướng” hai “Thủ tướng” tôi đau lòng lắm... không làm được việc... không thể gọi là Thủ tướng!
Hai tháng cuối đời, Chu Ân Lai nhìn lên trần nhà và hồi ức, nhưng không hề nói ra nửa lời, “sống để bụng chết mang đi”, những tờ giấv mà Diệp suý căn dặn chúng tôi nhanh chóng tốc ký mỗi lần Thủ tướng trăn trối đều vẫn trắng trơn không một dấu mực. Thủ tướng chỉ yêu cầu những việc rất thông thường, vừa chích thuốc vừa nghe đĩa hát do Hàn Anh lĩnh xướng “... nước Hồng Hồ, sóng dồn sóng...” như muốn hình dung một màu ngọc bích nối liền giữa mặt nước Hồng Hồ với trời xanh cao lộng, ở đó Hạ Long tung hoành chiến trận, hiên ngang hiển hách, con người anh hùng ấy không chết trước kẻ thù năm xưa, mà trớ trêu thay lại bị Hồng vệ binh đấu cho đến tử vong, làm cho Chu Ân Lai mãi mãi ăn năn vì đã không bảo vệ được ông. Thủ tướng thèm ăn một quả đào, giữa mùa đông giá lạnh làm gì có đào tươi, chúng tôi mua đào đóng hộp, khuyên Thủ tướng nuốt từng miếng, từng miếng cho trọn được một quả, ăn xong Thủ tướng mói giải thích “quả đào thành tựu đấy các đồng chí ạ”. Trời! Chúng tôi thật là kém cỏi, chỉ có thể hiến dâng người những “thành tựu đã đóng hộp, không còn tươi nguyên”. Có lần Thủ tướng ước ao uống trà Lục An Qua, loại trà không tiếng tăm gì, nhưng chúng tôi vẫn tìm mua cho được và Thủ tướng mừng lắm, ẩm xong một chén, thấy nét mặt ông rạng rỡ, tôi vui vẻ hỏi:
- Thủ tướng thấy thế nào?
- Tuyệt lắm, chẳng khác nào như khi Diệp Đình còn sống! - Hoá ra Lục An Qua là gói trà mà năm xưa Diệp Đình biếu Chu và hai người đã đồng ẩm ở chiến khu đầy cam go, vất vả...
Ngày 1 tháng 1 năm 1976, tám ngày trước khi qua đời, Chu Ân Lai còn mỉm cười khi nghe đài phát thanh truyền đi hai bài từ của Mao Trạch Đông, rồi môi ông mấp máy theo lời bài ca... “Trung Quốc xuất liễu cá Mao Trạch Đông...” và bài ca cuối cùng mà Chu Ân Lai yêu cầu nghe là “Quốc tế ca”, nghe đến ba lần. Thật là một con người của truyền thuyết, của thi ca, y như trong sách vậy.
Từ ngày 5 trở đi Chu Ân Lai đi vào trạng thái mê man, 9 giờ 57 phút ngày 8 tháng 1 năm 1976 thì tắt thở.
Đặng Dĩnh Siêu trình bày với Trung ương 3 yêu cầu mà bình sinh Chu Ân Lai và bà đã thống nhất: không tổ chức cáo biệt di thể, không tổ chức truy điệu, không giữ gìn tro xương. Bàn cãi mãi, cuối cùng chỉ chấp nhận điều thứ ba, rải tro xương của Chu Ân Lai trên khắp bầu trời Trung Hoa, còn lễ truy điệu thì không thể không cử hành, đó là ngày 15 tháng 1 năm 1976 khó quên trong mỗi người dân nước tôi, tiễn đưa Chu Ân Lai về nơi vĩnh hằng.
Lúc tạ thế, ngực Chu Ân Lai vẫn còn đeo huy hiệu một phần ba là hình ảnh Mao Trạch Đông, hai phần ba kia ngời sáng 5 chữ “vì nước phục vụ”, dưới gối Chu Ân Lai vẫn là tập sách những bài thơ, bài từ và cũng chỉ do Mao Trạch Đông sáng tác. Quả là “trung quân”, quả là “trung thành bất nhị”. Giá mà khi Chu Ân Lai lâm chung, giá mà khi truy điệu Thủ tướng, lịch sử ghi được hình ảnh Mao Trạch Đông thì những dòng văn tuôn chảy của chúng tôi sẽ cảm động biết nhường nào. Nhưng, Đặng Dĩnh Siêu chờ, Đặng Tiểu Bình chờ... cuối cùng điện thoại cho hay, Mao Trạch Đông không thể đứng nổi, lễ truy điệu “Sư gia” đành bắt đầu, “huyện quan” của cố nhân vài tháng sau nữa, ngày 9 tháng 9 năm 1976 cũng cùng đi xuống âm phủ, không rõ mối quan hệ giữa “họ” giờ đây như thế nào? Người trần thế chúng ta khó mà trả lời, duy có điều “họ” đều “bước xuống thần đài” và “rời khỏi thánh đàn” để cũng bình dị như mỗi chúng ta vậy!