SƯ ĐÔNG BINH - Chương 1. NGƯỜI NẰM ĐÓ
28 NGÀY ĐÊM QUYẾT ĐỊNH VẬN MỆNH TRUNG QUỐC

     ừa chợp mắt chìm vào giấc mơ mệt mỏi thì chuông điện thoại lại réo vang, khẩn cấp. Lỗ Dân bật dậy, vội vàng chạy đến bệnh phòng, vừa là phòng ngủ, vừa là phòng sách của bệnh nhân. Nhìn đôi mắt và nét mặt của người bệnh, anh rùng mình và cảm thấy như chính anh bị trọng tội. Đã bao lần ông chết đi sống lại, thần trí quay về với thế gian một cách kỳ lạ, thế mà giờ đây mắt ông ngơ ngác, hàm chút oán trách, nghi ngờ, phẫn nộ... Nếu không cứu được ông thì bản thân anh cũng không thể tha thứ cho anh, bởi một lẽ rất đơn giản: anh là thầy thuốc và người nằm đó là Mao Trạch Đông - lãnh tụ vĩ đại mà nhân dân Trung Quốc vô cùng kính mến.
- Tôi lấy làm lạ, tại sao bệnh bình của Chủ tịch ngày cứ xấu đi như vậy. Lẽ nào lại xảy ra sự kiện áo trắng? Lẽ nào bên cạnh Chủ tịch lại là một lũ đặc vụ?
Giang Thanh la lớn.
Sự kiện áo trắng, ấy là lúc đại văn hào Marxim Gorky bên Nga lâm bệnh, mật vụ mạo danh bác vĩ đã ám hại ông, làm mọi người kinh hãi. Ăn nói khinh xuất, tuỳ tiện; thường nhật ai cũng biết về Giang Thanh như vậy, nhưng lời răn đe của bà không ngờ đã trùm một bóng đen hắc ám lên tập thể các thầy thuốc, bác sĩ, y sĩ, hộ lý lâu nay phục vụ Mao Trạch Đông, người ngoài cuộc khó mà cảm nhận. Song với kinh nghiệm của một lương y, Lỗ Dân hiểu rất rõ đây chưa phải là lúc lâm chung và nhân lúc người bệnh lại tỉnh, thần trí minh mẫn nhất, anh lựa lời nhắc lại câu nói của Giang Thanh.
Môi ông mấp máy, mắt ông ngấn lệ, ông kéo tay Lỗ Dân lại cạnh và bằng một loại ngôn ngữ không rõ ràng, ông thì thào:
- Đừng chấp bà ta, tôi biết các anh chị đều là những đồng chí tốt.
Và hôm ấy Giang Thanh cũng đến thăm ông. Mao Trạch Đông ra hiệu cho mọi người xích lại gần giường, ông nhìn Giang Thanh hồi lâu rồi chậm rãi:
- Cô bảo họ là đặc vụ, vậy cô có biết ai là người cầm đầu không?
Ông lấy tay chỉ vào mũi mình và nói:
- Chính là tôi.
Giang Thanh ra chiều tỉnh ngộ, vờ cúi xuống dìu đỡ Mao Trạch Đông, giọng nói nghẹn ngào:
- Nhuận Chi (1), ông chưa hiểu...
Mao Trạch Đông thở đài:
- Các thầy thuốc muốn hại tôi thì tôi làm sao sống nổi đến hôm nay. Bệnh của tôi, tôi biết, cô không nên khó dễ với người ta, họ đều là những người tốt.
Đó là chuyện của vài tháng trước. Thòi gian gần đây, Lỗ Dân thấy bệnh tình của Mao Trạch Đông đúng là ngày một trầm trọng, sức khoẻ yếu dần, song ý chí thì vẫn kiên cường, xử lý sự việc vẫn cẩn thận, tỷ mỉ như xưa. Mỗi lần uống thuốc hay tiêm chích, ông đều hỏi tính năng tác dụng rồi mới dùng, chỉ vừa tỉnh một chút là bảo người mang đến cho mình cái kính lão đã cưa mất một gọng, nằm nghiêng đọc sách, xem văn kiện, lúc nào mệt thì nghe người khác đọc. Cho đến 4 giờ chiều hôm nay ông còn gọi thư ký đỡ dậy, nghe văn thư, duyệt tài liệu... thế mà giờ đây...
- Lúc tôi ra đi, Chủ tịch còn đọc sách kia mà, sao mới vắng mặt có một tiếng đồng hồ, cơ sự đã ra nông nỗi này?
Vẫn cái giọng dạy đời, lăng mạ kẻ khác, Giang Thanh la hét om sòm.
- Thưa đồng chí Giang Thanh, từ 8 giờ tối chúng tôi bắt đầu thấy tay Chủ tịch lạnh toát, gọi ngay bác sĩ kiểm tra, hội chẩn và 9 giờ thì ra sức cứu chữa.
Thư ký báo cáo lại như vậy, Giang Thanh không nói gì nữa, bà đưa mắt quan sát mọi động tác của Lỗ Dân và các thầy thuốc khác, nhưng vẫn giọng điệu chỉ huy:
- Các người đừng khóc lóc, mặt mày ủ rũ như có tang. Chủ tịch nhắm mắt cũng không đành, đã mấy lần Chủ tịch chết đi sống lại, tôi có kinh nghiệm rồi, hãy cứ tận lực, tận tâm cấp cứu đi.
Vậy trước đấy một giờ, Giang Thanh đi đâu? Đó là đêm mồng 8 tháng 9 năm 1976, bà ngồi xe đến thăm nhà in Tân Hoa - cơ sở cách mạng, và theo cách nói của bà: “Tôi phải biến nơi đây trở thành pháo đài kiểu mẫu phê Đặng và chống lại luồng gió phản phúc hữu khuynh, phải từ đây nổi lên cơn bão cấp 12 quét sạch bọn người đi theo chủ nghĩa tư bản còn sót lại trong Đảng”. Giang Thanh từng đến nhà in này diễn thuyết, bồi dưỡng cốt cán lý luận phê Đặng. Ngày 27 tháng 8, Giang Thanh nhận được mật báo cho biết phái chống đối đã bố trí đặc vụ bên cạnh bà, đã liên lạc với Thành uỷ Bắc Kinh và cả nhà in Tân Hoa. “À, to gan thật, dám đụng đến lão bà thì bà sẽ cho biết tay”.
Sau sự kiện Thiên An Môn ngày 5 tháng 4 năm 1976, Đặng Tiểu Bình lần thứ hai ra khỏi Trung Nam Hải, mọi chức vụ trong quân đội, chính phủ, đảng của ông đều đã huỷ bỏ. Thời cơ phản kích chỉ tính từng ngày, khi Mao Trạch Đông còn trên giường bệnh. Qua 10 năm Cách mạng văn hoá, từ một đệ nhất phu nhân bình thường, Giang Thanh đã leo lên vị trí có thế lực khống chế toàn Trung Quốc trên vũ đài chính trị. Chu Ân Lai, Chu Đức vừa tạ thế - những trở ngại lớn đối với bà xem như được san bằng, giờ lại tiếp Đặng Tiểu Bình bị phê phán lần thứ hai, một hòn đá đè nén bà bấy lâu nay đã được hất bỏ. Bà muốn hát vang, bà muốn nhảy lên, bà muốn bước ra diễn đàn như thuở nào, buổi đầu Cách mạng văn hoá, giữa muôn ngàn tiếng hò reo, hoan hô, ca tụng, giữa bể người với bao ánh mắt kỳ vọng. Có mở đầu thì phải có kết thúc, nếu Cách mạng văn hoá đã đưa bà vào vòng quyền lực chính trị và biết bao nhà cách mạng lão thành đã phải tiêu vong; biết bao quan chức, yếu nhân phải hạ bệ, thì hôm nay chỉ còn một cửa ải nữa bà cần vượt qua để giành lấy vị trí tối thượng. Bà cần nhanh tay khi Mao Trạch Đông đang hấp hối trên giường bệnh, nếu không, sự trả giá là cả một cuộc huyết chiến khôn lường. Vì vậy phải tìm cho ra kẻ âm mưu chống phá, chúng ẩn náu ngay trong sào huyệt của ta - nhà in Tân Hoa, 10 giờ sáng ngày 1 tháng 9, Giang Thanh phê lên mật thư: “Tiểu Tạ và đồng chí Trì Quần. Hãy nhanh chóng điều tra bọn đặc vụ ở nhà in Tân Hoa và báo ngay cho tôi rõ, nhưng chớ rút dây động rừng, đạp cỏ làm rắn trốn chạy”. Và bà không quên căn dặn trả lại mật thư sau khi đã lĩnh hội nhiệm vụ.
Tạ, Trì là ai mà Giang Thanh tin dùng vậy? Tạ Tĩnh Nghi vốn là nhân viên bộ phận cơ yếu của cơ quan Trung ương Đảng, chuyên lo điện đàm, mật tín, được Mao Trạch Đông nâng đỡ và yêu mến. Thuở ấy Tĩnh Nghi còn là một cô gái trẻ, đẹp, đôi mắt bồ câu đen nhánh lúc nào cũng chao động, lúng liếng, được cả phần tướng mạo lẫn tài cán, cơ mưu. Cách mạng văn hoá tiến hành được 3 năm thì Mao Trạch Đông tự nhiên bỗng mất lòng tin và sự kỳ vọng đối với 5 lãnh tụ của đám tiểu tướng là Khoái Đại Phú, Đàm Hậu Lan, Hàn Á Tinh, Vương Đại Tân, Nhiếp Nguyên Tử. Ông nghĩ đến chuyện thay ngựa giữa giòng, mưu đồ cao hơn. Tạ cô nương đánh hơi; Mao Chủ tịch nhằm tới và thế là từ một nhân viên điện đài, Tĩnh Nghi nhảy ra chính trường với cái tên Tiểu Tạ (cô bé họ Tạ). Tiểu Tạ làm quen với Trì Quần - Phó ban tuyên huấn cục chính trị Quân đoàn 8341; hai người xin Mao Trạch Đông đi về các trường đại học điều tra khảo sát tình hình. Họ nhanh chóng rút ra kết luận và tâu trình, làm cho Mao Trạch Đông hết mực tán dương, ấy là: “Sinh viên hiện nay đều do các trường viện cũ đào tạo dạy dỗ, dựa vào họ, không những không đưa Cách mạng văn hoá đi tới thành công cuối cùng mà còn làm hỏng cả đường lối chính trị của Mao Trạch Đông. Cách giải quyết duy nhất là đi vào công nông binh, bồi dưỡng lực lượng mới”. Năm ấy, Trì Quần 35 tuổi, ăn nói chững chạc, dáng vóc nam nhi, cương nghị. Anh ta - người huyện Nhũ Sơn, tỉnh Sơn Đông, đồng hương với Giang Thanh; một sĩ quan văn võ song toàn, sánh cùng Tiểu Tạ như một cặp bài trùng và Mao, Giang đã tin dùng. Trì Quần làm Bí thư Đảng uỷ Đại học Thanh Hoa kiêm Chủ tịch uỷ ban cách mạng, còn Tạ Tĩnh Nghi làm Phó Bí thư thứ nhất. Khoảng 4 năm sau, Tạ, Trì đề ra khẩu hiệu “công nông binh vào đại học, quản lý đại học, cải tạo đại học!”. Đường lối trứ danh ấy khiến cho giáo dục xuống cấp, ảnh hưởng đến vị trí và việc làm của trí thức, gây sự bất bình trong tầng lớp đại học. Lưu Băng cũng là Phó Bí thư Thanh Hoa cùng bốn người nữa đã viết thư trình lên Mao Trạch Đông phân tích sai trái của Tạ, Trì; phê phán đường lối công nông binh hoá đại học của hai người. Bức thư được chuyển qua Đặng Tiểu Bình. Đó là lúc mà Mao Trạch Đông 82 tuổi, ngày đêm lo lắng cho sự thành bại của Cách mạng văn hoá. Tuy nó đã xuất hiện nhiều cục diện mà ông không lường trước, không mong đợi, nhưng cũng như bao nhà chính trị quyền lực khác, ông không cho phép một ai dám phủ nhận cuộc cách mạng này, một cuộc cách mạng do ông thân chinh phát động, do ông đứng ra chỉ huy vào những năm cuối đời. Mao Trạch Đông phẫn nộ, phê bút lên bức thư của Lưu Băng “Lưu và bốn người ở Đại học Thanh Hoa có trình thư cho tôi tố cáo Tạ, Trì. Tôi xem và thấy rằng, động cơ của họ không tốt, muốn lật đổ Tạ, Trì và chĩa mũi giáo vào tôi”. Phê xong, ông cho gọi Mao Viễn Tân (cháu ruột gọi Mao là bác), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Hoa Quốc Phong đến và giải thích thêm rằng:
- Sự kiện Thanh Hoa không phải là ngẫu nhiên, nó phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai con đường ngay trong Trung ương. Tôi ở Bắc Kinh, tại sao thư lại chuyển qua Đặng Tiểu Bình? Rõ ràng Tiểu Bình đã bao che cho Lưu Băng và phe nhóm, tôi nhắc các đồng chí phải phản kích trào lưu tư tưởng ngóc đầu của phái hữu khuynh.
Giang Thanh mừng rơn, giữa đêm khuya đã điện mời Tạ Tĩnh Nghi đến tư dinh. Bà ôm chầm lấy cô gái, mắt nhoà lệ:
- Em, ôi em đã cho chị một thời cơ phản kích. Các em đấu Lưu Băng ở Thanh Hoa, thì chị có cớ đánh Tiểu Bình trên này.
Và quả nhiên, Đặng Tiểu Bình bị đo ván; Tạ, Trì càng được tin dùng, trở thành tay chân của “bè lũ bốn tên” (tứ nhân bang)...
Chủ tịch nằm đó, lúc tỉnh lúc mê, lúc sống lúc chết, còn phu nhân thì bận rộn đưa Cách mạng văn hoá đến thắng lợi cuối cùng, tả xung hữu đột nhằm mục tiêu tối thượng là kế vị.
Trăm mối tơ vò, kẻ ở người sắp đi xa, ai hơn ai và kết cục ra sao xin hãy đợi chuyến công tác về Đại Trại của Giang Thanh sẽ rõ.
Chú thích:
(1) Nhuận Chi: hiệu của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Cách xưng hô thân mật.