Chương 5
NHỮNG NƯỚC CỜ

     iang Thanh vốn tinh thông sử sách từ khi còn trẻ, tự mãn rằng, mình đã hiểu hết chủ nghĩa Mác - Lê, không có điều gì là không rõ. Khi Mao còn sống, bà dựa vào người anh hùng này. Nay ông qua đời, có lẽ không gì quý hơn di sản tinh thần của cố nhân để lại, đó là vũ khí củng cố cơ sở cho mình và chống lại kẻ khác. Mao Trạch Đông vừa từ giã cõi dương chưa đầy 2 giờ thì việc đầu tiên của Giang Thanh là gọi Mao Viễn Tân đến và tra hỏi:
- Cháu có biết 9 bài phát biểu của Chủ tịch giờ ở đâu không?
- 9 bài nào? Cháu không biết!
- Trời ơi! - Giang Thanh như muốn nhảy lên. - 9 bài mà khi nổ ra Cách mạng văn hoá, Chủ tịch đã soạn, định nã pháo vào Lưu Thiếu Kỳ và bè lũ. Người sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng sau đó, do thay đổi sách lược nên chưa dùng đến. Đây là những tài liệu rất quan trọng, có ý nghĩa về đấu tranh mang tính đường lối trong tương lai cháu ơi!
- A, cháu nhớ ra rồi. Sinh thời Chủ tịch có nhắc cháu việc này. Người dặn dùng đó làm cơ sở lý luận cho Cách mạng văn hoá, sẽ thuyết phục được nhiều người, còn có cả bản ghi chép hai cuộc nói chuyện với Dương Đắc Chí và Vương Lục Sinh nữa. Thế mà cháu quên khuấy, giờ thì lo kẻ khác cuỗm mất rồi!
- Không được, phải tìm cho ra. Cháu biết hiện ở đâu không?
- Có thể đang ở chỗ Tiểu Trương.
- Mau lên, bác cần lắm!
Cách mạng văn hoá vừa 10 năm, Giang Thanh nghĩ đã đến lúc phải tổng kết, hệ thống lại phần lý luận, những giá trị chính trị và ý nghĩa lịch sử của cuộc đại vận động này. Bà đã xem hầu hết các bài viết và lời phê của Mao, thoạt đầu chẳng có gì hấp dẫn, nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì giống như thiên thư, là cả một pho chiến lược, sách lược tiến công tả - hữu. Đã mấy ai ở gần ông mà hiểu hết điều đó. Theo Giang Thanh, hiểu Mao là hiểu cả Trung Quốc, nên bà đã cố công nắm tài sản quý giá ấy, cho quá khứ và cho cả tương lai. Đang khi suy nghĩ tính toán mông lung thì Viễn Tân điện thoại báo cáo:
- Trương Ngọc Phượng khả nghi lắm, lúc thì bảo muốn mượn văn kiện, tài liệu của Chủ tịch phải có thủ tục cho phép của Trung ương, lúc lại nói nguyên bản các bài viết ấy không ở chỗ cô ta. Cháu nghĩ, hình như con bé được lệnh không chịu giao những văn bản quan trọng đó.
Giang Thanh nổi xung, hộc tốc tới thư phòng của Mao, lục lọi hơn 2 tiếng đồng hồ và cuỗm đi một số.
- Thưa đồng chí Giang Thanh, Chủ tịch vừa qua đời, Trung ương chưa quyết định về biện pháp xử lý các di bút của Người, xin đồng chí không nên đem tài liệu này đi nơi khác - Trương Ngọc Phượng, thư ký cơ yếu của Mao đã lễ phép thưa trình với bà như vậy.
Giang Thanh trừng mắt:
- Chủ tịch chết rồi, cô còn ở đây làm gì, khôn hồn thì giúp ta tìm tài liệu. Ta là vị vong nhân của Người, mọi tài sản ở đây do ta lo liệu, cô có biết không?
Tiểu Trương đành bất lực và Giang Thanh tự do hành động. Liền những ngày sau đó, Giang Thanh không hề chợp mắt, cuộc truy tìm di chúc vẫn chưa kết quả gì. Bỗng một hôm, Viễn Tân mang về cho bà một tài liệu, đó là lời phát biểu của Trương Thiết Sinh, người vừa được cử giữ chức Uỷ viên thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội), tại Liêu Ninh. Thoạt đầu Giang Thanh cho rằng chẳng có gì liên quan đến bà, nhưng càng đọc Giang Thanh càng khuyên đỏ, càng thích thú. “Hiện nay nước ta như một gia đình”, Trương Thiết Sinh ví von, “cha vừa tạ thế, cả nhà phải dựa vào anh cả, anh hai, anh ba mà sinh sống. Vấn đề bây giờ là có nhờ cậy anh cả được hay không? Tôi rất lo điều này. Rõ ràng Hoa Quốc Phong là nhân vật số 1, nhưng không hiểu ông ta biết làm việc gì đây... Nhân dân đang trông vào đồng chí Giang Thanh, bà là người hiểu biết tư tưởng của Mao Chủ tịch một cách sâu sắc nhất. Nếu bà ra gánh vác trọng trách thì chúng ta vô cùng tin tưởng, còn những vị khác ư? Thật khó mà đoán được họ sẽ đưa tiền đồ, vận mệnh của đất nước đi về đâu, nhất là các tướng lĩnh quân đội”.
Đọc xong bản tài liệu, Giang Thanh cảm động và khóc một mình. “Trời ơi! Tai mắt của quần chúng nhân dân sao mà sáng suốt vậy, đúng như lời Người dạy: “phải nắm lấy quần chúng!”. Giang Thanh đắm mình trong suy tưởng, say sưa về một mưu kế mới. Giữa lúc ấy thì mọi người đang tiếp tục nối hàng nhau, nức nở, gào thét trước linh cữu của Mao, tiếc thương vị lãnh tụ vừa ra đi mà di chúc của ông vẫn còn là một dấu hỏi.
Giang Thanh vô cùng ấm ức. Làm người vợ đi truy tìm, nắm giữ di cảo của chồng mà lại phải qua Trung ương ra quyết định. Bà đoán chắc là có ai đó chỉ thị, nếu không Trương Ngọc Phượng đã không dám nói năng lỗ mãng, ngăn cản mình như vậy. Cách mạng văn hoá bùng nổ, rồi những biến động long trời lở đất ở Trung Quốc diễn ra. Mao Trạch Đông ngày một già yếu và qua đời như hôm nay, mặc dầu bà và đám tiểu nhân ngoi lên từ tạo phản, đấu tố đang nắm giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn còn đó lực lượng cán bộ già. Một số vừa được phục hồi danh dự, trở lại làm việc, giữa họ và Giang Thanh là cả hào sâu ngăn cách, ngày càng lộ rõ. Người ta nhìn bà với con mắt cừu thù, oán hận, đau thương và chua xót. Cả một đời cách mạng cuối cùng lại rơi vào tay con hát, cô đào xi-nê, quả là trớ trêu!
Giang Thanh không phải không cảm nhận điều này, nhưng vấn đề là làm thế nào để dần dần giải quyết mâu thuẫn và những nhân vật tiền bối kia. Còn giờ đây, trên bàn làm việc của bà là ngổn ngang tài liệu, lòng rối bời trăm mối, biết gỡ từ đâu. Cũng như nhiều người khác, Giang Thanh đã biết sẽ có một ngày như hôm nay, nhưng khi ngày ấy đến thì bà trở tay không kịp. Lúc Mao còn sống, bà chưa bao giờ sợ hãi điều gì, thế mà mới hôm qua tại hội nghị đầu tiên của Bộ Chính trị, ông cụ vừa nhắm mắt, đã có người công khai chống đối bà; nhiều người khác im lặng, miệng câm như hến. Bà những tưởng Hoa Quốc Phong cũng cúi đầu nhận lệnh như thuở nào, thì ông ta lại vô cùng mập mờ, ấp úng. Đồ lừa đảo! Rồi bà sẽ cho nếm mùi quả đắng của kẻ đứng giữa. Giang Thanh nhủ thầm như thế và vẫn đeo đuổi câu hỏi: “Ai sẽ là người kế vị Mao?”. Hoa Quốc Phong ư? Khó lòng mà dựa được, Diệp Kiếm Anh ư? Oan gia cừu hận chịu sao nổi. Vương Hồng Văn ư? Còn trẻ quả, làm thế nào gánh vác được sơn hà xã tắc. Và Trương Xuân Kiều ư? Ông ấy đa mưu túc trí, vững vàng kiên cường, nhưng sao mà giống ta vậy, tích oán quá nhiều, là mục tiêu phản kích của phái cực hữu. Đã có lần Mao Trạch Đông nghiêm khắc chỉ tay mà rằng: “Các ngươi bảo đưa Trương Xuân Kiều lên làm thủ tướng là chẳng khác gì tách một bộ phận lớn rời khỏi tôi”. Nghĩ đến câu răn đe của Mao hồi Chu Ân Lai vừa tạ thế, Giang Thanh như quẫn bách, rối bời, bà kêu lên:
- Trời ơi!
Quả vậy, Trương Xuân Kiều là người mà Giang Thanh tôn trọng nhất. Dạy ai, chửi ai, chứ với Trương bà không dám. Ông ta không ngoi lên từ tạo phản, đấu tố, mà đã được chuẩn bị từ lâu, đã được “thai nghén” trước cách mạng văn hoá, là công thần của Mao Trạch Đông. Nhiều người lầm tưởng rằng Trương Xuân Kiều đã núp sau lưng Giang Thanh mà “trưởng thành” thăng quan tiến chức. Kỳ thực, khi quyết định phê phán kịch bản “Hải Thuỵ bãi quan” của Ngô Hàm, Mao Trạch Đông đã chỉ thị cho Giang Thanh chủ động đi tìm Trương. Mao ung dung căn dặn:
- Trong lĩnh vực hình thái ý thức, tôi nhắm được một người. Anh ta vừa hiểu chính trị, vừa hiểu văn nghệ, đó là Trương Xuân Kiều. Và chỉ có Trương Xuân Kiều mà thôi.
Đầu năm 1965, khi gặp Trương, Giang Thanh đã nói câu đầu tiên:
- Xuân Kiều, tôi mời anh xuất sơn vấn chính. Hãy “xuống núi” cùng chúng tôi gánh vác công chuyện. Nếu thành công, anh là công thần; còn chẳng may thất bại, mình tôi chịu tất cả. Tôi sẽ ly hôn với Mao, rồi đi vào nhà lao.
Trương Xuân Kiều lạnh lùng đáp lại:
- Không, đi theo Mao Chủ tịch, dù phải vào sinh ra tử, Trương Xuân Kiều tôi không hề nói nửa chữ “lùi”. Dù thành công hay thất bại, mình tôi đảm nhận. Chỉ cần đồng chí căn dặn, tôi sẽ làm tới cùng.
Và sau đó là cả một chuỗi ngày hợp tác keo sơn, bàn mưu tính kế, tâm đầu ý hợp. Giang - Trương như cặp bài trùng, kẻ đánh người đỡ, khoan dung, ủng hộ lẫn nhau. Giang Thanh nóng nảy lô bô, không ai chịu nổi; còn Trương Xuân Kiều thì ra vẻ độ lượng của một nhà chính trị, ông nhẫn nại, chăm chú, nghiêm túc lắng nghe mỗi lần bà ta thao thao bất tuyệt. Rồi đợi lúc bình tĩnh, Trương mới lựa lời nói ra sai sót của Giang, nói chính xác đến mức không sao cãi được. Thật là “trai anh hùng gặp gái thuyền quyên”. Họ khâm phục và dựa dẫm vào nhau.
Sau một cú điện thoại, Trương lập tức có mặt ở nhà Giang. Nhìn bộ mặt hùng hổ của bà, ông lắc đầu khuyên ngăn:
- Đồng chí Giang Thanh cần bình tĩnh. Đấu tranh trường kỳ, mọi việc chúng ta đã trù liệu cả rồi, vấn đề là chuẩn bị để đối phó với mức độ phức tạp mới.
- Đúng, từ khi ông cụ vừa nhắm mắt, lắm kẻ đã trở mặt, đến như con Trương Ngọc Phượng mà cũng dám quan cách với tôi. Tôi cần xem tài liệu của Chủ tịch mà hắn cả gan cản trở, yêu cầu xin ý kiến của Uông Đông Hưng. Trước đây làm gì có như vậy?
Thế là rõ, Trương vô cùng khâm phục khứu giác chính trị của người đàn bà luôn luôn biết nắm yếu điểm thời cuộc. Nắm được di cảo của Mao là nắm được quyền phát ngôn, quyền giải thích tư tưởng của Người và lại sai khiến được thiên binh vạn mã như xưa. Trước đây làm gì có như vậy? Phải nhanh tay đi nước cờ này.
- Tiểu Trương không là cái gì đáng phải để đồng chí quan tâm phiền muộn, chẳng qua là đám người đang đợi “gió chiều nào theo chiều đó”. Di cảo của Chủ tịch quyết định tất cả.
Giang Thanh hốt hoảng:
- 9 bài viết chưa công bố của ông cụ không biết nằm ở đâu, nếu lọt vào tay họ thì hậu quả thật khôn lường.
- Phải tìm cho ra, đồng chí Giang Thanh ạ. Năm ngoái, Chủ tịch còn dặn tôi đợi lúc Người gặp được cụ Karl Marx thì hãy công bố và sẽ dấy lên cao trào thảo phạt bọn theo chủ nghĩa xét lại. Chủ tịch bảo rằng nói sớm không linh, diệu kế của tôi đấy... Chúng ta phải có trong tay bản gốc.
- Hay là cho Viễn Tân gặp Trương Ngọc Phượng? Hắn chắc phải biết.
- Viễn Tân đã chỉnh lý tất cả những lời căn dặn của Chủ tịch trước lúc lâm chung chưa?
- Cũng không rõ nữa.
Trương Xuân Kiều rảo mấy vòng trên thảm đỏ và với một tư thế rất phong độ, ông phán:
- Sinh thời Chủ tịch không viết di chúc, chỉ nói, đó chính là lời trăn trối của Người. Toàn Đảng, toàn dân và thậm chí cả thế giới đang quan tâm đến vấn đề này, xem Người có sắp đặt như thế nào, do đó chúng ta phải công bố trước hội nghị Trung ương, vì vậy công việc của Viễn Tân là một quả pháo ngàn cân.
Giang Thanh khâm phục tài nghệ cao thủ của Trương Xuân Kiều. Cả trước mặt lẫn lâu dài ông ta đều quan tâm. Nay là lúc mà Trung Quốc đau thương, bi luỵ, chưa có ai trong Bộ Chính trị đã tỉnh táo mà suy nghĩ như Trương, vả lại, đối với dân chúng ít chữ nghĩa, không cần dông dài giải thích; nắm chắc và nói ra một lần như đinh đóng cột là được.
Có một người đã nhìn thấy trước nước cờ này của Giang - Trương. Nói một cách chính xác là lúc Mao đang hấp hối, ông ta đã cảm nhận ra bước đi như thế. Ông là người từng theo sát, bảo vệ an toàn cho Mao trong mấy chục năm qua, cùng Mao đi khắp các nơi, là nhân chứng của biết bao cuộc hội kiến của Mao, tự thân mình thể nghiệm mọi phong ba bão táp mà minh chủ đã kinh qua, đặc biệt trong những ngày tháng “văn cách”. Ông hiểu rõ tác dụng của hành vi và bản thân con người Mao Trạch Đông. Đó là Uông Đông Hưng, Chánh văn phòng Trung ương, Chính uỷ quân đoàn bảo vệ Mao Trạch Đông. Ít ai xem trọng ông, kể cả Giang Thanh. Lắm lúc bà còn miệt thị, bảo ăn cơm cùng bàn mà vẫn sợ, chỉ dám bưng bát ra một góc ngồi nhai... Hãy nghe câu chuyện giữa con người “tôi đòi” đó với Hoa Quốc Phong.
Ấy là tháng 7 năm 1976, khi Mao lâm bệnh và Hoa Quốc Phong vừa nhậm chức Thủ tướng chưa được bao lâu, Uông Đông Hưng chủ động gặp Hoa:
- Thưa Thủ tướng, Chủ tịch rất tín nhiệm Thủ tướng, nhiều lần căn dặn tôi phục vụ chu đáo Thủ tướng. Vạn nhất Chủ tịch có mệnh hệ gì, xin Thủ tướng hãy an tâm, tôi sẽ ủng hộ, tôn trọng Thủ tướng như đã từng đối với Chủ tịch.