Chương 6
DÀNH TRƯỚC MỘT BÀI BÁO

     oa mừng rỡ và có đôi chút ngạc nhiên, lắc mạnh bàn tay Uông:
- Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Cám ơn sự giúp đỡ của đồng chí. Chúng ta phải tìm mọi cách làm sao chủ tịch chóng bình phục; không có Mao Chủ tịch, Trung Quốc không biết sẽ ra sao?
- Thế nhưng ngày ấy ắt phải đến. Là người kế vị được Chủ tịch tín nhiệm, đồng chí Quốc Phong ạ, tôi nhận thấy đồng chí phải chuẩn bị nhiều mặt, kẻo quyền lực sẽ bị vô hiệu hoá và phụ lòng kỳ vọng của Chủ tịch đối với đồng chí.
Hoa Thủ tướng sửng sốt, mãi sau mới hỏi:
- Theo đồng chí tôi phải chuẩn bị điều gì?
- Đồng chí phải nắm chặt các văn kiện của Chủ tịch, vì chỉ có đồng chí là người kế vị hợp pháp, ngoài ra không ai khác.
Uông nhấn mạnh những chữ cuối cùng và nói tiếp:
- Một khi Mao Chủ tịch không còn nữa, ai cũng có thể giương cao cờ của Người mà hành động. Do đó, nếu những văn kiện, di cảo của Chủ tịch bị xuyên tạc, sửa chữa, thất lạc thì hậu quả thật không thể tưởng tượng nổi.
Hoa Quốc Phong suy nghĩ giây lát rồi kéo tay Uông Đông Hưng dặn dò:
- Công việc này có lẽ phải nhờ cậy đồng chí. Đồng chí là Chánh văn phòng; Chủ tịch đã tín nhiệm đồng chí, tôi lại càng tín nhiệm hơn. Đồng chí cứ quyết định mọi việc, nên làm thế nào thì làm như thế ấy.
Trong suốt quá trình cấp cứu Mao Trạch Đông, những lúc bệnh tình của Mao thuyên giảm, Hoa nhẹ nhõm định bụng trình bày với Chủ tịch vấn đề văn kiện, di cảo, nhưng vừa mở miệng là như không thể nói thành lòi, sợ người quở trách, gác mãi, gác tận cho đến hôm nay... Khi nghe Uông báo cáo sự việc Giang Thanh lấy ở chỗ Trương Ngọc Phượng mấy bài viết của Chủ tịch, Hoa Quốc Phong bực dọc:
- Thật là người đàn bà không an phận. Bà ta định làm gì nhỉ?
- Xin Thủ tướng cho phép thu hồi?
Hoa Quốc Phong do dự:
- Hãy thư thả vài ngày. Chắc bà ta chỉ xem rồi trả lại thôi, mình thúc giục sẽ gây nên căng thẳng. Chờ đã, đồng chí Uông Đông Hưng ạ.
Nhưng với danh nghĩa Văn phòng Trung ương, Uông vẫn chỉ thị bảo quản toàn bộ tài liệu của Mao, chưa được Trung ương cho phép, không một ai tự động lấy bất kỳ văn bản nào.
Trong khi đó, tại Lễ đường Đại hội nhân dân, nơi cử hành nghi thức phúng điếu Mao Chủ tịch, Diệp Kiếm Anh nhận được tin do Tô Chấn Hoa báo cáo: dân quân tự vệ của Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và cả Thượng Hải nữa đã được phát vũ khí. Nghĩa là họ đang chuẩn bị lực lượng vũ trang để bàn giao lịch sử trong can qua, nâng đấu tố lên một tầm cao hơn, ấy là chém giết.
- Xin Diệp công cho phép bắt ngay Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn trước.
Đây cũng là một nước cờ của phái quân sự, binh quý ở chỗ thần tốc mà. Nhưng người tướng già mưu dũng Diệp Kiếm Anh đã không đi như vậy. Ông lèo lái ra sao?
Mấy hôm nay hầu như Đặng Tiểu Bình thức trắng, nhiều lần ông điện thoại xin Văn phòng Trung ương cho phép được đến cáo biệt di thể Mao Trạch Đông và tham gia lễ truy điệu sắp tới. Thoạt đầu không ai trả lời dứt khoát, nhưng cuối cùng gặp Uông Đông Hưng, ông ta nói:
- Không được, ông không đủ tư cách, hãy thành khẩn kiểm thảo sai lầm, triệt để sửa chữa khuyết điểm sao cho nhân dân tha thứ. Đó mới là hành động tưởng niệm Chủ tịch một cách thiết thực nhất.
Sau sự kiện “Thiên An Môn”, Đặng Tiểu Bình lại bị phê phán, tội trạng trầm trọng hơn lần trước, nhưng không phải đấu tố, lăng nhục, chỉ bị giam lỏng trong tư gia của mình.
Đêm nay, Bắc Kinh yên ắng như thể hàng vạn ngựa chiến đang phủ phục say nồng; ánh trăng yếu ớt dát bạc lên cỏ hoa, cây lá. Đặng ra sân suy tư, bên trong tiếng xướng ngôn viên vẫn phát ra đều đều từ máy thu thanh bán dẫn rằng, kế thừa ý chí của Mao Chủ tịch, rằng củng cố khối đại đoàn kết, rằng tiếp tục phê Đặng phản hữu, rằng củng cố và phát triển thành quả thắng lợi của “văn cách”... Đặng nghĩ thầm chỉ toàn là nói láo, đến lúc này mà vẫn không cho nhân dân nhìn thấy, sờ thấy, tin thấy thì làm sao thoát khỏi vòng lẩn quẩn khốn cùng. Đất nước đang ở ngã tư của vận mạng, đi từ đâu và đi về đâu, vẫn do con người cầm đầu. Đọc kỹ danh sách uỷ ban tang lễ đăng trên báo, Đặng ngạc nhiên vì sao lần này Mao Trạch Đông không chọn cho mình người kế vị. Người khoan dung độ lượng, người thể trạng suy lão không còn đủ tinh lực để tiến hành một cuộc đấu tố triệt để cuối cùng nhằm chọn lựa ai đó nối ngôi hay Bộ Chính trị muốn ổn định, không xáo trộn đổi thay từ trên xuông dưới? Tất cả đều mang những dấu hỏi lớn mà đã là người làm chính trị, không thể sơ suất khinh thường... Nhớ lại ngày 3 tháng 11 năm ngoái, Mao Viễn Tân nhắn ông đến Trung Nam Hải gặp Mao Chủ tịch, Đặng Tiểu Bình thắng xe, đỗ tại bể bơi thì xáp mặt hắn.
- Sức khoẻ của Mao Chủ tịch thế nào rồi? - Đặng hỏi Viễn.
- Khá hơn trước nhiều, Chủ tịch nhờ tôi nói chuyện với đồng chí về vấn đề đánh giá kết quả của cách mạng văn hoá. Nhiều người nhận xét rằng từ ngày trở lại công tác, qua cách phát biểu của mình, đồng chí đã phạm sai lầm cầu toàn.
Viễn Tân với giọng điệu thái tử phán bảo già Đặng như vậy.
- Xin hỏi, sai lầm cầu toàn nghĩa là gì?
- Là chỉ xem cục bộ mà không xét toàn diện, tỉ như Cách mạng văn hoá đã thu được thắng lợi vĩ đại, khuyết điểm chỉ là ngón tay trên cả bàn tay thế mà họ vẫn cứ phê phán... Chủ tịch yêu cầu đồng chí nêu gương nhận sai lầm này, vì đồng chí là đại diện cho một nhóm người giữ thái độ như thế.
Đặng Tiểu Bình vô cùng bực tức trước vẻ trịch thượng của Viễn Tân - đứa cháu quỷ quyệt của Mao. Đường đường là Phó Chủ tịch Đảng mà lại bị đối phương xem thường như thể con trẻ chưa hiểu biết gì, ông quát:
- Anh về thưa với Chủ tịch: bây giờ chưa phải là lúc đánh giá một cách toàn diện về Cách mạng văn hoá, còn lâu mới làm được điều đó. Chúng ta nên dành lại cho hậu thế công việc này, còn hiện nay cấp bách nhất là sửa chữa sai lầm của “Văn cách”!
- Sửa chữa sai lầm của “Văn cách”?
Mao Viễn Tân hỏi lại và mặt biến sắc.
Sau lần ấy, Đặng Tiểu Bình đau khổ lắm. Ông đã không kiềm chế được bản thân, bộc phát sôi nổi, thiếu sự điềm đạm kiểu Chu Ân Lai. Giá như ông lấy lùi làm tiến thì đâu phải lần thứ hai ra khỏi Trung Nam Hải. Nhưng giờ đây hối hận chẳng được gì mà hãy nghĩ một đối sách mới, kịp vói sự diễn tiến của thời cuộc vào nay mai. Đặng Tiểu Bình vẫn là Đặng Tiểu Bình!
Sáng hôm sau, Đặng Tiểu Bình ăn mặc chỉnh tề, bảo người phục vụ đánh xe ra khỏi nhà mà không cần báo cáo văn phòng.
- Hãy đưa tôi về quảng trường Thiên An Môn!
Gió thu thổi nhẹ trên lá cờ 5 sao rũ treo giữa quảng trường, phát ra tiếng phần phật. Trên thành lầu Thiên An môn, lụa đen viền quanh ảnh chân dung Mao Trạch Đông, đôi mắt sáng long lanh của người thuở nào nay như ngỡ ngàng mà hỏi: “Ôi có chuyện gì vậy? Hỡi Trung Hoa?”.
Cùng lúc ấy, tại phòng họp Hoài Nhơn Đường ở Trung Nam Hải, Bộ Chính trị đang thông qua nội dung điếu văn sẽ tuyên đọc vào ngày truy điệu 18 tháng 9 năm 1976 sắp tới. Ngoại trừ Lưu Bá Thừa xin vắng mặt vì lý do sức khoẻ, 19 vị khách đều nhất trí thông qua. Tất nhiên khi thảo luận, Trương Xuân Kiều đã đề nghị bổ sung thêm một đoạn nhằm quán triệt lý luận tư tưởng Mao Trạch Đông vào tình hình cụ thể của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Sau hội nghị, Giang Thanh mời Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn và Mao Viễn Tân đến nhà mình họp kín. Giang Thanh khen ngợi:
- Đoạn bổ sung của Xuân Kiều thật là tuyệt. Đó là cơ sở lý luận cho chúng ta trong cuộc đấu tranh giai cấp sau này, đồng thời cũng chứng tỏ đồng chí Trương là người nắm vững tư tưởng của Chủ tịch hơn ai hết, thật xứng đáng được làm phát ngôn viên về tư tưởng Mao Trạch Đông, chứ không phải là Hoa Quốc Phong.
- Lúc ấy tôi sợ Diệp Kiếm Anh nhảy ra phản đối. -Vương Hồng Văn hoạ theo.
- Ông ta có nhảy ra cũng không hề gì, càng tốt, vì sẽ là một Ngô Pháp Hiến thứ hai mà thôi. - Trương Xuân Kiều kiêu ngạo giải thích.
- Diệp Kiếm Anh mưu mẹo lắm, ông ta không dại gì mà đi theo con đường của Ngô Pháp Hiến. Theo tôi, việc làm của chúng ta vừa rồi chưa gây được ảnh hưởng đặc sắc, cho nên cần phải làm cho nhân dân cả nước biết được những diệu kỳ về cuộc đấu tranh hội bộ trong Trung ương. Hãy viết một bài đăng trên báo, công bố vài đoạn văn trối lúc lâm chung của Chủ tịch: Làm theo phương châm đã định.
Mao Viễn Tân phát biểu ý kiến của mình. Lập tức bà bác Giang Thanh tán dương:
- Ôi, bé hạt đậu khôn quá, phải lên tiếng, đúng! Nhưng lấy danh nghĩa của chúng ta hay của báo chí?
- Của báo chí - Xuân Kiều hiến kế. - Tốt nhất là trước ngày truy điệu, như vậy sẽ tạo ra ấn tượng mạnh trong nhân dân, người ta sẽ phải hỏi: “Tại sao điếu văn không có đoạn này?”
Cả nhóm vui mừng và giao cho Diêu Văn Nguyên chuẩn bị để có thể ra mắt bạn đọc vào trước ngày 16 tháng 9. Mười năm trước đây, Diêu Văn Nguyên mới chỉ là một cán bộ tuyên huấn cấp dưới, biên tập viên của một tờ báo bình thường, thế mà hôm nay ông đã chiếm vị trí Uỷ viên Bộ Chính trị, nắm trong tay quyền binh về tuyên truyền và dư luận cả nước, và sắp tới là thời khắc phân chia quyền lực, là thăng hay giáng, còn phải chờ trận sống mái tới đây. Diêu Văn Nguyên đặt tên cho bài viết là Mao Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta và đăng in ở mục xã luận của Nhân Dân nhật báo, báo Quân Giải phóng và tạp chí Hồng Kỳ. Bài viết hàm chứa thông tin quan trọng: lúc lâm chung, Mao Chủ tịch trăn trối với hậu thế “Làm theo phương châm đã định”, Phương châm đó là gì? Tất cả hoàn toàn do tác giả thêu dệt nên, trong đó không quên nhiệm vụ phê Đặng phản hữu. Sau khi nhóm Giang, Trương, Vương, Diêu thông qua nội dung bài viết do Văn Nguyên dự thảo, đúng ngày 16 tháng 9, toàn bộ hệ thông thông tin đài báo đã nhất tề phát đi xã luận Mao Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta, gây một chấn động lớn, làm ngạc nhiên mọi người, ngay như Phó Chủ tịch thứ nhất Trung ương Đảng kiêm Thủ tưóng Chính phủ Hoa Quốc Phong cũng không hề hay biết lúc lâm chung Chủ tịch có trăn trối căn dặn điều gì hay không. Một bài xã luận quan trọng như thế này mà họ không bàn tập thể, vội vàng đưa lên mặt báo, sóng đài như muốn tranh giành cơ hội và âm mưu gì đó. Đến lúc này Hoa Quốc Phong mới thấm thìa lời đề nghị của Uông Đông Hưng là phải nắm chặt các tài liệu, văn kiện, di cảo của Mao Chủ tịch để lại. Hoa Quốc Phong gọi điện thoại tìm gặp Uông Đông Hưng, nhưng ông đang bận điều tra sự việc Giang Thanh, Mao Viễn Tân đã lấy di một số bài viết của Mao do Trương Ngọc Phượng bảo quản. Ngọc Phượng là nữ thư ký cơ yếu của Mao Trạch Đông, tuổi chưa tới 30, xinh đẹp, đoan trang. Khi Chủ tịch lâm bệnh, Ngọc Phượng tận tâm phục vụ Người, cũng từng bưng bô đổ ống mà đến Giang Thanh đã phải thán phục “hầu hạ còn hơn cả hầu ông nội mình”. Sau khi Mao qua đời, nỗi nhọc nhằn của cô được vơi đi, nhưng Ngọc Phượng lại cảm thấy vô cùng trống trải, cô độc.
- Giang Thanh đã lấy ở cô những tài liệu gì? - Uông Đông Hưng hỏi Tiểu Trương.
- Những bài mà Chủ tịch đã sửa chữa, bản sao ghi chép các cuộc gặp gỡ với phóng viên ngoại quốc và nội dung buổi nói chuyện với Dương Đắc Chí, Vương Lục Sinh tại Vũ Hán năm 1974.
- Cô phải tìm cách thu hồi những tài liệu đó và bảo rằng cần kiểm kê xử lý. Thời gian Chủ tịch lâm bệnh, cô có biết Người từng trăn trối căn dặn “Làm theo phương châm đã định” vào lúc nào không?
Trương Ngọc Phượng lắc đầu:
- Điều này thì tôi không được rõ...
Tại tư dinh của mình, Diệp Kiếm Anh đọc kỹ bài xã luận Mao Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta và dùng bút chì xanh đỏ gạch đậm mấy chữ “Làm theo phương châm đã định”, cùng một dấu hỏi (?) to tướng. Ông vứt bút, vứt báo, chồm dậy như một con mãnh hổ, rồi đứng dậy trước khung cửa sổ, nhìn ra khoảng trời bao la. Đúng là gặp ma cả ban ngày, từ đâu mà moi ra “trăn trối lúc lâm chung”, đã nhiều ngày nay có nghe ai nói chuyện này đâu? Chủ tịch, Người chết không nhắm được mắt, thi thể còn chưa lạnh hẳn, lễ truy điệu còn đang chuẩn bị mà bọn chúng dám nguỵ tạo cả di chúc của Người.