Chương 8
CUỘC GIAO TRANH SAU LỄ TRUY ĐIỆU

     hín ngày khóc thương Chủ tịch đã trôi qua, chín ngày vừa túc trực bên linh cữu của Người, vừa bày binh bố trận, tranh giành nhau từng nước cờ đã trôi qua. Điều phải đến đã đến, đó là lễ truy điệu.
Chiều ngày 18 tháng 9 năm 1976, đất trời như bị đè nặng bởi màn mây u ám. Hơn một triệu quần chúng tề tựu trong đội ngũ công - nông - binh - trí và các giới khác đang lặng lẽ đứng chờ tại quảng trưởng Thiên An Môn. Chính giữa quảng trường là cột cờ, trên đó treo rủ quốc kỳ 5 sao. Trước thành lầu Thiên An Môn, đài chủ toạ buổi lễ được dựng lên, thấp thoáng rất nhiều ảnh chân dung Mao Trạch Đông. Biển người với băng đen và hoa trắng không chút gợn sóng, im phăng phắc một cách đáng sợ. Có thể nghe thấy tiếng ho của ai đó trên đài chủ toạ. 14 giờ 50 phút, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước bước lên đài chủ toạ. Cũng như thường lệ, Giang Thanh là người đến sau cùng. Bà bận áo choàng màu đen, đầu phủ khăn tang cũng màu đen như kiểu châu Âu, bước từng bước rất nặng nề, như thể không đi nổi, tiến dần về vị trí của mình. Bà quay người hướng về ảnh chân dung Mao Chủ tịch mà toàn khung đều viền lụa đen, kính cẩn vái ba lạy. Vương Hồng Văn tiến lên tranh bắt tay Giang Thanh đầu tiên và cao giọng: “Xin được phép chia buồn”. Giang Thanh gật đầu đáp lễ, bắt tay Vương và đến bắt tay Hoa Quốc Phong. Bà nói khẽ:
- Đồng chí Quốc Phong, sau lễ truy điệu tôi có việc quan trọng cần nói với đồng chí.
Diệp Kiếm Anh đứng cạnh Hoa Quốc Phong đã nghe trọn câu nói ấy. Ông vờ lảng tránh, nhìn ra phía quần chúng và trước đài chủ toạ, vị trí quy định cho đám ký giả đang tranh nhau chĩa ống kính vào đám Giang - Trương -Vương - Diêu. Ông mỉm cười nghĩ về thói đời xu nịnh.
Phía bên này, Lý Tiên Niệm bắt tay hỏi hai các tưóng lĩnh, cán bộ lão thành, những chiến hữu đã cửu biệt nay mới có dịp trùng phùng. Họ gật đầu chào nhau và khẽ nói: “sắp rồi”.
Diêu Văn Nguyên căn dặn người phụ trách Tân Hoa xã phải đưa tin tường tận buổi lễ hôm nay, không sợ trùng lặp, cái gì quan trọng viết tất, và nhớ nhấn mạnh câu “trăn trối lúc lâm chung của Người”, giả sử không có câu đó thì tìm cách diễn đạt ý tương tự, Diêu cũng không quên ra hiệu gọi cán bộ truyền hình lại hội ý và rỉ tai:
- Kéo dài cảnh quay chỗ tôi.
- Vâng thủ trưởng cứ yên tâm.
Chủ trì buổi lễ 18 tháng 9 là Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Vương Hồng Văn. Cho đến hôm nay, ông đã liên tục chủ trì các buổi lễ truy điệu Chu Ân Lai, Chu Đức nên hầu như rất thành thạo. Vương đứng kề bên Hoa, tư thế rất trịnh trọng nhìn về phía quần chúng và mỗi tế bào trong người ông đều như muốn trào sôi. Cũng ngày này 10 năm về trước, ông chỉ là một trưởng phòng loại nhỏ - Phòng bảo vệ của Nhà máy Bông số 17 Thượng Hải. Thế mà nhờ “cách mạng”, nhờ “tạo phản”, hôm nay ông bỗng dưng trở thành đại chủ nhân của nưóc Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, tên tuổi ông chỉ đứng sau mỗi một người và biết đâu mai đây, qua giao tranh, ông sẽ thành nguyên thủ? Tuy nhiên, ông biết mình còn hổng nhiều chỗ, nhất là tri thức, ông chưa hề bước vào cổng trường đại học. Nắm trong tay cả pho sách kinh điển Mác - Lê mà đến thuật ngữ còn chưa hiểu huống hồ là nội dung ý nghĩa. Khi còn sống, Mao Chủ tịch đã bắt ông phải học, nhưng ông ngồi không yên, thôi thì phần gì thuộc về tư tưởng lý luận thì ông ngoan ngoãn nghe lời Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên. Họ đều là đại sư của chúng ta, còn ta, ta là cái kim xung kích, Vương Hồng Văn an phận suy nghĩ...
Đúng 15 giờ, toàn thể mọi người đang làm việc ở cơ quan, trường học, nhà máy, hầm mỏ, cửa hàng, cửa hiệu, trại lính, nhà giam, công xã nhân dân, và cả các khách bộ hành trên đường, ngoài phố trong cả nước đều đứng nghiêm mặc niệm. Xe lửa, tàu thuyền, chiến hạm, công xưởng kéo còi ba phút, tất cả đồng loạt tiếc thương đưa vị lãnh tụ của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhạc điếu ai oán, bi thống ngân lên ở quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, Hoa Quốc Phong với khẩu âm Sơn Tây, tuyên đọc điếu văn:
- Thưa đồng bào, đồng chí. Hôm nay...
Điếu văn không có đoạn trăn trối lúc lâm chung “Làm theo phương châm đã định” do nhóm Giang Thanh đề nghị, lý do đơn giản là: “Các đồng chí nói chậm quá, mà nội dung điếu văn thì Bộ Chính trị đã thông qua”. Kỹ thuật và khoa học hiện đại đã không những ghi lại đầy đủ cảnh tượng lịch sử hiếm hoi này, mà còn truyền đi một cách trung thực mọi tư thế và âm thanh của Hoa Quốc Phong đến với khán giả toàn Trung Quốc và cả thế giới. Vương Hồng Văn vẫn không rời mắt trên từng con chữ của văn bản điếu văn, chứng nhân cho sự tuyên đọc chính xác của Hoa Quốc Phong. Còn Trương Xuân Kiều, ông vừa nghe, vừa lượng sức giữa các phe phái, ai sẽ là người kế vị, nắm quyền. Ông ngoái nhìn đám tiền bối và lo sợ, một mai họ nổi dậy thì ta chỉ có đường chết.
Cách quảng trường Thiên An Môn không bao xa, Đặng Tiểu Bình chăm chú xem vô tuyến, cân nhắc từng câu chữ của bài điếu văn, nhiều lúc rùng mình kinh ngạc và không khỏi phân vân với gương mặt xa lạ kia - Hoa Quốc Phong. Giọng đọc từ máy thu hình vẫn đều đều phát ra:
- …Người đại diện cho lợi ích và nguyện vọng của giai cấp công nhân, bần nông và trung nông lớp dưới, tự mình phát động và lãnh đạo cuộc Đại Cách mạng Văn hoá đập tan âm mưu phản phúc của Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình, phê phán đường lối theo chủ nghĩa xét lại, chống đối cách mạng của họ...
Thật trớ trêu, người ta vừa táng Mao, vừa phê Đặng và như muốn nhấn chìm cả hai người hùng này cùng một lúc.
Lễ truy điệu kết thúc trong tiếng nhạc Đông Phương HồngQuốc Tế ca. Thời lượng không quá một tiếng đồng hồ. Công việc đưa Người về nơi thiên cổ xem như đã xong và bây giờ cuộc giao tranh chính thức xem như mở màn sau bao ngày bí mật diễn tập.
Trên đài chủ toạ bước xuống, Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều bám sát Hoa Quốc Phong. Bà nói:
- Đồng chí Quốc Phong, tôi trịnh trọng đề nghị, ngày mai chúng ta mở hội nghị để bàn một số vấn đề quan trọng. Ngoài Vương, Trương - hai uỷ viên thường vụ ra, tôi, Viễn Tân, Văn Nguyên đều phải tham gia, vì có nhiều điều cơ mật liên quan đến Đảng và Nhà nước. Đồng chí thấy thế nào?
- Vâng, tôi sẽ báo cáo cho Diệp Kiếm Anh. Đồng chí ấy cũng là Phó Chủ tịch, uỷ viên thường vụ.
- Diệp Kiếm Anh già yếu, vả lại Chủ tịch không phải đã cho ông ấy nghỉ bệnh rồi hay sao? Chắc đồng chí chưa quên? Bàn xong chúng ta thông báo cho ông ấy cũng được.
- Đành vậy, ngày mai chỉ là hội ý công việc mà thôi.
Họ đã tuyên chiến với nhau như thế trên quảng trường Thiên An Môn lịch sử, ngay sau khi tiếng nhạc Quốc Tế ca vừa dứt và giữa hàng chục vạn người dự lễ truy điệu còn ngoái nhìn ảnh Mao Trạch Đông, bịn rịn, tiếc thương, chân bước đi không đành.
Khoảng 15 giờ chiều ngày 19 tháng 9, hai chiếc Hồng Kỳ đưa Giang Thanh đến Đại lễ đường Nhân dân từ từ đỗ lại ở cổng phía nam. Bà ôm cặp da màu trắng xuống xe, rút chiếc lược gỗ hoàng dương sửa lại mái tóc rồi bước vào phòng họp. Chào hỏi Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Mao Viễn Tân và Uông Đông Hưng xong, bà ngồi xuống sofa, bắt đầu thao thao bất tuyệt:
- Lễ truy điệu đã thành công tốt đẹp. Hôm nay chúng ta bàn với nhau những vấn đề quan trọng, rất quan trọng, mong các đồng chí hãy vì sự đoàn kết, hãy vì Mao Chủ tịch mà chân thành phát biểu ý kiến của mình. Người ta vẫn cho rằng Giang Thanh tôi là người làm văn nghệ, là nghệ sĩ. Sự thực thì không phải như vậy. Tôi chưa hề quản lý công việc này, hồi đứng ra phê bình sân khấu là hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Chủ tịch. “Văn cách” mà, không chỉ mình tôi, Chủ tịch, Thủ tướng và cả đồng chí Xuân Kiều đây đều phải tham chiến. Các đồng chí chưa hiểu đó thôi, tôi là chính trị gia, là nhà quân sự, tôi cũng mang quân tịch có số hiệu quân nhân. Hồi ở Diên An, tôi làm thư ký cho Chủ tịch, hàng ngày phải nhận điện, xem tài liệu và giúp Người bày binh, đánh đấm khắp nơi. Sang giai đoạn “Văn cách” một mình tôi chứ ai vào đó, Xuân Kiều, Văn Nguyên đều đã rõ.
- Vâng, đồng chí Giang Thanh bận suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ. Cách mạng mà, đấu tranh giai cấp mà.
Giang Thanh tiếp tục:
- Từ ngày đầu tiên tham gia cách mạng, tôi đã làm chính trị rồi. Như Lênin, tôi hoàn toàn có thể điền vào lý lịch mục nghề nghiệp với ba chữ “chính trị gia”. Ai đó bảo tôi là nghệ sĩ là có dụng ý xấu, như Đặng Tiểu Bình chẳng hạn.
Bà vòng vo tam quốc, còn Hoa Quốc Phong thì vẫn im lặng, hai tay tựa trên thành sofa không nói một lời. Song, ông đã ngửi được mùi vị kế ngôi đoạt quyền của người đàn bà này. Bà ta định nhân cơ hội Mao Trạch Đông vừa mới tạ thế nhảy ra chiếm chỗ. Nhưng bà biết đâu 10 năm “Văn cách”, khổ ải đã đè lên biết bao người, đưa họ đến kiếp trâu ngựa và có ngày họ sẽ khùng lên, điên lên lật nhào bà như chơi.
Tưởng vấn đề gì mới mẻ, hoá ra cũng lại di cảo.
Bà nói:
- Chỉ có tôi, Lý Nạp, Viễn Tân mới hiểu được Người viết cái gì và giải thích cho quần chúng rõ.
Thật là ngạo mạn. Hoa Quốc Phong phải lên tiếng:
- Tôi đã nói rồi, tài liệu của Chủ tịch tạm thời giao Văn phòng Trung ương niêm phong, và sẽ do hội nghị Bộ Chính trị thảo luận quyết định. Đồng chí Uông Đông Hưng y lệnh thi hành.
Bỗng Giang Thanh gào khóc:
- Bình sinh Chủ tịch đã làm gì nên nỗi mà hôm nay các người nỡ vong ơn bội nghĩa? Ai bồi dưỡng đề bạt các người lên, lương tâm của người vứt đi đâu cả rồi?
Mọi người hốt hoảng, kể cả Hoa Quốc Phong. Ôi, nước mắt đàn bà cũng là một loại vũ khí! Nhưng riêng Uông Đông Hưng, ông đã chứng kiến nhiều lần cảnh tượng như thế này. Đúng là một diễn viên cần khóc thì khóc, cần cười thì cười, dễ ợt. Cuộc hội ý tạm thời kết thúc, chưa phân thắng bại.