Chương 11
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

     ai mươi ngày sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, 20 ngày âm thầm và công khai giao tranh, cuối cùng thì Bộ Chính trị đã họp, hay nói đúng hơn chiến trận đã mở.
Đúng 10 giờ đêm ngày 29 tháng 9 năm 1976, trừ Lưu Bá Thừa xin vắng mặt vì lâm bệnh, 15 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng đều tề tựu, an toạ trên các ghế bành trong phòng họp.
Hoa Quốc Phong ngồi chính giữa, chủ trì hội nghị. Ông đến rất sớm và trao đổi gì đó với mấy người dự họp. Phòng họp bố trí 7 máy điện thoại có thể trực tiếp liên lạc với tất cả các uỷ viên Trung ương ở mọi nơi trong toàn quốc. Đang khi chờ đợi khai mạc, Hoa điện thoại cho Bộ Ngoại giao chuẩn bị chiêu đãi khách nước ngoài nhân dịp Quốc khánh mồng 1 tháng 10.
Diệp Kiếm Anh ngồi nghiêm như pho tượng, thân thẳng theo dáng cây bút, từ từ lau cặp kính lão, mắt lim dim nửa nhắm nửa mở, liếc qua Hoa, rồi dừng lâu trên khuôn mặt của Lý Tiên Niệm và nở một nụ cười.
Uông Đông Hưng ngồi cạnh Trần Tích Liên, hai người to nhỏ điều gì đó, khẽ đến mức không ai nghe được. Mấy ngày gần đây, Diệp đã trao đổi với Trần về tình hình cán bộ và cơ quan trong quân đội, tất cả nội dung làm ông đăm chiêu suy nghĩ. Kỷ Đăng Khuê và Ngô Đức cũng đã biết sự việc Mao Chủ tịch viết thủ lệnh “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm” giao cho Hoa, đây không phải là việc nhỏ, chứng tỏ Hoa có thể căn cứ ý kiến của Chủ tịch mà thực hiện những gì mình muốn làm, hai người quyết định ủng hộ Hoa tại hội nghị này.
Hứa Thế Hữu quan sát nhất cử nhất động của Diệp, vị tướng già. Đây là linh hồn của quân đội, sau khi Chủ tịch qua đời không có ai có ảnh hưởng trong lực lượng quân sự như Diệp suý, huống hồ nay ông đang chủ trì công việc của Quân uỷ, nắm giữa một phần sức mạnh của quốc gia. Hứa lý luận: mất quân đội là mất nhân dân.
Lý Đức Sinh ngồi đối diện với Diệp. Ông nhớ lại cuộc trao đổi mấy hôm trước đây: “Trong tình hình nghiêm trọng như hiện nay, nắm tổ chức và nắm sản xuất, nhiệm vụ nào cần thiết hơn?”, Diệp không do dự mà rằng: “Theo tôi tổ chức”. Lý nhận ra ngay hai chữ “tổ chức” Diệp suý nêu ra không phải là thông thường mà muốn ám chỉ hành động đặc biệt gì đây. Lý vui vẻ đáp lại: “Công việc này hẳn cần đến tài năng nhìn xa trông rộng, suy nghĩ căn cơ của Diệp nguyên soái, nêu yêu cầu điều gì xin Diệp công cứ gọi”.
Tô Chấn Hoa người chỉ huy hải quân, đã khắc cốt ghi xương mối cừu hận với Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn chỉ cần Diệp suý ra lệnh là ông sẽ xông lên ngay, tiêu diệt chúng.
Trần Vĩnh Quý, Vi Quốc Thanh, Ngô Quế Hiền, Nghê Chí Phúc, Trại Phúc Đỉnh yên vị, không có biểu hiện gì đặc biệt. Nhóm Giang, Trương, Vương, Diêu vẫn như xưa, lăm lăm “đạn đã lên nòng”.
Hoa nhìn Giang và ít nhiều hoảng loạn. Ông vừa hay tin Chủ tịch phu nhân mới từ huyện Xương Bình trở về. Bà đến thăm quân đội ở đấy, giảng giải về đấu tranh với Nho pháp, phổ biến tình hình trong nước sau khi Mao Chủ tịch qua đời và kêu gọi các chiến sĩ phải nghe chỉ huy. Người đàn bà này ghê gớm thật, lúc nào cũng giành đi trước.
- Tôi xin phát biểu! Các đồng chí cần suy nghĩ kỹ, Mao Chủ tịch đã tạ thế, lãnh đạo của Trung ương Đảng nên như thế nào?
Diệp Kiếm Anh “hừ” một tiếng, nhắm mắt, mặt đầy miệt thị, còn mọi người thì quay nhìn Giang Thanh và có vẻ nhẹ nhõm vì đã hiểu rõ cuộc hội nghị này sẽ làm việc gì. Riêng Trần Vĩnh Quý - vị Phó Thủ tướng xuất thân nông dân - vẫn rất đau khổ chú mục vào bàn họp, ông ngán ngẩm quá với những cuộc đấu đá đã diễn ra, chắc hôm nay cũng thế.
Giang Thanh tiếp tục:
- Bây giờ Trung ương cần tăng cường lãnh đạo tập thể, đó cũng là điều mà lúc sinh thời Chủ tịch luôn nhắc nhở chúng ta.
Thoạt đầu, Giang Thanh đã chĩa mũi nhọn sang Hoa Quốc Phong.
- Thời gian làm việc ở Trung ương của đồng chí Hoa Quốc Phong còn rất ít, chưa có kinh nghiệm về lối sống thượng tầng, nên trong xử lý các vấn đề đang do dự không dám quyết đoán, trở ngại lắm, do đó biện pháp khắc phục duy nhất là tăng cường lãnh đạo tập thể...
- Chúng ta cần suy nghĩ ý kiến của đồng chí Giang Thanh, tham gia hoạch định quyết sách quan trọng này của Trung ương.
Trong khi Trương Xuân Kiều “đệm đàn” như vậy, Giang Thanh đảo mắt lên từng gương mặt những người dự họp và khi đến lượt mình, ai cũng mất hồn như đứa trẻ phạm tội, cúi gằm xuống và tránh đi ánh lửa phát ra sau cặp kính cận xoáy nhiều vòng của bà. Giang Thanh rút khăn tay lau mũi, rồi như vẻ ngậm ngùi:
- Tôi xin các đồng chí đều nghe lời của Mao Chủ tịch, làm theo phương châm mà Người đã định. Thưa các đồng chí, tôi đã cùng sống với Chủ tịch hơn 40 năm nay, tôi hiểu ông cụ. Đối với mỗi đồng chí tại đây, Người đều có cảm tình và đánh giá rất cao. Ông cụ là người rất khoan dung và căn dặn tôi về từng đồng chí một.
Nghe Giang Thanh vòng vo tam quốc, ai cũng sốt ruột, nhưng cuối cùng thì lại vấn đề xử lý di cảo của Mao.
- Những ngày cuối đời, Chủ tịch nói năng khó nhọc, không ai hiểu, may nhờ Viễn Tân làm liên lạc, công lao lớn lắm. Nay Người vừa qua đời, thử nghĩ để đồng chí ấy ở lại Bắc Kinh, ở lại Trung ương giúp chúng ta chỉnh lý di cảo của Người có phải tốt không? Thế nhưng có đồng chí phản đối, còn nói nhiều lời lẽ không đáng nói. Tôi cho rằng thái độ như vậy đối với Chủ tịch thật không đúng, thiếu lương tâm.
- Các đồng chí biết ai không? - Vương Hồng Văn lên giọng hỏi.
- Tôi đây, Diệp Kiếm Anh! Tôi cùng Mao Chủ tịch làm cách mạng gần 50 năm và trong Trung ương nhiều đồng chí còn già hơn tôi, trung thành với Người, nhận thức tư tưởng của Người rất sâu và rất rộng, nhẽ nào họ không đủ tư cách để chỉnh lý những di cảo của Chủ tịch hay sao? Tôi đã nói nhiều lần, Mao Chủ tịch là Chủ tịch của toàn Đảng, toàn dân chứ khộng phải của riêng ai. Cho nên tôi kiên quyết chủ trương toàn bộ di sản của Người trước mắt giao cho Văn phòng Trung ương bảo quản, sau này sẽ do Trung ương xử lý tập thể một cách nghiêm túc như đã xuất bản Tuyển tập của Người. Còn đồng chí Mao Viễn Tân, anh ấy là Phó Tư lệnh quân đội Thẩm Dương, làm liên lạc là biện pháp tạm thời của Trung ương, nay nhiệm vụ đã hoàn thành, Viễn Tân trở về Liêu Ninh là đương nhiên, còn điều gì mà không lý giải được?
Diệp Kiếm Anh dứt lời, Hoa mới có dũng khí và bắt đầu rút trong cặp ra lá thư Mao Viễn Tân viết cho ông, đọc để mọi người cùng nghe và nói:
- Liên lạc cho Chủ tịch không thuộc biên chế của Trung ương, nhiệm vụ hoàn thành, thì nên trở về đơn vị cũ. Về điểm này, ý kiến của tôi và Diệp suý là nhất trí như nhau!
- Không được! Mao Viễn Tân phải ở lại, - Vương Hồng Văn bừng đỏ mặt. - Đồng chí ấy là người nắm vững chỉ thị của Mao Chủ tịch hơn ai hết trong Trung ương, tại sao lại cho về Liêu Ninh? Nếu các uỷ viên Bộ Chính trị muốn tìm hiểu tinh thần chỉ thị của Người thì biết hỏi ai?
- Viễn Tân không được đi đâu cả, - Diêu Văn Nguyên lắp bắp. - Anh ấy là người... là người hiểu văn bản của Chủ tịch, chỗ nào xem không rõ đều phải hỏi Viễn Tân.
Giang Thanh chen ngang:
- Mao Viễn Tân phải ở lại! Đồng chí đó còn phải lo việc gìn giữ thi hài Chủ tịch và mọi hậu sự của Người.
Hoa Quốc Phong chộp ngay:
- Không phải đồng chí đã từng nói, đồng chí sẽ không tham gia việc hậu sự cho Chủ tịch, Mao Viễn Tân cũng không tham gia, đồng chí quên rồi sao? Bây giờ lại yêu cầu Viễn Tân ở lại!
- Vu khống, tôi nói lúc nào? - Giang Thanh hốt hoảng vụt đứng dậy.
- Tại hội nghị ngày 19 vừa qua, hãy hỏi Chánh văn phòng Uông Đông Hưng.
- Đúng đồng chí Giang Thanh đã nói như vậy vào ngày 19 tháng 9 năm 1976. - Uông nhanh nhẹn trả lời. Giang Thanh đuối lý và lại khóc, khóc như một diễn viên điệu nghệ. Không khí cuộc họp vô cùng căng thẳng. Trương Xuân Kiều muốn hoà hoãn:
- Theo tôi, tạm thời cho đồng chí Viễn Tân ở lại giúp chúng ta một vài tháng nữa, đồng chí ấy đọc được chữ viết của Chủ tịch mà.
Nhiều người xì xào định chấp nhận ý kiến của Trương, nhưng Lý Tiên Niệm kịp thời ứng chiến:
- Tôi đồng ý ý kiến của Diệp suý, vừa tuân thủ nguyên tắc tổ chức, vừa có lợi cho sự nghiệp của Đảng.
- Tôi đồng ý với Hoa Thủ tướng, Diệp suý và Lý Phó Thủ tướng. - Lý Đức Sinh lên tiếng và sau đó là Uông Đông Hưng cũng phát biểu như vậy.
Thế là hai phe đã rõ ràng, Trương Xuân Kiều dụi tắt điếu Trung Hoa bài đang hút dở, đứng lên đỡ đòn, quay sang hướng khác:
- Mồm cứ thao thao là trung thành với Chủ tịch thì có ý nghĩa gì, mấu chốt là có thái độ với người đang sống, cụ thể là đối với quả phụ Giang Thanh, tôi nghĩ hội nghị hôm nay còn phải thảo luận việc bố trí công tác cho đồng chí Giang Thanh!
- Công tác gì cho đồng chí Giang Thanh? - Có người hỏi.
Trương Xuân Kiều nhanh nhảu:
- Đưa đồng chí Giang Thanh vào ban thường vụ, vì hiện nay chúng tôi mới có 4 người, khó biểu quyết quá.
Hoa Quốc Phong đập ngay:
- Đồng chí Xuân Kiều, đồng chí vừa phát biểu vô nguyên tắc và thật không nghiêm túc. Làm sao có thể đặt đồng chí Giang Thanh ngang hàng với Chủ tịch chúng ta được? Lúc sinh thời Người không phải đã nhiều lần tuyên bố rằng, Giang Thanh không đại diện cho Người, chỉ đại diện cho bà ấy mà thôi. Cho nên không chỉ đồng chí Giang Thanh mà bất cứ ai trong chúng ta đều không có thể sánh cùng Người!
- Còn công tác của đồng chí Giang Thanh thì Chủ tịch đã phân công lâu rồi, muốn thoả thuận vấn đề này cần phải đưa ra hội nghị toàn thể Trung ương. - Diệp Kiếm Anh bổ sung.
- Hội nghị Bộ Chính trị có quyền đề xuất! - Vương Hồng Văn cắt lời Diệp và hoa chân múa tay - Nhiều đồng chí, kể cả trong quân đội đã viết thư đề nghị bầu đồng chí Giang Thanh làm Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị chúng ta cần lắng nghe ý kiến quần chúng, riêng cá nhân tôi, tôi thấy đồng chí Giang Thanh hoàn toàn đủ tư cách đảm nhận chức vụ này.
Hoa Quốc Phong vừa bất ngờ, vừa phẫn nộ với ý kiến đưa Giang Thanh lên chức Chủ tịch Đảng, chưa biết xoay xở ra sao thì Lý Tiên Niệm lên tiếng:
- Các đồng chí hãy xem lại điều lệ Đảng, không phải chức vụ Chủ tịch Đảng đều phải bầu cử tại hội nghị toàn thể Trung ương hay sao? Hẳn đồng chí Trương Xuân Kiều đã quên rồi!
- Tôi chưa quên! Xin các đồng chí cũng đừng quên bài học của Cách mạng Văn hoá vừa qua! - Xuân Kiều hăm doạ.
Trời rạng sáng, cuộc giao tranh kéo dài gần 8 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ đêm ngày 29 cho đến hơn 5 giờ sáng ngày 30, lực lượng hai bên đã huy động trí lực và cả thể lực nữa. Nhiều đồng chí già bắt đầu ngáp và gục đầu trên thành sofa, tranh thủ chớp mắt. Lấy cớ bảo vệ sức khoẻ, người ta buộc một số đồng chí về nghỉ trước, nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Đảng Hoa Quốc Phong:
- Đồng chí Mao Viễn Tân trở về Liêu Ninh làm công việc cũ. Báo cáo chính trị đọc tại Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba do tôi chuẩn bị khởi thảo, còn vấn đề nhân sự Trung ương, Bộ Chính trị sẽ thoả thuận đề xuất để Trung ương thông qua. Hội nghị hôm nay đến đây kết thúc.
Nói đoạn, Hoa Quốc Phong bước ra xe, cùng đi theo ông có Uông Đông Hưng, Giang Thanh lại gào khóc. Thế là âm mưu dùng Mao Viễn Tân - liên lạc viên, người phiên dịch tiếng Hồ Nam của Mao Chủ tịch ra tiếng phổ thông trong những ngày Người lâm bệnh - truyền đạt lại cái gọi là di chúc của Chủ tịch cho hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba sắp họp đã thất bại. Hôm nay là 30 tháng 9, Trung Quốc mừng ngày Quốc khánh đầu tiên vắng bóng Mao Chủ tịch và câu chuyện của chúng ta đã sang ngày thứ 22!