Chương 7
MAO TRẠCH ĐÔNG DẪN VỢ CON TRỞ VỀ BẢN QUÁN

     ại Quảng Châu, Tưởng Giới Thạch hồng lên rực rỡ, thì trên đường về cố hương, Mao Trạch Đông cùng vợ con mới thật là thê lương ảm đạm. Thoạt đầu họ tạm trú ở Trường Sa với gia đình bên ngoại ăn Tết, sau đó mồng 6 tháng 2 năm 1925 (một ngày trước Nguyên tiêu) tiếp tục về Thiều Sơn.
Mao Trạch Đông sinh ở Thiều Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, “thiều” có nghĩa là đẹp, “thiều sơn” vì vậy mà hiểu là núi non mĩ lệ. Theo gia phả họ Mao, Mao Trạch Đông có nguyên quán ở huyện Long Thành, phủ Cát Châu, tỉnh Giang Tây (nay là huyện Cát Thuỷ). Cuối đời Nguyên, tổ tiên của Mao Trạch Đông là Mao Thái Hoa tham gia quân khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương cầm đầu. Chu Nguyên Chương chiến thắng, lên làm hoàng đế Triều Minh, bèn ban thưởng cho sĩ tướng ruộng đất khắp nơi, Mao Thái Hoa nhận đất đai ở huyện Tương Hương, Hồ Nam và dòng họ Mao di chuyển về đây, sau đó chính thức lập nghiệp ở Thiều Sơn Tương Đàm. Đời thứ 18 sau Mao Thái Hoa là Mao Ân Trước - ông nội của Mao Trạch Đông, chỉ sinh được một người con trai, chính là thân phụ của Mao - tên gọi Mao Di Xương.
Tưởng Giới Thạch xuất thân tại một hiệu bán muối, lớn lên là quân nhân, khí chất ít nhiều mang màu sắc thương gia, còn Mao Trạch Đông tổ tiên nông dân, bản thân ông tuy thuộc làu văn, sử, là thi nhân nhưng có sắc thái nhà nông.
Mao Trạch Đông mở trường học ban đêm cho dân cày, Dương Khai Tuệ vợ Mao cũng làm giáo viên ở đó, và đêm đêm thầy trò ê a những bài khai trí “Trường Giang dài, Hoàng Hà vàng, phát nguyên từ núi Côn Lôn, đều chảy ra Thái Bình Dương”. Thầy Mao và cô Dương không dạy họ học “Tam tự kinh”, “Bách gia tính” mà chủ yếu là “Tân học”, ví như dạy đến chữ “dương” ông ghép thành các từ “dương du” (dầu mỏ), “dương nhân” (người phương Tây), rồi bắt sang “cường quyền” (ngoại bang tàn bạo) và cuối cùng là “đả đảo” (đánh đổ cường quyền) v.v... Còn cô Dương lại dạy hát: “Hạt kim hoa, nở hồng hoa, nở khắp nhà người nghèo, thế giới thật là đẹp. Hôm nay trông, ngày mai chờ, chờ ông trời nở vầng dương, vầng dương toả bốn phương, ai ai cũng vui vẻ”.
Mao Trạch Đông về quê ở ẩn, gõ đầu trẻ nhưng chứng suy nhược thần kinh vẫn không thuyên giảm. Tại Thiều Sơn, ông lập ra “Tuyết Sỉ hội” làm kinh động thổ hào ác bá một vùng, và đến tai Triệu Hằng Thích. Dân Hồ Nam gọi Triệu là Nam Bá Thiên, khi Tôn Trung Sơn trúng cử Tổng thống, y lấy danh nghĩa toàn thể tướng lĩnh Tương quân lên tiếng phản đối và do đó lần này không thể tha thứ cho Mao Trạch Đông mà theo y là thuộc hạ của Tôn Trung Sơn. Tình thế quẫn bách, Mao phải xa vợ con, xa quê hương bản quán ra đi, đi về đâu, thôi chỉ còn Quảng Châu - trung tâm của cách mạng. Mao vừa ra đi thì quân của Triệu ập tới, Dương Khai Tuệ phải bồng con lánh nạn chờ chồng, hơn hai tháng trôi qua Mao Trạch Đông vẫn chưa về, bà đành quay lại Trường Sa tá túc với cha mẹ đẻ.
KẺ SÚNG NGƯỜI BÚT,
MAO - TƯỞNG CÙNG CHUNG SỰ NGHIỆP Ở QUẢNG CHÂU
 
Lần thứ ba đến Quảng Châu, sau Tam đại của Trung Cộng, Nhất toàn của Quốc dân đảng và nay vội vội vàng vàng. Bấy giờ đã là tháng 10 năm 1925, Quảng Châu buồn, lặng lẽ trước chân dung Tôn Trung Sơn phủ lụa đen và hai bên treo câu liễn “Cách mạng thượng vinh thành công. Đồng chí nhưng tu nỗ lực” (cách mạng vẫn chưa thành công, đồng chí còn phải nỗ lực).
9 giờ 25 ngày 12 tháng 3 năm 1925, Tôn Trung Sơn tạ thế ở Bắc Kinh, lúc lâm chung tự thấy mình không qua nổi cơn bệnh hiểm nghèo, Tôn Trung Sơn bèn khẩu truyền di chúc, Uông Tinh Vệ ghi chép và ông xem lại rồi kí tên, đó là Bản di chúc Tổng thống nổi tiếng của Trung Quốc.
Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Uông Tinh Vệ nghiễm nhiên trở thành người thừa kế. Tháng 7 năm 1925, Uông đảm nhận chức vụ chủ tịch chính phủ quốc dân kiêm chủ tịch quân uỷ, Hồ Hán Dân - Bộ trưởng ngoại giao, Liêu Trọng Khải - Bộ trưởng tài chánh, Hứa Sùng Trí - Bộ trưởng quốc phòng, và như vậy Uông, Hồ, Liêu, Hứa trở thành “Tứ cự đầu” của Quốc dân đảng lúc bấy giờ. Nhưng 9 giờ 50 phút ngày 20 tháng 8 năm 1925, Liêu bị ám hại. Liêu Trọng Khải là cột trụ của Tôn Trung Sơn, lãnh tụ phái tả của Quốc dân đảng, theo ý kiến của La Diệc Nông - uỷ viên ban chấp lâm thời Trung Cộng thành uỷ Quảng Châu thì “Liêu Trọng Khải là mãnh tướng trong phong trào cách mạng của Quốc dân đảng Trung Quốc, sau khi Tôn Trung Sơn tạ thế chỉ có Liêu là người kế tục được sự nghiệp của Tôn mà thôi, và trên thực tế đã trở thành thủ lĩnh quần chúng tiến hành cách mạng”.
Viên đạn của thích khách đã biến “Tứ cự đầu” thành “Tam cự đầu”, một thích khách không may bị bắt đã khai là có quan hệ với Hồ Hán Dân. Hội nghị liên tịch đảng -chính - quân nhóm họp và quyết định thành lập ban đặc nhiệm xử lí vụ án Liêu Trọng Khải gồm Uông Tinh Vệ, Hứa Sùng Trí và Tưởng Giới Thạch được toàn quyền sử dụng chính phủ, quân đội và cảnh sát cho công việc. Hồ Hán Dân có liên quan bị gạt ra ngoài, cục diện “Tam cự đầu” giờ đây là Uông, Hứa, Tưởng. Qua điều tra thẩm xét, những người chủ mưu ám hại Liêu Trọng Khải trước đây là tay chân, thuộc hạ, tham mưu của Hồ Hán Dân và cả Hứa Sùng Trí nữa.
Ngày 25 tháng 8, Tưởng Giới Thạch ra lệnh bắt Hồ Hán Dân. và đêm 19 tháng 9 cho lính bao vây bộ Tư lệnh của Hứa Sùng Trí, buộc y phải đi Thượng Hải “dưỡng bệnh”. Hứa vốn là Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Việt quân, chủ tịch chính phủ Quảng Đông, dưới trướng là binh hùng tướng mạnh, xưng bá một phương. Tục ngữ có câu “trai cò tranh nhau, ngư ông được lợi”, một phát súng nổ - Liêu chết, Hồ bị bắt, Hứa ra đi và “ngư ông” họ Tưởng nổi lên, thay thế cả ba, thâu tóm binh lính của bộ quốc phòng về tay mình, trở thành nhân vật có thực lực trong Quốc dân đảng. Qua trận sống mái vừa rồi, Tưởng Giới Thạch đã tỏ ra tinh ranh của kẻ buôn và sắt thép của người lính.
Chính ngay lúc ấy, Mao Trạch Đông đến Quảng Châu với hai bàn tay không, chẳng có một binh một tốt, ngoại trừ cây bút mà thôi. So với Tưởng Giới Thạch, ông chỉ là kẻ thư sinh không quyền không thế. Tuy mất chức bên phía Trung Cộng, Mao Trạch Đông vẫn còn là uỷ viên dự khuyết ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng và do đó ông đã đến cư trú tại cơ quan trung ương của đảng này. Mao Trạch Đông có một cây viết, có sở trường về công tác tuyên truyền và thật trùng hợp, chân trưởng ban tuyên truyền của Quốc dân đảng đang còn khuyết chỗ và do đó Mao Trạch Đông nghiễm nhiên nhảy vào.
Hội nghị trung ương lần thứ nhất khóa 1 của Quốc dân đảng dự kiến đưa Liêu Trọng Khải, Đới Quý Đào, Đàm Bình Sơn lên đảm nhận chức vụ uỷ viên thường vụ, trong đó Đới Quý Đào sẽ là trưởng ban tuyên truyền. Đới cũng là một cây viết, từng làm thư kí cơ yếu cho Tôn Trung Sơn, khi Tôn bệnh nặng, Đới thường túc trực bên cạnh Người. Tôn Trung Sơn nhớ lại những điều tai nghe mắt thấy cả đời mình và truyền khẩu cho Đới. Sau đó, Tôn qua đời và Đới Quý Đào đã đóng cửa từ khách trong hai tháng, liền một mạch viết xong các trước tác “Cơ sở triết học của chủ nghĩa Tôn Văn”, “Cách mạng Trung Quốc và Quốc dân đảng Trung Quốc”, nghiễm nhiên trở thành người kế thừa, người bảo vệ, người phát biểu “chính thống” học thuyết của Tôn Trung Sơn. Sách của Đới ra mắt bạn đọc, dư luận xôn xao, có người nhạo báng “Khổng Tử truyền cho Tôn Trung Sơn, Tôn Trung Sơn truyền lại cho Đới Quý Đào”, khiến tác giả dở khóc dở cười.
Có một dạo Đới Quý Đào là nhân sĩ cánh tả, từng tham dự sáng lập Trung Cộng, soạn thảo cương lĩnh, nhưng ông không gia nhập hàng ngũ cộng sản vì đã hứa chỉ một lòng một dạ theo đảng của Tôn Văn. Sau này Đới chuyển sang cánh hữu và ngay tại Nhất toàn ông đã phản đối đướng lối liên Nga thân Cộng. Ngày 23 tháng 11 năm 1925, một nhóm chính khách khăn áo chỉnh tề tụ họp tại chùa Bích Vân Tây Sơn ngoại ô Bắc Kinh, tự xưng là đầu não của Quốc dân đảng, đối kháng với Quảng Châu, Đới Quý Đào cũng là một phần tử của phái Tây Sơn tự mình rồi bỏ cơ quan trung ương ở trung tâm cách mạng Ngũ Dương hành. Vì lẽ đó mà cái ghế trưởng ban tuyên truyền để trống và Mao Trạch Đông từ uỷ viên dự khuyết chễm chệ ngồi vào, vậy là tay súng tay bút, Mao - Tưởng không hẹn mà gặp đã cùng nhau gánh vác cho sự nghiệp chung ở Quảng Châu lúc bấy giờ.