rùng Khánh một ngày đầu thu, sương mù dần tan, sừng sững những rặng núi, rừng cây, lầu các ở đôi bờ nơi hội lưu của Gia Lăng Giang với Trường Giang, cả Trùng Khánh, cả Tứ Xuyên và cả Tây Nam hôm nay vui buồn lẫn lộn khi tiễn người con của quê hương về kinh đô nhận lãnh một trọng trách cao cả và nặng nề hơn. Đoàn xe xuất phát từ cơ quan Cục Tây Nam đã tiến đến phi trường, một người trung niên dáng vóc thấp nhỏ, vai bành, bước ra khỏi xe, lần lượt bắt tay từng cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội đi tiễn và nhanh nhẹn lên cầu thang máy bay vẫy tay chào tạm biệt. Đó là Đặng Tiểu Bình, lúc bấy giờ là Bí thư thứ nhất Cục Tây Nam Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ tịch Quân uỷ Tây Nam, Chính uỷ Quân khu Tây Nam, thành viên của Chính phủ nhân dân trung ương, Quân uỷ trung ương và Ban chấp hành Hội hữu nghị Trung - Xô.Máy bay vút khỏi phi trường, lao vào không trung. Đặng Tiểu Bình nép mình bên ô cửa, lơ đãng nhìn mây trắng bồng bềnh và chìm vào suy tưởng giữa vùng trời Tây Nam cao lộng.Ôi, Tây Nam, sơn hà nơi biên ải, là Tứ Xuyên - mảnh đất “Thiên phủ chi quốc” thuở xưa, từng là lãnh thổ của hai tiểu quốc Thục Ba, nơi địa linh nhân kiệt với Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lưu Bị, Khổng Minh; là Tây Khang núi cao vực thẳm mà ngày nay một phần nhập về Tứ Xuyên còn phần kia nhập với Tây Tạng - quê hương của đồng bào Tạng; là Vân Nam, là Quý Châu, nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em. Người ta vẫn chưa quên, khi đại pháo mừng ngày thành lập nước cộng hoà nhân dân ầm vang trên bầu trời quảng trường Thiên An Môn, thì chiến trường Tây Bắc, Hoa Nam đang tan khói súng và cả Tây Nam vẫn là nơi cố thủ của toàn quân Quốc dân đảng. Sau đó ngày 1 tháng Chạp 1949, đại quân từ nhiều cánh do Lưu Bá Thừa, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long chỉ huy tiến vào giải phóng Tây Nam, giải phóng Trùng Khánh... và cuối cùng đến mùa xuân 1951, mới là Tây Tạng. Hồi tưởng lại những người chỉ huy quân, chính, đảng ở Tây Nam, Đặng Tiểu Bình tóm tắt: “90 vạn, 60 triệu và 600 trăm ngàn”, đó là nhiệm vụ trả lại cuộc sống làm ăn lương thiện cho 90 vạn quân lính của Tưởng Giới Thạch không thể cùng quan thầy chạy ra Đài Loan, là 90 vạn đồng bào anh em, xưa hai chiến hào, nay cùng một chiến trận đánh thắng “nhất cùng nhì bạch” (một nghèo hai trắng). Đó là nhiệm vụ ổn định cuộc sống cho 60 triệu người dân Tây Nam, là biến đội quân chiến đấu 600 ngàn lính thành đội quân công tác và vận động quần chúng. Những ngày Tây Nam bận rộn với bao nhiêu công việc của một nhà nước cộng hoà non trẻ ở rất xa trung ương. Thật số phận khéo an bài, 29 năm trước đây, từ bến cảng Trùng Khánh, chàng trai Đặng Hi Hiền mới 16 tuổi, trẻ nhất, nhỏ nhất trong toán thanh niên Tứ Xuyên xuống tàu xuôi Trường Giang, ra cửa Thượng Hải, vượt trùng dương, sang tận thành phố lớn thứ hai của nước Pháp là Marseille kiếm việc làm để có tiền ăn học, thì hôm nay là nhà cách mạng Đặng Tiểu Bình 45 tuổi trở về Trùng Khánh, trở về quê hương với trọng trách, không chỉ giải phóng mà còn xây dựng...Đặng Tiểu Bình sinh ngày 22 tháng tám năm 1904, nhằm ngày 2 tháng bảy năm Giáp Thìn, trong một gia đình thân hào phú hộ thôn Bài Phường, xã Hiệp Hưng, huyện Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên. Lúc nhỏ được đặt tên là Tiên Thánh, sau đổi lại Hi Hiền, là con thứ nhưng là trai trưởng của ông Đặng Thiệu Xương, tự Văn Minh, và bà Đàm Thị. Văn Minh có bốn đời vợ thuộc bốn họ Trương, Đàm, Tiêu, Hạ. Bà nhất thì không có con, bà hai là mẹ đẻ của Đặng Tiểu Bình, sinh được một gái đầu và ba trai (Đặng Tiên Liệt, Đặng Tiểu Bình, Đặng Khẩn, Đặng Thục Bình) bà ba sinh được một trai, bà tư sinh được hai trai, ba gái. Mẹ đẻ của ông mất sớm, nên sau này khi trở về Trùng Khánh, Đặng Tiểu Bình đã mời kế mẫu là bà tư Hạ Bá Căn từ quê lên ở chung cùng gia đình, họ sống nền nếp với tôn ti trật tự - bà nội, cha mẹ và con cái.Năm lên 5, Văn Minh đã mời thầy về nhà dạy cho Hi Hiền, 6 tuổi cậu bé vào tiểu học sơ cấp xã Hiệp Hưng, 11 tuổi lên tiểu học cao cấp huyện Quảng An, 14 tuổi thi đậu vào trung học huyện Quảng An. Việc học hành của cậu bé Hi Hiền nói chung là thuận buồm xuôi gió, nhưng để đến được với nền văn minh châu Âu, cha cậu đã xin cho theo học tại Trường dự bị cần công kiệm học Trùng Khánh chuẩn bị xuất dương sang Pháp. Ngày 7 tháng chín năm 1920, sau khi được Tổng lãnh sự Pháp tại Trùng Khánh trực tiếp sát hạch, Hi Hiền cùng 79 bạn khác xuống tàu đi Marseille. Năm ấy, ông tròn 16 tuổi. Năm 1926, Đặng Tiểu Bình rời Paris, xuyên Đông Âu về Nga học trường đại học Phương Đông Tôn Trung Sơn, đó là tất cả học trình tại giảng đường của ông, còn lại sau này đều là trường đời khúc khuỷu, đa dạng, phong phú đã đào luyện nên con ngươi ấy.Từ Nga, vượt qua thảo nguyên Mông Cổ, Đặng Tiểu Bình về nước vào đúng lúc chiến tranh Bắc phạt. Với tư cách là uỷ viên chính trị, ông đứng trong quân đoàn Phùng Ngọc Tường của Quốc dân đảng ủng hộ Tưởng Giới Thạch tiến hành Bắc phạt. Sau khi thắng lợi, Tưởng Giới Thạch phản bội cách mạng, gây nên vụ thảm sát “4.12” ở Thượng Hải, giết hại nhiều chiến sĩ cộng sản từng hợp tác với Quốc dân đảng. Đặng Tiểu Bình cũng bị Phùng Ngọc Tường cho thôi việc. Từ Tây An, ông về Hán Khẩu và tiếp tục bôn ba vì sự nghiệp của đảng. Năm 1938, lúc Đặng Thiệu Xương bị thổ phỉ chặt đầu, Đặng Tiểu Bình đang chỉ huy kháng Nhật ở Thái Hành Sơn, mọi công việc hậu sự cho cha, ông phải cậy nhờ kế mẫu - bà Hạ Bá Căn, và em trai Đặng Thục Bình lo liệu. Rong ruổi tháng ngày nơi trận mạc, thoắt đà hai mươi năm, nay cầm quân trở về nơi chôn rau cắt rốn. Lúc này Đặng Tiểu Bình đã vào tuổi 45, có vợ là Trác Lâm và 3 con là Đặng Lâm (trưởng nữ), Đặng Phác Phương (con thứ nhưng trưởng nam), Đặng Nam (thứ nữ). Những ngày ở Trùng Khánh, họ có thêm con gái là Đặng Dung, con trai là Đặng Chất Phương.Nhớ lại những năm chiến đấu gian khổ để giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên chế độ cộng hoà ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình nói: “Trong 23 năm, thì chúng ta hầu như đã phải trải qua 21 năm khó khăn. Vậy có cửa thắng lợi nào không? Theo tôi, có đến hai. Ấy là lúc Nhật Bản đầu hàng, nhiều người cho rằng thế là hạnh phúc rồi, không còn kẻ thù nữa, nhưng Đảng đã phản đối luận điểm đó và chúng ta bước qua cửa thắng lợi thứ nhất. Và giờ đây chính là cửa thắng lợi thứ hai - Đảng giành được chính quyền trên phạm vi toàn quốc”.Đang khi công việc củng cố chính quyền ở Tây Nam tiến triển thuận lợi, Đặng Tiểu Bình và các chiến hữu của ông tuy vận quân phục nhưng chỉ huy toàn diện mọi lĩnh vực trên một vùng lãnh thổ quan trọng của Trung Quốc, và cuộc sống gia đình ông vào nhịp hạnh phúc yên vui thì có lệnh điều động “lai triều”, lại một lần nữa ra đi từ Trùng Khánh, từ Tứ Xuyên - quê hương ông.Là trọng trách, nhưng công việc gì. “Thôi đợi lên Bắc Kinh sẽ rõ”, Đặng Tiểu Bình thầm nghĩ và thiếp đi trong, giấc mộng hoài hương.