Bước vào đại sảnh chính của Lục Phúc đổ trường, Từ Tử Lăng lập tức hiểu rõ vì sao Lôi Cửu Chỉ có thể từ phong cách bố cục của đổ trường mà nhận ra đổ trường đó thuộc hệ thống của Hương gia hay không.
Thoạt nhìn qua, bố cục nơi này không giống với kỹ viện kết hợp đổ trường nổi danh của Hương gia tại Bành Thành. Thế nhưng hình không giống mà thần thì không sai khác vào đâu được.
Trước tiên từ bàn, dụng cụ đánh bạc, tới đồ đạc trần thiết trong đổ trường, đều là thứ hoa lệ tinh tế.
Kế đó, số bàn đánh bạc trong đại sảnh chính được bố trí theo ngũ hành trận pháp, vừa đúng hai mươi lăm bàn, giống y như tại đổ trường ở Bành Thành của Hương gia.
Thứ ba, cũng là điều dễ thấy nhất, ở đây có nữ tử thị hầu, lại đều là mỹ nữ trẻ tuổi xinh đẹp. Y phục tuy không trang trọng nhưng đều được thiết kế rất tinh tế, đem hết những đường cong làm động lòng người trên cơ thể họ bộc lộ ra, lại cố tình hở một khoảng lớn ở ngực và tay để mê hoặc người ta.
Lò sưởi trong sảnh đường chính lửa cháy rất đượm, khiến cho cả gian đại sảnh biến thành một thế giới ôn nhu ấm áp, so với cảnh trời đất lạnh lẽo bên ngoài thật khác xa. Đại sảnh đường tràn ngập tân khách, huyên náo rầm trời, lại càng tăng thêm không khí nhiệt náo như mê như say, khiến người ta mụ mị cả đầu óc.
Từ Tử Lăng dừng lại một chút. Cảm thấy không có ai theo dõi, gã mới từ từ dạo quanh đại sảnh. Đến bàn xúc sắc gã đánh năm ván, thắng bốn thua một. Do đặt nhiều nên nhanh chóng thắng được gần một trăm hai mươi lượng tiền phỉnh.
Theo lời dặn của Lôi Cửu Chỉ, gã thấy trong sảnh đường chính không phải chơi xúc sắc thì là đổ phiên than, bèn đi vào bên trong.
Đến một phòng nhỏ hơn đại sảnh rất nhiều, xem ra chỉ bằng một nửa, thế nhưng lại thông với phòng bên cạnh. Hai phòng này hợp lại, diện tích cũng bằng với sảnh đường chính. Phía đối diện của gian phòng còn có một cánh cửa, bên trên treo biển đề “Quý tân sảnh”. Lại có một đại hán đứng giữ cửa, rõ ràng không phải ai cũng vào được.
Nội đường là chỗ để chơi bài cửu, cũng có hai mươi lăm bàn, mỗi bàn có bốn, sáu hoặc tám chỗ ngồi. Bàn đánh bạc ở đây chỉ nhỏ bằng một nửa bàn ở ngoại đường. Khách nhân không có chỗ ngồi có thể đứng đặt theo các vị khách đang ngồi đối đổ với nhà cái mà định thắng thua. Vì vậy, mỗi bàn đều chật khách.
Từ Tử Lăng chọn một bàn đông đến mức nước chảy cũng không lọt, chen vào xem nhiệt náo. Đến gần gã mới biết vì sao bàn này lại được hoan nghênh như vậy. Nguyên lai trong các ghế ngồi có một nữ đổ khách thiên kiều bá mỵ. Làm cái cũng là một nữ tử trẻ tuổi xinh đẹp, nhưng so sánh với nàng thì ảm đạm thất sắc, như ngôi sao nhỏ sánh với mặt trăng vậy.
Mỹ nữ đó như hoa, như ngọc, kiều diễm bức nhân, so với Hồng phu nhân còn đẹp hơn một bậc. Cũng giống như Hồng phu nhân, nàng không phải là phụ nữ nhà lành. Thần thái nàng thật phong lưu, mục quang táo bạo, thủ pháp lấy bài, xếp bài thành thục. Nàng đặt cược rất lớn, thỉnh thoảng lại cười lên như tiếng chuông bạc, góp thêm mấy phần khí thế, khiến cho chiếu bạc càng thêm khẩn trương.
Trừ nữ trang gia (nhà cái), năm vị trí còn lại do bốn thanh niên công tử và một hán tử trung niên mập mạp chiếm giữ. Những người khác chỉ đứng ngoài đặt theo mà thôi.
Mục quang mỹ nữ thỉnh thoảng lại quét qua mặt những vị khách vây quanh một lượt. Khi ánh mắt của nàng nhìn đến Từ Tử Lăng, kẻ vốn cao hơn người khác nửa cái đầu, thì cũng chỉ lướt qua gã, sau đó không để ý nữa.
Từ Tử Lăng nhìn vào đống phỉnh của nàng, biết nàng đã thắng rất nhiều. Lại nhìn nữ tử làm cái trán toát mồ hôi lạnh, cũng biết thị đã thua tới mức hoảng hồn rồi.
Phát bài.
Nhà cái dùng thủ thuật đẹp mắt đem những quân bài cửu xếp lại, cứ hai quân một tổ, tiếp đó lại đổ xúc xắc quyết định xem ai bốc bài đầu tiên.
Bài cửu gồm ba loại đổ pháp là Chính, Đại và Tiểu. Chính bài cửu dành cho từ hai đến bốn người chơi, mỗi người bốc sáu quân bài, nhà cái bốc bảy quân và được đánh đầu tiên. Sau khi đánh ra thì các khách chơi ở các vị trí khác lần lượt theo thứ tự mò bài, xuất bài, lấy bài, chỉ cần trong tay các quân bài đều thành đôi có màu sắc điểm số giống nhau và thêm một con bài lẻ thì có thể hô lên một tiếng “tới”, rồi lật bài đắc thắng.
Đại bài cửu thì bốn quân bài là một tổ, lại chia thành hai cặp để định thắng thua bằng cách xếp thành đôi, hay dựa vào điểm số. Đôi thì xếp theo thứ tự Thiên, Địa, Nhân và Văn Tử, Vũ Tử.
Tiểu bài cửu là thường thấy nhất ở các đổ trường vì nhiều người có thể đánh cùng một lúc. Khi chơi chỉ chia hai quân bài thành một tổ mà định thắng thua, cách tính giống Đại bài cửu chỉ là thiếu đi một cặp mà thôi.
Lúc bấy giờ trên bàn đang đánh Đại bài cửu, mỗi người trên tay cầm bốn quân bài.
Lần này mỹ nữ đó dường như không bốc được bài tốt, chỉ thấy nàng nhìn một cái lập tức chân mày chau lại, thần tình vẫn mỹ lệ khả ái, tràn đầy vẻ phong tình khiến người say mê.
Nàng đột nhiên cười rộ lên một tràng, thân hình rung động như cành đào trước gió, khiến chúng nhân ngẩn ra mà nhìn, ý loạn tình mê. Ngọc thủ lật qua, bốn quân bài đều ngửa lên. Thì ra là một đôi nhân ngũ và một đôi nhân lục.
Đến phiên nhà cái lật bài thì các con bạc thẩy đều hoan hô. Nguyên lai bài của nhà cái không có đôi nào, toàn quân thua sạch.
Từ Tử Lăng thầm nghĩ, nếu muốn hiển lộ bản lĩnh thì lúc này cần đứng ra làm cái. Thế nhưng cách làm phô trương như vậy không thích hợp với thân phận con bạc mà gã đang đóng giả. Gã bèn bỏ sang bàn khác.
Bàn này đang đánh Tiểu bài cửu. Nhà cái thật cứng tay, những kẻ thua bạc nổi cáu rời bàn không ngớt. Từ Tử Lăng nhân cơ hội ngồi vào, trước sau thua hai ván, mất hơn hai mươi lượng.
Đến ván thứ ba, gã đặt năm trăm lượng, lập tức người người trố mắt. Nữ trang gia cũng trở nên khẩn trương. Ra tay đặt cược nặng như vậy, dù là ở đổ trường lớn tại Trường An cũng hiếm thấy.
Sau khi quan sát ba ván, Từ Tử Lăng y theo bí pháp mà Lôi Cửu Chỉ truyền thụ, dựa vào trí nhớ hơn người, mục quang sắc bén gấp bội so với người thường và thủ pháp đặc biệt, bất luận nhà cái xào bài thế nào gã cũng có thể truy tung nhìn ra vị trí của một số quân bài chủ yếu. Chỉ cần có thể tác động đến điểm số của xúc xắc thì gã đã có đến bảy, tám phần thắng.
Chính tại thời điểm đó, gã cảm nhận được tia mắt sắc bén đang nhìn về phía mình của một hán tử trung niên thấp bé. Chỉ cần trông qua bộ dạng nữ tử làm cái đưa mắt liếc hắn tựa như muốn thỉnh thị ý kiến thì biết hắn là người của đổ trường.
Nam nhân vây quanh bàn đột nhiên nhốn nháo cả lên. Thì ra mỹ nữ kiều diễm kia cũng chen qua xem nhiệt náo. Có thêm mỹ nhân đầy vẻ sinh động hoạt bát đứng xem, không khí lập tức đổi khác.
Mục quang mỹ nữ quét qua đống phỉnh đặt cược, sau đó di chuyển đến gương mặt gã. Từ Tử Lăng lại cố tình không để ý đến nàng, bộ dạng như không hề hứng thú với sự có mặt của nàng.
Nữ trang gia vung nhẹ tay, ba con xúc xắc rơi xuống chiếc khay bằng đồng, trước tiên chuyển động rất nhanh, sau đó từ từ chậm lại, biến thành tự xoay tròn.
Từ Tử Lăng tống ra một cỗ Trường Sinh chân khí, xuất phát từ huyệt Dũng Tuyền dưới chân, chạy dọc theo chân bàn đến tận chiếc khay. Dưới gầm trời này, kẻ có chân khí thâm hậu hơn gã không phải không có. Thế nhưng, có thể khống chế chân khí đến cảnh giới người nghe phải kinh hãi như vậy, chỉ e mình Khấu Trọng là so sánh nổi với gã. Trừ phi có đại hành gia đứng cạnh; nếu không, không ai có thể biết được gã đã ngầm động thủ cước bên trong.
Xúc sắc cuối cùng cũng dừng lại.
Nhà cái y theo điểm số phát bài.
Song mục Từ Tử Lăng xạ ra thần quang lãnh khốc nhìn vào đôi bài trước mặt. Gã không cầm bài lên xem, cũng không như những con bạc khác, đưa tay lên mặt bàn, “nặn” từng con bài mà xem. Gã tựa hồ như đã nhìn xuyên qua con bài mà biết thật hư.
Nhà cái hiển nhiên đã lấy được bài lớn, phấn chấn tinh thần hô lên:
-Mở bài!
Chúng đổ khách lần lượt mở bài, đều là những đôi bài nhỏ như Địa bát, Nhân lục, Hồng tứ, đều bị đôi Thiên bát của nhà cái ăn hết.
Khi ánh mắt mọi người đổ dồn vào người Từ Tử Lăng, gã ung dung lật bài. Chúng nhân hết thảy đều kinh hãi la lên. Nguyên lai đó là một đôi Chí Tôn. Theo lệ thì nhà cái phải đền gấp đôi.
Trang gia đưa mắt nhìn hán tử trung niên đó cầu trợ, người đó nhỏ giọng nói:
-Đền đi!
Nói xong quay đầu bỏ đi mất.
Từ Tử Lăng đang thu số phỉnh ăn được thì vị mỹ nữ đó hắng giọng nói:
-Ván sau để ta làm cái.
Trang gia như được hoàng ân đại xá, lập tức nhường chỗ. Nếu do khách nhân làm cái, đổ trường chỉ thu đầu phí, đặt cược càng lớn tiền thu càng nhiều
Từ Tử Lăng bỗng vươn người đứng dậy. Mỹ nữ vừa ngồi vào ghế làm cái ngạc nhiên nói:
-Không đánh nữa sao?
Từ Tử Lăng nhìn thẳng vào mắt nàng mỉm cười lắc đầu, không nói tiếng nào, bỏ đi. Chúng nhân đồng loạt la lối.
Mỹ nữ hạ giọng mắng:
-Đồ nhát gan!
Từ Tử Lăng dửng dưng đem phỉnh đổi tiền rồi rời khỏi đỗ trường. Gã vừa bước qua ngưỡng cửa của đại sảnh đường thì một đại hán bước đến cung kính nói:
-Vị đại gia này, công tử nhà tôi muốn mời người qua nói vài câu.
Từ Tử Lăng cảm thấy ngạc nhiên, nhìn theo hướng hắn chỉ. Chỉ thấy trên khoảng sân rộng trước cửa đổ trường có một cỗ xe ngựa. Rèm che cửa sổ trên xe được kéo lên, để lộ dung mạo người ngồi bên trong.
Toàn thân Từ Tử Lăng chợt run nhẹ. Gã thở ra một hơi, ngoan ngoãn bước qua, nhẹ giọng nói:
-Công chúa mạnh giỏi! Đã lâu không gặp.
Người ngồi trong xe chính là Đông minh công chúa Đơn Uyển Tinh đang cải nam trang. Nàng trầm giọng nói:
-Ngươi đừng nghĩ đến việc giữa đường giữa xá xuất thủ đánh người. Mau lên xe cho ta.
*
Khấu Trọng vừa tra hồ sơ vừa thuận miệng hỏi thăm hai vị “trợ thủ”.
Bọn họ là người Lưu Chánh Hội phân phó theo giúp Khấu Trọng. Biết Khấu Trọng là đại hồng nhân, được Hoàng thượng và Quý phi xem trọng nên họ không hề cố kỵ điều gì. Khấu Trọng đã hỏi đến, dù là chuyện cũ của Tùy triều, họ cũng biết đến đâu nói hết đến đó. Khấu Trọng nhờ đó tiến thêm một bước trong việc tìm hiểu tình hình lúc Dương Tố còn sống.
Tùy Văn Đế Dương Kiên là một vị đế quân khai quốc có tài năng phi thường, thủ đoạn chính trị cao minh và chiến tích huy hoàng. Thế nhưng ông lại có một khuyết điểm nghiêm trọng, chính là quá đa nghi.
Không biết phải vì sợ người khác thi triển lại kế sách đoạt quốc của ông ta hay không mà các đại thần khai quốc đều bị tội, không được thiện chung. Các công thần như Lưu Phong, Trịnh Dịch, Lương Sĩ Ngạn đều lần lượt bị tru diệt.
Dương Kiên lại hỉ nộ vô thường, thủ đoạn nghiêm khắc, thế nên quần thần gần vua như gần hổ, lúc nào cũng run rẩy sợ sệt, không ngày nào yên thân.
Dương Tố là một trong một số ít các đại thần Tùy triều có được kết cục tốt. Lão toàn lực phù trợ Dương Quảng, phế thái tử Dương Dũng, đăng lên đế vị. Bên trong, có khả năng lão đã sách động Dương Quảng độc chết phụ hoàng Dương Kiên. Đây cũng chính là thủ đoạn tự giữ mạng của lão ta.
Vấn đề ở đây là nếu bảo khố của Dương Tố được Lỗ Diệu Tử sách hoạch kiến lập khi Dương Kiên còn tại vị thì việc này phải vô cùng thần bí để tránh tai mắt của Dương Kiên.
Trong tình huống đó, Dương Tố nhất định không khởi công đào bí đạo xây bảo khố trong các trạch viện mà mình làm chủ. Nếu chẳng may Dương Kiên phát giác, Dương Tố miệng lưỡi thế nào cũng không biện bạch được.
Khấu Trọng dám khẳng định Dương Tố chỉ kiến tạo bảo khố ở những nơi bề ngoài không liên quan gì đến lão.
Dương Kiên hạ lệnh cho Vũ Văn Khải vào năm Khai Hoàng thứ hai khởi công xây thành mới. Chưa đầy hai năm thì thiên nhập tân đô, đại xá thiên hạ, từ đó trong thành không ngừng đại hưng thổ mộc, bỏ cũ xây mới, cho tới tận ngày nay.
Theo lý mà nói, việc đào địa đạo chôn bảo khố nhân lúc xây dựng tân thành là dễ qua mắt người đời nhất, vì tình thế khi đó còn rất hỗn loạn. Tuy nhiên, việc Dương Kiên tru sát đại thần đến năm Khai Hoàng thứ sáu mới bắt đầu, từ vụ giết Lưu Phòng. Dương Tố bấy giờ mới phát sinh cảnh giác, nảy ra ý đồ kiến tạo bảo khố. Như vậy thời gian xây dựng bảo khố là trong khoảng mười tám năm, từ Khai Hoàng năm thứ sáu đến Nhân Thọ năm thứ tư, khi Dương Kiên băng hà.
Có khả năng nhất chính là chín năm về sau. Trong giai đoạn này các khai quốc công thần bị tru sát gần hết, Dương Tố không sợ mới là chuyện lạ.
Điều khiến Khấu Trọng đau đầu là trong khoảng thời gian này, các trạch viện được xây dựng ở vùng phụ cận Dược Mã Kiều lên đến hàng trăm. Đó là còn chưa kể những chỗ được sửa sang mở rộng. Không lẽ gã phải đi từng nhà từng hộ bí mật điều tra?
Đang lúc đầu óc rối như tơ vò thì Lưu Chánh Hội thần sắc ngưng trọng quay về, ngồi xuống cạnh gã, không nói tiếng nào.
Khấu Trọng lo lắng hỏi:
-Chuyện gì vậy?
Lưu Chánh Hội trầm giọng hạ lệnh:
-Hai người các ngươi ra ngoài cho ta.
Hai người thấy y sắc mặt cau có liền vội vã lui ra, tiện tay đóng cửa lại.
Khấu Trọng trong lòng thầm kêu “tới rồi”, dò hỏi:
-Phải chăng Hoàng thượng biết ta ở đây?
Lưu Chánh Hội lắc đầu thở dài.
Khấu Trọng an tâm phần nào, lại chuyển sang lo lắng cho y, nói tiếp:
-Có chuyện gì Lưu đại nhân cứ an tâm nói ra. Không chừng ta có thể xin Nương Nương nghĩ biện pháp giúp ngươi.
Lưu Chánh Hội khẽ run lên, lộ ra thần sắc bất ngờ và cảm động:
-Tiên sinh hiểu lầm rồi. Ta không phải vì bản thân mình mà lo lắng.
Khấu Trọng cảm thấy nhẹ người:
-Vậy là được rồi.
Lưu Chánh Hội lại thở dài, vẻ lo buồn không giảm chút nào. Y than:
-Sắp sang năm mới lại phát sinh chuyện này. Thật không đây! Quả là đánh đố người ta mà.
Khấu Trọng cảm thấy vô cùng hiếu kỳ, bèn lấy thoái làm tiến:
-Nếu không tiện thì Lưu đại nhân không cần nói với ta.
Lưu Chánh Hội đáp:
-Đây cũng không phải chuyện bí mật gì. Rất nhanh thôi, tin tức sẽ truyền đi khắp thành Trường An. Lúc hoàng thượng hạ chỉ, Thái tử điện hạ, Tần Vương, Tề Vương và bọn Bùi Tịch, Phong Đức Di, Trần Vạn Phúc đều có mặt ở đó.
Khấu Trọng thiếu chút nữa là đá y một cái để thúc y nói cho nhanh. Gã nôn nóng hỏi:
-Rốt cuộc là có chuyện gì?
Lưu Chánh Hội từng chữ từng chữ chậm rãi nói:
-Hoàng thượng lệnh cho ta phong bế ba cửa Thông Huấn Môn, Thông Minh Môn và Gia Môn.
Khấu Trọng cảm thấy đầu óc mờ mịt:
-Hoàng Thượng muốn phong bế tam môn, chỉ là chuyện nhỏ thôi mà!
Lưu Chánh Hội đáp:
-Tam môn này không phải là ba cửa thường. Thông Huấn Môn chính là thông đạo duy nhất nối Đông cung và Thái Cực cung. Gia Môn và Thông Minh môn nối Dịch đình và Thái Cực cung. Thái tử điện hạ sau này muốn đến Thái Cực Cung thì chỉ có thể từ Thừa Thiên Môn hoặc Huyền Vũ Môn nhập cung.
Giả như Từ Tử Lăng ở đây, gã nhất định sẽ hiểu được dụng ý của Lý Uyên chính là hạn chế số thông đạo ra vào chỉ còn hai cửa lớn, nhằm bảo đảm cho việc an toàn và phòng thủ trở nên vững chắc hơn.
Khấu Trọng nhất thời vẫn chưa hiểu được động cơ của Lý Uyên, ngẩn ra hỏi:
-Hoàng Thượng muốn tăng cường khống chế với các thông đạo ra vào tự nhiên có đạo lý của người. Lưu đại nhân sao lại lo lắng như vậy?
Lưu Chánh Hội cười khổ đáp:
-Sự thật chuyện này không thể kể cho tiên sinh được.
Khấu Trọng nhỏ giọng:
-Tiểu nhân đã nghe qua việc tranh đấu của Thái tử điện hạ và Tần Vương, thế nên không có vấn đề gì gọi là nên biết hoặc không nên biết cả.
Lưu Chánh Hội lại cười khổ:
-Hành động này của Hoàng Thượng thật khiến người cảm thấy như lửa cháy ngang mày vậy. Lúc hoàng thượng ban lệnh, không ai dám nói câu nào cả. Hiện tại, xin thứ cho tiểu đệ thất bồi. Tiểu đệ phải lập tức đi an bài mọi việc, nếu không sau Tết sẽ không kịp phụng mệnh. Tiên sinh xin lượng thứ.
Khấu Trọng bỏ các tư liệu đã sao chép vào trong bọc, vươn người đứng dậy nói:
-Lưu đại nhân không cần tiễn, ta đây như ngựa già đã quen đường, tự biết làm sao rời khỏi.
Lưu Chánh Hội tỏ vẻ bối rối đáp:
-Đợi tiểu đệ làm xong việc mà Hoàng Thượng giao phó, sẽ lại cùng tiên sinh uống rượu, bàn luận chuyện phát triển kiến trúc cổ kim.
Khấu Trọng trong lòng thầm nghĩ “không cần đâu”, rồi vội vã bỏ đi.
Mưa tuyết vẫn rơi mãi chưa tạnh. Nhiệt tình và hy vọng tầm bảo của Khấu Trọng cũng tựa như băng tuyết lạnh thấu xương. Thật chẳng còn chút tín tâm và cũng chẳng có biện pháp khả thi nào.
(Hết hồi 391)
-----------------------------------------
Nếu các bằng hữu muốn góp ý gì về bản dịch này, xin vui lòng gửi ý kiến vào đây. Tại hạ xin thay mặt Nhóm DDSL gửi lời cảm ơn quý vị đã giúp chúng tôi hoàn thiện hơn nữa bản dịch!
Nguồn:
www.tangthuvien.com < Sửa đổi: hoanghac -- 12/19/2007 4:54:15 AM >
(trả lời: hoanghac)
Bài số: 201
hoanghac
Cao Ốc
Bài: 4071
Hồi 392
Quyển 32 Chương 9
Trực trần kì sự
Người dịch: lht
Biên tập: DaMaN
Khấu Trọng cùng Thường Hà cưỡi ngựa đi về hướng Hoàng cung. Thường Hà thuận miệng hỏi:
-Tối qua huynh ngủ ngon giấc không?
Khấu Trọng thầm nghĩ trong lòng, tối qua không phải là ngủ không ngon, mà căn bản không ngủ chút nào. Gã khẽ thở dài đáp:
-Cũng tạm được! Ta đã hẹn với Lưu thượng thư, sau khi trị bệnh cho Nương Nương sẽ đến công bộ tìm ông ta. Lại phải nhờ Thường đại nhân dẫn đường rồi.
Thường Hà nói:
-Sao Mạc huynh cứ trước đại nhân, sau đại nhân mãi. Ta và huynh tuy biết nhau không lâu, thế nhưng ta đã coi huynh là hảo bằng hữu, can đảm tương chiếu. Nếu huynh thích, cứ gọi ta lão Hà là được rồi.
Khấu Trọng cười:
-Chi bằng kêu là Thường huynh cho dễ nghe. Kỳ thật bệnh của Nương Nương khỏi rồi! Hôm nay chỉ là theo lệ đến báo cho Nương Nương biết bệnh đã không còn. Sau này bọn ta cũng có thể dậy muộn một chút.
Thường Hà cũng cười:
-Ta cảm thấy việc sáng sớm đưa huynh vào cung thế này là một lạc thú trước nay chưa từng có. Vừa khẩn trương, vừa kích thích, giống như đánh bạc vậy, chưa mở bài thì chưa biết thắng thua. Giả như huynh trị không nổi bệnh của Nương Nương, ta sau này cũng không có những ngày tốt đẹp. Phong Đức Di đại nhân đã nói với ta, sang năm sẽ cho ta giữ chức chánh đồn tướng quân của Huyền Vũ Môn. Tranh chức vị này ít nhất cũng mười mấy người, Tần Vương và Tề Vương đều muốn đưa người của mình vào. Ta đúng ra không có nhiều hy vọng. Toàn là nhờ huynh trị khỏi bệnh cho Nương Nương, tiểu đệ mới có cơ hội tốt như vậy.
Khấu Trọng vui vẻ chúc mừng:
-Cung hỷ Thường huynh, vị trí này trọng yếu lắm sao?
Thường Hà đáp:
-Đương nhiên trọng yếu rồi. Tổng vệ bộ của kinh thành chính là ở Huyền Vũ Môn. Đây là nơi trọng quân trú đóng lâu dài, do đích thân Hoàng Thượng chỉ huy. Có bốn chánh đồn tướng quân và tám phó đồn tướng quân, chia ra thay phiên nhau điều hành, phụ trách phòng vệ Cung thành. Nhạc phụ đã vì ta dùng rất nhiều tiền, ta mới có cơ hội làm đến phó đồn tướng quân. Chánh đồn tướng quân phải cho chính Hoàng Thượng chỉ định, muốn dùng tiền cũng không được.
Khấu Trọng thầm nghĩ Thường Hà quả thật đã xem gã là hảo bằng hữu tâm giao, nếu không, y tuyệt đối không đem chuyện bí mật như vậy nói ra.
Lúc đó, hai người đã tới Chu Tước đại môn, hai bên treo đèn kết hoa, tràn đầy không khí năm hết tết đến.
Hai người không nói chuyện nữa. Đến cửa cung Thái Cực thì xuống ngựa đi bộ, tới bái kiến Trương Tiệp Dư.
Trương Tiệp Dư tiếp kiến Khấu Trọng tại nội sảnh. Thường Hà lưu lại khách phòng chờ gã.
Chỉ thấy vị mỹ nhân được Lý Uyên sủng ái này, tinh thần phấn chấn, khuôn mặt kiều diễm, tươi sáng, không có nửa vẻ gì là bệnh hoạn cả. Khấu Trọng bất giác cũng cảm thấy tự hào.
Thái giám và cung nữ đứng hai bên thị hầu.
Khấu Trọng bắt mạch cho Trương Tiệp Dư xong vô cùng đắc ý, thu tay lại cung kính nói:
-Chúc mừng Nương Nương, bệnh căn đã trừ, không cần châm cứu hay dùng thuốc gì nữa!
Trương Tiệp Dư vui mừng nói:
-Ta lần này khỏi bệnh, đều là nhờ tiên sinh diệu thủ hồi xuân. Hoàng thượng nhất định sẽ ban thưởng hậu hĩnh.
Trịnh công công đứng một bên nịnh nọt xen vào:
-Mạc tiên sinh có thể viết ra phương thuốc để Nương Nương tẩm bổ sau cơn bệnh, sớm phục hồi nguyên khí không?
Khấu Trọng mắng thầm trong bụng, thế này không phải là muốn gã mất mặt tại đương trường sao. Cũng may, gã tối qua học được tuyệt chiêu của Vi Chánh Hưng, bèn ung dung đáp:
-Bổ quá cũng không tốt. Hiện tại Nương Nương dung quang tươi tắn, mạch khí trung hòa, không thích hợp dùng bất cứ loại bổ dược nào cả. Trịnh công công minh giám.
Trịnh công công vỗ mông ngựa không xong, biến thành vỗ phải chân ngựa, cảm thấy bối rối, đành ho khan một tiếng:
-Đương nhiên là nghe theo chẩn đoán chính xác của tiên sinh
Trương Tiệp Dư đột nhiên hạ lệnh:
-Các người hãy lui ra cho ta. Ta có vài lời muốn nói cùng Mạc tiên sinh.
Bọn Trịnh công công không ai không ngạc nhiên, chỉ đành theo lời lui ra.
Khấu Trọng kêu thầm “tới rồi”. Quả nhiên khi nội sảnh chỉ còn hai người, vị sủng phi thiên kiều bá mỵ của hoàng đế Đại Đường nhỏ giọng hỏi:
-Tiên sinh xin cứ yên tâm nói thẳng ra, mọi sự đều có ai gia đảm đương. Lần này ta đột nhiên mắc phải quái bệnh, phải chăng có người ngầm hạ độc thủ?
Khấu Trọng thầm chửi Lý Kiến Thành đã đưa gã vào trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu câu trả lời của gã là khẳng định thì sẽ đắc tội với Lý Thế Dân, nhược bằng, nếu nói không phải lại sẽ đắc tội cùng Lý Kiến Thành.
Gã đáp sao cho tốt đây?
*
Từ Tử Lăng rửa qua mặt và chải tóc xong, trong lòng do dự nên chăng lập tức nhập cung gặp Lý Uyên. Lại nghĩ, như vậy không phù hợp với quan hệ ân oán nhằng nhịt giữa Nhạc Sơn và Lý Uyên, cũng không giống tính cách cô độc và tác phong độc hành, độc đoán, nhất quyết theo ý mình của Nhạc Sơn.
Đang cảm thấy nhức đầu thì bên ngoài phòng có tiếng người cất lên:
-Nhạc tiền bối ở trong không? Vãn bối Tần Xuyên cầu kiến.
Thân hình Từ Tử Lăng chợt run lên, một cảm giác khó hình dung xốc thẳng lên não bộ. Toàn thân gã chìm đắm trong cảm xúc kỳ dị mà bản thân gã cũng không hiểu rõ. Gã đưa tay mở cửa phòng.
Sư Phi Huyên, mình mặc nam trang, thần thái dạng phiêu dật, nhàn nhã động lòng người, đi sát qua người gã tiến vào trong phòng. Nàng nở nụ cười hàm tiếu:
-Căn phòng này đúng là hoa lệ nhất thành Trường An, có ngoại sảnh, có nội tẩm, cả hai đều rộng rãi thoải mái, lại cách xa phòng của các khách nhân khác. Ai có thể ngờ Nhạc tiền bối ở Trường An lại được đón tiếp trọng hậu như vậy!
Từ Tử Lăng đóng cửa phòng lại, hít sâu một hơi chân khí, trấn áp các loại cảm xúc không tên cứ trào lên như sóng trong lòng. Gã điềm đạm hỏi:
-Sư tiểu thư đến từ khi nào vậy?
Sư Phi Huyên mềm mại xoay người, ngưng thần nhìn bộ dạng giả Nhạc Sơn của gã, rồi than:
-Huynh có thể lừa Chúc Ngọc Nghiên, ta không cảm thấy kỳ quái, nhưng huynh làm sao gạt được cả Lý Uyên?
Trong lòng Từ Tử Lăng chợt nảy ý tinh nghịch, bèn giả ra thần thái của Nhạc Sơn nghênh ngang ngồi xuống ghế, chỉ chỉ vào chiếc ghế bên kia kỷ trà, từ từ nói:
- Phi Huyên mời ngồi. Lão phu lần này tái xuất giang hồ, căn bản chẳng có chuyện gì phải gạt người cả.
Sư Phi Huyên nhìn đến ngẩn người, thần tình toát ra vẻ khó hiểu hiếm thấy mê hoặc lòng người. Nàng y lời, bước đến, ngồi xuống bên phải gã.
Từ Tử Lăng dùng ngữ điệu và biểu tình của Nhạc Sơn, tiếp tục nói:
-Nhạc mỗ đến Trường An không phải vì Lý Uyên, mà là vì tên gian tặc vạn ác bất xá Thạch Chi Hiên. Nếu không phải hắn, Tú Tâm sao lại đi sớm hơn lão phu một bước chứ.
Sư Phi Huyên khẽ cúi đầu:
-Phi Huyên hiểu rồi! Bất quá người ta thích thần thái nguyên bản của huynh hơn.
Từ Tử Lăng trong lòng chấn động, đưa mắt nhìn nàng.
Sư Phi Huyên tỏ vẻ dường như đã nói ra những lời không đáng nói, thần tình tự nhiên trở lại, nghênh đón mục quang của gã, mỉm cười tiếp lời:
-Hảo huynh đệ của huynh ở đâu?
Từ Tử Lăng cảm thấy khó mà dối gạt nàng, bèn thản nhiên đáp:
-Hắn hiện đang là thần y, tế thế cứu dân mát tay nhất thành Trường An.
Sư Phi Huyên kinh ngạc:
-Hắn học y thuật lúc nào, bệnh ngay cả “Hoạt Hoa Đà” Vi Chánh Hưng cũng không chữa nổi, sao tới tay hắn là thuốc đến bệnh trừ?
Từ Tử Lăng lấy làm lạ hỏi lại:
-Sư tiểu thư đến Trường An được bao lâu rồi?
Sư Phi Huyên giải thích:
-Ta mới đến tối qua. Đã gặp Tần Vương, cùng y đàm đạo cả gần một thời thần, huynh và Mạc thần y đều được y đề cập tới.
Từ Tử Lăng thở dài:
-Khấu Trọng không hiểu y thuật. Hắn chỉ cầu may, dùng thuật châm cứu và chân khí “Trường Sinh Quyết” trị khỏi bệnh cho Sa Thiên Nam, rồi bị đặt lên thớt, biến thành thần y. Còn chuyện hắn trị được quái bệnh của Trương Tiệp Dư thì còn có ẩn tình khác, khó mà nói hết ngay. Thật ra, Sư tiểu thư đến rất kịp lúc. Ta có một chuyện cần thỉnh giáo.
Sư Phi Huyên gật đầu, tỏ ý xin cứ nói thẳng ra.
Từ Tử Lăng hỏi:
-Giả như Loan Loan đoạt được Tà Đế Xá Lợi thì có hậu quả gì?
Sư Phi Huyên thần thái bình tĩnh trả lời:
-Chỉ sợ Hướng Vũ Điền phục sinh cũng không giải đáp được vấn đề này của huynh. Thậm chí là hung hay cát cũng khó mà dự liệu.
Sau một lúc, nàng chau mày hỏi:
-Hai người bị nàng ta phát hiện rồi ư?
Từ Tử Lăng bội phục đáp:
-Tiểu thư đoán thật đúng, là Khấu Trọng bị ả nhìn ra. Hiện tại ả đang đe dọa bọn ta, sau khi tìm được bảo tàng phải giao Tà Đế Xá Lợi cho ả.
Sư Phi Huyên điềm đạm nói:
-Hai người tính xử lý việc này ra sao?
Từ Tử Lăng đáp:
-Khấu Trọng đề nghị lập tức bỏ đi, chờ thêm một khoảng thời gian rồi quay lại. Thế nhưng ta phản đối hắn làm vậy.
Sư Phi Huyên lấy làm lạ:
-Tử Lăng huynh vì sao lại phản đối?
Từ Tử Lăng cười khổ đáp:
-Chuyện này có phân chia nặng nhẹ, gấp hay không gấp. So với việc phát sinh thảm biến, Tà Đế Xá Lợi trở thành không đáng nói tới.
Sư Phi Huyên động dung:
-Phi Huyên muốn hiểu cho tận tường.
*
Khấu Trọng trầm ngâm giây lát, rồi hỏi ngược lại:
-Nương Nương sao lại nghi ngờ như vậy?
Trương Tiệp Dư mắt phượng lóe lên một tia nhìn giận dữ, trầm giọng nói:
-Quái bệnh này của ta tự dưng mắc phải không rõ nguyên do. Dẫu không có người đề tỉnh ta cũng phải truy xét tận gốc tận ngọn.
Khấu Trọng trong lòng thầm quyết định đáp:
-Tiểu nhân không dám khẳng định Nương Nương có phải bị người hạ độc hay không. Thế nhưng, khả năng này có thể tồn tại.
Thân hình Trương Tiệp Dư chấn động:
-Tiên sinh sao lại không dám khẳng định chứ? Kiến Thành Thái tử đã đem dược phương mà tiên sinh viết ra cho nhiều danh gia ở Trường An tham tường. Họ đều nhận ra phương thuốc đó chủ yếu là để giải độc, nhưng phương pháp phối hợp không theo quy tắc thông thường, nên mới không dám khẳng định.
Khấu Trọng lại chửi thầm Lý Kiến Thành một chặp. Gã cười khổ:
-Nương Nương minh giám! Thái tử điện hạ cũng đã từng nhiều lần tra vấn tiểu nhân về việc này. Ài! Nương Nương có thể giúp tiểu nhân một chuyện được không? Nếu không chỉ e tiểu nhân đêm nay phải khẩn cấp bỏ hết mọi việc trốn khỏi Trường An.
Trương Tiệp Dư không vui đáp:
-Tiên sinh là ân nhân cứu mạng của ta. Ai dám ức hiếp ngươi, cứ nói ra để ta bẩm báo Hoàng thượng.
Khấu Trọng giả bộ kinh hãi:
- Vạn vạn lần không thể. Nếu không, tiểu nhân lại càng khó mà làm người.
Trương Tiệp Dư hơi giận cất tiếng:
-Tiên sinh có gì cứ nói thẳng với ta, không cần cố kỵ, đừng nên ấp a ấp úng, muốn nói lại thôi như vậy.
Khấu Trọng nhỏ giọng:
-Tiểu nhân tuy là cao thủ trị bệnh, nhưng đối với dùng độc lại không phải đại hành gia. Vốn chỉ y theo bốn đại pháp của y đạo là “Vọng, Văn Vấn, Thiết” mà thi châm, bốc thuốc đó thôi. Thế nên đối với việc Nương Nương có phải bị hạ độc hay không thật không dám nói bừa. Ài! Thế nhưng Thái tử điện hạ tựa hồ khẳng định chuyện này là vậy. Nếu như tiểu nhân… Ài! Tiểu nhân cứ bỏ trốn đã rồi tính tiếp!
Trương Tiệp Dư hiểu rõ nguyên nhân bèn an ủi:
-Tiên sinh vạn lần đừng nói chuyện bỏ đi. Ta đã hiểu được chỗ khó xử của tiên sinh, đương nhiên biết phải làm sao bẩm tấu với Hoàng Thượng.
Khấu Trọng hoàn toàn không đỡ lo chút nào. Gã biết rằng Trương Tiệp Dư và Lý Kiến Thành chắc chắn sẽ liên thủ vu oan cho Lý Thế Dân. Bất quá, chuyện này gã không quản được, cũng không đến phiên gã đi quản.
Gã cũng không còn lời gì để nói, bèn thừa cơ cáo lui.
*
Sư Phi Huyên lộ ra thần sắc ngưng trọng trước nay chưa từng có, gật đầu nói:
-Tử Lăng huynh nói rất đúng. So ra, Tà Đế Xá Lợi quả là việc không đáng nhắc đến. Nếu âm mưu của Thạch Chi Hiên và Triệu Đức Ngôn thành công, thiên hạ không những khó được thống nhất mà tình cảnh ngoại di xâm nhập năm xưa sẽ tái diễn.
Từ Tử Lăng tiếp tục:
-Hiện tại nhân vật quan trọng nhất chính là Dương Văn Can. Ta hy vọng có thể thu thập được tư liệu có liên quan đến hắn, đặc biệt là những hành động của hắn trong thời gian gần đây. Sư tiểu thư có thể giúp đỡ ta về mặt này không?
Đôi mắt sáng của Sư Phi Huyên ánh lên tia nhìn thâm thúy đầy trí tuệ khiến người si mê. Nàng điềm nhiên đáp:
-Hai người luôn khiến cho người ta bất ngờ, vừa đến kinh sư đã khám phá ra âm mưu động trời của Thạch Chi Hiên. Bất quá như vậy là giúp đỡ Lý Thế Dân, Khấu Trọng có đồng ý không?
Từ Tử Lăng mỉm cười:
-Mọi việc nên lấy nghĩa làm trọng. Khấu Trọng tuyệt đối không tính toán là giúp đỡ ai.
Sư Phi Huyên hỏi:
-Hai người vẫn muốn đào bảo tàng lên sao?
Từ Tử Lăng cười khổ:
-Việc ta đã hứa với Khấu Trọng, nhất định sẽ tận tâm tận lực vì y làm cho bằng được. Nói thẳng ra, Khấu Trọng tuy có lòng tin vững vàng nhưng ta cảm thấy cơ hội tìm được bảo khố vô cùng mong manh.
Sư Phi Huyên duyên dáng đứng lên, đôi mắt đẹp nhìn ra bầu trời u ám ngoài cửa sổ, nhẹ nhàng nói:
- Sắp có tuyết rơi rồi!
Từ Tử Lăng cũng đứng lên cùng nàng, nói khẽ:
-Làm sao liên lạc với nàng được đây?
Sư Phi Huyên quay đầu nhìn gã nhỏ nhẹ:
- Phi Huyên tạm thời trú tại Ngọc Hạc Am bên cạnh Đông Đại Tự. Chỉ cần huynh nói bốn chữ “Phật tổ từ bi”, sư phụ trong miếu sẽ biết là huynh đến tìm ta. Nếu như ta không có ở đó, mọi chuyện huynh đều có thể nói với trụ trì Thường Thiện sư thái.
Trong lòng Từ Tử Lăng bỗng trào lên một cảm giác kỳ lạ, tựa như nàng đã nhận lời ước hẹn của gã, bất cứ khi nào gã muốn đều có thể đi tìm nàng. Đương nhiên đây chỉ là một loại ảo giác mà thôi.
Sư Phi Huyên đang đi về hướng cửa phòng, đột nhiên dừng bước, cười hỏi:
- Sao người ta biết huynh trở thành mục tiêu truy sát trước mắt của Thạch Chi Hiên lại không hề lo lắng gì cho huynh vậy nhỉ?
Từ Tử Lăng bước đến gần cửa đáp:
-Nói thẳng ra, đối phó với Thạch Chi Hiên, tiểu đệ chỉ có nước liều mạng, tuyệt không phải đối thủ của hắn. Vì vậy ta sẽ không để cho hắn có thêm cơ hội giết ta đâu.
Sư Phi Huyên mỉm cười:
-Đây chính là lý do mà người ta không cảm thấy lo lắng cho huynh. Xin hỏi Tử Lăng huynh lúc không giả làm Nhạc Sơn thì có thân phận gì?
Từ Tử Lăng do dự một lát, rồi đáp một cách khó khăn:
-Ta sẽ biến thành một gã kêu bằng Ung Tần, một tên nghiện cờ bạc.
Sư Phi Huyên lẩm nhẩm hai chữ “Ung Tần” (ghi chú: “ung” còn có nghĩa là “hòa hợp”), đột nhiên nhớ ra mình lúc giả trai lấy tên là “Tần Xuyên”, mặt hoa chợt ửng hồng, ra vẻ giận dỗi liếc gã một cái.
Gương mặt thật của Từ Tử Lăng dưới lớp mặt nạ đã sớm đỏ lên rồi. Gã thật muốn giải thích cho nàng biết đó chỉ là do Lôi Cửu Chỉ tình cờ nghĩ ra hai chữ “ung tần”, vừa khéo đối lại hai chữ “hộ tý”, nên bảo gã dùng làm tên. Thế nhưng gã biết loại hiểu lầm này càng giải thích thì càng rối rắm, nên chỉ còn nước đứng yên chịu trận.
Nhãn thần Sư Phi Huyên đột nhiên biến thành phức tạp, tựa hồ hàm chứa vô số tình cảm ẩn giấu sâu trong tâm khảm. Nàng khe khẽ thở dài, nhỏ giọng:
-Huynh hãy nhớ cẩn thận một chút nhé!
Từ Tử Lăng mở cửa phòng, nhìn theo bóng nàng từ từ rời xa cho đến khi khuất hẳn ở đầu hành lang bên kia.
Tuyết bắt đầu rơi lác đác!
Khi gã đang định đóng cửa phòng, trong tâm chợt động, bèn chắp tay sau lưng, bước ra ngoài hành lang ngắm cảnh mưa tuyết rơi lắc rắc trên đình viên, lòng chợt trở nên mênh mang, mờ mịt.
Mỗi lần gặp Sư Phi Huyên gã đều có cảm giác thời gian qua đặc biệt nhanh, ngay cả cuộc sống cũng vì nàng mà đạt đến cảnh giới cuồng nhiệt nhất. Như vậy có phải là tình cảm nam nữ không? Cho dù câu trả lời là phải đi chăng nữa, gã cũng chỉ là gieo nhầm tình căn, tương lai quyết chẳng có kết quả tốt đẹp gì.
Ngay từ lần đầu gặp mặt tại Thiên Tân Kiều ở thành Lạc Dương, gã đã biết mình vĩnh viễn không quên được nàng.
Trong thời thế loạn lạc, đâu đâu cũng là nếu ta không giết người thì người cũng giết ta, người người đều vì giữ mạng mà lường gạt lẫn nhau, vì lợi ích bất chấp thủ đoạn, bài xích dị kỷ. Sư Phi Huyên tựa như dòng suối trong lành chảy ngoài nhân thế, khiến gã cảm thụ được ý nghĩa chân chính của sinh mệnh.
Có tiếng chân từ phía sau vọng tới.
Từ Tử Lăng đang trầm tư chợt tỉnh lại, trầm giọng:
-Là Tiểu Đao à? Tối qua ta vừa giao thủ với Thạch Chi Hiên.
Lý Uyên mình mặc thường phục, một mình đến gặp Nhạc Sơn, nghe vậy long thân chấn động, thất thanh thốt lên:
-Cái gì?
*
Lưu Chánh Hội vô cùng nhiệt tình, đích thân ra cửa công bộ nghênh tiếp Khấu Trọng. Thường Hà “công thành thân thối”, đem nhiệm vụ tiếp đón Khấu Trọng giao lại cho Lưu Chánh Hội, còn y thì trở về tổng vệ sở ở Huyền Vũ Môn.
Lưu Chánh Hội trước tiên khoản đãi Khấu Trọng ở đại sảnh đường, cùng nhau dùng trà và chút ít điểm tâm, sau đó dẫn gã đến Tông Quyển Thất. Hắn sai người đem quyển đồ trục khổng lồ vẽ lại bố cục toàn thành Trường An cho gã xem, đoạn vui vẻ nói:
-Nhà Tùy lúc mới lập quốc, muốn dùng cố đô Trường An làm đô thành, thế nhưng thành không những không được xây dựng mà còn bị tàn phá quá nhiều nên Dương Kiên quyết định vào năm Khai Hoàng thứ hai, ủy nhiệm Thái tử Tả thứ tử Vũ Văn Khải kiến tạo tân đô.
Khấu Trọng lúc đó đã tìm được vị trí của Dược Mã Kiều trên bản đồ, thuận miệng hỏi:
-Vũ Văn Khải phải chăng là người của Vũ Văn phiệt?
Lưu Chánh Hội đáp:
-Vũ Văn Khải chính là thân thúc của đương kim phiệt chủ Vũ Văn Phiệt.
Lại chỉ vào quyển trục giải thích thêm:
- Vũ Văn Khải dựa theo địa lý hình thế đem tân thành chia làm sáu khu dựa theo sáu hào của quẻ Càn trong “Chu dịch”, theo đó xây Hoàng cung ở vị trí cửu nhị làm nơi ở của Hoàng tộc. Ở vị trí cửu tam lập ra trăm ty, ứng với số các lộ quân. Vị trí cửu ngũ là quý địa, không cho dân thường ở mà bố trí Huyền Đô quan và Hưng Thiện Tự để trấn giữ. Thực chất là muốn khống chế trọng điểm của thành nội, để các kiến trúc trọng yếu nằm ở vùng đất cao.
Khấu Trọng nghe một hồi thành ra nói hai chưa hiểu nổi một, nhưng không thể không bội phục cao kiến và tri thức của Lưu Chánh Hội về lĩnh vực này. Gã bèn hỏi:
-Lúc đó có phải do Dương Kiên đích thân giám sát việc xây dựng không?
Lưu Chánh Hội đáp:
-Danh nghĩa là do Dương Kiên giám sát, thực tế lại giao cho Vũ Văn Khải một mình làm hết. Khi cần vật liệu thì báo qua Dương Tố phê chuẩn.
Khấu Trọng nghe nói tới Dương Tố lập tức hưng phấn tinh thần. Gã thật muốn hỏi trực tiếp Lưu Chánh Hội xem có trạch viện nào vốn là của Dương Tố không, nhưng lại sợ hỏi một cách trắng trợn như vậy sẽ làm Lưu Chánh Hội sinh nghi, chỉ đành đi đường vòng:
- Các kiến trúc khác trong thành nội có phải đều được xây dựng vào lúc kiến lập đô thành không?
Lưu Chánh Hội đáp:
-Được lần lượt xây dựng trong khoảng thời gian hai mươi năm kể từ khi đô thành được kiến lập. Khi Dương Quảng đăng vị, hảo đại hỉ công, bất cứ kiến trúc nào nhìn không vừa mắt là hạ lệnh đập bỏ xây lại, cực kỳ hao tốn tiền của và sức dân.
Khấu Trọng bắt đầu nhận ra nếu muốn tra cứu theo niên đại, thời gian thật không đơn giản, nhất thời bối rối nói:
-Tiểu nhân đối với những kiến trúc bên bờ kênh Vĩnh An, chỗ từ Phúc Tụ Lâu có thể nhìn thấy, rất có hứng thú, Lưu đại nhân có thể giới thiệu sơ qua không?
Lưu Chánh Hội vui vẻ đáp:
-Ta nhất định vì tiên sinh mà bỏ công nghiên cứu một phen. Mời tiên sinh!
Khấu Trọng theo y tiến vào phòng bên, chỉ thấy bốn bề là giá sách cao đến tận nóc nhà chứa đầy thư quyển. Hai nhân viên công bộ cung kính đứng một bên, bộ dạng như chỉ chờ để được thị hầu Khấu Trọng.
Giữa phòng có một chiếc bàn hình chữ nhật, bên trên bày mấy quyển đồ trục.
Lưu Chánh Hội nói:
-Đây là đồ hình của các khu vực bên bờ kênh Vĩnh An. Chỉ là phía bờ đông của Dược Mã Kiều, bao gồm các phường Duyên Khang, Sùng Hiền, Duyên Thọ, Quang Đức, đã có gần vạn mảng kiến trúc. Tiên sinh nhìn trúng trạch viện nào thì có thể bảo bọn họ đem tông quyển đến để xem. Tiểu đệ còn có công vụ phải làm, lát nữa sẽ cùng tiên sinh đến Phúc Tụ Lâu ăn trưa.
Khấu Trọng thầm kêu cha gọi mẹ, lần đầu tiên nghĩ đến từ bỏ việc tìm bảo khố, bởi vì chuyện này thật quá gian khổ.