Chủ nhật nào cũng vậy, Ivan Artemist Brovkin tiếp con gái là Alekxandra và chàng rể đến ăn bữa trưa tại ngôi nhà gạch mới xây ở phố Ilinka. Artemist goá vợ ở vậy. Người con trai cả là Aliosa vắng nhà, bận đi tuyển lính cho các trung đoàn. Theo sắc chỉ mới của Sa hoàng, phải tuyển độ ba mươi trung đoàn tức là ba sư đoàn. Để tiếp tế cho ba sư đoàn đó, một bộ mới đã được thành lập - "bộ lương thực" - do một thiếu tướng quân nhu chỉ huy. Ông tướng nầy không thể moi được lúa mạch cỏ khô, bánh khô và các thực phẩm khác trong đống giấy tờ của bộ. Artemist Brovkin vẫn là người tiếp tế chính, tuy lão chẳng có chức tước gì cả. Công việc kinh doanh của lão phát đạt và nhiều nhà buôn có tiếng đến làm nhân viên cho lão.Lão còn ba người con trai nữa: Yakov phục vụ trong hải quân, ở Voronez; Gavrila du học ở Hà Lan tại các xưởng đóng tàu. Chỉ còn người con út Artamon, đương độ hai mươi mốt tuổi, ở nhà thảo và đọc thư từ giữ sổ sách kế toán cho bố. Artamon nói thông thạo tiếng Đức dịch cho bố những "sách về thương mại và đọc cho bố nghe chơi bộ Sử ký của Pufendorf (1). Ivan Artemist nghe và thở dài: "Lạy Chúa, thế mà chúng ta sống ở tận cùng trời cuối đất, như lợn".Con cái lão, tuổi chỉ hơn nhau một năm, đều thông minh lanh lợi; người con út thực là một thanh vàng nén. Người mẹ, lúc còn sống, đúng là đã nhỏ từng giọt máu, xé tâm hồn ra từng mảnh để cho con cái được sung sướng. Giữa những cơn bão táp mùa đông, bà quay guồng chỉ sẽ sẽ trong túp nhà gỗ ám khói, đôi mắt trông đễ sợ, sâu hoắm như hai cái hốc, trừng trừng nhìn vào que đóm đang cháy dùng thay đèn. Lũ trẻ nằm trên lò thở khò khè; gián bò sột soạt trong các khe, gió rào trên mái tranh như oán trách cuộc sống tàn nhẫn… "Tại sao những đứa con vô tội của ta phải khổ cực? Người mẹ chết đi, không hề biết sung sướng là gì". Thuở ấy, Ivan Artemist không có thì giờ trông nom vợ. Ngày nay tuổi già đã đến, lão luôn luôn nhắc đến vợ. Trước khi nhắm mắt, người vợ năn nỉ: "Ông đừng lấy vợ kế để các con phải chịu cảnh dì ghẻ con chồng". Vì thế lão đã không tục huyền.Nhà Brovkin xếp đặt theo lối ngoại quốc: ngoài ba buồng thông thường - buồng ngủ, phòng đọc kinh và buồng ăn - còn có một buồng thứ tư dùng làm phòng khách: trước giờ ăn, khách không phải ngồi lấy tay áo che miệng ngáp vặt trên ghế dài kê sát tường, mà trên những ghế tựa kiểu Hà Lan đặt ở giữa phòng, quanh một chiếc bàn phủ thảm nhung dài lông. Khách muốn tiêu khiển thì trên bàn đã có những tờ tranh vẽ vui mắt, những quyển lịch có ghi lời sấm truyền, một hộp âm nhạc, bàn cờ, tẩu và thuốc lá. Dọc tường, không kê hòm rương nhét đầy quần áo như ở các nhà quý tộc sống theo lối cũ, mà có những giá và tủ lớn cánh cửa để ngỏ khi có khách, cho ai nấy đều trông thấy những bộ bát đĩa quý giá.Chính tay Alekxandra đã sắp đặt tất cả. Nàng còn săn sóc bố để ông cụ ăn mặc cho chỉnh tề, năng cạo mặt cạo râu và thay tóc giả. Ivan Artemist hiểu rằng về mặt nầy phải nghe con gái. Nhưng thực ra, lão chán.Xét cho cùng, lão chẳng còn ai để mà khoe khoang lên mặt: Chính Sa hoàng cũng thường bắt tay lão. Đôi khi lão cũng muốn vào quán rượu trên bờ sông Varvacka cùng ngồi với đám lái buôn nghe những lời lẽ phóng túng và nói chuyện phiếm. Nhưng, không thể được, thế là không lịch sự. Cứ phải sống chán ngăn ngắt. Ivan Artemist đứng trước cửa sổ nhìn ra. Kia là anh nhân viên của Xvesnikov đương hối hả chạy trên đường phố, cái thằng chó chết ấy. Thằng cha cũng có đầu óc đấy Nhưng, anh bạn ơi, chậm rồi, - sáng hôm nay, bọn ta đã đến từ giờ đầu vét hết sợi gai rồi. Kia là Reviakin, chân mang ủng dạ mới, đang ngoảnh mặt đi không nhìn về phía cửa sổ, - chắc hắn vừa ở Bộ tư pháp ra… Anh bạn ơi, nên rút kinh nghiệm, lần sau đừng sinh sự với Brovkin nữa nhéBuổi tối khi Xanka không có nhà, Ivan Artemist lột bỏ bộ tóc giả, cởi chiếc áo nẹp bằng nhung Tây Ban Nha ra, xuống tầng dưới, ăn bữa tối trong bếp với nhân viên và người làm. Lão ăn súp bắp cải, nói chuyện bông đùa. Điều làm lão thích thú hơn cả là khi có "người làng" đến chơi và vẫn nhớ đến Ivaska Brovkin, anh nông dân nghèo khổ nhất làng. Một nông dân bước vào bếp; trông thấy Ivan Artemist, hắn như chết khiếp luýnh quýnh không biết làm gì: chào cúi rạp đầu xuống đất hay bằng cách nào khác, và không dám ngồi vào bàn. Tất nhiên rồi dần dần hắn cũng nói, cũng trò chuyện và quanh co mãi mới nói lý do vì sao hắn đến.- A, Ivan Artemist ạ, nếu không nghe thấy giọng bác thì chẳng bao giờ tôi nhận ra bác. Ở quê nhà, người làng chỉ nói đến chuyện bác. Bà con nông dân tụ họp nhau, ngồi ở thềm nhà trò chuyện gần xa: ngày xưa chúng tôi vẫn nhớ rõ, bác chỉ có độc một con ngựa, nợ như chúa chổm, nhưng ngay từ thuở ấy bác đã không phải là tay vừa.- Tôi bắt đầu với ba rúp trong tay, ba rúp thôi. Chính thế, bác Konxtantin ạ.Bác nông dân mở to mắt, vẻ nghiêm chỉnh, đầu gật gù:- Thế ra trời có mắt, người ta sinh ra có số cả. Đúng thế. - Rồi hắn nói nhỏ, giọng dịu hẳn xuống - Ivan Artemist, bác còn nhớ Konxtantin Sutov, nhưng bác không nhớ ra tôi. Tôi không phải là Konxtantin… Konxtantin ở trước cửa nhà bác, còn tôi ở quá về phía tay trái. Nhà tôi lụp xụp lắm- Tôi quên mất đấy, tôi quên mất đấy.- Nhà của tôi chẳng ra hồn, - lần nầy giọng bác nông dân thổn thức. - Chỉ ít lâu nữa là sụp đổ. Vừa rồi, chuồng bò đổ, cột kèò mục nát cả, đè chết con bê cái bác ạ… Tôi thực không biết xoay xở ra sao.Ivan Artemist biết mình phải làm gì nhưng lão không nói ngay: "Ngày mai, bác đến gặp nhân viên của tôi. Tôi cho bác nợ đến ngày lễ Cầu thì bác trả tôi".Lão hỏi thăm trong làng ai còn sống và làm ăn ra sao, ai đã chết, ai đã có cháu. Lão nói đùa: "Đợi tôi nhé, ngày lễ Phục sinh tôi sẽ về kiếm một cô vợ". Và câu chuyện cứ như thế cho đến khi lão ngáp ngắn ngáp dài.Bác nông dân ở lại ngủ trong nhà bếp, Ivan Artemist trở lên phòng ngủ nóng nực. Hai người hầu, mặc áo dấu, đã nằm ngủ từ lâu trên tấm thảm dạ trước cửa phòng, vội choàng dậy cởi áo ngoài cho lão; người lão béo tròn, chân ngắn ngủn. Sau khi đã uốn gối quỳ lạy đủ mấy lần trước bức tranh thánh có một ngọn đèn dong đêm soi sáng, lão gãi bụng, gãi sườn, sỏ hai chân để trần vào đôi ủng dạ ngắn cổ và đi về phía nhà tiêu lạnh lẽo. Thế là hết một ngày. Nằm trên đệm lông chim, Ivan Artemist thở dài nói: "Thế là hết một ngày".Lão chẳng còn sống được bao ngày như ngày hôm nay nữa. Thật đáng tiếc, vì nay mới là lúc đáng sống và sống đầy đủ, đàng hoàng… Lão nghĩ đến con cái, đến công việc - giấc ngủ xoá nhoà mọi ý nghĩ của lão.Một hôm, sau buổi lễ, lão đợi khách quý, Xanka đi với chồng đến trước tiên. Vaxili Volkov không cúi chào mà ôm hôn bố vợ rồi ngồi vào bàn, vẻ mặt buồn thiu Xanka khẽ chạm vào má bố rồi chạy ngay đến trước gương; nàng xoay tròn đôi vai, quay mình trong nếp váy rộng màu đỏ nước đâu, ngắm nghía chiếc áo dài mới:- Bố ạ, con có chuyện nầy nói với bố, quan trọng lắm. - Nàng giơ hai cánh tay để trần sửa lại những bông hoa lụa cắm trên mái tóc rắc phấn thơm. Nàng không rời được gương: mắt xanh, dáng thẫn thờ, miệng xinh. - Con có chuyện nầy nói với bố… - Và nàng lại ngồi xuống phe phẩy chiếc quạt lông đà điểu.Volkov nói, vẻ bực dọc:- Cô ấy điên bố ạ. Lúc nào cũng tơ tưởng Paris, Paris… Làm như ở Paris người ta chỉ đợi có cô ấy đến. Bây giờ chúng con ngủ riêng mỗi người một phòng.Ivan Artemist ngồi cạnh chiếc lò sưởi kiểu Hà Lan tủm tỉm cười:- Ai-ai-ai, phải dạy vợ chứ.- Dạy cô ấy ạ? Bố cứ thứ mà xem, cô ta kêu váng nhà lên ngay. Động một tí, cô ta doạ: "Tôi sẽ mách Piotr Alekseevich". Con không muốn đưa cô ta sang châu Âu, cô ta sẽ hư mất.Xanka rời xa chiếc gương, lim dim con mắt giơ ngón tay út lên:- Anh phải đưa tôi đi! Chính Piotr Alekseevich đã ra lệnh cho tôi đi. Còn anh, anh là đồ tồi.- Bố nghe thấy chưa? Thế nầy là cái gì?- Ai-ai-ai…- Bố ạ, - Xanka nói, tay vuốt áo và ngồi xuống cạnh bố, - hôm qua con có nói chuyện với Natalia, cô gái út nhà Buinoxov. Con bé trông bộ âu sầu quá. Cô lớn chưa gả chồng, bao giờ mới đến lượt nó? Natalia vừa đến thì. Một hoa khôi. Nó cũng thạo xã giao như con và cũng quen lề lối trong triều.- Thế nào, công việc làm ăn của vương hầu Roman Buinoxov có gì trắc trở phải không? - Ivan Artemist vừa hỏi vừa đưa tay gãi mũi.- Không phải vô cớ mà lúc nào ông ta cũng nói đến việc dệt vải lanh. Công việc làm ăn của ông ta sa sút lắm, rất sa sút. Bà vương hầu Avdochia cứ khóc lóc than thở. Mặt ông ta tối sầm như trời nổi cơn giông- Ông ta muốn len chân vào việc thầu quân nhu, nhưng bị người nhà ta cho một vố thất cơ lỡ vận.- Bố ạ, nhà Buinoxov là một danh gia thế tộc. Được một cô quận chúa nhà ấy về làm dâu không phải là một vinh dự nhỏ. Nếu nhà ta không khe khắt về khoản hồi môn, họ sẽ ưng đấy. Con muốn nhấm cho thằng em út, Artamon.Ivan Artemist muốn đưa tay gãi gáy nhưng vướng bộ tóc giả.- Điều cốt yếu là phải làm lễ cưới Artamon và Natalia trước khi con đi Paris. Natalia coi bộ héo hon và âu sầu lắm. Con đã nói với Piotr Alekseyevna rồi.- Con đã nói với hoàng thượng rồi à? - Tức thì Ivan Artemist thôi không gãi mũi nữa. - Hoàng thượng bảo sao?- Người nói: được lắm. Hôm qua con khiêu vũ với hoàng thượng ở nhà Melsikov. Người quệt ria cù má con và nói: "Tổ chức cưới gấp đi".- Sao lại gấp? - Ivan Artemist đứng dậy nhìn con gái chằm chằm. Xanka cao hơn bố.- Hình như sẽ có chiến tranh thì phải… Con không hỏi, con chẳng còn đầu óc nào mà nghĩ đến chuyện ấy Nhưng hôm qua mọi người đều bảo có lẽ sẽ xảy ra chiến tranh.- Chiến tranh với ai?Xanka bĩu môi. Ivan Artemist khoanh hai cánh tay ngắn ra sau lưng, người lắc lư, đi đi lại lại trong phòng. Lão bận tất trắng, mang giầy mũi vuông gót sơn đỏ điểm bông tua.Một cỗ xe ngựa chạy ầm ầm tới trước thềm, khách khứa đã đến.Tuỳ theo địa vị khách, Ivan Artemist ưỡn cái bụng mặc gi-lê lụa, đứng đợi ở bên trên ngay cửa ra vào, hoặc xuống thềm đón. Lão xuống giữa bậc thềm đón vương hầu Roman Borisovich đi xe song mã đến, có hai người hầu ngồi ở đằng sau. Vẻ xuề xoà, lão vỗ vào tay vương hầu. Theo sau vương hầu Roman là các cô con gái: Antonida, Olga và Natalia; các cô nâng tà váy bước lên bậc thềm gang. Ivan Artemist đợi Natalia đi qua, để ý ngắm cô gái - đúng, con bé đã đến tuổi cập kê.Các cô gái nhà Buinoxov ồn ào ngồi vào quanh bàn, giữa phòng khách. Họ nắm lấy khuỷu tay Xanka đề trần, nói những chuyện phù phiếm. Các vị khách quý - chủ tịch Mitrofan Sorin, Xvesnikov, Mononov, - lùi về phía lò sưởi để khỏi dẫm lên đuôi áo dài quét đất của các cô gái. Họ cau mắt liếc nhìn mấy cô tiểu thư: "Học đòi châu Âu, tất nhiên là tốt, ý Sa hoàng muốn vậy. Nhưng lôi con gái đến chơi hết nhà nầy sang nhà khác, chẳng hay ho gì".Xanka cho các cô bạn xem những tờ giấy in, tranh ảnh vừa mang từ Hamburg về: đó là những bản in lại tác phẩm của các nghệ sĩ Hà Lan danh tiếng. Các cô gái vừa sỉ mũi vào những chiếc khăn tay nhỏ vừa ngắm các tiên ông, tiên nữ trần truồng… "Đây là ai? Và đây nữa, cái gì thế nầy? Còn cô nầy, cô ta đang làm gì thế? Ai-a?".Xanka bực mình giải thích:- Gã nông dân cẳng bò nầy là một dã thần… cô bĩu môi là không đúng, Olga ạ: dã thần có một lá nho che thân, bao giờ người ta cũng vẽ thế. Thần ái tình giương cung muốn bắn xuyên qua mình cô ta… Cô ta đau khổ, khóc than, không muốn sống nữa. Cô ta bị người yêu ruồng bỏ, các cô trông thấy cánh buồm nầy chứ… Bức tranh gọi là "Arian bị ruồng bỏ"… Các cô phải học các chuyện nầy. Ngày nay, các chàng trai luôn luôn hỏi chung ta về các vị thần Hy Lạp. Không phải như năm ngoái nữa… Và đừng có dại mà khiêu vũ với một người ngoại quốc- Chúng tôi cung muốn học những thứ ấy, nhưng không có sách… Không sao moi được của bố tôi lấy nửa kopeik, - Antonida nói. Olga mặt rỗ hoa, bực mình cắn viền ren cổ tay áo. Bỗng nhiên, Xanka kéo vai Natalia nói thầm. Natalia, - khuôn mặt tròn, tóc vàng tro, - đỏ mặt.Artamon khép nép kính cẩn bước vào phòng khách. Vóc người mảnh khảnh, anh bận y phục kiểu Đức màu nâu. Trông anh giống Xanka nhưng lông mày đậm hơn, mắt màu khói, một hàng lông tơ lơ thơ bên trên môi.Xanka bấm Natalia để cô ta nhìn cậu em mình. Cô gái xấu hổ cúi đầu xuống, chìa khuỷu tay ra phía trước, - chịu không thể xoay người cô ta lại được.Artamon cúi rạp đầu chào quan khách, rồi đi đến với chị. Xanka mím môi cúi chào thật nhanh và nói thẳng một mạch:- Xin giới thiệu cậu em út tôi, Actamosa.Các cô gái khẽ gật mái tóc búi cao rắc phấn. Theo đúng phép lịch sự. Artamon lùi lại, dẫm chân và vẫy tay như thể đang rũ quần áo giặt. Xanka giới thiệu:- Quận chúa Antonida, quận chúa Olga, quận chúa Natalia… Các cô lần lượt đứng dậy cúi chào, - và mỗi lần, Artamon lại rũ quần áo trước mặt mỗi cô. Anh rón rén ngồi vào bàn, hai bàn tay kẹp vào giữa hai đầu gối, gò má ửng đỏ. Anh lo lắng người nhìn chị. Xanka nhíu đôi lông mày, vẻ đe doạ.- Cô có thường đi chơi thăm hỏi các nhà quen không? - Artamon ngập ngừng hỏi Natalia.Cô gái trả lời ấp úng nghe không rõ. Olga mạnh bạo đáp:- Hôm kia, chúng tôi khiêu vũ ở nhà Naryskin. Chúng tôi thay áo ba lần. Buổi dạ hội vui lắm, nóng quá thể! Sao chúng tôi không thấy anh đi chơi bao giờ?- Tôi còn trẻ quá!- Bố tôi sợ làm rầy cậu ta, - Xanka nói. - Khi nào cưới vợ cho cậu ta rồi, thì mặc cho chơi thả cửa… Cậu ấy khiêu vũ cừ lắm… Trông cậu có vẻ nhút nhát, nhưng các cô đừng lầm… Cậu ta nói tiếng Pháp thì không chê vào đâu được.Khách khứa tò mò ngắm bọn trẻ… "Con cái chúng ta thời nay thực khác thời xưa!" Mitrofan Sorin hỏi Ivan Artemist;- Bác cho cháu học ở đâu vậy?- Tôi mời thầy về nhà. Nhà tôi không thể làm khác được bác Mitrofan Ilits ạ. Thiên hạ trông vào… Chúng tôi xuất thân tầm thường, phải bù đắp vào chỗ đó.- Đúng, đúng… Chúng ta phải rời khỏi xó nhà…- Vả lại Sa hoàng thường quở: anh kiếm tiền như rác, phải cố hết sức…- Tất nhiên phải như vậy. Tốn kém cũng đáng tiền.- Riêng cháu Xanka, tôi cũng đã tốn nhiều tiền với nó lắm rồi. Nhưng được cái mọi người đều để ý đến cháu.- Nó mạnh dạn đấy. Nhưng Ivan Artemist, bác cũng nên để mắt đến nó vì nó có thể… Ivan Artemist trầm ngâm một lát rồi trả lời:- Cố nhiên, tôi có thể quất cho nó mấy roi đuổi lên gác bắt ngồi thêu. Nhưng có lợi gì đâu? Ngoài cái chuyện là để cho thằng chồng nó được yên tâm hơn.- Chậc, tôi biết rằng nó không khéo thì hỏng. Lạy Chúa đúng vậy… Trông con mắt nó cũng đủ biết nó dễ hư… bác Mitrofan Ilits ạ, thời buổi bây giờ khác trước rồi… Bác có nghe nói ở nước Anh không? Vợ Marboro sai khiến cả châu Âu. Đấy, cứ thử cầm roi đứng kèm bên váy vợ xem, trông anh sẽ hệt một thằng xuẩn.Aleksey Xvesnikov là một lái buôn giàu sụ, vẻ mặt khắc khổ lông mày rậm, ông ta bận áo có nẹp ngang ngực kiểu Hungary, để đầu trần, không đội tóc giả, mái tóc đen, quăn, đã điểm một vài sợi tóc bạc. Ông ta ngoáy hai ngón tay cái sau lưng, đợi Mitrofna Ilits và Ivan Artemist nói xong những chuyện phù phiếm.- Bác Mitrofan Ilits nầy, - Ông ta nói, giọng trầm trầm, - tôi trở lại câu chuyện đương nói; việc của tôi gấp lắm. Mọi người đã phong phanh biết chuyện, người ta có thể chặn đường chúng tôi.Ông chủ tịch, mặt mầy sạch sẽ, vẻ xảo quyệt, mùi nhọn, cười ngọt xớt:- Ân nhân của chúng ta là bác Ivan Artemist đây sẽ quyết định việc nầy. Aleksey Ivanovich, hãy hỏi bác ấy xemBrovkin ngoáy nhanh hai ngón tay cái sau lưng; lão dạng đôi chân ngắn, đứng ngắm hai con đại bàng từ đầu tới chân: Sorin và Xvesnikov… Lão hiểu ra ngay: hai tay nầy có vẻ vội vàng gấp rút lắm, như thế là họ đã biết được việc gì đặc biệt đây… - Suốt ngày hôm qua Brovkin ở kho lúa mì; lão không gặp một nhân vật tai to mặt lớn nào - Không trả lời, lão ưỡn ngực, vênh váo, cố đoán xem: việc đó là việc gì nhỉ? Lão đưa tay về đằng trước gãi mũi.- Nầy, lão nói, - hiện nay có tin giá dạ sẽ cao… Ta có thể nói chuyện với nhau được.Tức thì Xvesnikov trố cặp mắt di-gan:- Bác Ivan Artemist, vậy ra là bác cũng biết việc xảy ra hôm qua?- Cũng được biết chút ít… Việc của chúng tôi là biết và im lặng.:. - Ivan Artemist bóp cằm tự hỏi: "Quái, họ biết việc gì vậy?".Liếc nhìn về phía các vị khách khác, lão đi giật lùi đứng sau cái lò sưởi lát gạch tráng men. Xvesnikov và Sorin đi theo lão. Họ túm tụm nhau lại ở đấy, dè dặt, quanh co nói chuyện với nhau- Bác Ivan Artemist ạ, cả thành phố Moskva đều bàn tán về việc nầy.- Có thể…- Nhưng với ai chứ? Với anh chàng Thuỵ Điển chăng?- Đó là việc của Sa hoàng- Tuy vậy… Có phải nay mai không? - Xvesnikov thọc tay vào bộ râu trông cứng như dây thép - Chính lúc nầy là lúc nên dựng xưởng đây. Nhà vua chắc hài lòng; không phải vì dạ của chúng tạ rẻ hơn dạ Hamburg, nhưng vì là dạ sản xuất trong nước. Hãy đóng cửa biên giới lại, chúng ta sẽ có dạ nội hoá… Việc nầy hái ra tiền. Nhiều người muốn len chân vào. Như Mactiexen chẳng hạn"À ra họ đánh hơi được việc nầy". Ivan Artemist lấy tay che miệng tủm tỉm cười; lão hiểu rồi.Cách đây vài hôm, Mactiexen, một người ngoại quốc, đi cùng với gã phiên dịch Safirov đến gặp Brovkin. Hắn thương lượng với lão dựng một xưởng dệt dạ; Sa hoàng sẽ hùn một phần vốn, Brovkin hùn nốt phần kia; Mactiexen hưởng một phần ba tiền lãi. Ngược lại, hắn nhận sẽ đưa máy dệt và mướn cả thợ lành nghề từ Anh sang và quản lý toàn bộ doanh nghiệp. Xvesnikov và Sorin, về phía họ, cũng đề nghị từ lâu với Brovkin cùng nhau lập một công ty để dựng một xưởng dệt dạ.Nhưng hiện nay công việc vẫn ở giai đoạn thương lượng. Ngày hôm qua, rõ ràng là đã xảy ra chuyện gì. Rất có thể là Mactiexen đã được yết kiến nhà vua.- Lẽ nào chúng ta lại để một việc lớn như thế lọt vào tay người ngoại quốc? - Xvesnikov nói, mắt long lanh.Chủ tịch Sorin nheo mắt, thở dài:- Thế mà chúng ta sẵn sàng hy sinh tính mệnh, cống hiến tất cả- Ngày mai, ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện. - Ivah Artemits từ phía sau lò sưởi đi ra cửa.Một người thấp béo, bận đồ dạ đen, giầy bám đầy bụi, mũi khoằm như mỏ chim ưng, cánh mũi rộng, cằm xanh, bước vào phòng khách, không có ai ra đón tiếp.Đôi mắt đen ngơ ngác soi mói nhìn vào mặt các quan khách. Trông thấy Brovkin, hắn giơ hai cánh tay ngắn ngủn về phía lão, theo kiều ngoại quốc, nhếch mép cười:- Chào quý ông Johan Artemievich, - giọng hắn lên bổng xuống trầm như hát, và hắn phát âm tất cả các chữ cái. Hắn ôm chầm lấy chủ nhà và hôn ba lần như trong dịp lễ phục sinh; con người mới ngộ làm sao! hắn lắc lư bộ tóc giả đỏ bẻm, thì thầm:- Hiện nay, chưa giải quyết gì với Mactiexen; Alekxandr Danilovich sẽ đến đây bây giờ.- Rất mừng được gặp anh, Piotr Paplovich, mời anh vào.Người đó là Safirov, một người Do Thái làm phiên dịch ở Bộ các sứ quán. Hắn đã từng theo Sa hoàng ra nước ngoài. Nhưng cho đến mùa thu năm nay, hắn không xuất đầu lộ diện. Hiện nay, hắn được cử làm việc với sứ quán Thuỵ Điển; ngày nào hắn cũng gặp Sa hoàng và người ta coi hắn như một nhân vật có thế lực, Johan Artemievich, ngày mai xin mời quý ông đến điện Kreml, vào cung… Sa hoàng đã có lệnh mời mười đại biểu của hội đồng xã trưởng. Chúng ta sẽ dự lễ trình uỷ nhiệm thư của sứ thần Thuỵ Điển.- Thế là đôi bên đã thoả thuận với nhau rồi à?- Không, ông Johan Artemievich ạ, hoàng thượng chẳng bao giờ chịu hôn Kinh thánh vì vua Thuỵ Điển đâu(2).Nghe đến đó, Brovkin mới thở được và vội vàng làm dấu thánh giá trên rốn:- Vậy tin đồn là đúng à, Piotr Paplovich?- Rồi ra sẽ biết, ông Johan Artemievich ạ, đó là những chuyện đại sự, đại sự… - Hắn quay về phía các tiểu thư nhà Buinoxov hôn ngón tay các cô theo kiểu ngoại quốc.Vương hầu Roman Borisovich ngồi trên chiếc ghế cạnh tường, vẻ mặt lầm lì. Đi lại những nhà như nhà nầy chẳng danh giá gì. Ông ta gườm gườm đưa mắt nhìn các cô con gái: "Thực là một lũ quạ cái ngu ngốc. Của nầy ai rước đi cho? Lạy Chúa, thời buổi mới khó khăn làm sao! Tiền, tiền? Tiền vào nhà ta như gió vào nhà trống… Mở mắt dậy đã phải lo nghĩ đến vỡ đầu: xoay xở ra sao, xoay sở ra sao để sống nổi? Vơ vét sạch các thôn ấp của ta mà vẫn không đủ. Tại sao vậy? Xưa kia cũng ngần ấy, ta sống đầy đủ… than ôi, xưa kia, ta an nhàn ngồi bên cửa sổ thích thì gặm một quả táo hoặc lắng nghe tiếng chuông nhà thờ… Thực là yên tĩnh, yên tĩnh cực kỳ… Một trận cuồng phong đổ về, mọi người nhốn nháo tán loạn như kiến vỡ tổ. Thực không còn hiểu ra sao nữa… Lại tiền, tiền người ta bàn nhau về những xưởng nầy, công ty nọ.Lái buôn Epxtrat Mononov đứng hàng đầu trong số một trăm nhà buôn có tiếng, người đã có tuổi, ngồi cạnh vương hầu Roman, lão khẽ nói:- Thưa vương hầu Roman Borisovich kính mến, chúng tôi không chịu nổi nữa; chúng tôi nhìn mọi việc theo lối nhà buôn: ngày nay chúng tôi thấy bị tù túng quá rồi, người ngoại quốc muốn chèn ép chúng tôi thế nào cũng được… Họ không ăn hàng của chúng tôi; trước hết, họ viết thư gửi trạm; mười tám ngày sau thư về đến Hamburg, và mười tám ngày sau nữa mới có thư trả lời cho biết mặt hàng ấy giá bao nhiêu ở Sở hối đoái nước họ… Thế mà bọn ngu xuẩn nhà mình cứ khư khư giữ vững giá trong một hoặc hai năm liền, trong khi thực tế không còn được giá đó từ lâu. Từ lâu rồi, người ngoại quốc đã đục được cửa sổ nhòm ngó vào nhà chúng ta. Còn chúng ta thì cứ ngồi trong xó nhà như ếch ngồi đáy giếng. Không, thưa vương hầu, chúng ta không tránh được chiến tranh… Giá như chúng ta ít nhất cũng có được một thành nhỏ, chẳng hạn như Narva vốn là lãnh địa cũ của Sa hoàng.- Bọn lái buôn các ông giàu nứt đố đổ vách thế mà vẫn chưa vừa lòng tham, - Roman Borisovich nói, tỏ vẻ khó chịu. - Chiến tranh! Rõ khéo chưa! Chlến tranh là quốc gia đại sự. Ai cho những hạng người nguồn gốc thấp hèn như các ông bàn đến…- Vương hầu nói đúng, vương hầu nói đúng, - Mononov vội tỏ ý đồng tình ngay. - Tôi nói chuyện dông dài, chính vì ngu dốt…Roman Borisovich đưa đôi mắt trắng dã, vằn tia máu, liếc nhìn lão lái buôn: có ai ngở, nó ăn mặc xuếnh xoàng, diện mạo tầm thường thế mà có hàng hũ bạc chôn trong hầm.- Ông có nhiều con trai không?- Tôi được sáu cháu, thưa vương hầu.- Chưa vợ chứ?- Thưa, lập gia đình cả rồi ạ.Bên ngoài có tiếng một cỗ xe lăn ầm ầm trên mặt đường lát gỗ súc. Ivan Artemist vội chạy ra bậc thềm, vài vị khách chạy ra cửa sổ. Chuyện trò dương nói dở ngừng bặt. Tiếng đinh thúc ngựa kêu loảng xoảng trên thềm gang. Thiếu tướng Alekxandr Melsikov, tổng trấn tỉnh Pskov đi trước chủ nhà, bước vào: hắn bận áo nẹp, lai tay áo màu đỏ trông tưởng như hai tay áo nhúng vào máu đến tận khuỷu. Đến ngưỡng cửa, hắn đưa cặp mắt xanh, lạnh lùng, đượm vẻ nghiêm nghị của một chính khách, nhìn quanh các quan khách một lượt Hắn ngả mũ, vung rộng tay chào các cô quận chúa.Hắn nhếch cao đường lông mày xinh đẹp bên trái lên, vẻ mặt giễu cợt, đi đến chỗ Xanka, hôn lên trán nàng, lắc mấy đầu ngón tay nàng, rồi quay về phía các quan khách khẽ gật đầu chào.Cửa phòng ăn mở, Alekxandr Danilovich ôm hôn Ivan Artemist Brovkin và ghé vào tai lão nói nhỏ:- Đừng quyết định gì với Xvesnikov và Sorin, đây không phải là một việc lớn đâu… Chúng ta sẽ không để cho Mactiexen làm gì hết. Phải tự lực làm lấy tất cả. Hãy nói chuyện ngay hôm nay với Safirov đi. Chú thích: (1) Nhà sử học, xã hội học người Đức (1632 - 1694)(2) Hôn Kinh thánh đề thề sẽ tôn trọng hoà ước.