Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 159

Bên kia những cánh đồng trải ra như sóng lượn, những đồng lúa mạch và những khu rừng phong, tít đằng xa bên kia khu rừng xanh lam, một chiếc cầu vồng uốn cong trên nền trời một đầu cầu vồng mất hút trong đám mây mù mang mưa bay về chân trời, và nơi đầu kia chạm mặt đất, người ta thấy lấp lánh và lóe lên những tia vàng óng.
- Andriuska, nhìn thấy không?
- Moskva đấy.
- Gavrila Ivanovich ạ, cái cầu vồng chiếu sáng rực cả thành phố kia cho chúng ta, trông như một điềm gì đó.
- Chính ta cũng không hiểu tại sao Moskva lại sáng rực lên như vậy… Nầy, được đến Moskva, hẳn là người bằng lòng chứ?
- Có thể… Bằng lòng nhưng lại cũng sợ.
- Hễ đến nơi là chúng ta đi tắm ngay… Ngay sáng mai, ta sẽ đến trình diện ngài vương hầu chấp chính. Rồi ta sẽ dẫn ngươi đến công chúa Natalia Alekseyevna
- Đấy chính cái đó làm tôi sợ
- Nầy, bác ơi, - Gavrila nói với người xà ích, lần nầy giọng nói gần như ngọt ngào, - bác thúc ngựa nhanh lên cho, nhanh nhanh lên bác
Sau trận mưa, ngồi xe bon êm trên đường thật là thú vị. Từng mảng đất bắn tung tóe dưới vó ngựa. Lá phong bóng láng. Làn gió nhẹ thơm phưng phức.
Họ gặp những người mugic đang đi về nhà trên những cỗ xe trống rỗng, kéo theo một con bò không bán được, hay một con ngựa cà khố khập khiễng cột vào sau xe. Họ vượt qua một cái cột trên có vẽ con đại bàng và con số 34: còn ba mươi tư dặm nữa thì đến Moskva.
Và dọc hai bên đường lại thấy những túp nhà gỗ ọp ẹp cái thì đầu hồi trông ra đường cái, cái thì quay lưng ra mặt đường, và đằng xa, sau rặng liễu ánh bạc của một nghĩa trang hiện lên cái mái tróc lở của một ngôi nhà thờ nhỏ. Rồi lại thấy một đứa bé phơi bụng trần chạy ngang qua đường cái ngay trước mũi cỗ xe tam mã, vừa lắc bờm tóc vừa gật đấu như ngựa. Bác đánh xe cúi xuống, quất một roi vào đôi mông bị muỗi đốt của nó, nhưng thằng bé tránh như không và đôi mắt tròn xoe, nhìn theo xe.
Con đường tiếp tục lên rồi lại xuống, hết vượt qua ngọn đồi nầy lại leo sang ngọn đồi khác. Nếu nhìn sang bên phải, nơi một dòng sông nhỏ lấp lánh qua các bụi cây sẽ thấy những người mugic râu xồm, mình bận áo lót dài đi nối duôi nhau, chân xoạc rộng ra và nhất loạt vung lên những lưỡi hái sáng loáng. Nhìn sang bên trái sẽ thấy nơi ven rừng, một đàn bò nằm dưới bóng cây chú bé chăn bò, tay cấm roi, chạy theo một con bê lang trong khi con chó thông minh của chú nhảy chồm chồm theo chủ, hai tai vẫy vẫy trên lớp cỏ… Và rồi lại trông thấy một cái cột vằn sọc nữa: 31 dặm.
Gavrila rên lên:
- Sao, bác đánh xe, mới được có ba dặm thôi à?
Bác đánh xe quay lại nhìn hắn, cái mũi hếch trên bộ mặt hớn hở, có vẻ như nằm chen vào giữa hai gò má đỏ hồng là chỉ cốt để nhòm vào đáy cốc rượu.
- Nầy, lãnh chúa, không nên đếm dặm theo cột số hãy đếm theo số quán rượu kia. Hãy chờ mà xem cái nầy!
Bỗng bác lè nhè quát to: "Ê, nầy, nầy? Lũ ngựa tốt của ta ơi!" Bác ngả người ra dằng sau và buông cương; những con ngựa đầu to, màu sắc ô hợp, phi nước đại rồi rẽ ngoặt và dừng lại trước quán rượu: một căn nhà gỗ dài, cũ kỹ, trên cổng cái có buộc một cây sào dài và đối với ai biết đọc thì có cả một tấm biển đề: "Quán rượu", chữ màu đỏ son trên nền xanh da trời.
- Ngài muốn làm gì thì làm nhưng ngựa mệt lử rồi, - bác đánh xe vui vẻ vừa nói vừa bỏ cái mũ cao bằng nỉ ra… - Ngài muốn đánh tôi dữ đòn cũng được, nhưng ngài nên mời chúng tôi một cốc rượu thì hơn!
Chủ quán, một người da dẻ hồng hào, vẻ mặt niềm nở, mặc theo kiểu cổ: áo nẹp màu huyết dụ, cổ áo dựng lên cao hơn cả cái đầu hói, đã đứng sẵn trước cái thềm mọt của căn nhà gỗ và đưa mời khách ba ly rượu mạnh, và ba chiếc kẹo giòn nhân anh túc để ăn cho thơm miệng, tất cả để trên một cái khay… Chẳng làm thế nào được, đành phải xuống xe cho giãn xương giãn cốt vậy.
Khi họ gần đến Moskva thì cảnh hoàng hôn ẩm ướt bao trùm cả thành phố. Dinh cơ các nhà quý tộc xóm làng, lùm cây, nhà thờ, hàng rào, nối tiếp nhau vô tận. Thỉnh thoảng cái ách ngựa lại móc vào một cành bồ đề và những giọt nước mưa rơi rào rào xuống khách trên xe… khắp nơi, ánh sáng lờ mờ lọt qua những ô cửa kính có che rèm vái xếp nếp, qua nhưng khung cửa gắn mi-ca. Ăn mầy còn ngồi lê la trên thềm nhà thờ. Có tiếng kêu om xòm của bày quạ làm tổ trong những gác chuông trổ cửa… Bánh xe lăn ầm ầm trên mặt đường lát gỗ… Gavrila tay nắm lấy vai bác đánh xe, chỉ đường qua những ngõ hẻm quanh co chằng chịt như mắc cửi… "Bác có thấy người đàn ông nằm dưới chân rào đằng kia không? Thế thì đến trước mặt hắn, phải quành vào cái ngõ cụt ấy… Dừng lại dừng lại, đến rồi!" Hắn nhảy xuống xe và gõ vào cái cổng lớn có đánh đai bằng sắt tráng thiếc như một cái hòm. Đàn chó dữ nổi tiếng của gia đình Brovkin sủa om lên đáp lại, xích sắt kêu loảng xoảng.
Thú vị biết bao khi trở về dưới mái nhà của gia đình sau một thời gian dài xa vắng? Ta vào - mọi thứ đều là quen thuộc, ta đều biết rõ, nhưng lại có một vẻ gì mới mẻ. Trong phòng tiền đình mùa hạ, một cây nến cháy trên bậu cửa sổ, dọc tường có đặt các ghế gỗ dài, có chạm trổ, cho những kẻ đến xin việc, để họ ung dung chờ lúc được dẫn vào gặp gia chủ. Xa hơn là phòng tiền đình mùa đông hoàn toàn trống trải, có đặt hai lò sưởi: một cây nến, ngọn lửa chập chờn theo luồng gió lùa, đặt trên sàn; bên trái, một cánh cửa lợp dạ dẫn vào các phòng không có người ở, đồ đạc bày biện theo kiểu Hà Lan và dành riêng cho khách quý; cửa bên thông sang các căn phòng thấp, ấm áp; nếu cứ đi thẳng thì sẽ lạc vào một đám chằng chịt những hành lang, cầu thang dốc đứng khi thì leo lên, khi thì đổ xuống nối liền các tầng dưới, tầng hầm, tầng thượng, kho chứa đồ, buồng xép… Ngôi nhà của gia đình có một hương vị đặc biệt, dễ chịu, niềm nở… Mọi người vui sướng thấy ta về, trìư mến nhìn ta và chuyện trò với ta, sẵn sàng chiều bất cứ ý muốn nào của ta
Ivan Artemist - người cha, đi vắng; lão đi thăm các công xưởng của lão. Gavrila thấy ra đón hắn có mụ người ở làm những việc nặng trong nhà, một người điềm đạm, đẫy đà (đúng như công việc của mụ đòi hỏi), có giọng nói như hát nhưng phải cái tay chân vụng về; viên chánh quản lý, một tay mà chính Ivan Artemist cũng phải chịu là ranh ma quỷ quái, và viên quản gia Karle vừa mới mướn ở nước ngoài về, không ai đọc nổi tên họ của y. Y là một gã cao lớn, lầm lì, má dày bì bì, cằm vuông, béo phị ra vì cảnh sống nhàn hạ và món ăn Nga; vầng trán dô của y biểu thị một trí thông minh rộng lớn. Y chỉ có một khuyết điểm độc nhất, nó giải thích vì sao y lại chịu nhận làm cái công việc lương hậu xoàng xĩnh nầy ở Moskva: y phải đeo một cái túi nhung để thay cho cái mũi và giọng nói hơi the thé.
- Ta chỉ muốn có một điều là đi tắm. - Gavrila nói - Ăn bữa tối, ta muốn ăn món giò gà tuốt xương, paté thịt băm, thịt ngỗng và thêm một món gì thật bổ béo… Là vì ở Petersburg bọn ta chỉ ăn độc có món bánh mì khô và những thứ mắm ướp thối hoăng, chỉ còn xương bọc da thôi.
Mụ người ở dang đôi tay mũm mĩm ra rồi lại chắp lại:
- Lạy Chúa tói! Sao cậu chỉ ăn độc có bánh mì khô thôi ư?
Viên quản lý quỷ quái vừa kêu "ái dà! ái dà" vừa ra vẻ ái ngại lắc lắc bộ râu dê. Còn viên quản gia vì không biết một tiếng Nga nào nên cứ đứng trơ ra như phỗng, tay chắp sau lưng, bàn chân bẹt to tướng của y đưa ra dằng trước ra dáng nghiêm trang, khinh khỉnh. Mụ người ở soạn quần áo cho Gavrila thay, vừa làm nói huyên thuyên bằng cái giọng như hát của mụ:
- Chúng tôi sẽ để cậu tắm một bữa bằng hơi nước nóng thật thích. Cậu sẽ ăn uống thoả thuê rồi sẽ ngủ trên đệm nhồi lông thiên nga… Cậu ạ, ngủ ở nhà cha mẹ mình là ngon lành lắm… Nhờ ơn Chúa, ở nhà bình an vô sự, tai hoạ và bệnh tật đi qua mà không gõ cửa. Đàn bò Hà Lan đã đẻ cả mà toàn bê cái, lợn sề Anh đã đẻ mỗi con mười sáu con con. Ngay đức ông chấp chính cũng thân chinh đến xem. Trong vườn cây ăn quả anh đào và dâu ngon không đâu bì được… Vâng, nhà ta quả đúng là một thiên đàng thực sự… Nhưng than ôi, nó cũng vắng vẻ lắm? Ivan Artemist, cụ chủ tội nghiệp của tôi đi vòng quanh các phòng một lượt, hai lượt "Agapovna nầy, tao buồn lắm, - cụ bảo tôi - Tao đi thăm các công xưởng đây.". Cụ cố có nhiều tiền đến nỗi bây giờ cụ không còn biết là có bao nhiêu nữa. Không có Xenka. (mụ nháy mắt về phía viên quản lý quỷ quái) cả đời cụ cũng không đếm xuể… Chỉ có cái lão mũi đen kia là khó chịu thôi… Tất nhiên bây giờ thì nhà ta không thể thiếu một người như vậy được: ngoài phố người ta đồn là cụ Ivan Artemist nhà ta rất có thể sẽ được phong tước đấy… Khi lão kia đội mũ đính lông đỏ vào, cầm gậy gõ gõ xuống sàn và dậm bàn chân to tướng của lão thì nom cũng sang trọng thật khỏi phải nói… Lão đã làm quản gia cho vua Phổ cho đến khi người ta đã xẻo mất hay ăn mất cái mũi của lão, tôi cũng không rõ nữa. Hồi đầu, chúng tôi cũng thấy ngài ngại lão: dẫu sao một người ngoại quốc cũng không phải là một chuyện nhỏ… Inhaska, anh chàng mã phu, đã dạy lão gảy đàn balalaika… Từ đó lão cứ "tơ rưng, tơ rưng" suốt ngày khiến chúng tôi chán ngấy cả người… Còn về cái khoa ăn thì không ai bằng được lão. Lão lúc nào cũng lẵng nhẵng sau tôi: "ăn, bà!". Một thằng ngu độn như chưa bao giờ từng thấy. Nhưng có lẽ cái nghề của lão cần phải thế chăng? Ngày lễ Thánh Jean, nhà ta có một bữa tiệc rất lớn. Công chúa Praxkovia Fedorovna có hạ cố đến dự. Không có lão Karle thì chúng tôi quả cũng không biết xoay xở ra làm sao. Lão đã mặc một chiếc áo nẹp, cậu ạ, trên áo có đính ít ra là mười livrơ dây tết và lon, và lão mang bao tay bằng da nai có khâu thành từng ngón riêng và thế là lão bưng đến một nghìn rúp và quỳ một chân xuống đất, dâng lên công chúa Praxkovia. Rồi lão lại lấy một cái khay khác và một cái cốc khác còn đẹp hơn cái trước nhiều và dâng lên công chúa Natalia Alekseyevna
Trong khi mụ người ở nói chuyện, một gã nông nô trẻ, được gọi là hầu phòng từ ngày có viên quản gia đến, đã cởi áo ngoài đầy bụi và áo trong cho Gavrila rồi cởi cà-vạt cho chủ và đang hì hục tháo đôi ủng. Gavrila giật mạnh chân ra, chồm dậy kêu lên:
- Sao? Công chúa Natalia có đến nhà ta à? Mụ nói gì vậy?
- Thật đấy, công chúa đã đến, công chúa sao mà đẹp thế, mà công chúa còn ngồi cả bên trái cụ Ivan Artemist nữa kia, trông đẹp như tiên ấy… Khách khứa nhìn công chúa đến quên cả ăn uống… Công chúa đeo nhẫn đầy ngón tay và cổ tay đeo xuyến, vai trắng muốt như lông thiên nga và ngay ở bên trên vú - ai cùng để ý thấy - có một nốt ruồi chỉ bẳng một hạt thóc đen… Công chúa mặc áo màu cây gai đang độ nở hoa, nhẹ hơn cả không khí, hai bên bồng ra và ở gấu có những bông hồng bằng lụa… Trên đầu lại cắm cả đuôi chim lửa.
Gavrila không nghe tiếp nữa. Hắn khoác tấm lông cừu lên vai và lẹp kẹp đôi dép kiểu Tarta chạy qua các hành lang và thang gác đến phòng tắm hơi nước nóng.
Tới phòng ngoài ẩm ướt, hắn sực nhớ ra:
- Agapovna nầy! Người đến cùng với ta đâu rồi?
Hoá ra là tên quản gia đã không cho Andriuska Golikov vào nhà; hắn vẫn nằm đợi ở ngoài sân, trên chiếc xe đã tháo ngựa. Kể ra nằm đây, một mình suy nghĩ, hắn thấy cũng dễ chịu. Sao lấp lánh trên các mái nhà đen sì; mùi nhà bếp, mùi kho chứa cỏ, mùi chuồng bò, ngưi thật khoan khoái và từng làn hương thơm ngọt ngào của những cây bồ đề đang ra hoa từ đâu thoảng đến khiến tim Andriuska đập mạnh hơn.
Hắn chống khuỷu tay nhìn các vì sao. Những đốm sáng lấp lánh trên nền trời tím ngắt kia là gì, chúng có xa ta lắm không và tại sao chúng lại sáng trên trời cao, hắn không hiểu và cũng không hề suy nghĩ đến. Nhưng từ trên trời cao, những đốm sáng đó rót niềm thư thái vào lòng hắn và hắn thấy nằm trong lòng xe nầy, mình mới nhỏ bé làm sao! Nhỏ bé nhưng không phải nhỏ bé theo kiểu cha Nectari đã dạy hắn. Hắn không cảm thấy mình là một con giun hèn mọn, một xác thịt đáng khinh miệt… Hình như không một con vật nào có thể chịu đựng nổi những nỗi khổ cực mà Andriuska đã từng chịu đựng trong cuộc đời ngắn ngủi của mình: người ta đã sỉ nhục hắn, đánh đập hắn, hành hạ hắn, người ta đã để hắn chết rét, chết đói… Còn hắn, như thể bậc vương giả của những bậc vương giả, mắt nhìn thẳng vào các đốm lửa của vũ trụ, hắn đang nằm đây lắng nghe một tiếng nói bí mật bên trong nhủ hắn: "Andrey ạ, đừng nản chí, đừng đi chệch con đường mình đang đi; rồi đây rất gần đây thôi, sức mạnh kỳ diệu của ngươi sẽ tưng bừng toả rộng và nó sẽ có thể làm được tất cả: trí tưởng tượng của ngươi sẽ biến hình đổi dạng cho cái xấu và sẽ tạo nên một thế giới đẹp đẽ. Chà! chỉ vì nghe theo tiếng nói ma quỷ ấy, trong thời gian ở nhà tên thánh lão, hắn đã bị xiềng lại bốn mươi ngày thức ăn cái uống chỉ có độc một gáo nước, và đã phải lén lấy đầu ở ngọn đèn trong đêm để bôi lên những vết đòn vấy máu. Hồi tưởng lại cảnh đó, Andriuska mỉm cười, lòng không chút hằn thù. Một kỷ niệm thoáng qua trí hắn: một hôm ở phố Vacvarka, trong một quán rượu khói um, khách uống rượu đã đánh đập hắn tàn nhẫn, hắn, bậc vương giả của các bậc vương giả; họ đã cầm chân hắn lôi xềnh xệch ra tận thềm và quẳng hắn ra ngoài tuyết lầy bùn. Vì sao họ lại đánh hắn nhỉ? Hắn cũng chẳng nhớ nữa. Lúc đó là vào cái mùa đông khủng khiếp khi quân xtreletz bị treo cổ lủng lẳng trước gió trên tường điện Kreml và ở Kitai-gorod. Thời ấy, Andrey buồn bã và thất vọng, bụng rỗng, đi chân đất, mình trần khoác một manh áo rách tả tơi, lang thang từ quán rượu nầy sang quán rượu khác, xin những kẻ rượu chè be bét một cốc rượu mạnh, lòng thầm mong rốt cuộc rồi người ta sẽ giết chết mình đi: hắn đau khổ mà mong ước điều đó, hắn thương thân đến ứa nước mắt… Tại một quán rượu, hắn đã gặp lão bõ giữ đồ thánh say rượu của nhà thờ Thánh Barbe, có đôi mắt ti hí hấp háy, đầu mũi xẻ đôi, bím tóc lơ thơ vén lên sau gáy. Chính lão ta đã khuyên Andrey tìm gặp cha Nectari để tìm cảnh yên lành trên chốn thiêng đàng bằng cách tự hành hạ xác thịt mình dữ dội, tàn nhẫn… "Những con người kỳ quặc?" - Andrey lẩm bẩm. Tự hành hạ xác thịt mình! Mà xác thịt lại có lúc đẹp đẽ biết bao!
Rồi những hình ảnh khác trở lại trong ký ức hắn: một buổi tối yên tĩnh trong làng, ở Palekh, không khí mù mịt một lớp bụi vàng, bò cái rống lên đi về chuồng. Mẹ Andrey người gầy ngẳng, hai vai to bê bè như vai đàn ông, ra mở cổng; cái cổng ấy từ lâu lẽ ra đã phải chữa rồi; vả lại cả cái nhà nữa cũng đã tơi tả, hoang tàn. Andrey và anh em hắn, tuổi cách nhau năm một, đang ngồi trên chiếc xe bò lật sấp đã tháo bánh. Chúng kiên nhẫn đợi: với một bà mẹ như thế thì bắt buộc phải kiên nhẫn thôi! Bà hé mở cánh cửa xộc xệch. Cái bụng nặng nề, chạm sát hai bên trụ cửa, con Hung đỏ, con bò cái tốt sữa, bước vào, cất lên những tiếng rống ngắn, hiền lành. Người mẹ có khuôn mặt lầm lì khắc khổ chán chường, mà con Hung đỏ thì lại có cái mõm âm ấm, ươn ướt, cái trán lông xoăn, cặp mắt màu hoa cà rất to. Ai chứ con Hung đỏ thì nó chẳng hành hạ ai! Nó thở phì phì về phía đám trẻ và ra giếng uống nước, và ngay tại đó, cạnh giếng, người mẹ ngồi trên ghế đẩu bắt đầu vắt sữa. Plích! Plốc! Plích? Plốc! sữa con Hung đỏ chảy vào cái thùng. Bọn trẻ ngồi trên xe bò vẫn kiên nhẫn đợi. Người mẹ đem những hũ sành tới và đổ sữa ở thùng vào các hũ. "Kìa, lại đây chúng mầy!" bà gọi, giọng gắt gỏng… Andriuska là đứa đầu tiên uống chỗ sữa âm ấm cho đến khi bụng no căng; các em nó nhìn nó uống và đứa út lại còn thở dài một cái vì nó là đứa sẽ uống sau cùng.
- Nầy! anh kia, xuống xe đi!
Andrey chợt tỉnh. Một anh chàng bé nhỏ, mặt mầy nghiêm nghị (gã hầu phòng) đang đứng trước mặt hắn.
- Gavrila Ivanovich bảo anh đến tắm ở buồng tắm hơi nóng… Nhưng anh cởi giầy ra ở đây, ném áo nẹp và mũ lông vào gầm xe kia… Ở nhà nầy không phải như ở nhà bọn quý tộc: những người rách rưới không được vào nhà đâu.
Tắm xong, người tỉnh táo, Gavrila và Andrey ngồi vào bàn ăn, cổ quàng một cái khăn lau tay. Agapovna đã tống tên quản gia về buồng y: có y mọi người mất cả thoải mái. Bàn tay trắng trẻo, mũm mĩm của mụ thoăn thoắc trên khắp mặt bàn, đặt những miếng ngon nhất vào đĩa, rót những thứ rượu mùi, rượu mạnh quý nhất vào những chiếc cốc pha lê của Vơnidơ, được đem ra dùng trong dịp quan trọng nầy. Một lúc sau, nến soi tỏ gian phòng hơn và Gavrila thấy ở góc phòng có một cái khung đặt trên ghế và phủ vải thô. Agapovna, vẻ buồn rầu, chống khuỷu tay xuống bàn, bàn tay đỡ má nói:
- Tôi cũng không biết có nên đưa cậu xem cái nầy trước mặt người lạ không. Bà Xaniuska, chị cậu, đã gửi từ Hà Lan về vào đúng ngày lễ Thánh Jean đấy. Cụ Ivan Artemist kính mến, lúc thì treo nó lên tường, lúc thì thấy buồn lại tháo nó xuống, lấy vải trùm lên. Lúc gửi nó về, chị cậu có viết thư rằng: "Thưa cha, xin cha đừng ngại, cha cứ treo bức chân dung của con ở trong phòng ăn, đừng sợ gì cả. Ở châu Âu, người ta còn treo nhiều bức tranh khác nữa kia. Cha hãy tỏ ra không phải là một người man di mọi rợ".
Gavrila đi ra khỏi bàn, cầm một cây nến và kéo tuột tấm vải phủ cái khung đặt trên ghế: Golikov nhổm người lên khỏi ghế và cái hắn trông thấy khiến hắn thảng thốt đến nghẹn thở… Đó là chân dung của Volkova phu nhân, đẹp và quyến rũ khôn xiết tả.
- Chà, ghê thật? - Gavrila chỉ nói được có bấy nhiêu, tay cầm ngọn nến soi sáng bức tranh.
Nhà nghệ sĩ đã vẽ Alekxandra Ivanovna nằm trên lưng một con cá heo bơi trên đầu ngọn sóng ở giữa biển cả vào buổi sáng. Nàng nằm, trần trụi như khi mới lọt lòng mẹ và chỉ lấy có độc bàn tay nhỏ nhắn, móng tay lóng lánh như xà cừ, che thân; trong tay kia nàng cầm một quả bồng đựng nho, có hai con chim bồ câu đậu ở bên rìa đang mồ nho ăn. Trên đầu nàng, ở bên phải và bên trái, có hai chú hài đồng mũm mĩm chân giơ lên trời, phùng má thổi tù và. Gương mặt tươi trẻ của Alekxandra Ivanovna với đôi mắt xanh pha lam nhếch mép mỉm cười ranh mãnh
- Chà, cái chị Xanka nầy! - Gavrila nói, hắn cũng hết sức ngạc nhiên. - Andriuska, chúng ta phái ngươi sang Hà Lan chính là đến chỗ chị ấy đấy… Nhưng hãy coi chừng, ở bên đó ma quỷ rất có thể cám dỗ ngươi lắm. Thần Vệ nữ, đúng là một vị Thần Vệ nữ? Không lạ gì mà có những chàng vương tôn công tử đọ gươm vì chị ấy và có người đã bỏ mạng!
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)