Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 36

Vaxili Vaxilievich từ Poltava đột ngột trở về. Trời vừa hửng sáng mà trong tiền sảnh của hoàng cung và trong các hành lang đã không còn chỗ len chân nữa.
Hoàng cung ồn ào như tổ ong. Cả đêm Sofia không sao chợp mắt được. Chiếc áo dài nặng trên một pud có thêu kim tuyến và đính một mạng lưới ngọc trai quý, chiếc hoàng bào của các Sa hoàng đính hồng ngọc, bích ngọc và kim cương, mấy chuỗi hột đeo cổ, chiếc dây xà tích bằng vàng, tất cả những thứ đó đè trĩu trên vai Sofia. Ngồi bên cửa sổ công chúa mím chặt môi lại để khỏi run. Mụ Vecka, người thân tín của công chúa thở hơi vào ô kính cho tan băng giá nói:
- Mẹ thân mến chim bồ câu thân mến của con, ông ấy kia rồi?
Mụ đỡ lấy khuỷu tay công chúa và Sofia nhìn ra. Trên lớp tuyết rơi đêm trước, một chiếc xe trượt tuyết đóng sáu con ngựa xám đốm trắng, trên đầu có buộc lông cò trắng, phi nước kiệu từ cửa ô Nikonskie bon đến; dây buộc hậu ngựa bằng nhung có điểm những quả tua bạc dài lòng thòng sát đất; mấy tên gia nhân chạy bộ mặc áo nẹp trắng chạy trước bầy ngựa, miệng hét to: "tránh ra, tránh ra". Mấy viên sĩ quan mặc áo giáp và chiến bào ngắn, cưỡi ngựa chạy hai bên cửa chiếc xe đóng kín mít, thấp và tứ phía phủ gấm. Xe đỗ lại trước Thềm Đỏ. Bọn quý tộc chen vai thích cánh nhau xô ra đỡ vương hầu xuống xe.
Bà nhiếp chính, mắt trợn người, như muốn ngất. Mụ Vecka lại đưa tay ra đỡ: "Tội nghiệp, lệnh bà buôn nhớ ông ta biết nhường nào" Sofia rên rỉ:
- Vecka, đưa cho ta cái mũ Monamakha!
Công chúa chỉ trông thấy Vaxili Vaxilievich khi lên ngồi trên ngai vàng trong điện Hữu giác. Các ngọn chúc đài thắp nến sáng chưng. Bọn đại thần ngồi trên những chiếc ghế dài. Vương hầu đứng thẳng, quần áo sang trọng nhưng trông thiểu não: râu ria tua tủa, mắt trũng như lỗ đáo, mặt võ vàng, tóc lơ thơ trên đỉnh đầu.
Sofia cố gắng lắm mới cầm nổi nước mắt. Công chúa nhấc cánh tay mập mạp, nóng sực, cổ tay bó chặt, ra khỏi chỗ tì tay. Vương hầu quỳ một gối xuống đất, rồi cặp môi khô nẻ hôn lên bàn tay Sofia. Công chúa mong đợi thế khác kia và rùng mình như linh cảm thấy một tai hoạ…
- Vương hầu Vaxili Vaxilievich, ta lấy làm sung sướng được trông thấy khanh. Ta muốn biết tin tức về sức khỏe của khanh… - Sofia hằng giọng. - Chúa có tỏ lòng từ bi phù hộ những công cuộc ta đã giao phó cho khanh không?
Phì nộn, đầy vàng, mặt bự phấn. Sofia ngồi trên chiếc ngai khảm ngà của vua cha. Theo nghi lễ, bốn vệ sĩ - bốn gã thiếu niên mặt mũi hớn hở, y phục trắng tinh, đầu đội mũ lông chồn trắng, vai vác phủ việt bằng bạc - đứng ở đằng sau. Bọn đại thần, tựa các thánh trên thiên đường, đứng hai bên, vây quanh bệ tam cấp phủ dạ đỏ chói, trên đặt ngai vàng. Mọi sự diễn ra một cách huy hoàng theo đúng nghi lễ cổ kính của các hoàng đế Byzăngxơ. Vaxili Vaxilievich cúi đầu nghe, một đầu gối quỳ xuống đất, hai tay dang ra…
Sofia đã nói xong, Vaxili Vaxilievich đứng lên cảm ơn bà nhiếp chính về những lời lẽ ân cần. Hai viên thừa lại của viện Duma trịnh trọng dâng vương hầu một chiếc ghế gấp. Đã đến vấn đề chủ yếu: tại sao vương hầu về đây? Với một con mắt thăm dò và nghi ngại, Vaxili Vaxilievich liếc nhìn những khuôn mặt quen thuộc lạnh lùng như khuôn mặt những tượng thánh, đỏ như đồng điếu, trông độc ác, húp híp vì ăn không ngồi rồi, trán nhăn lại, các khuôn mặt ấy đều chảy dài ra chờ đợi vương hầu Golixyn sẽ nói gì nhằm vào túi tiền của họ… Vaxili Vaxilievich bắt đầu một cách quanh co…
"Thần là tôi tớ, là nô lệ của các đức Đại đế, Sa hoàng và Đại quận công và vân vân… thần xin dập đầu lạy chào các đức đại đế và ngửa xin các đức đại đế tiếp tục ban hoàng ân cho kẻ tôi tớ Vaksa nầy và bè bạn của thần như xưa và ngửa xin các đức vua truyền lệnh gửi cho đạo quân bách chiến bách thắng của các đức vua bức tranh Đức Bà thiêng liêng cao cả vô cùng và trong trắng vô cùng, của Đức Thánh mẫu nhân đức Maria đời đời đồng trinh của tu viện Dolskoi để Đức Bà thiêng liêng vô cùng thân chỉ huy các trung đoàn của các đức vua, phù hộ độ trì khỏi mọi tai ương, hoạ hoạn và đánh bại quân thù của các đức vua một cách nhiệm mầu, dành lấy những chiến thắng vinh quang…"
Vaxili Vaxilievich nói rất lâu. Không khí ngột ngạt và mồ hôi của các quan đại thần tạo thành một lớp sương mù vây quanh những ngọn nến đang chảy, như một vòng quầng sáng. Vương hầu đã nói xong về bức tranh Thánh mẫu Đồng trinh của tu viện Dolskoi. Bọn đại thần sau khi đã suy nghĩ, đúng như cần phải thế, quyết định: sẽ gửi bức tranh thánh đi. Họ thở phào, lòng nhẹ nhõm. Lúc đó Vaxili Vaxilievich liền nói, lần nầy nói một cách kiên quyết về vấn đề chủ yếu: đã gần ba tháng nay, quân đội vẫn chưa được lĩnh lương. Các sĩ quan ngoại quốc như đại tá Patric Gorden nổi giận, quẳng tiền đồng xuống đất và đòi phải được trả lương bằng tiền bạc hoặc vạn bất đắc dĩ, bằng lông hắc điêu thử. Quần áo của binh lính thì đã cũ nát, ủng dạ thiếu be bét, cả đạo quân phải đi ủng gai mà ủng gai cũng thiếu nốt… Vậy mà đến tháng hai đã lại phải lên đường chinh chiến rồi… Cần phải làm mọi việc để tránh một thất bại mới.
- Khanh cần bao nhiêu tiền? - Sofia nói.
- Tâu lệnh bà, năm trăm ngàn rúp, tiền bạc lẫn tiền vàng.
- Úi chà! - Bọn đại thần sửng sốt kêu lên. Có người đánh rơi cả gậy và trượng. Thế là họ đều nhao nhao lên, đứng phắt dậy, dang tay áo lông đập bồm bộp vào cạnh sườn: "Tai hoạ cho chúng thần!…".
Vaxili Vaxilievich nhìn Sofia, bà nhiếp chính đáp lại hắn bằng một cái nhìn nồng nàn. Vaxili Vaxilievich nói tiếp, mạnh bạo hơn:
- Có hai người từ Warsawa đến tìm thần ở doanh trại. Họ là hai tu sĩ dòng Jeduyt. Họ có đem theo uỷ nhiệm thư của vua Pháp. Họ đề nghị với chúng ta một việc lớn. Việc nầy sẽ đem lại cho các đức Thánh thượng tôn nghiêm (hắn đứng dậy cúi chào Sofia) một lợi ích to lớn… Họ nói thế nầy: hiện nay, các vùng biển bị bọn hải tặc quấy nhiễu, gây nhiều nguy hiểm cho thuyền bè Pháp vượt trùng dương quanh thế giới, nhiều hàng hoá bị mất toi. Còn như con đường đi qua đất Nga sang phương Đông thì thông suốt và dễ dàng; nó dẫn đến Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa. Họ nói, dẫu sao các ông cũng không có phương tiện đê xuất khẩu hàng hoá; nhà buôn ở Moskva đã cạn tiền cá rồi. Còn nhà buôn Pháp thì giàu có. Hãy bỏ cái việc phòng thủ biên giới một cách không cần thiết đi, mà để cho các nhà buôn buôn của chúng tôi xâm nhập Siberi, cho họ đi xa hơn nữa, đến nơi nào họ muốn. Họ sẽ mở đường ở các vùng đầm lầy, họ sẽ cắm cột chỉ cây số, họ sẽ xây dựng các quán trọ. Tại Siberi, họ sẽ mua lông thú mà họ sẽ trả bằng vàng và nếu họ phát hiện được khoáng sản, họ sẽ tổ chức khai thác.
Lão vương hầu Primkov Rostovski không nhịn nổi nữa, ngắt lời Vaxili Vaxilievich:
- Chúng ta đang không biết làm thế nào trừ bỏ cho được cái bọn tà giáo ở Kukui. Thế mà ông lại muốn chất thêm bọn khác lên lưng chúng ta… Đạo chính thống thực là đến ngày diệt vong…
- Dưới thời cố Sa hoàng, chúng ta vất vả lắm mới gạt được bọn Anh, - vị quý tộc đại thần của viện Duma là Boborykin, kêu lên - vậy mà giờ đây, ta lại phải quy phục bọn Pháp ư? Không bao giờ!
Một đại thần khác, Zinoviev, giận dữ, dằn từng tiếng:
- Chúng ta phải cương quyết giữ vừng điều nầy: phải bẻ gẫy hoàn toàn cái thói kiêu căng ngàn năm của bọn nước ngoài chứ không vứt bỏ nền công nghiệp và thương mại vào tay chúng. Chúng ta phải làm cho chúng trở thành ngoan ngoãn dễ bảo… Chúng ta đây là thành La Mã thứ ba…
Đám đại thần nhao nhao tán thành:
- Rất đúng, rất đúng!
Vaxili Vaxilievich nhìn quanh. Hắn nổi giận, đôi mắt trơ nên sáng hơn, hai lỗ mùi phập phồng:
- Ta chăm nom đến quyền lợi Nhà nước không kém gì các ông… (Hắn cất cao giọng). Ta đã tự cào xé ngực ta… (Hắn lấy nhẫn gõ vào áo giáp). Ta đã lấy móng tay cào xé ngực ta khi được tin bọn bộ trưởng Pháp sỉ nhục các sứ thần Dolgoruki và Myseski của triều đình… Họ đã ra đi tay không để vay tiền và chính cái đó đã làm cho họ mất danh dự… (Nhiều tên trong bọn đại thần khụt khịt mũi). Nếu họ tới trình diện với một mối lợi cho vua Pháp thì số tiền ba triệu bảng đã nằm ở Bộ Nội điện từ lâu rồi. Bọn tu sĩ dòng Jeduyt đã thề trên Kinh thánh là nếu các thánh thượng chấp nhận dự án của họ và nếu viện Duma xác nhận thông qua họ lấy đầu họ ra đảm bảo rằng ba triệu bảng sẽ được trao cho ta trước mùa xuân.
- Vậy thì các ngài đại thần hãy suy nghĩ đi, - Sofia nói. - Việc nầy quan trọng đấy.
Nói thì thật dễ: suy nghĩ về một việc như vậy… Quả thực là, có một thời, sau thời kỳ loạn lạc, bọn nước ngoài đã sà vào nước Nga như một đàn diều hâu: chúng chiếm đoạt công nghiệp và thương nghiệp, làm hạ giá mọi thứ. Các chúa đất buộc phải bán gai, đay, lúa mì với giá rẻ mạt. Và chính những tên nước ngoài đó đã dạy người Nga mặc nhung Tây Ban Nha, vải Hà Lan, lụa Pháp, đi xe ngựa, ngồi ghế bành của Ý. Dưới thời cố Sa hoàng Aleksey Mikhailovich trị vì, ách nước ngoài đã được vứt bỏ. Ta đã quyết định tự tay ta xuất cảng hàng hoá bằng đường biển. Ta đã mời người thợ cả Kacxten Bran từ Hà Lan tới. Ta đã vất vả đóng được chiếc tàu "Phượng hoàng". Nhưng công việc đã ngừng lại ở đó. Không tìm được người có khả năng lái tàu đi biển. Tiền thì thiếu mà rồi công việc đó cũng quá phức tạp. Tàu "Phượng Hoàng" đậu trên sông Volga trước thành Nizni Novgorod đã mục ra. Và thế rồi, một lần nữa, bọn nước ngoài lại thọc tay tới tận khuỷu vào túi người Nga… Tìm ra giải pháp nào bây giờ? Phải xuất ra năm trăm nghìn rúp cho cuộc chiến tranh chống phiên vương Krym - không có số tiền ấy, Golixyn sẽ không đi…
Thấy chưa? Hắn đem cái số tiền ba triệu ấy dụ dỗ người ta mới khôn khéo chứ! Nghĩ đến việc nầy thật toát cả mồ hôi…
Zinoviev, xoắn bộ râu của mình, đề nghị:
- Hay là ta đánh thuế thêm các vùng ngoại ô… Đánh thuế muối chẳng hạn.
Vương hầu Volkonski, một lão già thông minh lanh lợi, đến lượt mình đề nghị:
- Ta chưa đánh thuế ủng gai…
- Đúng đấy, đúng đấy, - bọn đại thần kêu lên. - Mỗi tên nông dân đùng mười hai đôi ủng gai một năm. Chỉ cần đánh thuế mỗi đôi ủng gai hai denghi là ta sẽ đánh bại tên phiên vương.
Bọn đại thần thở phào. Vấn đề đã được giải quyết.
Chúng hồi lại, tên thì chấm mồ hôi trán, tên thì quay ngón tay cái, có những tên khác mừng quá, đánh rắm trong áo bông: Chúng đã ranh ma hơn Vaxili Vaxilievich. Nhưng hắn vẫn không chịu. Vi phạm cả lễ nghi, hắn nhảy chồm lên, lấy gậy gõ xuống sàn:
- Đồ mất trí! Các ông xu không dính túi mà lại vứt cả một kho vàng vào đống bùn! Các ông đói khát mà lại đi gạt bàn tay đang chìa bánh cho các ông? Phải chăng Chúa đã làm rối loạn đầu óc các ông? Ở tất cả các nước ngoan đạo - có những nước không bằng một quận của ta, nền thương nghiệp phồn thịnh, các dân tộc làm giàu, mọi người đều tìm kiếm lợi nhuận… Riêng chúng ta thì cứ ngủ li bì… Nhân dân tuyệt vọng trốn đi khắp nơi như thời có bệnh dịch hạch… Các khu rừng đều đầy rẫy kẻ cướp… Và ngay bọn cướp cũng trốn đi cho xa… Chẳng bao lâu nữa đất nước Nga sẽ trở thành bãi sa mạc! Bọn Thuỵ Điển, bọn Anh, bọn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ việc đến mà cưỡi lên đầu lên cổ chúng ta…
Từ cặp mắt xanh của Vaxili Vaxilievich trào ra những giọt lệ phẫn nộ. Sofia, móng tay cắm chặt vào chỗ tựa trên ghế, từ trên ngai vàng, cúi xuống, đôi má run run.
- Không cần thiết phải để cho bọn Pháp vào đây!
Vương hầu Fedor Yurievich Romodanovski nói, giọng nghiêm nghị Sofia nhìn ông ta chòng chọc. Bọn đại thần im bặt. Romodanovski lắc lư cái bụng để tiến ra sát mép ghế và đứng dậy, chân hắn ngắn ngủn, lưng rộng, cái đầu nhỏ bé có mái tóc vuốt thẳng rụt lại. Nhìn cặp mắt xếch lầm lì của hắn mà lạnh cả người. Hắn đã cạo bỏ râu được ít lâu nay, bộ ria xoắn vểnh lên, cái mũi khoằm nhòm xuống cặp môi dầy.
- Ta không cần bọn nhà buôn Pháp; chúng sẽ lột ta đến chiếc áo lót cuối cùng… Chắc chắn là như vậy… Cách đây không lâu tôi có đến chỗ Sa hoàng ở Preobrazenskoe… ở đó họ ăn chơi, vui đùa phóng đãng… Có thế thật. Nhưng cũng có những trò chơi hợp lý bọn Đức, bọn Hà Lan, bọn thợ cả, bọn đóng tàu, bọn sĩ quan đều thành thạo công việc của họ… ở đó có hai trung đoàn - trung đoàn Xemionovski và trung đoàn Preobrazenski. Ta không thể so sánh họ với bọn xtreletz của ta được. Ta không cần bọn nhà buôn nước ngoài, nhưng ta không thê không nhờ đến họ… Ta phải tổ chức sản xuất sắt, vải, da, thuỷ tinh tại nước ta. Ta phải cho các nhà máy cưa của ta chạy bằng cối xay gió như ở Kukui… Và xây dựng một hạm đội, đó là những cái cần làm. Còn thuế đánh vào ủng gai mà ta đưa ra hôm nay: A, nhưng mà các ông làm tôi chán quá. Các ông muốn quyết định gì thì quyết định, đối với tôi cũng thế thôi!
Vẻ bực tức, hắn lắc đầu với bộ mặt thô và bộ ria xoăn tít rồi lùi lại và ngồi xuống ghế.
Ngày hôm đó, viện Duma quý tộc chẳng quyết định gì dứt khoát.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)