Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 41

Cuối tháng hai, quân Nga lại tiến đánh Krym.
Mazeppa thận trọng đã khuyên là nên tiến dọc theo bờ sông Dniep, vừa tiến vừa lập những pháo đài nhỏ. Nhưng Vaxili Vaxilievich không muốn nghe nói đến lối tiến quân chậm chạp như vậy: hắn muốn tới Perekov thật nhanh để rửa nhục trong một trận quyết chiến.
Ở Moskva, người ta vẫn còn phải đi lại bằng xe trượt tuyết nhưng ở đây, các "kurgan"(1) đều phủ một tấm thảm mao lương mượt như nhung; trên cánh đồng bằng xanh rờn, gió thổi gợn mặt hồ ao, nước ngập đến đầu gối ngựa. Mặt trời sáng chói ló ra ở khe hở của những đám mây mùa xuân. Ôi, lạy Chúa, đất ở đây đen, màu mờ làm sao, thật là một kho vàng! Nếu mà xua được bọn nông dân ở trong rừng, trong các đầm lầy ra đây, chúng sẽ gặt hái lúa mì, bao nhiêu cũng có.
Nhưng xung quanh không một bóng người. Chỉ có những đàn sếu bay qua, cao tít trên bầu trời, tiếng kêu kéo dài. Cánh đồng cỏ nầy đẫm nước mắt những người bị bắt: từ bao thế kỷ nay hàng triệu người Nga đã bị bọn Tarta giải đi qua đây, đêm đày ải trên các chiến thuyền ở Constantinop, tại Vơnidơ, tại Giên (2), tại Ai Cập.
Người Cô-dắc khoe khoang về thảo nguyên. Ở đây, có được một vụ thu hoạch tất dễ như trò trẻ: gieo một ăn hai mươi chỉ cần nhổ một bãi nước bọt là cây mọc.
"Nếu không có cái bọn Tarta chết tiệt ấy thì người ta đã lập được biết bao nhiêu trại ấp ở vùng nầy!" Đám binh lính quê ở phương Bắc ngạc nhiên về sự màu mỡ của đất. Họ nói: "Cuộc chiến tranh nầy là đúng. Làm sao lại có thể bỏ hoá chỗ đất tốt như thế nầy được!" Bọn chúa đất trong đội vệ binh quý tộc nhằm sẵn những miếng đất tốt để lập dinh cơ. Chúng cãi nhau về chuyện chia đất sau nầy và chạy đi tìm Vaxili Vaxilievich ở trong lều và cúi chào: "Nếu thượng đế cho phép chúng ta chiếm được vùng nầy thì Sa hoàng phải ban cho tôi mảnh đất chạy từ thung lũng nhỏ nầy đến cái kurgan trên có hình người bằng đá…".
Tháng năm, đạo quân Moskva và Ukraina, đông một trăm hai mươi ngàn người, tới cánh đồng bằng xanh rộng mênh mông, có nhiều nước và cỏ. Tại đây, quân Cô-dắc giải đến trước mặt Vaxili Vaxilievich một "cái lưỡi"(3), một tù binh: một gã Tarta béo mập, da rám nắng bóng loáng, râu đỏ, mặc khalat(4) lót vải bông. Vaxili Vaxilievich đưa chiếc khăn tay nhỏ lên bịt mũi để khỏi phải ngửi thấy cái mùi cừu bôi từ người tên Tarta bốc ra. Hắn ra lệnh tiến hành hỏi cung. Người ta lột chiếc áo khalat của tên tù binh. Gã Tarta, để lộ hai hàm răng nhỏ, lắc cái đầu cạo trọc xanh rì. Một lính Cô-dắc, mặt hầm hầm, cầm roi quất lên đôi vái rám nắng của tên tù binh. Gã Tarta vội nói rối rít: "Tôi xin nói hết, tôi xin nói hết". Lính Cô-dắc dịch lại "Thằng "trọc đầu" bảo rằng quân man ở cách đây không xa và Phiên vương ở đấy…" Vaxili Vaxilievich làm dấu thánh giá và sai người đi gọi Mazeppa. Khoảng chiều tối, đạo quân dàn thành thế trận, hai bên cánh là kỵ binh, ở giữa là xe lương thảo và súng đại bác, rồi tiến đánh quân Tarta.
Mặt trời, như một cái đĩa màu da cam, vừa mới ló lên trên cánh đồng bằng thấp bị chân người, chân ngựa dẫm nát thì quân Nga trông thấy quân Tarta. Những đội kỵ binh tuần thám tập hợp lại rồi tản ra.
Vaxili Vaxilievich, đứng trên một chiếc xe, cầm ống nhòm quan sát những chiếc áo khalat sặc sỡ, những cái mu nhọn, những bộ mặt hung ác, gò má nhô cao, những túm lông đuôi ngựa buộc ở đầu các ngọn giáo, những tên "mola"(5) nghiêm trang chít khăn xanh. Đó là đội tiên phong của quân man.
Các đội kỵ binh quay trở lại, tập hợp thành một khối dày đặc. Bụi bay mù mịt. Chúng xung phong phóng nước đại, quân Tarta toả ra như thác đổ. Tiếng chúng gào thét the thé vọng tới tai quân Nga. Gió thổi tạt vào mặt quân Nga che lấp chúng. Chiếc ống nhòm run lên trong tay Vaxili Vaxilievich. Ngựa của hắn, buộc vào bên xe, lồng lên, dứt đứt dây cương một chiếc tên có lông cắm phập vào cổ nó… Đại bác bắn ầm ầm, súng trường nổ ran. Có thế chứ!… Mọi vật đều biến mất trong đám khói trắng quay cuồng như một cơn lốc. Một mũi tên bịt sắt bắn trúng áo giáp của Vaxili Vaxilievich kêu lanh canh, đúng chỗ tim. Hắn rùng mình, làm dấu thánh giá ở chỗ trúng tên.
Hai bên bắn nhau trong hơn một tiếng đồng hồ.
Khi khói tan, nhiều con ngựa đang giãy giụa trên cánh đồng ngổn ngang chừng một trăm xác chết. Quân Tarta bị súng bắn lui, biến mất ở chân trời. Có lệnh nấu ăn, cho ngựa uống. Lính bị thương được đặt lên xe ngựa.
Trước khi mặt trời lặn, đoàn quân lại tiến một cách hết sức thận trọng về phía cánh đồng Sornaia Dolina, nơi Phiên vương Tarta đóng cùng với quân man trên bờ sông Kolosak.
Đêm đến, gió mạnh nổi lên, từ biển thổi về. Sao biến mất, khuất sau mây. Xa xa có tiếng sấm ầm ì. Trong các đám mây dầy, lóe lên những ánh sáng của giông tố, chưa từng thấy bao giờ, chiếu sáng cả cánh đồng xám xịt: cát, những túm khổ ngải, những ruộng muối.
Đoàn quân chậm chạp tiến. Vào khoảng bốn giờ sáng, bầu trời toác ra và một cột lửa giáng xuống xe vận tải lương thảo, làm cháy một khẩu đại bác và giết chết đám pháo thủ giữ khẩu súng nầy. Một cơn bão dữ dội đổ đến, quật ngã người, thổi bay áo khoác, mũ, và cỏ trên các xe ngựa. Chớp giật sáng rực, lóe mắt. Có lệnh phải rước tranh đức Thánh mẫu đồng trinh của tu viện Dolskoi đi vòng quanh doanh trại.
Tang tảng sáng thì trời đổ mưa. Qua màn mưa bị gió thổi bay đi, người ta trông thấy quân man ở về phía cánh phải của quân Nga: bọn Tarta dàn thành hình cánh cung, tiến lại. Không để quân Nga kịp định thần, chúng đánh tan đội kỵ binh và đánh lui trung đoàn tiêu phong phải rút về chỗ đội xe lương thảo. Mồi súng đại bác châm không cháy, thuốc súng trong ở các súng trường bị thương. Quân Tarta dừng lại trước đội xe ngựa dàn thành ba hàng. Dây cung của chúng ướt sũng nước và tên bắn đi rơi xuống lả tả.
Vaxili Vaxilievich đi bộ, lồng lộn giữa đội xe kéo, cầm roi vụt bọn lính pháo thủ, bắt tay vào lăn bánh xe, giật bỏ mồi đạn. Mưa quất vào mắt, làm miệng mọi người đầy nước. Sau cùng, lính pháo thủ lấy áo khoác che mưa, bật được bùi nhùi; người ta cho thêm thuốc khô vào và các khẩu đại bác bắn đạn ghém vào dám ngựa Tarta… Ở cánh trái, Mazeppa và quân Cô-dắc của hắn chiến đấu kịch liệt bằng gươm trần. Bỗng nhiên, bọn "mola" hú lên những tiếng hú dài: quân Tarta lùi lại rồi biến mất trong mưa rơi tối sầm trời đất.
 
Chú thích:
(1) Mộ cổ: những nấm đất đắp trên mộ cổ đó.
(2) Constantinop: thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ thời xưa. Vơnidơ; Giên: thương cảng lớn ở Ý thời xưa.
(3) Tù binh bắt sống để lấy cung.
(4) Áo dài mặc ngoài.
(5) Chức sắc trong tôn giáo và chinh quyền ở các nước theo Hồi giáo.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)