Nếu các quan đại thần ngồi trong viện Duma, tại điện Kreml vẫn hy vọng sống được như xưa nhờ ơn Chúa, - "Vị Sa hoàng trẻ tuổi, họ tự nhủ, sẽ bày ra những trò ngông cuồng của thời niên thiếu, mọi việc sẽ đâu vào đấy chẳng việc gì phải lo nghĩ; dù cơ sự có xảy ra thế nào đi chăng nữa thì nông dân vẫn cứ nuôi bọn mình, nếu bây giờ ở Preobrazenskoe, vua Piotr sống giữa đủ các hạng người mới, gian tham, nào lái buôn, nào quý tộc đã đem đổi danh dự của cha ông lấy một bộ tóc giả dài, nhà vua thẳng tay phung phí Ngân khố vào các trò du hí quân sự, vào việc đóng tàu, xây dựng các xloboda cho binh lính và lâu đài cho đám sủng thần, nếu nhà vua cứ vô tư lự đắm đuối trong các cuộc hoan lạc, tửu sắc, nếu Nhà nước trục trặc như một chiếc xe bò đi trên bãi lầy, - thì ở phương Tây (tại Vơnidơ, trong đế quốc La Mã và tại Ba Lan) sự việc lại diễn biến theo một chiều hướng không thể nào dung thứ sự trì trệ và tráo trở của triều đình Moskva được nữa. Quân Thuỵ Điển hùng cứ ở Bắc Hải, còn quân Thổ Nhĩ Kỳ thì làm bá chủ Địa Trung Hải và được vua Pháp ngầm ủng hộ. Hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đoạt các tàu buôn của Vơnidơ. Vệ binh của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ tàn phá nước Hungary. Quân Tarta vùng Krym, thần dân của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ hoành hành trên các thảo nguyên miền nam Ba Lan. Và Nhà nước Moskva theo một hiệp ước đã ký kết phải khởi binh đánh quân Tarta và quân Thổ Nhĩ Kỳ, thì cứ lần lựa, quanh co chẳng làm gì, chỉ gửi mấy bức thư. "Bản triều đã hai phen cử một đạo quân đến Krym, nhưng các nước đồng minh không chịu ủng hộ. Năm nay, thu hoạch lúa kém, phải đợi sang năm. Bản triều không khước từ việc binh đao, nhưng bản triều đợi quý quốc khởi chiến rồi bản triều sẽ giúp, bản triều xin thề như vậy. Các sứ thần của phiên vương xứ Krym nấn ná mãi ở Moskva; họ không tiếc một thứ quà cáp nào để đút lót quan đại thần, họ ra công thuyết phục đám đại thần là nên ký hoà ước vĩnh viễn với xứ Krym; họ thề sẽ không bao giờ tàn phá nước Nga nữa và thôi không đòi cái khoản cống vật nhục nhã xưa kia nữa.Lev Kirilovich viết thư cho các sứ thần Nga ở Viên, Krakow và Vơnidơ là đừng có tin vào những lời hứa của Hoàng đế (1), Quốc vương (2) và Đại thống lĩnh (3), và về phía mình thì cũng chỉ hứa hẹn lửng lơ thôi. Câu chuyện dây dưa đã sang đến năm thứ ba. Người Thổ Nhĩ Kỳ doạ sẽ đốt phá toàn cõi Ba Lan và cắm cờ trắng lưỡi liềm lên Viên và Vơnidơ. Johan Quetiux sứ thần của Hoàng đế từ Viên tới Moskva. Đình thần hoảng sợ: thế nào cũng phải quyết định một bề rồi. Người ta đón tiếp sứ thần rất trọng thể, dẫn ông ta vào điện Kreml đế ở trong một toà lâu đài nguy nga, định mức cung đốn ăn uống gấp đôi sứ thần các nước khác, rồi người ta bắt đầu dối trá, làm rối rắm và kéo dài mọi việc, nói rằng Sa hoàng đi vắng để dự một cuộc hành lạc và nếu không có hoàng thượng thì chẳng quyết định được chuyện gì hết.Tuy nhiên cũng vẫn phải bàn bạc. Johan Quetiux dồn bọn đại thần vào chân tường, nếu ra bản hoà ước ký trước kia và buộc họ phải quyết định khởi chiến: các quan đại thần phải hôn cây thánh giá mà thề như vậy. Quetiux rất mừng liền ra về. Hoàng đế La Mã và Quốc vương Ba Lan gửi thư tạ ơn đến Moskva trong đó họ gọi Sa hoàng là "Hoàng thượng" với đủ mọi thứ danh hiệu thậm chí cả danh hiệu "Quốc vương các xứ Iberi, Georgi và Kabarda và tất cả các đất đai của cha ông, tổ tiên". Sau việc đó, Moskva còn lần lựa thêm được ít lâu. Nhưng rõ ràng là không thể tránh khỏi chuyện binh đao… Chú thích:(1) Hoàng đế Áo (ở thủ đô Viên).(2) Quốc vương Ba Lan (ở thủ đô Krakow).(3) Đại thống lĩnh Vơnidơ.