Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 92

Nữ tuyển hầu Sofia và ái nữ Sofia Saclôt ngồi cạnh một chiếc bàn bày thức ăn kê trước cái lò sưởi có phủ một tấm gấm Trung Quốc để che lấp vẻ xấu xí.
Hai mẹ con bà dũng cảm chịu đựng mọi sự bất tiện của toà lâu đài trung cổ nầy mà chủ nhân đã để cho họ sử dụng. Những tấm thảm tân thời treo tường và trải sàn không che lấp nổi những bức tường tróc vôi nham nhở. Trên vòm mái cao chắc hẳn có nhiều chú cú trú ngụ. Những chiếc ghế bành nhỏ bọc lụa do chủ nhân vội vã kiếm được, đặt trên sàn gạch đã mòn đi vì ủng của các chàng kỵ sĩ có bộ râu đỏ hoe và vó những con ngựa nòi của họ. Chỗ nào cũng xông lên mùi chuột và bụi bặm.
Các vị nữ khách rùng mình nhớ đến những phong tục man rợ ấy, nhìn trời nay đã vĩnh viễn qua đi. Họ đành tự an ủi bằng cách nhìn một bức tranh lớn treo vào một cái móc sắt đã gỉ dùng để treo khiên, mộc và áo giáp. Bức tranh vẽ một cảnh tượng phong phú sung túc trên một quầy hàng có bày một đống cá biển và tôm hùm, hàng xâu chim muông, rau cỏ, hoa quả, những con lợn lòi bị giáo xiên ngang người. Màu sắc các bức tranh toả ánh sáng rực rỡ.
Hội hoạ, âm nhạc, thi ca, những hoạt động của một trí tuệ lanh lợi hướng về những cái gì tế nhị, thanh lịch, đó là nội dung duy nhất xứng đáng với đời người ngắn ngủi sớm nở tối tàn: nữ Tuyển hầu và con gái bà nghĩ như vậy. Họ là những phụ nữ thông thái nhất nước Đức. Cả hai đều có quan hệ thư từ với Laibnix(1) ông nầy đã nói về họ: "Trí tuệ của những phụ nữ đó khao khát hiểu biết đến nỗi có lúc tôi phải đầu hàng trước những câu hỏi xuất sắc của họ. Họ khuyến khích nghệ thuật và văn học. Sofia Saclot đã thành lập một viện Hàn lâm khoa học ở Berlin. Mới đây, Tuyển hầu Frederich trong một bức thư dí dỏm và đôn hậu đã trao đổi với họ cảm tưởng của ông về vị Sa hoàng của dân man rợ đang mượn lốt lột người thợ mộc để chu du thiên hạ. "Xứ Moskovi như tôi thấy, đang thức dậy khỏi giấc ngủ Á đông của nó. Điều cần thiết là phải dẫn dắt những bước đi đầu tiên của xứ ấy theo một hướng tốt". Hai mẹ con nữ Tuyển hầu không ưa thích chính trị; họ đến Kopenburg chỉ vì một lòng ham muốn hiểu biết cao quý.
Những ngón tay gầy của nữ Tuyển hầu Sofia nằm lấy đôi tay vịn của chiếc ghế bành. Bà lắng tai nghe: qua cửa sổ mở ngỏ trông ra khu vườn chìm trong đêm tối qua tiếng lá rì rào, bà nghe hình như có tiếng bánh xe lăn. Những hàng ngọc trai tô điểm bộ tóc giả màu trắng rung rinh; bộ tóc giả căng trên một bộ khung cao đến nỗi dù có giơ tay lên bà cũng không thể với được chỏm. Nữ Tuyển hầu, người gầy gò, nhăn nheo: những kẽ chân răng hàm dưới của bà đều có sáp bịt kín. Lớp đăng ten quanh cổ áo hở ngực màu hoa cà che lấp những gì không còn sức quyến rũ nữa. Chỉ có cặp mắt đen láy mở to là long lanh một ánh sáng ngời hóm hỉnh.
Sofia Saclot có cặp mắt đen láy như mẹ nhưng cái nhìn điềm đạm hơn, nàng đẹp, đường bệ và trắng trẻo.
Một vầng trán thông minh dưới bộ tóc giả rắc phấn, đôi vai trắng ngần và cái cổ để hở gần đến đầu vú, cặp mông mỏng, một cái cằm rắn rỏi… Cái mũi hơi hớt của nàng buộc người ta phải chăm chú nhìn, để tìm kiếm một nét phù phiếm ẩn giấu đâu đó.
- Đây rồi - Sofia Saclot vừa nói vừa đứng dậy - Họ đến rồi.
Mẹ nàng đi lên trước. Trong tiếng lụa sột soạt, hai người đến gần cửa sổ xây thành một cái ổ trong bề dày của tường nhà. Một bóng người cao lênh khênh, vung vẩy cánh tay như bơi chèo rảo bước trên lối đi trong vườn. Theo sau là một bóng khác, tất tả, mặc áo choàng, đội mũ hình nón và xa hơn một chút là một bóng thứ ba.
- Ông ta đấy, - nữ Tuyển hầu nói, - Trời ơi, một người khổng lồ!
Koppenxten mở cửa:
- Đức Sa hoàng!
Một bàn chân vòng kiềng đi giầy đầy bụi và đi tất len hiện ra: vua Piotr nghiêng người bước vào. Trông thấy hai vị phu nhân đứng dưới ánh nến, nhà vua ấp úng: "Guten Abend"(2). Nhà vua giơ tay lên như để xoa trán, rồi đâm ra bối rối thật sự và lấy tay che mặt.
Nữ Tuyển hầu Sofia tiến đến cách nhà vua ba bước, nhón tay nâng xiêm lên, rồi với một cử chỉ lanh lẹn khác thường so với tuổi bà, bà cúi chào.
- Thưa đức Sa hoàng, tôi xin kính chào hoàng thượng.
Sofia Saclot cũng tiến lại gần, nàng dang đôi tay đẹp nõn nà như thiên nga, nâng tấm xiêm rộng lên, cúi chào.
- Cúi xin đức Sa hoàng tha thứ cho sự nóng lòng chính đáng của chúng tôi mong muốn được gặp vị anh hùng trẻ tuổi, chúa tể của những dân tộc đông vô kể và người Nga đầu tiên đã phá vỡ những thành kiến tai hại của tổ tiên mình.
Vua Piotr giật tay ra khỏi mặt và chào, người cúi gập làm đôi, cứng đơ như một cây sào; nhà vua tưởng mình lố bịch đến mức hai người đàn bà sẽ phá lên cười khinh miệt ngay bây giờ. Nhà vua lúng túng đến cực độ chẳng còn nhớ được tiếng Đức nào.
- Ich hann nicht sprechen(3)… Tôi không thể nói được nhà vua ấp úng, giọng lạc hẳn đi… Nhưng nhà vua không cần phải nói. Nữ Tuyển hầu Sofia hỏi nhà vua Piotr hàng trăm câu hỏi mà không chờ trả lời: về thời tiết, về đường sá, về nước Nga, về chiến tranh, về cảm tưởng của nhà vua trong cuộc sống hành trình. Bà luồn tay vào khuỷu tay vua Piotr dẫn đến bàn ăn. Cả ba người ngồi xuống, đối diện với gian phòng ảm đạm, vòm trần chìm trong bóng tối. Bà mẹ mời vua Piotr ăn một con chim quay nhỏ, cô con gái rót rượu. Hai người đàn bà ngào ngạt hương thơm. Vừa nói chuyện, vị nữ Tuyển hầu tuổi tác trìu mến như một người mẹ, đặt mấy ngón tay nhỏ nhắn, khô đét lên bàn tay vẫn nắm chặt của vua Piotr, nhà vua xấu hổ vì móng tay của mình đặt lên trên tấm khăn bàn trắng muốt giữa hoa bầy và đồ dùng bằng pha lê. Sofia Saclot tiếp thức ăn với một thái độ lễ phép thanh lịch, đứng dậy để với lấy một bình rượu, một món ăn và quay về phía nhà vua mỉm một nụ cười quyến rũ:
- Mời hoàng thượng xơi món nầy… Cái nầy thật quả là đáng để hoàng thượng nếm thử!
Nếu nàng không đẹp lộng lẫy và ăn mặc hở hang như vậy nếu bộ áo thơm của nàng không sột soạt thì có lẽ nàng đã khiến nhà vua nhớ đến em gái mình và giọng nói của những phụ nữ đó giống như giọng nói của những người bà con thân thiết. Vua Piotr không cứng người nữa và bắt đầu trả lời các câu hỏi. Hai nữ Tuyển hầu nói chuyện với nhà vua về các hoạ sĩ trứ danh của xứ Flandre, của Hà Lan, về các tác gia kịch lớn của triều đình Pháp, về triết học, về cái đẹp. Nhiều điều hoàn toàn mới lạ đối với nhà vua, khiến nhà vua phải hỏi lại, và rất ngạc nhiên
- Ở Moskva, khoa học và nghệ thuật ấy à? - vua Piotr nói và lấy chân đá vào một cái dưới gầm bàn - Chính tôi cũng chỉ mới thấy những cái đó ở đây thôi. Ở bên nước tôi, người ta không coi trọng mà còn sợ những cái đó. Các đại thần, các nhà quý tộc nước tôi là quân phàm phu tục tử thực sự: họ ngủ, ních cho chặt bụng, rồi cầu kinh… Nước chúng tôi thật là tăm tối ở đó quý phu nhân sẽ khiếp sợ và không thể sống nổi được lấy một ngày. Chỉ quanh Moskva không thôi đã có ba vạn tên kẻ cướp. Người ta viết trong các bài vè rằng tôi làm đổ máu nhiều, rằng tự tay tôi tra khảo phạm nhân.
Miệng vua Piotr méo xệch đi, má giật xếch lên, cặp mắt lồi mờ đi trong chốc lát dường như trước mắt nhà vua không phải là một bàn ăn dọn đầy thức ăn ngon của lạ mà là căn nhà gỗ lụp xụp không có cửa sổ, tanh hôi mùi máu ở xloboda Preobrazenskoe. Nhà vua lắc mạnh vai để xua đuổi hình ảnh đó… Hai người đàn bà tò mò và sợ hãi quan sát những đổi thay trên vẻ mặt vua Piotr.
- Thế nhưng xin các quý phu nhân đừng tin những chuyện đó. Điều mà tôi yêu thích hơn hết là đóng tàu. Chiếc thuyền chèo bằng tay Prinxipium từ cột buồm cho đến cốt thuyền đều do bàn tay làm nên (lúc ấy nhà vua mới xòe bàn tay ra cho xem lòng bàn tay đầy chai sạn). Tôi yêu thích biển và tôi mê pháo hoa. Tôi đã học đã học được mười bốn nghề nhưng chưa thành thạo. Chính vì vậy mà tôi đã tìm đến đây… Còn những kẻ nói rằng tôi tàn ác, thích đổ máu, chúng nói láo cả. Tôi không phải là người ác. Nhưng cứ sống mãi với người nước tôi, ở Moskva, người ta có thể phát điên phát rồ lên được… Ở nước Nga, phải phá vỡ tất cả xây dựng lại tất cả… Mà dân nước tôi thì bướng bỉnh hết sức! Có kẻ thà chịu roi quất nát da nát thịt. - Nhà vua ngừng bặt giữa câu, nhìn vào ở nước các phu nhân thật là một lạc thú - Còn như tôi đây, thưa lệnh bà - vua Piotr nắm lấy cánh tay nữ Tuyển hầu Sofia - trước hết, bản thân tôi phải học lấy nghề thợ mộc đã.
Các nữ Tuyển hầu vô cùng thích thú. Họ tha thứ cho nhà vua về móng tay cáu bẩn, và thói quen chùi tay vào khăn bàn, ăn uống ồn ào, dùng những tiếng của thuỷ thủ để nói về phong tục Moskva, thói quen nháy cặp mắt tròn xoe và để tăng thêm ý nghĩa câu nói của mình, nhà vua đã nhiều lần còn lấy khuỷu tay huých Sofia Saclot.
Tất thảy, kể cả tính tàn bạo họ cảm thấy có trong con người vua Piotr và sự ngây thơ không hiểu biết tí gì về một vài biểu hiện của lòng người, khiến họ vừa sợ hãi lại vừa thích thú. Vua Piotr như một con dã thú của núi rừng, toả ra một vẻ tươi tắn nguyên thuỷ. (Về sau nữ Tuyển hầu Sofia viết trong nhật ký của mình: "Người nầy có lẽ rất tốt mà cũng rất ác. Về phương diện tinh thần, ông ta là người đại diện chân chính của nước ông").
Uống rượu nho bọt và ngồi gần những phụ nữ rất mực thông minh hồn hậu ấy, vua Piotr trở nên vui vẻ.
Sofia-Saclot muốn giới thiệu người cậu em trai của mình cùng các triều thần. Vua Piotr lục trong túi lấy cái tẩu và đồng ý, cái miệng nhỏ nhắn nở một nụ cười kỳ dị: "Được, xin cứ giới thiệu đi…". Bắt đầu là quận công Zenski, một lão già khô đét có bộ râu cằm bạc trắng xén tỉa theo kiểu Tây Ban Nha mà thời nay không ai còn theo nữa, và bộ ria mép xoăn của gã đàn ông trai lơ và hay đấu kiếm; gã Kronprinz - một thanh niên ẻo lả có bộ mặt gầy dài ngoằng, mặc toàn nhung đen; các phu nhân và vương tôn công tử ăn bận lộng lẫy và sặc sỡ; rồi đến anh chàng Alexaska điển trai với đôi vai nở nang, có các bà các cô xúm xít vây xung quanh - hắn thì ở đâu cũng ung dung tự nhiên - và các sứ thần Lơfo và lão Golovin béo phệ, tổng trấn Siberi. (Đến Kopenburg, họ đã đuổi kịp cỗ xe có đệm để ngủ của Sa hoàng; khi biết nhà vua đang ở đâu họ sợ toát mồ hôi, không kịp ăn uống, thay quần áo, hối hả chạy ngay đến lâu đài).
Vua Piotr ôm hôn quận công, xốc nách nâng vị vua tương lai của nước Anh lên mà hôn vào má, rồi khuynh tròn cánh tay lại, niềm nở chào các triều thần. Các phu nhân đều nhất loạt cúi lạy, các vương tôn công tử nhón chân nhảy chào, lia mũ quét sàn nhà.
Sa hoàng nói tiếng Nga bảo Melsikov:
- Alexaska, đóng cửa thật chặt lại.
Nhà vua rót đầy rượu vào một cái cốc đựng chừng một phần tư lít, hất đầu gọi vị công tử đứng gần nhất rồi vẫn mỉm cười một cách kỳ dị, cất tiếng nói:
- Theo tục lệ Nga, không ai có thể từ chối một cốc rượu Sa hoàng mời. Tất cả mọi người, các quý phu nhân, các công tử đều phải uống một cốc đầy.
Nói tóm lại đây là một cuộc hoan lạc như ở Kukui. Các ca sĩ người Ý xuất hiện đem theo đàn măngđôlin. Vua Piotr muốn khiêu vũ. Nhưng cách đánh đàn của các nhạc công Ý mềm yếu quá, chậm rãi quá. Đám nhạc công thổi địch, thổi kèn của Preobrazenskoe đến, toàn bận áo màu đỏ tươi, tóc xén tròn quanh đầu; họ đứng xếp hàng, người cứng đơ dọc theo tường và cử một bản nhạc náo nhiệt bằng thìa, đĩa sừng bò, còi gỗ, sáo đồng… Vòm nhà trung cổ nầy chưa từng vang dội một thứ âm nhạc như vậy bao giờ. Vua Piotr dậm gót chân, mắt trợn tròn.
- Alexaska, nhảy đi!
Melsikov lắc lư đôi vai, nhíu lông mày, tạo một vẻ mặt lạnh lùng, nhảy một điệu dồn dập. Sofia muốn xem vua Piotr nhảy thế nào. Sa hoàng nhẹ nhàng nhón đầu ngón tay đỡ vị nữ Tuyển hầu và dẫn bà ta lướt đi như một con thiên nga. Rồi sau khi đã mời bà ngồi xuống nhà vua chọn một cô gái trẻ, mũm mĩm và đập hai chân vào với nhau mà nhảy múa. Lơfo tự đứng ra điều khiển các điệu nhảy. Sofia Saclot chọn Golovin béo phệ. Các dũng sĩ tuỳ tùng của Sa hoàng ở ngoài vườn vào, cũng ngồi xổm xuống vừa tung chân đá ra tứ phía vừa la hét dữ tợn như dân Tarta. Các bộ xiêm quay tròn, các bộ tóc giả rối bù. Các phu nhân người Đức được một mẻ vã mồ hôi. Đám người Nga ngạc nhiên: tại sao xương sườn các phu nhân lại cứng rắn như vậy.
Vua Piotr bèn hỏi Sofia Saclot. Thoạt đầu vị nữ Tuyển hầu không hiểu; rồi nàng cười đến chảy cả nước mắt:
- Đấy không phải là xương sườn của chúng tôi đâu mà là dây lò xo và gọng khung áo nịt của chúng tôi đấy.
Đến Kopenburg mọi người chia tay nhau. Các sứ thần đi một đường vòng rộng để đến Amsterdam. Vua Piotr và một số ít tuỳ tùng thì đi thẳng về phía sông Ranh; đến cách Xanten một chút họ xuống thuyền và xuôi theo dòng sông. Quá Senkenzsanx là bắt đầu nước Hà Lan mà họ hằng ao ước. Đoàn thuyền đi vào nhánh sông bên phải của sông Ranh và đến ngang làng Fo, nó đi qua các cửa ngăn nước vào sông đào.
Hai con ngựa màu nâu hồng, mông to, cổ cao, đầu lắc lư một cách nghiêm trang, kéo chiếc sà lan đáy bằng; chúng ta đi dọc theo một con đường cát mòn, trên bờ sông cỏ mọc xanh um. Con sông đào vạch dài một đường thẳng đứng tắp giữa vùng đồng bằng trông giống như tấm bản đồ, với những khu vườn trồng rau, những cánh đồng cỏ, những luống hoa và màng lưới kênh đào mương máng. Ngày hôm đó, trời nóng, phảng phất sương mù hoa thập tự, hoa dạ hương lan, hoa thuỷ tiên đã qua mùa. Người ta cắt và xếp vào làn những những bông hoa còn sót lại đây đó trên những luống đất đen sì. Những hoa uất kim cương - màu hoa cà, đen hay đỏ như lửa, nhiều màu sặc sỡ hay màu vàng ối phủ kín mặt đất như một tấm thảm mượt. Khắp nơi chỗ nào cũng trông thấy những cối xay, cánh quạt uể oải quay theo gió, những vườn có tường vây quanh, những trại ấp, những ngôi nhà nhỏ mái nghiêng lợp ngói với những tổ cò ở trên, những hàng liễu nhỏ ven các bờ kênh. Các thành phố, nhà:thờ, tháp in bóng lên màn sương mù màu lam, rồi lại đến những cối xay, chỗ nào cũng thấy cối xay.
Một con đò chở đầy cỏ khô lướt trên kênh dọc các vườn rau. Sau mái một khu vườn có tường vây quanh, một cánh buồm nhô lên, lướt nhẹ giữa đám hoa uất kim cương… Trước một cửa cống xanh rì những rêu, vài người Hà Lan mặc quần ống rộng thùng thình, áo chẽn và đi guốc gỗ (các con đò chở đầy rau xanh của họ đậu trên con kênh chạy tít tắp đến tận chân trời, nơi mặt trời đang chiếu sáng trong sương mù) ung dung hút tẩu thuốc đợi mở cửa kênh. Đôi lúc chiếc xà lan dập dềnh cao hơn cả cánh đồng và nhà cửa. Có thể trông thấy ở bên dưới, quả lúc lĩu trên các cây trồng dựa vào giàn, dọc theo những bức tường gạch, quần áo phơi trên dây, những con công dạo chơi trên một cái sân rải cát sạch sẽ. Nhìn những con chim đó, các du khách người Nga ngạc nhiên mãi. Xứ sở nầy người ta dành chiếm được của biển cả nhờ công sức lao động kỳ diệu, đối với họ như là một giấc mơ thực. Ở đây, người ta quý trọng, chăm sóc từng tấc đất… Đâu có như ở nước Nga, trong thảo nguyên hoang dã! Vua Piotr ngồi ở mũi sà lan, rít từng hơi thuốc qua cái tẩu bằng đất nung nói với các dũng sĩ tuỳ tùng:
- Bên chúng ta, ở Moskva, có nhiều nhà có sân rộng hơn… Nhưng động đến cái chổi, quét cái sân, trồng một vườn hoa đẹp mắt và có ích thì chẳng ai nghĩ tới… Ngay cả khi nhà mình có sắp sập đến nơi, các ngươi cũng chẳng buồn bước chân xuống khỏi lò để chống giữ nữa, ta biết các ngươi lắm, đồ quỷ thọt ạ! Các ngươi lười chảy thây ra đến nỗi các ngươi cũng không buồn ỉa đái vào chỗ thích hợp mà bĩnh ngay ra trước cửa ngõ nhà mình… Vì sao lại như vậy? Chúng ta có những vùng đất dai rộng mênh mông mà chúng ta vẫn nghèo xơ xác… Điều đó làm ta rất buồn phiền. Các ngươi xem, ở đây dân người ta đã lôi đất đai ra khỏi đáy biển, họ đã phải đem đến từng gốc cây một mà trồng. Và họ đã sáng tạo ra một thiên đàng thật sự.
Chiếc xà lan đi qua các cửa cống của con kênh lớn, rẽ vào các kênh nhỏ. Người ta đẩy thuyền bằng sào và luôn luôn gặp những chiếc thuyền chở nặng hàng hoá về phía Đông, chạy dài một dải màu xám đục nhờ nhờ, đó là biển Zuyderze, biển của Hà Lan. Những cánh buồm hiện ra mỗi lúc một nhiều trên mặt biển.
Càng đi càng thấy dân cư đông đúc. Chập tối thì tới gần Amsterdam. Thuyền bè, một đám đông thuyền bè trên mặt biển phẳng lì như cánh đồng đang nhuốm ánh hồng. Buồm, cột buồm đỏ rực lên trong ánh chiếu tà những mái nhà thờ nhọn hoắc và các toà nhà lớn. Từng đám mây đỏ ối dựng sừng sững như những quả núi bên kia mặt biển: nhưng đêm tối đổ xuống nhanh và mây chuyển sang màu xám tro. Đèn lửa sáng lên trên cánh đồng và lướt trên các kênh.
Du khách của chúng ta dừng chân để ăn tối trong một quán trọ trên bờ kênh có ánh sáng niềm nở đón mời. Họ uống rượu gin(4) và rượu alơ(5) của Anh. Từ nơi đó, vua Piotr phái tất cả các công tử tuỳ tùng cùng với những người thông ngôn và hành lý đi Amsterdam, bản thân nhà vua cùng Melsikov, Aliosa Brovkin và giáo sĩ Bitka lên một chiếc xuồng và tiếp tục cuộc hành trình tránh không vào thủ đô, Sa hoàng đến thẳng Zaandam.
Nhà vua nóng lòng được thấy nơi mình đem lòng yêu mến từ thuở thơ ấu. Người bạn già của vua Piotr, lão thợ rèn Gerit Kixt đã kể chuyện cho nhà vua nghe về nơi nầy (khi đóng những thuyền du hý trên hồ Pereiaslav). Kixt sau khi kiếm được một món tiền kha khá đã trở về quê hương. Nhưng có nhiều thợ rèn và thợ mộc đóng tàu đã từ Zaandam sang thêm (đến Arkhagensk rồi Voronez). Họ nói: "Tâu hoàng thượng Piotr Alekseevich, tàu đóng ở đó vừa nhẹ, chạy nhanh lại vừa chắc chắn, tóm lại, đó là những tàu tốt nhất tất cả".
Cách Amsterdam khoảng muời cây số về phía Bắc, tại các làng Zaandam, Kooc, Oxzaan, Zaandijic ít ra cũng có đến năm mươi xưởng đóng tàu. Ở những nơi đó người ta làm việc đêm ngày, khẩn trương đến nỗi chỉ năm sáu tuần lễ là đóng xong xuôi một chiếc tàu.
Chung quanh có khá nhiều công xưởng và nhà máy chạy bằng cối xay gió, sản xuất tất cả mọi thứ cần thiết cho các xưởng đóng tàu: các bộ phận đã tiện sẵn, đinh, móc sắt, dây thừng, buồm và đồ dùng. Các xưởng tư nhân đó đóng tàu buôn lớn đi đến các xứ thuộc địa thì đóng ở Amsterdam tại hai công trường của Bộ tư lệnh hải quân.
Ngồi trên xuồng đi trong cái vịnh hẹp và sâu, du khách của chúng ta có thể nhìn thấy ánh lửa suốt đêm trên bờ; họ nghe thấy tiếng rìu bổ, các xà gô rít ken két, tiếng sắt kêu loảng xoảng. Nhờ ánh lửa một đống củi họ nhìn thấy các gọng sườn tàu, phần lái của một chiếc tàu đang đóng dở, bóng dáng một cỗ máy bằng gỗ dùng ròng rọc nhấc lên từng chồng ván, từng đống xà gồ nặng. Những con đò có treo đèn lồng nhỏ vun vút người xuôi, nhưng giọng nói khàn khàn vang lên, không khí phảng phất mùi vỏ bào gỗ thông, mùi hắc ín, mùi hơi ẩm của con sông… Bốn người Hà Lan lực lưỡng vừa chèo, mái chèo kêu cót két, vừa hút những tẩu thuốc dài uốn cong trễ xuống.
Khoảng nửa đêm, du khách lên một quán trọ nghỉ ngơi. Người ta thay tay chèo. Buổi sáng, trời xám xịt và ẩm ướt. Nhà cửa, cối xay gió, xà lan, những lán gỗ dài, tất cả mọi thứ ban đêm có vẻ đồ sộ là vậy, sáng ra thấp bè hẳn lại, trên đôi bờ phủ một lớp sương mù màu lam nhạt. Những hàng liễu cúi mình xuống dòng nước mù mịt sương. Làng Zaandam được ca tụng hết lời đâu nhỉ?
- Làng Zaandam ấy à? Kia kìa, - một người chèo thuyền vừa nói vừa bắt đầu trỏ những ngôi nhà nho nhỏ bằng gỗ và, bằng gạch đen sạm, mái dốc và mặt nhà phẳng lì. Con đò lướt trên nước kênh ngầu bùn như trên đường phố. Làng Zaandam đang tỉnh giấc, đây đó lửa đã nhóm trong bếp lò. Phụ nữ đang lau rửa khung cửa sổ có lắp những miếng kính nhỏ lấp loáng ánh ngũ sắc vì lâu đời, đánh bóng các nắm đấm và móc đồng của những cánh cửa cong oằn. Một con gà trống gáy te te trên nóc một gian nhà kho đầy cỏ mọc.
Trời bắt đầu sáng rõ, nước bốc hơi trên kênh, nhiều sợi dây phơi quần áo chăng ngang qua kênh: những cái quần rộng thùng thình, áo lót bằng vải thô, tất len kéo dài. Khi đi thuyền qua bên dưới phải cúi đầu xuống.
Con đò rẽ vào một cái ngòi ngang và đi qua những dãy cột mục nát, chuồng gà, những mái lều có nhà xí tựa lưng vào, trước những cây liễu thân rỗng. Con ngòi chảy vào một cái vũng nhỏ; ở giữa vũng, trên một con đò một người đàn ông đội mũ vải, đầu rụt vào giữa hai vai đang câu lươn. Vua Piotr chăm chú nhìn người đó rồi vùng đứng dậy kêu to:
- Gerit Kixt, bác thợ rèn, bác đấy à?
Người đàn ông nhắc cần câu lên rồi sau đó mới nhìn lên. Vốn là người trầm tĩnh lạ lùng song rõ ràng lão cũng phải ngạc nhiên: đứng trên con đò đang đi đến là một chàng thanh niên ăn mặc như thợ Hà Lan: mũ vải dầu, áo khoác đỏ và quần chèn ống bằng vải thô. Nhưng lão không hề hay biết có một khuôn mặt nào khác giống như khuôn mặt nầy: một khuôn mặt độc đoán, cởi mở và đôi mắt điên dại. Gerit Kixt hoảng sợ: vị Sa hoàng xứ Moskovi đã hiện ra trên kênh, trên một con đò tầm thường vào buổi sáng mù sương nầy. Gerit Kixt chớp lia lịa cặp lông mi đỏ hoe: đích thị là Sa hoàng rồi. Lão bèn gọi
- Ô hê, hoàng thượng Pite đấy à?
- Chào bác!
- Xin chào hoàng thượng Pite!
Những ngón tay thô cứng của Gerit Kixt thận trọng nắm lấy bàn tay vua Piotr. Lão nhìn thấy Alexaska:
- Ơ nầy, ngài đấy à? Thần cũng đương tự nhủ: ai như họ đấy mà… Các ngài sang Hà Lan thật là hay lắm!
- Sang đây cả mùa rét kia, bác Kixt ạ. Bọn ta sẽ làm thợ mộc tại các công trường đóng tàu. Ngay hôm nay ta sẽ đi mua dụng cụ
- Có thể mua dụng cụ tốt mà không đắt, ở nhà mụ goá Yakov Ohm. Thần sẽ nói với mụ ta một tiếng.
- Ngay hồi còn ở Moskva, ta cũng nghĩ là sẽ đến ở nhà bác đấy.
- Nhà thần chật chội quá, hoàng thượng Pite ạ! Thần nghèo, cái nhà kho của thần nát lắm.
- Nhưng chắc chắn là ở công trường, họ cũng sẽ không trả tiền công cho ta nhiều đâu.
- Thần thấy hoàng thượng vẫn hay đùa giỡn như xưa.
- Không, giờ không phải lúc đùa cợt nữa. Trong hai năm bọn ta phải đóng cả một hạm đội và từ những ngu xuẩn, chúng ta phải trở thành những người thông minh! Để cho trong nước ta không còn có những người nghèo xác xơ nữa.
- Pite, hoàng thượng dự định làm một việc tốt đấy!
Con đò cập bờ cỏ mọc tốt tươi, ở đó có một ngôi nhà gỗ nhỏ có hai cửa sổ, mái nhà bằng ngói đã sụt. Từ ống khói cao một làn khói nhỏ bay lên qua cành một cây phong cổ thụ. Dưới đất, trước cánh cửa vênh bên trên mầy cửa có đục một khung cửa sổ lắp chấn sông, là một tấm rơm bện sạch sẽ để đặt guốc vì ở Hà Lan người ta chỉ đi tất vào nhà. Một bà cụ già gầy gò đứng ở ngưỡng cửa, hai bàn tay thu trong cái tạp dề sạch sẽ, nhìn khách mới đến. Khi Gerit Kixt vừa vứt mái chèo xuống cỏ vừa gọi to bà ta: "Ô-hê, khách của nhà ta đấy, họ từ Moskva đến", thì bà cụ nghiêm trang cúi cái mũ hồ cứng xuống mà chào.
Ngôi nhà rất vừa ý vua Piotr: nhà vua ở gian buồng có hai cửa sổ, một gian nhà nhỏ tối tăm có một ổ rơm để nằm (cho nhà vua và Alexaska) và chọn cái kho để lúa dưới mái (cho Alioskavà Bitka); từ gian buồng leo lên đó bằng thang. Ngay hôm ấy Sa hoàng mua của mụ goá Yakov Ohm những dụng cụ tốt. Khi đẩy xe cút kít đựng đồ lề về nhà, vua Piotr gặp bác thợ mộc Renxen, một người đã làm việc ở Voronez một mùa đông. Lão Renxen béo phệ và hiền lành đứng sững lại, há hốc miệng ra rồi bỗng dưng tái mét mặt đi: cái anh chàng hồi tưởng lại một cảnh tượng khủng khiếp và tim lão đau nhói… Một hình ảnh sống lại trong ký ức lão: tuyết rơi, một ánh lửa cháy bập bùng và xác những người thợ Nga đung đưa theo chiều gió.
- Chào bác Renxen, - vua Piotr đặt xe xuống, lấy tay áo quệt mồ hôi trên mặt rồi chìa tay ra bắt - thế nào, ừ, ta đây mà… Bác khỏe mạnh chứ? Bác trốn khỏi Voronez là sai đấy… Bất đầu từ thứ hai ta sẽ làm việc ở công trường Lynx Roge… Hãy giữ mồm giữ miệng đấy nghe không! Ở đây, ta là Piotr Mikhailov.
Và ánh lửa cháy bập bùng ở Voronez lại lóe lên trong đôi mắt lồi của nhà vua đang nhìn chằm chặp.
 
Chú thích:
(1) Triết gia Đức nổi tiếng kiêm nhà toán học vật lý học, sử học và nhà ngoại giao (Chú thích của tác giả).
(2) Tiếng chào buổi tối (tiếng Đức)
(3) Tôi không biết nói (tiếng Đức)
(4) Rượu mạnh cất bằng lúa mì, lúa mạch.
(5) Một thứ bia.

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)