Gà gáy trong ánh rạng đông nhợt nhạt. Buổi sớm mai tháng hai nầy hình như còn tiếc giấc khi thức dậy.Những người gác đêm vướng víu trong vạt áo lông cừu, dọn những hàng rào di động tối qua họ đã đặt ngang các phố. Gió tạt xuống mặt đất làn khói của các ống lò: mùi bánh mì nóng toả ra các đường ngõ quanh co. Đoàn cảnh vệ kỵ mã đi qua, hỏi những người gác đêm: "Ban đêm có cướp phá gì không?" Họ trả lời: "Còn gì nữa, tụi ô lại lúc nhúc quanh đây"Moskva thức giấc một cách miễn cưỡng. Những người kéo chuông vừa lao xao trèo lên gác chuông vừa ca cẩm. Họ đợi cái chuông to ở gác chuông nhà thờ Ivan Veliki ngân lên tiếng đầu tiên đã. Những hồi chuông của tuần chay lững lờ, nặng nề vang đi trên các đường phố chìm đắm trong bóng tối. Cửa các nhà thờ mở cánh kêu ken két. Một thầy già nhấm nước bọt vào ngón tay, đi gạt tàn bấc những ngọn đèn thờ ngày đêm thắp sáng. Những người ăn xin, kẻ tàn tật, những kẻ hình thù quái dị, đi tới các nhà thờ, ngồi xuống thềm. Bụng trống rỗng, họ nhỏ tiếng chửi nhau. Hướng về phía khung cửa để ngỏ trông vào khoảng tối âm u lốm đốm chấm sáng ấm áp của các ngọn nến, họ làm dấu thánh, cúi rạp người xuống làm lễ.Một gã dở cười, chân không, lon ton chạy: người nó sặc mùi hôi thối, lưng để trần, đầu đầy mụn chốc từ mùa hạ. Trên thềm nhà thờ ai nấy đều kinh hoảng: con người của Chúa nắm trong tay một tảng thịt sống… Vậy là nó lại sắp nói lên những điều khủng khiếp đây: tin đồn xôn xao khắp Moskva. Nó ngồi chính diện trước cửa, cái mũi rỗ kẹp giữa hai đầu gối: nó đợi có đông người đã.Bây giờ phố xá đã sáng rõ. Cửa các nhà mở ra đóng vào chan chát. Những con buôn xuất hiện, thắt lưng nịt chặt quanh người. Họ mở cửa hiệu nhưng thiếu sự phấn chấn vui vẻ của thuở trước. Từng đàn quạ sài cánh bay dưới những đám mây đang bị gió xua dồn.Trong mùa đông, Sa hoàng đã cho đàn chim ăn no thịt sống. Quạ không biết từ đâu bay đến mù trời, phân của chúng làm ô uế tất cả các mái tròn. Trên thềm nhà thờ, bọn ăn mầy dè dặt nói với nhau: "Sẽ có chiến tranh và đói kém. Số đã định rằng triều đại giả mạo sẽ kéo dài ba năm rưỡi".Xưa kia, vào giờ nầy, khu buôn bán Kitai-gorod ầm ĩ tiếng kêu la huyên náo, người đông như nêm cối. Từ khu Zamoxkvoretsie, xe tải lúa mì đến từng đoàn; trên đường đi Yaroslav là gà vịt, củi đun; trên đường đi Mozaisk, những con buôn ngồi xe tam mã tới. Còn bây giờ thì người ta chỉ dỡ hàng của một, hai chiếc xe ngựa và người ta bán thịt ôi. Một nửa số cửa hàng khoá chặt cửa. Trong các xloboda và phía bên kia sông Moskva là cảnh điêu tàn. Ngay đến nhà của lính xtreletz cũng bị rỡ mái.Người ta bắt đầu xa lánh các đền thờ. Nhiều người xa rời tôn giáo; họ nói các cha cố đạo chính thống bị miếng ăn ngon cám dỗ, về hùa với những kẻ đã chém giết và treo người trong mùa đông nầy ở Moskva. Ở một nhà thờ nọ, cha cố đợi để bắt đầu làm lễ; rêu vểnh lên, ông ta gọi người kéo chuông: "Kéo chuông to lên, đồ ngu, kéo mạnh nữa lên!". Nhưng tha hồ cho đánh chuông, mọi người vẫn đi thẳng, không chịu làm dấu với ba ngón tay. Bọn razkonic nói: "Làm dấu với ba ngón tay có nghĩa là báng bổ. Chẽ ngón tay trỏ và ngón tay giữa rồi luồn ngón tay cái vào giữa". Thật là tục tĩu. Người ta đã biết kẻ nào đã dạy cách làm dấu báng bổ như vậy?Tuy nhiên các phố đã đông người: bọn tôi tớ các nhà quý tộc đại thần, bọn vô lại, bọn du thủ du thực ban đêm, bọn lảng vàng rình mò. Trước quán ăn có một đám đông đứng chờ mở cửa; người ta hít không khí: có mùi tỏi, mùi chả nạc. Từ phía bên kia sông Neglinnaia đi sang, những đoàn xe diễu qua chở đầy thuốc súng, đạn gang, đay và sắt. Trượt trên những vết bánh xe, đoàn xe xuôi dòng sông Moskva theo con đường đi Voronez. Bọn long kỵ binh, mặc áo lông cừu ngắn mới nguyên, đội mũ ngoại quốc - để ria mép, như thể họ không phải là người Nga vậy, - hò hét khản cổ văng ra những lời chửi rủa tục tĩu và giơ roi doạ nạt những người đánh xe. Dân chúng nói với nhau: "Bọn Đức lại đẩy Sa hoàng chúng ta vào chiến tranh. Nhà vua đã chè chén phè phỡn, ăn chơi ở Voronez với bọn đàn ông đàn bà Đức thật chẳng còn gì là liêm sỉ".Quán hàng mở. Chủ quán mà mọi người đều quen bước ra thềm. Đám đông sững sờ, không một ai cười: họ hiểu đây là một tai hoạ, mặt người chủ quán nhẵn nhụi, theo lệnh Sa hoàng người ta đã cạo mặt bác ta ngày hôm qua tại trụ sở hội đồng xã. Bác ta mím môi, như cố cầm nước mắt; quay mặt về phía năm nóc nhà thờ tròn và thấp gần đấy, bác làm dấu thánh giá và nói, nét mặt sa sầm: "Xin mời vào!".Bên kia đường phố, trên thềm nhà thờ, gã dở người bắt đầu nhảy chân chó, lắc lư miếng thịt ngoạm ở mồm. Mọi người ùa lại xem… Thật may mắn cho nhà thờ nào được thằng dở người chọn. Nhưng thời buổi nầy, cái đó cũng nguy hiểm lắm. Ở nhà thờ Xtaro-Pimen, người ta đã nuôi một thằng dở người như vậy; một hôm nó vào tẩm thất, bước lên giảng đàn lấy ngón tay làm sừng trên đầu rồi quát đám đông tập họp ở đó: "Các người hãy sùng bái ta, hay là các người không nhận ra ta chăng?". Binh lính tóm cổ thằng dở người cùng với cha cố và thầy già và dẫn cả ba đến Bộ Preobrazenskoe, tới dinh vương hầu chấp chính Fedor Yurievich Romodanovski.Bỗng mọi người kêu to: "Dẹp ra, dẹp ra!". Vượt cao trên đầu đám đông, những chiếc mũ cắm lông đỏ, những bộ tóc giả, những cái mồm cạo nhẵn rung rinh, lắc lư: bọn đánh xe. Đám đông dạt về phía hàng rào, trên những đống tuyết. Một chiếc xe trượt tuyết thếp vàng, có mui kín, cửa kính, phóng nước đại chạy qua.Một cô gái má đỏ chót ngồi trong xe, người cứng đờ như con búp bê gỗ; trên mái tóc chải hất lên, cô đội một chiếc mũ nỉ nhỏ có dải, dát đầy kim cương; hai cánh tay ủ kín đến tận khuỷu trong một cái túi bằng lông hắc điểu thử. Mọi người đều nhận ra con đĩ nầy: ả Anna Monx, nữ hoàng ở Kukui. Chiếc xe trượt tuyết chạy về phía dãy các quầy hàng. Ở đó, bọn con buôn đã xôn xao, cuống quít; chúng chạy đến trước xe trượt tuyết, trong tay ôm đầy nhung, lụa.Còn bà hoàng hậu chính thức, Evdokia Fedorovna, thì mùa thu năm nay ngay khi tuyết bắt đầu rơi, người ta đã đưa bà đến nhà tu kín Xuzdan trong một chiếc xe trượt tuyết bình thường để bà khóc hết những ngày tàn còn lại.