Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 134

Trong khi đoàn quân bại trấn trước thành Narva trở về Novgorod, nhiều binh lính đã bỏ trốn - người thì lên phía Bắc vào các tu viện razkonic, kẻ thì đi về phía các con sông lớn, miền sông Đông, phía bên kia sông Volga, miền hạ lưu sông Dniep… Cả Fetka Mõm bẩn, gã mugic lầm lì đã trải qua đủ mùi gian truân cũng bỏ trốn… Nếu không hắn sẽ có thể bị xử tử vì tội glết chết trung uý Mirsac - Hắn đã kéo cả Andriuska Golikov cùng chạy trốn: dù sao họ cũng đã cùng nhau làm nghề kéo thuyền trên sông Sesna, đã ăn chung một nồi trong một thời gian dài. Sau những ngày khủng khiếp ở Narva, Andriuska sẵn sàng đi bất cứ đâu miễn là người ta đừng bắt hắn lại cầm súng nữa.
Một đêm, tại một chỗ nghỉ, họ đã đánh cắp một con ngựa cái của trung đoàn, đem bán cho một tu viện lấy năm mươi kopeik rồi chia nhau tiền, bọc tiền vào những mảnh giẻ. Họ đi từ làng nầy sang làng khác, tránh các đường lớn; khi thì xin ăn, khi thì ăn cắp; trong sân nhà một cha cố, họ đã ăn cắp một con gà giò; tại nhà xã trưởng Oxtaskov, họ đã xoáy một bộ yên cương khảm bạc, đem bán cho một chủ quán. Hai lần họ đã cạy được hộp tiền quyên giáo ở nhà thờ, nhưng một hộp thì rỗng không, còn một hộp thì chỉ có mỗi một đồng kopeik.
Họ đã gặp chăng hay chớ sống qua mùa đông ở miền Vandai, trong nhưng ngôi nhà gỗ bị vùi sâu dưới tuyết. Nhà không có ống khói, khói làm trẻ em nhiễm độc. Kèm theo tiếng trẻ sơ sinh khóc thét trong nôi là tiếng gió đêm hôm gào thét bên ngoài… Thường khi, Andriuska Golikov, giữa đêm tỉnh giấc ngồi dậy hai tay ôm lấy đôi bàn chân để trần. Bên cạnh, trong một góc nhà, một con bê đang nhai lại trên đống rơm hôi thối đến lộn mửa. Người mugic nằm ngáy trên ghế dài. Vợ anh ta nằm co con tôm, ngủ trên mặt đất, trước lò. Bọn trẻ con nằm trên ổ, choáng váng vì khói, ú ớ trong giấc ngủ. Gián cắn đầu ngón tay và má đứa bé sơ sinh đang kêu trong nôi: u-a, i-a… Nó sinh ra làm gì? Tại sao gián lại nhấm tay nó? Bí hiểm…
- Mầy không ngủ à, Andrey? - Fetka hỏi, hắn cũng không ngủ, nằm nghĩ ngợi miên man.
- Nầy, Fedia, ta đi thôi!
- Đi à? Đi đâu hở thằng ngốc, đang lúc bão tuyết đêm hôm thế nầy?
- Tao chán lắm, Fedia ạ!
- Ở đây sao mà hôi thối thế, không thở được. Họ sống bẩn hơn súc vật. Đấy mầy xem lão chủ nhà ngáy. Khi đã ngáy no nê, hắn sẽ nốc hết một gầu nước rồi đi làm như một con ngựa, suốt ngày… Hôm nay, tao sẽ hỏi hắn - tất cả làng đều phải đi phu. Tên lãnh chúa trẻ đã vào quân dội, nhưng tên lãnh chúa già vẫn ở đây, trong lòng, đằng sau khe. Nó ở một ngôi nhà đẹp đẽ. Nó là một thằng già keo bẩn mà lại hay đánh người. Nó vơ vét hết cả của nông dân chỉ để lại cho họ có rau lê… Mà đám nông dân của nó đều ngu cả. Có được đứa nào thông minh, lanh lợi, là nó liền ném lên xe ngựa, đích thân đưa ra Vandai đem bán ở chợ.
- Nó đã trừ tiệt đám mugic thông minh: như vậy nó yên tâm hơn. Đến cả trẻ em ở đây sinh ra cũng ngớ ngẩn nhẫn nhục.
Andriuska vẫn ngồi vậy, tay nắm chặt đôi bàn chân để trần lạnh buốt, người lắc lư. Tất cả những điều Andrey đã chịu đựng trong hai mươi bốn năm ròng thừa đủ cho đời của mười con người. Hắn sống dai thật… Mà không phải nhờ ở thân hình gầy còm của hắn mà nhờ ở lòng khao khát thoát khỏi cảnh tăm tối, không gì dập tắt được. Như thể hắn len lỏi qua một rừng cây đổ gãy, qua những nơi khủng khiếp chầy da, tróc thịt, bụng đói meo, hết năm nầy qua năm khác, hết dặm nầy đến dặm khác - mà vẫn tin là ở đâu đó có một đất nước kỳ diệu, một ngày kia trên đường đời nhất định thế nào hắn cũng sẽ tới. Đất nước đó ở đâu? Đất nước đó như thế nào?
Ngay lúc nầy, lơ đãng ngồi nghe Fetka nằm bên cạnh trên ổ rơm đang nói, Andrey càng mở mắt đăm đăm nhìn vào đêm tối. Hắn nhớ tới, hoặc hình như trông thấy: một ngọn đồi xanh rờn, một cây phong cành lá rung rinh dưới ngọn gió ấm hiu hiu thổi… Ôi, khoan khoái làm sao! Nhưng cây phong đã biến mất.
Một bộ mặt, một bộ mặt hắn chưa hề trông thấy bao giờ, bồng bềnh tiến lại gần, sát ngay bên, mở mắt nhìn Andriuska, sống hơn cả một bộ mặt sống… Nếu Andriuska có sẵn trong tay một tấm ván, một chiếc bút vẽ và thuốc vẽ, hắn sẽ vẽ chân dung nầy… Nhưng bộ mặt mỉm cười rồi mờ đi… Trong làn sương mù màu lan nhạt, hắn tưởng như nhìn thấy một thành phố. Lộng lẫy kỳ diệu, ôi, một thành phố mới đẹp làm sao!
Nhưng tìm đâu thấy thành phố nầy, tìm đâu ra cây phong cành lá rung rinh, bộ mặt tươi cười, kỳ lạ?
- Sáng mai ta sẽ đi thẳng đến nhà chúa đất, ta sẽ kể chuyện lăng nhăng với lão ta, lão muốn nghe bao nhiêu thì ta cứ kể, còn lão sẽ cho ta ăn ở nhà bếp, - Fetka nói, giọng khàn khàn. Tại các nhà giàu có, Fetka bao giờ cũng bắt đầu bằng trận thảm bại ở Narva; hắn kể những chuyện đã xảy ra và những chuyện chưa hề xảy ra bao giờ; và nhất là hắn làm cho người nghe phải khóc. Có khi tên lãnh chúa, vì buồn, cũng vào bếp ngồi nghe, mặt rầu rầu, một tay chống má, khi kể đến chỗ vua Charles sau khi đã tàn sát vô vàn binh sĩ theo đạo chính thống, đã phi ngựa qua chiến trường như thế nào: "Mặt nhà vua trong sáng, tay trái cấm quyền ttượng, tay phải cầm một thanh kiếm sắc, mình mặc áo dát vàng dát bạc, cưỡi con ngựa trắng, hung hăng, bê bết máu người tới tận bụng; hai vị tướng dũng cảm cầm cương dắt ngựa… Và đây, nhà vua đang đi tới. Lẽ dĩ nhiên là tôi đang nằm với một viên đạn trong ngực… Bên cạnh tôi, quân Thuỵ Điển bị giết, chồng chất thành đống, như những túi hàng. Nhà vua tiến về phía tôi, dừng lại và hỏi các vị tướng: người nằm dưới đất nầy là ai? Các tướng trả lời: đó là một người lính Nga dũng cảm đã chiến đấu vì đức tin của đạo chính thống; một mình anh ta đã giết chết mười hai lính thủ pháo của ta. Nhà vua nói: "Anh ta đã chết như một anh hùng". Các tướng bèn nói: "Không, anh ta hãy còn sống, bị một viên đạn vào ngực". Họ đỡ tôi dậy, tôi cầm lấy khẩu súng và đứng nghiêm, đúng tư thế một người đứng trước mặt vua. Thế là nhà vua nói: "Hoan hô!" - và rút trong túi ra một đồng tiền vàng. "Nầy, - nhà vua nói - anh lính Nga dũng cảm hãy yên ổn trở về tổ quốc anh và nói với Nga rằng: đừng có chống lại Chúa, đừng có kiện cáo với người giàu, đừng có đánh nhau với người Thuỵ Điển".
Sau câu chuyện do Fetka kể, thế nào người ta cũng giữ hai gã ngủ lại ở bếp và cho ăn: chẳng sai lần nào bao giờ. Nhưng hiện nay, thật khó mà lọt được vào nhà kẻ giàu có. Người ta đã trở nên đa nghi, lúc nào cũng dè chừng. Số người bỏ trốn để tránh tòng quân và công việc phục dịch quân đội, phục dịch các zemstvo(1), mỗi năm mỗi tăng, họ trốn vào rừng đi ăn cướp lẻ tẻ từng người một, hoặc từng bọn… Có những làng chỉ còn lại các cụ già và trẻ con. Nếu hỏi họ, họ trả lời: anh nầy ở dội long kỵ binh, anh kia được mộ đi xây thành đắp luỹ hoặc bị đưa đi Ural, còn anh kia vừa đây còn đứng chủ một cửa hiệu ở chợ, được mọi người kính nể và biết sợ Chúa, thì bây giờ đã bỏ vợ, bỏ đàn con thơ, cầm chuỳ đứng rình người qua đường trong khe, bên bờ đường cái.
Đã nhiều lần, Fetka tự hỏi: theo bọn giặc đi ăn cướp chẳng phải tốt hơn ư? Fetka lý luận: làm gì, đi đâu? Không lẽ cứ lang thang dây đó mãi suốt đời, rồi cũng phải chán chứ… Nhưng Andrey không chịu nghe, hắn cứ khăng khăng: đi về miền Nam, hãy đi đến cùng trời cuối đất. Fetka vặn lại: "Được, thì đi, nhưng ở đó cũng vậy thôi, chẳng ai cho ta ăn không cả; ta sẽ phải làm đầy tớ cho bọn chủ trại Cô-dắc hoặc trở thành nông nô của một tên chúa đất, làm oằn lưng cho tên quỷ sứ đó. Còn như nếu đi ăn cướp một thời gian, chẳng bao lâu mỗi đứa có thể sẽ có một trăm rúp giấu trong lần lót mũ. Với số tiền như vậy, ta có thể đi buôn được. Bấy giờ thì chẳng thằng long kỵ binh nào, chẳng thằng lục sự nào, chẳng tên chúa đất nào có thể làm gì được ta, ta sẽ làm chủ cái thân ta".
Có một lần, hồi đó vào mùa hạ, hai gã đang ngồi ở cánh đồng, trong buổi hoàng hôn. Một làn khói nhỏ bốc lên từ đám phân bò khô đang cháy, gió rít uốn cong các thân cây. Andriuska ngồi ngắm cảnh chiều tà: chỉ còn lại một dải nhợt nhạt ở chân trời.
- Nầy Fedia, đây là điều tao muốn nói với mầy một lần cho trót… Một sức mạnh đang sống trong lòng tao, một sức mạnh hơn sức người… Tao nghe gió rít trong cành lá, và tao hiểu, tao hiểu rõ quá đón nỗi lòng tao đau như xé. Tao ngắm nhìn: đây là buổi chiều tà chạng vạng, buổi hoàng hôn, và tao hiểu hết, niềm vui và nỗi buồn trong lòng tao lớn đến nỗi tao những muốn bay bồng lên trời toả ra với ánh hoàng hôn đó. Ở quê tao, ở làng tao, có một gã dở người chăn ngỗng - Fetka vừa nói vừa cầm cành cây cời than đang tàn. - Nó cũng vậy, nó kể cho tao nghe những chuyện như thế, thật chẳng còn hiểu ra làm sao… Nó thổi sáo rất giỏi, sáo nó làm bằng ống sậy: cả làng đến nghe nó thổi sáo… khi ấy, người ta tìm nhạc công cho mồ ma Franx Lơfo ấy, mầy có tin thì tuỳ, người ta đã tuyển nó. Nầy Fedia, trước thành Narva, một nông nô của Boris Petrovich có kể chuyện tao nghe về một nước: nước Ý… Hắn nói với tao về những họạ sĩ bên đó. Hắn nói cho tao biết họ sống ra sao, làm việc như thế nào… Tao mong muốn làm một tên nô lệ hạng bét cho một hoạ sĩ như thế, tao sẽ nghiền thuốc vẽ cho ông ta. Fedia, công việc đó tao làm được… Tao lấy một tấm ván gỗ sồi nầy, đem xoa dầu nhờn rồi phết lên ván một lần nền… Tao nghiền thuốc vẽ trong những chén nhỏ, thứ thì hoà với dầu, thứ thì chế với trứng… Tao cầm lấy bút vẽ… - Golikov nói rất khẽ, tiếng nói của hắn không át được tiếng gió rít - Fedia, ngày bừng sáng rồi lại tắt, nhưng trên tấm gỗ của tao, ngày rực rỡ sáng mãi mãi… Đây là một ngọn cây, một cây phong, một cây thông, có gì là kỳ lạ? Nhưng hãy nhìn vào cây tao vẽ trên gỗ, mầy sẽ hiểu, mầy sẽ khóc…
- Thế nước đó ở đâu?
- Tao không biết, Fedia ạ… Phải đi hỏi thôi, người ta sẽ giải thích cho.
- Ừ thì đi có sao đâu… Thế nào cũng được.
 
Chú thích:
(1) Cơ quan hành chính địa phương ở Nga, do giai cấp quý tộc và các tầng lớp hữu sản bầu ra dưới chế độ Sa hoàng.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)