Đoán án kỳ quan là tên gọi chung một tập hợp những truyện phá án và xử án nổi tiếng nằm rải rác trong các sách cổ của Trung Quốc. nhất là ở hai triều đại Minh và Thanh. Về thể loại văn học, những truyện này được gọi là "tiểu thuyết công án". Tiểu thuyết công án ở Trung Quốc có nguồn gốc rất xa xưa, bắt đầu từ những ghi chép ngắn trong sử, truyện về sử có từ thời Tiên Tần, Lưỡng Hán (206 - 220). Tới tiểu thuyết bút ký trước đời Đường và đời Đường (618 - 907), tác phẩm về đề tài công án đã chiếm một tỉ lệ khả quan, để rồi chín muồi hơn ở truyền kỳ đời Đường. Sang đến đời Minh và đời Thanh. tiểu thuyết công án tăng trưởng rất mạnh về mặt số lượng. về chất lượng cũng được nâng cao rõ rệt. Tiểu thuyết công án không chỉ có trong các tập truyện ngắn nổi tiếng xưa nay như các tập Du thế minh ngôn, Cảnh thế thông ngôn, Tỉnh thế hằng ngôn (được gọi tắt là Tam ngôn), Phách án kinh kỳ, Nhị khắc phách án kinh kỳ (gọi tắt là Nhị phách). Tham hoán báo, Thập nhị lâu. v.v... mà còn có hẳn những tập truyện chuyên viết về đề tài công án như Bao Công án, Địch Công án. Long Đồ công án, v.v... Cho đến giữa đời Thanh, tiểu thuyết công án có thêm sắc thái mới, đó là hợp dòng với tiểu thuyết võ hiệp như các truyện dài ở Bành Công án, Tam hiệp ngũ nghĩa. v.v... Sự phát triển của tiểu thuyết công án cho thấy thể loại này ngày một có địa vị đáng kể trong văn học Trung Quốc. Từ nhiều mặt của cuộc sống, tiểu thuyết công án đã phản ánh cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt giữa cái ác và cái thiện, giữa tội ác và pháp luật, cho thấy tội ác dù tinh vi, xảo trá đến mức nào thì cuối cùng bị pháp luật trừng trị. Ở đó, đạo đức truyền thống của phương Đông như chính nghĩa, công bằng, nhân hậu, thật thà... luôn được đề cao, song vì là truyện cổ nên không tránh khỏi ảnh hưởng của tư tưởng nhân quả báo ứng, một tư tưởng mà trong thời kỳ chính quyền bất lực trước tội ác, thường được người dân bị cái ác ức hiếp lấy làm chỗ bám víu, an ủi. Khi đứng chung trong các tập truyện ngắn, tiểu thuyết công án thường bị chìm trong đề tài có tính chất bao trùm là phản ánh nhân tình thế thái, chỉ đến khi tách riêng chúng ra và tập hợp lại thành một bộ sách khác thì mới thấy loại truyện này viết ngày một lên tay, có cấu trúc hoàn chỉnh, nhiều tình tiết hấp dẫn được đan xen để dẫn tới nhiều khám phá bất ngờ thú vị. Trong truyện, trí xét đoán của con người dần dần được khẳng định và đề cao, dần dần đã thoát ra khỏi yếu tố nhờ quỷ thần, sức mạnh siêu nhiên giúp đỡ. Tiểu thuyết công án Trung Quốc từ lâu đã được bạn đọc nước ta đón nhận. Ngay từ đầu thế kỷ XX, mười bộ truyện với tên gọi khác nhau về đề tài xử án của Bao Công đã được dịch sang tiếng Việt; đến nay, nếu còn những truyện khác về Bao Công chưa dịch mà được dịch tiếp thì có thể nói chắc vẫn được bạn đọc nhiều lứa tuổi ở nước ta hoan nghênh. Dịch những truyện công án trong bộ sách này, chúng tôi muốn bạn đọc nước ta được thấy ngoài Bao Công án ra, tiểu thuyết công án Trung Quốc còn có nhiều truyện khác (chưa phải đã bao gồm hết) cũng ưu tú và hấp dẫn không kém. Chúng tôi bám sát lối văn tự sự của tác giả đương thời để bạn đọc nước ta còn có thể thấy lối miêu tả tỉ mỉ từng chi tiết và sự kiện trong truyện cũng từ lâu đã ảnh hưởng đến lối viết của một số nhà văn đầu thế kỷ XX ở nước ta. Tập truyện do hai người dịch nên văn phong, chữ dùng khác nhau là điều khó tránh, song chúng tôi không định thống nhất vì mỗi truyện là một câu chuyện riêng rẽ, bạn đọc có thể tùy ý thưởng thức. Tuy đã cố gắng hết mức, nhưng nếu còn sai sót, xin bạn đọc chỉ giáo. Các tác giả.