Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 12
Sáu Ngón Tay

Làm người phải luyện thành ngọc trắng,
Dối lừa thành cầm thú mà thôi.
Gây oan nhất định trời trừng phạt,
Gia tài khánh kiệt, chẳng cháu con.
 
Lẫm sinh(1) Đới Bình Hồ, người Lô Châu, là người vô cùng tàn ác, không ngay thẳng. Tuy học vấn uyên thâm, văn chương sắc sảo, song quen thói võ đoán, xúi bẩy người khác kiện tụng. Hơn nữa ông ta lại thích mùi vị đàn ông, làm nghề dạy học để kiếm ăn. Nếu nhà nào có con xinh đẹp là ông ta ỷ thế lừa dối để gian dâm. Người xưa thường nói rằng: "Thầy bất chính, thì học trò làm loạn". Bởi thế học trò bắt chước ông. Hằng ngày tại thư phòng, đứa lớn cưỡng dâm đứa bé, ông ta cũng mặc, ngay biết rõ mười mươi, ông ta cũng chẳng đánh mắng. Thế là trường Khổng Mạnh biến thành chuồng lợn. Hằng ngày ông ta nốc rượu say bét nhè như điên dại.
(1) Lẫm sinh: tên gọi sinh đồ thời Minh, Thanh ở Trung Quốc, được hưởng học bổng của châu, huyện hoặc phủ (ND).
Vợ ông ta là Lã thị, nhà nghèo, xấu xí lại nỏ mồm. Lúc ấy vào tháng Tư, nhà hết sạch, vợ gửi thư bảo chồng đưa tiền về đong gạo. Bình Hồ góp được hai quan tiền mang về nhà, nhận được tiền, Lã thị mừng ra mặt, nói:
- Mấy lần xin tiền, ông đều kêu không có, hôm nay sao lại có hai quan, ông lấy đâu ra thế?
Bình Hồ có tiền bèn lên mặt, nói:
- Bà không biết à? Số tiền này là từ "Thầy Khổng Tử nói: "Học thì phải luôn luôn luyện tập, thế chẳng vui sao"(l) mà ra đấy”. Đêm ấy Lã thị bèn đi dọn rượu cho chồng uống để tiêu khiển. Bình Hổ uống rượu say xỉn, Lã thị phải dìu vào phòng ngủ. Nằm trên giường lão thấy cồm cộm, lấy tay sờ, thì đó là hai quan tiền. Đang chếnh choáng say, gã bèn hỏi vợ:
- Bà bảo rằng, bà ở nhà không có tiền mua gạo, thế thì hai quan tiền này ở đâu ra?
Thấy chồng nói chữ, Là thị cũng bắt chước dùng câu bên dưới đó để trả lời:
- Ông biết à, số tiền ấy là "Có bạn từ phương xa tới, chẳng sướng lắm sao"(2) mà ra đấy.
(1) Nguyên văn là: "Tử viết: học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ". Đây là câu trích cuốn Luận ngữ của Khổng Tử. Ý của Bình Hồ là, tiền do dạy học mà có.
(2) Đây là câu "Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ" trích trong cuốn Luận ngữ của Khổng Tử (ND).
Bình Hồ phát khùng nói:
- Mày sướng, nhưng tao đau lòng?
- Có tiền mà ông không vui, thì đói cơm ông mới vui sao?
- Dù tao có chết cũng không chịu nổi cái loại ấy.
- Loại gì? - Vợ đáp. - Loại lợn hay loại chó!
- Mẹ mày chứ, - Bình Hồ nói, - mày là đồ lang chạ. Ông sẽ bỏ mày.
Hai người tiếng bấc tiếng chì, rồi đến cãi nhau. Bố chồng nghe thấy bèn hỏi:
- Nửa đêm canh ba rồi, mà hai đứa vẫn còn cãi cọ nhau?
- Cha không biết à, con đang uất lên đây, - Bình Hồ nói. - Thưa cha, hãy nghe con nói, vì sao con nổi khùng ư, con dâu cha không còn là người nữa, cô ta đã phản bội chồng đi ngoại tình làm những việc xấu xa, mất cả thể diện. Cô ta nói rằng có bạn từ phương xa tới, rồi còn bảo là rất sướng, có tiền tiêu càng thích. Cô ta còn chiêu con hãy chết đói đi, có tiền không biết tiêu. Con là loại người nào ư? Còn nhỏ đã đi học. Vào trường được cử là lẫm sinh. Ra khỏi nhà ai ai cũng kính trọng gọi là ông. Thế mà lấy một con vợ xấu xa như thế. Ở nhà mà còn đi gian dâm làm xấu danh tiên tổ. Con mang tiếng là kẻ bị cắm sừng, thế thì còn dạy học làm sao được, thôi thì bỏ quách nó đi cho xong. Chỉ hận một nỗi là không giết nó được, khỏi phải tức đến lộn ruột.
Lã thị nghe thấy thế, dở khóc dở cười, nói với bố chồng:
- Thưa cha, xưa nay chưa có chuyện ấy bao giờ. Anh ấy ham rượu chè, cứ say là nói lung tung. Anh ấy mang về hai quan tiền, con hỏi tiền ở đâu ra, thế là anh ấy tuôn ra những câu hủ lậu. Nói là "học thì phải luôn luyện tập". Làm gì có tiền mà biết với không biết. Con nhận tiền, gối xuống đầu giường, đêm về anh ấy vào phòng rồi ngồi lên. Anh ấy quên đi, thấy lạ, lại hỏi con tiền ở đâu. Con thấy anh ấy thích nói chữ, con mới dùng câu văn dưới đùa cho vui. Ai ngờ, nghe xong anh ấy đùng đùng nổi giận. Nhân lúc đang say rồi quay ra mắng chửi, làm con giận điên người. Anh ấy còn bốc lửa bỏ tay không, bảo con đi ngoại tình, nói là sẽ bỏ con. Rõ là đồ không biết xấu. Nếu không nghĩ tới tình vợ chồng, thì con đã vả cho rụng răng. Con khuyên anh ấy hãy bỏ rượu đi, để khỏi phải xấu lần nữa. Chừa rượu thì sẽ không điên loạn, người ta sẽ không còn gào bố mình lên mà chửi, sẽ không tổn hại đến thanh danh, lẫm sinh còn làm như thế thì người ta sẽ coi thường và khinh bỉ. Thôi hãy ngủ đi kẻo hàng xóm biết được thì chẳng ra gì cả.
Hằng ngày bố chồng cũng hay nói đùa, thấy con dâu nói thế ông chửi:
- Con nhóc này chẳng hiểu gì cả. "Người ta không biết tới mình, mà mình không giận, thì chẳng phải là quân tử sao?"(1) Nếu không có ai biết thì hai đứa chửi nhau mà làm gì?
(1) Đây cũng là câu trích trong cuốn Luận ngữ của Khổng Tử, nguyên văn như sau: "Nhân bất tri nhi bất uấn bất diệc quân tử hồ".
Bình Hồ thấy vợ nói thế, càng tức đẫy. Ngủ mãi tới sáng hôm sau, tỉnh rượu, vừa xấu hổ vừa tức giận, nghĩ rằng: ”Người đàn bà này chẳng tốt đẹp gì, nói cứ hay cãi bướng, từ nay trở đi ta đến trường chẳng thèm về nữa cho mày ở một mình, đêm đêm nằm không". Rồi gã mang đứa con bảy tuổi tên là Hà Sinh tới lớp học. Hà Sinh là đứa trẻ rất thông minh đĩnh ngộ, đọc sách làu làu, nhiều lần đi thi nhưng không đỗ.
Lã thị ở nhà, mấy năm liền không thấy chồng về, biết rằng chồng mình thích mùi vị đàn ông, tiền chơi chịu quá nhiều. Ở nhà không có tiền tiêu, bèn ngấm ngầm "trả miếng" chồng lấy tiền tiêu dùng.
Năm ấy Hà Sinh mười tám tuổi, Bình Hồ muốn cưới vợ cho con, bèn về nhà bàn với vợ, nhờ mối lái tới xin cưới. Người thông gia tên là Thiệu Quang Phục, cũng là một tú tài, gia đình lại khá giả ông là một người đức độ, và là một thầy đồ giỏi, hằng ngày Thiệu Quang Phục dạy dỗ và giảng cho học trò nghe về sự quả báo. Ông sinh được một người con gái xinh đẹp và đoan trang, tên là Tố Mai. Từ nhỏ Tố Mai đã đi học và được cha dạy dỗ, nên cô sống rất hiếu thuận. Quang Phục nhận được lễ xin cưới của nhà họ Đới, cũng chuẩn bị trang sức cho con đi lấy chồng.
Phong tục vùng này thường làm cỗ đưa dâu, trước khi về nhà chồng, đều mời họ hàng tới ăn cỗ. Hôm ấy Tố Mai đến mời bác, giữa đường gặp một người, anh ta cứ nhìn mình chằm chằm. Cô tức giận vội bỏ đi. Tới đêm hôm về nhà chồng, bạn bè thân thích dẫn chàng rể vào động phòng, rồi uống rượu vui chơi ngay tại phòng ấy. Cô dâu rót rượu mời mọi người rồi mới ra khỏi phòng. Hà Sinh đóng cửa đi ngủ, cô cũng định đi ngủ, thì thấy chồng đứng dậy mở cửa ra ngoài khá lâu, sau đó thấy có người vào đến ngay chỗ ngăn kéo tắt đèn, rút trâm cài đầu, cởi áo quần cho cô, rồi hai người dắt nhau đi ngủ. Gà gáy sáng thì chồng dậy ra ngoài.
Trời sáng, Tố Mai dậy không thấy đồ trang sức, vội tới hòm lấy chiếc khác, cô giật mình sinh nghi: "Hay là trộm? Nhưng mình có ngờ đâu?". Định hỏi chồng, nhưng không thấy chồng vào. Bỗng nghe thấy người bên ngoài nói:
- Ông Đới ơi! Không biết vì sao chú rể bị giết sau chuồng xí.
Vợ chồng Bình Hồ chạy ra xem, đúng là con mình thật, óc phọt ra, cổ bị cắt đứt, chỉ mặc chiếc áo lót, người đã lạnh cứng. Rồi gọi người khiêng vào nhà, nghĩ rằng: "Đời ta chỉ có một đứa con, nay đã chết, thì sau này ai hương khói. Vợ chồng ta biết dựa vào ai?". Bất giác lòng đau như cắt, khóc than thảm thiết:
Cha: - Con ơi! Con chết, cha đứt từng khúc ruột.
Mẹ: - Lòng mẹ đau như dao cắt.
Cha: - Con ta là đứa thông minh linh lợi.
Mẹ: - Ta chăm chút nuôi dưỡng con biết bao vất vả nhọc nhằn.
Cha: - Nó học thông minh, thơ văn đều giỏi.
Mẹ: - Khi thi bao giờ nó cũng xếp thứ mười trở lên.
Cha: - Năm nay nó sắp vào trường học.
Mẹ: - Ta đã cưới cho nó một người vợ đẹp. cha: - Cưới dâu về thì nó gặp tai nạn.
Mẹ: - Hai vợ chồng mới sống với nhau một đêm, thì nó đã thác rồi.
Cha: - Song không biết kẻ lòng lang dạ sói.
Mẹ: - Có thù hận gì mà nó giết con ta.
Cha: - Nó chết cứng đằng sau nhà xí, óc tóe ra ngoài.
Mẹ: - Đáng thương thay, nó bị cắt đứt cổ.
Cha: - Quần áo đẹp nó mặc vì sao không thấy.
Mẹ: - Nó đánh chết rồi mới cắt đầu, sao nó tàn ác thế.
Cha: - Đáng thương thay, cha năm mươi tuổi, đầu đã bạc.
Mẹ: - Thương thay, mẹ tuổi trời sắp hết.
Cha: - Thương thay nhà họ Đới không có người hương khói.
Mẹ: - Lúc hai năm mươi ai là người chôn cất?
Cha: - Thảm thương thay, kẻ đầu bạc chôn đứa con tóc còn xanh.
Mẹ: - Lúc tuổi già, con chết có ba điều bất hạnh.
Cha: - Ta nhìn con mà chẳng muốn rời.
Mẹ: - Ta gọi con mà chẳng thấy con thưa.
Cha: - Ta chỉ là chiếc cột mục ở Lô Châu.
Mẹ: - Ai là người che chở cho con.
Cha: - Con hãy trả thù kẻ hung bạo đã giết con.
Mẹ: - Con phải nghĩ cách để rửa hận cho con.
Cha: - Linh hồn con dưới âm ti đừng tán loạn.
Mẹ: - Phải bắt kẻ giết người đền mạng.
Thấy chồng chết, Tố Mai vội chạy ra. Cô gào lên khóc, nghĩ tới sự việc xảy ra đêm qua, đúng là chồng ra ngoài, bị trộm giết chết. Tên trộm đã đội lốt chồng hủy hoại danh tiết mình. Nếu không thì tại sao nó lấy quần áo và đồ trang sức!? Bây giờ chồng chết rồi, danh tiết cũng đã mất, ta còn mặt mũi nào mà sống trên cõi đời này nữa, thôi thì ta chết quách đi, xuống âm ti địa ngục tìm kẻ thù. Thế rồi cô cởi xà cạp bó chân ra treo cổ. Bỗng nhiên khách vào phòng nhìn thấy, vội vàng cởi ngay dây, đổ nước gừng. Vợ chồng Bình Hồ đang khóc con, lại nghe thấy con dâu thắt cổ, bủn rủn cả chân tay, cuống cuồng chạy tới Tố Mai dần dần tỉnh lại. Ông bà già khuyên rằng:
- Con trai ta đã chết, không thể sống lại được, tại sao con lại vội vã chết đi như thế, con phải bình tâm lại.
Nhân đó mới bảo rằng, đêm qua mất cả đồ trang sức. Vợ chồng Bình Hồ cứ gặng hỏi. Tố Mai khóc lóc nói rằng đêm qua, lúc chồng ra ngoài, tên trộm mạo danh chồng vào phòng ngủ với cô. Bình Hồ nói:
- Chẳng trách nào con dâu không muốn sống, làm cho ta càng uất ức.
Thế rồi ông lại hỏi:
- Tên trộm ấy như thế nào?
- Khi vào phòng thì nó tắt đèn ngay, - Tố Mai nói, - nên nhìn không rõ, chỉ sờ thấy nó có sáu ngón tay.
Bình Hồ nghĩ: "Chỉ có đứa học trò tên là Đinh Triệu Lân có sáu ngón tay, vậy là đúng nó rồi. Nó là một đứa học trò tốt, ai ngờ nó lại làm một việc không có luân thường đạo lý như thế". Rồi tức tốc đi hỏi nó ngay.
Đinh Triệu Lân, mất cha từ lúc còn nhỏ, được mẹ là Tào thị nuôi dưỡng thành người. Bà dạy bảo con rất nghiêm khắc. Bởi thế Đinh Triệu Lân là người cung kính khiêm nhường, nói năng lễ phép. Hơn nữa siêng năng học tập, thông minh đĩnh ngộ. Vì nhà giàu, mẹ kén chọn con dâu, nên mười tám tuổi vẫn chưa vợ con gì. Năm ấy tới học thầy Bình Hồ. Hôm cưới cũng ăn cỗ tại đây, bạn bè cũng rủ anh tới vui nhộn tại phòng cưới. Hà Sinh thân thiết với anh, dành cho anh một chiếc đùi gà. Thấy mọi người nói năng lỗ mãng, Đinh Triệu Lân không thích, im lặng chẳng nói chẳng rằng, chán ngán uống vài chén rượu, tự nhiên thấy buồn ngủ, rồi cáo từ lên giường trước. Tỉnh dậy thấy đau bụng, muốn đi đồng, lúc dậy lại không thấy đèn, trời tối đen như mực, mò tới nhà xí, trượt chân ngã, sờ thấy ướt, ngỡ là phân, ngửi không thấy thối, rồi lấy tay lau, không thấy mùi thối nữa, thế rồi anh mò về phòng, cứ để nguyên quần áo đi ngủ. Bỗng anh nghe thấy thầy gọi mới tỉnh giấc. Ngồi nhanh dậy, Bình Hồ thấy Đinh Triệu Lân, tay chân, quần áo dính đầy máu, tát luôn mấy cái, nói:
- Vì sao mày giết con tao, gian dâm với con dâu tao, tao bây giờ không có người nối dõi. Tao với mày chẳng còn tình nghĩa gì nữa.
Triệu Lân hỏi:
- Sao thầy lại nói thế, con không giết người, thầy đừng đổ bừa cho con.
- Mày không giết người à! - Bình Hồ nói. - Tại sao người mày dính đầy máu?
Triệu Lân nhìn xuống, hãi quá, trợn tròn mắt, ngớ người ra không sao nói được. Bình Hồ bảo mọi người trói Triệu Lân lại rồi giải lên châu, kêu oan.
Quan lập tức gọi Triệu Lân tới hỏi. Triệu Lân đã nói rõ việc đêm qua anh tới nhà xí, bị ngã, máu dính vào quần áo. Quan thấy người có vết máu, lại có sáu ngón tay, nghi cho Triệu Lân giết người, lệnh sai nha khóa tay, tống giam. Ngày hôm sau khám nghiệm, thấy nạn nhân chết là do đánh bằng gậy, đầu có ba vết thương, cổ bị cắt bằng dao con. Quan xem xét kỹ, thì thấy xung quanh tường không thấy đào ngạch, lập tức gọi cô dâu hỏi, sau đó trở về nha môn hỏi Đinh Triệu Lân rằng:
- Ngươi là đồ chó má, đã đi học sao không biết pháp luật, dám cả gan giết Hà Sinh, đội lốt chàng rể để gian dâm. Ngươi không biết tội của ngươi sao!?
- Thưa ngài, đèn trời soi xét. - Triệu Lân khai. - Thật là oan con quá, mong ngài thương tình. Từ tấm bé con luôn theo lời dạy bảo của mẹ con, sống ngay thẳng để vun trồng gốc rễ. Con cũng biết mắc phải điều tà dâm sẽ bị báo ứng nên vùi đầu vào việc học hành, không sống bừa bãi. Nhân thầy cưới vợ cho con, con đến chúc mừng nhân ngày cưới, bạn bè đều rủ con đến vui chơi. Thấy họ chơi trò đố rượu trong phòng, nói năng thô lỗ, con không quen sống như thế nên đi ngủ sớm. Khi tỉnh dậy thấy đau bụng, con vội tới nhà vệ sinh. Trời tối đen như mực, trượt ngã, khắp người bị lấm, con vội lấy tay lau, ai ngờ đó là vết máu, khiến con mắc tai họa.
- Đồ bố láo! - Quan nói. - Mày không giết người thì sao dưới đất có máu?
- Vì kẻ trộm giết người máu chảy ra đường, - Triệu Lân nói, - con không biết nên đã bị máu dây vào. Đó là sự thực.
- Rõ ràng là mày giết người, - quan nói, - đừng quanh co nữa, hãy khai mau, khỏi phải tra khảo.
- Trời ơi! - Triệu Lân nói. - Thưa ngài, nếu con giết người thì con phải chạy trốn chứ sao lại ngủ ở nhà cho người ta bắt? Hơn nữa đồ trang sức của cô dâu đã bị lấy sạch, thì rõ ràng là trộm chứ không phải là con.
- Ta cho rằng, - quan nói, - tất phải có kẻ tòng phạm, mang đồ trang sức đi, ngươi chối làm sao được.
- Nếu có kẻ tòng phạm thì cũng phải cùng nó chạy trốn chứ. - Triệu Lân nói. - Dại gì quay trở lại tiếp?
- Quay trở lại tiếp là vì mày định lập lờ đánh lận con đen, - quan nói, - hơn nữa cô dâu sờ thấy kẻ trộm có sáu ngón tay, điều này thì mày còn cãi sao được nữa.
- Trời ơi! - Triệu Lân nói. - Thưa ngài, trên đời này thiếu gì người có sáu ngón tay. Tại sao, vì ngẫu nhiên giống nhau lại vu cho con.
- Sáu ngón coi là ngẫu nhiên, vậy vết máu trên người mày cũng ngẫu nhiên à. - Quan nói.
- Con xúi quẩy, gặp vận đen, - Triệu Lân nói, - cũng như đất dây vào đủng quần thì làm sao mà biện bạch được.
- Đồ chó má, mày chỉ già mồm. - Quan nói. - Quân bay đâu hãy mau mau kẹp nó cho ta.
Triệu Lân nghĩ: "Kẹp ta đến nỗi hồn xiêu phách lạc, như lọt vào địa ngục Diêm vương. Nếu không khai thì quan lớn cứ tra khảo, mà khai thì sợ đầu lìa khỏi cổ. Đáng thương thay mẹ ta đã năm mươi tuổi rồi, người già, khí huyết suy kiệt, biết dựa vào ai đây. Chắc rằng từ nay trở đi ta không được về gặp mẹ nữa. Ta là đứa con bất hiếu, tội cao như núi". Không chịu nổi tra tấn, cực hình, Triệu Lân đành miễn cưỡng nhận tội đã giết Đới Hà Sinh.
- Vậy thì hung khí mày vứt đâu? - Quan huyện hỏi. - Hãy mau mau khai ra.
- Hung khí là chiếc gậy nhà anh ấy, - Triệu Lân nói, - còn chiếc dao rọc giấy cắt cổ, con vứt xuống sông.
- Kẻ tòng phạm, - quan hỏi, - tên là gì?
- Tên anh ta là Hồ Hữu Nhân, - Triệu Lân nói, - đã trốn rồi, xin ngài cho người đi bắt.
Khai xong, quan giam Triệu Lân vào ngục. Bọn phạm nhân biết nhà Lân giàu có, chúng lệnh cho bọn đàn em đánh đập. Triệu Lân nói:
- Các ông muốn đánh hay muốn tiền?
- Sao lại không cần tiền, - bọn chúng nói, - lễ vào ngục là không thể thiếu được.
- Đã bị đánh thì không đưa tiền. - Triệu Lân nói. - Người ta thường nói: kim không nhọn hai đầu. Đã chịu khổ mà lại đòi tiền, thì ai đưa.
- Có tiền thì mang tới. - Bọn tù nhân nói.
- Vài hôm nữa mẹ tôi tới, - Triệu Lân nói, - dù nhiều hay ít cũng sẽ đưa cho.
Bọn phạm nhân thôi không đánh đập nữa, cho người nói với mẹ Triệu Lân.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết