Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 6 (B)

Thấy trời đã muộn, Công Nhiên bảo Tử Nhân tìm chỗ nào ăn cơm, nay đã biết được tin thực rồi, hãy về nha môn ngay. Tử Nhân đáp:
- Chúng ta đi về thôi, về thành bẩm báo với ông lớn, kết thúc nhanh vụ án này. Đây cũng là công lao lớn của chúng ta.
Nói xong, lòng họ tràn đầy vui sướng ra về.
Thi Công từ cửa hàng ăn đi ra, đi theo người đàn bà, dò la về nguyên nhân bà đi kiện. Song thật uổng công, chẳng biết được gì thêm. Thấy trời còn sớm, về nha môn không tiện, ông nghĩ: "Sao ta không vào thành dò la xem sao, khi nào trời tối mới về nha môn...". Thế rồi ông rảo bước vào thành, thì gặp hai viên sai nha hớn hở đi tới. Từ xa Thi Công đã nhìn thấy hai người giả ăn mày, tự nhiên ông thấy thương họ: "Thôi hãy tránh vào một chỗ cho họ đi qua". Không ngờ hai người cũng đã nhìn thấy ông, bám theo ngay. Thi Công vào miếu, hai người cũng theo gót bước vào. Thi Công ngồi trên thềm, thấy không có ai, hai người vội bước tới, quỳ xuống nói:
- Bẩm ông lớn, bọn chúng con vâng lệnh ông, đã dò tìm được Cửu Hoàng và Thất Chư, hiện chúng đang ở chùa Liên Hoa. Chúng con còn dò biết Thất Chư là em nuôi của Cửu Hoàng, người Tô Châu. Trước đây họ gian dâm với nhau, rồi đưa nhau tới đây.
Nghe thấy thế, Thi Công đang buồn bỗng vui hẳn lên. Rồi ông hỏi:
- Vì sao lại gọi là Cửu Hoàng và Thất Chư?
Hai người nói:
- Hai đồ đệ của họ đã nói với chúng con, vì sau lưng sư phụ có chín mụn cơm bằng hạt đậu nên gọi là Cửu Hoàng. Còn trước ngực ni cô có bảy nốt ruồi đen, nên gọi là Thất Chư. Trong miếu còn có mười hai tên đầu gấu, hắn làm bất kể việc gì.
Nghe xong Thi Công trầm ngâm một hồi rồi lâu rồi nói:
- Trời đã muộn, hai người theo ta vào thành. Tối nay các người đến đường Chữ Thập theo dõi hành tung của tên ác tăng và ni cô dâm đãng ấy.
Nói xong đứng dậy. Hai người theo ông vào thành. Họ thấy đám đông bàn tán ồn ào. Có người nói:
- Quan huyện này tốt hơn quan huyện trước.
- Đừng có nhẹ dạ mà tin bọn nha dịch. - Có người nói thế.
- Tự mình đi dò la, thì ông quả là con người yêu thương dân.
Có người nói:
- Quan huyện thật là một người thanh liêm.
Trong đó có một người kêu lên:
- Các ông có im mồm hay không, đừng có nói càn. Cẩn thận không quan huyện nghe thấy thì no đòn.
Vì vụ án chưa xét xử được, Thi Công trà trộn trong đám đông nghe ngóng người dân bàn tán. Ngẩng đầu lên Thi Công thấy ánh đèn, người ồn ào chen lấn, nói:
- Đến rồi! Đến rồi!
Thi Công đang đứng trong đám đông, thấy một lễ đài - đài dựng đối diện với cửa am Quan âm - đài kết hoa bằng các tấm the màu, đèn lồng treo la liệt. Chính diện dựng một chiếc bục, một hòa thượng đang ngồi chễm chệ, mắt to, lông mày rậm, đầu đội mũ Phật, mình mặc áo hồng, mồm đọc kinh, tay bắt quyết. Những sư khác ngồi hai bên, nhìn kỹ thì không phải chỉ có sư nam, mà có cả sư nữ, họ ngồi bên đọc họa theo. Tuổi họ đều trạc trên dưới ba mươi. Vào tiết rằm tháng Bảy, trời vẫn oi bức nên người nào cũng đầu trần, mặc áo choàng qua vai, tuy nói là đọc theo, song trong đó có một người vẫn mặt mày hớn hở, liếc mắt đưa tình với gã sư dữ tợn. Cô ta cứ nghiêng nghiêng ngó ngó liếc ngang liếc dọc, Thi Công quay lại nhìn xuống dưới lễ đài. Ở chính giữa đặt một chiếc bàn cao, hai bên là hai chiếc ghế dài, mỗi bên có chín ni cô, cả thảy mười tám người đều mặc áo cà sa, đầu trần, đánh chuông gõ mõ. Họ đều trạc trên dưới hai mươi tuổi, cô nào cũng có vẻ lả lướt, lẳng lơ. Tuy không son phấn, nhưng đều răng trắng má hồng, trông tựa đào hoa. Họ đánh chuông gõ mõ, mồm niệm Phật, nhưng lại cứ nhìn trước ngó sau, mặt tươi như hoa sen chớm nở, chẳng có chút dáng dấp một người tu hành.
Thi Công xem xong, lặng lẽ gật đầu. Như thế chẳng trách nào chúng làm loạn Giang Đô. Vị ngồi chính giữa chính là Cửu Hoàng, còn trong đám ni cô không biết ai là Thất Chư. Nhìn kỹ người ngồi đầu bàn là một sư nữ trông rất lẳng lơ và là người xinh đẹp nhất, cô ta cũng đánh chuông gõ trống. Xem xong, Thi Công nói thầm: "Chẳng trách khiến lòng sư rối loạn!". Nghe xong ba hồi chuông trống, đã vào lúc canh hai, của bố thí cũng phát hết, dân chúng tản mát ra về. Thi Công nói với hai nha lệ:
- Duyên do Cửu Hoàng Thất Chư ta đã hiểu hết rồi. Ngày mai các anh không phải đến nha môn nữa, hãy trở lại chùa Liên Hoa, phải hết sức cẩn thận, dụ dỗ hai chú tiểu, hỏi cặn kẻ tình hình, và gốc gác họ tên của mười hai tên đạo tặc, rồi về nha môn báo lại, để ta định ra kế hoạch bắt chúng.
Hai người vâng lệnh, còn Thi Công nhân lúc đêm tối trở về nha môn.
Thi An đón Thi Công vào phòng, tắm rửa, thay quần áo. Cơm nước xong ông lên giường ngủ một mạch tới sáng hôm sau. Khi trở dậy rửa mặt, thay quần áo xong, ông bèn sai người đánh trống mở công đường. Thi Công ngồi oai vệ ở giữa, nha lệ đứng xếp hàng hai bên. Rồi với tay lấy hai tờ lệnh, gọi Vương Nhân và Từ Mậu. Hai người dạ ran, tiến đến trước mặt quỳ xuống. Thi Công nói:
- Ngươi hãy đến am Quan âm tại đường Chữ Thập mời ni cô Thất Chư, và đến chùa Liên Hoa ở ngoại thành mời Cửu Hoàng tới đây cho ta. Bản huyện muốn mời họ lập đàn cầu phúc.
Hai người vâng lệnh rời khỏi công đường.
Sau đó Thi Công lại quay xuống dưới bảo: đi mời Chấn Thủ phủ, và cử một số sai nhân chuẩn bị sẵn sàng.
Vương Nhân và Từ Mậu đi mời Cửu Hoàng và Thất Chư. Hai người cùng đi một đường, nên vừa đi vừa nói chuyện về quan huyện, thoáng một cái đã đến am Quan âm. Một người vào am. Thất Chư là một ni cô dâm đãng, đang trong am say sưa nghĩ tới cuộc làm tình mê đắm với hòa thượng Cửu Hoàng, bỗng nghe thấy tiếng chân bước, giật mình nghĩ: "Không biết ai thế? Chắc là thí chủ đến dâng hương". Thế rồi ni cô lên tiếng gọi:
- Tiểu ni cô.
Nghe thấy tiếng thưa, rồi tiểu ni cô bước vào, tươi cười nói:
- Thưa sư phụ, có việc gì cần sai bảo tiểu đệ!
Thấy ni cô hỏi, dâm ni cô nói:
- Ngươi hãy mau ra ngoài, xem có ai đến!
Tiểu ni cô vâng lời, vội chạy ra xem, thấy hai người đi tới, bèn hỏi:
- Hai ông từ đâu tới? Đây là nơi ở của sư nữ, sao các ông cứ sồng sộc vào như thế!
Hai nha sai thấy thế nói:
- Chúng tôi từ huyện đường tới. Ngươi hãy vào nói với sư thầy chúng tôi vâng lệnh quan huyện đến mời Thất Chư Cô Cô tới ngay nha môn lập đàn tràng cầu phúc.
Ni cô nhỏ nghe thấy thế, nói:
- A! Hóa ra các ông là sai nha. Xin các ông chờ một chút, tôi sẽ vào báo với sư thầy, rồi sẽ trở lại thưa với các ông sau.
Nói xong tiểu ni cô quay vào phòng, nói lại với Thất Chư. Nghe xong Thất Chư thấy khó hiểu, nói:
- Quan huyện mời ta hành lễ ư?
Rồi ni cô Thất Chư nghĩ: "Thi Công hoàn toàn không quan hệ với ta. Gần đây nghe thấy những chủ trại đã gây ra nhiều án mạng, ông ta đã biết rồi chăng? Nếu không đi thì với danh nghĩa là quan huyện, ông ấy sẽ trị cho. Nếu đi e rằng bất lợi". Ngẫm nghĩ một lát, Thất Chư chợt nghĩ ra một kế, thầm nghĩ: "Được rồi! Sao ta không lôi kéo dụ dỗ ông ta", rồi bảo ni cô nhỏ:
- Ngươi hãy ra mời họ vào đây gặp ta.
Tiểu ni cô nghe theo, ra mời hai vị sai nha vào phòng.
Thất Chư liếc mắt nhìn, hai sai nha áo mũ nai nịt, gậy gộc lỉnh kỉnh, tướng mạo như cú vọ. Thất Chư ngán ngẩm đành phải hỏi:
- Quan sai các ông tới đây có việc gì?
Ni cô dâng trà. Hai người nhìn thấy bủn rủn cả chân tay, hồn vía lên mây, dục vọng khó kìm. Ai ai cũng đồn rằng Thất Chư tuyệt đẹp, nay nhìn thấy mới biết lời đồn của quả không ngoa. Dâm ni cô hỏi họ tên hai người quan sai nha. Hai người nói:
- Chúng tôi vâng lệnh quan huyện tới đây mời sư thầy tới nha môn, thiết lập đàn tràng cầu mong phúc lành. Quan huyện phải mời bằng được sư thầy cùng đi với chúng tôi tới huyện đường là tốt nhất.
Nói xong nghẹo đầu nghẹo cổ tỏ vẻ lo lắng, nhưng lại cứ dán mắt nhìn ni cô. Thất Chư thấy vậy chửi thầm hai sai nha: "Đồ mặt dày đáng ghét, nếu không có phép vua thì lập tức đầu các ngươi sẽ rơi xuống đất. Không biết hôm nay Thi Công cho người tới mời là việc lành hay việc dữ, điều ấy khó mà đoán được. Ta nghĩ rằng, sinh mạng trong thành bị chết rất nhiều, hay ông đã đánh hơi thấy, chẳng sao mà biết được nữa. Nếu ông chưa biết được động tĩnh mà không đi thì càng bất lợi...". Trầm ngâm hồi lâu, Thất Chư quyết: "Nghĩ tới làm gì, thôi thì ta cứ tới xem sao. Dù có biển động thì bên ngoài đã có anh Cửu Hoàng và các chủ trại, hơn nữa, mình lại có thuật bay lên mái hiên, nhảy qua tường, lên ngựa múa đao thì sợ gì! Tức khí ta lên ngựa tới ngay Giang Đô, ra tay để chúng kinh hoàng. Gặp thì gặp, ngại gì". Nghĩ xong ni cô giả vờ tươi cười, nói:
- Thưa hai ông, có phải chỉ mời mình tôi hay còn mời ai khác tới huyện.
Từ Mậu nói:
- Có mời cả sư phụ Cửu Hoàng ở chùa Liên Hoa Cửa Bắc. Đi thôi quan huyện đang chờ chúng ta.
Thất Chư cười nói:
- Quan sai hãy nán lại một chút, chờ tôi thay quần áo cùng đi. Hai sai nghe thấy ni cô nói là cùng đi, họ rất mừng. Thất Chư thay quần áo mới trở ra. Hai sai nha thấy từ ni cô thoang thoảng tỏa ra mùi hương hoa lan. Họ nhìn kỹ, thấy ni cô thật đáng yêu, một lời không sao lột tả hết, khiến lòng họ cứ rạo rực, khó mà kìm nén nổi, và cảm thấy thèm khát vô cùng. Họ nói:
- Đi mau lên!
Thất Chư ra khỏi phòng, bảo tiểu ni cô đóng cửa. Tiểu ni cô nói:
- Con ra đây ạ!
Ni cô đi trước, hai sai nha theo sau, cùng ra khỏi am.
Từ Mậu cùng với Thất Chư trở về nha môn, bảo Vương Nhân ra khỏi thành đi mời hòa thượng Cửu Hoàng. Vương Nhân nhận lời đi ngay, không dám chần chừ. Ra khỏi cửa Bắc, chẳng còn lòng dạ nào nhìn quang cảnh quanh chùa, vội đi vào cửa ngách. Đang đi thì thấy Công Nhiên và Tử Nhân, Vương Nhân chợt giật mình. Hai người này đóng giả ăn mày đang quét dọn sân sau chùa. Vương Nhân buồn rầu định tới nói chuyện. Thấy Công Nhiên xua xua tay, Tử Nhân lắc đầu đau mắt. Họ sợ có người nhìn thấy, biết được cơ mưu, làm lộ tin tức. Vương Nhân nhanh trí gật đầu đi ra ngoài: Rất mừng là trong chùa không có ai nhìn thấy. Ba người lần lượt ra khỏi chùa, tới chỗ vắng, họ thuật cho nhau nghe về công việc của mình. Vương Nhân nói:
- Tôi được lệnh tới đây mời Cửu Hoàng về huyện đường.
Nghe thấy thế Công Nhiên và Tử Nhân giật thót mình, nói:
- Em hãy về ngay, mời Cửu Hoàng hoàn toàn không được đâu.
- Xin mong hai anh chỉ bảo. - Vương Nhân nói. - Em phải làm cách nào mới mời được Cửu Hoàng?
- Em ạ! - Công Nhiên nói. - Tên ác tăng này rất nguy hiểm, một đao hai gậy có thể đi trên không, vượt qua lầu gác như đi dưới đất bằng. Hiện ở đây đang tụ tập rất nhiều bọn cường đạo, đứa nào cũng võ nghệ cao cường, địch nổi hàng vạn người.
Nghe Công Nhiên nói, Vương Nhân cười nói:
- Anh không nên dọa tôi! Tôi đi lại cửa Lục Phiến, nếu không có bản lĩnh thì tôi làm sao dám xin vào làm việc ở cửa quan? Nay điều cốt yếu là phải mời cho bằng được hòa thượng Cửu Hoàng. - Rồi anh nói tiếp. - Chỉ có như thế thì mới gọi hắn đi được, xin hai anh cứ yên tâm.
Nói xong Trương và Anh đứng dậy vào chùa trước, lát sau Vương Nhân mạnh dạn bước vào chùa, gọi to:
- Chùa có ai không?
Thấy có một gã sư bước ra hỏi Vương Nhân:
- Ông từ đâu tới đây? Tới đây có việc gì? Hình như ông là sai nha của huyện phải không? - Gã sư ấy cười nói. - Xin mời ông vào phòng uống nước.
Vương Nhân theo sư vào chùa. Để họ mời trà xong, Vương Nhân nói:
- Nếu không có việc, thì tôi cũng chẳng tới đây làm gì. Tôi được lệnh của quan huyện, mời sư phụ Cửu Hoàng đến huyện lập đàn cầu phúc.
Sư nghe xong, cười nói:
- Xin ông ngồi chờ một chút, tôi vào thưa với hòa thượng trụ trì, rồi sẽ ra thưa lại với ông.
Nói xong người sư ấy đi vào, đến một phòng bí mật. Hòa thượng Cửu Hoàng đang chén chú chén anh với mười hai tên cướp, bỗng ngẩng đầu hỏi chú tiểu:
- Sao không ở ngoài canh cửa? Mày vào đây làm gì?
Chú tiểu nói lại lời Vương Nhân với Cửu Hoàng. Cửu Hoàng có phần bực bội, không vui nói:
- Mày bảo với nó là lát nữa ta ra gặp.
Chú tiểu vâng lời, ra khỏi phòng bí mật, gặp Vương Nhân nói:
- Sư phụ tôi sắp ra đấy.
Gã ác tăng nghe sai nha tới mời mình, nhìn bọn cướp nói:
- Các vị trại chủ, theo tôi nghĩ, Thi Bất Toàn sai người tới mời không biết là có ý tốt hay ý xấu. Chúng ta phải bàn xem, thì mới bảo toàn vô sự. Hơn nữa, nghe nói, lão ta có nhiều mưu ma chước quỷ, là con cáo lừa dối. Sợ rằng tới công đường sẽ bất lợi.
Thấy hỏi thế, bọn cướp nói:
- Tuy là những việc các ông làm rất ghê, song chúng tôi cho rằng có to gan đến mấy, chúng cũng không dám đụng tới ông. Bọn quan viên văn võ ở Giang Đô có gì đáng sợ. Nếu dứt dây động rừng, chiến mã tung ra sẽ làm cỏ cả Giang Đô này. Xin ông cứ đi gặp, ngại gì. Tùy cơ ứng biến, xúc cảnh sinh tình. Nếu lập đàn tràng thì ông cứ đọc kinh niệm Phật, chúng tôi sẽ đi lại bên ngoài nghe ngóng, hẹn trước với nhau thì còn sợ kẻ nào nữa? Hơn nữa ông anh có thuật bay lên hiên, vượt qua tường. Nếu có gì bất trắc, bọn em ở đây, tất cả sẽ ào đến, giết quan cướp kho, chém hết bọn chúng, thành này sẽ ra nước. Xong đâu đấy, chúng ta sẽ lên núi cao, quân quan làm gì nổi ta!
Tên ác tăng nghe thế rất mừng, nói:
- Các anh nói có lý. Các anh cứ ở đây, tôi đi trước xem thế nào. Nếu như chúng biết điều, cung kính thì ta sẽ nhận lời còn như kiêu căng ta đây là nha lệ, thì chúng sẽ biết tay ta.
Nói xong tên ác tăng đứng dậy, lảo đảo bước ra, quát tháo:
- Đứa nào mời ta đi cúng Phật? Ông Cửu này không cần tiền.
Thấy Cửu Hoàng hung ác, Vương Nhân nghĩ bụng: "Đúng như hai người nói, ta phải thận trọng mới được".
Vương Nhân thấy thế hỏi chú tiểu:
- Đây là sư trụ trì của chú ư?
- Vâng! - Chú tiểu đáp.
Vương Nhân thấy bực, vội tới chỗ ác tăng. Cửu Hoàng mắt lim dim, mùi rượu sặc sụa. Vương Nhân nhanh trí đến bên Cửu Hoàng vui vẻ hỏi:
- Xin kính chào đại sư phụ! Đại sư phụ có khỏe không?
Tuy uống nhiều rượu, nhưng Cửu Hoàng vẫn tỉnh táo, thấy sai nha chào mình, hắn mở mắt ra, đáp:
- Khỏe, còn ngươi thế nào?
Vương Nhân chửi thầm: "Một thằng côn đồ giở thói lưu manh. Thật đáng ghét". - Rồi lại nghĩ.- "Phải kìm nén, vì mình đến cầu nó, không được tỏ ra tức giận". Đành đáp:
- Con đâu xứng đáng được ngài hỏi thăm.
Gã ác tăng liếc mắt nhìn, nói:
- Anh là sai nha của huyện ư?
- Vâng ạ - Vương Nhân đáp. - Con được ngài quan huyện sai đến mời ngài tới huyện lập đàn tràng cầu phúc. Cho nên con mới dám tới làm phiền quý chùa.
Nghe nói thế, gã ác tăng không vui, nói:
- Anh bạn, anh ghê thật? Anh coi thường ta quá. Ta thiếu gì tiền, cần gì đến tiền đi cúng. Hãy về nói với ông lớn của anh, ta không đi.
Thấy thế Vương Nhân lo lắng. Làm thế nào bây giờ, thôi thì cứ chịu nhún với hắn xem sao. Bỗng ác tăng cười nhạt nói:
- Vô lý! Trong huyện Giang Đô, ngoài ông Cửu Hoàng này ra, lẽ nào hòa thượng chết hết cả rồi? Không phải ông Cửu Hoàng nói khoác, ngay đến ông trời mời, ta cũng không đi, huống hồ là Thi Bất Toàn, ông ta chỉ là một người thường thôi.
Nghe thấy thế Vương Nhân vội nhún mình cười nói:
- Ông lớn! Đừng nổi nóng! Ông lớn không đi thì con chết. Con về biết nói thế nào với quan huyện con. Nếu quan lớn không thương con thì con về quan huyện sẽ đánh chết tươi! Ông lớn là đệ tử của Phật, chỗ nào mà ông lớn không mở rộng từ bi, đó chẳng phải ông lớn làm điều thiện ư? Ông lớn hãy thương cho thân phận sai nha khổ sở này. Con cắn rơm, cắn cỏ van xin ông hãy cứu con. Xin ông lớn hãy lên xe Phật tới huyện thì con mới sống được.
Gã ác tăng ngồi trên ghế, đang giận dữ, nghe thấy sai nha một điều ông lớn, hai điều ông lớn, nói những lời xu nịnh, gã ác tăng thấy thế mỉm cười, chửi:
- Thằng bẻm mép, mày nói khiến ta không còn cách nào khác. Được rồi! Nếu ông lớn không thương mày, thì mày khổ.
Thấy ác tăng nhận lời, Vương Nhân nói:
- Thật là một đấng cứu tinh, xin đa tạ ông lớn, xin ông lớn lên xe tới huyện. Con có người đồng sự cũng đến am Quan âm mời vị ni cô Thất Chư tới huyện, cùng lập đàn tràng, họ đã đi rồi. Ta hãy đuổi theo, rồi cùng đến huyện, quan huyện thấy tới cùng một lúc chắc là rất vui.
Gã ác tăng nghe nói cả ni cô Thất Chư cũng tới huyện thì mừng ra mặt, hắn nghĩ thầm: "Cứ ngỡ là họ chỉ mời mình ta, ai ngời lại mời cả em Thất Chư. Nếu biết trước thì ta đã nhận lời từ lâu rồi. Ta cứ mạnh dạn đi ngại gì! Nếu Thi Bất Toàn không có ác ý, thành tâm mời ta, thì mọi chuyện sẽ bình yên vô sự. Thế rồi hắn nói:
- Anh hãy đợi ta một chút.
Gã ác tăng đi vào trong. Bọn cướp hớn hổ đón tiếp, hỏi rõ nguyên do, rồi lại chúc luôn. Sau đó hắn vào phòng thay quần áo đẹp, bí mật giắt theo binh khí phòng thân, từ biệt bọn cướp rồi bước ra, gọi:
- Sai nha! Ta đi thôi.
Vương Nhân dạ ran, rồi cùng gã ác tăng ra khỏi chùa. Thi Công đang lặng lẽ tính kế bắt Cửu Hoàng và Thất Chư thì sai nhân bước vào quỳ xuống nói:
- Ngài Thủ phủ Trấn của thành này đã đi ngựa tới. Xin lệnh của ngài.
Thi Công thấy thế xua tay nói:
- Biết rồi.
Thi Công vội đứng dậy ra sảnh đường đón tiếp. Hai ông tay cầm tay, nói tiếng Mãn Châu. Thi Công hỏi Thủ phủ Trấn:
- Ông anh có khỏe không?
- Cám ơn ngài, tôi vẫn khỏe. - Trấn Công trả lời.
Thấy sảnh đường đông người không tiện bàn bạc, Thi Công nói:
- Các ngươi không cần phải đi đâu, ta tiếp chuyện ngài Trấn rồi sẽ quay lại làm việc.
Tất cả mọi người đều vâng lệnh. Thi Công và Thủ Phủ vào nhà trong. Sau khi mời trà, Thi Công thấy xung quanh không có ai, nói:
- Hôm nay có ý mời ngài tới đây, phiền ngài hết sức giúp đỡ. Chỉ vì hiện nay những vụ án giết người do tên ác tăng và con ni cô dâm đãng cùng với bọn cướp gây ra chưa kết thúc. Hiện đã sai người mời Cửu Hoàng và Thất Chư tới huyện đường với lý do là đến lập đàn tràng cầu phúc, để lừa chúng tới huyện. Ngoài việc đó ra, hoàn toàn mong ngài giúp đỡ, thì đại sự mới xong được.
Thủ phủ Trấn đáp:
- Đương nhiên chúng ta phải hợp lực với nhau để bắt bọn chúng. Tôi xin cáo từ về nha môn, bí mật chuẩn bị điều khiển binh mã.
Thi Công tiễn Thủ phủ Trấn rồi trở về công đường. Ngồi trước án thư, ngẩng đầu thấy kẻ la người kéo. Người bị kéo mặt xám ngoét, áo rách toạc, cả hai đều quần nâu áo vải, dáng vẻ bình thường, trạc trên dưới bốn mươi, đến công đường, họ cùng quỳ xuống kêu van ầm ĩ.
Thi Công quát:
- Các người không hiểu gì cả, đến công đường kiện cáo, vì sau còn kêu toán lên. Hãy thong thả nói ta nghe, nếu còn làm ầm lên ta phạt ngay lập tức.
Hai người thấy thế không đám kêu to. Người này nói:
- Thưa ông lớn, con là Chu Hữu Tín, ông tổ con sống ở Giang Đô. Học hành từ nhỏ, cũng biết thế nào là lễ nghĩa. Hiện con đang buôn bán để kiếm sống. Vì con đến bến đò cất hàng, đi qua hiệu tiền đổi chín lạng tám bạc, tất cả có bốn thỏi. Chủ hàng đang cân, thì con thấy cậu con đi qua, vội vả bỏ bạc đấy đi đón cậu. Gặp cậu xong trở lại cửa hàng, thì anh ta đã giấu bạc của con đi rồi cãi xóa. Bởi thế con cáo giác, mong ngài soi xét.
Nói xong cúi rập đầu xuống đất. Thi Công hỏi người kia:
- Ngươi có mở hiệu tiền không?
Thấy hỏi, người kia khấu đầu thưa:
- Con là Lưu Danh Vĩnh, vốn người Từ Châu, chuyển gia đình tới Giang Đô mở cửa hiệu tiền để sinh sống. Đã hơn mười năm nay con chưa lường gạt bất cứ ai. Con chưa thấy mặt mũi đồng bạc của Chu Hữu Tín thế nào, thế mà hắn đổ oan cho con, rồi xé rách áo con. Người bên cạnh khuyên, hắn chửi bới ầm ĩ, rồi đòi con bốn thỏi bạc, cả thảy là chín lạng tám. Con không hề biết anh ta ở đâu. Vậy xin cầu mong ngài giải quyết công bằng. Nếu không cho dân làm chủ, thì e rằng hắn sẽ giở thói điêu oa mãi.
Lưu Vĩnh nói xong, hai hàng nước mắt oan khuất rơi lã chã. Thi Công nghe xong, trầm ngâm hồi lâu, nghĩ "Dân Giang Đô giỏi điêu oa lừa đảo. Việc này không có chứng cớ, thì xét xử rõ ràng sao được". Ông suy đi tính lại, mới nghĩ ra một kế, rồi mỉm cười gọi:
- Chu Hữu Tín! Ta hỏi ngươi. Trên đời này, đồng tiền liền khúc ruột, ngươi không cẩn thận để mất bạc, trước hết ngươi có tội, ngươi còn cáo giác gì nữa?
Người ấy tức quá gào lên. Thi Công ra vẻ giận dữ quát:
- Hãy lui xuống, lát nữa hỏi tiếp.
Chu Hữu Tín vâng dạ rồi lui xuống. Thi Công gọi:
- Lưu Vĩnh ta hỏi ngươi, quả thực ngươi không trông thấy bạc của anh ta ư?
Thực tình con không trông thấy bạc của Chu Hữu Tín. - Lưu Vĩnh nói. - Nếu như lương tâm con mờ ám thì cho trời chu đất diệt.
- Ngươi không trông thấy tiền thì thôi.: Thi Công gọi. - Nay ta bảo ngươi, nếu ngươi không nghe, ta sẽ xử tội nặng. - Rồi Thi Công lại nói. - Ngươi hãy lại đây nghe ta nói.
Lưu Vĩnh đứng dậy đến bên cạnh bàn quan ngồi. Vừa quỳ xuống, Thi Công vẫy tay, Lưu Vĩnh lập tức đứng vào bên cạnh. Thi Công cầm bút sơn, nói:
- Lưu Vĩnh đưa tay đây.
Lưu Vĩnh đặt tay lên bàn, Thi Công viết chữ "bạc", rồi đặt bút xuống, mỉm cười:
- Lưu Vĩnh nghe cho rõ: ngươi hãy tới ban công quỳ quay ra ngoài, ngồi im không được nghiêng ngó, chỉ nhìn vào chữ “bạc" trong tay. Nếu lau đi tí nào thì không những bắt ngươi phải bồi thường, mà còn phải phạt nặng.
Một lát sau, thấy người nha lại giải vợ Lưu Vĩnh hiệu buôn tiền đến quỳ trước công đường. Thi Công thấy người đàn bà này thanh nhã, không thô tục, bèn nói:
- Chồng ngươi còn thiếu mấy lạng bạc tiền công quỹ, anh ta bảo chị mang tới giao trả khoản nợ này. Có hay không, hãy nói mau.
Người đàn bà thấy hỏi thế, thưa:
- Ngài nói sai rồi! Phàm việc gì cũng đều do chủ, chồng con thiếu tiền thì lý ra phải đòi chồng con, chứ con làm gì có bạc mà trả. Con là gái khuê các, con nhà lành, sống thanh bạch, cớ sao lại cho gọi con, giơ mặt lên huyện gặp quan, khiến cho người đời chê cười. Người biết, nói là do chồng mà bị liên lụy. Người không biết, bảo con làm bại hoại gia phong. Chỉ sợ những người hàng xóm nói những lời bất nhã. Ngài là một quan huyện, là cha mẹ dân, làm quan không ngay thẳng mà lại rất hồ đồ, nhận tước lộc ban mà không làm được việc.
Thi Công thấy người đàn bà nói có lý, cảm thấy vui mừng, không nổi giận mà mỉm cười nói:
- Người đàn bà kia đừng có nói càn, người ta thường nói, làm bề tôi phải trung, làm con phải hiếu, quan thanh liêm thì nha lại phải nghiêm, trên có pháp luật, thì triều đình mới ổn định. Ngươi đừng kêu bừa, tất cả mọi việc đều có quỷ thần chứng giám. Ngươi hãy chờ chút nữa sẽ biết rõ, kẻ xấu xa, trời sẽ không dung thứ.
Nói xong, Thi Công gọi:
- Sai nha tới ngay ta nói nhỏ.
Rồi lại bảo:
- Người đàn bà kia, không cần phải nổi nóng nữa. Ngươi hãy nhìn ra ngoài ban công. Vì chồng ngươi còn thiếu bạc chưa giao, ta phạt quỳ tại đó. Chờ ta hỏi hắn trước mắt ngươi, ngươi nghe hắn nói xem có bạc không, ngươi đừng trách ta.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết