Từ khi Triệu Tương mắc oan, thấm thoát đã nửa năm. Tuy mấy lần thẩm vấn, song Phùng thị vẫn biệt vô âm tín, trở thành nghi án. Một hôm từ huyện đường về phòng giam Triệu Tương gặp Chu Thanh Hà. Chu Thanh Hà là người từng phụ trách kho lương thục của huyện, chỉ do một sơ xuất nhỏ đã phải vào ngục. Là người nghĩa hiệp, vốn coi khinh tiền bạc, quý mến bạn bè, ở nhà ngục mấy ngày Chu Thanh Hà chuyện trò với Triệu Tương rất tâm đầu ý hợp. Một hôm Triệu Tương mời Chu Thanh Hà uống rượu, Thanh Hà hỏi cặn kẽ vì sao anh phải chịu tội. Triệu Tương kể hết mọi chuyện, Thanh Hà ngậm ngùi nói: - Anh bị oan mà không sao tự gỡ tội cho mình, khiến tôi nghe mà nát ruột nát gan. Nói xong Thanh Hà cúi đầu trầm ngâm hồi lâu, rồi lại hỏi: - Có phải vợ anh họ Phùng, tên thường gọi là cô Bảy, cổ tay trái có một nốt ruồi không? Triệu Tương nước mắt rơi lã chã nói: - Vợ tôi đúng là con thứ bảy, tay trái có nốt ruồi, sao anh lại biết? Chu Thanh Hà vội cầm lấy chai rượu, rót một chén đầy đưa cho Triệu Tương, rồi nói: - Thế thì đúng rồi. Vợ anh còn sống, anh nhất định sẽ được tha. Tôi mừng cho anh. Triệu Tương mừng vui khôn xiết, nói: - Anh biết vợ tôi còn sống, xin anh chỉ giúp, đến chết tôi cũng không dám quên ơn. - Tôi có người bạn thân, tên là Thẩm Cầu Trọng, - Chu Thanh Hà nói, - sống ở huyện Thượng Hải, cách thành mười dặm, nơi ấy gọi là Trang Viên nhà họ Lý. Nửa tháng trước tôi tới đó được bạn khoản đãi, ở mãi tới khuya. Bạn tôi bảo: "Ở đây có một mỹ nhân, anh có muốn gặp không?”. Tôi hỏi người ấy đẹp thế nào. Bạn tôi bảo: "Người này không phải là hạng gái lầu xanh, mà là gái nhà lành. Họ Phùng, tên Nhị Nương. Chồng bị tạm giam, nay gửi thân ở trang viên Lý Tịnh Ngô. Nàng đang độ thanh xuân, sắc đẹp khuynh thành, cô ta đòi giá rất cao, nếu không phải là bạn tương tri thì khó mà gặp được". Mới nghe nói thế, tôi đã thấy xiêu lòng. Tối ấy chúng tôi tới đó thế rồi bạn tôi về, chỉ mình tôi ngủ lại. Đêm đến tôi thấy cô ấy khóc rồi nói rằng: "Thiếp họ Phùng, tên thường gọi là cô Bảy. Chồng là Triệu Tương. Lấy nhau vừa được một năm thì gặp tai họa, bị Tưởng Vân lừa đến đây, bức thiếp đi vào con đường này. Nếu chàng có thể báo tin được cho gia đình, thiếp không bao giờ dám quên ơn". Tôi thương cô gặp chuyện không hay, phải dấn thân vào vũng bùn. Tôi đã hứa là sẽ giúp cô. Không ngờ, sau khi về nhà, việc vận chuyển lương thực bận rộn, chưa dò hỏi ra, nay gặp anh trò chuyện, thấy sự việc khớp nhau. Quả thực cô ấy đúng là vợ anh, không còn nghi ngờ gì nữa. - Vợ tôi ở đấy, thì ta tính kế sao đây. - Triệu Tương hỏi. - Tôi sẽ viết đơn bẩm lên huyện cho anh. - Chu Thanh Hà nói. Sau nhờ thằng nhỏ Chu Hiếu làm chứng dẫn bắt, chỉ thiếu người đưa lá đơn này trình lên quan huyện thôi. Đang bàn soạn, thì Triệu Vân Sơn đến thăm. Triệu Tương nói hết chuyện cho bạn nghe. Triệu Vân Sơn vui mừng nói: - Người đệ trình đơn không khó, có thể giao cho Triệu Nguyên cháu tôi. Chu Thanh Hà lập tức viết đơn đưa cho Vân Sơn. Lại viết một bức thư dặn Kính Thừa ngay ngày hôm đó đem lệnh tới Thượng Hải. Lính hầu đi hai ngày, chỉ dẫn người quản trang viên Lý Thái trở về Tri huyện vặn hỏi tỉ mỉ. Lý Thái nói: - Ở trang viên của con không có Phùng thị, mấy tháng trước, gia chủ Lý Xuân Nguyên chỉ có một kỹ nữ Tô Châu tên là Mã Nhị Nương, cô ta ở được nửa tháng, rồi đi. Con cũng không biết cô ta hiện ở đâu, thì có lệnh của ngài gọi. Gia chủ con có gửi một bức thư dâng lên ngài, mời ngày tới chơi. Tri huyện tha Lý Thái về. Triệu Tương bị đánh hai mươi gậy, người làm Chu Hiếu cũng bị đánh mười gậy. Trở về nhà giam, Triệu Tương vô cùng đau khổ, khóc rống lên. Chu Thanh Hà cũng cảm thấy buồn, chẳng nói năng gì. Hơn một tháng sau, Chu Thanh Hà được tha. Khi từ biệt Triệu Tương, Thanh Hà nói: - Chỉ trong vòng năm ngày tôi quyết tìm ra sự thực, sẽ báo cho anh. Đúng như đã nói, tối ngày thứ sáu Thanh Hà tới nhà ngục, mặt mày rạng rỡ, nói với Triệu Tương rằng: - Vừa ra tù, tôi đến đó ngay, dò hỏi biết cô ấy đã thay chỗ ở, và cũng đã tìm thấy. Tôi vừa gặp Triệu Vân Sơn, hẹn anh ấy sáng mai cùng đi tố cáo. Tôi đến báo tin cho anh biết. Nay chỉ chờ vợ anh tới, sẽ đối chất minh oan. Triệu Tương nghe xong, hai hàng nước mắt chảy ướt đẫm gò má, nói: - Rất cám ơn anh đã nhiệt tình cứu giúp, tôi đâu dám quên ơn. Chỉ có điều kiếp tôi là kiếp chó, phải dấn thân nơi tù tội chẳng may vẫn không tìm đưa được vợ tôi tới đây, tôi không bao giờ dám phụ lòng tốt của anh. Nhung tôi sẽ bị đánh đến xương tan thịt nát. Chu Thanh Hà mặt tái đi nói: - Lần này tôi sẽ tự làm chứng dẫn đi bắt, nhất quyết không sai. Hơn nữa, tôi rất ái ngại cho vợ chồng anh, một người bị giam cầm, còn một người phải làm gái lầu xanh. Tôi đã không ngần ngại, bỏ cả công việc đi khắp nơi tìm ra sự thực, mà anh lại không tin tưởng ư? Triệu Tương vội quỳ xuống nói: - Được anh nhiệt tình giúp đỡ như thế, tôi thề sẽ làm chó ngựa để báo đền anh. Chu Thanh Hà ra khỏi nhà giam thì gặp Triệu Vân Sơn. Họ cùng mời Đổng Cận Tuyền tới chùa Phổ Chiếu bàn bạc, viết đơn cáo trạng. Các bị cáo gồm có ba người chủ mưu là Tưởng Vân, Lý Thái, Chu Thuận chủ nhà chứa chấp Phùng thị và ba người liên đới là Phùng Bá Nguyên, Phùng thị, Đổng Cận Tuyền là người láng giềng làm chứng. Triệu Nguyên vẫn là người đệ đơn như cũ; Chu Thanh Hà là người làm chứng dẫn đi bắt. Tất cả đã chuẩn bị xong, chỉ chờ bắt được Phùng thị, sau đó sẽ xét xử các phạm nhân. Chưa tới mười ngày đã bắt được Phùng thị. Ngay chiều hôm ấy tri huyện mở cửa công đường, giải tất cả phạm nhân tới. Trước hết quan huyện gọi Phùng thị đập bàn giận dữ quát: - Mày là kẻ dâm phụ, bỏ chồng trốn đi, cam lòng làm kỹ nữ, làm Triệu Tương phải vào tù. Khai ra sự thực, sẽ tránh được hình phạt. - Bẩm quan lớn! - Phùng thị nói. - Quả thực oan cho con. Đêm ấy con bị chồng đánh đập tàn nhẫn, cùng quẫn, muốn nhảy xuống giếng cho chết đi. Nào ngờ, vừa mở cửa sau đã thấy Tưởng Vân đứng bên tường nghe trộm. Thấy con ra, hắn bèn lôi con về nhà, nói rằng: "Có việc gì ghê gớm thế, đừng có nghĩ quẩn. Hãy theo tôi, tôi sẽ đưa đến một nhà người thân thích, ở tạm mấy hôm, chờ tôi khuyên can chồng cô nguôi giận rồi hãy về". Đang lúc cùng đường, con buộc phải nghe theo. Ngay đêm ấy, hắn gọi chủ thuyền là Phương Minh cùng vợ là Dương thị đưa con đến huyện Thượng Hải, sau rời khỏi thành xuống nông thôn, tới tá túc tại trang viên nhà họ Lý. Hôm sau Tưởng Vân đến trang viên, con muốn về nhưng hắn nói: "Chồng cô bị tố cáo vì tội ngỗ ngược bất hiếu đang bị giam trong nhà tù chờ ổn thỏa mới về được”. Sau đó gần nửa tháng, hắn cùng một người tên Tiền Tuyển tới, nói với con rằng: "Chồng cô bị trọng tội giam trong ngực, không có tiền đút lót, nếu được năm mươi lạng biếu quan thì có thể được tha. Tú tài họ Tiền là nhà giàu có nếu chịu nghe lời tôi mà kết giao thì chồng cô sẽ được tha, và cô cũng có thể được về". Lúc ấy con biết hắn lòng dạ xấu xa, kêu khóc van xin nhưng hắn không nghe. hắn lại mưu mô với Lý Thái, dùng gậy đánh con hết sức tàn nhẫn, bức con phải chịu ô nhục. Đến nay đã mấy tháng, chúng thực hiện mưu kế độc ác mà không cho con đồng nào. Quả đúng như thế, cúi xin quan lớn đèn trời soi xét. - Vợ chồng lục đục là việc thường của con người. - Quan huyện hỏi. - Vì sao phải tìm đến cái chết? Hơn nữa Tưởng Vân không liên quan gì, sao lại đứng sát tường nghe trộm. Mày hãy khai thực ra. Phùng thị lại khai rằng, từ khi Triệu Tương đi buôn xa. Tưởng Vân đã gian dâm với Vương thị, rồi lại bức mình hành dâm. Phùng thị khai rũ từ đầu tới cuối. Tri huyện bèn gọi Tưởng Vân, cười khẩy nói: - Mày là thằng xỏ lá. Đã gian dâm với mẹ con họ, lại thừa cơ dụ dỗ họ đi trốn, bức bách Phùng thị làm gái điếm. Mày là kẻ vô cùng độc ác, mày đáng tội chết. Nói xong tri huyện lại cho gọi Phùng Bá Nguyên hỏi: - Ngươi chưa rõ thật giả, sao lại tố cáo bừa về tính mạng con người. Ngươi có biết, vu cáo là tội nặng không? Theo luật đáng phải ngồi tù. - Xin quan đèn trời soi xét. - Phùng Bá Nguyên cúi lạy nói. - Cha con con không có điều tiếng gì. Tất cả đều do Tưởng Vân báo tin, xúi giục con đi kiện. Quan huyện gọi Triệu Tương lại nói: - Từ trước đến nay người đã bị đánh bao nhiêu gậy? - Con bị ông lớn ra ơn trừng phạt, bị đánh tất cả là một trăm linh năm gậy. Đã thế thì ta cũng không đánh thằng xỏ lá độc ác này nhiều hơn. Chỉ đánh một trăm linh năm gậy, bằng Triệu Tương. Lúc ấy Tưởng Vân tự biết mình mắc trọng tội, chẳng còn lời nào để tự thanh minh cho mình. Tuy là dũng mãnh hơn người, nhưng vừa đánh được bảy mươi gậy đã lăn ra chết. Tri huyện lại gọi Triệu Tương hỏi: - Vợ ngươi vốn thân đã ô nhục, danh đã nhuốc nhơ, anh muốn đoạn tuyệt hay đoàn tụ? - Nhà con đã khánh kiệt, mẹ con đã qua đời. - Triệu Tương nói. - Trước mắt không ai thân thích, xin quan cho được đoàn tụ. Tri huyện sai đánh Lý Thái, Chu Thuận, Phùng Bá Nguyên mỗi người mười gậy, định tội từng người. Rồi gọi Phùng thị nói: - Ngươi là đồ dâm phụ, lẽ ra phải đánh hai mươi gậy, nhưng nể tình chồng ngươi mà ta tha cho. Triệu Tương dẫn Phùng thị về, hàng xóm ai cũng tới an ủi. Khi nhắc tới Tưởng Vân, ai ai cũng nghiến răng nguyền rủa. Về sau Triệu Vân Sơn cho Triệu Tương vay hai mươi lạng bạc, mở cửa hàng bán bánh mì. Phùng thị hối hận lầm lỗi trước đây, chịu thương chịu khó giúp chồng buôn bán. Chưa đầy ba năm đã gom góp được mấy trăm lạng bạc làm vốn. Từng có thơ . rằng: Kết nghĩa ai ngờ thành nghiệp chướng, Phòng the lã chã lệ tuôn rơi. Nếu trời không diệt phường gian ác, Ngọc châu sao mất lại trở về. Vào một ngày mùa xuân, Triệu Tương đến Tô Châu mua hàng. Triệu Tương mời Chu Thanh Hà tới Hổ Khâu du ngoạn. Chu Thanh Hà tuổi đã gần bốn mươi, song vẫn quen đi lại nơi ngõ liễu đường hoa, tiêu tiền như rác, ngao du khắp nơi. Lần này đến Hổ Khâu, Thanh Hà mời Triệu Tương đến một nhà chứa. Chủ lầu xanh tên là Chư Tú, trong tay mụ chỉ có hai chị em: một người gọi là Lai Hương, một người gọi là Vân Sảnh. Tối ấy hai người đã bỏ ra một lạng bạc để làm chủ. Bốn người cùng ngồi, uống rượu tới gần sáng mới tan. Chu Thanh Hà đòi Vân Sảnh, Triệu Tương dắt Lai Hương về phòng riêng mây mưa, thỏa nỗi hận lâu nay. Triệu Tương và Lai Hương ở với nhau trong ba ngày. Triệu Tương mua hàng, chuẩn bị xong, nghĩ sáng hôm sau sẽ thoát khỏi cảnh này. Đêm ấy càng về khuya, sau khi mây mưa, Lai Hương khóc lóc nói với Triệu Tương rằng: - Chàng quê ở Tùng Giang, thiếp cũng là con gái nhà lành vùng đó. Thiếp rơi vào vũng bùn này đã hai năm, lúc nào cũng muốn hoàn lương, nhưng khổ một nỗi, không ai nương tựa. Nay, may được chăn gối với chàng, được chàng ân ái, nếu như chàng cứu ra khỏi vũng bùn nhơ này, thiếp xin nguyện suốt đời nâng khăn sửa túi cho chàng. - Nàng thuộc con gái nhà lành, song vì sao lại đến nông nỗi này? - Triệu Tương hỏi. - Nếu như muốn chuộc nàng thì phải mất bao nhiêu? - Thiếp họ Dương, tên là Xảo Cô. - Lai Hương đáp. - Chồng thiếp là Tưởng Vân, phạm trọng tội, bị quan huyện đánh chết ngay tại huyện đường. Cha mẹ thiếp đều đã qua đời, tai họa ập đến, tên độc ác ấy tham lợi đã bán thiếp cho Chư Tú. Một thương nhân ở An Huy muốn chuộc thiếp, nhưng Chư Tú đòi một trăm lạng, bởi thế mà không ra được. Nay thiếp đã góp được một nửa, nếu chàng có năm mươi lạng thì có thể đưa thiếp đi cùng. - Lần này tuy tôi có một trăm lạng thật, - Triệu Tương nói, - nhưng đã mua hàng hết rồi. Nàng hãy đợi chừng hơn tháng nữa, tôi sẽ tới bàn với nàng. Lúc chia tay, Lai Hương dặn đi dặn lại Triệu Tương, mong rằng chàng tới cứu nàng, rồi nước mắt giàn giụa, khóc nức nở, thật đáng thương tâm. Triệu Tương nghĩ thầm, quả là trời báo ứng, quyết không sai hẹn. Về tới nhà, anh nói ngay chuyện ấy với Phùng thị. Phùng thị cứ năn nỉ khuyên Triệu Tương chuộc nàng về làm thiếp. Sau đó Triệu Tương bàn với Chu Thanh Hà, Triệu Vân Sơn, họ vui mừng khuyên Triệu Tương nên chuộc nàng về. Hơn một tháng sau, Triệu Tương tới Tô Châu, bỏ ra hơn sáu mươi lạng bạc chuộc lại Xảo Cô. Từ đó Triệu Tương cùng Phùng thị và Xảo Cô sống với nhau rất hòa thuận. Mỗi khi nhắc đến Tưởng Vân, Xảo Cô vẫn còn oán hận. Về sau Phùng thị sinh được hai con trai, Xảo Cô sinh được một con gái. Tới nay vợ chồng họ sống vẫn bình yên.