Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 5
Bồ Tát Man(1)

(1) Bồ Tát Man: tên một điệu từ khúc.
Xưa nay trước
gió đèn phải tắt,
Danh lợi đôi đường chẳng dựa nhau.
Chỉ sợ làm sư mà không được,
Bởi vì sư cũng có hổ mang.
 
Năm Thiệu Hưng thời Tống Cao Tông, huyện Lạc Thanh, phủ ôn Châu, có một vị tú tài tên là Trần Nghĩa, tự Khả Thường, trạc hai mươi bốn tuổi. Dáng người khôi ngô tuấn tú lại thông minh, làu thông kinh sử. Thời Thiệu Hưng, ba lần đi thi thì cả ba lần đều trượt. Trần Nghĩa tới cửa hàng xem tướng ở Chúng An Kiều, phủ Lâm An xem số mệnh của mình. Thầy tướng nói:
- Cung mệnh có sao Hoa Cái, mà không có sao Quan, số phải xuất gia.
Thời còn nhỏ Trần Nghĩa từng nghe mẹ kể, khi bà sinh ra mình, bà nằm mơ thấy một vị La Hán đầu thai. Nay đường công danh trắc trở, lại nghe thấy thầy tướng nói thế, phẫn chí, trở về nhà trọ nghỉ một đêm, sáng dậy trả tiền, thuê người gánh hành lí tới chùa Linh ân xin với Ân Thiết Ngưu xuất gia tu hành. Vị sư già này làu thông kinh kệ, có mười đồ đệ hiệu là Ất, Giáp, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, tất cả đều rất thông minh. Trần Khả Thường được Thượng Tọa xếp thứ hai.
Năm Thiệu Hưng thứ mười, cậu của hoàng đế là Ngô Thất Quận vương, vào ngày mồng bốn tháng năm, trong phủ gói bánh chưng, Quận vương lệnh cho Đô quản:
- Ngày mai tới chùa Linh Ẩn đãi chay, các nhà sư hãy chuẩn bị thật chu đáo. - Đến sáng hôm sau, cơm nước xong, Quận vương xem qua đồ ăn, rồi lên kiệu. Dẫn theo Đô quản, Can biện, Ngu hầu, Áp phiên tới Tiền Đường Môn, qua Thạch Hàm Kiều, Đại Phật Đầu, tới chùa Linh ẩn, Sơn Tây. Trước hết đưa giấy báo cho nhà chùa biết, sư cụ dẫn các nhà sư đánh chiêng trống đón Quận vương vào chính tẩm dâng hương. Sau đó mời Quận Tương về phòng khách. Sư cụ đưa các sư tới chào và tiếp trà, xếp hàng đứng hai bên. Quận vương nói:
- Hằng năm vào ngày mồng năm tháng năm, ta thường cho mang bánh chưng tới chùa thết chay các nhà sư. Hôm nay ta tới chùa bố thí theo thường lệ.
Nhà chùa đưa lên cúng Phật một mâm bánh chưng to. Các nhà sư đều trở về các phòng. Quận vương dạo chơi ngoài hành lang, thấy trên tường có bốn câu thơ
Nước Tề từng có Mạnh Thường Quân
Nước Tấn, Chấn Ác thật kiên cường.
Chỉ có riêng ta là vận hẩm
Muốn tới thầy, bói quẻ xem sao.
Thấy bài thơ Quận vương nghĩ, "Bài thơ này có ý oán hận, không biết ai đã làm". Trơ về phòng khách, sư cụ trụ trì bày yến khoản đãi. Quận vương hỏi sư cụ:
- Trong nhà của sư cụ có ai giỏi làm thơ không?
- Cảm ơn Quận vương, - sư cụ đáp - bản tự, sư khá đông, cả thảy có mười đồ đệ, đó là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, đều biết làm thơ.
- Hãy gọi họ tới đây cho ta. - Quận vương nói.
- Đa tạ Quận vương. - Cụ sư trụ trì nói. - Hôm nay chỉ có hai người ở chùa, còn tám người kia đều xuống các làng khuyên giáo.
Giáp và Ất đến gặp Quận vương. Quận vương bảo Giáp:
- Ngươi hãy làm một bài thơ xem sao.
Giáp xin Quận vương ra đề. Quận vương ra đề là bánh chưng. Giáp đọc:
Bốn góc vuông vuông mình lạt buộc,
Lục ục trong nồi đảo mấy vòng.
Nếu như được gặp Đường Tam Tạng,
Xem ra người cũng phải lột trần.
Quận vương nghe xong cười phá lên:
- Hay, hay lắm, song vẫn thiếu mầu sắc văn chương.
Sau đó ngài bảo Ất làm một bài. Ất xin đề, ngài vẫn ra đề bánh chưng. Ất đọc:
Bánh thơm Đoan Ngọ tế Khuất Nguyên
Trai tăng nay được kết lương duyên.
Cả chùa được hưởng chăng có biết,
Ai người từng vất vả đầu tiên.
Quận vương rất vui nói:
- Hay, rất hay.
Rồi hỏi Ất:
- Bài thơ viết trên tường có phải ngươi làm không?
- Đa tạ Quận vương, chính con làm ạ!
- Ngươi đã là bài thơ ấy, thì ngươi hãy giải thích ta nghe.
- Nước Tề có Mạnh Thường Quân, sinh vào ngày mồng năm tháng Năm. - Ất nói. - Đã nuôi ba ngàn thực khách. Nước Tần có đại tướng Vương Trấn Ác, ông ấy cũng sinh vào ngày mồng năm tháng Năm, song lại nghèo khổ cùng cực, bởi thế con làm bốn câu than vãn.
- Ngươi quê ở đâu? - Quận vương hỏi.
- Con là người huyện Lạc Thanh, phủ Ôn Châu, - Ất nói, - tên là Trần Nghĩa, tự Khả Thường.
Quận vương thấy Ất tài năng xuất chúng, đối đáp lưu loát trôi thảy, bèn cất nhắc Ất. ông sai ngay người giúp việc tới Tăng Lục ty phủ Lâm An xin một tờ chứng nhận sư, rồi làm lễ cắt tóc Ất làm sư, lấy pháp danh là Khả Thường, trụ trì trong phủ Quận vương. Tới chiều Quận vương mới trở về.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới thoáng qua mà đã một năm. Tới ngày mồng năm tháng Năm, Quận vương lại tới chùa Linh Ẩn đãi chay các nhà sư. Sư cụ trụ trì dẫn Khả Thường và các nhà sư vào tiếp Quận vương tại phòng khách, và dọn cỗ chay khoản đãi. Quận vương gọi Khả Thường tới bảo:
- Ngươi hãy làm một bài từ nói về bản thân mình. Khả Thường cảm ơn Quận vương rồi đọc một bài từ theo điệu Bồ
Tát Man:
Đương triều đời ta không gặp vận,
Tới nay ta đã được đền bù.
Năm nay Đoan Ngọ tới,
Ngày trai tăng đợi chờ.
Chủ nhân ân nghĩa trọng.
Hai lần chịu ơn sâu.
Thanh tịnh làm tăng lữ,
Sống nhàn nhã thảnh thơi.
Quận vương rất vui mừng, tiệc tan trở về phủ đường, đem theo Khả Thường về yết kiến Lưỡng Quốc phu nhân. Ông nói:
- Hòa thượng này người ôn Châu, tên là Trần Nghĩa, ba lần thi không đậu, bởi thế thoát tục đi tu tại chùa Linh Ẩn. Ta thấy anh ta làm thơ hay, bèn làm lễ cắt tóc phong sư đã được một năm, pháp danh là Khả Thường, nay ta đưa về phủ bái kiến phu nhân.
Thấy thế phu nhân rất vui. Lại thấy Khả Thường thông minh thật thà chất phác, người trong cả phủ đều vui mừng.
Quận vương và phu nhân bóc bánh chưng mời Khả Thường, rồi bảo Khả Thường làm bài từ về bánh chưng, vẫn là điệu "Bồ Tát Man". Khả Thường cảm ơn, rồi xin giấy bút viết:
giữa nếp thơm vuông bốn góc
Dao cắt, tơ mầu sao mà sắc,
Rượu xương bồ tràn chén.
Nhân dịp Đoan Ngọ hàng năm,
Chu nhân ân nghĩa trọng
Ta mang nặng ơn người.
Bao giờ lên chơi núi,
Hoa quỳ lác đác phai.
Quận vương thấy thế rất vui, cho gọi Tân Hà Thư, hát bài từ của Khả Thường. Tân Hà Thư có đôi mắt thanh tú, da trắng nõn nà, đôi môi đỏ thắm, dáng vẻ khoan thai uyển chuyển. Tay cầm phách ngà, đứng trước bàn tiệc, tiếng hát du dương thánh thót ai ai cũng hết lời khen ngợi. Quận vương lại bảo Khả Thường làm một bài từ về Tân Hà Thư, vẫn theo điệu Bồ Tát Man. Khả Thường cầm bút viết:
Dáng người thon thả.
Lời ca dứt, vẫn còn vương vấn
Tiếng trong trẻo lạ kì, vẫn còn lởn vởn bụi trần bay.
Nhờ ơn chủ, trong bữa tiệc được gặp khách hồng quần
Chỉ tiếc vừa thoáng cái đã phải chia tay.
Quận vương vô cùng thích thú. Tới tối tiệc mới tan, Khả Thường trở về chùa.
Tới ngày mồng năm tháng Năm năm sau, Quận vương lại tới chùa Linh Ẩn thết cơm chay, không ngờ trời đổ mưa như trút Quận vương không đi được bảo Viện Công:
- Ngươi hãy đi mời cơm chay các nhà sư, rồi đưa Khả Thường cùng về phủ chơi.
Viện Công vâng lệnh tới chùa Linh Ẩn, nói với sư cụ trụ trì, Quận vương dặn mời Khả Thường về phủ. Sư trụ trì nói:
- Gần đây Khả Thường mắc bệnh tim, không ra khỏi trai phòng. Tôi cùng ông tới thăm Khả Thường một chút.
Viện Công cùng sư cụ trụ trì tới phòng Khả Thường. Khả Thường nằm trên giường nói với Viện Công:
- Xin cảm ơn Quận vương, tôi bị bệnh tim, không đi được, tôi có một bức thiếp nhờ ông trình lên Quận vương giúp cho.
Viện Công nhận lời, mang tờ thiếp về phủ. Quận vương hỏi:
- Tại sao Khả Thường không tới?
- Thưa Quận vương, Khả Thường gần đây đau tim, không tới được. Nhờ con dâng lên ngài một phong thư, chính tay Khả Thường bỏ vào phong bì rồi dán lại.
Quận vương mở phong thư ra xem, thấy một bài từ theo điệu Bồ Tát Man.
Năm ngoái được thưởng rượu xương bồ
Năm nay tại trai phòng nằm co.
Việc đời sao rắc rối,
Khiến người phải bó tay.
Xin cảm ơn người.
Tim con đau nhói,
Nếu gặp Tân Hà,
Chắc rằng bệnh khỏi.
Quận vương lập tức cho gọi Tân Hà hát bài từ này. Bà quản gia thưa:
- Bẩm Quận vương, gần đây Tân Hà mi mắt sụp xuống, mắt lờ đờ, ngực nở bụng to, không đi lại được.
Quận Vương đùng đùng nổi giận, sai người đưa Tân Hà tới Ngũ phu nhân xét hỏi. Tân Hà khai:
- Con gian dâm với Khả Thường nên đã có mang.
Ngữ phu nhân tâu trình lên Quận vương. Quận vương đùng đùng nổi giận:
- Trách nào trong bài từ của tên đầu trọc ấy có câu: "Được gặp Tân Hà chắc rằng khỏi bệnh". Nó không phải mắc bệnh tim mà là ốm tương tư! Nay nó xấu hổ không dám tới phủ.
Quận vương liền sai người nói với phủ Lâm An, cho người tới chùa Linh Ẩn, bắt sư Khả Thường. Sư cụ trụ trì đành phải dọn cơm rượu và đưa cho sai nha ít tiền. Người ta thường nói: "Phép quan như lò lửa", ai dám dung tha. Khả Thường thoái thác không được đành phải gắng gượng dậy, theo sai nha về phủ Lâm An. Quan phủ lên công đường xét hỏi.
Nha lệ đứng hai hàng,
Khả Thường run cầm cập.
Diêm vương phán tử hình,
Đông Nhạc toát mồ hôi.
Quan hỏi:
- Ngươi xuất gia tu hành, Quận vương đã ưu đãi ngươi như thế tại sao lại làm điều vô đạo đức. Hãy khai mau.
- Hoàn toàn không có chuyện ấy. - Khả Thường nói.
Phủ Doãn không nghe lời phân trần của Khả Thường, quát:
- Hãy đánh chết nó đi!
Sai nha lôi Khả Thường đánh, đến nỗi rách da toạc thịt, máu tươi chảy lênh láng. Khả Thường nói:
- Quả thật con không gian dâm với Tân Hà, bất chợt con chỉ có ý nghĩ xấu thôi, thực tình là như thế.
Xét hỏi, tra khảo, thì Tân Hà vẫn khai như trước. Phủ Lâm An tâu trình lời khai của hai người lên Quận vương. Quận vương vốn định giết Khả Thường, song vì có tài năng văn chương không nỡ ra tay, bèn giam Khả Thường vào ngục.
Thượng tọa trụ trì chùa nghĩ: "Khả Thường là một hòa thượng có đức hạnh, hằng ngày không ra khỏi chùa, chỉ tụng kinh niệm Phật tại chùa. Ngay hôm được Quận vương mời tới dinh nửa ngày, chưa tối đã về, không nghỉ tại phủ đường, thì gian dâm làm sao được?". Ông thấy hết sức băn khoăn, vội vàng vào thành, tới chùa Truyền Pháp, mời vị sư cụ trụ trì Cảo Đại Huệ cùng tới phủ xin tha cho Khả Thường. Quận vương ra nhà khách mời hai vị dùng trà. Quận vương nói:
- Khả Thường vô lễ! Hằng ngày ta đối xử như thế mà anh ta dám làm điều bất lương.
Hai vị Thượng tọa quỳ xuống van nài:
- Tội của Khả Thường chúng tôi không dám biện bạch, chỉ cầu mong Quận vương rủ lòng thương, tha thứ cho Khả Thường.
Quận vương xin hai vị Thượng tọa trở về chùa. Ngày mai sẽ lệnh cho phủ Lâm An xử lí nhẹ việc này.
Thượng tọa chùa Linh ẩn nói:
- Cảm ơn Quận vương. Việc ấy lâu rồi sẽ sáng tỏ.
Quận vương thấy nhà sư trụ trì chùa Linh ẩn nói thế không vui đi vào nhà trong không ra nữa. Thấy Quận vương không ra, hai vị Thượng tọa bèn ra khỏi phủ đường. Hòa thượng Cảo Đại Huệ nói:
- Chắc rằng Quận vương giận vì cụ nói "lâu rồi sẽ sáng tỏ" nên không ra nữa.
- Khả Thường là người có đức hạnh, thường ngày không làm việc gì sai trái, không ra khỏi chùa, suốt ngày chỉ ngồi tụng kinh trước Phật đài. Ngay cả hôm Quận vương mời tới phủ đường thì nửa ngày đã về, chẳng ngủ qua đêm ở đâu thì gian dâm vào lúc nào. Nhất định Khả Thường bị oan cho nên tôi nói "lâu rồi sẽ sáng tỏ".
- Nghèo không chọi nổi giàu, hèn không địch được sang, nhà sư làm sao có thể tranh luận phải trái với Quận vương. Âu đây cũng là nỗi oan nghiệp kiếp trước, vả lại Khả Thường được xử lí nhẹ là được rồi.
Nói xong hai người trở về chùa.
Hôm sau Quận vương sức giấy tới phủ Lâm An, xử lí nhẹ đối với Khả Thường và Tân Hà. Quan phủ doãn thưa với Quận vương: "Chờ khi nào Tân Hà đẻ sẽ xử lí". Quận vương lệnh phải xử lí ngay. Quan phủ đành phải thu hồi giấy công nhận sư, đánh một trăm trượng rồi tha về chùa Linh Ẩn, đuổi về nhà lao động. Đánh Tân Hà tám mươi gậy đuổi về nhà tại huyện Tiền Đường, truy hoàn một ngàn quan tiền về Vương phủ.
Hòa thượng đón Khả Thường về chùa, hầu hết các nhà sư đều khuyên Hòa thượng không nên cho Khả Thường ở chùa, như thế sẽ làm ô uế thanh danh cửa Phật. Hòa thượng nói với các sư rằng:
- Việc này ta vẫn băn khoăn, nhưng lâu rồi sẽ rõ.
Hòa thượng sai người làm sau chùa một gian lều cỏ cho Khả Thường nghỉ ở đó, tới khi nào lành hẳn vết thương sẽ cho về quê hương.
Quận vương đuổi Tân Hà về nhà, truy hoàn một ngàn quan tiền. Cha mẹ Tân Hà nói với con:
- Ta không có tiền, con tích góp được ít vốn nào thì đem trả Vương phủ.
- Thật đáng tiếc con đã làm cho hòa thượng Khả Thường chịu oan khuất! Con đã tư thông với Đô quản, thấy con có mang, ông ta sợ sự việc vỡ lở, nói rằng: "Trước mặt Quận vương cứ khai là đã gian dâm với hòa thượng Khả Thường. Quận vương yêu quý Khả Thường, nhất định sẽ tha cho em. Ta sẽ cung đốn nuôi dưỡng cả nhà, và cho tiền chi tiêu”. Đô Quản đã hứa như thế thì cha cứ đến hỏi ông ta, đòi tiền tiêu dùng và lấy tiền trả Vương phủ. Con đã bị ông ta lừa, trước ông ta nói thế thì bây giờ chối sao được. Nếu như ông ta lừa dối trở mặt, thì cũng chẳng làm gì được con, bố mẹ cứ đưa con tới Vương phủ, con sẽ khai thực với Quận vương, thì có thể xóa tội cho hòa thượng Khả Thường. - Nghe con gái nói thế, cha mẹ tới phủ Quận vương, nói với Đô quản. Đô quản cuống lên chửi:
- Đồ đê tiện! Đã già mà còn ngu! Không biết thế nào là liêm sỉ. Con gái ngươi gian dâm với hòa thượng, quan đã xét xử rồi thế mà còn lừa dối, đổ cho người khác. Ngươi thiếu tiền trả cho con, không sao được lại ranh mãnh đổ cho ta để gỡ thế bí, giá mà xin ta thương tình cho ngươi một vài quan tiền thì còn nghe được. Đằng này ngươi lại nói những điều vô căn cứ, người ta nghe thấy thì ta trở thành mặt mo à!
Đô quản mắng chửi một thôi một hồi rồi bỏ đi, lão Trương đành ngậm đắng nuốt cay về nói với con gái. Tân Hà thấy cha nói thế, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nói:
- Cha mẹ cứ yên tâm, ngày mai con sẽ cho hắn biết tay.
Hôm sau, Tân Hà cùng với bố mẹ tới phủ Quận vương kêu oan. Quận vương lập tức sai người gọi vào, thì đó lại là cha mẹ của Tân Hà. Quận vương quát mắng:
- Con gái ngươi phạm trọng tội, tại sao còn đến kêu oan!
- Thưa Quận vương, - lão Trương nói, - con gái con vô phúc, gây ra việc này, khiến cho một người bị mắc oan, cầu mong ngài xét xử.
- Ai bị oan? - Quận vương hỏi.
- Con không biết, xin ngài hỏi con gái con sẽ rõ.
- Con hèn hạ ấy đâu?
- Thưa ngài nó đang đang hầu ngoài cửa.
Quận vương gọi vào hỏi rõ ngọn ngành. Tân Hà vào phủ đường quỳ xuống. Quận vương hỏi:
- Ngươi là đồ đê tiện, làm việc vô đạo đức, ngươi còn bảo ai bị oan.
- Thưa Quận vương, - Tân Hà nói, - con gian dâm, song đã đổ oan cho hòa thượng Khả Thường.
- Cớ sao lại đổ oan cho Khả Thường? Hãy nói mau, ta sẽ tha cho.
- Con gian dâm, không có liên can gì đến Khả Thường.
- Tại sao trước đây người nói thế?
- Con bị Đô quản lừa dối. Khi con có mang Đô quản sợ bại lộ, bảo con rằng "Nếu việc bại lộ, nhất thiết đừng khai ta ra, mà nói là gian dâm với Khả Thường. Vì Quận vương yêu quý Khả Thường, nhất định sẽ tha cho".
- Mày là đồ đê tiện, - Quận vương nói, - tại sao lại nghe theo hắn làm hại hòa thượng Khả Thường.
- Đô quản nói là, nếu cô vô sự thì ta sẽ nuôi cả nhà cô, nếu như phải hoàn trả tiền cho Quận vương thì ta sẽ bỏ ra. Nay con phải về nhà, Quận vương đòi trả lại tiền, con không sao lo được, đành phải đòi tiền ông ta trả cho Vương phủ. Bởi thế cha mẹ con đến hỏi tiền, ông ta đã vô cớ đánh chửi cha mẹ con. Nay con xin khai thực để Quận vương rõ, con xin chết trước mặt Quận vương.
- Trước đây Đô quản hứa nuôi gia đình ngươi thì có gì làm chứng?
- Thưa Quận vương, khi Đô quản hứa, sợ ông ta lật lọng con đã cầm tấm thẻ bài đỏ làm tin.
Quận vương thấy thế đùng đùng nổi giận, dậm chân quát thét:
- Đồ đê tiện! Đã làm cho Khả Thường phải chịu oan.
Thế rồi Quận vương báo cho phủ Lâm An bắt Đô quản tới sảnh đường xét hỏi, Đô quản phải khai ra sự thực, bị đánh tám mươi gậy, đày tới đảo Sa Môn. Tân Hà về nhà, không phải hoàn lại một ngàn quan tiền. Quận vương sai người tới chùa Linh Ẩn, đòi hòa thượng Khả Thường tới dinh Quận vương.
Hòa thượng Khả Thường sống tại lều cỏ, vết thương đã lành, ngày mồng năm tháng Năm lại đến. Khả Thường lấy bút mực viết một bài từ về đời mình:
Sinh vào ngày Đoan ngọ
Làm hòa thượng ngày Đoan ngọ
Mắc tội ngày Đoan ngọ
Vì đời trước Tân Hà mắc tội.
Nếu ta không nhận
Tân Hà sẽ chịu khổ đau.
Nay việc đời đã rõ,
Ta hãy về nơi cõi Phật.
Mồng năm tháng Năm vào giờ ngọ
Lời kia tiếng nọ hết sạch rồi
Mồng năm tháng Năm, thanh thiên bạch nhật
Lời kia tiếng nọ đã hết rồi.
Làm xong bài từ về cuộc đời mình, Khả Thường ra khỏi lều cỏ ở đó có con suối, Khả Thường ra suối tắm rửa sạch sẽ, về lều cỏ ngồi xếp chân bàn tròn viên tịch, rồi sai người nói cho Thượng tọa biết. Thượng tọa dùng chiếc khám của mình, đặt Khả Thường ngồi vào, rồi khiêng lên đỉnh núi. Thượng tọa đang định châm lửa, thì thấy người của phủ Quận vương tới đòi Khả Thường. Thượng tọa nói:
- Ngài hãy về nói với Quận vương, Khả Thường đã hóa rồi. Tôi đang định châm lửa, thì Quận vương cho người tới đòi, nay tạm dừng, xin chờ lệnh Quận vương.
Người ấy nói:
- Sự việc oan khuất nay đã được sáng tỏ, Khả Thường là người vô tội. Quận vương cho tôi tới đòi, nhưng Khả Thường đã viên tịch. Tôi sẽ về bẩm với Quận vương, nhất định ngài sẽ đích thân tới xem châm lửa.
Người ấy về ngay Vương phủ, tâu trình lại sự việc và dâng bài từ của Khả Thường lên Quận vương. Quận vương rất đỗi kinh ngạc. Hôm sau Quận vương cùng Lưỡng Quốc phu nhân tới chùa Linh Ẩn tham dự lễ thiêu hóa Khả Thường. Các nhà sư mời Quận vương tới núi sau chùa, chính tay Quận vương và phu nhân đốt hương. Quận vương ngồi xuống. Thượng tọa cùng các sư đọc kinh xong, sau đó tay châm lửa, miệng đọc kinh:
Bánh chưng Khuất Nguyên còn thơm dẻo,
Thuyền rồng sao nỡ vội bỏ di.
Từ nay cắt đứt trần duyên nợ,
Chẳng cần kiếp sau lại kết duyên
Kính cẩn bái lạy hòa thượng Khả Thường viên tịch:
Mồng năm tháng Năm giờ tốt
Ai tắm nước hoa lan
Bánh chưng tắm vàng xương bồ, giát ngọc
Cần biết “diệu pháp hoa"
Niệm kinh Đại thừa
Tay không chạm Tân Hà,
Chịu mang tiếng bẻ hoa.
Nay đà sáng tỏ
Hát “Khúc Dương Quan”.
Hôm nay mồng năm tháng Năm,
Sao đã vội về Tây Trúc
Tịch diệt trở về cái không,
Quản chi ngày giờ độc.
Các sư trong chùa đều đến cả,
Hiến dâng hương nến
Soi tỏ tam muội(1)
Để thấy rõ cái chân thật vốn có,
Ôi! Hát hết khúc Bồ Tát Man,
Xuôi tay trở về cõi Phật.
(1) Tam muội: tiếng dùng của nhà Phật (dịch từ tiếng Phạn: samàdhi) có nghĩa là làm cho tinh thần yên tĩnh, dứt bỏ mọi ý nghĩ. Là một trong những phương pháp tu hành của đạo Phật. (ND).
Trong ánh lửa người ta thấy Khả Thường chào từ biệt, cảm ơn Quận vương, phu nhân, thượng tọa và mọi người.
- Chỉ vì kiếp trước ta còn nặng nợ, rời bỏ kiếp này. Nay ta trở về tiên cảnh, không bao giờ trở lại cõi nhân gian nữa. Ta là Thường Hoan Hỷ Tôn giả, một trong năm trăm vị La Hán.
Đúng là:
Xưa nay đạo trời đều sáng tỏ.
Xấu tốt lâu rồi cũng rõ ra.
Ai ơi, hãy gắng làm điều thiện,
Tích đức thì sau được đáp đền.

Truyện Đoán Án Kỳ Quan Lời Giới Thiệu Tập 1 - Chương 1 (A) Chương 1 (B) Chương 2 (A) Chương 2 (B) Chương 3 (A) Chương 3 (B) Chương 4 (A) Chương 4 (B) Chương 4 (C) Chương 5 (A) Chương 5 (B) Chương 5 (C) Chương 6 (A) Chương 6 (B) Chương 7 (A) Chương 7 (B) Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 17 (C) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 18 (C) Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 24 (C) Chương 25 Chương 25 (B) Tập 2 - Chương 1 Chương 1 (B) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 3 (C) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 5 (B) Chương 6 Chương 6 (B) Chương 6 (C) Chương 6 (D) Chương 6 (E) Chương 7 Chương 7 (B) Chương 8 Chương 8 (B) Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 20 Chương 20 (B) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 22 Tập 3 - Chương 1 Chương (B) Chương 1 (C) Chương 2 Chương 2 (B) Chương 2 (C) Chương 3 Chương 3 (B) Chương 4 Chương 4 (B) Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 9 (B) Chương 10 Chương 10 (B) Chương 10 (C) Chương 11 Chương 11 (B) Chương 11 (C) Chương 12 Chương 12 (B) Chương 12 (C) Chương 13 Chương 13 (B) Chương 14 Chương 14 (B) Chương 15 Chương 15 (B) Chương 16 Chương 16 (B) Chương 17 Chương 17 (B) Chương 18 Chương 18 (B) Chương 19 Chương 19 (B) Chương 20 Chương 20 (B) Chương 20 (C) Chương 20 (D) Chương 20 (F) Chương 21 Chương 21 (B) Chương 21 (C) Chương 21 (D) Chương 22 Chương 22 (B) Chương 23 Chương 23 (B) Chương 24 Chương 24 (B) Chương 25 Chương 25 (B) Chương 26 Chương 26 (B) Kết